Friday, November 17, 2017

214. TRẦN HOÀI THƯ Thử tìm một phương pháp phân chia nhóm văn chương thời chiến




Một câu hỏi thường đặt ra khi chúng ta nhận định về nên văn học  miền Nam trong thời chiến tranh.  Có phải như Võ Phiến nhận định nhóm chỉ dựa vào không gian và thời gian, để kết luận có ba thế hệ nhà văn qua một bài nhận định văn học vào năm 1966:
– Thế hệ già là lớp mà tuổi thanh niên và thời kỳ sáng tác dồi dào nhất thuộc giai đoạn tiền chiến (Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn…)
– Thế hệ trung niên trải qua thời trẻ tuổi tha thiết và sôi nồi trong kháng chiến, rồi dùng chất liệu đó cho việc sáng tác sau năm 1954 (Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Doãn quốc, Sỹ, Sơn Nam. Võ Phiến, Vũ khắc Khoan v.v…)
– Thế hệ trẻ đạt tới tuổi trách nhiệm sau hiệp định Genève. Trong kháng chiến họ chỉ là những trẻ thơ, lớn lên đã được lịch sử lựa sẵn cho thế đứng, nên thoát khỏi các vặt đau lòng về chính trị như thế hệ trung niên. Nhưng ước vọng ý tưởng của tuổi trẻ va chạm phải cái thực tế của xã hội trước mắt. Cho nên lời viết của họ biểu lộ sự bất mãn, sự lạc hướng (Dương Nghiễm Mậu. Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, Nhật Tiến, Viên Lính)… (1)
Như vậy, từ năm 1966 đến 1975, theo như  phương pháp của Võ Phiến, thì  chúng ta phải chia như thế nào cho một thế hệ chiến tranh, trong một xã hội cùng cực phân hóa và một đất nước đầy nhiễu nhương. Tôi nghĩ, rất khó. Nhà văn Nguyện Mộng Giác đã  nói lên điều này qua bài viết xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa  đầu năm 1975:
“…Nói đến chữ thế hệ, e có lớn lớn lối quá không? Gần như mỗi người viết là một thế giới riêng, “những ốc đảo cô đơn nghìn năm” (như lỗi dụng ngữ những năm 1962, 1963). Tuy gần nhau ở tuổi tác, hoàn cảnh, tâm tư, nhưng những người viết lớp mới chịu ảnh hưởng của sự phân hóa cùng cực, chỉ đề cập đến những điều ít gây lôi thôi nhất, “cho nó yên”. Kết quả là lớp người mới lâu lâu gióng lên một tiếng dàn chùng lẻ loi, không thành được một hợp tấu-khúc: Trần Hoài Thư với Một nơi nào để nhớ, Lữ Quỳnh với Sông sương mù và Những cơn mưa mùa đông, Hoàng Ngọc Tuấn với Hôn lễ, Mường Mán với Lá tương tư và Một chút mưa thơm, Nguyễn Thanh Trịnh với Ví dụ ta yêu nhau v.v… Bản chất đa dạng và phức tạp của các tác phẩm lớp mới này, khó lòng tổng hợp thành một tính chất chung, xác định một khuynh hướng như Võ Phiến đã xác định cho ba thế hệ trước.” (1)
Riêng Cao Huy Khanh thì rất dè dặt trong việc phân chia này. Ông chia văn học miền Nam thành hai thời kỳ. Thời tiền chiến và thời hiện đại. Theo ông, thời tiền chiến thì sự phân nhóm  hay khuynh hướng dễ dàng hơn vì:.
“tình trạng sinh hoạt văn học vẫn còn tỏ ra nghèo nàn so với bây giờ, hay nói cho đúng hơn thì tình trạng sinh hoạt đặc biệt về bộ môn Tiểu Thuyết lúc đó không thể nào phong phú và phức tạp như đối với Thời Hiện Đại” (2)
Còn đối với thời hiện đại, sự phân chia  chỉ miễn cưởng thuần nhất một cách tương đối cho giai đoạn đầu. Như nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa , Quan Điểm, Văn Nghệ. Sau đó, càng ngày, sự phân chia càng phức tạp, không thống nhất. Ví dụ như nhóm Bách Khoa, với Vũ Hạnh và Võ Phiến chẳng hạn. Riêng sự phân chia theo khuynh hướng cũng vẫn chưa đủ. “Nó  áp dụng đúng trong những thế kỷ trước là vì chúng tỏ ra thích ứng với tình trạng sinh hoạt tiểu thuyết còn phôi thai hoặc còn chậm phát triển của những thế kỷ đó; còn riêng đối với tình trạng phát triển mạnh mẽ như hiện tại thì chắc chắn chừng đó khuynh hướng vẫn chưa đủ để phân định những ranh giới cần thiết dùng để phân biệt một tác giả với một tác giả hay phân biệt được những tác phẩm này với những tác phẩm khác “… (2)
Tôi đề nghị bạn nên đọc bài  viết đầy lập luận  của Cao Huy Khanh do tạp chí Thư Quán Bản Thảo sưu tầm từ  nguồn tạp chí Thời Tập trước 1975. Chúng tôi đã  đánh máy và phổ biến lại trên Trang nhà Damau.org trước đây.
Có điều đáng nói là  thế hệ chúng tôi- thế hệ chiến tranh– thế hệ đã sản xuất ra nhiều nhà văn nhà thơ đông đảo nhất,  góp phần  to lớn vào việc tạo dựng một nền văn học thời chiến lẫy lừng,  vậy mà nhà văn Võ Phiến đã không  dành cho thế hệ này một sự  “ưu ái”  như ông đã dành cho ba thế hệ trước.  Hay Nguyễn Mộng Giác không thể tìm ra một “phát ngôn viên”, hay Cao Huy Khanh cũng không thể dùng nhóm hay khuynh hướng trong thời hiện đại như ông so sánh với thời tiền chiến. Ông dùng cụm từ “nhà văn độc lập” đễ chỉ những người viết văn cọng tác cho nhiều báo có khi khác khuynh hướng khác nhau.
Theo tôi nghĩ, nhận định của Cao Huy Khanh là có phần đúng hơn hết. Những “nhóm” “khuynh hướng” chỉ dành cho thế hệ  trước khi có chiến tranh bùng nổ (1955-1963). Ví dụ nhóm Bách Khoa, chúng ta liên tưởng ngay đến Võ Phiến, Võ Hồng,  Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Ngu Í…. Nhóm Sáng Tạo có Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Vũ Khắc KHoan, Quách Thoại… Nhóm Văn Nghệ thì có Dương Nghiễm Mậu, Lý Hoàng Phong … Còn thế hệ chiến tranh  thì chẳng có nhóm nào để mà ràng buộc. Lấy ví dụ  các tác giả như Mang Viên Long, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Hồ Minh Dũng, Lê văn Thiện, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Lệ Uyên v.v…  có nhiều sáng tác trên Bách Khoa, nhưng cũng  có nhiều trên Văn, hay Vấn Đề. Cũng có người vừa viết cho Trình Bày nhưng cũng viết cho  Khởi Hành mặc dù lập trường của tạp chí nhiều khi chống nhau hay có sự tranh luận cải vả trên văn đàn.
Lấy trường hợp bản thân tôi: Tôi đến với Bách Khoa đầu tiên, và có nhiều bài đăng trên Bách Khoa. Tôi cũng có nhiều bài đăng trên Văn, Trình Bày, Khởi Hành. Vậy thì tôi ở nhóm nào?
Dĩ nhiên, là tôi không ở trong nhóm nào hết. Tôi là nhà văn độc lập. Nếu có nhóm là nhóm  của  những người viết trẻ thuộc thế hệ chiến tranh
Trần Hoài Thư