Friday, November 24, 2017

224. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu ĐÔI TẤT LỤA Truyên ngắn của nhà văn Mỹ KATE CHOPIN (1850-1904)



Một ngày kia, chị Sommers nhỏ nhắn bất ngờ có được 15 đô la. Đối với chị, có vẻ đây là một khoản tiền lớn, và cái cách mà nó làm cộm phồng chiếc ví sờn cũ khiến chị có cái cảm giác về một điều gì quan trọng, mà nhiều năm nay chị chưa được  hưởng.

Chuyện sẽ chi tiêu vào việc gì khiến chị bận tâm nhiều. Suốt hai ba ngày, chị quẩn quanh thơ thẩn trong trạng thái mơ màng, nhưng thực ra chị miệt mài suy xét, tính toán. Chị không muốn hành động hấp tấp, không làm chuyện gì để sau đó lại hối tiếc. Nhưng về đêm tĩnh lặng, chị nằm thao thức, cân nhắc trong đầu những kế hoạch, là lúc chị thấy rõ cách sử dụng đồng tiền đúng đắn và sáng suốt.

Chị sẽ thêm một hay hai đô la, nhiều hơn cái giá thường phải trả, để mua cho Janie đôi giày, như thế nó sẽ bền hơn. Chị sẽ mua vài mét vải percale để may áo chẽn cho mấy đứa trai, và cả cho Janie với Mag nữa. Chị đã định vá lại mấy cái áo cũ. Mag cũng phải có thêm cái áo dài nữa. Chị đã nhìn thấy ở các cửa hiệu mấy mẫu khá đẹp, giá cả phải chăng. Và vẫn còn đủ tiền để mua tất mới - mỗi đứa hai đôi - khỏi phải mạng lại mấy đôi cũ. Rồi còn phải mua mũ lưỡi trai cho mấy đứa trai và mũ thuỷ thủ cho con gái. Cảnh đàn con trông tươi tắn, xinh xắn, mới mẻ một lần trong đời khiến chị phấn khích và thao thức với bao hy vọng.

Những người hàng xóm thỉnh thoảng vẫn nhắc đến " những ngày tươi đẹp " chị từng trải qua trước khi có ý nghĩ lấy anh Sommers. Chính chị lại không cho phép mình chìm vào những hồi tưởng không lành mạnh như thế. Chị không có thời gian, không một giây phút nào, để quay về quá khứ. Những nhu cầu của hiện tại thu hút hết mọi khả năng của chị. Hình ảnh tương lai mịt mờ, buồn thảm đôi lúc làm chị hoảng sợ, nhưng may thay, ngày mai ấy không bao giờ đến.

Chị Sommers là người biết giá trị của việc mặc cả, có thể đứng hàng tiếng đồng hồ để nhích từng bước một gần đến món đồ đang được bán giảm giá. Chị có thể hích khuỷu tay tranh đường khi cần, chị biết cách nắm chặt một món hàng, khư khư giữ lấy nó chờ đến lượt được phục vụ, không cần biết lâu hay mau.

Thế nhưng hôm ấy chị hơi uể ỏi và mệt mỏi, chị đã dùng bữa trưa qua quýt thôi. Ồ, không, đúng lúc nghĩ đến việc ăn, vì mải cho mấy đứa trẻ ăn và dọn dẹp rồi chuẩn bị  cho cuộc vật lộn mua sắm, chị đã quên khuấy mất chuyện ăn trưa.

Chị đến ngồi trên chiếc ghế xoay ở một quầy hàng vắng vẻ, cố gom hết sức lực và can đảm để chen qua một đám đông đang hăng hái vây quanh đống vải may áo sơ mi và vải gai mịn có in hình. Chị có cảm giác mệt mỏi rũ rượi và vô tình để tay trên quầy hàng. Chị không mang găng. Chị dần nhận ra là tay chị đang chạm vào thứ gì đó rất mịn màng và dễ chịu. Cúi nhìn xuống, chị thấy là tay mình đang đặt trên một chồng tất lụa. Một tấm áp phích cạnh đó ghi là chúng đang được giảm giá từ hai đô la năm mươi xu xuống còn một đô la chín mươi tám xu, một cô gái trẻ đứng đằng sau quầy hỏi chị có muốn xem kỹ mặt hàng dệt kim không. Chị mỉm cười, như thể  được yêu cầu kiểm tra chiếc mũ miện kim cương lần cuối trước khi mua nó.   Sờ với cả hai bàn tay, chị vẫn còn cảm thấy những thứ mềm mại, sang trọng, chị  giơ cao chúng lên để thấy chúng lấp lánh, và cảm thấy chúng trượt đi như con rắn trườn giữa kẽ ngón tay.

Hai vệt ửng đỏ chợt xuất hiện trên đôi má xanh xao của chị. Chị ngước nhìn cô gái.
" Trong đây có đôi nào số tám rưỡi không em?"
Bao nhiêu đôi cỡ tám rưỡi cũng có. Thật vậy, có nhiều đôi cỡ đó hơn bất kỳ cỡ nào khác. Có đôi màu xanh nhạt, màu tím hoa oải hương, có đôi đen tuyền và nhiều sắc độ nâu và xám. Chị Sommers chọn một đôi màu đen, chị nhìn chúng thật lâu, thật kỹ. Chị làm ra vẻ quan sát chất liệu, cô bán hàng bảo đảm là tuyệt hảo.
" Một đô la chín mươi tám xu," chị đăm chiêu ra mặt. " Vâng, tôi lấy đôi này." Chị đưa cho cô gái tờ năm đô la và chờ cô thối tiền và gói hàng. Cái gói nhỏ xíu! Có vẻ như nó lọt thỏm dưới đáy chiếc giỏ hàng sờn cũ của chị.

Sau đó, chị Sommers không đi về phía quầy giảm giá mà đi đến thang máy đưa chị lên tầng trên, khu vệ sinh nữ. Chị vào một góc ít người qua lại và thay đôi tất vải bông đang mangbằng đôi tất lụa mới mua. Chị không hề băn khoăn ray rứt hay lý luận gì với chính mình, cũng không tìm cách giải thích cho thoả đáng động cơ của việc mình làm. Chị chẳng suy nghĩ gì cả. Hình như đối với chị lúc này là lúc ngơi nghỉ sau công việc mệt mỏi nhọc nhằn kia, lúc chị có thể buông mình cho cơn bốc đồng tự nhiên điều khiển hành động của chị và giải thoát chị khỏi mọi trách nhiệm.

 Thật êm ái làm sao khi chạm da thịt mình vào lụa tơ tằm mới! Chị tưởng như đang nằm dài trên ghế nệm và thích thú với sự xa hoa của nó. Chị cứ như thế trong một lát. Sau đó, chị  mang giày vào lại, cuộn đôi tất vải bông cho vào túi xách. Chị đi thẳng đến hàng giày dép và ngồi xuống để được thử giày.

Tính chị khó chiều. Người bán hàng không hiểu ý chị, anh ta không tìm được đôi giày nào phù hợp với tất của chị, chị thì không dễ vừa ý. Chị kéo váy lên, xoay bàn chân ra một hướng, đầu nghiêng về hướng kia để có thể cúi nhìn xuống đôi ủng mũi nhọn bóng láng. Bàn chân và gót chân của chị thật đẹp. Chị không nghĩ chúng thuộc về chị, chúng là một phần của cơ thể chị. Chị muốn một đôi thật tuyệt hảo và kiểu cách, chị bảo người bán hàng đang phục vụ chị, chị chẳng bận tâm nếu giá cả nhích lên một hay hai đô la, miễn là chị có được thứ mong muốn.

 Đã lâu lắm rồi từ khi chị Sommers có được một đôi găng vừa vặn. Có lúc, thật hiếm hoi, chị mua được một đôi " hạ giá ", rẻ mạt đến nỗi thật lố bịch và phi lý khi đòi chúng phải vừa với bàn tay.

Giờ đây chị chống tay lên tấm vải đệm của quầy bán găng, và một người trẻ trung xinh đẹp, dễ thương, tế nhị và khéo léo đang kéo chiếc găng da dê non dài luồn vào bàn tay chị. Cô ấy vuốt chiếc găng dọc theo cổ tay chị và cài nút cẩn thận, rồi cả hai người mất một hai phút chiêm ngưỡng bàn tay nhỏ nhắn cân đối đeo găng. Nhưng còn có nhiều nơi khác để tiêu tiền nữa chứ.

Nơi cửa sổ một sạp hàng cách vài bước trên đường có chất đầy sách và tạp chí. Chị Sommers mua hai cuốn tạp chí đắt tiền, thứ chị thường đọc trước đây khi quen dùng những mặt hàng thú vị khác. Chị lấy mang đi khỏi cần gói lại. Mỗi khi qua ngã tư đường chị lại cố ý kéo váy lên. Đôi tất, đôi ủng và đôi găng tay mang vừa khít, tất cả cho chị cảm giác tự tin, và ý nghĩ mình thuộc về đám đông người ăn mặc lịch thiệp.

Chị đói lả rồi. Lúc khác, chị có thể dằn cơn đói chờ về đến nhà, uống tạm cốc trà hay nhai đỡ cái gì sẵn đấy. Nhưng cơn bốc đồng đang dẫn dắt chị không để cho chị cam chịu ý nghĩ như thế.

Có một tiệm ăn ở góc đường. Chị chưa bao giờ bước qua khỏi cửa tiệm, từ bên ngoài đôi khi chị thoáng thấy những chiếc khăn trải bàn sạch bóng và đồ pha lê loé sáng, mấy người phục vụ nhẹ nhàng phục vụ những vị khách tân thời.

Khi chị bước vào, vẻ bên ngoài của chị chẳng khiến ai ngạc nhiên, sửng sốt gì như chị đã e ngại. Chị tự kiếm chỗ ngồi riêng biệt nơi chiếc bàn nhỏ, và một người phục vụ ân cần đến mời chị gọi món. Chị không muốn phí phạm, chị thèm một miếng ngon lành, nửa tá hàu, miếng thịt sườn béo ngậy với cải xoong, chút gì ngòn ngọt, ly sinh tố kem chẳng hạn, một ly rượu vang vùng Rhine, và cuối cùng là một ly cà phê đen.
Trong khi chờ được phục vụ, chị ung dung tháo găng tay ra và đặt bên cạnh. Sau đó chị lấy ra tờ tạp chí, đọc lướt qua, lấy dao rọc mấy trang dính. Mọi thứ đều dễ chịu. Chiếc khăn trải bàn trông còn sạch sẽ hơn khi nhìn qua cửa sổ và đồ pha lê cũng bóng lộn hơn. Có nhiều quý ông quý bà lặng lẽ ngồi ăn ở những chiếc bàn nhỏ giống như bàn của chị và chẳng để ý gì đến chị. Có tiếng nhạc êm dịu, dễ chịu, một làn gió nhẹ thổi qua cửa sổ. Chị ăn một chút, đọc vài ba từ, nhấp chút rượu màu hổ phách, ngọ nguậy ngón chân trong đôi tất lụa. Tiền ăn chẳng đáng bao nhiêu. Chị đếm tiền đưa cho người hầu bàn, để lại một đồng xu trên chiếc khay, ngay lúc đó, anh ta cúi đầu chào chị như chào một công nương quý phái.

Trong ví chị vẫn còn tiền, và điều cám dỗ tiếp theo xuất hiện dưới hình dạng một áp phích quảng cáo kịch.

Lúc chị vào rạp hát đã hơi trễ, vở kịch đã bắt đầu, có vẻ như rạp sắp đóng cửa. Tuy thế rải rác vẫn còn ghế trống, chị được đưa vào một trong những chỗ như vậy, giữa những phụ nữ ăn mặc rực rỡ, tới đó để giết thời gian và ăn kẹo và phô trương áo xống loè loẹt. Cũng có nhiều người khác đến chỉ vì vở kịch và diễn xuất. Thật an toàn để nói rằng không có ai ở đây để ý đến thái độ của chị đối với người xung quanh. Chị gom hết tất cả - sân khấu, diễn viên và khán giả vào trong mộtcảm nhận tổng thể, ghi nhận và tận hưởng nó. Chị cười khi xem đến màn hài kịch và khóc - chị và người phụ nữ diêm dúa ngồi cạnh khóc khi xem bi kịch. Rồi hai người nói với nhau vài câu về vở kịch. Và người phụ nữ diêm dúa lau mắt và xì mũi vào một mẩu đăng-ten vuông nhỏ xíu, mỏng tanh, thơm phức, rồi đưa cho chị hộp kẹo.

Vở kịch chấm dứt, nhạc ngừng chơi, đám đông tản ra. Giống như một giấc mơ vừa kết thúc vậy.Mọi người toả ra muôn hướng. Chị Sommers đi về phía góc đường chờ xe.

Một người đàn ông có đôi mắt tinh tường, ngồi đối diện, có vẻ như muốn nghiên cứu khuôn mặt nhỏ, nhợt nhạt của chị. Nó làm ông ta bối rối không hiểu được mình thấy gì. Thực ra, ông chẳng thấy gì cả -  trừ khi có đủ tài năng để nhận ra một ước muốn cháy bỏng, một khao khát mãnh liệt rằng chiếc xe sẽ không dừng ở đâu cả, mà cứ đi mãi, cứ chở chị đi mãi không dừng.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh
( A Pair of Silk Stockings )