Wednesday, March 21, 2018

485. PHẠM QUỐC BẢO Nhân dáng thầy Vũ Khắc Khoan




Trước khi cùng nhau chúng ta bắt đầu thưởng thức mấy chi tiết rất đời thường mà khá độc đáo liên quan tới thầy Vũ Khắc Khoan, tôi thấy nên điểm sơ qua vài nét tiêu biểu cái bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa:

Bắt nguồn từ chủ trương phát xuất ở thời chính phủ Trần Trọng Kim(17 tháng Tư đến 25 tháng Tám năm 1945), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa ( VNCH, từ cuối năm 1954 đến tháng Tư năm 1975) đã được áp dụng phổ cập và phát triển tại lãnh thổ Miền Nam Việt Nam rõ rệt nhất là ở bốn yếu tố chính:

- Ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết)Việt (tức Việt ngữ) là quốc ngữ, đồng thời Việt hóa và phổ thông hóa nền giáo dục Việt ngữ rộng khắp lãnh thổ [1].Chẳng hạn Việt ngữ đã là ngôn ngữ chính và duy nhất được giảng dạy từ vườn trẻ- mẫu giáo lên các bậc tiểu và trung học. Chẳng hạn cụ thể  là ở phân khoa Văn Khoa Sài Gòn, trước năm 1963 vẫn hiện diện song song hai hệ thống Dự Bị Pháp giảng dạy bằng Pháp ngữ và Dự Bị Việt giảng dạy bằng Việt ngữ, nhưng sau năm đó Dự Bị Pháp không còn nữa, duy nhất chỉ còn Dự Bị Việt cho đủ mọi môn chuyên khoa mà thôi.

- Bốn cấp từ vườn trẻ - mẫu giáo lên đến tiểu-trung và đại học công tư đều được khuyến khích rộng mở ở khắp mọi vùng đất nước, nơi nào có thể, cho tòan dân. Do đó sĩ số học sinh-sinh viên cũng như số lượng giáo viên- giáo sư cứ được bổ túc liên tục mà tăng gấp bội lên theo cấp số nhân ở từng niên học. Các môn học ở các cấp cũng được cố gắng cập nhật theo tầm mức tân tiến chung trên thế giới mà bớt hoặc thêm vào từng năm. Chẳng hạn về công tác điều chỉnh, chúng ta có thể kể đến việc lọai bỏ đi lớp Tiếp Liên (lớp học cuối của cấp tiểu học), và ở trung học đệ nhị cấp đã dẹp đi Ban D (ban cổ ngữ, học Hán Văn và La Tinh)... Còn việc bổ túc các ngành học, chúng ta có thể kể sự kiện thêm môn Tân Tóan Học cho lớp 12 ban B (ban chuyên Tóan, lớp chót của trung học đệ nhị cấp) bắt đầu từ niên học 1970-71. Trên cấp đại học, chúng ta cụ thể ghi nhận hai sự kiện: Ở phân khoa Khoa Học sàigòn, từ niện học 1961 trở về trước,lớp P.C.B (viết tắt của Physique-Chimie-Biologie animale) vốn là chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh của văn bằng cấp cử nhân Khoa Học mà cũng là lớp Dự bị Y Khoa, nhưng sang niên học 1962-63, lớp P.C.B. vẫn là một chứng chỉ  thuộc hệ thống trường Khoa Học, còn Dự Bị Y Khoa lại bắt đầu có tên riêng, A.P.M.(viết tắt của Année Préparatoire de Médecine) [2]. Trong khi ấy, phân khoa Văn Khoa sàigòn niên học 1964- 65, ban Triết học chia ra thành hai phân ban, Triết học tây phương và Triết học đông phương...

- Sách giáo khoa thì được Trung Tâm Học Liệu của bộ Quốc Gia Giáo Dục chính thức xuất bản cho từng cấp học, nhưng nhiều nhất phải kể là vô số những tài liệu tiểu luận và luyện thi mọi môn học các cấp đã được các giáo sư chuyên ngành thi nhau soạn, xuất bản và phân phối rộng khắp.

- Các kỳ thi những văn bằng Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất Cấp (dẹp đi vào năm 1967), Tú Tài I ( dẹp đi bằng nghị định chính thức vào năm 1973) dần dần được lược bỏ. Chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp ban Trung Học( mà trước kia gọi là kỳ thi Tú Tài Hai) và được bắt đầu thử nghiệm áp dụng thi viết cho một số môn học theo hình thức Trắc Nghiệm IBM ( nôm na  gọi là thi ABC khoanh, để có thể chấm điểm thật nhanh gọn bằng máy điện tóan), vào kỳ thi giữa năm 1974..

Những yếu tố đại để nêu trên tiêu biểu minh chứng cho mục tiêu giáo dục đã được kiên trì liên tục áp dụng vào thực tế theo nhu cầu đời sống và theo đà dân số phát triển ở xã hội Miền Nam Việt Nam, dựa trên ba châm ngôn căn bản cốt lõi  là Nhân Bản- Dân Tộc- Khai Phóng.

Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò:

Nhưng dù sao, trong mỗi giai đọan chuyển đổi của nền giáo dục như thế cũng đều có những sự kiện bất cập. Như chương trình giáo dục thời tôi theo học bậc trung học VNCH có một điểm lạ ở chỗ Quốc văn( tức là Việt văn) các lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), Đệ Nhị (lớp 11) thì học Kim văn; còn các lớp Đệ Ngũ (Lớp 8) và Đệ Tam (Lớp 10) lại phải học tòan Cổ văn. 

Cổ văn tức là các lọai văn được sáng tác từ xa xưa, câu chữ các cụ dùng trong quá khứ bao nhiêu thế kỷ trước của dân tộc ta bây giờ đã không còn thông dụng trong xã hội ngày nay nữa. Lại thêm văn chương cổ vốn được chủ trương “văn dĩ tái đạo” tức là các cụ viết văn chương với mục đích chuyên chở những đạo lý ở đời (nhưng nội dung của những đạo lý ấy hầu hết là nhắc lại những ý tưởng của sách vở xưa để lại một cách lý thuyết mà chứa đựng rất ít tư tưởng mới sáng tạo được rút ra từ kinh nghiệm sống thực tế trong đời sống cụ thể của các cụ); và những câu những chữ của thứ văn chương được gọi là ‘bác học’ ấy thường bao gồm nhiều điển tích mà muốn hiểu thấu đáo câu văn của các cụ đã viết ra thì phải thuộc nằm lòng những câu chuyện chứa đựng trong các điển tích ấy! 

Quí vị độc giả hãy thử nghĩ lại xem: Học sinh mới lớn, tuổi trung bình từ 14-16, chúng tôi mới chỉ là những thiếu niên ở cái tuổi đang “nhổ giò”, cái tuổi “ăn ít khi thấy no, lo chưa bao giờ kỹ”cả, thế mà phải “nhá” những thứ văn chương xưa cũ chứa đựng quá nhiều điển tích (chuyện xưa tích cũ, bên ta lẫn bên Trung Hoa), đọc lên nghe đã trúc trắc rồi, nói chi đến vấn đề có thể dễ tạo nên niềm thích thú học hỏi sao nổi!

Cho nên một hiện tượng thường xuyên phổ biến diễn ra là trên bàn thầy đang diễn đọc cuốn thơ nôm Truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), chẳng hạn đến đọan tả nhân vật Lục Vân Tiên giữa đường ra tay đánh dẹp bọn cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga: Khi nàng Kiều Nguyệt Nga tính bước xuống xe lạy tạ ơn, thì chàng họ Lục(vốn theo quan niệm cổ điển “nam nữ thọ thọ bất thân”) vội ngăn lại mà thốt lên rằng:

“ Thôi thôi ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai”

Ở dưới mấy hàng ghế cuối lớp, nhóm học sinh tinh nghịch một cách ‘nhất quỷ- nhì ma- thứ ba học trò’ cũng liền đọc lên mấy câu vè bình dân mà ngòai xã hội lúc ấy người ta thường “lẩy”:

“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy dzô!”

Thế đấy...
Và Việt văn lớp Đệ Tam C  hồi tôi học do thầy Vũ Khắc Khoan đảm trách.

Bóng dáng thầy qua tiểu sử.

Từ những tài liệu trong Google, có thể tóm tắt tiểu sử của thầy Vũ Khắc Khoan bằng mấy đọan sau: “...Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Lên đại học, ông theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-nội; đồng thời ông hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông, hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953). Giao thừa có thể coi là vở kịch có nội dung đề cập đến tính chất phi lý đầu tiên của Việt Nam.

Ngay từ thời còn là sinh viên y khoa, Vũ Khắc Khoan đã đạo diễn những vở Thế Chiến quốc và Nửa đêm truyền hịch của Trần Tử Anh, trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ông viết và dựng kịch bản đầu tay Trường ca Mông Cổ, tác phẩm làm nền cho vở Thành Cát Tư Hãn (1961) sau này. Năm 1952, vừa dựng vừa diễn vở Thằng Cuội ngồi gốc cây đa tại Nhà Hát Lớn. 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng tác với nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ). Ngòai ra ông còn dạy sử, văn chương và văn học sử tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở Sài-gòn. Từ 1962 ông lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo, ông dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-gòn.

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác Đọc kinh (1990), Đoản văn xa nước (1995), và hai bài thơ văn xuôi: Berceuse en pluie mineure (Ru em theo gam mưa thứ) và Le petit oiseau, la petite branche et le printemps (Con chim nhỏ, cành cây nhỏ và mùa xuân) và viết một số tác phẩm chưa hoàn tất: Như truyện dài Bướm đêm và kịch Ngọa triều. Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày 12/9/1986 vì ung thư...”[3]

Thầy Vũ Khắc Khoan

* Chung quanh bóng dáng kịch tác giả Vũ Khắc Khoan

Phải nói ngay rằng cho đến bây giờ, 75 tuổi, tôi vẫn đặc biệt hãnh diện là đã có thời được học thầy. 

Trước tiên, những chi tiết và những nhận xét về hành trạng văn nghệ của cuộc đời ông thì trong Google và quá nhiều tác giả khác đã viết ra rồi[4], không cần thêm thắt gì ở đây nữa. Chỉ xin kể ra ở đây mấy hình bóng của ông khá sừng sững trong trí nhớ của cá nhân tôi, với những kỷ niệm có liên quan tới nhiều bạn hữu của tôi mà đa số họ nay cũng đã ra đi khỏi cõi đời này.

Chẳng hạn vào đầu thập niên 1960, thầy Vũ Khắc Khoan đang dạy trong bộ môn kịch ở trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ-Sàigòn. Lúc ấy tôi mới bắt đầu rời bậc trung học & cũng không học bất cứ một môn nào ở trường ấy, nhưng lại thường xuyên đến sân khấu của ấy để được tham dự những buổi hòa nhạc, nhất là để được thưởng thức những vở kịch do thầy dàn dựng và các môn sinh của thầy thủ những vai cốt cán chính.

Những vở kịch như Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa, Nghêu Sò Ốc Hến, vở chèo Quan Âm Thị Kính.... Nếu tôi nhớ không lầm thì những vở kịch này đều được thầy điều động ít nhất là một lần tại sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc& Kịch Nghệ tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du sàigòn, và do những diễn viên kịch như Hà Bay, Vũ Hạ... Họ vừa tốt nghiệp những năm trước và sau 1965, họ đảm trách phần trình diễn một cách xuất sắc, gây được tiếng vang cho ngành kịch nghệ của trường này. Nay Hà Bay đã mất hay chưa, cư ngụ hiện tại ở đâu, tôi không rõ. Nhưng Vũ Hạ thì sau tháng Tư năm 75 anh đã sang định cư tại miền Nam Cali,đi học lại và tốt nghiệp kỹ sư,làm ăn sinh sống rất mực thước.Trong hai thập niên 1980 và 90, thỉnh thỏang chúng tôi tình cờ gặp nhau ở những tiệm sách cũ thuộc các cửa hàng như Goodwill hay Salvation Army. Và rồi anh cũng đã ra đi ở lớp tuổi 60, cách đây trên một thập niên.
Riêng vở Thành Cát Tư Hãn tôi nhớ là đã được cho diễn hai lần tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ và một lần trên viện Đại Học Đà Lạt. Trong đó, vai Thành cát Tư Hãn đều do Trần Quang thủ diễn, còn Phạm Thanh Nhàn và Vũ Hạ đóng vai Sơn Ca; nhưng khi vở này được cho diễn trên Đà Lạt thì lại do Đinh Ngọc Mô đảm nhiệm vai Sơn Ca,và được khán thính giả khen là xuất sắc. 

Trần Quang, theo như lời anh tiết lộ thì anh sinh ra bên Lào, người to lớn, bệ vệ trong vai Thành Cát Tư Hãn nhưng hồi ấy anh phát âm tiếng Việt hơi trớt; sau này nhờ liên tục chịu khó tập luyện, giọng nói của anh đã chuẩn hẳn và anh nổi tiếng hơn nữa khi sang làm diễn viên điện ảnh.

Phạm Thanh Nhàn, hồi năm 1975 anh sang tị nạn sớm ở Mỹ và chưa có cơ hội trở lại ngành diễn kịch thì đã qua đời trong tai nạn khi đi câu cá  tại Long Beach vào khỏang cuối năm 1979 đầu 1980.

Còn Đinh Ngọc Mô, sau khi tốt nghiệp khóa Đại học Sư Phạm ĐàLạt, anh trở thành một trong vài người điều khiển nổi tiếng cho chương trình truyền hình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu ở mấy năm cuối thập niên 1960, sau anh được cho đi du học. Vào năm 1982, vừa sang định cư ở Nam Cali chưa đầy một năm là tôi đã nghe tin Mô đột ngột qua đời bên Canada [4]

* Bóng dáng thầy từ mấy kỷ niệm còn nhớ được
Một dáng đời thường.

Những niên học cuối thập niên 1950, hiện tượng 'cúp cua' (trốn học) không hiểu tại sao lại thành phổ biến đến độ khá quen thuộc đối với học trò, nhất là các học sinh thuộc 3 lớp đệ nhị cấp ( lớp 10, 11 và 12), ở Chu Văn An Sàigòn. Hiện tượng trốn học đi chơi đương nhiên là không “phải đạo” rồi, bằng chứng rằng hiện tượng này xem ra rất ít xảy ra ở lớp học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, ngôi trường đã vì nhu cầu và cũng vì tuân theo chỉ thị của bộ Quốc Gia Giáo Dục mà phải chịu 'san sẻ' mấy dãy nhà để xe cùng cả tòa nhà vốn dành làm khu nội trú cho học sinh từ tỉnh lên học, để sửa sang lại và thành lập ra trường Chu Văn Anh ở năm sáu niên khóa đầu kể từ năm 1954. 
Xét cho cùng, hiện tượng trốn học thường xảy ra như vậy cũng là do nhiều nguyên nhân. 

Đầu tiên phải thành thật mà thú nhận rằng học sinh CVA  xem ra kỷ luật không được duy trì nghiêm minh như vốn đã là truyền thống sinh họat học đường ở bên trường Pétrus Ký ngay cạnh đó. Trong nguyên nhân này cần phải liệt kê 2 yếu tố khác nữa,tôi nghĩ có liên quan đến sinh họat học vấn có thể nói là dễ dãi và cởi mở mà ban quản trị trường Chu Văn An sàigòn hồi ấy đã thực hiện: 

* Kể từ niên khóa 1954- 55, từ lớp Đệ Thất ( lớp 6) trở lên thì thường học sinh sàn sàn nhau 11 tuổi nhưng  chúng tôi vẫn học chung với các anh chị lớn hơn, có khi tuổi họ đã 17. Lý do là bộ Quốc Gia Giáo Dục hồi đó đặc biệt cho phép học sinh nào di cư từ Bắc vào mà không có thân nhân đều được ghi danh vào học ở bất cứ lớp nào ở trường di cư Chu Văn An sàigòn.

* Và nếu tôi nhớ không lầm thì suốt những niên khóa trong thập niên 1950 ấy, học sinh nào thi nhẩy ( tức đang học lớp Đệ Ngũ- lớp 8 - cuối năm thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay đang học lớp Đệ Tam - lớp 10- cuối năm thi Tú Tài I) mà đậu thì chẳng những không bị “bắt lỗi” mà còn được cho phép học tiếp lên lớp trên, ở niên khóa kế tiếp!

Thứ đến là phát xuất từ hệ thống thi cử của thời ấy: Trước thời chúng tôi,cho đến đầu thập niên 1950, ở bậc tiểu học cũng còn có kỳ thi bằng Sơ Học Yếu Lược ở cuối năm lớp Ba, rồi hết năm Lớp Nhất ( tức lớp Năm sau này) phải tốt nghiệp bằng Tiểu Học, và gay go hơn nữa là phải thi tuyển vào Lớp Đệ Thất (tức lớp Sáu), đậu mới được vào học trường Trung Học công lập ( nghĩa là không phải đóng học phí, mà nếu học xuất sắc lại còn được hưởng học bổng nữa!). Học hết năm Đệ Tứ ( tức lớp Chín), phải qua kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp mới được lên học ở ba năm đệ nhị cấp Trung Học. Cho nên khi lên học lớp Đệ Tam, tâm lý hầu hết đều ra vẻ mình là học sinh lớp lớn nhất trường rồi! Hơn nữa, các môn học phụ (Khi thi thì các môn phụ đều hệ số 1, và hầu hết không phải thi viết, chỉ vào Vấn Đáp thôi), học sinh các lớp đệ nhị cấp (tức Đệ Nhị,lớp 11, cuối năm thi bằng Tú Tài I và lớp Đệ Nhất, lớp12, cuối năm thi bằng Tú Tài II) thường vừa không coi trọng lại vừa chẳng chịu chú tâm học các môn phụ cho lắm; đến giờ các môn ấy trong tuần vẫn thường là thời gian học sinh bỏ học trốn đi chơi nhiều nhất.

Và phải nói rằng thời đại chúng tôi, trốn học thường ra chỉ như một hình thức nhằm thỏa mãn ý thích tự do của con trẻ là chính: Bỏ học trong lớp hầu hết chỉ vì đã bàn tính với nhau là dự trù đi xem ciné (movies) các rạp chiếu phim hay mà cũ như Lê Lợi hay Vĩnh Lợi, 2 đồng một vé, với một ly cối nước mía 1 đồng ( thoang thoảng thơm mùi vài giọt tắc, chanh hay cam)! Ngòai ra trốn học cũng chỉ  rủ nhau đạp xe vào lang thang trong Sở Thú hay vườn BờRô là cùng...

Tôi nhớ có lần anh Đỗ Quí Tòan thổ lộ đại khái là cũng có học một năm Đệ Tam do thầy Khoan dạy môn Sử. Rồi anh nhắc đến một kỷ niệm mà trên 60 năm rồi còn sót lại trong ký ức của anh:

Trong một buổi học, anh và một người bạn 'cúp cua', hai chàng đang lang thang chưa biết đi đâu chơi là thích nhất... bất chợt nhìn thấy thầy Khoan đứng vẩn vơ trên một vỉa hè. Trong bụng lo sợ vì chuyện trốn học đi chơi mà chẳng may bị thầy bắt gặp...,hai 'chàng' ban đầu khá bối rối, tiến thóai lưỡng nan, chưa biết phải phản ứng thế nào.. Thì đã bị thầy nhìn thấy hai cậu học trò của mình còn đang lớ ngớ, ông bèn vẫy gọi... Và cuối cùng hai chàng cũng gắng gượng líu ríu đến cúi đầu chào. Ngòai mặt thầy vẫn tỉnh bơ như không, ông móc thuốc lá ra hút và thuận miệng thổ lộ rằng đang đi đến đây thì chiếc VéloSolex của thầy bị dính đinh, xẹp bánh xe, phải ghé vào vá lốp mà lục trong túi thì không có đến một đồng bạc nào!...Kết cuộc là hai trò chung nhau cho thầy vay để thanh tóan...Và thế là bữa cúp cua ấy, hai chàng phải ..giải khát chung một ly nước mía, thanh thanh vì có pha thêm ít nước trái quất vừa chua chua vừa thơm thơm!


- “Con lạy thầy!”

Những năm học trung học thời chúng tôi, đa số tuổi trung bình từ 11 đến 18, cái hạn tuổi trổ mã của đời người, nghĩa là ở cái tuổi mà cơ thể lẫn trí tuệ phát triển mạnh nhất của một cá nhân, người ta thường gọi tắt là cái tuổi” nhổ giò”. Ở tuổi này thường có huynh hướng xung động, phá phách mà phần đông không hề có một chủ ý nào cả, nhưng rõ rệt là nghịch ngợm ra trò. Tục ngữ ta có câu “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong lớp thế nào cũng có vài ba anh học sinh phá nghịch nhất. Và đi dạy thì mỗi một thầy cô cũng đều có cách thức đối phó khác nhau, tùy theo tâm tính và kinh nghiệm: Thường thì quát mắng, hay bắt lên phòng giám thị để có thể bị phạt cuối tuần phải lên trường học bài dưới sự kiểm sóat của các thầy giám thị...Nhưng cũng có trường hợp là thầy giận dữ bỏ lớp ngang không dạy nữa; và cũng đặc biệt có những thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, bối rối đến độ đứng chết trân giữa lớp mà chẩy nước mắt!

Riêng thầy Vũ Khắc Khoan, tôi đã được chứng kiến, ông có một thái độ 'trị' học trò phá nghịch một cách khá độc đáo mà tôi chưa thấy thầy cô nào áp dụng trong thời tôi học trung học:

Buổi đó, trong hai giờ thầy Khoan dạy, thỉnh thỏang có vài 'cậu' lén nghịch như thường lệ, nhưng riêng một 'cậu' ngồi dẫy bàn giữa ở cuối lớp thì nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Thế mà thầy vẫn tỉnh bơ như không biết đến: Tướng thầy vốn to bề ngang, mái tóc bồng bềnh theo bước đi như cái bờm sư tử, đôi mắt thường đỏ của thầy hướng lên trần lớp và miệng thầy vẫn say sưa giảng... Đến khi trống báo hết giờ, cậu vua nghịch kia là người phóng nhanh nhất và định ra khỏi lớp đầu tiên, thì bị thầy Khoan đứng ngăn ngay ở cửa ra vào: 
- Này. Anh theo tôi!

Không hề ngờ là bị thầy chặn lại như vậy, cậu ta miệng ú ớ: 
- Thưa Thầy...con...
- Anh ra sân 'pạc co' [5] với tôi!

Ngớ mặt ra không hiểu gì cả, cậu ta chết trân!
- Hết giờ học rồi thì tôi với anh hòan tòan bình đẳng.  Chúng ta phải giải quyết vấn đề này với nhau một cách sòng phẳng. 
- Ơ...
- Nếu anh đấu thắng thì đến giờ tôi dạy, anh muốn nghịch gì cũng được.Còn nếu anh thua thì tôi chỉ yêu cầu, giờ tôi phụ trách, anh không được phá nữa, để tôi dạy và những anh em khác học. Đồng ý?
- Thưa thầy...con...
- Anh cởi áo ra!
- Con đâu dám!
- Anh nhất định phải đấu tay đôi với tôi lần này!
- Con lạy thầy...
- Đây có đầy đủ bạn cùng lớp anh chứng kiến, nhá...
- Dạ... Xin thầy tha cho con. Từ nay con không dám thế nữa!

- “Xin lỗi anh nhá”

Lớp tôi theo học, có một cậu từ Bắc di cư vào Nam, gia đình đông con nên nghèo đến độ nếu không học được trường công lập thì... xem ra phải thất học. Mấy năm dưới các lớp Đệ Nhất cấp, cậu ta chuyên môn đầu húi gần trọc là để lâu cả tháng mới phải cắt tóc một lần, đặc biệt nhất là áo cậu ta mặc đều là lọai vải dù của quân đội Liên Hiệp Pháp còn sót lại,vốn không được trắng mà ngả mầu vàng, nên bạn trong lớp đặt cho cậu ta cái hỗn danh“ Không Không Hòa Thượng”.Cái hỗn danh này kéo dài cho đến hết lớp Đệ Tam mới dần dần mất đi. Số là sau khi đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất cấp, cậu ta xin được chân kèm vài đứa trẻ ba buổi tối một tuần,  mỗi buổi hai tiếng, tháng được trả 200 đồng tiền VNCH hồi ấy. Lần đầu lĩnh lương tòan giấy 5 đồng, cậu ta đem về bầy kín lên chiếc bàn học rộng thước rưỡi- dài hai thước để mà... ngắm cho thỏa thích! Rồi cậu ta đi may hai bộ áo popeline trắng cụt tay- quần kaki Nam Định nhuộm xanh da trời, chỉ mất có một trăm rưởi đồng bạc!

Một hôm đang đạp xe đạp đi học, gặp trời mưa như xối xả, chưa kịp kiếm chỗ trú thì chiếc xe Peugeot 203  rẽ vào sát bên để anh bạn cùng lớp (hiện là con của một dân biểu Đệ Nhất Cộng Hòa ) vẫy chào một cái...chơi vậy thôi! Nhưng khi chiếc xe hơi băng ra giữa đường thì đã để hai vết bùn từ bánh xe văng lại suốt dọc trên mặt áo trắng trước ngực cậu học trò đạp xe đạp. Đến trường, cậu ta vội cởi áo ra giặt và phơi ngay ở khung cửa sổ lớp.

Trống đến giờ học.  Mới bước vào lớp,  thầy Khoan thấy ngay một anh học sinh ngang nhiên mặc áo lót. Tự nhiên nổi nóng, thầy quát:
- Anh kia! Ra khỏi lớp ngay!

Cậu học trò lúng túng, ngượng ngùng vì không ngờ bị thầy đuổi, líu ríu tuân theo...

Độ mười lăm phút sau, thầy Khoan mở cửa lớp ra:
-  Chết rồi! Có phải anh vừa giặt áo bẩn rồi treo ở cửa sổ kia không?

Đang chịu đứng lớ ngớ run trong cơn gió lạnh từ cơn mưa thổi tới, cậu học trò lập cập xác nhận:
- Dạ...
- Thế sao anh không nói rõ cho tôi biết?
- Dạ thưa...
- Vào đi, không ốm ra bây giờ!... Tôi xin lỗi anh nhá!


PHẠM QUỐC BẢO

Chú thích:
[1] “Mùng 5 tháng Chín năm 1956: Hội Nghị Thống Nhất Ngôn Ngữ khai mạc tại trụ sở bộ Giáo dục…”trích trang 201, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, tác giả Đoàn Thêm
[2]có thể xem thêm vào chi tiết ở truyện ngắn “ Racoto Féringa”, trong tuyển tập Hốt Một Thang , Việt Hưng xuất bản năm 2006.
[3] Xin xem chi tiết thêm về nhân vật Vũ Khắc Khoan trong các bài tiêu biểu khác, như:
[4] có thể xem thêm bài tôi Khóc Đinh Ngọc Mô(14-7-1982), trang 79, trong cuốn Thơ, Hai Mươi Năm, Việt Hưng xuất bản, 2002.
[5] “parcorps”: Đấu tay đôi.