Thursday, February 8, 2018

401. Truyện ngắn TRẦN HOÀI THƯ Mùa hạn

Chân dung Trần Hoài Thư, sơn dầu trên bố, Hoàng Ngọc Biên


Trần Hoài Thư không có những truyện ngắn viết riêng cho một chuyện tình. Anh viết về chiến tranh (trước 1975) và đời sống người Việt xa quê hương (sau 1975); thỉnh thoảng đan xen vào đó những cuộc tình đẹp, lãng mạn,  thánh thiện, lãng đãng như sương như khói và có một sức cuốn hút rất kỳ lạ dù kết thúc thường là ngậm ngùi. MÙA HẠN là một truyện ngắn hay thuộc loại này. Chuyện xảy ra vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh và kết thúc sau khi chiến tranh chấm dứt. (PCH)

Mùa hạn. Cùng với lửa từ mặt trời là lửa chiến trường. Và chúng tôi cũng theo những màn lửa khói ấy mà có mặt. Và ở đó, sự hiểm nguy không phân biệt bất cứ một ai, dù kẻ ấy có súng đạn hay không súng đạn như chúng tôi. Con đường ra mặt trận không còn sử dụng được nữa, khiến  chúng tôi càng cực khổ vô bờ. Những thân người bị những thùng đạn dược làm oằn xuống. Hai bàn tay tươm máu. Những ngón chân cũng vậy. Phải bấu vào đất đá để giữ thăng bằng. Nếu không cả khối đạn trên người sẽ rớt xuống và có thể đè chặn ngay ống quyển cũng không chừng. Chúng tôi phải dùng đòn gánh, đòn bẩy để di chuyển những thùng lựu đạn, thùng dầu, cả  những thùng hộp lương khô cho chiến trường. Và cả công việc phải chuyển những can nước  để mang về Bộ chỉ huy cho ông tiểu đoàn trưởng tắm rửa.

Mùa hạn. Cái đơn vị trừng giới càng khổ hơn bao giờ. Bên phía quân miền Nam, càng bung ra những cuộc hành quân càn quét vào phía sâu gần biên giới, và càng hành quân, chúng tôi càng bị trưng dụng nhiều hơn. Có đơn vị, đơn vị trưởng dễ dãi và thông cảm. Nhưng có đơn vị, họ xem chúng tôi là những kẻ tội tù cần phải canh chừng. Và họ đã sử dụng chúng tôi tối đa như thể những tên nô lệ không hơn không kém.

Rồi đến một ngày, người ta lại điều động chúng tôi về thị trấn miền núi. Lý do, người ta cần chúng tôi săn sóc cái dinh thự nghỉ mát - nơi những nhân vật uy thế nhất của quốc gia hay của vùng vẫn hay tìm đến, trong những dịp nghỉ hè, hay trong những mùa săn bắn.

oOo

Mùa hạn. Nhưng ở đây không có lửa chiến tranh. Chỉ có lửa từ một mặt trời hừng hực đốt. Hầu như không có một ngọn cây nào chịu mọc lên từ mặt đất khô cằn nứt nẻ. Thỉnh thoảng có một cơn gió núi thổi qua, khiến bụi đỏ tung lên mù trời quất xối xả vào mặt mày chúng tôi cùng với hơi nóng rát. Cỏ đã chết từ một ngày nào, vàng khô như bãi sa mạc. Nhưng ở đây, đằng sau cánh cổng sắt và dãy tường vôi nhạt là một thế giới khác. Ở đây, nơi những ngài lãnh đạo,  những mệnh phụ phu nhân, thỉnh thoảng ghé về, và sống như bậc vương giả. Ở đây sân cỏ xanh rì, hồ thủy tạ nước trong veo, và đàn cá vàng óng ánh lội. Ở đây là những buổi tiếp tân linh đình, những cuộc vui, khiêu vũ thâu đêm suốt sáng... Ở đây có phi lao, giáng hương, hoa sứ, hoa giấy. Ở đây là những bậc thềm lót bằng đá thanh dẫn về một hành lang mát lạnh. Những chú chim sẻ buổi trưa đuổi nhau ríu rít dưới hành lang. Và chiều đến, những người đàn ông, đàn bà ra sân cỏ, nằm hoặc ngồi âu yếm bên nhau. Người ta đã quên những gì xảy ra ở  phía rừng. Đã có những lực lượng hùng hậu nằm ngoài vòng đai bảo vệ đêm ngày.

Dù chúng tôi đã khổ sở để tưới nước suốt ngày nhưng thỉnh thoảng giữa đám cỏ xanh rì vẫn hiện ra những lốm đốm vàng. Nước cũng vẫn chịu thua. Chúng tôi đã phải làm việc quần quật để cố giữ màu xanh trở lại. Chúng tôi đã chuyền những ống dây cao su dài dặc, mang nước từ bồn ra bốn phía. Đôi khi ống cao su bị hỏng, chúng tôi không biết cách gì hơn là phải gánh những thùng nước đi một đoạn khá xa. Người ta không muốn thấy một ngọn cỏ vàng giữa một dinh điện nguy nga như thế này . Óc mỹ thuật của họ quả thật là phong phú. Hay là họ muốn tâng công trạng lên những kẻ quyền cao chức trọng từ đâu đó.

Bởi thế ông thượng sĩ phụ trách đã lo lắng không ít. Ông đã phải hét ra lửa, một khi đi kiểm soát:
- Làm ăn cái khỉ gì để cho cỏ mỗi ngày một chết!

Bạn tôi vừa kéo ống cao su, vừa bào chữa:
- Thưa thượng sĩ, tại trời đâu phải tại chúng tôi.

Ông ta la lên:
- Tôi không biết. Đây là trách nhiệm của các ông. Các ông nên nhớ các ông ở đây là còn may. Bạn các ông phải tải đạn ngoài mặt trận!

Rồi ông tức giận bỏ đi. Ông lại đem ra chuyện sống chết để hù dọa chúng tôi nữa. Chúng tôi đã hiểu trách nhiệm và nỗi khổ tâm của ông.

Hoàng hôn đã xuống thật chậm. Dinh thự đã nhuốm một màu vàng sẫm trên mái ngói. Lũ chim sáo từ một khu rừng nào đó trở về như mọi bận, gọi nhau inh ỏi. Thỉnh thoảng tiếng ve sầu lại vang lên như một cung đàn buồn bã. Các cây sứ đã rụng đầy hoa trên bãi cỏ, trên lối đi lót bằng loại đá quí. Phía xa, một nền trời đỏ ửng và một mặt trời đỏ như huyết hiện đằng sau những nhánh phượng khô. Thật là một hoàng hôn kỳ diệu. Những cơn gió mát đầu tiên của một ngày mùa hạ đã bắt đầu trở lại, làm lung lay những chiếc lá giáng hương. Ở chóp những cây trâm đang độ nở hoa, bướm vàng từng đàn đang dập dìu bay lượn. Tôi muốn chết ngất trong thiên nhiên tuyệt vời. Tôi muốn nằm ngay trên bãi cỏ xanh êm mà chúng tôi đã đổ xuống bao mồ hôi để gìn giữ, mà nhắm mắt lại, tận hưởng nỗi êm đềm của chiếc bánh xe thời gian đang dần lăn vào cõi tối. Tôi muốn uống  trọn những giàn hoa giấy, hoa hồng, hoa sứ trong vườn. Chúng tôi đã bắt từng con sâu, con kiến, nhổ từng cọng cỏ dại... Nhưng tôi không thể thực hiện điều mơ ước. Không ai cho tôi được quyền nằm đây để tận hưởng. Tôi chỉ biết ngồi yên trên cỏ, dưới bóng mát của cây giáng hương. Trên cao bầu trời xanh như màu ngọc bích. Có tiếng chim ríu rít trên cành. Ở đây mọi sự thật bình an. Và tâm hồn tôi cũng vậy. Cũng yên tĩnh chẳng khác một thiền sư.

Giữa lúc ấy thì một người con gái từ trong dinh bước ra.

Nàng trẻ trung trong chiếc quần jeans và chiếc áo polo màu huyết dụ. Tóc nàng thắt bím. Cả gương mặt nàng thật rạng rỡ. Thêm đôi mắt sáng. Nàng đến bên bụi hồng cao quá đầu người. Và nàng say sưa nhìn lên những cánh hoa sung mãn trên ngọn cao. Sau đó, nàng nhón chân để níu cành hồng xuống. Rồi tôi nghe nàng la lên, tuồng như thét lên vì đau đớn. Tôi chạy lại. Thì ra vì sơ ý cả một cành hồng đầy gai móc vào da thịt của nàng. Nàng vẫn còn ôm lấy bàn tay ri rỉ máu.

Ôi cánh tay ngà ngọc. Cổ tay trắng, và những ngón tay mềm mại. Tôi nâng cả bàn tay của nàng lên, cố gỡ những chiếc gai nhỏ còn vướng lại trên da. Nàng ngồi bệt xuống cỏ. Tôi cũng qùi xuống. Nàng để nguyên bàn tay trong lòng bàn tay tôi, miệng mếu máo:
- Có sao không ông?
- Không sao đâu, thưa cô.
- Nhưng sao lại nhức quá thưa ông?

Tôi an ủi nàng:
- Chịu một lúc rồi sẽ hết. Lần sau, cô cần thì kêu tôi, tôi hái giúp cho... Hồng này nhiều gai lắm,  thưa cô.

Trông nàng tội nghiệp làm sao. Nàng nắm chặt tay tôi, Nước mắt xem chừng long lanh. Tôi quì xuống cố gỡ những móc gai tàn bạo. Vâng, em đau, tôi biết. Gai hồng này là loại gai nguy hiểm. Móc như móc câu. Khi móc vào da thịt thì khó có thể cạy ra.

Sau đó, nàng cám ơn tôi, rồi vào dinh. Còn tôi, nhìn theo nàng. Những ngón tay của tôi đã dính máu của nàng. Không hiểu sao tôi đưa lên miệng mà mút mà liếm. Máu vẫn còn tươi. Mằn mặn. Tôi nếm và nghĩ là mình đang nếm vào chất vị của hạnh phúc. Tôi bỗng nhiên cám ơn định mệnh. Cám ơn những ngày khổ nhục. Cám ơn mùa hè. Cám ơn bụi hoa hồng sum suê cao ngất. Tất cả đã cho tôi một cơ duyên, dù chỉ là một khoảnh khắc của đời.

Có tiếng giục của trưởng toán chuẩn bị về lại doanh trại. Một ngày như mọi ngày. Rồi hàng rào dây kẽm gai lại vây bọc. Rồi giờ cơm, toán trực lãnh phần từ hoả đầu vụ. Khi thì cơm nhão, khi thì cơm khê. Những con cá mối trường kỳ. Rồi một ngọn đèn nhỏ soi mờ. Rồi ngày nắng lửa vì mái tôn, nhưng càng về đêm thì lạnh cóng vì hơi đất, khí núi, và cũng từ mái tôn thấp ấy. Đó là cái thế giới mà người ta gọi là trại trừng giới thả lỏng. Vâng, chúng tôi đang trở thành những con vật người đây, trả nợ cho quân đội đây, các người hả dạ chưa.

oOo

Kể từ ngày ấy, tôi có dịp được hái thêm những cánh hoa hồng khác. Nàng yêu hoa ghê gớm. Và tôi đã cố lựa những cánh hoa đẹp nhất, tươi thắm nhất để hái cho nàng. Đôi khi gai nhọn làm xước da thịt tôi, nhưng đâu có hề gì. Bên tôi nàng huyên thuyên như con chim sáo, hỏi han đủ chuyện:
- Ông làm ở đây lâu chưa hở ông?
- Vâng. Bắt đầu từ mùa hè...
- Xin lỗi ông, em thấy sau lưng ông chữ LCĐB. Chữ gì thế. Tại sao ông lại mang như thế?
- Là Lao công đào binh.
- Lao công đào binh là gì hở ông ?

Tôi im lặng. Phải nói làm sao về một sự thật. Có nên đưa nàng xem những vết sẹo đã cày trên da thịt tôi. Có nên nói với nàng về một huy chương Mỹ, hai cái bạc, hai cái đồng và hai chiến thương  mà một thiếu úy đã có trên mặt trận?. Có nên nói về những người như bố mẹ và ngay cả nàng nữa lúc này đang có bao nhiêu người lính hầu hạ, ngay cả việc bắt chúng tôi phải khổ cực trong dinh thự nguy nga, sang trọng này, là một trong trăm ngàn cảnh bất công bất nhẩn mà bất cứ người lính nào có suy nghĩ cũng phải phẫn nộ.
- Xin lỗi đã làm ông buồn. Ông cần em giúp gì không. Em sẽ nói với bố em...Bố thương em lắm.

Tôi cảm động. Nhưng tôi phải thú thật. Tôi đã chọn quyết định và phải chấp nhận quyết định. Tôi luôn luôn ngẩng đầu trong mọi hoàn cảnh. Tôi bắt qua chuyện khác:
- Tôi đoán cô lên vùng này để nghỉ hè?
- Vâng. Ba tháng hè.
- Chắc cô nhớ Sài Gòn lắm phải không?
- Vâng, nhớ lắm, thưa ông. Dưới đó em có rất nhiều bạn. Chẳng bù trên này, chỉ một mình. Bố mẹ em lại bắt em lên đây ba tháng hè. Chán ơi là chán...
- Xin lỗi, cô học lớp mấy?
- Lớp 11.
- Ban nào?
- Ban B.
- Ngày xưa tôi cũng từng dạy lớp 11. Tôi dạy về Toán Lý Hóa.
- Thế ư? Em rất dốt Toán. Ông giúp dùm em nhé.
- Lâu quá, tôi quên rồi. Tuy nhiên tôi sẽ gắng. Cô cứ đưa đề cho tôi, tối về trại tôi sẽ giải hộ cho.
                              
oOo

Rồi một ngày tôi được lệnh trình diện viên thiếu úy tùy viên của bà vợ ông Tư Lệnh. Hắn ta nhìn tôi bằng cái nhìn kẻ cả. Tôi hiểu, dù cấp bậc thấp, nhưng cái chức tùy viên của hắn đã làm chức vụ hắn còn cao hơn cả những sĩ quan cao cấp khác.  Có lẽ hắn  nghĩ là hắn sắp ban cho tôi một ân huệ. Tôi sẽ phải chào tay hắn, hay phải đứng nghiêm trình diện. Còn khuya. Tôi khinh hắn thì đúng hơn. Cái con người chỉ biết xách bị  và xách dép cho những phu nhân. 

- Văn phòng Tổng Quản Trị  cho chúng tôi biết là anh có cử nhân Toán, nguyên gốc giáo sư. Ông bà Tư lệnh cần một người kèm trẻ. Anh có thể ở ngay tại tư dinh, khỏi về trại nữa. Lát nữa ban quân trang sẽ đem đến bộ quần áo khác để anh thay. Anh khỏi mặc chiếc áo này.

Rõ ràng, hắn coi 4 chữ LCĐB sơn đen trên lưng áo của tôi như là một dấu hiệu của ô nhục. Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn:.
-  Tư lệnh ra lệnh tôi dạy thì tôi dạy. Nhưng tôi không thể ở nơi này được. Tôi phải về lại trại. Tôi phải trả nợ những gì mà người ta bắt tôi phải trả. Nhờ thiếu úy trình lại với tư lệnh.

Tôi trả lời dứt khoát. 

Phải. Tôi phải về  với họ. Về với những bếp lửa hằng đêm mà chúng tôi đã đốt lên, và tiếng hát buồn buồn, những đôi mắt nhắm lại, những râu tóc rối bù, những chiếc áo ngày càng dày vì mồ hôi khổ nhục, những tiếng mớ, và đôi khi ánh trăng lọt vào trại trừng giới, xanh và rất sáng như tắm đầy nền..., đến cả những đống lá khô mỗi sáng chúng tôi đốt lên, để chúng tôi càng ngồi lại gần hơn. Về cùng với cõi tăm tối lầm than mà chia nhau ngọn lửa, dù là ngọn lửa đốt lên từ thùng dầu hay đống lá khô. Về để chia chác với nhau nỗi ô nhục hay niềm hảnh diện thầm kín, vì họ đã dám thách đố cùng cái định mệnh của tuổi trẻ. Họ đã dám vượt ra khỏi cái móng vuốt của diều hâu.

Vâng, phải cám ơn em, cám ơn lòng từ tâm của một người con gái. Tôi biết chỉ cần nói một tiếng với em là tức khắc bộ đồ ô nhục này sẽ được vất đi, và tôi sẽ thành một người khác. Cấp bậc sẽ được phục hồi. Một chỗ tốt tại hậu cứ. Khỏi đi tác chiến. Vâng, tôi biết thế. Nhưng tôi không thể...
    
Và cuối cùng, người ta cũng chiều tôi. Có nghĩa là mỗi ngày  từ 9 đến 11 giờ  tôi đến dinh để dạy 2 người con của viên Tư lệnh. Đó là hai chị em. Hoàng Hương là chị. Và cô em, Hoàng Thúy, mới 10 tuổi. Con bé này khác với tánh chị, là một con bé rất bướng bỉnh, khó dạy. Có lẽ bởi ông bà Tướng quá nuông chiều nó. Hay cũng có lẽ là trong đầu óc thơ ngây của nó, nó chỉ thấy cái thế giới đầy quyền uy của bố. Tôi phải gắng nuốt nước bọt, lẫn cả cay đắng để vuốt ve, chiều chuộng hầu cho nó vui mà học. Một ngày nó đang ngồi trong phòng học, chợt nó kêu lên: Thầy ơi, có tổ chim, có chim con trên cây kia. Rồi nó chỉ cho tôi xem một tổ chim trên chóp cây giáng hương ngoài sân. Tôi không thể ngờ sau đó, nó lẻn ra ngoài, kêu ông trung sĩ quản gia trèo lên để mang những con chim con xuống cho nó. Sở dĩ tôi phải dài dòng ở đây, để nói về một trong những sự thật đau lòng mà tôi biết. Tôi bất mãn khi nhìn ông trung sĩ già trèo lên chóp cây. Ông đã phải làm vừa lòng một con bé. Không. Ông tuân lệnh cũng nên. Lệnh ông Tư lệnh. Lệnh bà Tư lệnh. Và lệnh tùy viên. Lệnh con cái ông Tư lệnh. Cũng như tôi đây. Tôi cũng đang tuân lệnh. Không ai dám cãi lại, chống lại.

May mà tôi có Hoàng Hương. Người học trò mà mỗi ngày tôi càng khám phá thêm một nỗi rung động mới. Ở mái tóc xỏa xuống bờ vai thon mềm. Ở những sợi tóc mây phơ phất trên vầng trán thơm. Ở đôi má ửng hồng, đôi mắt đen lay láy. Ở vẻ suy nghĩ tội tình khi nàng cố giải một bài toán. Ở cây viết chì mà nàng cắn giữa hai hàm răng trắng như hạt lựu. Ở những hình chữ nhật hình tròn tam giác cân tam giác đều tam giác vuông vô tri mà nàng vẽ ra trên trang giấy. Ở mỗi lần nàng nhìn ra ngoài sân nắng, không biết nàng mơ mộng gì ngoài kia để tôi phải nhỏ nhẹ kêu nàng trở lại cùng trang sách học.

Tôi thầm kín nhìn từng sợi lông măng, từng sợi lông mày, cái lúm đồng tiền của nàng. Hai giờ cho mỗi ngày, trừ ngày chủ nhật. Tôi ra đề. Tôi bắt nàng đọc lớn. Đọc đi đọc lại cả chục lần. Nàng đọc, nhưng cuối cùng nàng lắc đầu nói: Em không biết giải làm sao. Thầy giải cho em đi. Tôi cười: Nếu tôi giải thì em cần gì phải học nữa.

Đôi khi con bé Hoàng Thúy lẻn ra ngoài, và căn phòng chỉ còn lại tôi và Hoàng Hương. Lúc ấy, nàng kể lại những ngày vui ở Sài Gòn. Nàng không biết gì về những gì xảy ra ở phía rừng, mặc dù bố nàng là kẻ ở trong cuộc. Nàng say mê nói về những đứa bạn, về ngôi trường đầm, về vỉa hè Lê Lợi, Nguyễn Huệ và những ly kem... Có khi nàng lại nói về những đứa con trai con cháu của những ông bộ trưởng hay tướng lãnh nổi tiếng trong những buổi dạ hội, hay đua đòi cùng những chiếc xe mới. Tôi thì nghe, và tự biết mình đứng ở ngoài thế giới ấy. Rõ ràng, chiến tranh đồng nghĩa với tội ác, với máu và nước mắt, với tai ương, nhưng nó cũng mang đến cho một số người những lợi nhuận, những đặc quyền đặc lợi mà trong thời bình chắc họ không thể có. Hoàng Hương, em phải cám ơn chiến tranh. Tôi muốn nói như thế. Nhưng tôi không thể nói. Nàng sẽ không bao giờ hiểu đâu. Tôi chỉ yên lặng nhìn lên gương mặt xinh đẹp và yêu đời. Tôi biết tôi đang níu kéo lại những giờ phút êm đềm hôm nay. Hãy sống cho một giờ. Và hãy chết cho một giờ.

Tôi thật sự sợ mùa hè sẽ chấm dứt.
                                                     
oOo

Cuối cùng thì mùa hè cũng chấm dứt. Và cuối cùng, người con gái cũng từ biệt tôi không một lời từ giã. Ngày cuối, tên tùy viên gặp tôi trao phong bì. Hắn nói: Đây là quà của bà Tư lệnh. Tôi nhận, biết chắc là những tờ giấy bạc mà người ta thưởng công. Nhưng cớ sao tâm hồn tôi lại rưng rưng. Một cánh chim đã bay trở lại đồng bằng, và còn lại một cây rừng hiu quạnh cùng những cơn gió núi. Tự nhiên lại nhớ đến lời ca dao: Đoạn trường nước chảy qua cầu. Gặp nhau sông núi trở màu đắng cay...

 Ngoài sân, những bụi hoa hồng rực thắm. Vài cánh hoa vươn cao, bừng rộ một màu huyết dụ...Tôi biết là nàng sẽ thích. Nhưng nàng đã xa. Làm sao tôi gởi nụ hoa hồng về phương trời dưới ấy?
                                                       
Mùa hạn. Lửa càng ngày càng vây bủa thị trấn. Lửa theo đồng cỏ khô cháy nhanh, hung hãn như những trận sóng thần. Và lửa cũng theo những đầu đạn hoả tiển, hay trọng pháo vồ chụp xuống thị xã, đào thành những hố sâu, chạm vào kho xăng, dầu, bắt cháy bừng bừng. Cùng với lửa là sấm nổ. Những chớp lửa sáng loé ở bốn bề, càng lúc càng vây sát thị xã hơn bao giờ. Và người ta bỏ chạy. Người ta đào thoát. Trong khi ấy, lửa đã làm chúng tôi hồi phục lại cấp bậc nhanh chóng. Họ phát súng phát đạn, ra lệnh đơn vị trừng giới làm tuyến cản ở  phi trường. Họ dùng chúng tôi. A ha. Họ cần những kẻ mà họ xem là hèn nhát, sợ chết ! Ít ra đây cũng là trận đánh để đời, để chúng tôi tự hào và ngẩng mặt
  
Mùa hạn. Lửa. ở đâu cũng thấy lửa. Càng bỏ chạy, lửa càng hung hãn reo mừng, đùa rỡn đuổi bắt. Mùa hạn hiếm gió, nhưng thật nhiều lửa. Và lửa đã đuổi em, đuổi tôi, đuổi mọi người chạy đến sức cùng lực tận. Thôi hết rồi một thời để mộng mị. Thôi hết rồi những bụi hồng hôm nào nở rực rỡ, và em cũng vậy, cũng rực thắm bên hoa. Tôi nói với lòng tội tình em bao nhiêu. Lửa đã cháy cả mái nhà dinh thự, lửa đã thiêu rụi tư dinh, lửa đã bắt cha em đi xa, và lửa đã đẩy em chân trần, chạy trên những động cát nóng bỏng, phỏng cả gót mềm. Và tôi cũng vậy. Mùa hạn, tôi uống nước vũng trâu, nước bùn đất. Tôi thay trâu kéo cày, tôi kiệt lực gánh những thùng nước về tưới cho những ngọn mạ như ngày xưa tôi cũng đã từng gánh những thùng nước cho viên tiểu đoàn trưởng tắm.. Mùa hạn. Tôi thấy em đẩy xe ba bánh, em con ông tướng, áo vá vai, căn chòi lá làm nơi dung thân, nước mắt cũng theo mùa hạn mà khô trên hai hồ lệ. Tôi nói với lòng, tôi thương em biết mấy. Muốn cứu em, em ơi. Chúng ta vẫn có một nơi trồng thật nhiều hoa hồng và tôi sẽ hái cho em những bông hồng tươi đẹp nhất, rực rỡ nhất.

Phải. em ơi, chẳng lẽ cuối cùng trời lại không đổ xuống một cơn mưa ân sủng ? 

TRẦN HOÀI THƯ