Friday, July 7, 2017

02. TÔ THẨM HUY dịch và giới thiệu bài thơ TỐNG BIỆT của VƯƠNG DUY





Tặng Thiền Sư Phạm Văn Nhàn

Ông Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ có hai câu thơ đọc lên nghe tê tái cả cõi lòng: Tôi là ai giữa mùa thay đổi ấy, Sao bâng khuâng sao ngần ngại thế này !  Tôi ngờ là ông Vương Duy cũng ba phen bốn bận ngậm ngùi, tái hồn tê phách như thế.  Nhưng ông làm khó chúng ta, ông không nói thẳng ra, mà để cho lời thơ lãng đãng giữa trời mây trắng.  Ông là Phật Thi, là Vương Ma Cật, thơ ông trùng điệp ẩn ngữ, bàng bạc cõi Không của nhà Phật, mà tuyệt không thấy một lời trong Bát Nhã kinh, một chữ trong Kim Cương điển.  Ông có 6 câu thơ ngũ ngôn, thoáng đọc tưởng là ông và một người bạn đang uống rượu chia tay, ngậm ngùi thăm hỏi.  Để đánh lừa người đọc, ông đặt cho nó cái tựa là Tống Biệt.

Há mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi
Quân ngôn bất xứng ý
Quy ngoạ Nam Sơn thuỳ
Đãn khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì

下馬飲君酒
問君何所之
君言不稱意
歸臥南山陲
但去莫復問
白雲無盡時


Bài thơ ấy thích nghĩa ra như sau: 

Xuống ngựa uống rượu cùng anh.
Hỏi anh nơi chốn về đâu ?
Anh đáp chẳng được nhưý.
Đi về nằm thõng núi Nam.
Đi thôi, đừng hỏi thêm nữa.
Mây trắng có khi nào hết đâu.

Và đây là bài dịch theo nguyên thể của ông Đông A:

Xuống ngựa mời anh rượu
Hỏi anh định đâu không?
Anh bảo chẳng nhưý
Về nằm ven núi Chung
Cứđi, thôi hỏi nữa
Mây trắng bay không cùng.

Dịch như thế thật là lời đáp lời, chữ đáp chữ, trùng trùng điệp điệp ẩn ngữ.  Thế nhưng có nên đem áng mây trắng đang thong dong giữa cõi trời thênh thang ấy mà nhốt vào cung vàng điện ngọc của ngôn ngữ hay không?  Cái hồn Thiền Tông của Vương Ma Cật lẩn trốn ở đâu rồi vậy ? 

Đâu là: Giang lưu thiên địa ngoại, sơn sắc hữu vô trung ? 
Cái giòng chẩy của con sông nằm ở ngoài cõi trời đất,
Cái hình tướng của núi non nằm ở giữa cõi không, giữa hữu


Đâu là: Khê trung bạch thạch xuất,  Thiên hàn hồng diệp hy. Sơn lộ nguyên vô vũ,  Không thuý thấp nhân y ?  Sỏi đá trắng nhô lên dưới lòng suối cạn. Cánh lá đỏ lẻ loi giữa trời lạnh lẽo.  Đường trên núi chẳng mưa một giọt, sao vạt áo ai thẫm ướt sắc xanh, sánh mầu tía lục của cõi Không im vắng?

Thơ Vương Ma Cật là thế, óng ánh sắc mầu của suối nguồn ban sơhoang vắng, lại vang vọng âm lặng tiếng vỗ của một bàn tay.  Làm sao mà dịch đây ?  Có thật là hai người bạn đang uống rượu tiễn nhau ?  Hay là Vương Duy há mã ẩm quân tửu, lòng buồn không biết đi đâu, bèn bâng khuâng một mình xuống ngựa, tự rót rượu mời mình, tự nâng chén, rồi tự thầm hỏi: Tôi là ai giữa mùa thay đổi ấy ? Rồi tự thầm đáp:

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa.  (BG)

Thật chẳng biết sao mà lường.  Hay là thử mời ông Nguyễn Du, rủ rê ông Bùi Giáng, đem bài thơ ấy ra bầy một cuộc dịch di dời đổi, xem ông Vương Duy bảo sao ?

Thưa, xin tuân lệnh:

Tiễn Ai ?
Loanh quanh xuống phố lên phường,
Mưa nguồn nẻo ấy, đoạn trường về đâu?
Rằng từ ngẫu nhĩ bể dâu
Chữ tài đã mệnh giữa mầu quan san
Còn chăng dưới áng mây ngàn
Kìa em mọi nhỏ mơ màng đầu truông
Thôi về nằm khểnh trên buôn.

-      Sao lại thế?  Sao lại dịch tào lao như thế?  Cõi Không trong thơ Vương Ma Cật, nơi ông chôn dấu nắm xương tàn giữa cụm mây trắng, sao bỗng dưng lại biến thành cõi người ta của em Thuý Tố Như ngậm ngùi như thế, sao lại có thể chạy về nẻo truông đèo của em mọi nhỏ Bùi Giáng như vậy?  Thật là không được, không được là không được !  Thử trả nó về cõi không hoằng viễn của Phật Đà xem sao. 

-      Xin vâng:

Ba la yết đế qua bờ
Góp năm cái ấy xoá mờ cái ta
Lần trong nghịch lữ phong ba
Lọ là sở trụ mới là tại tâm!
Nghìn năm mây trắng thì thầm
Lên non xuống tóc, đốt trầm đọc kinh.
Hỏi chi, sắc tức thị không ! 

-      Gì thế này ?  Lại càng không được.  Không được là không được !  Ông Lý Bạch ắt hẳn đang cười thầm: Nó lấy cái quán trọ(1) của ta ra mà ép uổng trại hươu (2) của Vương Cư Sĩ.  Ông Tô Đông Pha chắc cũng đang phiền lòng: Sao lại lôi cái ngũ uẩn giai không của Bát Nhã Ba La Mật ra mà kêu rêu thế ?  Cõi Không của Vương Ma Cật sao lại lồ lộ hiện hình thế ? Chân diện mục của Lô sơn(3)đâu mà mồn một rỡ ràng, không sương không khói thế ?  Có thể nào bớt mùi thiền vị đi mà vẫn theo sát nguyên tác được chăng ?

-      Thưa, xin lĩnh ý.

Tiễn Đưa

Giữa đàng xuống ngựa mời nhau
Nâng ly thầm hỏi về đâu quê nhà ?
Rằng từ khách địa lân la
Mưa chiều nắng sớm, vào ra não nùng
Hỏi chi, nọ núi chập chùng
Về thôi, mây trắng ngập ngừng đầu non
Thôi về nằm thõng núi Nam

-      Sao gọi là núi Nam ?  Hà cớ gì ông Đông A lại bảo là về nằm ven núi Chung ?
-      Thưa, không rõ.  Có thể vì Chung Nam núi cuối trên rặng Tần Lĩnh là nơi Vương Duy lúc vãn tuế thường một mình đi dạo.  Mà cũng có thể vì Chung Nam núi cũ là cõi tận cùng của nghìn năm mây trắng.  Lạic ũng có thể vì Vương Cư Sĩ đang thương nhớ nàng Tiểu Long Nữ trong ngôi cổ mộ dưới chân núi. 
-      Thế ngộ nhỡ lúc ấy Vương Tiên Sinh đang không bâng khuâng uống rượu một mình, mà đang lai rai cụng ly tiễn ai đó thì sao ?
-      Thưa, thì xin rót thêm dăm chén mà mời tiên sinh nhị vị:

Gọi là gặp gỡ giữa đàng
Buồn vui xin gửi mây ngàn đầu non

-      Nghĩa là ?
-      Là đem cái bất xứng ý của riêng mình ra mà chan hoà gửi gấm cùng áng mây trắng của Vương Ma Cật đã nghìn năm bay lượn trên thân phận con người.

Đàn Bách Kiếm - Tô Thẩm Huy
(Trích Đùa Với Đường Thi, Văn Học, tháng 3, 2005)

Quán Trọ:Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ. Quang âm giả, bách đại chi quá khách.  (Lý Bạch)
      
Trời đất ư! Khác nào quán trọ của muôn loài. Tấc bóng a ! Khách qua đường của thiên thu vạn đại. (TTH)
Trại Hươu: Nơi Vương Duy về ở ẩn, viết bài Lộc Trại:


Không sơn bất kiến nhân
Đãn văn nhân ngữ hưởng
Phản ảnh nhập thâm lâm
Phục chiếu thanh đài thượng

Núi không, vắng lặng bóng người,
Chỉ nghe xa vẳng tiếng đời bể dâu.
Hắt lên,thoáng ánh rừng sâu,
Dội xanh rêu phủ,một mầu lạnh câm. (TTH)


Lô Sơn: Tô Đông Pha có bài thơ như một công án Thiền, đề nơi vách chùa Đông Lâm, trên núi Lô Sơn:

Hoành khan thành lãnh trắc thành phong
Viễn cận cao đê các bất đồng
Bất thức Lô sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung

Nhìn ngang, dãy núi chập chùng
Nhìn xuôi, sừng sững non tầng vút cao
Lô Sơn diện mục ra sao ?
Biết đâu chân tướng, khác nhau xa, gần(TTH)


Hoặc như bài Lô Sơn tương truyền là của ông:


Lô sơn yên toả Triết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu,
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lô sơn yên toả Triết giang triều.


Mù toả Lô sơn sóng Triết giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại, không gì lạ

Mù toả Lô sơn sóng Triết giang. (Mãn Giác ?)