Saturday, December 5, 2020

1862. HOÀNG KIM OANH Nguyễn Dương Quang - Thế gian chết hết chỉ còn đêm



Thế gian chết hết chỉ còn đêm

Và một mình ta với cây đàn

Rượu lẫn sương trào lăn chiếu đá

Trăng mờ nghiêng ngả phía đầu non

(Đêm Cam Ly ôm đàn uống rượu một mình, Nguyễn Dương Quang)

 

1.  Và một mình ta với cây đàn

 

Tôi đã nhớ mãi câu thơ hào sảng đậm chất nghệ sĩ mà cô đơn tận cùng của tác giả Nguyễn Dương Quang ngay khi nhà thơ gửi tặng tập thơ cùng tên này lần thứ hai gặp lại, ở toà soạn Quán Văn năm năm trước. Hôm ấy, anh từ Đà Lạt xuống, sửa bản in cho tập văn thơ nhiều tác giả viết về Dran: Tự tình cùng sương khói. Câu thơ mang tính ngoa dụ mở đầu “Thế gian chết hết chỉ còn đêm” và loạt hình ảnh ấn tượng “một mình ta với cây đàn”, “rượu lẫn sương trào lăn chiếu đá” nghiêng ngả cùng đêm dưới sương trăng mờ đầu non cứ ám ảnh tôi, cuốn hút tôi vào thế giới nghệ thuật của cây bút miền sương khói này. Bài thơ thất ngôn 5 khổ, vần gián cách khá chỉnh gợi lên một không gian tâm trạng có gì uất ức dồn nén mà ngạo nghễ, tuôn tràn.  Người thơ chỉ có rượu lẫn sương trong tiếng đàn run rẩy độc hành chếnh choáng não nề bi phẫn “ngồi nghêu ngao vỗ miết cây đàn”:

 

a ha! đời ta thanh gươm cùn

về đâu… về đâu… đâu hồng nhan?

 

“Thanh gươm” trong quan niệm truyền thống Đông, Tây vốn là vũ khí quyết định, là biểu trưng của sức mạnh, của quyền lực. Nhưng ở đây lại là một “thanh gươm cùn… Nghĩa là trước khi ở trạng thái cùn lụt vô dụng vứt đi này nó đã từng vung lên sáng loáng mạnh mẽ kiêu hùng… Những đêm xưa Đặng Dung, đêm xưa Đường Minh Hoàng cổ kính kiêu bạt giờ đây “rượu nhạt trăng tàn ta hóa đá” nghe chua chát dồn nén đến tột cùng cảm xúc mất mát đổ vỡ, tan hoang:

 

ai hát cùng ta rừng chất ngất?

những vọng âm từ cõi thiên thu

trời với đất, ta và cây cỏ

còn hay tan? bờ bãi sương mù

 

V đâu? Về đâu? Ai? Ta? Còn? Tan? Quá nhiều dấu hỏi cho 6  dòng thơ này. Hình như chỉ có đêm biết dù đêm ‘không nói”, ta – “con người: giọt sương trắng chờ tan”. Lớp lớp hình ảnh thiên nhiên cây cỏ đến vũ trụ trăng sương câm nín dồn dập xuất hiện trong các khổ thơ bỗng làm bật lên “mình ta”, “đời ta” nhỏ nhoi biết bao, vùng vẫy biết bao, ngậm ngùi đau xót biết là bao…


Bài thơ viết năm 1978. Nghĩa là sau thời gian nhà thơ đi cải tạo 2 năm…

 

Vâng. Thế gian chết hết chỉ còn đêm...

 

Ám ảnh cô đơn còn bàng bạc khắp các dòng thơ của Nguyễn Dương Quang dù bề ngoài bao giờ mọi người cũng bắt gặp hình ảnh một người bạn, một người anh đôn hậu, chu đáo, ân cần, phóng khoáng, nhiều bạn bè văn chương, chiến hữu…

 

Thơ Nguyễn Dương Quang dày đặc đêm đen cả những sáng tác ít ỏi trước 1975 lẫn sau này. Tần suất những từ “đêm”, “đêm mưa” liên tiếp xuất hiện từ cách đặt tên bài thơ đến từ ngữ, hình ảnh trong bài. Ngẫu nhiên hay hữu ý, đêm chuyên chở biết bao nỗi niềm chưa nói thành lời; đêm đồng loã sẻ chia; đêm tri kỷ ân tình; đêm phóng sinh khổ luỵ; đêm lang thang trần ai… Thơ anh là cả nỗi cô đơn có thể đúc thành khối, thành tảng, thành đêm, thành sương, thành rượu, thành hoa…Thế giới của anh cô quạnh quá, người thơ chỉ có thể, và cũng chỉ còn có thiên nhiên, mây gió, cỏ hoa. Nhưng thế giới của anh cũng giàu có, phóng khoáng, hào sảng diệu kỳ, cả nàng trăng cũng được anh vời xuống đất bỏ trời buông” giãi bày bầu bạn

 

Nàng trăng đẹp quá lại gần đây

Đất bỏ trời buông nhé! Đêm nay

Thế gian biết có còn ai thức?                               

Hồn ta sâu vắng quá trăng ơi.

(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, NDQ)

 

Nhà văn Vũ Thành Sơn lần đầu gặp gỡ và đọc ngẫu nhiên mấy bài của Nguyễn Dương Quang trong tập 3 tác giả Rằng từ ngẫu nhĩ (Nxb. HNV, 2019) - in chung cùng Cao Thoại Châu và Trần Minh Hưởng - đã tinh ý nhận ra ngay: “Quả thật Nguyễn Dương Quang cô đơn quá. “anh cô đơn, biển cô đơn kinh khiếp” (Biển trong ký ức kẻ du cư). Cái cô đơn đến như vậy thì thật kinh khiếp. Cô đơn như một định mệnh ” (Quán Văn 70, tr.95). Ngược lên ít dòng, nói về ngôn ngữ, cấu trúc, hình ảnh thơ, Vũ Thành Sơn nhận định thơ Nguyễn Dương Quang “Đến những năm sau chiến tranh có những thay đổi về ý tưởng, giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh. Sự chắt lọc, tinh gọn đến mức gần như tối giản trong câu thơ mang phong vị cổ điển” bởi theo ông “Những cấu trúc cô đọng như trên có nhiều trong những bài thơ về nỗi cô đơn thân phận, ắt hẳn bởi vì một lẽ: chỉ có cô đơn mới cần đến cái sắc lẹm mới thấu hết cái vết cắt sâu hoắm ấy ở trong hồn” (Quán Văn 70, tr.94-95).

 

Cái nỗi cô đơn mang mang thiên cổ về kiếp người ấy còn bàng hoàng nỗi đau thời thế, ngậm ngùi nỗi quê hương đất nước buổi lòng người ly tán, nghiệt ngã. Kín đáo ngậm ngùi mà xót xa thân phận “thanh gươm cùn” trong dâu bể đảo điên. Thôi thì đành vậy. Thôi thì “ngồi nghêu ngao vỗ miết cây đàn”. Thôi thì “rượu làng sàng chôn chửa ngàn năm”…

 

Tôi đã đọc và ám ảnh biết bao hình thức một bài thơ nhỏ của Nguyễn Dương Quang mà thi tứ lẫn lời mỗi lần đọc tôi lại liên tưởng bài thơ của Edgar Poe, người thi sĩ tâm hồn song sinh đồng điệu với Charles Baudelaire từng được Bùi Giáng dành cho danh hiệu “thập nhứt bán thánh siêu ma việt thánh Poe” (Sương Bình Nguyên, Võ Tánh xuất bản, lời tựa). Trong bài thơ ngắn 11 dòng viết từ năm 20 tuổi: Alone, Poe thố lộ:

 

Từ suối nguồn đơn điệu nào không rõ

Nỗi buồn tôi thức dậy tự bao giờ

Trong tất cả những gì tôi yêu mến

Tôi yêu nỗi cô đơn!

 

(Nguyên tác:
From the same source I have not taken
My sorrow—I could not awaken 
My heart to joy at the same tone
And all I lov’d—I lov’d alone)

 

Đó là bài thơ Một loài hoa của Nguyễn Dương Quang được viết năm 2000. Vỏn vẹn chỉ có 6 dòng, ba dòng cuối lại chỉ có một từ Cô Đơn được lặp lại hoàn toàn ba lần ngân lên như một điệp khúc khắc tạc vào núi rừng vạn cổ, được viết hoa như một danh từ riêng, thành tên gọi của một loài hoa đã có từ cõi nhiên nhiên nào đó. Cô Đơn đã trở thành một nhân vật. Cô Đơn hay tiếng lòng thê thiết tự lên tiếng thầm thì… Edgar Poe không biết nỗi cô đơn của mình đến tự suối nguồn nào, Nguyễn Dương Quang cũng ngợi ca Cô Đơn, không giải thích được vì sao, đành nói theo kiểu xa xưa, gán cho nỗi buồn là bạn của người thơ-kẻ mộng du từ vạn cổ:

 

Người thơ, như đã từ vạn cổ

Làm kẻ mộng du, bạn với nỗi buồn

Em ạ! Có một loài hoa rất đẹp

Là Cô Đơn…

Cô Đơn…

Cô Đơn…

(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.90)

 

Nỗi Cô Đơn. Loài hoa rất đẹp của anh. Cái “biển cô đơn bao la kinh khiếp” của anh, giờ đây đã trọn vẹn cùng anh đến tận nấm mồ khi anh một mình đi vào con đường miên viễn của riêng anh...


Nhà thơ Nguyễn Dương Quang - Ảnh Nguyễn Hữu


2.   Hình như cây súng con lạ lắm

 

Làm thơ từ rất sớm, 1969, Nguyễn Dương Quang còn là người lính làm thơ, không cầu kỳ làm dáng mà chỉ cốt trải lòng mình với chính mình. “Thơ đến với Nguyễn Dương Quang như hơi thở. Mà tự nó đã nói lên được cái tâm thiện của người lính trận” (Phạm Văn Nhàn, Quán Văn 70, tr.83). Nguyễn Dương Quang cũng không tự nhận mình là nhà thơ bao giờ. Rất chân thành, anh tâm sự với bạn đọc: “Trước 75, tôi làm thơ rất ít, thường chỉ ghép tặng hay đọc cho bạn bè nghe trong những giờ rảnh rỗi của đời lính, ai gọi là nhà thơ thì thường thấy hổ thẹn, không dám nhận. Thấy thơ mình “đơn giản quá”, nhẹ quá”, tôi không dám gửi cho báo nào cả. Tuy nhiên có một trường hợp đặc biệt: Bài thơ Đêm kích dưới chân đồi Pá được đăng trong Khởi hành số 29 (?) (Quán Văn 70, tr.62).  Bài này do bạn bè gửi đăng và cũng là bài thơ duy nhất của Nguyễn Dương Quang được đăng báo. Một kỷ niệm mà cuối đời, tác giả vẫn còn nhớ lại trong Nửa đêm chợt chớ bài thơ cũ- tản văn thứ hai trong 2 bài tản văn trong đời của ông với tất cả niềm tri ân bạn bè yêu mến. Bao nhiêu năm chỉ chôn chặt trong lòng, nhưng luôn đau đáu nhớ về... Ít nhất tôi đã dăm ba lần nghe anh kể về lịch sử ấy trong hoài niệm.... Khoảng 2018, bất ngờ chúng tôi đọc được bài tản văn này và gần đây hơn, bài Nhớ, câu chuyện về chính lịch sử đôi miền chia cắt- đoàn tụ-yêu thương của gia đình anh như biết bao gia đình Việt Nam thời ngày Nam đêm Bắc và ngược lại ¼ thế kỷ đọa đày. Viết lần đầu cũng là lần cuối…Rồi anh đi. Đi xa...

 

lẽ vì thế, năm 2006, khi viết lời giới thiệu cho cuốn sưu tập đồ sộ 854 trang, 263 tác giả Thơ Miền Nam trong thời chiến, nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã thích thú khi đọc Đêm cuối năm viết cho má của Nguyễn Dương Quang và trích hai khổ thơ làm ông xúc động bất ngờ. Chỉ đọc thơ thôi, chưa một lần gặp gỡ, cũng chưa hề trao đổi trò chuyện trực tiếp hay gián tiếp (như khi gọi điện từ Orleans về Phan Thiết để hỏi Nguyễn Bắc Sơn một chi tiết trong bài Thảo khấu), vậy mà “con mắt xanh” của nhà phê bình đã cảm được cả hồn thơ, điệu thơ Nguyễn Dương Quang qua nhận xét rất gọn mà rất sâu: “Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết, hồn nhiên mà điêu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu “có nói cũng không cùng” (Thơ Miền Nam trong thời chiến, xii-xiii). Tiếc là nhiều lần sau này, biết nhà phê bình có dịp về nước, Nguyễn Dương Quang có nhờ tôi chuyển lời mời..., song cho đến bây giờ, muộn màng..., nhà thơ và nhà phê bình mãi mãi đã không còn cơ hội gặp mặt nhau...

 

Chiến tranh là chuyện của bom đạn, chết chóc, của hận thù. Song thật lạ, những bài thơ trong Thơ thời chiến miền Nam đầy chết chóc đấy,  mưa rừng suối dữ đấy, mà cũng ngang tàng hào sảng, có cái gì ấm áp trong veo đến lạ... Chất Người thật nhất quán và xúc động. Khát vọng hoà bình và diễn ngôn kháng cự cái chết, kháng cự chiến tranh gần như là chủ đề trung tâm xuyên suốt. Không ngoài mẫu số chung ấy, trong Đêm kích dưới chân đồi Pá, viết năm 25 tuổi, Nguyễn Dương Quang tha thiết tưởng tượng, hy vọng:

 

Cỏ biết không, ta không lòng thù hận

lũ chúng ta một thuở thế thôi

ngày mai cỏ sẽ thành đồng lúa

cỏ sẽ thấy người nắm tay người

(…)

Lúa có nghĩ ngày mai sẽ khác

Súng sẽ dùng để đúc lưỡi cày

(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.18-9)

 

 “Người khâu di sản”- Trần Hoài Thư đã chọn 2 khổ thơ của Nguyễn Dương Quang trong bài thơ này để mở đầu và hình ảnh cây súng – biểu tượng của chiến tranh trong Đêm cuối năm viết cho má để nói về “Tính nhân bản trong thơ văn miền Nam thời chiến” (Tản mạn văn chương 1, Thư Ấn Quán). Sự chọn lựa này hẳn là một khẳng định cho chủ đề loạt bài của ông, cũng là sự nhìn nhận giá trị một mảng thi ca của Nguyễn Dương Quang.

 

Và dù bài thơ ra đời đã 51 năm qua rồi, hoàn cảnh đọc hôm nay cũng khác, nhưng sao tôi vẫn rưng rưng xúc động mỗi lần đọc lại bài thơ hay nhất, được nhắc đến nhiều nhất của Nguyễn Dương Quang: Đêm cuối năm viết cho má.

 

Đêm nay con ngồi một nơi rất xa má

đếm tuổi con bằng nước mắt má đong

trong đêm thoảng giọng hiền má gọi

con vừa nghe, muốn khóc, rất bâng khuâng

(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.10)

 

Không một kỹ thuật cầu kỳ, bài thơ đi ngay vào cõi nước mắt nhất của con người: Má. Những câu thơ bình dị xúc động mà vừa đọc đã chạm vào điều nhức nhối băn khoăn như khi tôi đọc Chiều trên phá Tam Giang, Anh hùng tận, Qua sông... của Tô Thùy Yên, như Chiến tranh Việt Nam và tôi của Nguyễn Bắc Sơn, thơ Lữ Quỳnh, Phan X uân Sinh, Đoàn Văn Khánh..., hay Đường kiến và nhiều truyện ngắn khác của Kinh Dương Vương... mà tôi có dịp đọc. Có một mẫu số chung khó ai có thể phủ nhận: Tôi không thấy hận thù. Tôi không thấy sự khát máu quyết tiêu diệt nhau. Chỉ có tâm hồn đầy yêu thương của những con người với những con người cho dù mỗi người một biên giới. Và khát khao một “ngày nao súng phải lạnh lùng, ngày nao súng phải thẹn thùng” (ca khúc Đa tạ, Anh Việt Thu). Người lính trong thơ Nguyễn Dương Quang trước phút “đạn lên nòng" với kẻ đối địch, phải tước đi một mạng sống đã tự vấn, trăn trở, đau xót bao lần...

 

Hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

 

Cây súng con lạ, hay lòng con lạ...

 

Nhắm vào đối phương - những người dân Việt bên kia chiến tuyến mà cuộc chiến đã đẩy họ thành những kẻ đối đầu, nhưng sao lòng con cứ chùng xuống xót xa...

 

Con còn có ít giờ hưu chiến,

biết đâu chừng, thôi, nghĩ làm chi

 

Nghĩa là rồi ít giờ sau nữa đó, con băng mình vào lửa đạn vô tình... Ôi cái ranh giới mong manh… Chết. Sống. "biết đâu chừng..." Đúng vậy, làm sao biết định mệnh nào, số phận nào đang chờ đợi người lính giữa chiến trường. Và anh chọn cách của mình: "Thôi. Nghĩ làm chi". Thế nhưng, anh lại không muốn gieo bất hạnh cho đối phuơng... Tâm thức của "con" vẫn hướng về đồng loại dù biết rất rõ rằng tất cả chỉ là "phù vân". Tâm thế của người bên này khi nói về người bên kia chiến tuyến sao cứ ngập những thương cảm lạ lùng, như thương chính phận mình... Ừ, mà có phải ai xa lạ, anh mình, em mình, bà con ruột rà mình máu đỏ da vàng một mẹ Âu Cơ đó thôi...

 

Trong nhiều bài thơ khác của anh viết trong những phút đối mặt lẽ sống chết, từ "đồng loại" hết sức nhân bản này không phải một lần xuất hiện, mà lần xuất hiện nào cũng đau đáu xót xa, thậm chí còn thường trực thành tâm:


Lúc nào ta cũng nghĩ một ngày

bỏ súng về ôm những gốc cây

tìm hốt hết thịt xương đồng loại

ôm thật đầy trên những cánh tay

(Trong đêm mưa tiền đồn, Đêm ôm đàn uống rượu một mình tr.13)

 

Điều này thật ra không lạ. Đó là cội nguồn yêu thương dân tộc mấy ngàn năm tự nó thúc thôi. Và người má tuyệt vời của anh. Câu chuyện gia đình được Nguyễn Dương Quang kể nhiều lần nhất là ký ức về một lần theo má vô bưng biền ở Cà Mau để tìm gặp ba, tưởng để gia đình đoàn tụ, ai dè… ba má anh bất đồng quan điểm và anh tuổi chưa lên 10 theo má về Dalat, còn ba anh tiếp tục bưng biền kháng chiến theo lý tưởng của mình. Rồi chiến tranh chia cắt đôi bờ Hiền Lương, mỗi người một cuộc đời… (Nhớ, Quán văn 70, tr.54). Trong những dòng kể ấy, tháng ngày má vất vả nuôi anh khôn lớn luôn ánh lên những cảm xúc ngưỡng mộ tự hào trìu mến. Má là cội nguồn thơ anh. Thơ lính ở chiến trường mà nước mắt má chảy quanh..., mở ra cả một không gian miền Nam những ngày khói lửa, chia lìa, tang tóc, loạn ly... Nhưng, giữa máu xương nghiệt ngã phù vân, may sao, tim anh vẫn run lên thổn thức:

 

ôi, trái tim con mãi tôn thờ má

đã dạy con hai tiếng yêu thương

 

Cảm động làm sao tình mẹ, tấm lòng thánh thiện của mẹ đã gìn giữ và cho anh cái tính "bổn thiện" quý báu vốn có cứ vời vợi, cứ thao thiết những câu thơ hình ảnh ám dụ đầy sức gợi, đẹp đến rơi lệ:

 

dòng nước nào xa nguồn mà không đục

sợ một mai con lạc dấu chân mình

 

Ra trận, trước mặt là "những ngọn đồi cát máu", đêm đêm "thì thầm cùng những nấm xương" và không biết bao lần "con nghe những dòng sông kể chuyện, chuyện những xác cầu, xác người chìm nổi"... Bức tranh khốc liệt ấy vẽ ra trước mắt từng ngày từng giờ như một dự báo tiên tri của người cầm súng chốn sa trường... Vậy mà anh không cầu nguyện gì cho bản thân mình, chỉ "cười rưng rưng" chấp nhận '"con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà" chua chát phận mình, chỉ lắng lo thao thức mong sao "má ngủ đêm nay ngon giấc", mong đạn cầu vòng đừng đi trong đêm tối làm "lệ sẽ đầy giấc má nhớ con xa"...

 

Thôi, má ngủ đêm nay ngon giấc

con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà

đạn vòng cầu đừng đi trong đêm tối

lệ sẽ đầy giấc má nhớ con xa.


Nước mắt người đọc nào, người có con ra trận nào thời ấy, thời này,thời nào… có thể chẳng tuôn rơi?

 

Với Nguyễn Dương Quang, chiến tranh vẻ như một màn kịch ai đó dựng lên, kéo màn từ xa còn người lính chỉ là những vai diễn bị xô đẩy vào hứng những viên đạn đồng, mìn claymore vô tình nghiệt ngã. Và anh đớn đau cho mình, cho đồng đội, cho cả người anh em bên kia:

 

lòng mặc áo suơng nên lòng quá lạnh,

mắt mở từng đêm nên mắt quá sâu

(…)

Kịch đêm qua trên đồi đã dứt

ai kéo màn từ một rừng xa

có tim người ứa một dòng sông máu

chảy âm thầm suốt cõi hồn ta

(…)

Hỡi người anh em đêm qua nằm xuống

Lửa ta nhen xin ấm hồn người

(…)

Hỡi bếp lửa trên đồi hoang vắng

Làm sao soi từng ngõ ngách mơ hồ

(Lửa trên đồi, Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.25-6)


Cảm ơn những vần thơ rất thực, rất đời, chạm vào từng ngõ ngách tâm hồn người đọc. Quá bình dị nên quá thật, quá thương. Những câu thơ đầy vẻ đẹp nhân văn đã giúp cho thế hệ sinh sau đẻ muộn ngác ngơ chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến rất gần, còn đầy ngộ nhận mà nỗi đau không chỉ riêng ai... Bên này, bên kia...? Không, chỉ có nước mình, dân mình...bao nhiêu nước mắt và máu rồi, vẫn chưa hết khổ đau…


Đừng ai khoét thêm nữa những hố thẳm cách ngăn…


3.  Khúc rong ca của kẻ lãng du

 

Không gian mênh mông của núi rừng và bao la của biển cả càng làm cho con người bé nhỏ và đơn độc. Thơ Nguyễn Dương Quang lại dường như chỉ xoay quanh những giới hạn quen thuộc biển Phan Rang quê cha, núi Dran quê mẹ nên cái đơn độc nhỏ nhoi cứ như nhân rộng, đào sâu hơn gấp nhiều cung bậc. Những năm sau 1975, thơ anh đi vào nhiều chiều kích của đời thường. Đầy hoài niệm. Đầy suy tư. Và cũng đầy nước mắt ngược vào trong trước biển dâu nghiệt ngã của đời mình, đời người đến mức anh tự “quên mình đang sống”. Gia đình đề huề, ấm áp yêu thương, nền nếp, con cháu thành đạt. Hạnh phúc luôn đong đầy trong ngôi nhà cổ kính hơn 70 năm mà tôi có dịp lưu lại trong tình thân mến khách ân cần của anh chị. Không phải khốn khó cơm áo gạo tiền như thời làm rẫy, đi buôn xác mắm, phe phẩy độ nhật. Không phải lao đao lận đận bon chen với đời mà sao thơ anh vẫn xót xa mình vật vờ sống giữa biển mê:

 

có lúc ta ngơ như một anh hề

tình tỉnh điên điên nắng chợ gió quê

có lúc ta si như thiền sư lẫn

quên lời kinh quên ta giữa biển mê

(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, phụ bản tr.107)

 

Bài hát Khúc rong ca của kẻ lãng du anh viết năm 1990, có lẽ là bài anh yêu thích và thường nghêu ngao. Trong tập thơ duy nhất của anh và các tuyển tập sau này anh đều chọn đưa vào. Đọc lớp vỏ ngôn từ và ngữ nghĩa văn bản tôi cảm nhận là một bài thơ hay, thủ pháp trùng điệp và nghệ thuật so sánh liên tưởng khá điêu luyện. Tôi rất thích và bị cuốn hút vào cách nhà thơ ám dụ ví von trong từng hình ảnh. Song đến khi nghe anh cầm guitar đàn hát say sưa như dồn tất cả nỗi niềm sâu kín trong khi bạn bè rầm rì trò chuyện giữa đêm trăng mờ Phan Rí Cửa, tôi chợt nghẹn ngào nhận ra lâu nay chúng tôi vẫn chưa hiểu hết về người thơ này. Phải chăng đó mới chính là tâm trang sâu kín của Nguyễn Dương Quang? Anh như quên tất cả chung quanh, lặng lẽ chìm trong tiếng hát chính mình, ngập trong nỗi đau hồn mình. cái gì như uất nghẹn trong từng ca từ, hình ảnh. Có cái gì như cam chịu đớn đau. Con người còn không đáng sống bằng cây cỏ, côn trùng. Có cái gì như muốn vượt thoát thực tại để thênh thang tự do cùng gió mây đất trời bao la. Như một khát khao thường trực… Bao cảnh đời đen trắng. Bao bất công lọc lừa. Bao chen chúc thị phi nỗi đời. Tấm lòng nhân hậu của anh, tính cách của anh - một “mẫu người cương trực, thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo vát, sống đàng hoàng và đặc biệt chơi với bạn rất tốt” (Phạm Cao Hoàng, “Duồng, một thời biển mặn”, Quán Văn 70, tr.90) - làm sao không đau đớn bế tắc khi phải chấp nhận làm “thanh gươm cùn”, khi phải tỉnh tỉnh điên điên, lặng câm như đá, chỉ còn khóc cười với đêm và cây cỏ, gió trăng… Bài thơ Điều rất khó của anh phải chăng cũng là trăn trở của con ngươi cương trực, thẳng thắn, nhân hậu phải trơ mắt bó tay, tự mâu thuẫn với cái tâm lương thiện, bí bách bức bối mắc kẹt giữa những lẽ thiệt hơn, thiện ác của đời.

 

Khúc rong ca của kẻ lãng du gồm 7 điệp khúc như 7 lần chối bỏ thực tại, khước từ làm kiếp trần ai nhọc nhằn, khao khát hoá thân vào thiên nhiên trời đất Langbian yêu dấu của anh. Từng hình ảnh, nhẩm đọc thật chậm ca từ của bài hát cứ nghe cắt cứa biết bao…

 

Có những lúc ta say như ngọn gió chiều

lướt thuớt trên sông hát cùng đám lau

Có những lúc ta vui như làn mây trắng

bên đồi kia ta quên ta là mây

 

Vui. Say. Quên. Nhưng nào có vui, có quên được. Nỗi bơ vơ lạc lõng kiếp người liên tiếp được Nguyễn Dương Quang đặc tả qua hình ảnh “con dế buồn” “lủi thủi nghêu ngao đêm rừng cỏ non” hay lẻ loi nhưvầng trăng khuyết” bên trời kia cô đơn trong chiều sương”. Chạnh lòng quá đỗi nỗi khát khao nhân quần sưởi ấm trái tim đơn giá. Có khi nhà thơ ví von nỗi niềm lặng lẽ hồn mình như tượng, như đá vô tri. Nhưng không, “sỏi đá cũng cần có nhau” (TCS), cho dẫu có là kiếp đá Nguyễn Dương Quang cũng mong chờ những “con sóng ấm đôi bờ vai”, để sóng xoá đi chăng những dấu chân còng kiếp nhân sinh mệt mỏi:

 

Có những lúc ta ngồi như đá

chờ con sóng ấm đôi bờ vai

bờ cát trắng chân còng mệt mỏi

còn lang thang suốt đêm trần ai

 

Ở hai hình ảnh so sánh cuối, cảm giác như anh đang tự chua chát giễu nhại mình. Tự nhận làm một “anh hề “ tỉnh tỉnh điên điên giữa thế gian điên đảo. Thiền sư là những bậc đạo cao đức trọng, công phu tu luyện thượng thừa có thể an nhiên tĩnh tại trước mọi nghịch cảnh trần ai, thì giờ đây, con người thông tuệ ấy cũng chỉ còn là một thiền sư lẫn, quên lời kinh, quên cả bản thân mình.

 

Có những lúc ta ngơ như một anh hề

tỉnh tỉnh điên điên hát cùng đám lau

Có những lúc ta si như thiền sư lẫn

quên lời kinh quên ta giữa biển mê

(Khúc rong ca của kẻ lãng du, Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.106)

 

Dường như, nhà thơ đã phải trải qua những đấu tranh, giằng xé âm thầm ghê gớm trong nội tâm, và cũng nhẫn nhục chịu đựng ghê gớm để chấp nhận bản thân, chấp nhận tồn tại ở một cách thế sống bất như ý trong thực tại. Cũng may là ngoài thi ca, anh còn có sở thích và năng khiếu âm nhạc từ thời học sinh, thời lính và trở thành thú tiêu khiển đêm đêm khi đối diện với mình. Hay giữa nhiều cuộc vui họp mặt, không nhiều lời… tiếng đàn và tiếng hát thay anh bộc bạch bao điều. Thơ ca và âm nhạc như một lối thoát, một sự trốn chạy khỏi hiện thực nghiệt ngã của đất nước, cho Nguyễn Dương Quang đi vào bản thể nỗi cô đơn của anh, thăng hoa cùng nỗi đau thân phận kiếp người…

 

Anh Nguyễn Dương Quang, suy cho cùng, tất cả chúng ta, ai mà không đang chếnh choáng nổi trôi giữa biển mê đời…

 

Bất chợt, tôi lại nhớ nụ cười rất hiền hoà, cách rít thuốc rất điềm tĩnh của nhà thơ như ngồi trước mặt tôi đây, thật khó nghĩ đây chínhtác giả nhiều bài thơ đầy cô đơn trăn trở có khi bi phẫn ấy. Lan man nhớ lại kỷ niệm lần đầu gặp Nguyễn Dương Quang. Đó là ngày anh một mình chạy xe đổ đèo Gia Bắc từ Đà Lạt về Phan Thiết kịp đến buổi Quán Văn giới thiệu Nguyễn Bắc Sơn- nhà thơ Đông Phương (7.2014). Và, kịp hát một bài tự biên tự diễn tự đệm đàn vô cùng xúc động:

 

Chiều ngang qua Tà Dôn

bóng mây theo cũng buồn/

tao quên mình đang sống

làm sao quên mày? Sơn!

(“Chiều qua Tà Dôn nhớ Nguyễn Bắc Sơn”, tr.87)

 

Tình bạn của họ đẹp làm sao. Quên cả mình đang sống mà vẫn nhớ bạn phương trời… Giai điệu da diết lẫn lời thơ đã mang địa danh Tà Dôn và nghĩa tình đồng đội hai anh theo tôi suốt chặng đường Phan Thiết-Sài Gòn.

 

Trên đường về, chủ biên Nguyên Minh cho biết Nguyễn Dương Quang là một nhà thơ xứ núi - xứ thơ Đà Lạt, cũng là một tác giả quen thuộc cộng tác khá sớm với Quán Văn tuy không thường xuyên. Anh em văn nghệ Sài Gòn hay hải ngoại về, có đi Đà Lạt đều ghé nghỉ lại khách sạn Bông Hồng của gia đình anh tại Đà Lạt. Search vài trang mạng, tôi biết anh sinh năm 1945 (có trang ghi 1944) tại Dran, Đồng Nai Thượng (Tuyên Đức, Đà Lạt). Bảy năm đời lính 1968-1975, làm Đại đội trưởng tác chiến, đánh nhau hà rầm với sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ. Tôi tò mò hỏi: “Vậy anh có bị kỷ luật không?” “Không, tụi nó hay lắm. Hễ có xung đột giữa sĩ quan VN và cố vấn, chỉ 24 tiếng đồng hồ là có trực thăng bốc anh cố vấn đi đơn vị khác ngay. Cái máu văn nghệ, như nhà thơ tự kể, cũng làm thơ, mộng mơ đàn hát, đá banh…như nhiều anh em đồng đội khi rảnh, mà có đi hành quân cũng… văn nghệ nốt:

 

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo

mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

 

Sau này, đi cải tạo về, anh tự nhận “tôi cũng vẫn “trong veo” khi phải vô rừng phát rẫy, làm tiều phu:

 

Súng đạn thua rồi, nay trận rựa

chiến chinh, chinh chiến ta coi thường

 

Đặc biệt, ở Nguyễn Dương Quang, tình yêu Đà Lạt mà anh “trải hồn” bên từng con dốc nhỏ, cho dù “đời thôi, quên nhớ đã nhiều” vẫn “còn thương vạt nắng bên đèo hôm nay” luôn hiện diện trong từng câu chữ, hình ảnh đậm nhạt. Thẳm sâu hơn nữa, tình yêu đối với Dran còn hơn cả mối tình si, thậm chí anh còn muốn hóa thân thành sương sớm sương chiều, thành thác mộng, hồn thông bên đèo vắng, lối mộng đầu lãng đãng chiêm bao:

 

Tôi yêu Dran hơn yêu tôi, Dran làm sao biết được!

tôi là giọt sương Dran sớm, giọt sươngDran chiều

(…)

mai xa, hồn nhánh thông bên đèo vắng

một đời vi vu khúc nhạc tình Dran

Mặc dù, chưa bao giờ anh hết thương nhớ “Biển trong ký ức kẻ du cư”:

Biển đã thấm vào anh tình yêu, nỗi đau và niềm yên ủi
anh ra đi, lạc vào cõi sương mù
anh vẫn mơ ngày cuối cùng trở về chốn cũ
mãi mãi là con sóng nhỏ biển thiên thu
(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, tr.93)

Nguyễn Dương Quang, kẻ lãng du giờ có đã dừng chân…?

 

3.  Bờ cát trắng chân còng mệt mỏi…

 

Cuối năm 2019, đáp lại nỗi khát khao bằng hữu của anh, Quán Văn đã hẹn và đã có chuyến gặp gỡ giao lưu ở khách sạn Bông hồng 2- Phan Rí Cửa. Đã có một chuyên đề Dran miền sương khói và tác giả Nguyễn Dương Quang tháng 12 ở Sài Gòn, tháng 1.2020 ở Dran trên đồi Đa Nhim. Đã kịp hát những khúc hát của người con Dran về miền đất “thiêng” của anh, của Trịnh Công Sơn, của Đinh Cường… Đã nghe nữ sĩ Kiều Minh Mạnh, Hồ Thuỵ Mỹ Hạnh nói về Dran, về anh, về con đường xe lửa răng cưa đã mất… ngay trên nắng sương của mảnh đất cổ tích chôn nhau cắt rốn thấm đẫm ân tình. Mới đó… Tôi cũng đã hẹn và đã có một đêm nghe anh ôm đàn hát những khúc tình ca đau đáu: Ngộ nhận (phổ thơ Nguyễn Bắc Sơn), Khúc rong ca của kẻ lãng du (thơ Nguyễn Dương Quang), Chiều tháng ba (Thơ HKO), nhưng không phải đêm Cam Ly mà đêm Phan Rí Cửa. Lần đó, anh và con trai đón tôi ở ga Sông Mao. Cái sân ga nhỏ bé một thời đã đi vào văn chương qua câu thơ ngang tàng của Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé Sông Mao phá phách chơi…”. Những kỷ niệm một thời ngang dọc cũng được cái tên Sông Mao nhắc nhớ suốt đường về Phan Rí Cửa. Nhưng tôi nhớ nhất chuyện anh cùng đồng đội uống rượu say khướt, lái xe Jeep có…2 bánh nghiêng hẳn 1 bên để… chạy trên đường rầy xe lửa ở chính ga Sông Mao này… Chuyện đánh nhau như cơm bữa với sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ. Chuyện anh quen cô gái Chợ Lầu xinh đẹp đảm đang - chị Nguyễn Dương Quang bây giờ. Và chuyện trại cải tạo cũng chính là cơ quan hành chính ngày trước…, cũng như quãng đời lầm lụi ngày sau… Và, nhà thờ dòng họ, mộ phần ba anh vừa hoàn tất…

 

Vậy đó, mới đó, còn nguyên đó… có ai ngờ sau chuyến ra mắt ở Dran, anh chị em QV 22 tết về lại SG, tết nhứt bận bịu, tiếp đến cơn đại dịch Coronavirus Vũ Hán bùng phát từ Trung Quốc lan ra toàn thế giới khiến tôi bặt tin anh. Bất ngờ, anh Sông Ba và Kim Chi cho hay anh đang nằm bệnh viện vì viêm đường hô hấp. Rồi anh được chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch. Có lẽ từ tháng 3. Không, tháng 4. Cách ly đang giai đoạn 2 nghiêm ngặt toàn thành phố và nhiều địa phương. Anh em hay tin chỉ còn biết hỏi nhau qua fb. Tôi hỏi thăm, ML băn khoăn: Không thăm được đâu chị ơi, anh Quang nằm phòng chăm sóc đặc biệt không có ai ngoài 01 người trong gia đình được vào nuôi. Thêm nữa là dịch Covid-19, bệnh viện lao… không cho ai vô thăm đâu…

 

Và, ai cũng bàng hoàng, chiều 29.4.2020. Tin dữ. Anh đang trên đường trở về Dalat… Chuyến đi cuối cùng trong đời… Chị Thái Hồng đang ở Oregon, Hoa Kỳ đã đóng cửa tất cả các chuyến bay quốc tế. 23.3.2020 Hàng không quốc gia Việt Nam cũng bay chuyến quốc ngoại cuối. Không có chuyến bay về Việt Nam. Trời. Làm sao chị chịu nổi… 


Một mình cả lúc đến. lúc đi.

 

Ôi những ngày tháng tư. Chưa bao giờ tôi áy náy tự buồn trách mình nhiều như vậy. Sao tôi không cương quyết đến bệnh viện một lần thăm anh, dù chỉ để đứng ngoài nhìn anh vật vã giữa dây nhợ, ống thở, bình oxy các kiểu… Coronavirus là cái gì mà có thể khiến người ta mất mọi liên lạc thân sơ như thế? Cuối cùng cũng là cái chết thôi mà. Nhưng vấn đề không dừng lại ở cái chết của một con người. Con người đang mất dần nhau.

 

Thế gian chết hết. Chỉ còn đêm…

 

Đêm những ngày cuối 2020 Sài Gòn. Tôi đang một mình hát theo anh đây. Khúc rong ca của kẻ lãng du. Cái clip hát hò đêm Phan Rí Cửa 2016 chập choạng ánh trăng vẫn còn đây, tiếng guitar bập bùng sao bỗng tha thiết

 

Có những lúc ta say như ngọn gió chiều

Lướt thướt trên sông hát cùng đám lau

(…)

Có những lúc ta ngồi như đá

Chờ con sóng ấm đôi bờ vai

Bờ cát trắng chân còng mệt mỏi

Còn lang thang suốt đêm trần ai…

 

Anh đã trở về chốn cũ. Đã gặp Má, gặp Ba, gặp Nội. Gặp những đồng đội, bè bạn yêu thương mà anh luôn hết lòng gắn kết. Những con sóng yêu thương sẽ ấm đôi bờ vai người lãng tử… Không còn lang thang những đêm trần ai. Không còn đêm ngày. Không có buồn vui. Thênh thang tự do hát cùng đám mây, hát cùng gió núi đại ngàn lồng lộng, tiếp tục đắm say si tình cùng nàng thiếu nữ Dalat, cô gái Dran “trăm tuổi má vẫn hồng” của anh. Vâng. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Dù sao anh cũng đã sống đẹp với mình, với người, với anh em bầu bạn. Hào sảng ung dung tự tại góc trời một kiếp lãng du.


Và… anh sẽ lại làm thơ. Sẽ lại ôm đàn đêm Dran, đêm Cam Ly… anh nhỉ!

 

Để kết thúc bài viết tản mạn về người và thơ Nguyễn Dương Quang mà tôi đã lỗi hẹn với anh đúng một năm trước này, xin gửi anh một lời tạ lỗi muộn màng. Và xin mượn lời của một người bạn trẻ mới quen nhắc về anh: Đà Lạt thiếu Nguyễn Dương Quang trở nên bớt thân quen, nhưng trong lòng bạn hữu, Nguyễn Dương Quang vẫn còn trong những câu thơ, tiếng đàn, để mỗi lần vô tình ghé quán ăn, tiệm cà phê cũ lại nhớ tiếng cười hào sảng của ông nhà thơ già…” (FB Mai Hương, 24.5.2020).


Đúng vậy Mai Hương, cảm ơn em đã nói hộ…

 

Đà Lạt hôm nay thiếu Nguyễn Dương Quang. Nhưng Nguyễn Dương Quang mãi còn đây trong mỗi chúng tôi, trong nắng gió chốn cao nguyên sương mù này, trong những lời thơ nốt nhạc thiết tha một đời anh đã hóa thân…

 

Anh Quang ơi!

Sài Gòn, 1.12.2020

hko