Tuesday, July 25, 2023

2972. HOÀNG KIM OANH: PHẠM THÀNH CHÂU, NHỮNG HỒI ỨC CHẤN THƯƠNG TRONG TRÁI TIM NHÂN HẬU

 

Người con của phố Hội
mang tất cả tình yêu
quê hương và thân phận
gửi trong từng mảnh đời
 
xì mà thánh thiện
trong lam lũ đắng cay
trong máu lệ nhọc nhằn
trong cuồng quay lịch sử…

Qua các anh chị văn nghệ sĩ Việt vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tôi có duyên được gặp và đọc tác phẩm của nhà văn Phạm Thành Châu từ 2016. Một cái tên quen thuộc ở văn đàn hải ngoại với những truyện ngắn giản dị gần gũi đời thường (ông hóm hỉnh tự cho là chuyện tầm phào) mà tâm lý sâu sắc, kết thúc có hậu, được người đọc phổ thông nhiều bang Đông, Tây chuyền nhau đọc và yêu thích. Sinh ra ở Hội An cổ kính trầm mặc, nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Sài Gòn và Huế. Hai thành phố mà ông đã học tập và làm việc. Năng khiếu văn chương cũng đến với ông từ những ngày còn học ở trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Thỉnh thoảng, ông viết bài gửi các báo và được chọn đăng, như một sự khích lệ ban đầu để ông hun đúc con đường văn chương sau này mà có lẽ thời ấy ông chưa hề nghĩ tới. Tốt nghiệp Đốc sự tại Học viện Quốc gia Hành Chánh Sài Gòn và ra trường nhận nhiệm sở ở Quảng Điền, Thừa Thiên. Xứ Huế và con người xứ Huế đã in đậm những dấu ấn khó phai trong nhiều truyện ngắn của ông. Sau 1975, nếm trải tận cùng những bể dâu lịch sử, 1991 ông định cư ở Hoa Kỳ cho đến nay. Nửa thế kỷ trôi qua trong dập dồn biến động của đất nước và dân tộc, xa lìa mảnh đất chôn nhau cắt rốn, từng ngày từng giờ hội nhập với một nền văn hoá khác, những trải nghiệm bản thân trong tháng năm đổi đời nghiệt ngã ấy tưởng đâu đã tách rời ông với quá khứ thành kẻ lạ. Song, từng bước tiếp cận 84 câu chuyện của ông trong 5 tập truyện ngắn Nhớ Huế (2008), Bức hoạ khoả thân (2009), Lý lẽ của trái tim (2013), Lời tỏ tình (2015), và Vô tình (2022) dường như những ký ức quê nhà vẫn chưa bao giờ lùi xa mà luôn hiện diện nhức nhối trong ông qua từng tên đất, tên làng, từng con phố, từng khuôn mặt, từng ánh mắt nụ cười đau đáu thiết thương. Truyện nào của ông cũng buồn... cũng có cái gì vừa xa vắng vừa lẻ loi vừa đau đớn, vừa căm phẫn vừa nhẫn nhịn... đến nhói lòng. Tuy tận cùng vẫn là cái tâm đẹp dịu dàng bao dung chung thuỷ đến cảm động. Cũng không dụng công quá nhiều vào những kỹ thuật phức tạp hay những triết thuyết xa xôi, khai thác thế mạnh có thể đọc một mạch của thể loại truyện ngắn, với lối kể chuyện tự nhiên hóm hỉnh có khi mộc mạc, có khi giễu nhại, Phạm Thành Châu khá thành công khi đi vào những lát cắt của hiện thực cuộc sống, của từng mảnh đời rời rạc, nhưng đặt tất cả vào bức tranh tổng thể người đọc có thể nhận ra cả một thế giới hồi ức chấn thương trong trái tim nhân hậu vô bờ.

“Phạm Thành Châu viết truyện theo nhịp hai. “Năm 1975 là cái mốc thời gian chính phân đôi đời người (nhân vật). Chân dung cuộc đời trong truyện ông được mô tả, được vẽ lại theo cách nhìn: nửa trước-nửa sau, nửa trong nước-nửa ngoài nước. Nửa này, nửa nọ. Phạm Thành Châu là nhạc trưởng thành thạo lối đánh đũa theo nhịp hai này” (Thượng Văn, trích Vô tình, tr.8). Đứng ở góc nhìn xã hội học sáng tác, cái mốc 1975 đó trở đi trở lại trong tâm thức các nhân vật truyện ngắn Phạm Thành Châu như một ám ảnh thường trực, hiển nhiên khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến dòng văn học chấn thương (Trauma in Literature) ra đời trên văn học thế giới từ sau tác phẩm Moses and Monotheism (Moses và Nhất thần luận) của Sigmund Freud về lịch sử của người Do Thái. “Sự tù đày và trở về, tuy là khởi điểm lịch sử của người Do Thái, nhưng thực sự chỉ tồn tại đối với họ thông qua kinh nghiệm chấn thương mà thôi” (Anna Gotlib,2021, Chấn thương và chuyện kể). Ông tổ phân tâm học Sigmund Freud cho rằng “chúng ta có thể bị chấn thương bởi một ý thức chứa đựng nhiều mâu thuẫn về thứ mà ông gọi là “uncanny” (cái bình thường quen thuộc bỗng trở thành xa lạ, bất thường và gây những khó chịu): cái hầu như có thể nhận diện, bị quên lãng hay kìm nén làm chúng ta sợ hãi” (Anna Gotlib,2021, sđd). Có thể hiểu, khái niệm này nhằm chỉ những chấn thương tâm lý gây ra bởi các sự kiện thảm khốc do chiến tranh đạn bom chết chóc, do sự phản bội đổ vỡ trong tình yêu hoặc hôn nhân, bị lạm dụng tình dục hoặc có khi là những cú sốc văn hoá, những đổi thay của cuộc sống số hiện đại, v.v… Nói chung là những biến cố lớn lao trong đời người khó thể vượt qua hay quên lãng, thoả hiệp với thực tại. Văn học đương đại Việt Nam thế kỷ XX, sáng tác trong hay ngoài nước, đứng từ góc nhìn “bên này” hay “bên kia” phụ thuộc hoàn cảnh xuất thân, từ sau 1975 đều có những tác phẩm mang tiếng nói bi kịch chấn thương, những sang chấn tinh thần qua các số phận cá nhân trong lịch sử từ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp…

Truyện ngắn của Phạm Thành Châu luôn xen kẽ lồng ghép đồng hiện xoay chung quanh hai trục thời gian quá khứ và hiện tại. Trong truyện, thời gian hồi ức xen trong thực tại thường được đẩy lùi đến mức tối đa theo dòng cảm thức trở về của nhân vật: hồi tôi học tiểu học, 1954 (Bí mật của ông thầy Thọt), 1967 ở ấp Bàu Trai, Hậu Nghĩa (Pháo kích), 1972 (Một chuyện ma), 1973 (Lễ bỏ mả) 1983 (Thuý Kiều)…

Đó là tiếng nói những con người buộc phải bật khỏi cội rễ quá khứ nhưng chưa bao giờ hoà nhập được với hiện tại. Đó là những ước mơ hoài bão tương lai đang nở rộ thì “cái bình thường quen thuộc bỗng trở thành xa lạ, bất thường và gây những khó chịu”. Trong chiều sâu tâm thức là nỗi đau lưu lạc luôn khao khát trở về. Ngay cả khi đang ở không gian hiện tại là Virginia, nhân vật “Tôi” cũng nhớ về khung trời cũ cố hương xa lắc: Hội An (Phố Hội của tôi, Bí mật của thầy Thọt), Chợ Sịa, Quảng Điền (Mẹ và con, Thương con) Tân Định, Hiền Vương, Phan Thanh Giản (Thuý Kiều) hay Bảo Lộc, Lâm Đồng (Mùa thu ở Virginia). Đang ở Washington DC (Nắng chiều) mà nhớ cái hành lang trường Quốc Gia hành chánh mấy chục năm trước Dũng vẫn qua lại để…trồng cây si Nga. Từ bên kia đại dương cách nửa vòng trái đất mà nhân vật của Phạm Thành Châu vẫn đau đáu quay về chỉ để được ăn một tô cháo lòng của Phúc Lan ngày nào trong Buổi chiều ở thị trấn Sông Pha. 

Nhân vật trong truyện ngắn của Phạm Thành Châu qua điểm nhìn trần thuật của nhân vật “Tôi”, vừa là người kể chuyện, vừa là kẻ trong cuộc khiến các truyện của ông đậm đặc chất tự thuật. Cộng thêm nhiều chi tiết về cuộc đời tác giả được cố tình lặp đi lặp lại trong từng truyện qua giọng kể chậm rãi theo dòng hồi tưởng. Hồi ức tự thuật cũng là một đặc trưng tiêu biểu của dòng văn học chấn thương. “Tôi” hay Hùng, hay Điền, hay Dũng đều là những nhân vật của thế hệ mất mát sau chiến tranh bỗng trở thành kẻ cùng đinh, không tài sản, không địa vị, không tiền đồ, làm đủ nghề tay chân vặt vãnh, không nuôi nổi chính mình đến độ luôn mặc cảm, lánh xa những người thân yêu vì sợ trở thành gánh nặng của họ hay tự ti không còn xứng đáng với người yêu/người vợ cũ, lặng lẽ chôn quá khứ trong nỗi câm lặng nhọc nhằn. Tìm con làm nghẹn ngào người đọc khi người cha tự lập bàn thờ khóc con vì tưởng đứa con lưu lạc của mình đã chết. Cuối cùng ôm nhận tất cả những đứa trẻ mồ côi vốn là con đồng đội cũ: “Ba đây, Tí ơi! Đứa nào cũng là con ba cả. Các con về đây với ba” (tr. 34). Một số truyện cỏn là diễn ngôn của những con người bé nhỏ bị ràng buộc, đoạ đày, chịu đựng mọi lằn roi của số phận như “nó” trong Thuý Kiều đen đúa ngang tàng, phải ăn mặc như con trai tự làm mình xấu xí để không ai dòm ngó trong cuộc đời đầu đường xó chợ vì bị lấy mất nhà, hay đáng thương như Hrao bé nhỏ, một cô bé dân tộc mới năm hay bảy tuổi đã bị bán làm vợ gã anh rể tàn bạo để lấy tiền tang ma cho cha. Em bị trói, bị đánh, bị bỏ đói vì không cho chạm vào người làm chuyện vợ-chồng trong Lễ bỏ mả. Ở hai nhân vật này người đọc không thể không rơi lệ cảm thương và xúc động trước vẻ đẹp tâm hồn trong veo của em cho dẫu cuộc đời vùi dập lấm lem trong nghịch cảnh trớ trêu.

Ngoài những chấn thương do biến động kinh hoàng của chiến tranh và những hệ luỵ của chiến tranh ở trên, truyện ngắn Phạm Thành Châu cũng có nhiều truyện đề cập đến những diễn ngôn chấn thương về tình yêu- tình dục. Vẫn giọng tự thuật nhỏ nhẻ ấy ông kể về những mối tình câm, những lời ước hẹn bị dang dở, những mối tình học trò ngây thơ một đời thương nhớ. Một số truyện ông mạnh dạn đi vào những trải nghiệm giới tính của nhân vật nam cô đơn, mặc cảm không tự tin trước tình yêu và hôn nhân như nhân vật “tôi” trong Con gà chết đi xông hơi thử cho biết mà sợ người ta biết cái cù lần của mình chưa một lần bước vào chốn này, cả người căng cứng xấu hổ… Hay nhân vật bà Tư trong Chuyện nàng Tiên Dong tân thời. Tác giả khéo léo xây dựng tình tiết rất tự nhiên mà cũng rất thật về mấy chàng công nhân vô tư khoe của trước mắt bà khiến bà lên huyết áp phải đi ngay vô bệnh viện và kiện cái xí nghiệp Tàu làm ô nhiễm môi trường. Yếu tố tính dục được đề cập trong những mối quan hệ hôn nhân cũng rất nhẹ nhàng. Nhân vật luôn chừng mực, trân trọng nâng niu mối tình thơ mộng. Thật cảm động khi Điền đi đón Niệm - người bạn cách 30 năm trước ông từng ngỏ lời yêu- về khách sạn khi cô nói sợ ở một mình, đã ngắt lời thẳng thắn trấn an cô: “Anh thề sẽ giữ gìn cho em” như hơn 30 năm trước có lần ông đã nói với cô như thế để trấn an cô khi ông rủ cô đi cắm trại với các bạn trên Bảo Lộc, Lâm Đồng” (Nhớ Huế, tr14). Ôi, mẫu người này chắc chỉ còn trong truyện ngắn Phạm Thành Châu. Lớp trẻ sẽ không tin là ông cha nó từng xử sự với nhau như thế…Hoặc đa dạng hơn, ông mượn thi pháp huyền ảo pha màu huyền bí ma quái của Bồ Tùng Linh trong Bức hoạ khoả thân cũng khá thu hút người đọc tò mò đi đến kết truyện về bức tranh ma quái ấy. Liễu Chương Đài tuy nói về 3 cô gái bán bar, sỗ sàng, lém lỉnh nhưng cái trong veo trong tâm hồn họ vẫn làm anh thầy dạỵ kèm không khỏi ngậm ngùi cảm thương.

Cách kết cấu truyện nào cũng dẫn dắt người đọc đi từ những tình tiết thuận theo logic tâm lý thông thường của người đời nhưng rồi lại cho một kết thúc thật bất ngờ. Một kết thúc đẹp. Happy Ending. Tên truyện là Anh chàng họ Sở và đúng là hắn cũng trăng hoa bừa bãi nhưng có ai ngờ câu chuyện đã kết bằng một tình huống hoàn toàn bất ngờ: “Hắn” lấy người vợ hiện tại để có tiền mua thuốc thang chăm lo người vợ trước đang bệnh nằm liệt. Vậy thế nào là họ Sở? Kén chồng cho con, Nắng chiều, Buổi chiều ở thị trấn Sông Pha, Liễu Chương đài, Nhất Chi Mai… đều man mác cảm động những mối tình thuỷ chung hiếm hoi trong thời đại hôm nay. Bom đạn chiến tranh hay những nghiệt ngã giữa con người -con người có tàn bạo khủng khiếp đến đâu, tình yêu của những con người bị số phận cho gặp nhau, yêu nhau rồi trong vô tình của lịch sử lại đẩy họ xa nhau vẫn cứ lặng lẽ đi qua mọi giông bão, đợi chờ thương nhớ vượt qua cả cái chết, và họ đã gặp lại nhau, đã có lại nhau. Tuy chỉ là truyện ngắn nhưng dòng hồi ức trong nhiều truyện của Phạm Thành Châu còn có khả năng tái hiện những diễn tiến của cả một đời người. Lời tỏ tình, Bí mật của ông thầy Thọt, Nhất Chi Mai

Một đặc điểm đáng chú ý trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả Phạm Thành Châu mà tôi tạm gọi theo cảm nhận cá nhân là “thi pháp xù xì hoá” nhân vật. Các nhân vật nam cũng như nữ của ông hiện ra trong ngoại hình xấu xí, thô ráp, được gọi bằng những cái tên bình dân bình thường, những cái tên mang cả một quá khứ giang hồ, có khi gọi theo tiếng lóng: Tám, Năm, Ba Trợn, Năm Cụt, Tư Xập Xả…; họ xưng hô với nhau cũng dung tục, cộc cằn theo kiểu ngôn ngữ đường phố của những kẻ lây lất gầm cầu, đầu đường xó chợ, có khi pha  nghi kỵ dè chừng: mày-tao, tui-ông, tôi-hắn như một phản ứng lại cái xã hội nhiễu nhương tao tác. Có khi ông đổi sang giọng châm biếm giễu nhại tự trào trong Vợ tôi là nhà thông thái hay Tôi mơ làm nhà văn, Anh chàng họ Sở, Chua chát ngậm ngùi trong Lá số tử vi…Nhưng ẩn sau tất cả những điều xù xì xấu xí bên ngoài ấy, các nhân vật truyện ngắn Phạm Thành Châu lại tự thức tỉnh người đọc về ý thức nhân văn sâu sắc trong từng cử chỉ, hành động và cách ứng xử đầy ắp tình người. Tôi không sao quên anh chàng sinh viên năm thứ hai đã bán cả chiếc xe máy để có tiền chuộc em Hrao, giải thoát cảnh đoạ đày trong tay thằng anh rể-chồng độc ác mượn phong tục tập quán của bộ tộc ràng buộc tương lai em, cưới em làm vợ mà chưa có tiền nuôi, hẹn học xong sẽ cưới về ở chung. Thương sao, cuối cùng do bị lừa chồng đã chết mà Hrao nhịn ăn nhịn uống chết theo anh. Ấn tượng xù xì ấy còn được ngòi bút nhà văn dồn nén qua ngôn ngữ, cách ăn mặc, ăn nói của nhân vật “nó”. Hoàn cảnh bị đẩy ra đường hai mẹ con bán vé số, dắt mối sinh nhai. Bề ngoài “nó” ngang tàng, ăn mặc lôi thôi, ngôn ngữ đường phố, nhưng ẩn bên trong là tấm lòng đứa con có hiếu, sẵn sàng bán “cái ngàn vàng” để lấy mấy chỉ vàng phẫu thuật cho mẹ, trong khi nó ý thức vô cùng chuyện giữ gìn cái ngàn vàng ấy với bất kỳ ai. Câu kết đầy bất ngờ mà dễ thương nữ tính khác hẳn “nó” trước đây luôn phòng thủ dè chừng với nhân vật “tao” bán bánh mì là ân nhân cứu đói cho nó…khi biết ân nhân do sinh kế phải bỏ đi nơi khác ít lâu: ”Có thương em thiệt không?” Kết truyện dừng ở đó nhưng gấp sách lại lần này tôi không rơi lệ mà chợt ấm lòng khi nghĩ đến cảnh Ngọc- tên thật của “nó” rạng rỡ sánh vai cùng “tôi” chủ xe bánh mì thành một tổ ấm của yêu thương.

Vợ mua một khởi đầu tưởng đơn thuần là thói đời hợm hĩnh qua chuyện mua bán của một lão Việt kiều sinh tật “trâu già gặm cỏ non” về Việt Nam kiếm vợ, cả thói hám lợi có vẻ đáng trách của người mẹ nhưng quá tâm lý thực tế với những người dân quê nghèo không chút tô son trát phấn màu mè che giấu, chấp nhận gả bán đứa con gái lớn cho Việt kiều để đổi căn nhà mặt phố và lũ con không còn ăn đói mặc rách, được học hành tử tế đàng hoàng… Đứa con gái chưa kịp lớn, như nụ hoa mới nhú đã trở thành vật hy sinh. Nhưng người đọc phải thật kiên nhẫn dõi theo từng tình tiết được kể theo diễn biến truyện, từ khi gặp lại, thấy cảnh nhà khốn khó của thằng bạn què học chung trường ngày xưa, một chút mánh khoé nhử lòng tham của con người để cưới được con nhỏ Quê, cưới được nó, đem nó qua Mỹ, chăm chút cho nó lẫn cung cấp gia đình nó mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Có lẽ Phạm Thành Châu đẩy câu chuyện đi quá xa hiện thực chăng? Làm gì có người bỏ cả chục ngàn đô mua vợ trẻ nào mà tâm thánh thiện đến thế! Kết thúc bất ngờ, sau bao năm trời cô Quê (bây giờ là Quế) cự tuyệt, một hôm lão uống rượu quá say, ngủ không còn biết trời trăng gì, “sáng hôm sau tỉnh dậy, lão giật mình thấy cô Quế nằm bên cạnh, một tay gác lên người lão, dụi đầu vào ngực lão. ngủ say”. Chất đẹp trong nhân vật Phạm Thành Châu gói trong vỏ xù xì của ngoại hình, của tính cách, của hành động, cử chỉ là vậy. Người đọc gấp sách lại chắc hẳn sẽ có những phút giây nhẹ lòng thư thái thở phào. Ừ, vậy mới công bằng.

Nhân vật của Phạm Thành Châu luôn giấu kín cái tâm, cái tình, cái đẹp trong phẩm cách con người đằng sau lớp vỏ xù xì ấy. Ai biết cả một biển trời xót xa thương cảm chất chứa bên trong mà tác giả dồn nén chỉ mở ra vào phút chót cho trái tim người đọc được chút ủi an “sau cơn mưa trời lại sáng”, thêm chút tin yêu vực dậy giữa khổ đau đi tiếp cuộc đời này…

Và những câu chuyện tình theo motif: ngày xưa ước hẹn/ trộm nhớ thầm thương- oái oăm-cách trở-lưu lạc/thất lạc-tái ngộ-xum vầy trong tác phẩm Phạm Thành Châu tuy ông nói nhân vật là có thật, nhưng ông đã hư cấu thêm thắt ở tình huống kết thúc truyện như truyện cổ tích ấy phải chăng cũng chính là một cách tự chữa lành những chấn thương mà hoàn cảnh lịch sử xã hội khiến họ bị đẩy vào tình thế tuởng chừng tuyệt vọng chỉ có thể tự giải thoát bằng cái chết.

Cái thi-pháp-xù-xì ấy phải chăng cũng là một cách tự bảo vệ mình trước những chấn thương nghiệt ngã, giông bão rình rập của đời? 

Anna Gotlib cho rằng “Chấn thương không phải là thứ virus để chữa chạy, không phải một câu chuyện để lãng quên, hay một nỗi buồn thẳm sâu cần phải được thay thế bằng một thứ lạc quan nông nổi. Những gì nó có thể làm là trở thành chất xúc tác cho nhiều câu chuyện khác nhau – những câu chuyện sâu sắc hơn về việc chúng ta là ai, chúng ta có giá trị như thế nào và làm sao chúng ta có thể sống “sau” chấn thương. Và những câu chuyện này không thuộc motif đi tìm hạnh phúc – chúng là câu chuyện về sự kiến tạo ý nghĩa, làm lại ý nghĩa.” (Anna Gotlib, 2021,“Trauma Unmakes the World of the Self. Can Stories Repair It?”). Vâng, diễn ngôn chấn thương trong truyện của Phạm Thành Châu và những giá trị nhân văn tác phẩm đem lại thật sự cũng là chất xúc tác để con người tự thức tự chữa lành sau những hồi ức chấn thương cá nhân-tập thể mà lịch sử đã xô đẩy chúng ta vào vòng xoáy hôm nay.

Viết, với Phạm Thành Châu như trở đi trở lại những hoài niệm thương nhớ đớn đau, như Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp chịu hình phạt phi lý suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, rồi phải hì hục đẩy lại hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy, lặp đi lặp lại trong vô vọng và vô hạn. Phạm Thành Châu cũng vần lên lăn xuống cái tảng đá hồi ức mất mát tan tác vụn vỡ của từng phận đời sau 1975 mà không sao dứt được như một vết thương chưa bao giờ liền sẹo.

Viết, với Phạm Thành Châu cũng có nghĩa như một sự tự chữa lành những chấn thương quá lớn trong tâm hồn và thể xác không thể nào quên, không thể nào chấp nhận cái hiện thực nghiệt ngã chung riêng.

Viết, với Phạm Thành Châu, phải chăng cũng để làm vật chứng trước thời gian…

Sài Gòn, tháng 4.2023

hko