Friday, November 30, 2018

875. PHẠM XUÂN ĐÀI : ĐỌC “DẶM TRƯỜNG”, truyện dài của Trần Doãn Nho



Trần Doãn Nho là cây bút sắc sảo viết về đời sống ở Việt Nam sau năm 1975. Cuộc sống và xã hội ấy có rất nhiều điều đáng nói, đáng viết, vì sau chiến thắng của phe cộng sản, cả miền Nam phải thay đổi hẳn theo một thể chế chính trị mới lạ. Chế độ toàn trị của một đảng, mọi con người, mọi sinh hoạt phải theo một cây gậy chỉ huy duy nhất, khác hẳn nếp sống cố hữu trước kia.

Nhưng đưa cả một xã hội loài người, nhất là một xã hội đã quen sống tự do và có ý thức về sự tự do ấy, vào một khuôn phép duy nhất quả là một chuyện không dễ. Dĩ nhiên phải sử dụng bạo lực khi muốn thực hiện một việc như thế, nhưng sự sống thực sự của con người - cũng như của muôn loài - vốn có một sức mạnh tiềm tàng mà người ta gọi là bản năng sống còn, lúc nào cũng ngọ nguậy, tìm đủ mọi khe hở để vươn ra mà sống, nên sự trấn áp phải thường trực và cùng khắp. Dặm Trường, 579 trang, là một cố gắng khá dài hơi để mô tả một trận chiến tranh thầm lặng, đơn giản là giữa đời sống và sức mạnh bóp nghẹt đời sống, được cụ thể hóa bằng số phận của một gia đình ở Huế sau 1975, trong đó người vợ vì sinh kế phải xông pha đi buôn bán để nuôi chồng, nuôi con.


Dĩ nhiên tất cả là một bi kịch lớn, chuyện của gia đình ấy, của người đàn bà ấy, hay là hình ảnh của cả xã hội miền Nam, miền Bắc trong bàn tay sắt của chế độ, tất cả là một bi kịch, nhưng có lẽ chúng ta không nên dán trước cho Dặm Trường một nhãn hiệu nào. Vì Dặm Trường phản ảnh đời sống thực, và sự sống thực nào cũng có cái nét sinh động của nó, dù bản chất của nó là bi thảm đi nữa. Từ trang đầu cho đến trang cuối toàn là các hoạt cảnh nối tiếp nhau, cuộc sống liên tục phơi bày ra đấy đủ mọi sắc màu thực của nó, tác giả không làm công việc tô thêm màu của mình cho nó tươi sáng hơn hay đen tối hơn.

Thời đầu thập niên 80, sáu, bảy năm sau chiến thắng, đảng cộng sản bắt đầu siết chặt đời sống của dân chúng vào khuôn phép một nền kinh tế chỉ huy, trong đó việc phân phối hàng hóa phải là độc quyền của nhà nước. Dân chúng thì theo quán tính, phải tự cân bằng đời sống. Đây là giai đoạn mà người ta mô tả là “cả nước đi buôn.” Cơ thể của một xã hội cũng như cơ thể của một con người, có sự tuần hoàn của nó. Nếu trong thân thể chúng ta sự tuần hoàn được song suốt một cách tự nhiên —mà chúng ta thường gọi là “máu huyết lưu thông”— thì cơ thể khỏe mạnh, ngược lại bị nghẽn thì lập tức sinh ra bệnh tật. Trong xã hội sự tuần hoàn ấy là sự luân chuyển hàng hóa để cung cấp cho nhu cầu của con người, một xã hội lành mạnh hàng hóa lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm theo đúng sự cần dùng của người dân, giống như máu đi nuôi châu thân. Nhưng một đặc điểm của chế độ cộng sản là phủ nhận sự lưu thông tự do một cách tự nhiên theo nhu cầu, mà nhà nước phải nắm tất cả đầu mối, theo họ, để tạo ra sự công bằng bằng cách cả nước theo một kế hoạch duy nhất về sản xuất và phân phối. Họ ra sức ngăn chặn các mạch máu lưu thông, họ cấm đoán việc phân phối hàng hóa tự phát của dân chúng. Nói khác đi, họ cấm đoán việc buôn bán, vì đó là công việc hưởng lợi mà không sản xuất, theo họ, không lành mạnh. Đội ngũ công an, thuế vụ của họ là công cụ cấm đoán, ngăn chặn việc buôn bán, đội ngũ người đi buôn là đại diện cho sức sống đích thực của một cơ thể, cố tìm mọi cách cho dòng máu của xã hội được luân lưu.

Hạnh, nhân vật chính trong truyện, là một tế bào máu chạy trong các động mạch của xã hội Việt Nam vào đầu thập niên 80. Nàng thuộc một gia đình trung lưu trước 1975 ở Huế, gồm hai vợ chồng, ba đứa con. Vợ chồng còn trẻ, con còn nhỏ. Câu chuyện bắt đầu khi người vợ bắt đầu những chuyến đi buôn đường dài để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Hạnh đi buôn vì nhu cầu sống của gia đình. Lúc đầu nàng không ý thức được rằng đi buôn đường dài trong điều kiện thời đại nàng đang sống có nghĩa là dấn thân vào một thế giới khác, nó sẽ biến nàng thành một người khác. Ít ra cũng khác hẳn với người đàn bà xứ Huế mà nàng đã là từ trước đến giờ: sống bình dị, hơi bảo thủ, yêu chồng, thương con, thân thiết với đám bạn bè quanh vùng cố đô ấy. Không giống như việc thương mại trong chế độ trước, đi buôn bây giờ là dấn thân vào một việc bất hợp pháp với trùng trùng điệp điệp những khó khăn trở ngại cũng như sẽ khám phá ra hằng trăm hàng nghìn cách để thoát ra. Con người phải giương mọi khả năng cảnh giác ra để đánh hơi, phải vận dụng sự khôn khéo, lắt léo, quỷ quyệt để luồn lách thoát hiểm, và như trường hợp của Hạnh, phải dùng cả những cái ưu thế đàn bà của mình khi cần thiết. Hạnh lao vào trò chơi hàng hóa và tiền bạc như một cơn mê, lúc nào cũng tưởng mình kiểm soát được mình, kỳ thực nàng bắt buộc phải thay đổi hàng ngày theo hoàn cảnh luôn đổi mới mà nàng không hề hay biết.

Chuyến buôn trầm đầu tiên vào Sài Gòn thành công đã đem lại một cái Tết đầy đủ phong lưu cho cả nhà mà những gia đình “ngụy” như gia đình nàng vào thời ấy khó lòng có được. Trầm là loại hàng quốc cấm, mang mấy ký từ Huế vào Sài Gòn trót lọt là có thể tạo nên cả một gia tài. Hạnh thành công vì đã may mắn gặp quới nhơn là một tay tài xế xe tải hàng từ Hà Nội vào, cứu vớt khi đã suýt mất hết, nhưng rồi cũng phải “trả ơn” bằng chính thân xác mình ngay trên chiếc xe ấy, mặc dù dưới hình thức như là bị cưỡng bách. Cái viễn tượng mất hết vốn liếng trong một chuyến đi buôn nó kinh hoàng quá, khiến cho phải trả giá bằng thứ gì cũng coi là nhẹ, nhất là những thứ “lễ nghĩa” còn rớt lại từ xã hội xa vời cũ.

Trần Doãn Nho không lý luận gì về sự biến đổi trong xã hội, ông không phải là một nhà xã hội học. Nhưng ông có khả năng quan sát rất lớn các chuyển biến nơi từng con người, từng cảnh huống của cái xã hội lạ lùng trong đó các giá trị cũ đang phân rã, và con người đang vong thân. Bất cứ nơi đâu, từ cơ quan chính quyền cho đến đường phố, cũng là cái tinh thần chợ búa chụp giựt. Bất cứ lúc nào con người cũng đang vận dụng một khả năng đặc biệt nào đó để ứng phó với bất trắc, và dĩ nhiên, đem mối lợi về cho mình. Lời một người bạn ở Sài Gòn nói với Hạnh có thể minh họa tính chất “bấp bênh phận người” của thời ấy:

Thời buổi này, cận đâu xâu đấy, gặp đâu làm liền đó. Bà xem, không có thời buổi nào mà mọi sự xoay đổi xoành xoạch như bây giờ. Mới vợ vợ chồng chồng đó, thoắt cái, bỏ nhau. Mới mạ con đó, thoắt cái, ở tù. Mới có mấy cây vàng đó, thoắt cái, mất hết trơn hết trọi. Có nghĩ, có lo cho lắm cũng chẳng thấu đâu, Hạnh à. Bà hiền quá, cứ ru rú với chồng con, lại ở ngoài cái xứ Huế cổ chẳng ra cổ kim không ra kim, nên chẳng hiểu chi sự đời.

Sự phân rã cũng bắt đầu từ trong gia đình. Chưa nói đến ảnh hưởng chính trị chung quanh, chỉ mỗi cái việc người vợ, người mẹ của gia đình phải rời nhà xông pha ra đời kiếm sống với tất cả cái bấp bênh may rủi của những chuyến đi dài ngày không thể định trước ngày về, nền tảng của mái ấm đã bắt đầu lung lay.

Lát sau, cả ba đứa đến vây quanh anh, mặt đứa nào cũng buồn thiu buồn thỉu. Anh ôm ba đứa con, hôn lên những đầu tóc khét nắng. Chúng còn nhỏ quá, rất cần hơi mẹ, cần bàn tay chăm sóc của người mẹ, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Là đàn ông, dù có giỏi giang đến đâu, so với bàn tay và tấm lòng của người mẹ, anh cũng không thể nào bằng. Chúng cần người để nép mình, để vòi vĩnh, để làm nũng.Nói cho cùng, tình cảm của người mẹ bao giờ cũng tỏa ra chung quanh, chan hòa với con cái. Tình cảm đàn ông lúc nào cũng thu nén vào bên trong. Sâu sắc thật, nhưng dửng dưng. Đôi khi lạnh lùng, vô cảm. Ngay chính anh, lớn là thế, cũng cần cái dịu dàng của đàn bà, huống gì con anh. Do sinh kế, Hạnh trở thành đàn ông mất rồi. Nàng vắng nhà thường xuyên.

Người đàn ông của thời “ngụy”, hầu như chẳng còn làm được việc gì ra hồn ngoài loại công việc chẻ củi xách nước, nhìn một cách bất lực sự bất lực của mình bên cạnh cái tháo vát, quyết đoán của vợ, sinh ra đủ thứ mặc cảm như những mạch nước ngầm rò rỉ bào mòn dần dần niềm tin yêu và cái tâm lý che chở bảo bọc của một đấng “trượng phu” trước kia. Người vợ cũng thế, càng bương chải khó khăn nơi dặm trường thì càng bản lĩnh trong cách nhìn đời và giải quyết công việc, không thể không dần dần nhận ra cái vô tích sự cộng thêm những mặc cảm vô lý nơi ông chồng. Những chuyển biến tâm lý ấy là tất nhiên và nạn nhân đầu tiên sẽ là những đứa con. Chúng nhớ mẹ, chúng hứng chịu những cơn nóng giận vô cớ không biết trút vào đâu của cha, và dần dần một cá tính mới thành hình nơi chúng, chúng phải trở nên chai lì bướng bỉnh để tự bảo vệ.

Qua thân phận một người và một gia đình, với vô số nhân vật phụ và tình huống xoay quanh, Trần Doãn Nho mô tả được một phần lớn đặc tính xã hội một thời. Trước hết là guồng máy nhà nước liên quan đến mậu dịch và thuế vụ, cách thu mua hàng, cách điều hành các trạm kiểm soát, những chiến dịch quy mô truy quét buôn lậu... Chi tiết về những chuyến đi buôn thì mới là thiên hình vạn trạng, có đủ ai, nộ, hỷ, ái, ố, là phản ảnh các mảng đời sống thực và cả những “quy luật” của cuộc sống quái lạ ấy mà phải là người lăn lộn trong ấy mới có thể lần mò tìm hiểu ra.

 - Hạnh đúng là ngây thơ. Sống giữa thời đại xã hội chủ nghĩa mà không hiểu gì về cơ chế xã hội chủ nghĩa, làm sao mà sống. Nhà nước có cách tính lời lỗ riêng, không giống như mình. Bọn mình buôn lời lỗ thường tính trên giá vàng, có đúng không nào? Còn nhà nước, họ chỉ dựa trên tiền mà thôi. Nếu đầu năm, họ bỏ vốn ra 10 triệu, đến cuối năm tổng kết, họ thu vào được 15 triệu, thế là họ lời 5 triệu, đúng không? Trong lúc đối với mình, đầu năm mình bán, anh giả sử như thế, 20 cây được 10 triệu, đến cuối năm mình thu vào được 15 triệu, nhưng vì vàng cao, mua lại chỉ được 15 cây vàng, vậy là mình lỗ, phải không? Em thấy sự khác nhau chưa? Đó là chưa kể cái chuyện người ta luôn luôn tìm cách làm cho nhà nước có lời, ít ra là trên giấy tờ. Người ta biến lỗ thành lời.Cha chung không ai khóc mà, đâu có hệ lụy gì ai.

- Anh có vẻ rành việc nhà nước quá nhỉ?

- Có gì lạ đâu Hạnh. Mình phải tìm hiểu để làm ăn Hạnh ạ. Biết cách nhà nước làm ăn, mình bám vào đó, dễ khá lắm. Bám được rồi,mình sẽ chẳng còn sợ công an, thuế vụ hay thằng cha căn chú kiết nào cả. Có khi, họ phải lo bảo vệ cho mình nữa. Buôn lậu mà vẫn hợp pháp. Cán bộ có ăn mình cũng có ăn. Nhà nước có thể lỗ. Nhưng nhà nước lỗ, em thấy không, nghĩa là không ai lỗ cả. Thành thử cái quan trọng là mình phải biết cách làm ăn thế nào, nghĩa là cách cùng chia chác với cán bộ. Em hiểu chưa?

Xã hội cộng sản là một xã hội khép kín và bưng bít. Bộ máy truyền thông nhà nước chỉ loan truyền những gì có lợi cho mục tiêu tuyên truyền, và giấu tiệt những gì cho là có hại. Tai nạn xe lửa rất lớn ở Xuân Lộc vào năm 1984 khiến hàng trăm người chết mà người dân trong nước chỉ biết được qua loan báo của đài BBC, Luân Đôn. May thay, tác giả Dặm Trường đã đem tai nạn ấy vào tác phẩm của mình để thêm một chứng cớ xác thực về các thực tế khổ ải của những người đi buôn chuyến. Hạnh cũng đi trong chuyến ấy, nhưng may thoát chết để biết được cái cảnh có người đi lên con tàu đổ để vơ vét tiền bạc nữ trang của người chết, biết được rằng việc cứu trợ tức thời chỉ là do dân chúng chung quanh vùng tự động làm chứ chính quyền thì bất động, và chính Hạnh khi rời một bệnh viện ở Sài Gòn đã bị bắt làm kiểm điểm vì đã trót kể sự thật mà mình đã trải qua cho những người chung quanh nghe.

... Bọn xấu lợi dụng dịp này để tung tin đồn làm hoang mang dư luận, phá hoại uy tín của Đảng và Nhà nước. (...) chúng tôi yêu cầu chị không nên gặp gỡ, kể chuyện linh tinh và nhất là có những lời lẽ phê phán vô trách nhiệm. Tốt nhất là chị không nên để cho người ta biết là chị vừa bị nạn để tránh sự tò mò của người khác.

Không một lời bình luận, Trần Doãn Nho qua mô tả tai nạn xe lửa này đã cho thấy rõ một điều: điều quan tâm hàng đầu - và có lẽ duy nhất - của một chính quyền cộng sản là giữ gìn quyền lực của họ, ngoài ra mọi việc khác chỉ là thứ yếu. Phúc lợi của dân chúng là một thứ ưu tiên quá xa, hầu như không bao giờ họ thực tâm nghĩ đến, ngay trong những hoạn nạn ghê gớm nhất. Giữa đống người chết trong tai nạn xe lửa do nhân viên chính quyền gây ra, điều họ lo đầu tiên là “uy tín của Đảng và Nhà nước” chứ không phải bất cứ một thứ gì khác.

Câu chuyện dài đi buôn chuyến của Hạnh không ngờ lại đi vào một kết cuộc quá bi thảm. Trong một chuyến buôn ra Bắc, nàng mất sạch vốn liếng trong một trận tổng càn quét, trong khi tại Huế, Lục, chồng nàng, vì hay giao du nhậu nhẹt với đám bạn bè cũ, lại bị bắt ra tòa vì “âm mưu chống chính quyền cách mạng,” bị kết án và tống vào trại cải tạo.

Chương cuối, cảnh Lục đi lao động tự giác ở trong rừng, gặp gỡ và làm tình với một người nữ tù mà sau đó mới khám phá ra đó là vợ của mình, là một chương mang không khí siêu thực. Sự việc diễn ra như một tượng trưng, một cô kết thoát khỏi mọi thực tế tàn nhẫn của cả một bi kịch dài, khi thân thể một người nam và một người nữ quấn lấy nhau giữa chốn rừng sâu. Ngay đối thoại của họ sau đó cũng như những lời vang vọng từ đâu đó của hoang dã.

Thế giới bỗng mở ra toang hoác, tan nát. Cả hai người bay từ cõi tiền sử về trần gian khốn khổ. (...) Lục đẩy nhẹ Hạnh ra,hỏi:

- Vào tù khi nào?
- à... mấy năm rồi nhỉ... em không nhớ...
- Sao lại ở tù?
- chắc... là tại vì... vượt biên...
- Ở đâu?
- không nhớ... in thử như là... quảng ninh
- Sao lại về đây?
- họ... họ... chuyển về... ai mà biết
- Có án không?
- có... à mà... mấy năm... quên mất rồi
- Vì sao?
- buôn bán tem phiếu... bị truy nã... cướp tàu vượt biên...
rồi...
- Con đâu?
- không biết...

Trại cải tạo khóa lại mọi chuyện. Từ đó trở về trước là ngọ nguậy để sống. Từ đó trở về sau là tù tội. Tất cả đều tan nát. Và chấm dứt truyện.

Với tư cách một người trong cuộc, tác giả đã mô tả lại xã hội miền Nam sau 1975, đặc biệt những cách kiếm sống phát sinh do hoàn cảnh mới. Điều này không lạ đối với những ai đã đọc Trần Doãn Nho trước đây, những bài đăng trên Thế Kỷ 21 và các tạp chí văn học khác, nói về những chuyến đi buôn dây thép gai, những người đi tìm trầm, về hệ thống buôn bán vé số... bài nào cũng cho thấy tác giả là người hiểu biết rất tường tận vô số cách “làm ăn” tại Việt Nam sau năm 1975. Với Dặm Trường, mọi chuyện được đặt trong một lớp lang dài hơi, cho phép tác giả đi sâu hơn và rộng hơn vào những số phận cụ thể, mà chỉ dưới dạng truyện dài mới lột tả hết cái hãi hùng lẫn cái bi đát của một thời. Chúng ta sẽ được tiếp xúc với rất nhiều hiểu biết của một người có tham dự vào cuộc chơi với vô số cái được lẫn cái mất, nhưng cuối cùng cái được lớn nhất vẫn là những gì ông ghi nhận được từ cuộc sống ấy với một ý thức rất cao và chuyển giao lại cho mọi người bây giờ và mai sau, dưới dạng văn học.

Dặm Trường là một kinh nghiệm. Đó là giai đoạn Việt Nam “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” sau 1975. Thời đó đã qua, như chủ nghĩa cộng sản rồi cũng bị xóa sạch trên thế giới, như tất cả mọi thứ đi ngược với con người từ trước tới nay đều phải cáo chung. Nhưng dấu vết vẫn còn lại. Dặm Trường đóng góp thêm một lưu giữ, cho riêng Việt Nam, cho riêng miền Nam Việt Nam, về những năm tháng kinh hoàng ấy.

PHẠM XUÂN ĐÀI
Viết và đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 tháng 10 năm 2001.
Đọc lại và chỉnh đốn tháng 9-2017.