Tuesday, July 11, 2017

15. PHẠM CAO HOÀNG Lê Phương Nguyên và tập thơ đầu tay: PHÙ SA





Tôi quen Lê Phương Nguyên từ trước 1975 ở Tuy Hòa. Lúc ấy anh là kỹ sư công chánh, làm việc trong lĩnh vực dân sự. Anh hiền lành, khiêm tốn, thâm trầm, ít nói nên không ai biết anh có làm thơ. Anh là người có chí lớn, thích làm những việc lớn. Sau 1975 tôi chỉ gặp anh một lần duy nhất, khoảng 1980, ở khu bán sách cũ trên đường Calmette, Sài Gòn.  Ngồi uống cà phê vỉa hè với anh, tôi nói, “Lâu rồi không có tin tức của anh, tôi tưởng anh đã đi nước ngoài”. Anh đáp, “Tôi phải ở lại đây. Nếu mọi người ở đây đang khổ thì tôi phải ở lại chia cái khổ với mọi người chứ đâu có đành lòng mà ra đi”. Sau đó chúng tôi mất liên lạc - mỗi người bôn ba, bươn chải theo cuộc sống riêng.

Mãi cho đến cuối năm 2016 tôi mới liên lạc được với anh. Anh bắt đầu gửi cho tôi những bài thơ anh sáng tác trong 40 năm qua – những bài thơ chưa bao giờ bao giờ đăng tải trên báo chí, chưa bao giờ được xuất bản. Đây là những bài thơ hay, kỹ thuật điêu luyện, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhiều câu thơ xuất thần thể hiện tài năng của một thi sĩ đích thực:

Nhà em bên sườn núi
Buổi chiều xuân em về
Áo trắng bên đường dương liễu biếc
Ba mươi năm sau anh làm thơ
(HỒI ỨC)

Nửa đời trắng tóc, buồm không gió
Ngược nước nên ta phải chậm về
(BẠN HỎI NGÀY VỀ)

Và con nước không còn con nước cũ
Chợt thấy lòng gờn gợn chút bâng khuâng
(DÒNG SÔNG THƠ ẤU)

Thơ anh xoay quanh các chủ đề quê hương, gia đình, tình bạn, tình yêu, trong đó phần lớn anh viết về quê hương. Là một trí thức yêu nước, nuôi hoài bão về một xã hội công bằng với cuộc sống văn minh và hạnh phúc, anh không thể chấp nhận những thực tế mà anh phải chứng kiến:

Người nghèo nghèo đến cháy lưng,
Kẻ giàu giàu đến vô cùng bao la.
(HẰNG ĐÊM TẠI ĐIỀN TRANG LỘC XUÂN)

Có khi nhìn thấy mặt người
Lạnh căm đôi mắt thay lời chào nhau
(Ô CỬA NHÌN ĐỜI)

Quê nhà đây? Thực hay mơ?
Khu vườn xưa đã bây giờ nghĩa trang!
(HAI MƯƠI NĂM SAU TRỞ LẠI VƯỜN NHÀ CŨ)

Lê Phương Nguyên là một kỹ sư thành đạt, do thời thế bây giờ trở thành nông dân. Trong nhiều bài thơ, anh mô tả miền quê anh đang sống ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Anh yêu quí cuộc sống ở điền trang mặc dù công việc của một nông dân thì lúc nào cũng vất vả:

Mở cửa ra, nhìn núi vẫn còn,
Lòng vui, lót dạ mấy lưng cơm
Chè xanh một bát thơm mùi lá,
Vác cuốc ra vườn chân dẫm sương…
(LƯƠNG NÔNG)

Ngày tháng trôi trên tóc trắng bay,                                   
Cảm ơn hương của cánh hoa gầy,
Cảm ơn mây trắng, trời xanh nữa                                  
Và cả không gian tĩnh lặng này….
(MỘT CÕI RIÊNG)

Lê Phương Nguyên thành công nhất ở thể thơ lục bát. Thơ lục bát của anh không cổ điển sáo mòn nhưng cũng không tân kỳ phức tạp:

Có vì sao ở thật xa,
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân.
(Ô CỬA NHÌN ĐỜI)

Vườn khuya trăng khuyết nửa vành,
Ngồi nghe tĩnh lặng đã thành thói quen;
Ước gì có ở một bên
Là Em với mái tóc huyền gió bay…
(NGỒI DƯỚI TRĂNG TÀ CHIÊM BAO)

Cánh cò như một lời ru,
Từ bên kia đỉnh sương mù ấu thơ….
(HAI MƯƠI NĂM SAU TRỞ LẠI VƯỜN NHÀ CŨ)

Bước đi trên những lối mòn,
Mà lòng nghe nặng nỗi buồn đôi chân…
(LỐI MÒN)

Lê Phương Nguyên là một trường hợp rất đặc biệt trong làng thơ Việt Nam: sáng tác trên dưới 40 năm, thơ hay, vậy mà mãi đến năm 74 tuổi thơ anh mới đến với người đọc và in tập thơ đầu tay khi anh đã ở tuổi 75, khi tóc anh đã trắng như bông. Còn nỗi vui nào hơn khi cầm tập thơ PHÙ SA trong tay! Xin chúc mừng anh Lê Phương Nguyên và cả những ai đang có trong tay tập thơ này.


Phạm Cao Hoàng
July 11, 2017

Bìa tập thơ Phù Sa của Lê Phương Nguyên
102 bài thơ – Nguyễn Sông Ba trình bày
Sài Gòn, tháng 7.2017

Chân dung nhà thơ Lê Phương Nguyên
Photo by Nguyễn Hữu - 7 tháng 5.2017