Friday, July 14, 2017

20. THƯA CHUYỆN CÙNG NGƯỜI QUẢN THỦ - Hồ Đình Nghiêm phỏng vấn nhà thơ Bắc Phong





Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thân chào nhà thơ Bắc Phong. Tôi gửi bài khá đều cho diễn đàn Sáng Tạo, cũng đã nhiều lần tôi bị độc giả phương xa đưa ra câu hỏi: Người chăm sóc trang mạng ấy có vẻ sống khép kín? Tôi xin được thay mặt số đông người đọc để gửi tới anh một vài thắc mắc. Anh có vui lòng đón nhận? Anh có thực sự kín tiếng như “dư luận” nghi ngờ?

Bắc Phong (BP): Thân chào nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Cảm ơn anh nhiều đã sinh hoạt tích cực trong nhóm chủ trương Sáng Tạo và gửi bài thường xuyên cho thư viện. Tôi thực sự muốn sống đơn giản nên có lẽ cuộc sống do đó cũng phần nào khép kín.

HĐN: Cảm ơn anh đã chia sẻ. Còn nhớ đầu thập niên 80, những bài thơ chất đầy khí thế đấu tranh, niềm phẫn hận nhưng không bi quan có ký tên Bắc Phong. Thưa nhà thơ, anh Bắc Phong đó giờ đã “di tản” đi đâu? Ý tôi muốn hỏi, lửa trong anh vẫn còn thắp đỏ? Hình như anh đang tu tập thiền đạo? Anh sáng tác có ít đi?

BP: Tôi chỉ “di tản” một lần lúc rời Việt Nam vì không muốn sống dưới chế độ CS. Vì hay quan tâm đến các vấn đề đất nước nên thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ chính luận để chia sẻ suy nghĩ thời sự với quý văn hữu và độc giả. Về thiền, thì tôi chỉ tập tĩnh tâm thôi. Sức làm thơ của tôi cũng yếu đi theo thể tạng một người bước vào tuổi về chiều.

HĐN: Công việc chăm sóc một trang văn học nghệ thuật lên bài hàng ngày như diễn đàn Sáng Tạo ắt phải chiếm nhiều thời gian của anh. Anh có thể trình bầy ở đây những khó khăn mà anh từng gặp phải và vượt qua?

BP: Thưa anh, công việc biên tập và lên bài của Sáng Tạo cũng làm tôi bận rộn. Từ lâu nay, tôi nghỉ cuối tuần để giữ đời sống thêm chút quân bình. Tôi có vài thử thách cần cố gắng vượt qua, chẳng hạn như: cố gắng chọn bài đăng có phẩm chất và đa dạng; cố gắng lên bài đều đặn để không phụ lòng quý văn hữu gửi bài; và cố gắng giữ phần trình bày trang mạng sao cho gọn gàng và dễ coi.

HĐN: Anh có đón nhận niềm vui, sự cảm thông từ phía người đọc? Sức mạnh nào giúp anh bình thân khi đi trên sạn đạo?

BP: Tôi cũng thỉnh thoảng nhận được thư khích lệ từ quý văn hữu và độc giả. Tôi cố gắng duy trì diễn đàn vì thấy chúng ta may mắn được nhiều tác giả chọn để chia sẻ cảm hứng văn học nghệ thuật, nhất là những tác giả trong nước đã chấp nhận nguy hiểm khi gửi đăng các bài viết phản ảnh hiện tình đất nước và thân phận con người sống dưới chế độ CS.

HĐN: Khi chọn lựa bài vở để hiển thị, anh có nhận xét nào, tổng quan về giá trị nằm trong thơ văn của các văn hữu bốn phương gửi về? Những tác giả nào được số đông người đọc chấp nhận (tôi tránh dùng chữ được yêu thích)?

BP: Bài vở gửi đăng Sáng Tạo khá nhiều, có giá trị và đủ thể loại cũng như đề tài. Đa số là những bài viết mang tâm cảm riêng. Có một số tác giả thu hút nhiều người đọc, xin cho tôi miễn nêu tên. Thực ra tôi để ý cứ bài nào hay là được đọc nhiều.

HĐN: Anh có mang cùng nhận xét giống tôi, rằng không riêng Sáng Tạo, các diễn đàn bạn bao giờ cũng đăng thơ nhiều hơn văn? Tại sao? Trong lúc cá nhân tôi, tôi vẫn xem thi ca là món “khó ăn” hơn các thể loại khác.

BP: Tôi nghĩ các diễn đàn đăng thơ nhiều hơn văn có lẽ vì người Việt mình thích làm thơ hơn. Trên Sáng Tạo, tôi thấy văn nhận được sự chú ý của người đọc nhiều hơn là thơ, một món “khó ăn” như anh nói.

HĐN: Sáng Tạo luôn bị dựng đặt tường lửa, người trong nước có khi không vào được. Chắc hẳn có lý do?

BP: Tôi nghĩ không riêng Sáng Tạo mà nhiều trang mạng văn hóa cũng bị chặn tường lửa vì nhà cầm quyền Việt Nam không muốn người dân trong nước tiếp cận với các bài viết phơi bày “sự thật.” Họ tìm mọi cách kiểm soát tư tưởng người dân để mong duy trì chế độ chuyên chính độc tài.

HĐN: Anh có suy nghĩ nào về tình hình ở trong nước? Mặt văn học cũng như một xã hội luôn bất an. Dồn chó vào chân tường, chó sẽ cắn. Anh tin
câu nói ấy đúng được mấy phần?

BP: Tôi nghĩ anh nhận xét đúng là người trong nước, đặc biệt giới trí thức và làm văn học đang sống trong tình trạng bất an. Nhưng tôi cũng thực sự tin là đất nước mình đang ở giai đoạn “cùng tắc biến.” Hy vọng chúng ta sẽ sớm thấy giai đoạn “biến tắc thông.”

HĐN: Nhớ lại thời kỳ huy hoàng của báo giấy, tạp chí Văn của Mai Thảo lao đao cầm cự rồi chuyển sang Nguyễn Xuân Hoàng chăm sóc. Văn Học Nghệ Thuật cũng thế, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác tới tay Cao Xuân Huy. Nhân Văn của Hà Thúc Sinh cầm cự thoi thóp. Hợp Lưu của Khánh Trường cũng gặp sóng gió liên hồi kỳ trận… Anh có mang ý nghĩ chủ quan, rằng các trang báo mạng sẽ trụ được lâu hơn vì người đọc dễ truy cập hơn, thông dụng hơn, nóng sốt hơn…

BP: Tôi cũng nghĩ các trang mạng văn học nghệ thuật ở hải ngoại có thể tồn tại lâu hơn báo in là do các lý do anh nêu trên. Nhưng có lẽ rồi sẽ chung số phận lao đao vì số người viết và người đọc tiếng Việt thuộc thế hệ đứng tuổi ngày càng ít dần đi. Trong khi đó, những bạn trẻ sống xứ người viết và đọc tác phẩm ngoại ngữ nhiều hơn.

HĐN: Tôi rất thích thơ cô đọng thường dài không quá bốn câu của anh đề cập tới nhiều cảnh sống đó đây. Thơ ấy lạ và hay ở chỗ, nửa dung tục và nửa kia là cả một nghệ thuật chắt lọc chữ, đơn giản hoá những hình tượng. Hình như anh chẳng có ý định in cho mình một thi tập? Vậy thì đúng là hơi bị “kín tiếng”.

BP: Cảm ơn anh đã có những nhận xét thân tình về thơ tôi. Tôi thực chưa có ý định in thơ vì lười.

HĐN: Một lần nữa, thay mặt số đông người đọc, tôi xin thành thực cảm ơn nhà thơ Bắc Phong đã vui lòng cho tôi quấy rầy. Xin chúc anh luôn sức khoẻ để theo đó, Sáng Tạo không ngừng gửi đến người đọc những bài viết giá trị. Anh muốn gửi thêm ở đây chút tâm sự bên lề?

BP: Cảm ơn anh đã quan tâm đến Sáng Tạo và gửi lời chúc lành cho riêng tôi. Tôi cũng nhân dịp này xin ngỏ lời mong ước được quý tác giả thông cảm cho sự chủ quan của tôi trong vai trò biên tập. Thêm nữa, tôi cũng hy vọng quý văn nghệ sĩ cộng tác và bạn đọc giúp đỡ trong việc giới thiệu thư viện Sáng Tạo đến với người thân và bằng hữu của mình.

Hồ Đình Nghiêm
thực hiện qua điện thư
Montréal- Toronto tháng 7, 2017. 

Nhà thơ Bắc Phong