Saturday, November 4, 2017

194. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu: BẾN ĐỖ Truyên ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967)



-     Câu chuyện kỳ lạ nhất đời tôi à? bà nói. Thật khó nói đấy. Trong đời tôi, đã có biết bao nhiêu chuyện.
-     Tôi nghĩ là vẫn có đấy.
-     Ồ, không. Tôi già đi rồi, tôi lành hơn rồi... Đó là một cách khác để nói là tôi đang cần nghỉ ngơi... Giờ thì tôi thấy khoan khoái khi được ngồi một mình, đọc lại những bức thư ngày trước hay nghe một dĩa nhạc.
-      Không thể nào có chuyện người ta không tán tỉnh bà nữa... Bà vẫn còn giữ nét duyên dáng, và không biết dấu vết nào của sự từng trải, có thể là những đau khổ đã chịu, đã góp thêm vào những nét đó một chút gì làm xao xuyến lòng người... Thật không sao cưỡng lại được.
-     Cám ơn ông quá khen... Đúng là tôi vẫn còn người hâm mộ. Điều bất hạnh là tôi không còn tin chuyện đó nữa. Tôi biết quá rõ những người đàn ông, khi chưa đạt được gì thì nồng nàn lắm, nhưng sau đó, than ôi, là hờ hững, là ghen tuông. Tôi tự nhủ: tại sao tôi lại đi xem thêm lần nữa một vở hài kịch mà mình đã biết rõ kết cuộc? Hồi còn trẻ thì khác. Lần nào tôi cũng tưởng như đã gặp một con người tuyệt hảo đã kéo tôi ra khỏi sự hoài nghi. Tôi đến với họ thật lòng... Vậy đấy, mới cách đây năm năm thôi, tôi quen với Renaud, chồng của tôi bây giờ, tôi có cảm tưởng là đã thay đổi. Anh ấy mạnh bạo, hơi nóng nảy. Anh ấy làm tôi bớt nghi ngại, anh thường cười khi tôi lo lắng hay quá cẩn thận. Tôi tưởng là đã tìm thấy nơi anh ấy một vị cứu tinh. Không phải vì anh ấy hoàn hảo, anh ấy học vấn không cao, ứng xử không hay. Nhưng anh ấy mang đến cho tôi thứ tôi chưa hề có: sự vững vàng... Một chiếc phao... Ít nhất là những thứ tôi nghĩ lúc đó.
-     Bây giờ bà không nghĩ như vậy nữa sao?
-     Ông cũng biết là không. Renaud đã chịu nhiều thất bại kinh khủng; tôi đã phải an ủi anh ấy, làm cho anh ấy vững tin, cứng rắn hơn, tôi đã bảo vệ Người bảo vệ... Đàn ông thực sự mạnh mẽ hiếm lắm.
-     Ít nhất bà cũng biết một người như thế chứ?
-     Vâng, tôi có biết một người. Ôi, cách đây không lâu, và trong trường hợp khá lạ lùng... Đây rồi, ông hỏi tôi về chuyện phiêu lưu lạ kỳ nhất đời tôi, thì đúng là chuyện này đấy!
-     Bà kể đi!
-     Trời ơi! Ông muốn điều gì vậy? Đúng ra phải để nó chìm hẳn trong ký ức thôi... Hơn nữa, chuyện cũng khá dài, mà ông lại vội vàng thế kia. Ông có thể dành cho tôi ít thời gian không ?
-     Tất nhiên, tôi sẵn sàng nghe.
-     Thôi được rồi... Cách đây hai mươi năm... Khi ấy tôi là một quả phụ còn trẻ. Ông còn nhớ cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi chứ? Để cha mẹ vừa lòng, tôi đã lấy một người hơn tôi quá nhiều tuổi, tôi cũng có chút tình cảm, nhưng là thứ tình cảm cha con... Tình yêu với ông ấy, đối với tôi, có vẻ là tình cảm biết ơn phải đền đáp hơn là một niềm vui. Ba năm sau, ông ấy qua đời, để tôi trong một tình thế tương đối thoải mái, thôi không còn sự giám hộ của gia đình và hôn nhân, tôi bỗng được tự do, làm chủ mọi hành động và số phận của mình. Chẳng phải kiêu kỳ gì tôi cũng dám nói là lúc đó tôi khá xinh.
-     Hơn cả xinh nữa đấy chứ.
-     Vâng, tuỳ ông nghĩ. Dù sao, thì lúc ấy tôi thấy hài lòng và ngay sau đó tôi đã thấy vây quanh mình cả đám người ngấp nghé. Tôi ưa thích hơn cả một người Mỹ, tên là Jack Parker. Trong số những tình địch người Pháp của anh ấy cũng có nhiều người tôi vừa ý hơn. Họ cùng chia sẻ với tôi những sở thích, họ biết nói những lời khen tặngdễ chịu. Jack ít đọc sách, âm nhạc thì anh ấy chỉ thích blues và jazz, hội hoạ thì theo trào lưu với niềm tin ngây ngô. Anh ấy nói chuyện tình yêu rất tệ... Đúng hơn là chẳng biết nói chuyện tình yêu. Chỉ là cầm tay khi đi xem phim, xem kịch, hay khi ngồi trong công viên, dưới ánh trăng và nói với tôi: 
-     Em thật là tuyệt vời! (1).

Lẽ ra tôi phải thấy là anh ấy quá buồn tẻ... Nhưng không, tôi sẵn lòng đi chơi với anh ấy. Tôi cảm thấy anh ấy thoải mái, thẳng thắn. Anh ấy mang lại sự yên ổn, cũng giống thứ tình cảm mà sau này, người chồng của tôi mang lại cho tôi vào thời gian đầu chung sống. Những người bạn khác của tôi thường do dự trong các dự định của họ. Họ muốn trở thành người tình hay người chồng? Không bao giờ họ phát biểu rõ ràng. Với Jack thì không như thế. Anh ghét thậm tệ ý nghĩ quen biết qua đường. Anh muốn cưới tôi, đem tôi về Mỹ, sinh cho anh những đứa con xinh đẹp, cũng như bố chúng, tóc xoăn, mũi thẳng, nói năng giọng mũi chậm rãi, ngây thơ. Anh ấy là phó giám đốc ngân hàng, một ngày nào đó sẽ lên giám đốc. Dù thế nào, chúng tôi cũng không thiếu thốn gì, và sẽ có một xe hơi thật đẹp. Anh ấy nhìn cuộc đời như thế đó.

Cũng phải thú thật với ông là tôi có bị cám dỗ. Ông ngạc nhiên ư?.. Tuy nhiên đó là bản chất của tôi. Bởi chính tôi khá phức tạp nên những người đơn giản lại thu hút tôi. Tôi không hoà hợp lắm với gia đình. Qua Mỹ sống là một cách để tránh khỏi gia đình. Sau vài tháng thực tập tại một chi nhánh ở Paris, Jack quay về lại New York. Khi anh ấy lên đường, tôi hứa là sẽ theo sang đó và lấy anh. Cần nói là tôi chưa hề là người tình của anh ấy. Chẳng phải tại tôi, nếu anh ấy ngỏ lời thì tôi đã chấp thuận... Nhưng anh ấy đã không dám. Jack là người Mỹ theo đạo Thiên Chúa, với những tập quán cứng nhắc, và mong muốn tổ chức đám cưới chính thức tại nhà thờ Saint-Patrick, đại lộ số 5, với nhiều chàng phù rể mặc áo đuôi tôm, cài hoa cẩm chướng trắng ở cúc áo, và nhiều nàng phù dâu(2) khoác áo vải lụa mỏng.  Những chuyện này cũng chẳng trái ý tôi.

Chúng tôi thoả thuận là tôi sẽ đến vào tháng tư. Jack sẽ đặt vé máy bay cho tôi. Tôi vẫn thích bay với hãng Air France và tôi nghĩ điều đó đương nhiên thôi nên không báo cho anh ấy biết. Vào giờ phút chót, tôi nhận được chiếc vé Paris- Luân Đôn và Luân Đôn- Nữu Ước của một hãng hàng không Mỹ, khi đó, hãng này chưa được phép đỗ lại tại chỗ chúng tôi. Tôi phật ý đôi chút vì điều này, nhưng vốn dễ tính, đáng lẽ phải xoay xở đổi vé, tôi chấp thuận tình thế. Tôi phải sang Luân Đôn lúc bảy giờ tối, ăn tối ở sân bay, và chín giờ thì bay tiếp sang Nữu Ước.

Ông thích các sân bay chứ? Tôi lại thích chúng một cách thật khó tả. Chúng sạch sẽ, tối tân hơn là ga xe lửa, được trang trí theo kiểu " các phòng giải phẫu". Những giọng nói xa lạ, khó hiểu vì bị biến dạng, gọi qua loa những hành khách đi đến những thành phố nước ngoài xa xôi. Qua khung cửa kính có thể nhìn thấy những máy bay khổng lồ hạ cánh và cất cánh. Đó là một cảnh trang trí không thực mà không phải là không đẹp. Tôi vừa ăn tối xong, yên trí ngồi vào chiếc ghế da kiểu Anh màu xanh rêu, đúng lúc từ loa vọng lên một câu dài tôi không hiểu được hết, chỉ nhận ra hai tiếng Nữu Ước và con số chuyến bay của tôi. Tôi hơi lo ngại nhìn quanh. Vài hành khách đứng dậy.

Tôi để ý thấy ở ghế bên cạnh một người đàn ông khoảng tứ tuần có khuôn mặt hấp dẫn. Với dáng người mảnh khảnh, đầu tóc rối bù, cổ áo để mở, ông ấy gợi lên hình ảnh những nhà thơ lãng mạn Anh, đặc biệt là hình ảnh của Shelley.  Vừa nhìn ông ta, tôi vừa nghĩ thầm: nhà văn hay nhạc sĩ đây rồi, và mong có ông ngồi cạnh trên máy bay. Chợt thấy vẻ bối rối của tôi, ông nói, bằng tiếng Anh:
-     Xin lỗi bà, bà đi chuyến bay số 632 phải không ạ?
-     Vâng ạ... Không biết người ta vừa thông báo gì vậy?
-     Họ nói là, do trục trặc kỹ thuật, chuyến bay phải hoãn đến 6 giờ sáng mai. Hành khách nào muốn nghỉ ở khách sạn, hãng sẽ cho xe đón, ít phút nữa.
-     Thật chán quá! Đến khách sạn để 5 giờ sáng phải thức dậy! Thật tệ hại... Ông định làm gì bây giờ?
-     Ồ, tôi à, may mắn là tôi có người bạn làm việc và ở ngay tại sân bay này. Tôi đã để xe tại ga ra nhà anh ấy. Tôi sẽ đến lấy để về nhà.

Một lát sau, ông nói tiếp:
-     Mà đúng hơn, không phải thế... Tôi sẽ nhân lúc trì hoãn này để lượn một vòng. Tôi làm đàn orgue và thỉnh thoảng phải kiểm tra lại những cây đàn của tôi  trong vài nhà thờ ở Luân Đôn... Đây là dịp không tính trước để đi xem hai hay ba chiếc.
-     Ông có thể vào trong nhà thờ ban đêm sao?

Ông ta cười và rút ra một chùm chìa khoá thật lớn.
-       Được chứ! Tôi thường thử phím đàn và bộ ống gió vào ban đêm để khỏi làm phiền người khác.
-     Ông tự đánh đàn à?
-     Vâng, tôi cố hết sức mình.
-     Chắc nghe sẽ hay lắm, những tấu khúc đàn orgue chơi trong tĩnh lặng và bóng tối.
-     Hay à? Tôi không biết. Tuy thích nhạc nhà thờ, tôi không phải là nhạc công tài giỏi. Nhưng chơi đàn thì tôi mê vô cùng, điều đó là chắc chắn.

Ông lưỡng lự một lát, rồi nói tiếp:
-      Thưa bà, tôi sắp đề nghị với bà một chuyện kỳ cục... Bà chưa hề biết tôi và tôi cũng không có quyền gì được bà tin cậy... Nhưng nếu bà thích, tôi sẽ đưa bà đi với tôi và sau đó đưa bà về lại đây ngay... Chắc bà cũng là nhạc sĩ?
-     Đúng vậy. Mà làm sao ông biết?
-     Bà đẹp như một giấc mơ của nghệ sĩ. Điều ấy không lầm được.

Thú thật với ông là lời khen đó làm tôi xúc động. Người đàn ông này có một uy thế rất lạ lùng. Tôi biết rằng giữa đêm tối, dạo chơi ở thành phố Luân Đôn với một người không quen biết là thiếu thận trọng, tôi tự thấy những nguy hiểm có thể xảy đến. Tuy vậy, tôi vẫn không có ý nghĩ từ chối.
-     Thôi được, tôi nói với ông ta. Tôi sẽ làm gì với cái túi này?
-     Bỏ vào sau xe với hành lý của tôi.

Tôi không thể nào nói với ông ba nhà thờ nào tôi đã vào đêm hôm đó, và người bạn đồng hành bí hiểm của tôi đã chơi những bài gì. Tôi chỉ còn nhớ những chiếc cầu thang xoáy trôn ốc tôi được ông ấy dìu lên, nhớ những ánh sáng trăng loáng qua cửa kính, cùng những khúc nhạc tuyệt vời. Tôi nhận ra nhạc của Bach, của Fauré, của Haendel, nhưng tôi nghĩ là rất nhiều bài ông ấy tự ứng tác. Lúc ấy nghe thật xao động mãnh liệt. Tưởng chừng như đang nghe những lời thú tội tuôn trào từ một tâm hồn ray rứt. Tiếp đó là âm điệu thần tiên như những sự vuốt ve dịu ngọt. Tôi mê say. Tôi hỏi tên nhà nghệ sĩ tài hoa ấy. Ông tên Peter Dunne.
-     Chắc là ông nổi tiếng lắm, tôi nói với ông. Ông là một tài năng đấy.
-     Bà đừng nên tin như vậy.  Thời khắc và đêm tối làm cho bà có ảo tưởng thế thôi. Tôi chỉ là một người chơi đàn xoàng thôi. Nhưng niềm tin, và đêm nay, sự có mặt của bà, gây cho tôi cảm hứng.

Cái kiểu nói thẳng thắn như vậy chẳng làm tôi ngạc nhiên, cũng không làm tôi khó chịu. Peter Dunne là một trong những người mà chỉ sau vài phút gặp gỡ, ta có thể thân mật khác thường... Ông ấy không phải là người của thế giới này. Sau khi đi thăm cả ba nhà thờ, ông ấy nói đơn giản:
-     Bây giờ gần nửa đêm rồi. Bà có muốn đến nghỉ nhà tôi trong ba hay bốn giờ còn lại không? Tôi sẽ mời bà món trứng trộn. Nhà cũng có trái cây.   Sáng mai người giúp việc của tôi sẽ đến dọn các thứ đó đi.

Tôi cảm thấy sung sướng, và bởi vì tôi muốn kể hết mọi chuyện với ông, xin thú thật rằng tôi mơ hồ hy vọng rằng buổi tối hôm đó sẽ là khởi đầu cho một tình yêu. Đối với chuyển biến của cảm giác thì lòng ngưỡng mộ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là với đàn ông. Thứ âm nhạc thần tiên ấy, đêm ngập tràn bài ca ấy, cái bàn tay dịu dàng và vững chải đã dìu tôi trong bóng đêm ấy, tất cả đã dẫn tôi đến những ước muốn lờ mờ. Nếu người bạn đồng hành của tôi muốn, tôi đã thuộc về ông ta rồi... Con người tôi là như vậy.

Căn hộ nhỏ đầy sách, sơn màu trắng vỏ trứng, với một vạch đen, khiến tôi thấy thích thú. Ngay lúc đó tôi thấy như đang ở nhà mình. Tôi tự bỏ mũ và cởi áo khoác ra. Tôi đề nghị giúp ông sửa soạn bữa ăn khuya trong căn bếp nhỏ xíu. Ông từ chối:
-     Không, tôi quen rồi. Bà lấy một cuốn sách mà đọc. Chỉ vài phút tôi sẽ quay lại.

Tôi chọn tập thơ Đoản khúc  của Shakespeare và có thời gian đọc kịp ba bài phù hợp lạ lùng với tâm trạng của tôi lúc này. Sau đó Peter trở lại đặt một chiếcbàn nhỏ trước mặt và mời tôi.
-     Tất cả những thứ này đều ngon tuyệt, tôi nói. Tôi thích lắm... Tôi đang đói. Ông thật là một người đàn ông lạ lùng. Ông làm gì cũng giỏi. Hạnh phúc thay người phụ nữ nào sống chung với ông!
-     Không phụ nữ nào sống chung với tôi cả... Nhưng tôi rất thích nghe bà nói về chính mình. Bà là người Pháp, hẳn nhiên rồi? Bà đi sang Mỹ?
-     Vâng, tôi sắp lấy một người Mỹ. 

Ông ấy chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, hay không hài lòng.
-     Bà có yêu ông ta không?
-     Tôi phải yêu ông ta vì tôi đã quyết định nhận ông ta làm người bạn suốt đời.
-     Đó chẳng phải là lý do, ông ấy nói. Có những cuộc hôn nhân do người ta tự trượt đến, một cách chậm rãi, khó thấy, mà thực sự không muốn. Bỗng nhiên người ta tự thấy mình bị gắn kết vào và không có can đảm quay trở lại nữa. Vậy là số kiếp lỡ làng... Thật không phải chút nào khi tôi nói với bà những chuyện buồn thảm thế này khi mà tôi không hiểu gì về sự lựa chọn của bà. Chẳng lẽ nào một người tinh tế như bà lại lầm lẫn được... Điều duy nhất khiến tôi ngạc nhiên là...

Ông ngừng lại.
-     Ông cứ nói đi... Đừng sợ làm tôi phật ý. Tôi là người sáng suốt nhất... Ý tôi muốn nói là người có khả năng nhất để nhìn thấy những hành động của mình bằng cách quan sát và phán xét.
-     Vậy thì, ông ấy nói tiếp, điều duy nhất khiến tôi ngạc nhiên, không phải là vì có một người Mỹ làm bà thích ( thật ra cũng có nhiều người Mỹ đáng chú ý và hấp dẫn nữa ), nhưng mà vì bà lại muốn sống trọn đời với ông ta, nơi xứ của ông ta... Rồi bà sẽ tìm thấy nơi kia  một " tân thế giới " với những giá trị hoàn toàn khác... Có thể đấy chỉ là những định kiến của người Anh.. Cũng có thể người chồng chưa cưới của bà tự ông ta đã hoàn hảo tới mức khiến bà chẳng quan tâm tới cái xã hội mai đây sẽ bao quanh vợ chồng bà.

Tôi suy nghĩ một lát. Hình như những điều tôi nói với Peter Dunne có một tầm quan trọng đặc biệt, tôi chẳng hiểu vì sao, và tôi có nhiệm vụ phải diễn đạt cho ông ấy hiểu chính xác những sắc thái tinh tế nhất trong ý nghĩ của tôi.

-     Ông không nên tin như vậy, tôi nói. Jack, chồng tương lai của tôi, không phải là người hoàn hảo và tôi tin chắc rằng tự anh ấy cũng không thể thay thế cho sự thiếu vắng một môi trường thân thiết đối với tôi. Jack là một chàng trai dễ mến, thực thà, sẽ là người chồng tốt, nghĩa là sẽ không lừa dối tôi và sẽ cho tôi những đứa con khoẻ mạnh. Nhưng ngoài con cái, ngoài việc làm ăn của anh ấy, chuyện chính trị và những chuyện liên quan đến bạn bè của chúng tôi, chúng tôi sẽ có rất ít đề tài quan tâm chung... Xin ông hiểu cho tôi. Jack không phải là kém thông minh, anh ấy là nhà kinh doanh thành thạo, có chút năng khiếu về cái đẹp, một thị hiếu khá chắc chắn... Có điều là thi ca, hội hoạ, âm nhạc chẳng quan trọng gì dưới mắt anh ấy. Anh ấy chẳng thiết gì những thứ đó... Có trầm trọng lắm không? Suy cho cùng, nghệ thuật chỉ là một trong những hoạt động của con người thôi.
-     Hẳn là thế, Peter Dunne nói. Ta vẫn có thể là một người nhạy cảm mà chẳng yêu thích nghệ thuật, hoặc đúng hơn là chẳng hề biết đến nghệ thuật... Và thậm chí tôi còn thích một thái độ lãnh đạm dứt khoát hơn là thói đua đòi hăng hái, ồn ào. Nhưng để làm chồng một người phụ nữ như bà... Liệu ông ấy ít nhất có được  sự tinh tế của con tim để có thể đoán hiểu được những chuyển biến thầm kín của người mình sống kề bên không?
-     Anh ấy không tìm kiếm xa đến thế đâu. Anh ấy thích tôi, anh chẳng hiểu tại sao, anh ấy không tự đặt câu hỏi cho mình. Anh ấy không nghi ngờ việc mang lại hạnh phúc cho tôi... Chẳng phải là tôi sẽ có một ông chồng cần mẫn, một căn nhà ở Đại lộ Park, một chiếc xe hạng sang, và những người giúp việc da đen xuất sắc do mẹ anh, người từ tiểu bang Virginia,chọn lấy. Một người phụ nữ còn mong muốn gì hơn?
-     Chớ nên mỉa mai cay độc, ông ấy nói. Sự cay độc lúc nào cũng là dấu hiệu của lương tâm bất ổn. Khi áp dụng vào người mà mình phải yêu, nó giết chết mọi tình cảm... Đúng vậy đấy.. Và điều đó rất nghiêm trọng. Chỉ có cơ may cứu rỗi là do thái độ thực sự dịu dàng và nhân ái đối với những người đàn ông. Hầu như tất cả họ đều bất hạnh...
-     Tôi không tin là Jack bất hạnh. Anh ấy là một người Mỹ có thể thích ứng với cái xã hội anh sống mà anh trân trọng thực lòng, coi như xã hội tốt nhất thế giới rồi. Anh ấy còn gì để lo ngại nữa?
-     Chẳng bao lâu nữa anh ấy sẽ lo ngại về chính bà. Bà sẽ dạy cho anh ấy sự đau khổ.

Tôi không biết đã có thể làm cho ông cảm thấy rằng đêm hôm đó, tôi đã ở vào trạng thái tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi thứ hay chưa. Thật là kỳ lạ chuyện tôi một mình, lúc một giờ khuya, trong nhà một người Anh mà chỉ mấy tiếng đồng hồ trước thôi tôi gặp ở một sân bay. Càng ngạc nhiên hơn nữa là tôi lại tâm sự với ông ta về cuộc sống riêng tư và dự định tương lai của mình. Cuối cùng càng đáng kinh ngạc hơn là ông ta đã khuyên nhủ tôi và tôi nghe theo những lời khuyên ấy với lòng kính trọng.

Vậy mà chuyện xảy ra thế đó. Từ Peter toát ra một sự nhân từ và phẩm hạnh khiến tình thế trở nên tự nhiên. Chẳng phải vì ông ấy làm ra vẻ như nhà tiên tri hay người thuyết giáo. Hoàn toàn không phải như vậy. Đó là một người không hề giả vờ. Khi tôi đưa ra một nhận xét thú vị ông ấy cười thoải mái. Có điều là người ta đoán rằng chuyện gì ông cũng tỏ ra nghiêm túc, điều hiếm thấy ở đời... Vâng, đúng như thế... một người nghiêm túc...Ông hiểu chứ? Thường thì người ta ít khi nói điều mình nghĩ. Sau lời họ nói, khi nào cũng có chút ẩn ý. Ý kiến họ nói ra che đậy một ý khác mà họ muốn giấu đi... Hoặc giả họ nói lung tung, không cần nghĩ ngợi. Còn Peter lại cư xử như một số nhân vật của Tolstoï. Ông đi thẳng đến tận cốt lõi vấn đề. Điều này tác động mạnh đến tôi nên tôi hỏi ông:
-     Ông có dòng máu Nga à?
-     Tại sao? Thật đáng ngạc nhiên khi bà hỏi tôi câu đó. Vâng, mẹ tôi là người Nga, còn ba tôi người Anh.

Tôi tự hào về sự khám phá ít ỏi ấy của mình và hỏi tiếp:
-     Ông chưa lập gia đình sao? Chưa bao giờ à?
-     Chưa... Bởi vì... Điều này bà có thể cho là kiêu ngạo... Tôi để dành cho một điều gì đó cao cả hơn.
-     Cho một tình yêu cao cả?
-     Cho một tình yêu cao cả, nhưng sẽ không phải là tình yêu của một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng, bên trên cái vẻ bề ngoài đau khổ của thế gian này, còn có một điều gì đó tốt đẹp để ta phải sống vì nó.
-     Và "điều gì đó "ông đã tìm thấy trong nhạc tôn giáo?
-     Vâng, và nơi các nhà thơ nữa. Cũng như trong sách Phúc âm. Tôi muốn biến cuộc đời mình thành cái gì đó thật tinh khiết. Tôi xin lỗi bà vì đã tự nói về mình như thế, nói có vẻ hơi khoa trương... và không đúng kiểu người Anh... nhưng hình như bà đã hiểu rõ...và hiểu khá nhanh...

Tôi đứng dậy và đến ngồi bên chân ông ấy. Tại sao? Biết nói với ông thế nào đây. Tôi không thể làm khác.

-     Vâng, tôi hiểu, tôi nói. Tôi cũng thấy như ông là thật điên rồ khi để hao phí cuộc đời, vốn là tài sản duy nhất của chúng ta, vào những giờ khắc tầm thường, những công việc vô bổ, những cãi vã nhỏ nhen... Tôi mong sao tất cả những giờ khắc của đời tôi đều giống như thời gian tôi sống bên cạnh ông bây giờ đây. Tuy nhiên tôi biết điều đó không thể được... Tôi không đủ sức lực...Tôi sẽ buông trôi theo dòng, vì làm như thế dễ hơn. Tôi sẽ trở thành Jack D. Parker phu nhân, tôi sẽ chơi bài canasta, tôi sẽ cải thiện điểm lúc chơi gôn, tôi sẽ đi nghỉ ở Floride vào mùa đông, và năm tháng sẽ trôi qua như vậy, cho đến lúc từ giã cõi trần... Có thể ông sẽ nói với tôi rằng như thế thật đáng tiếc...Ông nói đúng...Nhưng biết làm sao đây?

Tôi dựa vào đầu gối ông ấy, ngay trong giây phút đó, tôi là của ông ta... Vâng, sự chiếm hữu chẳng nghĩa lý gì, ưng thuận mới là tất cả.

-     Biết làm thế nào à? ông ấy nói. Bà hãy tự điều khiển lấy mình. Tại sao lại buông trôi theo dòng? Bà biết bơi mà. Tôi muốn nói: bà có nghị lực và phẩm giá... Đúng vậy...Hơn nữa, đâu cần tới một cuộc đấu tranh dài hơi để làm chủ số phận. Trong dòng chảy đời người có những khoảnh khắc hiếm hoi vào lúc đó mọi  chuyện đều được định đoạt cho cả dài lâu. Chính vào những khoảnh khắc đó ta phải có can đảm để nói có, hoặc không.
-     Và ông nghĩ là tôi đang ở vào một trong những khoảnh khắc đó và phải có can đảm để nói không?

Ông ấy vuốt tóc tôi, rồi nhanh chóng rút tay ra và có vẻ trầm tư.

-     Bà đặt cho tôi một câu hỏi khó trả lời, cuối cùng ông ấy nói. Tôi chỉ mới quen bà, không biết gì về bà, về gia đình bà, về người chồng tương lai của bà, tôi có quyền gì mà khuyên nhủ được bà? Có thể tôi sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng... Câu hỏi đó tôi không phải trả lời, mà chính là bà. Vì chỉ có bà mới biết bà mong đợi gì từ cuộc hôn nhân ấy, chỉ có bà mới đủ yếu tố để lường trước mọi hậu quả... Tất cả những gì tôi có thể làm được, là khuyên bà nên chú ý vào những gì, theo ý tôi, và tôi nghĩ cũng là theo ý bà, và tự hỏi: " Ta có chắc là không huỷ hoại trong mình những gì tốt đẹp nhất ta đang có không?"

Đến lượt tôi suy nghĩ.

-     Than ôi! không, tôi không tin chắc như vậy. Điều tốt đẹp hơn của tôi, là niềm hy vọng chẳng biết do sự khích lệ nào, là sự khao khát được hy sinh... Lúc nhỏ, tôi từng mơ trở thành nữ thánh hay nữ anh hùng... Còn bây giờ, tôi mơ được hiến mình cho một người đàn ông đáng khâm phục, và nếu tôi làm được, góp phần giúp người ấy làm nên sự nghiệp, hoàn thành sứ mệnh... Thế đấy... Điều tôi vừa thổ lộ với ông, tôi chưa hề nói với ai cả. Tại sao lại nói với ông? Tôi cũng tự hỏi như thế. Có điều gì đó nơi ông gọi mời lời tâm sự - và niềm tin.
-     Cái điều gì đó, ông ấy nói, là sự từ bỏ. Người nào đó không tự tìm cho chính mình cái mà người khác gọi là hạnh phúc, có lẽ sẽ có thể yêu những người khác như cách chính mình được yêu, và qua đó tìm được một dạng thức khác của hạnh phúc.

Lúc ấy tôi làm một cử chỉ bạo dạn và hơi điên rồ. Tôi nắm lấy tay ông ta và nói:

-     Ông Peter Dunne, thế thì tại sao ông lại không có phần hạnh phúc thực sự của mình? Và tôi cũng vậy, tôi chỉ mới quen ông, thế mà tôi thấy như ông là người mà tôi luôn luôn tìm kiếm một cách vô thức.
-     Bà đừng tin như thế... Bà nhìn nhận tôi khác hẳn con người thực của tôi. Tôi không bao giờ là một người chồng, một người tình như mong đợi của bất cứ phụ nữ nào. Tôi không chịu được cảnh phải sống bên cạnh mình, từ sáng đến tối và từ tối đến sáng, một con người đòi hỏi ở tôi sự quan tâm vào mọi lúc và lại có quyền được như vậy.
-     Sự quan tâm sẽ có qua có lại.
-     Hẳn thế, nhưng tôi thì tôi không cần ai quan tâm.
-     Ông cảm thấy khá mạnh mẽ để một mình đương đầu với cuộc sống... Phải vậy không?
-     Nói đúng hơn là, tôi cảm thấy khá mạnh mẽ để đương đầu trong cuộc sống này với những người đàn ông có thiện chí... để cùng với họ góp sức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn... hay ít nhất có gắng làm được như vậy.
-     Có lẽ sẽ bớt khó khăn nếu bên cạnh ông có một người bạn đời. Tất nhiên người phụ nữ ấy sẽ chia sẻ cùng ông niềm tin ông nung nấu. Nếu người ấy yêu ông...
-     Chừng đó không đủ... Tôi đã biết hơn một người phụ nữ khi yêu đã đi theo người mình yêu như một kẻ mộng du. Một hôm, cô ta tỉnh lại và kinh hoàng nhận ra mình đang ở trên mái nhà, thật nguy hiểm. Lúc đó cô ta chỉ có một ý nghĩ: đi xuống và trở lại với sàn cuộc sống thường ngày... Người đàn ông, nếu có từ tâm, sẽ theo người phụ nữ cùng đi xuống. Và rồi, như mọi người nói, họ tạo ra tổ ấm... Đấy là một chiến binh bị tước vũ khí.
-     Ông muốn chiến đấu đơn độc.

Ông ấy dìu tôi đứng lên, không phải là không trìu mến.
-      Chưa bao giờ tôi nói ra điều này khó nhọc hơn, nhưng đúng là vậy... Tôi muốn chiến đấu một mình.

Tôi thở dài.
-     Thật đáng tiếc! Tôi đã sẵn sàng vì ông mà hy sinh Jack.
-     Tốt hơn là hy sinh cả Jack lẫn tôi.
-     Cho ai?
-     Cho chính bà.

Tôi cầm lấy cái mũ và đến trước gương đội vào. Peter đưa áo khoác cho tôi.
-      Bà nói đúng, ông ấy nói, phải đi thôi. Sân bay cách đây khá xa và ta nên đến trước những hành khách đi xe ca.
Ông ấy đi tắt đèn trong bếp. Trước khi bước ra, bằng một động tác mà tôi nghĩ là chính ông không cưỡng lại được, ông ấy ôm tôi vào lòng và hôn tôi như một người anh. Tôi không chống lại, tôi buông mình theo một sức mạnh mà tôi cảm thấy thích bị chinh phục. Nhưng ông nhanh chóng nới lỏng vòng tay ôm, đến mở cửa và mời tôi ra. Trên chiếc xe nhỏ để ngoài đường, tôi ngồi bên cạnh ông, không nói gì.

Trời đổ mưa, đường phố Luân Đôn về đêm buồn rũ rượi. Một lát sau, Peter lên tiếng. Ông ấy kể cho tôi nghe về những người sinh sống trong những ngôi nhà nhỏ  xây cất hàng loạt kia, kể về cuộc sống trầm lặng, về những thú vui nghèo nàn và những hy vọng của họ. Khả năng gợi tả của ông thật đáng kinh ngạc. Lẽ ra ông ấy phải là tiểu thuyết gia tầm cỡ.

Sau đó chúng tôi đi đến khu nhà máy ở ngoại ô. Người bạn đồng hành của tôi ngừng lời. Còn tôi, tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy đến vào ngày hôm sau, khi tôi đến Nữu Ước, nghĩ đến Jack, sau cái đêm cảm động này, có thể tôi sẽ thấy anh ta hơi lố bịch.  Đột nhiên, tôi nói:
-     Ông Peter, dừng lại đi.

Ông ấy thắng xe đột ngột, và hỏi:
-     Có chuyện gì vậy? Bà mệt à? ... Hay để quên gì ở nhà tôi?
-     Không. Nhưng tôi không muốn đi Nữu Ước nữa... Tôi không muốn lấy chồng lần nữa.
-     Bà nói gì thế?
-     Tôi đã suy nghĩ. Ông đã cho tôi mở mắt. Ông đã nói là trong cuộc đời có những khoảnh khắc mà mọi chuyện được định đoạt cho lâu dài. Đây là một trong những khoảnh khắc ấy. Tôi đã quyết định. Tôi sẽ không lấy Jack Parker.
-     Trách nhiệm của tôi thật kinh khủng. Tôi tưởng đã khuyên bà điều tốt lành. Có thể tôi đã lầm.
-     Ông không thể lầm. Và nhất là tôi, tôi không thể lầm. Bây giờ tôi thấy rõ ràng là tôi sắp làm một việc điên rồ. Tôi sẽ không đi nữa.
-       Nhờ ơn Trời ban phúc! ông ấy nói. Bà đã được cứu thoát. Bà vừa đi tới một tai hoạ. Nhưng bà không sợ phải trở về Paris sao, phải giải thích với mọi người...?
-     Tại sao? Cha mẹ và bạn bè tôi đều thấy tiếc khi tôi ra đi. Họ gọi cuộc hôn nhân này là một hành động thiếu suy nghĩ... Họ sẽ hài lòng khi thấy tôi trở về.
-     Còn ông Parker?
-     Jack sẽ buồn khổ trong vài ngày, hoặc vài giờ. Anh ấy sẽ đau khổ vì tự ái, nhưng anh ấy sẽ tự nhủ là thế nào rồi cũng sẽ gặp phiền toái với một người vợ bốc đồng đến thế, và rồi anh sẽ vui lòng vì đã cắt đứt trước, chứ không phải sau hôn lễ... Có điều là phải đánh điện gấp cho anh ấy, để ngày mai anh khỏi đi đón tôi vô ích.

Peter lại cho xe nổ máy.
-      Bây giờ ta làm gì đây? ông nói.
-     Chúng ta tiếp tục ra sân bay. Máy bay của ông đang đợi ông. Tôi sẽ đi chuyến khác, về lại Pháp. Thế là qua một cơn mơ.
-     Một giấc mơ đẹp, ông nói.
-     Mơ khi còn thức.

Trên đường ra sân bay, tôi ghé phòng điện báo và thảo một bức điện tín cho Jack: "Đi đến kết luận rằng kết hôn là phi lý. Stop. Tiếc vì yêu anh nhiều nhưng không thể sống ở nước ngoài. Stop. Nghĩ tốt hơn nên nói thẳng. Stop. Gởi anh vé để bồi hoàn. Stop. Thân mến. Marcelle. "Tôi đọc lại và thay sống ở nước ngoài  bằng sống xa lạ. Viết vậy rõ hơn, lại bớt được một chữ.

Trong khi tôi gởi điện tín, Peter đi hỏi giờ máy bay của ông khởi hành. Ông nói khi trở lại:
-      Mọi chuyện đều tốt. Hay đúng hơn, mọi chuyện đều không tốt, động cơ đã sửa xong. Hai mươi phút nữa tôi sẽ đi. Còn bà phải chờ đến bảy giờ. Tôi rất ngại phải để bà ở lại một mình. Bà có muốn tôi mua hộ một cuốn sách không?
-     Không, tôi nói. Tôi có chuyện để suy nghĩ rồi.
-     Bà chắc chắn sẽ không luyến tiếc gì chứ? Vẫn còn thời gian, nhưng vào lúc bà đã gởi bức điện, dù bà có nghĩ lại cũng muộn rồi.

Tôi không trả lời ông ấy, đưa bức điện cho nhân viên điện báo.
-      Chậm được không? ông ta hỏi.
-      Không.

Sau đó tôi khoác tay Peter.
-     Ông Peter thân mến, tôi có cảm tưởng tiễn ra máy bay một người bạn thân quen từ lâu.

Tôi không thể kể lại cho ông những gì ông ấy nói với tôi trong hai mươi phút còn lại giữa chúng tôi. Đấy là những nguyên tắc sống ông ấy khuyên tôi. Ông đã nhiều lần muốn nói với tôi rằng tôi có tính cách như đàn ông, tôi là một người bạn chung thuỷ, rằng tôi không nói dối. Nếu những điều đó phần nào là đúng thì đó chính là nhờ Peter. Cuối cùng, loa phóng thanh gọi: Hành khách đi Nữu Ước chuyến bay sáu trăm ba mươi hai... Tôi tiễn Peter đến tận cửa ra đường băng. Đến đó tôi kiễng chân lên để hôn ông như vợ chồng. Tôi không bao giờ gặp lại ông ấy.
-     Bà không bao giờ gặp lại ông ấy! Sao vậy? Bà không cho ông ấy địa chỉ sao?
-     Có chứ, nhưng ông ấy không bao giờ viết cho tôi. Tôi tin là ông ấy thích xuất hiện như thế trong cuộc đời người khác, để hướng dẫn họ, rồi biến mất.
-     Còn bà, mỗi lần đến Luân Đôn, bà không tìm gặp ông ấy sao?
-     Để làm gì? Ông ấy đã cho tôi, như lời ông ấy nói, những gì tốt đẹp nhất của ông ấy. Chúng tôi sẽ không bao giờ tìm lại được cái không khí lạ thường của đêm hôm đó... Không, cứ thế này hay hơn... Không nên hy vọng sống lại giây phút quá tuyệt vời... Nhưng như thế tôi đã có lý khi nói với ông câu chuyện này lạ lùng nhất  trong cuộc đời của tôi phải không? Người đàn ông đã làm thay đổi số   phận tôi, đã khiến tôi sống ở Pháp chứ không phải ở Mỹ, người đã có một ảnh hưởng bền vững nhất đối với tôi là một người Anh không quen biết, tình cờ gặp ở sân bay, ông không thấy điều đó là tuyệt vời sao?
-     Chuyện này giống như, tôi nói, những câu chuyện cổ trong đó một vị thần nguỵ trang thành hành khất hay người lạ mặt để tiếp cận con người... Bà Marcelle ạ, thực ra thì người đàn ông xa lạ kia cũng không khiến bà thay đổi hoàn toàn đâu, vì cuối cùng bà cũng lấy ông Renaud, chính là Jack dưới cái tên khác.
Bà ấy mơ màng một lúc:
-      Vâng, đúng thế, bà nói. Ta không thể thay đổi bản chất, chỉ chỉnh sửa thôi.
 _______________________________________________

-   (1) You are just wonderful! ( Tiếng Anh trong nguyên bản ) 
-     (2) bridesmaids ( Tiếng Anh trong nguyên bản )


THÂN TRỌNG SƠN dịch
Nguyên bản L' escale.