Wednesday, May 18, 2022

2435. TRẦN YÊN HÒA Nhà Văn Cung Tích với truyện ngắn "Ngoại Ô, Dĩ An và linh hồn tôi".

Trong ảnh: nhà văn Cung Tích Biền

Lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn của Cung Tích Biền đâu vào những năm (1965-1966?). Đó là truyện "Đường Bay Đôi Cánh Thạnh", đăng trên 3 số Nghệ Thuật 47, 48, 49... do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Tôi thích ngay vì trong truyện có tên nhân vật  là Thạnh, giống tên bạn tôi, cũng chết trong một cuộc hành quân.

Từ đó, tên Cung Tích Biền đã ghi vào trí nhớ tôi, một nhà văn Quảng Nam viết truyện hay, tôi rất thích và ngưỡng mộ...

Đến những năm sau này, tiếp tục đọc truyện của Cung Tích Biền, xuất hiện ở nhiều nơi, như được đăng trên các nhật  báo, trên các tuần san, nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật SG, hoặc in thành sách...Mỗi truyện trong "cõi văn chương" Cung Tích Biền, đều cho tôi nhiều cảm giác lạ, ý tưởng lạ, dù trong những đoạn viết bình thường, tác giả cũng đưa vào những ý tưởng sâu sắc, để cho chúng ta thấy một cái nhìn xa hơn, triết lý hơn về mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc sống.

Sau đây tôi xin giới thiệu truyện ngắn "Ngoại Ô, Dĩ An và linh hồn tôi", của Cung Tích Biền được đăng trên tuần báo Nghệ Thuật số 23, phát hành tuần lễ từ 19-3 tới 26-3, năm 1966 tại Sài Gòn, VN.

Theo một bài phỏng vấn của Mặc Lâm trên đài Á Châu Tự Do với nhà văn Cung Tích Biền ngày 28 tháng 7 năm 2008, thì "bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô, Dĩ An và Linh Hồn Tôi."

Dĩ An đây không phải là cái tên của một thành phố thuộc tỉnh Bình Dương, mà là tên một người con gái ở ngoại ô Đà Nẵng. Truyện diễn ra thời gian khoảng năm 1965 hay trước đó. Đà Nẵng có thể nói là một thành phố đón lính Mỹ vào miền Nam trước nhất.

Dĩ An, cô nữ sinh (tên gia đình gọi là Liêm) có cô em gái, là nhân vật xưng tôi trong truyện, tên là Bích Ty, và cậu em trai tên là Lâm, trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Đà Nẵng. Hai chị em khi còn là học sinh là hai cô gái đẹp, dễ thương.

Vào đầu truyện là mẫu đối thoại giữa hai chị em, mẫu đối thoại sống sượn làm ta nghe nhói lòng:

"- Sao, mày có chịu không?

- Cái gì vậy hả chị?

- Thì ngủ với thằng cha Lớp-Bơ chớ còn gì nữa.

- Thôi, em ớn lắm chị.

- Ðồ ngu, sức mà ở đó giữ trinh với tiết."

 

 Đó là lời nói của người chị, Dĩ An, nói với đứa em của mình, khi Từ một năm nay chị Dĩ An bỏ nhà ra đi hàng tháng. Mỗi lần trở về chị có tiền đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi hỏi chị, chị nói con đi làm sở Mỹ tận Sài Gòn.

Xã hội Việt Nam những năm 1965, 1966 và sau đó, khi quân đội Mỹ đổ bộ xuống miền Nam Việt Nam... hầu hết mọi nơi, nơi nào có lính Mỹ đóng đều có những người Việt Nam đi "làm sở Mỹ" như vậy.

"Lần này chị về nhà bảo thẳng với tôi cho ông Lớp-Bơ phá trinh lấy ba trăm đô la. Chị bảo: “Mày ở cái xóm chó ghẻ này tới già cũng không có một xu nhỏ bỏ vào hòm!”

Một người con gái con nhà nghèo, cha đạp xích lô, mẹ đi bán chè rong hằng đêm. Dù là một gia đình nghèo, nhưng là một gia đình làm ăn chân chính...

"Dĩ An là chị ruột của tôi. Năm nay chị hai mươi tuổi. Trước đây hai năm chị là một nữ sinh có nhan sắc, tính tình hiền hậu nhất trường. Ngày đó cha tôi thường nói mai sau thằng nào gặp con Liêm (Dĩ An đó) là có phúc lắm. Và cha mẹ tôi đã cho chị Dĩ An tới trường với tất cả cố gắng về vật chất của mình."

Nhưng tại sao bây giờ Dĩ An, lại trở nên hư hỏng như vậy, và càng hư hỏng, tội lỗi hơn, khi đã xúi em gái mình bán trinh có người lính Mỹ có tên Lớp-Bơ để lấy 300 đô la.

Lý do cũng dễ hiểu trong thời đại đó là:

“Em biết không, nhà mình nghèo lắm”. Chị thường nói với tôi như vậy. Năm học đệ tứ có tháng chị đứng đầu lớp. Cha tôi đạp xích lô. Ai không biết điều đó. Nhưng hầu hết ai cũng thương và kính trọng chị."

Truyện đưa đến một lý giải, tại sao hoàn cảnh nào đưa Dĩ An, cô nữ sinh mới 20 tuổi, phải ra nông nổi này? Bởi vì người tình của nàng là Lân. "Lân lớn người, học sinh đệ nhất cùng trường. Anh thi trượt hai năm. Buồn, xin vào Thủ Ðức, mãn khóa về ngành Thiết giáp. Mỗi lần về phép Lân đều thăm chị. Có lần anh xin cưới chị, chị từ chối nhưng chị buồn... Một hôm Lân từ Peiku về thăm chị Dĩ An. Tình yêu nở ra mãnh liệt. Hôm lên đường đáo nhận đơn vị anh mang theo cái niềm vui chị Dĩ An đã nhận lời làm vợ chưa cưới của anh. Nhưng một tuần sau thì Lân tử trận trong một cuộc hành quân lớn. Thi hài anh Lân được chở về thành phố tràn ngập cuộc vui của gái điếm và du đãng. Lân chết trong rừng để thành phố được tiếp tục cơn động kinh của thời đại.

Vì người chồng sắp cưới tử trận nên Dĩ An buồn chán và sa vào trác táng:

Chị bắt đầu lập cái vạch nối giữa sự thất vọng cùng những cuộc trác táng. Năm đó chị tôi thi hỏng. Cha tôi đi làm được nhiều tiền, nhưng chị lại không chịu đi học nữa. Những đứa em tôi được vào học trường lớn trong thành phố. Chị Dĩ An mặc jupe. Tôi dùng dù che mỗi khi ra phố. Xuống đại lộ chúng tôi lẫn lộn trong biển người thời đại. Chúng tôi bị lôi cuốn ngấm ngầm như một người nghiện.

Thế rồi Dĩ An trượt dài vì nỗi buồn, người chồng sắp cưới đã mất trong một cuộc hành quân, Dĩ An trôi theo hoàn cảnh:

Chị Dĩ An thì không có bằng cấp. Với cái chứng chỉ đệ tứ chị chỉ được làm ở sở Mỹ nhờ một người quen bảo lãnh. Nội cái việc bảo lãnh cũng phải trả một giá quá đắt rồi. Thằng khốn nạn nói bóng gió nhưng chị Dĩ An thừa hiểu một cách cay đắng rằng: cho nó ngủ một đêm.

Làm công như chị Dĩ An sao mà nhiều tiền quá. Mẹ tôi vốn hiền từ tin ở con mình. Riêng tôi, tôi vẫn có một linh cảm chua xót về chị Dĩ An của tôi.

- Thực tình mày không chịu ngủ với thằng cha Lớp-Bơ hả? Ðồ con chó, sao mày dại vậy?

Và đứa em trai tên Lâm, một lúc đã hỏi:

 “Chị Dĩ An làm đĩ hả?” Tôi không trả lời được. Em tôi gắt gỏng: “Ai đặt cho chị Liêm cái tên Dĩ An đó?” Tôi cúi mặt đi vào phòng, nước mắt ràn rụa. Em tôi bỏ đi. Buổi chiều tôi thấy nó uống la-de say mềm trong quán. Nó đập lộn với bạn bị cảnh sát bắt về đồn. Tôi đến đồn. Ông đồn trưởng nói thẳng vào mặt tôi:

- Cái gia đình này bầm dập lắm, con thì làm đĩ, thằng thì du đãng.

 

Tóm lại, cuối cùng, trong cái "xã hội tan rả" đó, đã đưa bao số phận con người, phải sa vào làm gái điếm, xì ke, ma túy...

 

Đoạn kết của truyện:

 

Chị Dĩ An vất cho mẹ tôi một chục ngàn rồi đi luôn. Hình ảnh cuối cùng của một người chị trong đời tôi như vậy đó. Tôi buồn và bắt đầu đi lang thang trong những cánh rừng thông bãi biển. Chiều nay tôi âm thầm đạp xe đến cổng một hotel mà cuộc đời chị ném sâu trong đó. Hoàng hôn xuống thành phố. Trên từng lầu thứ ba đèn sáng qua các ô cửa. Chị Dĩ An tôi trên đó. Tiếng cười điên loạn trên đó.

 

*

Cung Tích Biền đã viết nhiều truyện ngắn tương tự như vậy. Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đã tạo ra biết bao nhiêu thảm kịch, cho từng con người, từng gia đình và lan ra toàn xã hội. Với văn phong gọn, nhẹ, đối thoại đúng, thực, nên đọc rất hấp dẫn.

Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8-2-1937, tại quận Thăng Bình, Quảng Nam.

Suốt hơn 65 năm cầm bút, ông khởi viết từ năm 1958 (có một thời gian khoảng 10 năm ông ngưng viết, khi còn ở VN, sau 1975), Cung Tích Biền đã xuất bản những tác phẩm như sau:

Ai Tỉnh Ai Điên, Nỗi Buồn Thắp Sáng, Nàng Tình Rỗng, Trên Ngọn Lửa,
Cõi Ngoài,
Bạch Hóa, Chim Cánh Cụt, Một Thời Lưu Lạc,Tình Yêu Mùa Ảo Ảnh, Thằng Bắt Quỷ, Cung Tích Biền Toàn Tập I, II, III, Xứ Động Vật, Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Bạch Hóa, Nhạc Điệu Của Bầy Ong, Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử, Một Thời nên Vắng Mặt.

 

(từ vietmessenger.com)

 

Xem qua những tựa đề sách, như Xứ Động Vật, Đành Lòng Sống trong phòng đợi của Lịch Sử (CTB trả lời phỏng vấn nhà thơ Lý Đợi), Một Thời Nên Vắng Mặt, ta hiểu ngay tác giả muốn  nói gì, suy nghĩ gì với nền chính trị, xã hội VN trong nước hiện tại.

Tôi đồng ý với nhận định của nhà thơ Du Tử Lê, trong tuyển tập truyện ngắn Bạch Hóa, nơi Phụ Lục 2, trang 226, về văn chương Cung Tích Biền như sau:

"Với tôi, Cung Tích Biền là một biệt lệ. Càng bước gần tuổi tám mươi, bút lực của ông càng sung mãn; với một tâm thái bát ngát minh triết, chứa chan những hồi chuông nhân bản, lai tỉnh xã hội càng lúc càng biến dạng..."

Cung Tích Biền và gia đình hiện sống tại Nam California, USA.

 

Trần Yên Hòa