Monday, August 28, 2017

108. Truyện ngắn HỒ ĐÌNH NGHIÊM Bóng ma




Hẹn 9 AM ở lầu 1 khu vực K. Đừng quên thẻ bệnh viện và căn cước của sở y tế cấp. Bọn tôi hướng dẫn cách tắm xà phòng đặc biệt, sau đó không được mặc thứ gì vào người ngoại trừ chiếc áo đặc thù của bệnh viện, trùm nón lưới và mang đôi vớ bằng giấy mỏng. Leo lên giường nằm thư giãn, đeo vào cổ tay một cái vòng plastic tóm gọn bệnh lý cùng những con số riêng tư khắc ghi ở trên đấy. Đo áp huyết lần sau cùng, nhiệt kế ngậm dưới lưỡi, gắn 6 nụ có dây nhợ lòng thòng vào ngực để đo điện tâm đồ. Lấy 3 ống máu rồi dán chặt mũi kim nằm nguyên vị trí ở cánh tay. Chúng tôi sẽ tuyền xê-rum vào đó hoặc morphine hoặc những dược liệu cần kíp khác. Mười phút nữa bạn sẽ được chuyển qua khu phẫu thuật.

Kim đồng hồ di chuyển chậm hơn vận tốc trái tim đang gõ. 1 PM, giường con bệnh được đẩy vào thang máy riêng, xuống tầng trệt. Ở đây nhiều ánh sáng, đèn đuốc một phần, phần khác người ta lợp kính trong suốt, thấy mây bay thấy nắng chiếu thấy cành lá những loài cây già tuổi đứng rung động bên ngoài sân bệnh viện. Đây là khu vực cách ly với ngoại giới, bạn muốn đi qua những cánh cửa đóng mở tự động bạn phải có một tấm thẻ nhựa đặc biệt. Người y tá lực lưỡng đặt xấp hồ sơ dày cỡ 200 trang trên bụng “thân chủ”. Không lâu đâu, chừng nửa giờ, thông thường là vậy. Anh ta ém được chiếc giường tân kỳ giá khoảng 5.000 đô-la vào chỗ thích hợp. Sát hành lang có dán tấm poster: “Thông thường, cái bàn phím có nơi máy điện toán bạn đang dùng chứa lắm vi trùng hơn một cái bồn cầu. Xin bạn vui lòng rửa tay thật sạch trước khi tiếp xúc với bệnh nhân”.

Bệnh nhân nằm lim dim, dát thân mỏng dính xuống mặt nệm bắt đầu nghe lạnh. Trong đầu óc trống hoác tự dưng lộ ra câu của Bukowski: “Tôi mang cái chết trong túi áo trái. Đôi khi tôi lấy nó ra và hỏi han: Chào cưng, dạo này cưng sao rồi? Hồi nào thì cưng đến với ta? Ta sẽ sẵn sàng”. Một bóng người toàn thân màu xanh lục lướt êm tới đứng cạnh giường. Xin chào. Bạn muốn tôi dùng tiếng Anh hay Pháp ngữ? Tôi là bác sĩ Hulk, phụ bác sĩ Zukor chịu trách nhiệm ca phẫu thuật này. Bạn thấy sao rồi? Nón trùm đầu, khẩu trang đã móc sợi dây vào một bên tai, đôi mắt linh hoạt sau cặp kính cận nhìn xuống. Mức độ gây hiểm nguy chỉ lên tới 9% thôi. Chúng tôi sẽ chích một liều thuốc tê vào sau lưng bạn và dự trù thời gian sẽ kéo dài trong 2 giờ. Với năm ngón to khoẻ của một người quen sử dụng dao kéo, bác sĩ Hulk bắt tay “thân chủ”. Chiếc găng cao su mỏng chẳng ngăn được nhiệt lượng từ bàn tay ấy lan toả ra. Trấn an, vỗ về và tự hứa sẽ làm tốt với khả năng mình có. Họ có tủi thân không, khi được đi thực tế ở Việt Nam để nhìn thấy thứ văn hoá phong bì. Tiền trao cháo múc. Đừng rên la làm gì cho chóng đuối sức. Hai trăm đô la thôi mờ, bộ kiếm không ra hở. Đừng có vu oan rằng thì nà bọn tớ thấy chết không kíu nhé!

Một, hai, ba. Họ cùng đếm số để động tác có được sự ăn ý. Bốn người ở bốn góc đã nhấc hỏng tấm chăn lên và đặt nhẹ nhàng con bệnh qua một chiếc giường khác. Trước đó họ đã tháo những dây nhợ cột cứng cái thây bất động để tiện cho việc mổ xẻ. Họ liền tay đắp lên ba tấm chăn vừa hấp nóng vào cơ thể lạnh như một tảng băng, khói bốc mờ cùng lần với ý thức vụt hiện tới: Mình vừa trôi qua dòng nước đen, được tấp vào bờ sinh tồn. Một ống nhựa đun vào mũi: Bạn cần thở oxygen. Chuyền xê-rum cùng với một liều morphine làm chận cơn đau. Bọn tôi sẽ chuyển bạn ra nằm phòng hồi sức, chừng nào bạn ngo ngoe được những ngón chân, bạn cảm được tay tôi đang sờ nắn da thịt bạn, khi ấy chúng tôi hẳn mang bạn lên phòng cho y tá chăm nom. Khoảng nửa giờ sau chúng tôi sẽ đặt một tấm bảng dưới lưng bạn để chụp x-ray. Hiện tại bạn cần phải uống thật nhiều nước lạnh vào, đi kèm với viên Xarelto, viên oxycodone và 2 viên novo-gesic. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, gắng tỉnh dưỡng nhé, chóng hồi phục thôi. Bác sĩ Zukor nói. Tay dong cao rồi quay lưng đi. Ông ấy là một người Do Thái tài ba, trưởng khoa điều trị chữa lành mọi cấp độ chấn thương về gãy xương.

Đợi sắp xếp đâu ra đó, chiếc giường được đằng vân giá vũ lên tận lầu 8. Phòng 820 giường C. Phòng trọ trong ba ngày, hoàn toàn miễn phí; chừng nào bạn muốn một không gian yên tĩnh, riêng lẻ, có điện thoại bàn có truyền hình đã gắn cable thì bạn phải chi trả một khoảng tiền nhất định. Đi máy bay bạn ngồi ghế ở hạng tiết kiệm thì hẳn chớ so đo với hạng nhất, hạng thương gia các thứ. Giường C đặt nằm trong cùng, kéo tấm màn cửa sang bên sẽ bắt gặp một vầng trăng nhạt hiện lẻ loi trên khu phố lắm đốm đèn màu nhấp nháy. Thoảng có mùi thơm đẩy đưa: Gắng ăn đôi ba múi cho ngọt cần cổ. Quýt này của Tây Ban Nha chứ không phải của Maroc đâu. Người đàn bà ngồi bên giường B đang lột vỏ và từ tốn đút cho gã đàn ông sắc mặt tiều tuỵ nhác chơi thấy rõ. Thấy sao? Thích thì ngày mai em sẽ mua thêm.

Đứa nằm giường C trông sang, lẩm bẩm bốn câu thơ của Thiền sư Viên Thành:

“Ngọt ngào không rõ đặng trong lòng
Rõ đặng trong lòng biết đục trong
Biết đục trong hãy xin nếm thử
Hãy xin nếm thử ngọt ngào không?”

Đôi khi chẳng cần được ăn quýt, chỉ ngó ra cử chỉ đầy quan hoài của tha nhân cũng đủ khiến mình nếm được chất ngọt ngào sóng sánh trong tình người chia sẻ. Ở chỗ trồng nhiều khế ngọt con bệnh dễ thác vì mãi nghe bác sĩ lẫn y tá thay phiên đay nghiến, tủi thân lắm, đớn đau lắm; chưa kể có nhiều trường hợp gãy chân phải chữa chân trái hoặc buồn tay đem cưa cụt cho khoẻ trí. Suốt đời không cách gì gạn đục khơi trong được. Cái nước mình nó vốn thế! Một người đứng tuổi có học vị cao đã “phát ngôn linh tinh” như vậy.

Chào buổi tối. Thấy đỡ chưa? Tôi mang tới cho bạn bốn viên thuốc. Một thứ chống nhiễm trùng, một viên chống táo bón, một liều morphine nhẹ và một viên giúp bạn chóng ngủ. Ở đầu giường có cái nút đỏ, bạn bấm nút hồi nào bạn muốn được sự giúp đỡ, y tá trực sẽ chạy vào giúp bạn. Những cái nút màu xanh còn lại là điều khiển chiếc giường thay đổi vị trí sao cho bạn thấy thoải mái khi đặt lưng. Cái bình nhựa kia là để bạn tiểu tiện vào mà không cần phải ngồi dậy. Điểm tâm ngày mai bắt đầu vào 7.30, ngày ba bữa và thực đơn luôn thay đổi, bạn có quyền lựa chọn nếu bạn chẳng ăn được một vài thứ. Cái nút nhựa này để thay đổi độ sáng tối của ngọn đèn, bấm ba lần thì đèn nhắm mắt. Chúc ngủ ngon. Bà y tá đi ra rồi kéo tấm màn vải che bít giang sơn 820 C.

Bềnh bồng, có thể do phản ứng của lắm loại thuốc gây ra. Chẳng thấy đau, cũng không mang cảm giác chóng mặt hoặc kiệt sức. Thứ trạng thái nửa mê nửa tỉnh, không thèm khát một thứ gì, xuôi tay, buông trôi. Ba ngọn đèn  sáng xanh trên trần vẫn ngó xuống và rồi mí mắt đóng màn, chòng chành:

“Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò ra”.

Hình như thơ của Bút Tre, vẽ ra một cảnh sắc quen thuộc, và dễ thương mà chẳng ai nhìn thấy. Muốn tới cái sự thò ra kia tiên khởi ta phải dịch đít. Sang sông phải luỵ đò là vì vậy. Trước đây, muốn về thăm làng ta phải bỏ công theo dõi tin chiến sự, dò la để biết chốn quê xa có chút an toàn nào không? Một thuật ngữ dùng ám chỉ: Vùng xôi đậu. Người làm chủ ban ngày, ma quỷ hiện hình lộng hành ban đêm. Vì vậy ngủ lại đêm thì chẳng đặng nên muốn đi phải khởi hành giấc sớm để chừng hai ba giờ chiều phải chóng khăn gói trở lại phố phường. Về làng để nhận tiền chia lúa, để thăm lại mồ mả ông bà và được bà con trao quà: Cái lồng tre nhốt một hai con sáo, hoặc chào mào, hoặc con chim cu có giọng hót lạ thường. Nhưng đáng nhớ hơn cả là hình ảnh một người đàn bà bao giờ cũng tự nguyện làm kẻ tiễn đưa. Một khuôn mặt buồn, ẩn dấu nhiều thua thiệt và chịu đựng dài lâu, tuồng như suốt kiếp. Áo màu nâu, phai nhạt ở trên vai, ở tấm lưng chẳng mấy khi khô. Tóc rối, mắt ướt, làn da ăn nắng gần tiệp với màu vải áo và luôn nói với chất giọng gần như hụt hơi: Dạo đó chị lớn chừng 12 tuổi, mạ em bắn tiếng về làng mong có người lên giúp đỡ. Chị là người được chọn, công việc là phụ nấu ăn giặt giũ và chăm sóc em. Không hiểu sao, giữa chị em mình đã có với nhau một sự gắn bó, đã thương yêu nhau. Chị bảo vệ em bằng tất cả sức mạnh mà chị có, em tượng trưng cho mọi niềm vui mà chị được thu giữ trong suốt những ngày xa quê. Mấy hôm mưa to gió lớn, chị đã ôm em, ru em ngủ bằng các câu chuyện cổ tích đầy chắp vá. Và chị đã nhìn ra lòng quý mến mà em muốn dành riêng cho chị. Muốn ăn cơm, em chỉ đồng ý cho riêng chị đút. Em sẽ ở dơ cho tới chừng nào chỉ rảnh tay mang em ra giếng tắm rửa. Có nghĩa là em rất chướng, chỉ có chị mới “đụng” được người em. Mọi người trong nhà đều thống nhất một cách gọi: O Hường. Chỉ mình em, cá biệt kêu: Chị Hường ơi! Có thể chi tên Hồng, nhưng người ngoài làng đa phần đều sợ thần linh quở phạt nên phải đọc trại ra. Hoa đổi thành Huê. Màu đổi thành Mùi. Hôn đổi thành Hun… Và khuôn mặt dại khờ của em đã được chị hun tới cả vạn lần. Không chắc đến lúc thành hôn, người nữ phải hôn chồng kiểu đó. Ốt dột hoặc mắc cỡ hoặc ngó không thực lòng. Chẳng phải chị mượn em để làm nháp đâu, chị thương em hơn cả thương người chồng mai sau của chị. Và một ngày xấu trời, như một trang sau cùng cuốn tiểu thuyết siêu hình thật khó đọc thông, chị Hường phải chịu về làng làm vợ một anh chàng nào đó chưa hề biết tới, nghe qua. Trên đường đứt ruột phải băng qua, có người từng đánh rơi lông ngỗng để làm dấu. Chị Hường chẳng có gì ngoài suối lệ mãi trút xuống không kịp lau khô.

“Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”.

Phải sau này, thực trạng đó mới có người như Đồng Đức Bốn chứng thực được. Chị Hường dịch đít sang ngang và cái làng kia đã thôi còn thò ra nữa. Chiến tranh đã nuốt trọn lấy nó, thu cất riêng một nơi huý kỵ có tên gọi “đã giải phóng”. Con đò đã thực sự chìm, mực sông cao hơn vì nó hứng lấy bao nước mắt của bá tánh trút xuống. Nó thôi “nắng đục mưa trong” bởi bốn mùa triều cường duy mỗi màu đỏ lờ. Uể oải xê dịch và từng có thời điểm là cửa ngõ giúp người ta trốn chạy ra bốn phương ta bà, chết bỏ bể bỏ. Sông chẳng phải mang tên Bến Hải, cầu không dann xưng Hiền Lương nhưng mọi chốn trên địa hình chữ S mãi còn đó một sự phân lìa, đố kỵ và thù hằn có giữa hai phía con rồng, cháu tiên. Bắc Nam hai nhà.

Em đừng sợ. Mỗi đêm chị cố gắng về ngồi bên em. Ác quỷ sẽ không thì thầm bên tai được, cùng lắm chúng nó chỉ trốn dưới giường. Chị biết em chỉ nằm đây có ba đêm, chừng đó cũng đủ để chị kể em nghe mọi thứ từ hôm chúng ta bị phân lìa. Hãy xem như đây là chuyện cổ tích như ngày xưa chị thường mang ra kể, ru em ngủ. Chị về làng lấy chồng, anh ấy là lính địa phương đóng quân ở quận lỵ bên kia sông. Một hôm súng nổ vang trời, nghe nói cả trung đội anh không còn một người sống sót. Quận lỵ bị xoá sổ chừng một tuần sau đó, “bọn ác ôn” bị giết sạch và chị làm bà quả phụ từ dạo oan khiên nọ. Chị rất muốn vào thăm em nhưng không tài nào cất chân ra khỏi địa bàn khắc nghiệt kia. Loay hoay, đói khổ, tù túng. Cái bi kịch mà chúng ta phải nhận lấy, đó là một bọn người ngu dốt đã thắng được, đè đầu cỡi cổ bọn có học thức. Hoặc vô luân đã đánh thắng sự tử tế. Người chị đã tàn tạ, hiểu ở mọi nghĩa vậy mà vô phúc cũng lọt được vào mắt kẻ quyền lực. Một tên xã trưởng đã công khai mang chị về dinh. Nơi treo đầy bằng ban khen và là chốn từng làm hại bảy người đàn bà khác nhau. Người trầm mình dưới sông, người tự nhiên vắng mặt chẳng rõ đi đâu, và chị thì bị xe ô tô con húc từ đàng sau, rớt xuống ruộng để hai hôm sau mới có kẻ phát hiện một tử thi đang bị trương phình, biến dạng và sắp phân huỷ.

Chào buổi sáng. Một khay đựng thức ăn đặt xuống bàn. Người phục vụ nâng chiếc bàn lên cao cho tới hồi mâm thức ăn nằm ngay ngắn trước bụng con bệnh. Cô ta bấm nút cho chiếc giường bẻ gấp lại, từ nằm biến đổi tư thế sang ngồi với gối chống lưng. OK, chúc ngon miệng. Bữa điểm tâm như một canh bạc lắc bầu cua. Tất cả được dấu mặt trong ba cái tô lớn nhỏ khác biệt. Cất tay nè. Một lát bánh mì nướng dùng với mức dâu hoặc margarine, một hộp thức ăn sấy khô d’avoine au miel dùng với 200ml sữa tươi 2% chất béo. Một quả trứng gà luộc. Một hộp nước trái táo. Một cốc cà phê, một gói đường cát. Dao, muỗng, nĩa được bọc trong tờ giấy thấm dùng để lau miệng. Một thực đơn “hơi bị lạ”, chẳng mấy khi được ăn, dù sao thì ở khu nhà bếp người ta đã có sẵn một công thức, và thứ nọ đi với thứ kia sẽ cấu tạo thành 850 calories nếu bạn xơi hết. Chấm mút, ăn thỏ thẻ như con mèo ốm, như thuở còn thơ vòi vĩnh bắt chị đút, dỗ dành tới khô hơi rát cổ em mới ăn. Thức gì cũng thử qua, riêng quả trứng luộc thì dấu cất bên gối nằm, nguyên vẹn. Đêm nay em sẽ thầm lặng bóc vỏ nó, một hai giờ sáng mang ra làm quà dâng chị. Cả một đời lớn khôn trong cách trở, em sợ về làng em ngán ông kẹ em hãi vi-xi vì thế chưa hề tạo cớ bày tỏ tới chị một chút tâm thành. Ngày đó Mạ nói: O Hường hắn thương mi nhứt hạng! Và em đã cám ơn trời Phật đã tạo ra được một nữ nhân “trời làm xa cách mấy con sông”, tuy ít ăn học, tuy quê mùa, tuy mang phận ở đợ, nhưng con người chị là tổng hợp những gì tốt đẹp nhất mà sau này em mới chứng nghiệm ra.

Bác sĩ Zukor trở lại: Tôi theo dõi và vui với sự tiến triển khả quan về sức khoẻ của bạn. Xem hình chụp, những gì được thay thế đều nằm đúng vị trí và mất chừng sáu tuần bạn có thể đi lại bình thường. Trước khi xuất viện bạn sẽ qua một cuộc thăm dò với các vị phụ trách vật lý trị liệu cũng như nhận lấy một cái toa liệt kê những thứ thuốc phải mua. Nhà thương sẽ gửi y tá đến nhà bạn để thay bông băng, chùi rửa vết mổ cũng như sẽ lấy sạch những cái mấu sắt ra nếu vết thương đã khép miệng. Bạn sẽ có cái hẹn với tôi vào tháng sau. Bạn có câu hỏi nào không? Tốt. Bắt tay nào: Chúc may mắn.

Một thằng đàn ông quyền lực chỉ ngang tầm xã trưởng cũng đủ làm mưa làm gió một khung trời nhỏ. Hắn hãm hiếp người đàn bà từng lấy chồng nguỵ quân. Chán chê, muốn chùi sạch miệng sau khi ăn vụng, hắn lái xe ô tô con ủi thẳng vào bóng người bất hạnh lẻ loi đi trên đường đê vắng. “Nếu được xét nghiệm, chắc chị cũng bị gãy xương chậu giống em vậy. Chị đứng dậy không được và ruộng nước, và bùn lầy, và giá rét, và cuộc đời ghẻ lạnh đang vây chặt lấy chị. Đầu óc chị sáng suốt: Được chết như thế này có khi lại hơn, thôi đoạ đày giữa bể trầm luân. Nhưng em, em đang sống ở cái thế giới đối nghịch hoàn toàn với chị, ý nghĩa về sự sống luôn cao đẹp khi chung đụng cùng bao người tử tế. Khi yếu lòng em hãy nghĩ về chị. Hãy gọi thầm: Chị Hường ơi! Và rồi bóng ma của quá khứ sẽ hiện sát bên em, che chắn và bảo vệ em, vực em qua được bao khốn khó.

Trời sang mùa, Thu ló dạng ở xa nhưng sớm đưa tay xua đuổi những hạn nực của nắng hè. Bệnh viện có lắm kẻ đi thơ thẩn ngoài hành lang gió nhẹ, khí trời như góp phần lấy đi từ cơ thể họ chút nặng nề khi di chuyển. Mặt họ bớt cau có, mà nghĩ có ích gì nếu cứ mãi hậm hực về cảnh sống bất ưng? Vui hay buồn, chán ghét phẫn hận hay vị tha mở lòng thụ hưởng thì đời sống vẫn một mực dửng dưng trôi qua. Không gì khiến nó đổi thay được. Những cái chết lần lượt điểm danh đằng sau những căn phòng với màn che trướng rũ. Và khu hộ sinh mỗi ngày có biết bao đứa bé dong tay khóc ngấc khi chào đời. Nước ối và máu chảy lênh láng. Xin chúc mừng, là con gái, bạn đã có sẵn tên cho cháu chưa? Coi kìa, cái mặt dễ ghét quá!
Tên Hường. Nguyễn Thị Hường. Nghe đặng không? Hường là Hồng. Hồng là Rose. La Vie en Rose.

Kiếp này đang mở Hường ơi
Đầu nhang cháy tỏ em khơi đốm tàn
Chống gậy đi ngược ngày vàng
Về nơi cố xứ lộn hàng mộ bia
Đò băng sông rộng làng kia
Gươm đao quẳng xuống đành chia ngậm ngùi.

Sao, khoẻ không? Xuất viện hồi nào? Khoẻ, đã hai hôm. Tôi trở lại vì đãng trí để quên chiếc áo ấm trong tủ. Bạn nằm phòng nào nhỉ? 820C. Ô, chỗ ấy đã có người điền thế. Hy vọng giờ này mọi người đều thức. Cô giúp tôi được không, bởi đi lại hơi khó khăn. Dễ thôi mà, ngồi xuống ghế nghỉ đi, chiếc áo màu gì? Màu xanh nước biển, xanh đậm. Người y tá quay lưng, khoảng cách chừng 10 thước nhưng cô mất hơn 15 phút mới trở lại. Mang bộ mặt không mấy vui: Tủ trống, chẳng có chiếc áo nào cả và lạ kỳ một điều, có ai đã dấu thu một quả trứng gà luộc ở trong. Bệnh nhân nằm giường 820C là một bà trung niên, bả than phiền là bệnh viện này sao có lắm ma. Ở những nơi khác người ta treo đầy thánh giá trên vách, như ở nhà thương trung ương chẳng hạn, như nhà thương “Con của Chúa” chẳng hạn… Mất một chiếc áo. Bạn có cần khai báo không? Thôi khỏi, cám ơn sự sốt sắng của Nathalie. Kỳ thật! Tôi nằm ở đó đúng ba đêm sao tôi chẳng được thấy ma nhỉ? Suỵt! Đừng nói chuyện tầm phào. Lạy Chúa! Ca làm việc của tôi hôm nay kéo dài tới nửa đêm. Thôi bye, chúc lành nhé.

Hồ Đình Nghiêm

Montréal, 28.8.17