Saturday, March 2, 2019

1021. PHẠM CAO HOÀNG Thương em và những con đường

Đà Lạt hoàng hôn, photo by Phạm Cao Hoàng, 9.2017


Đến 3 giờ chiều thì ca mổ xương chậu hoàn tất và hai tiếng sau đó họ đưa tôi vào phòng hồi sức gặp Cúc Hoa. Tôi bước vào, nhìn thấy Cúc Hoa. Mặt Cúc Hoa hơi sưng và có một vết bầm nhỏ trên mũi,còn chân trái thì băng kín mít. Cúc Hoa mở mắt nhìn tôi, không nói gì, rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má. Khuôn mặt và đôi mắt của Cúc Hoa buồn một cách lạ lùng. Suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt Cúc Hoa và những giọt nước mắt ấy. Khuôn mặt của sự chịu đựng một đời gian khó cùng những giọt nước mắt của hạnh phúc xen lẫn khổ đau.

Chúng tôi yêu nhau thời chiến tranh, cưới nhau lúc hòa bình, cuộc sống   triền  miên  vất vả,  và  bây giờ  Cúc Hoa  phải chịu những  đớn  đau  ghê  gớm  về  thân xác  trong những ngày lưu lạc ở xứ người. Tôi tự hỏi tại sao không phải là tôi mà lại là Cúc Hoa. Tôi cũng không ngờ có một ngày Cúc Hoa phải rơi vào một hoàn cảnh  như thế này vì Cúc Hoa vốn là người lái xe rất cẩn thận.

Cúc Hoa nằm đó, trên giường bệnh, lặng lẽ, hơi thở mệt nhọc. Tôi ngồi bên cạnh, nghĩ lan man đủ thứ chuyện, nhớ mênh mang đoạn đường đời mà hai chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi quen nhau  trong một đêm thơ nhạc do nhóm bạn Phan Bá Chức, Nguyễn Ngọc Phong, Trần Minh Triền, Nguyễn Khắc Nhượng và Nguyễn Hiền Tiên phối hợp với Lê Uyên Phương tổ chức ở quán  Lục Huyền Cầm, Đà Lạt.  Thuở ấy tôi mê thơ và nhạc hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Tôi là một con ngựa hoang chỉ thích rong ruổi lang thang đây dó. Khi quen Cúc Hoa, mọi thứ bắt đầu thay đổi, và tôi biết đã đến lúc tôi cần phải dừng bước giang hồ. Cúc Hoa đến với tôi nhẹ nhàng , nồng nàn  và vô cùng lãng mạn.

Thế hệ chúng tôi, mà Trần Hoài Thư gọi là “thế hệ chiến tranh”,  là một  thế hệ  không may mắn.  Thời chiến tranh thì sống trong chết chóc, lo âu, sợ hãi. Khi hòa bình thì sống trong cơ cực,  khó khăn. Sự nhẹ nhàng, nồng nàn, và lãng mạn  của Cúc Hoa đã giúp tôi vượt qua những khó khăn nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi.

Cúc Hoa nằm đó, trong nỗi đớn đau của thân xác.

thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau

Cúc Hoa nằm đó, vẫn khuôn mặt thánh thiện nhưng có hằn lên những nét khổ đau. Một đời Cúc Hoa hết tình hết nghĩa với tôi và các con. Tôi cầu mong sao vết thương không nặng lắm để Cúc Hoa có thể vượt qua tai ách này.

Đến gần nửa đêm, Cúc Hoa tỉnh thuốc mê và đã có thể gượng nói chuyện với tôi.
-  Em có nhớ mọi việc xảy ra như thế nào không?
-  Em chỉ nhớ là mình lái xe chạy trên đường Westfields, qua khỏi bưu điện thì không biết gì nữa.
-  Em thấy trong người thế nào?
-  Đau nhức và ê ẩm khắp người. Em bị thương có nặng không anh?
-  Chân trái em bị rạn hai chỗ. Chiều nay họ đã mổ và chỉnh sửa phần bị rạn ở xương chậu.
-  Chừng nào họ mổ chỗ còn lại?
-  Họ nói phải theo dõi sự hồi phục và sức chịu đựng của em rối mới tính tiếp.
-  Liệu sau này chân em có bị tật hay không?
-  Không đâu em.

Tôi nói để Cúc Hoa an tâm chứ thật ra chỉ có trời mới biết rồi đây Cúc Hoa sẽ như thế nào.

Cúc Hoa trầm ngâm, im lặng hồi lâu.
-  Em đang nghĩ gì?
-  Em buồn quá . Hết chuyện này đến chuyện khác. Muốn yên mà vẫn không yên.
-  Em cứ bình tĩnh, mọi việc rồi cũng sẽ ổn thôi.
-  Em nhớ Đà Lạt. Mai mốt lành bệnh anh đi với em về Đà Lạt anh nhé!
-  Ừ, anh sẽ đi với em. Sao em lại nghĩ về Đà Lạt trong lúc này?
-  Thật ra, không phải  lúc này, mà lúc nào em cũng nghĩ về Đà Lạt. Em tìm thấy sự bình yên ở đó.
-  Anh cũng nghĩ như em.
PHẠM CAO HOÀNG
(Trích phần 1 truyện MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT, 10.2011)