Tuesday, October 16, 2018

817. MANG VIÊN LONG Truyện ngắn BÓNG MÂY CUỐI CHIỀU.

Photo by Phạm Cao Hoàng, Fox Valley, 15 October 2018

      Tặng những bà mẹ bất hạnh.

     Thạc đẩy cửa, bước vào - liếc nhìn vào giường bà Sửu đang nằm, giọng lạnh lùng:
     -Mẹ sao mà nằm hoài vậy?
     -Tao hơi mệt, nằm chút rồi dậy.
     -Lúc nào cũng nghe bà kêu mệt!
     -Tuổi trên sáu mươi rồi,  muốn mệt lúc nào thì mệt - tao đâu có muốn vậy.
      Thạc đi thẳng lên gác.
      Bà Sửu lồm cồm ngồi dậy, định bước xuống giường, nhưng bỗng thấy còn hơi choáng. Bà ngồi im. Mắt hướng nhìn lên cầu thang.
      Cách nay mấy hôm, trời chuyển tiết lập thu, bà nghe mỏi và đau nhức khắp cơ thể. Tuổi già là chiếc máy đo thời tiết nhanh nhạy nhất, bởi sau nhiều bận bị mệt và đau nhức, bỏ ăn - bà thấy ngày hôm sau, trời bỗng âm u,  mưa và gió bất chợt; nên bà Sửu luôn lo lắng mỗi lúc trời đất thay mùa, chuyển tiết.
       Sau đó hai hôm, buổi sáng sớm, tiết thu đã qua, người tạm khỏe, bà cảm thấy đói, và thèm ăn. Bà mở tủ lạnh, chẳng còn gì, ngoài tô canh ổ qua nhồi thịt, bà Hải giỗ mẹ sang mời bà đến dự, nhưng bà từ chối, lấy cớ đau yếu - không đi; đã mang sang cho tô canh ổ qua và mấy cái bánh ít. Bà Hải vẫn thường mang sang cho bà Sửu trái cây, bánh ít, hay dĩa xôi, chén chè mỗi khi cúng giỗ. Thực tình, sau năm ông Sửu mất, nhà bà chẳng có đám giỗ nào được vài mâm để mời bà con xóm giềng như thuở trước nữa, nên bà rất ngại đến “ăn giỗ” nhà người khác, ngay cả nhà bà con. Bà thường nghe người ta nói, đám giỗ, là để “trả nợ miệng”, mà bà không có gì để “trả nợ”, nên an phận, không dám mắc nợ. Bà Sửu nhìn thấy nhiều nhà ở trong xã, trên phố làm đám giỗ cha mẹ, hay ông bà đến hai chục, ba chục bàn, ăn uống ca hát kéo dài cả ngày; bà luôn thắc mắc, không biết khi còn sống, họ có chăm chút cho người thân chu đáo như vậy không? Từ dạo ông Sửu mất, ngày giỗ ông bà nội ngoại của con, chúng gom lại ít tiền, gởi về, bà đủ sắm mâm cơm chay để nhớ tưởng lấy ngày mà thôi. Không sắm sửa rền rang như trước.
       Hai đứa con gái út, tốt nghiệp đại học xong, đứa giữa theo chồng vào Bình Dương, đứa út công tác ở Thủ Đức; hằng tháng cả hai gởi về cho bà Sửu tiền ăn sáng, và hai bữa cơm chay đạm bạc. Vài năm nay, tháng nào cũng vậy, bà không nhận được thêm, dù ngày càng có nhiều khoản chi tiêu, không thể tiết kiệm được. Có tháng, nhận được hai giấy mời dự đám cưới của bà con, hay người quen thân trong xóm, bà phải gắng đi, hay gởi bì thư cho người khác mang đến giúp. Có lần, vui miệng, bà nói với cô con gái út: “Tháng nầy mẹ phải chi thêm mấy trăm ngàn, vì đám cưới!” Cô út đã nói ngay: “Già rồi, còn ơn nghĩa gì nữa, mẹ!?”. Bà thầm nghĩ, vậy ra, già - không nên biết đến ân nghĩa nữa hay sao? Bà sống ở quê, không theo hai con gái vào nam, cũng chẳng theo con trai trưởng ra phố, nên tình cảm xóm giềng từ bao năm, rất sâu đậm. Nghe con gái nói, bà rưng rưng nước mắt, mà không dám nói gì thêm - lẽ ra, chúng phải hiểu, càng già, thì càng cần có tình thương yêu, chia sẻ; cần sống cho tình nghĩa, để cuối đời được an vui khi nhắm mắt xuôi tay chứ?
       Bà Sửu xuống bếp hâm nóng tô canh ổ qua trong tủ lạnh, ăn với nửa chén cơm nguội, thay bữa sáng. Đến gần 11 giờ trưa, bà cảm thấy buồn nôn, và chóng mặt, khó chịu. Khoảng nửa giờ sau, bà ói mửa thốc tháo ra sàn nhà. Sau cơn ói mửa, là đau bụng, đi tiêu chảy liên tục. Bà Sửu biết mình bị ngộ độc thức ăn, nhưng không thể làm gì để ngăn cơn buồn nôn mỗi lúc một gấp gáp. Bà lê bước đến hộp đựng đủ loại thuốc để ở đầu giường, mở tìm từng gói nhỏ. Bà còn nhớ hai liều thuốc tiêu chảy đã nhờ mua mấy tháng, còn lại.
       Bà uống thử một liều 4 viên thuốc trong túi ny - lon nhỏ mà không biết tên là gì. Cơn buồn nôn vẫn kéo dài, người đã mệt lã. Bà gắng gượng đến ngồi ở cửa, nhìn ra ngõ, chờ có ai quen đi ngang qua.
       Bà lại mửa ào ào ngay trước cửa. Mắt bà tối sầm, người muốn ngã. Tiếng bà Hải:
      -Thiếm bị gì vậy?
      -Bị ngộ độc thức ăn - bà gắng gượng ngước lên nhìn - giọng, thều thào.
      -Tôi gọi thằng Thạc cho thiếm nhé?
      -Thôi, thôi - bà Sửu lại ngước lên, giọng thành khẩn, bà đừng gọi nó.
       Cuối cùng, bà Hải gọi chồng, chở giúp bà Sửu đến nhà cô y tá trong thôn, để lo cấp cứu cho bà. Sau ba hôm nằm tạm nhà cô y tá tốt bụng, chuyền ba bình nước, chích mấy liều thuốc nữa, bà đã khỏi, trở về nhà.
        Hôm nay Thạc lại về.
        Bà Sửu còn cảm thấy mệt, người khô nóng khó chịu; nhưng không hề kể lại chuyện bà bị ngô độc cho Thạc nghe, bởi bà biết Thạc sẽ chẳng muốn nghe, cũng chẳng giúp được gì - ngay cả một lời ân cần khuyên nhủ; mà ngược lại sẽ trách mắng bà, hằn học đủ chuyện như bao lần bà đã kể lể trước đây. Cùng xóm với bà Sửu, mấy đứa con bà Hải, chưa đứa nào học được đại hoc, chỉ lớp 9 hay 10 - qua lớp 12 là nhiều; nhưng chúng luôn gần gũi yêu thương, chăm lo cho vợ chồng bà Hải từng chút. Bà Sửu cứ nhìn, mà ước, rồi buồn. Có lúc bà nghĩ, dường như cho con ăn học cao chừng nào, chúng hiểu biết nhiều, rồi càng nặng lời, lý lẽ biện bạch hơn thua với cha mẹ nhiều chừng nấy chăng? Nhiều lần Thạc trách vợ chồng bà là “vô trách nhiệm” với con, sống ích kỷ, là đạo đức giả. Lần đó, bà muốn hét to: “Mẹ đã nhịn ăn nhịn mặc, lam lũ suốt đời, gầy còm như thế nầy, là vì ai? Con không có đôi mắt hay sao?”  - nhưng bà cứng miệng, chẳng nói được lời nào với Thạc cả! Nếu bà nói một câu, Thạc sẽ đáp ngay mười, hai chục câu - chỉ để gánh thêm nỗi muộn phiền mà thôi. Từ đó, bà cứ băn khoăn, chẳng lẽ có bằng cấp cao, học rộng - lại không bằng mấy đứa con thợ mộc, thợ xây, thợ may của bà Hải hay sao?
        Bà nhớ lại, ba tháng trước, buổi chiều, bà cảm thấy trong người rất yếu, mệt, hơi thở nặng dần. Đo huyết áp, thấy tăng lên quá 160. Gắng xuống bếp làm ly nước chanh - uống xong ly nước chanh, bà vào giường nằm. Bà tin là sẽ được khỏe dần, như mọi lần, nhưng mỗi lúc bà lại cảm thấy hơi thở nặng nề hơn, người choáng vang, lại muốn ói mửa. Nhìn đồng hồ thấy đã gần 9 giờ tối, nhưng bà vẫn gọi cho Thạc, bởi vì bà không biết sẽ gọi nhờ ai, nhất là trong đêm khuya, chỉ sống một mình trong căn nhà vắng ngắt nầy.
        Thạc đến nhà khi nghe bà  Sửu gọi sau gần một giờ. Vừa đẩy cửa bước vào, Thạc đã cao giọng: “Bà ác lắm! Ban đêm kêu gấp vậy, tôi đi đường lỡ tai nạn thì sao?”. Bà nằm im thiêm thiếp. Rồi bà ngủ quên một giấc đến sáng. Thức dậy, biết mình còn sống - bà Sửu gọi Thạc: “Con đi mua cho mẹ mấy viên thuốc nhé!” - Thạc đáp ngay: “Bây giờ tôi đi ăn sáng, rồi về đi làm đây…”.

 * *  *

          Khoảng gần hai giờ chiều bà Sửu đã đến đứng ở cửa, ngó ra ngõ. Trời còn nắng gắt. Ánh nắng chói chang như thiêu đốt cánh đồng đang mùa gặt trơ gốc rạ. Rải rác trên vài đám ruộng đang có bóng người lom khom cuốn những lọn lúa chất thành đống, gắng thu dọn cho kịp buổi  chiều. Đường quê vắng hoe. Một mầu nắng vàng hanh, buồn tênh. Mầu nắng buổi xế chiều dường như bao giờ cũng buồn buồn sao đó. Bà Sửu muốn ra khỏi nhà, đi đâu một lát, cho đỡ thấy buồn. Quanh quẩn mãi trong ngôi nhà hiu quạnh, trống trải, không có tiếng người, bà cảm thấy rất sợ; nhất là vào buổi chiều và đêm về.  Nỗi buồn dường như quen lệ, hễ cứ bà nghỉ trưa vừa thức giấc là ập đến. Hễ bà vừa tắt điện, chuẩn bị lên giường nằm là tràn về. Một cảm giác bất an, mong manh, mênh mông day dứt, khó nói.
         Bà Sửu bắt đầu khép cửa, đi dần ra ngõ. Lúc nầy, bà ước, giá có đứa con nào gọi về, nói với bà đôi câu, hay chỉ một câu thôi, thì vui biét chừng nào. Hai cô con gái ở xa, vài ba tháng, hay cả năm, mới có một lần gọi bất chợt. Hỏi qua loa vài câu, rồi tắt máy. Có lần bà đã kịp nói với cô con gái giữa: “Tuổi già mẹ ăn uống rất ít, nhưng mẹ nhớ con nhớ cháu thì nhiều!”. Cô đáp lời bà: “Mẹ ăn rồi nằm chơi không, bày đặt buồn nhớ làm gi?”.
        Đầu xóm có cây đa to, bóng mát che rợp khu đất rộng, người trong xóm thường ra ngồi hóng gió, chuyện vãn lúc nhàn rỗi, hay không chịu được cái nóng ở trong những mái nhà lụp xụp. Bà Sửu đi dần về phía ấy. Chợt bà dừng lại, bước qua bên kia đường: “Chị Tám, sao lại đứng đó?”.
      -Bà coi thử  ngoài cổng con Hạc có khóa không?
      -Có - bà Sửu cúi nhìn cánh cổng sắt, nó khóa kỹ rồi!
      -Con nhỏ kỳ quặt - bà Tám chép miệng, đã nói đi thì chỉ móc tạm ổ khóa thôi, đứng bóp!
       Mấy lần trước, Hạc đến trường dạy buổi chiều, chỉ móc sơ sài ổ khóa thôi, bà Tám có thể nhờ người đi qua đường lấy giúp ổ khóa, mở cánh cổng, để đi long rong trong xóm, hay đến  ngồi chơi với mấy bà bạn ở gốc cây đa; nhưng sau lần bà đi hơi lâu, Hạc về không thấy, đã cằn nhằn, trách móc đủ chuyện. Bà Tám ngước nhìn bà Sửu: “Chị đi đâu giữa nắng vậy?”.
      -Ra gốc cây đa.
      -Tôi phải đợi đến hơn 5 giờ chiều, Hạc đi dạy về, hay thằng Miên ở huyện về, mới mở cửa.
      -Chúng sợ bà đi bỏ cửa, người ta vô rinh đồ, chứ gì?
      -Ai biết chúng sợ gì? Không lẽ chúng coi tôi như… chó giữ nhà sao? Bà Tám nói xong, đưa tay quẹt nước mắt.
      -Chị vào hiên nhà ngồi cho mát đi, đứng đợi làm gì.
      Bà Sửu không dám nhìn, lầm lũi đi thằng ra hướng cây đa. Bỗng bà ngẩng lên, nhìn xa ra phía chân núi phía tây: Mây trắng cuồn cuộn lấp lánh mầu đỏ trong nắng xế chiều, rất lạ. Bà đăm đăm nhìn mây, thấy rõ được hình ảnh bà Tám, và cả bà nữa như những áng mây lãng đãng buồn bã sắp tan biến vào màn đêm kia. 

Tháng 9 năm 2010
MANG VIÊN LONG