Saturday, December 23, 2017

287. LƯƠNG THƯ TRUNG : LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG GỬI NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ tức ANH BA CẬN THỊ




Kinh xáng Bốn Tổng ngày 22 tháng 12 năm 2017

Thưa anh Ba,

 Ngày nay tui già quá mạng rồi anh Ba ơi, rồi chợt dưng mình ngồi nhớ lại chuyện đời! Nhớ  lần đó, tui ngồi trong chiếc xuồng câu che hai tấm cà rèm bằng lá dừa nước giữa trời nắng gắt bên bờ con lộ tẻ vùng Cái Sắn-Thốt Nốt chờ cá dính lưới, rồi tui nghe tiếng chuông anh lắt mạnh khi anh đạp chiếc xe đạp cọc-cạch từ Cần Thơ lên vùng quê này bán cà-rem dạo ngày nào! Vậy mà rồi cũng trên bốn mươi mấy năm rồi đó anh Ba! Mau quá mạng, phải vậy hông anh?

Chuyện đời ngày đó, qua những gì anh kể tui mới biết anh có những ngày lao lung vùng Kiên Lương, Luỳnh Quỳnh qua biết bao mùa gian khổ với muỗi-mòng, đỉa vắt giữa rừng tràm, ôi thôi biết cơ man nào mà kể cho xiết! Vậy mà rồi anh cứ một mực muốn “Ra Biển Gọi Thầm” hoài hà! Tui nghĩ anh là một bậc nhân tài không gặp thời nên thế thời phải vậy thôi mà! Câu thơ anh viết hồi ấy trong bài“Chiều Giáng sinh trở lại Núi Trầu”, tui còn nhớ:

“Chiều Giáng sinh tôi trở lại Núi Trầu
Bè tràm theo kênh lên đồi Núi Sọ…”

Phải mà,“bè tràm theo kênh lên đồi núi Sọ” là hình ảnh mà tui cũng đã từng lội dưới kinh bè tràm hồi năm-nẳm đó mà!Lúc bấy giờ trời thì mưa, mình thì lạnh buốt, tay chưn vọp bẻ quá trời vậy mà phải gắng sức lôi bè tràm chìm trong nước lềnh-bềnh, bụng đói muốn run và hai đầu gối mỏi muốn sụm bà-chè luôn vậy đó anh Ba … Hồi đó anh kéo bè tràm về núi Trầu, còn tui thì kéo về rẩy khóm làm trại, làm chuồng... Nếu có ai hỏi Núi Trầu ở đâu? Thì anh đã chỉ ra đây này:

“Núi Trầu là một địa danh ở Kinh Nhà Chung thuộc Kiên Lương- Hà Tiên.Núi Sọ là một ngọn đồi nhỏ có dựng một thập tự giá rất lớn.Đây là một xóm đạo. Chúng tôi, khoảng 30 người tù cải tạo, được lệnh bè tràm từ trong rừng tràm ra Nhà Chung. Con đường bè là con kênh dài khoảng 10 cây số. Buổi chiều trở về, nhìn từ xa, núi Sọ với chiếc thập tự giá nổi lên trên nền trời ráng đỏ. ..”(trang nhà Trần Hoài Thư, ngày 21-12-2017)

Nghe anh tả cảnh sao mà buồn quá mạng! Nhưng rồi kết thúc một câu chuyện đã rồi hơn bốn chục năm, anh lại viết với tấm lòng mở ra vô tận:

Thì ra, tôi hiểu rồi. Cho dù tôi có đọc trăm ngàn pho sách, có ép mình trong tu viện, có đọc ngàn lời kinh, có lẽ tôi chắc không bao giờ “ngộ” được ý nghĩa của  cây thập tự giá như đêm hôm ấy . Có nghĩa là nó đến từ nỗi đau khổ, và nó làm mọc những nụ hoa.Nó mang nhân ái, từ tâm.Nó thể hiện lòng người.Khi người ta mang thánh giá trên cổ, không phải là mang vòng trang sức. Mà mang theo một biểu tượng về tinh thần, về tâm linh. Nó giúp con người sống theo lời răn của giáo lý…Điều huyền nhiệm là chỉ từ một vật tầm thường, nhưng nó là cả một phép lạ toát ra. Không phải cho một hai người, có công rèn luyện mà cho cả nhân loại.”(trang nhà Thư Quán bản Thảo, 21-12-2017)

Sắp tới ngày lễ Giáng Sinh mà nghe anh nhắc mùa Giáng Sinh nơi núi Trầu, núi Sọ ở Kiên Lương-Hà Tiên hồi đó quả là một đoạn đời nhiều chông gai trắc trở. Phải vậy hông anh Ba?!

Nhưng nhắc đến anh tui không thể nào quên lần gặp anh và chị Yến, hiền thê của anh, lần đầu. Hồi ấy chị Yến kể hồi mấy chục năm trước, lúc người Việt mình chưa đông như bây giờ, lần đầu gặp bụi chuối ai trồng trên đường anh chị có dịp đi qua vậy mà rồi loài cây “bụi chuối sau hè” quê mùa ấy đã làm anh chịkhông cầm được mắt và cứ thế nước mắt từ ở đâu,ở đâu nó cứ tự nhiên chảy ướt mặt anh chị hoài hà! Nhắc điều này để thấy rằng quê hương chẳng phải đâu xa; mà nó nằm ngay trong bụng, trong lòng mình anh Ba à!

“Có một ngày giữa tiểu bang mênh mông
Chúng tôi đã bàng hoàng dừng xe, thổn thức
Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
Chuối mẹ chuối con , trời hỡi quê nhà
Có điều gì rưng rức trong tim ta
Khi cả một quê hương bổng nhiên trở lại
Thấy cả vườn sau cây xoài cây mận
Bụi chuối sau hè, lu nước, mương con
Chiếc gáo dừa còn để đấy héo hon
Thấy cả bụi chuối con nép mình nhỏ bé…”
(Bụi chuối bên đường, Ô Cửa, trang 244)

Thưa anh Ba,

Còn nữa, nhắc tới anh, tui hổng thể nào quên thơ anh tả cảnh tắm trăng hoặc thơ tình thời chiến mà thi tập Ô Cửanày của anh là một trong những thi phẩm mà tui mê nhứt đó! Tui lúc nào cũng nghêu ngao đọc mỗi lúc rảnh tay cày tay cuốc trên đồng.Tui hổng biết vì sao ông Trời lại cho nhà thơ cái tài dùng chữ đặt thơ vậy anh Ba?

Chẳng hạn cảnh trời đất thiên nhiên bao la trong vũ trụ này dường như ai có mặt trên trái đất này cũng đều thấy hết trơn hết trọi hà; vậy mà rồi chỉ có người có máu văn nghệ mới viết chữ thành ra thơ văn được. Và thơ ấy từ chỗ chữ nghĩa riêng thôi vậy mà rồi hồn thơ lại thấm vào hồn người và ai có lòng đều phải nhận ra rằng thơ anh làm tôi nhớ hoài như mấy câu thơ đơn giản:

“Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa,
Để tôi về đếm những đám mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy.
(Ô Cửa, trang 235)

Vậy mà rồi hổng biết ngôi trường cũ của anh nó là ngôi trường cũ của tui hồi nào mà tha thiết nỗi nhớ mong quá vậy anh Ba?!?

Thêm nữa là cái vụ anh tả cảnh tắm trăng thì hết ý nhe anh Ba. Tôi nghĩ có lẽ một trong những vần thơ mô tả ánh trăng mà anh Ba đã lột tả thật thần kỳ là một buổi "chị có về bàn chân trần bỏ guốc", mà lần nào cũng như lần nào cứ mỗi lần đọc lại tôi không thể tưởng tượng nhà nghệ sĩ sao quá giàu lòng rung cảm trước cảnh người phụ nữ tắm trăng bên bờ sông im vắng ấy:

"Chị có về bàn chân trần bỏ guốc
Dòng sông đêm trăng. Thở dài não nuột
.....
Mười sáu trăng tròn hồn chị bâng khuâng
Ðêm ra tắm ngoài bến sông im vắng
Chiếc gáo dừa.Múc trăng. Trăng động
Dòng suối trăng lai láng cả bình nguyên
Ai khỏa thân lồ lộ cả trăm miền
Chị có thẹn vì trăng nhìn trên lá...."
(Khi chị về, trong Ô Cửa, trang 75, thơ tuyển toàn tập, 2004)

Nhớ có lần trong bộ sách Người Đọc và Người Viết, tui có nhắc thế này:“Ngắm nhìn thiên nhiên với lòng yêu trăng yêu người đến nỗi thấy "trăng nhìn trên lá" là một sự cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên đến mức tuyệt diệu mới có thể nhân cách hóa cái nhìn của trăng đang đậu trên lá trên cành. Nghệ thuật đó người Trung hoa gọi là "tỉ luận"(analogie), mà không phải "tỉ luận" bởi lẽ hòa nhập và tinh luyện đến thế chúng ta phải cảm nhận rằng người nghệ sĩ đã đạt đến cái tinh túy của cảm hứng rồi.”(trang 347, Quyển I, NĐ&NV, thàng 10-2017)
  
Thêm nữa, tui nghĩ, ngồi bên bờ kinh xáng này nhắc chuyện với anh là nhớ cũng mấy chục năm trước anh có lần khuyên tui mua cái máy cũ cũ, tập đánh máy lai rai chơi như tập thể dục vậy mà; rồi cứ thích gì thì ngồi ghi lại cái nấy, như chuyện nhà quê nhà mùa, vừa giải trí vừa tập cho trí não bớt quên khi tuổi mỗi ngày mỗi thêm già... Chứ mình ngồi viết tay rồi nhờ vợ, nhờ con đánh máy lại cũng hơi phiền… Nghe lời anh vậy mà rồi tui cũng lọ mọ ngồi ghi lại được một mớ chữ nhe anh Ba! Trong số chữ nghèo nàn ấy, tui gom lại thấy cũng bộn bộn và nhờ anh giúp in cho cũng được ba cuốn mà tui “scan” hình kèm theo đây để khoe cùng anh vậy đó!

Ba bìa sách của Lương Thư Trung (tức Hai Trầu)
do Thư Ấn Quán của anh Ba Cận Thị ấn hành.

Mà thú thực với anh Ba nhe, nói lòng vòng là khoe với anh chơi cho vui vậy thôi, chứ thực tình là với mấy hàng chân tình này là tui muốn bày tỏ chút lòng tạ ơn anh Ba rất nhiều; bởi lẽ hổng có anh chị hồi cách nay hơn hai chục năm về trước khuyến khích thì tui làm gì ngày nay có được tới chín cuốn sách, phải hông anh Ba!

Ông bà mình ngày trước có dạy: “Một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”, vậy kính mong anh Ba nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của Hai Trầu về một lẽ đã học ở anh Ba từ buổi đầu gặp nhau trên bước đường anh bán cà rem dạo và còn tui thì giăng lưới trên cánh đồng mùa nước ngập hồi ấy đó mà và anh Ba chắc cũng hổng quên?!.

Nhơn mùa lễ Giáng Sinh cũng sắp về nay mai, và Năm Mới 2018 lại tới nữa, tui xin chân thành cầu chúc anh Ba và chị Yến có được những ngày mới an lành, may mắn giống như tác phẩm vừa mới ra lò của anh ba còn thơm mùi mực mới vậy mà!

Rất mong anh vui cùng chị nhe anh Ba!
  
Kính thư,
Lương Thư Trung