Thursday, October 18, 2018

820. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Đất Hoàng Thổ



Làm thơ đã lâu, tháng năm tôi còn ngồi ghế nhà trường chưa xong bậc trung học. Tập thơ đầu của anh xuất bản vào năm 1972.

Quê nhà Tuy Hòa và “Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn” đã trỗi lên, mang anh phiêu bồng sang tới vùng Virginia xa khuất. Địa phận này tôi tự đặt tên riêng: Vùng đất kỷ niệm.

Ngày cũ nhỏ nhít, tôi đi không nhiều. Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn. Để lại sau lưng sáu (6) thành phố yêu kiều mệnh bạc ấy, nên giờ đây muốn ôn lại hình bóng cũ, hồi tưởng thời vàng son đã vuột mất thì có một nơi không đâu mang đủ lực đẩy cho bằng khu vực Virginia, chốn chập chùng cây xanh bóng mát có gia đình anh chị tôi đến định cư.

Thời làm học trò vụng dại ở Tuy Hòa, ở Đà Lạt, tôi chưa có duyên gặp anh, hai nơi mà anh nào khác gì là thổ địa. Đợi lớn lên, tuy còn vụng dại để bước vào con đường thơ văn anh từng dẫm chân, bấy giờ tôi mới được gặp, được bắt tay người mang tên Phạm Cao Hoàng ở Virginia một hôm trời buồn trời trở rét trời xám ngoét trời xúi lạnh lòng. Nếu có chút gì chợt dấy lên, gây nhiệt làm ấm thì e rằng đó là tôi kịp hay ra, trong muộn màng, Phạm Cao Hoàng là một nhà thơ.

Hiền lành, điềm đạm, ít nói, giọng trầm ấm, chữ viết đẹp, và lạ lùng thay trong các buổi quây quần cùng bè bạn sinh hoạt trong lãnh vực văn học khác vùng miền vừa hội tụ, tôi vẫn luôn an tâm ngồi kề bên một người có vóc vạc khá lớn con ấy. Tôi thực sự bất bình nếu có ai mượn cổ thi ra để bảo “gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng”. Ngồi với nhà thơ Phạm Cao Hoàng tôi nghiệm thấy ở gang tấc này sẽ mãi là một vai đâu vai, như Tuy Hòa vốn giao duyên cùng Đà Lạt mà nghìn trùng, nếu có, chỉ là khoảng cách do địa lý mang lại thôi. Montréal và Virginia với tôi muôn năm là gang tấc, bởi nếu xa xôi bạn chẳng tài nào đón nhận được những hơi ấm lây lan dồn qua, gửi sang.

Tôi ao ước được hóa thân làm hương mùi cà phê lẩn trốn trong thơ anh:

“Cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình”.

Có người từng nói (và tôi đặt lòng tin vào): Làm thơ chỉ để gửi cho đời chút hương!

Tuần rồi, qua bưu điện, tôi nhận được món quà bất ngờ, thi tập “ĐẤT còn thơm mãi mùi hương” của tác giả Phạm Cao Hoàng ký tặng, 112 trang chứa đựng 41 bài thơ viết sau 1975. Đặc biệt đây là lần in thứ ba, tháng 9, 2018 do Thư Ấn Quán đảm trách in trên giấy đặc biệt linen business paper được Thiên Kim trình bày đẹp mắt. Phụ bản gồm tranh của Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Trọng Khôi, Đinh Trường Chinh và những ảnh chụp phong cảnh của chính tác giả. Phụ lục gồm hai bài viết của Nguyễn Xuân Thiệp và Phạm Văn Nhàn.

Ở đoạn trên, tôi có e dè đưa ra chút lượng định sơ khởi về nhà thơ Phạm Cao Hoàng ở phút đầu gặp nhau: Điềm đạm, hiền lành, ít nói… Bây giờ tôi cực lòng hỏi bạn đúng, sai về một ý tưởng cổ xưa: “Văn là người”. Tôi từng ngờ vực tới thứ nhận định này bởi tôi không thích những áp đặt nhằm vơ đũa cả nắm, cũng tùy thuộc vào từng sự cá biệt của mỗi tác giả. Nhưng đã từng bắt chuyện cùng anh Phạm Cao Hoàng, được đọc thơ anh làm, những gì điềm đạm, từ tốn, hiền lành, thân cận, trao nỗi bình an cho người đối diện, tôi bắt gặp đã không có mấy sai biệt giữa con người và tác phẩm. Thi tập mang tên “ĐẤT còn thơm mãi mùi hương”, chữ ĐẤT in hoa, dùng co chữ to và điều này trao cho riêng tôi một cảm nhận: Thơ anh cũng như con người tác giả đều hiền hòa như một hòn đất. Nghĩ là dài dòng, chứ ban đầu tôi định dùng tựa đề là “ Đất cũng như người, đọng mãi mùi hương”.

Không riêng tôi, họa sĩ Đinh Cường lúc còn tại thế, vẫn luôn dành cảm tình đến nhà thơ bằng vào nhận xét:

“Nơi đây tôi gặp người bạn luôn đội mũ
Nét mặt đăm chiêu mà tốt vô cùng
Có lẽ cũng từ một miền quê êm đềm lắm
Nuôi con người luôn sống bao dung”. 

“Miền quê êm đềm lắm” nằm đầy, chất ngất trong thơ của Phạm Cao Hoàng, bởi trước tiên và sau cùng tác giả vốn nặng lòng với quê nhà, với ruộng vườn mà cha ông từng ươm trồng hoa lành quả ngọt. Tôi thích bài SCIBILIA, Ngày Cuối Thu quá lắm:

“Scibilia, ngày cuối thu
tôi đuổi theo những đám sương mù
và khi quay lại tôi nhìn thấy
một giọt sương buồn trong mắt em

giọt sương đọng suốt mười lăm năm
long lanh từ thuở xa quê mình
và em nói rằng em rất nhớ
những bước chân về – đêm cao nguyên

giọt sương đọng suốt mười lăm năm
từ khi mình bỏ núi xa rừng
và em nói rằng em rất nhớ
một chút mây trời Langbiang

giọt sương đọng suốt mười lăm năm
ừ, khóc đi em cho đỡ buồn
quê hương còn đó nhưng xa lắm
và biết ngày về kịp nữa không”.

Tôi ngồi yên để tập hít thở, để cho giọt sương thôi làm mờ nhãn quang. Tôi dụi mắt và tôi thử đọc bài Sau Chiến Tranh Trở Lại Tuy Hòa làm vào năm 1976 in ở trang 14 để thấy “nét đăm chiêu” của “người luôn sống bao dung”:

“khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào”.

Một nỗi buồn lặng không hơn không kém, bao dung là bởi vậy, lời thơ chỉ thế một tiếng thở dài, kỳ dư chẳng oán trách hoặc ẩn chứa sự hằn học nào cả. Lành hơn cả một hòn đất chịu cày xới tơi bời sau chiến tranh. Bi quan thường không mấy khi nẩy mầm trên cuộc đất ấy, đọc thơ Phạm Cao Hoàng là tìm về, mong ngóng bắt gặp nỗi bình an. Bình an ở khung cảnh anh nhẹ nhàng đưa ra, bình an luôn cả chữ dùng dung dị. Nói theo thuật ngữ của Leonardo da Vinci: “Đơn giản là thứ rất mực cầu kỳ”. Phạm Cao Hoang lại dụng tâm tránh xa cầu kỳ, anh thích đơn giản và bất ngờ đất đã làm thơm một nụ hoa chợt bung nở. Viết về tình yêu cũng thế, trong ngần chẳng cần phải cường điệu hóa trang như bao nhà thơ khác. Anh thích làm giòng suối chưa từng ô nhiễm hơn là một lao thân của sông hồ lắm phèn chua nước mặn, thử dọn lòng đọc đôi câu bình dị, chân thật một tỏ bày chẳng vẩn đục:

“mười năm và mười mùa đông
trong hơi thở có hương nồng em trao
có tình em rất ngọt ngào
trong veo như giọt sương đèo Prenn
nồng nàn như đêm Lâm Viên
như Đà Lạt với lời nguyền năm xưa”. 

Đà Lạt. Ôi chao một trời thương nhớ vừa xao động. Có phải tôi cảm thơ Phạm Cao Hoàng do bởi từng “đắp chung chăn” giữa một trời cao nguyên lắm huyễn mộng? Không, nhà thơ luôn sáng suốt đối mặt với sự thật, nếu có chăn thì bị lấy đi, buộc tỉnh thức:

“còn chăng là hai bàn tay
đã chai sạm với tháng ngày gian nan
còn chăng là mây lang thang
trên đồi gió hú bạt ngàn rừng thông
còn chăng là đêm mênh mông
người ngồi nhớ một dòng sông cạn rồi”.

Đây chỉ là trích đoạn của bài thơ mang tên Người Thi Sĩ Ấy Không Còn Làm Thơ viết ở Đà Lạt năm 1985 in ở hai trang 16 và 17 mà tôi cả gan bỏ mất đoạn giữa. Bạn đọc có yêu ĐẤT còn thơm mãi mùi hương, khi cầm tập thơ trên tay sẽ đọc đủ đầy tâm cảm của nhà thơ (tôi sử dụng nghệ thuật úp mở để chào hàng chăng?).

Tôi yêu bài Mây Trắng mà nhà thơ Phạm Cao Hoàng dành “tặng anh Trần Huiền Ân” in ở trang 29:

“ngày đi về phía mặt trời
tôi nghe tiếng gọi của người năm xưa
và nghe tiếng mẹ ầu ơ
bên dòng sông với đôi bờ quạnh hiu
xóm thôn một thuở tiêu điều
gian nan cùng với cuộc phiêu lãng này
ngày về trắng hai bàn tay
người về ôm lấy cụm mây trắng buồn
khói ngày xưa ấy còn vương
sương còn đọng lại bên dòng cổ thi
ngày về nhớ lúc ra đi
biển gào lên khúc biệt ly sao đành
vậy mà…
biền biệt bao năm”.

Thơ làm ở Virginia năm 2009 mà dòng in chữ nghiêng là Bài Hát Ngày Về, thơ của Trần Huiền Ân.

Hơi cổ điển, bạn có thấy vậy không? Tôi vẫn nghĩ, nếu bạn muốn thử nghiệm làm mới thi ca, ít nhất bạn sẽ gặp phải hai vấn nạn: Thứ nhất bạn mất đi sự thành thật có trong cảm xúc ban đầu, mặt khác bạn dẫn người đọc đến một quang cảnh khác lạ buộc người ta phải tìm cách thích nghi. Và tôi cho, do lẽ đó lời thơ bạn chuyển tải khó đậu lại, luyến lưu dài hơi trong tâm cảm người đọc. Cô lại trong ý tôi muốn nói, một bài thơ hay là bài thơ ấy như giọt mực khó phai đọng giữa lòng trang giấy trắng, giản đơn là thế, nôm na là thế, qua thời gian, giọt mực đó có mờ phai nhưng không thể biến mất được.

Tôi cũng mọc lên sự so sánh, rằng khi được đối mặt với hai giai nhân, tôi chan đầy cảm tình trước một dung nhan không son phấn hơn là một vẻ đẹp được bồi đắp qua nhiều mỹ phẩm. Một khuôn mặt mộc khiến tôi cảm động. Bạn có thể không đồng ý với mỹ quan thô thiển của tôi, đành vậy. Tôi yêu da thịt thuần khiết, nguyên trạng thay vì phải hôn lấy một giọt tinh dầu dẫu mắc tiền đã ngụy trang, xức lên cơ thể người bạn khác phái. Bạn lại nhăn mặt? Bạn nghĩ mùi đất nồng có thơm không? Hãy thử đọc lấy thơ của Phạm Cao Hoàng rồi hãy phê phán tôi sau, nhé.

Nhà thơ Phạm Cao Hoàng có mở trang văn học nghệ thuật nhằm chia sẻ, đăng tải các sáng tác của văn hữu trong đủ mọi thể loại kể cả hội họa và âm nhạc. Tôi theo dõi để phát hiện là anh làm thơ không nhiều. Nhìn lại suốt mấy mươi năm buồn vui cộng hưởng trên chặng đường dài, tác phẩm anh hiện diện với đời chỉ có:

Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn (Thơ, 1972)
Tạ Ơn Những Giọt Sương (Thơ, 1974)
Mây Khói Quê Nhà (Thơ tuyển, 2010)
Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt (Truyện, 2013)
Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương (Thơ, bản in đầu 2015)

Năm (5) đứa con tinh thần, như vậy là ít so với nhà thơ Luân Hoán và nhà thơ nhà văn Trần Hoài Thư. Sở dĩ tôi mang Phạm Cao Hoàng đối chiếu cùng nhị vị kia bởi lẽ vô tình, cả ba người đều có chung một điểm trùng lẫn đáng ngợi ca, ấy là họ rất mực thương quý người đi lặng lẽ bên cạnh cuộc đời thăng trầm, gánh vác và thông cảm những hệ luỵ mà nhà thơ thường gặp phải. Tôi đã diện kiến với cả ba (3) chị, họ đẹp mà chẳng cần nương nhờ tới phấn son, bội phần rạng người qua thơ người chồng biểu đạt, chẳng mỏi mệt. Một trích đoạn đơn cử:

“cùng em ra sân cào tuyết
biết là vất vả mà vui
và cứ hồn nhiên em nhé
cùng tôi đi giữa cuộc đời

thức dậy lúc ba giờ sáng
ngoài trời tuyết trắng như bông
tôi yêu những bông tuyết trắng
và yêu em – đoá hoa hồng”.

Nhảy qua bài khác, gặp phải:

“thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
….
thương em nắng dãi mưa dầu
đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
chia cùng tôi một chút tình
của ngàn năm trước và nghìn năm sau

về đâu chẳng biết về đâu
thôi thì về lại buổi đầu gặp em
dòng sông xưa ấy êm đềm
mùa thu năm ấy bên thềm lá bay
bàn tay nắm chặt bàn tay
dìu nhau qua những tháng ngày gian nan”.

Như vậy, cần phụ chú thêm, nổi bật trong thơ Phạm Cao Hoàng là hai chủ điểm: Yêu ruộng, vườn, đất, nước và yêu “Em”. Quyện lại, hòa nhập trong nỗi nhớ thương đằm thắm, thật thà. Cả hai đều son sắt, thủy chung.

Nhà thơ Phạm Cao Hoàng vốn ít nói, không nhiều tâm sự. Tôi lạm bàn dài dòng như trên e sợ làm trái ý anh. Tôi chỉ là một người đọc bình thường tới tầm thường, đứa ấy không giỏi chuyện bình thơ, chỉ biết ghi lại đơn sơ một vài cảm nhận trong nhất thời. Dù có thế nào đi chăng nữa, tôi xin được cảm ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng vừa trao gửi cho tôi ít đất đai thu giấu trong phong bì vàng, mở ra nghe dậy mùi thơm hoàng thổ. Hoàng thổ có thể là ám danh của ngày xưa Đà Lạt, hoàng thổ là đất vàng và hoàng thổ cũng nên hiểu là giọng thơ chân chất hiền lành của người mang tên Hoàng, Phạm Cao Hoàng. Tôi trân quý và tôi xin giới thiệu tới bạn đọc một thi phẩm hay vừa được in tới lần thứ ba.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Montréal, Oct. 17, 2018