(đọc là một lặng
lẽ tỏa đầy hơi)
Chữ chỉ là một ký hiệu, giống như bao ký hiệu khác bên ngoài. Mũi
tên thì chỉ đường đi, đèn đỏ thì xe ngừng lại, trái tim thì chỉ tình
yêu…Mỗi một chữ tự nó không có nghĩa gì hết. Nó ám chỉ một cái gì khác hơn
chính nó. Nhưng khi chúng kết hợp với nhau bằng một cách nào đó, thì tính cách
ký hiệu của chúng dường như thay đổi. Hành vi đọc, không còn là đọc những
ký hiệu, mà là đắm mình vào trong một thế giới khác cái thế giới mà ta đang
hiện diện. Nhìn một bức tranh, ta còn thấy những chi tiết của nó: màu đỏ, màu
xanh, màu đen, đường cong, đường tròn, chỗ đậm, chỗ lạt. Đọc – thì cũng là nhìn
-, nhưng dường như ta chẳng hề thấy chữ “a”, chữ “b”, chữ “ư”, chữ “ơ”, hay chữ
“chàng”, chữ “em”, hay câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ xấu, mà thấy từng
chuỗi chữ kết nối nhau. Mà dường như ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe,
ta cảm, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi
gọi là hơi văn, hơi thơ. Nói chung là hơi chữ. Với tôi, đọc là một lặng lẽ tỏa
đầy hơi!
Hơi thơ thường dễ nhận biết. Có lẽ nhờ có vần có điệu. Trong những
bài thơ cách tân, vần điệu không còn đóng vai trò chính, và cấu trúc thơ khác
đi. Cấu trúc khác, hơi thơ cũng khác.
Ở đây, chỉ xin nói chuyện văn.
1.
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không
có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của
buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở
trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi
không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt
rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ
tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi
đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung
quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi
đi học.
(…)Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên
tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngoài rất cẩn thận
rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngôì bên
tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ
chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin
là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt
rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy
chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.(Thanh Tịnh/Tôi đi học)[1]
Đoạn văn mở đầu và đoạn kết của Tôi đi học mà ai hầu như ai
cùng thế hệ tôi cũng còn nhớ này, sở dĩ nó tồn tại lâu dài trong ta, dĩ nhiên,
là do nó nhắc nhở một thứ kinh nghiệm đầu đời đầy xúc cảm. Cũng có thể là do
nhịp điệu, có thể là do các chữ dùng dung dị và cụ thể, có thể là do hình ảnh
mà nó gợi nên. Thì sao cũng được. Nhưng theo tôi, còn do cái hơi văn mềm mại,
vuốt ve rất riêng của nó. Khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình nhìn thấy những
sợi khói toát ra từ chữ nhẹ bay mông lung trong một ngày vắng gió.
Tất nhiên, không phải hơi văn nào cũng mềm mại, vuốt ve. Hơi văn
khác từ tác giả này đến tác giả khác. Đôi khi cùng một tác giả, mà mỗi bài, mỗi
truyện hay thậm chí mỗi đoạn lại có một hơi khác nhau. Cũng có bài, ta không
thấy có hơi. Trong lúc đó, có một số tác giả, văn của họ tỏa ra một hơi hướm
riêng biệt vì có cách hành văn khác thường, độc sáng. Có khi, cách viết
làm cho ta say mê đến nỗi quên cả cốt truyện và nhân vật. Hơi văn, hơi chữ có
thể không quyết định chuyện hay, dở của một tác phẩm nhưng nhất định nó đóng
góp phần riêng của nó vào đó.
2.
Năm bẩy mươi tuổi, cha tôi về hưu với hàm thiếu tướng.
(…)Cha tôi về nhà, đồ đạc đơn sơ. Cha tôi khỏe. Ông bảo:
"Việc lớn trong đời cha làm xong rồi!” Tôi bảo: "Vâng". Cha tôi
cười. Tâm trạng xúc động lây sang cả nhà, mọi người chuếnh choáng đến nửa tháng
trời, sinh hoạt tùy tiện, có hôm mười hai giờ đêm mới ăn cơm chiều. Khách khứa
đến chơi nườm nượp. Vợ tôi bảo: "Không để thế được". Tôi cho mổ lợn,
đi mời họ hàng làng nước đến để chia vui. Làng tôi tuy gần thành phố nhưng mà
tập tục nông thôn còn giữ. Đúng một tháng sau, tôi mới có dịp ngoài với cha tôi
bàn chuyện gia đình.
Trên đây là trích đoạn mở đầu của truyện ngắn Tướng về hưu của
Nguyễn Huy Thiệp. Cách viết có nét khác lạ. Ngắn, gọn, tưng tửng. Đọc tiếp một
đoạn khác:
Hôm thứ bẩy, mẹ tôi bỗng ngoài dậy được. Đi lững thững một mình ra
vườn. Ăn được cơm. Tôi bảo: "Mừng rồi". Vợ tôi không nói năng gì,
chiều hôm ấy thấy mang về chục mét vải trắng, lại gọi cả thợ mộc. Tôi hỏi:
"Chuẩn bị à?" Vợ tôi bảo: "Không". Hai hôm sau, mẹ tôi nằm
liệt, lại bỏ ăn, lại đi ngoài như cũ. Người dốc nhanh, thải ra thứ nước nâu sền
sệt rất khắm. Tôi đổ sâm. Vợ tôi bảo: “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ". Tôi òa
khóc. Rất lâu tôi mới òa khóc như thế. Vợ tôi nín lặng, rồi lại bảo: "Tùy
anh”. Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cứ xoay ngang, xoay dọc trên giường
như thế này là gay go lắm đấy!” Lại hỏi:”Chị ơi, chị có nhận ra em không?.” Mẹ
tôi bảo: " Có". Lại hỏi: "Thế em là ai?" Mẹ tôi bảo:
"Là người". Ông Bổng khóc oà lên: "Thế là chị thương em nhất. Cả
làng cả họ gọi em là đồ chó . Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ
khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người". Lần đầu tiên, cái Ông chú đánh xe
bị, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa thành đứa trẻ ngay
trước mắt tôi.
(Nguyễn HuyThiệp/Tướng về hưu)
Những con chữ nghe khô khô. Các diễn tả đều tiết giảm đến
mức tối đa. Câu kéo trúc trắc y như thiêu thiếu cái gì. Cụt. Lỏi chỏi. Đã
thế, lại “tôi bảo”, “tôi nói”, “mẹ tôi bảo”, “mẹ tôi nói”. Hết “nói” lại đến
“bảo”, hết “bảo” lại đến “nói”, khiến cho mạch văn cứ như gãy, bể, co cụm lại.
Ở một nhà văn khác, tả cái cảnh mẹ đau ốm sắp chết như thế có thể kéo dài
ra ít nhất là một trang hay hơn. Đọc tiếp:
Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo:
Cha muốn nói chuyện với con". Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi:
“Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn".
Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng
ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho
chó , cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng
gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé
xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê:
"Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này.” Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên
nhà. Vợ tôi đi vào nói với Ông Cơ: "Sao không cho vào máy xát? Sao để Ông
biết?!' Ông Cơ bảo: Cháu quên, cháu xin lỗi mợ".[1]
Không có “chuyện”, chỉ thấy “sự”, hết trang này đến trang khác. Mà
“sự” cũng bị tướt bỏ hết cả râu ria, cành nhánh. Câu, chữ quánh, nén, tạo ra một
thế giới đơn giản, rất ít lời, lại nhiều việc. Hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay
không kém gì mùi ớt (hiểm).
Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một cách sắp xếp chữ khác lạ. Bản thân
cấu trúc góp phần tăng thêm độ đậm cho ý nghĩa. Chẳng lạ gì, Ông đã thổi một luồng
gió mới vào văn chương Việt Nam trong nước, và cả ngoài nước.
3.
Tay thày nhỡ sao được. Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn
chân tôi, không quên một ly; tay ấy chẳng bao giờ chạm cái nốt ruồi, lần nào
cũng quây gọn nó rồi lại thả nó, như vừa đánh vây vừa nhử; tay ấy nhổ tóc tôi
tí tách, mỗi bụi tóc đủ hai mươi chín chiếc vừa bằng tuổi tôi; tay ấy kéo tai
tôi ròn tan, bảy mươi tám chỗ kêu trên người tôi chẳng lầm chỗ nào; tay ấy mỗi
lần trườn ngang nách tôi đều dừng tuyệt khéo sát chân triền ngực. Mắt người mù
là ở ta. Tay ấy mười con mắt. Bây giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa
trên bụng tôi, tỏa xuống ngang hông, chập chờn, thăm dò . Rồi quả quyết chườm
quanh rốn. Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành xuống
bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương sườn.
Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực. Chồng tôi thấy
chúng khít e vướng, nên khẽ nhĩn hai chỏm, rẽ ra cho rộng chỗ. Rồi tôi chẳng
biết tay ai là tay ai nữa. (Phạm Thị Hồi/Ám thị)[1]
Đề tài của Phạm Thị Hoài rất mới: một ông chồng học nghề tẩm quất
bằng cách để cho ông thầy mù dùng thân thể vợ mình làm chỗ chỉ dẫn và thực tập.
Nếu Nguyễn Huy Thiệp đơn giản hóa đến cùng các chi tiết, các sự kiện, thì Phạm
Thị Hoài, ngược lại, đi đến cùng các chi tiết. Và cũng khác với Nguyễn Huy
Thiệp tập trung phần lớn vào đối thoại, thì Phạm Thị Hoài tập trung vào diễn
tả. Truyện chẳng có “biến cố” nào ngoài tâm cảm của người đàn bà nghe ngóng
chuyển động của “tay ấy” trên thân thể mình. Riêng hai chữ “tay ấy” thôi cũng
đã nói lên nhiều điều. Tác giả săm soi từng chi tiết chuyển động của
“tay ấy”. “Tay ấy” thông minh, rành rọt mọi ngóc ngách trên thân thể
nhạy cảm của thân xác phụ nữ. Nó “vê”, nó “vuốt mu” , nó “quây gọn”, nó “nhổ …tí
tách”, nó “trườn ngang”, nó “lùa trên”, nó “chườn quanh”, nó “lội qua ngực”, nó
“miết dọc”, nó “lách giữa”…Chừng như nó nắm rất vững mọi cảm giác của nhân vật
vợ. Những chi tiết gợi hình được diễn tả bằng những câu văn gọn gàng, chuẩn.
Chữ dùng chọn lọc, đầy dụng công. Tác giả nỗ lực lột tả những cảm giác hết sức
tinh tế và đặc thù của người phụ nữ trong một tình huống cũng hết sức đặc thù.
Ta có cảm giác như những con chữ xoắn xít, chen chúc, dồn đẩy nhau. Hơi chữ tốt
lên vẻ trông ngóng tinh nghịch và …erotic! Trong lúc truyện dường như chẳng
erotic chút nào cả. Chỉ là ám thị!
Tám giờ thày không tới. Chín giờ cũng không tới. Bóng tối
căng thẳng. Chồng tôi im lìm. Nhà tôi hôm nay không dọn, bàn ghế lại kê rất
trắc trở, vấp là ngã vào đám chai lọ bày sẵn trên sàn. Tôi nằm bồn chồn như
thuở nhỏ rình ma trong đêm. Lần này tôi sẽ không ngủ quên. Tháng mười một trời
còn lâu mới sáng. Chín mù rởm kệ chín, cốt ở người thứ mười mù chân chính. Sao
chồng tôi ưa tin ở thiểu số sáng suốt bỗng nản lòng sớm thế vì số đông? Đêm còn
dài lắm và tôi còn đủ kiên nhẫn tin vào một cặp mắt xứng đáng tàn tật. Cầu cho
thày mù. Mù trong sáng, tinh tường, kiêu hãnh. Mù mà dễ cho thày và đỡ phiền ai
thì hãy mù hết lòng. Mù toét. Mù đặc. Mù hẳn. Mù vô vọng. Mù như khoét mắt bỏ
đi. Mù cho chồng tôi ghi ơn tri kỉ. Mù làm khách quý trong nhà tôi mãi mãi. Mù
từ hôm nay cũng chưa muộn. Tôi sẽ dẫn tay thày đến những chỗ cần tới. Tôi thuộc
lắm đường đi lối lại. Tôi chờ chiều chuộng đã chín nẫu. Sao thày không ung dung
bước qua bóng tối đến đây như bao ngày cho tôi rơi vào lòng?
Ròng rã bao nhiêu chờ đợi, tôi không đếm nổi. Không đếm
những cú đấm cú véo và chà đạp, những vết bầm tím, máu me, sưng húp, rách nát,
mỗi lần chồng tôi nọc vợ ra tẩm quất. Khi không chỗ nào trên cái bị thịt méo mó
là tôi còn lành lặn, anh chẳng đụng tới nữa. Rồi cũng bỏ đi, không nhắn lại lời
nào, như thày tẩm quất.
4.
Khí hậu trong nhạc tình Từ Công Phụng, theo cảm nhận của
tôi, là cái khí hậu ẩm đục những cơn mưa. Đầm đìa những lệ mặn, chát đắng những
quá khứ. La đà những cây, trái thất lạc tương lai. Đồng thời, người nghe cũng
có thể cảm được những tay ôm, vỗ về của biển. Những chân đi chập chùng của gió.
Những rét mướt của rừng. Những bơ vơ của núi. Những ngơ ngác phố cũ. Những rữa
nát thềm xưa. Những cỏ cây. Chim muông. Hình bóng. Kỷ niệm... Tất cả, dường đã
cùng thức dậy, đứng lên, buồn bã, chông chênh bước vào tâm hồn người thưởng
ngoạn. Vì trong rất nhiều tình khúc của Phụng, hạnh phúc đã tựa như lời nói
dối; nếu hiểu, tình yêu, vốn là điều không thật! Nói tới tình ca, tôi nhớ, tình
cờ đọc được ở đâu đó, trước Tháng Tư, 1975, một câu của nhạc sĩ Phạm Duy, in
trang trọng nơi trang đầu một tuyển tập nhạc tình của ông. Đại ý ông tỏ dấu
tiếc đã không dành hết quãng đời viết nhạc của mình, cho sự ngợi ca tình yêu.
Tôi thú vị lắm, phải nói thế, khi đọc lời tâm sự buồn bã nhưng rất thực của
người viết nhạc lớp trước. Tình yêu, cách nào khác, tôi nghĩ, chính là khuôn
mặt chập lại, sáng lên cùng lúc: Sự sống và lẽ chết.(Du Tử Lê, Từ Công
Phụng, Hạnh phúc tựa những lời nói dối)[1]
Đó là trích đoạn một bài viết của Du Tử Lê viết về nhạc Từ Công
Phụng. Bài viết là tiểu luận, nhưng hơi hướm tùy bút và thơ. Du Tử Lê ở
đây không đưa một chi tiết cụ thể nào, mà lan man đi từ hình ảnh ẩn dụ này
đến ẩn dụ khác. Mưa thì “ẩm đục”, lệ thì “mặn” và “đầm đìa”, quá khứ thì
“chát đắng” ông đổi cách sử dụng chữ: biến hình dung từ thành danh từ, đảo
ngữ, đảo cú. Câu tuy ngắn, nhưng nhịp chữ đều đặn, cân đối khiến hơi chữ
chừng như kéo dài, nghe lướt thướt.
Đoạn sau đây lại càng du-tử-lê hơn:
Trong lúc chờ T.Q.C. chúng tôi cùng hút thuốc. Tôi nói
với X.T. về niềm hạnh phúc, mỗi ngày được sống, thêm. Thấy cây, cỏ, hớn hở.
Thấy nắng, gió, khoan thai. Thấy thiên nhiên, căng bầu vú, cho vạn vật bú, mớn.
Thấy bằng hữu mất, còn, cũ, mới, vẫn lênh đênh xao xuyến tìm nhau.
Ông cắt câu, tách chữ, tạo thêm nhiều nhịp chỏi bất ngờ. Hơi chữ
bỗng nghe lạ lẫm hẳn. Thấm thía hơn, có lẽ.
5.
Sự lập lại chữ, nhiều lần cùng một chữ ( “những”, “thấy”) của Du
Tử Lê, gợi cho tôi văn phong của một nhà văn khác, Mai Thảo:
Tôi muốn bảo Luân, tôi muốn bảo Luân: Anh xót thương em những đêm
dài trong núi, dưới mái nhà sàn cơ quan, trên những con đường hầm hố vết
thương, những xóm làng hủy phá, trên những thềm nhà cỏ hoang phủ kín, trên
những vì tường đổ gục, trên những thân cây chặt đứt, qua những chân cầu đổ
nghiêng, trong hầm trú ẩn máy bay. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em đêm giã
từ Hà-nội ra đi nhìn về Hà-hội cái rừng lửa cháy, buổi chiều đứng trên con đê
Hồng Hà, buổi trưa về thăm lại Hưng Yên, buổi ra đi bãi ấy còn xanh biếc ngô
non, buổi về chỉ thấy mênh mông phù sa kín nhoà bãi cũ. Tôi muốn bảo Luân, anh
xót thương em trên những đầu ngón chân anh đi, cái hình ảnh xót thương lăn theo
sỏi đá dọc đường, nằm trên từng cột cây số từng nền lũy tre xanh, chảy theo mặt
nước lúc xuống đò qua sông, khuân theo lòng đường lúc xuống đò lên bộ, từng
buổi sớm xuống suối rửa mặt, cái hình ảnh xót thương trong veo trên nền sỏi
trắng, từng buổi chiều không biết đi đâu, cái hình ảnh xót thương bát ngát đầy
chiều.
Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những
vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn
mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã
mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt
vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh
lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim
như một tấm hình kỷ niệm. (Mai Thảo, Luân)[1]
Chữ níu chữ, câu kéo câu, xô đẩy, chồng chất, đuổi rượt nhau. Xen
giữa là “những”, “cái”, “khi”, “lúc”, “từng”…
Văn phong của Du Tử Lê và Mai Thảo có nét chung là cầu kỳ, trau
chuốt. Cái khác nhau là trong lúc Du Tử Lê tiết chế, chọn lọc thì Mai Thảo
phóng túng. Những con chữ óng chuốt, mượt mà được Mai Thảo thả rong trên trang
giấy. Chúng uốn, lượn, vươn lên, quành xuống như một vũ điệu. Vũ điệu chữ. Đọc
Mai Thảo, tôi tưởng như chữ đẩy mình trôi, trôi mãi trôi hoài, không biết
sẽ đến đâu. Có lúc tưởng như từng hơi từng hơi phả vào mặt, choáng váng, ngây
ngất!
6.
Con đường dốc dài đầy cát và cỏ nom như một dòng sông cạn. Bên kia
đường trên một mái công sở có bức tường cao, một chùm hoa còi hụ nhận tầm ánh
sáng cuối cùng của mấy cột đèn rải rác hắt lên. Cao hơn là bầu trời tối với cảm
giác gió trên đó thật hung dữ. Mường toan rủ Ngữ về làng ăn cưới đứa em nhưng
lại thôi. Những khó chịu, nếu có, nên giữ lấy riêng mình. Ngữ dừng lại trước
một tiệm tối đen gõ cửa hỏi có còn nem nướng. Không có tiếng trả lời, hai người
rẻ vào một hẻm tối, ra lộ. Đường phố vắng. Rạp chớp bóng duy nhất của thị xã đã
vãn. Từ đầu đại lộ, người đi coi về đi xuống từng đám hầu hết là lính và vợ
con. Khu phố có những quán ăn cho lính ngoại quốc còn ồn. Hai người vào một cái
quán quen đã hạ cửa nửa chừng che gió. Bọn Nại, Hồng, Ngạc, Kỉnh…đã ngoài ở đó
như mọi khi. Nại ra dấu kêu Mường lại cùng ngoài. Ngữ kêu hai tô cháo lòng và
cà phê sữa. Mọi người cười nói ồn ào. Một bản twist mở muộn dành cho đám trẻ
nhỏ khom gối, lắc mông trên những đống giấy vụn lau bát đũa. Người đàn ông tản
cư cuồng trí quen cả thành phố trong tấm mền rách ngoài hiên thỉnh thoảng lại
cất giọng ngâm mấy câu thơ nghe đã nhàm tai. Tối nay, Nại có vẻ ít nói. Hắn
ngoài nhìn các bạn và cười góp. Tấm áo len cũ trùng, cổ rộng tới ngực nom lụng
thụng. Đôi mắt dài của hắn lẩn khuất” (Y Uyên/Gió
cuối năm)[1]
Văn của Y Uyên đơn giản, yên tĩnh, chậm rãi, từ tốn. Nó như một
cái máy quay phim của một người đi tìm tài liệu. Không có chi tiết nào hơn chi
tiết nào. Nó ghi nhận mọi thứ, không cuống cuồng vội vã, không ép uổng,
chọn lọc. Cứ thế. Truyện của Y Uyên viết về những vùng đất sôi bỏng chiến
tranh. Bản thân anh là một người cầm súng ngoài chiến trường (trước 1975).
Nhưng ta ít khi thấy bóng dáng của chiến tranh. Chỉ thấy những nét phác thảo
đơn giản, hiện thực về cuộc sống của những con người bình thường, rất đỗi bình
thường đang bám lấy đất mà sống, mà tồn tại.
Những cây phượng cao hơn tầm tay trụi hết lá, cành cong đầy mắt,
trông những cái đuôi khô nhô đốt xương. Bụi tre xác xơ vàng óng cuối dãy trường
vật vờ phần ngọn loáng thoáng ánh nắng.Thằng học trò trưởng lớp vẫn co ro trước
cửa văn phòng hiệu trưởng đợi Ngưỡng. Đầu nó chùm hụp một cái mũ nhà binh đã
cũ. Ngưỡng không hiểu nó thiếu khôn ngoan hơn mình hay bạo dạn hơn. Ngưỡng
không bao giờ vứt một cái vỏ quân tiếp vụ ở trường như trước kia vẫn vứt những
vỏ ruby. Chắc thằng bé lại muốn xin thôi học. Buổi nào Ngưỡng cũng vỗ về chúng
như một thông lệ cầu nguyện “các em cứ gắng đi học, cuối năm thầy cho đậu hết”
nhưng sổ điểm danh ngày nào cũng chạy dọc một cột dấu chữ thập. Có đứa vừa ra
khỏi lớp học vừa mếu máo, lẩn quẩn bên cửa sổ nhìn vào cả buổi, có đứa Ngưỡng
nghe tin bị bắt lên núi cả tháng trời mới thấy người nhà đến xin lại hồ sơ, có
đứa nghỉ hôm trước, hôm sau gửi cho thầy một lá thư đầy lỗi chính tả hẹn ngày
“giải phóng" cho thầy. (Y Uyên/Những ngày cuối
năm trên miền núi)[1]
Y Uyên là một nghịch đảo của Mai Thảo. Đọc Mai Thảo ta cảm thấy
các trạng thái tình cảm dồn dập, nối tiếp nhau. Đọc Y Uyên, nghe văn có chút gì
nhàn nhạt, đơn điệu, tạo nên hiệu ứng về một thế giới hiu hắt, trống vắng. Mai
Thảo nhô người ra phía trước, thay sự vật nói, nói hết, nói đến cạn lời. Y Uyên
thì đứng khuất đằng sau, từ tốn ghi nhận. Hơi chữ anh không rạo rực, bức
xúc, không nôn nao, uất nghẹn. Ngược lại, điềm tĩnh như chính những sự vật nằm
đó. Không lý giải. Giống như người ta đem hết đồ đạc ra ngoài, bày biện ra đó
và để tự chúng … bày tỏ chính mình.
7.
Tôi đã chờ nó đến khi mùa mưa đổ xuống cánh đồng Chia Cắt
(tôi tạm gọi vậy) một trời sao. Chờ chơi vậy, chứ tôi biết Điền chẳng quay về.
Tôi nhớ nó (và nhớ chị) không thôi. Những lần dọn cơm tôi hay lấy chén đũa cho
cả bốn người. Cha tôi rất khó chịu, Ông ngán ngẩm đứng dậy. Tôi ngồi một mình,
chan nước vào chén cơm như chan nỗi trống trải khủng khiếp. Đi qua những xóm
kinh chộn rộn ánh đèn, tôi thường ngóng lên bờ mong có thể gặp được thằng Điền
và chị. Không biết em tôi có đuổi kịp chị, hay vẫn tiếp tục kiếm tìm. Không
biết nó đã đánh thức được bản năng, đã tìm thấy nhục cảm, đã biết thèm muốn
chưa. Không biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vạ vật ở
đâu đó, bên vách buồng (hay một tấm ghi-đô bằng vải), đau vật đau vã nghe hoan
lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét. Không biết nước mắt của nó đã khô
chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi.
Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng - loại (và tôi là đồng -
loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe
được tiếng tim mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi),
và nhớ một người che chở (công việc này, đáng lẽ là của cha, má tôi). Tôi biết
ơn Điền, từ một gói băng trắng mà Điền mang về hôm tôi mười bốn tuổi, bảo thứ
này dùng khi có kinh nguyệt, nó sẽ ngăn không vấy máu ra quần. Điền đi hỏi ai
đó, nó nói, máu không cầm được cho đến khi nào tự nó ngưng chảy. Điền xót xa
khi thấy tôi trổ mã con gái, "Đẹp làm chi dữ vậy, Hai ? Ở cái xó quê này,
có đẹp mai mốt cũng phải lấy chồng, đẻ một bầy con nheo nhó c, cũng ra ruộng ra
vườn làm lụng đến hết đời, xẹp lép như xác ve. Đẹp, mắc công giữ...". Điền
dặn tôi đừng xoắn quần quá cao, đừng mặc áo quá rộng cổ... Với bọn đám thanh
niên lúc nào cũng kiếm cớ lãng vảng, Điền giang tay bọc lấy tôi, nó giễu cợt,
"Anh kia, lượm con mắt lên, anh nhìn vậy, chị tôi mòn còn gì". Đám
người cụt ngòi, tẻn tị dạt ra. Ngay cả khi Điền bỏ đi cùng chị, nó cũng để lại
cho tôi một món quà lớn. (Nguyễn Ngọc Tư/Cánh
đồng bất tận)[1]
Cánh đồng bất tận, một bất ngờ của văn học
Việt Nam thời gian gần đây, viết về cuộc sống long đong bất tận của
những người không đất đứng. Nhân vật nào cũng bị đẩy đến tận cùng của sự chịu
đựng. Mà vẫn tiếp tục chịu đựng. Vẫn bám chặt vào bất hạnh, đôi khi như một cái
phao, để tồn tại. Những con chữ của Nguyễn Ngọc Tư đơn giản, bình dị, chơn
chất, đầy tính cách sông nước miền Nam. Câu, chữ viết ra tưởng như không
cần một cố gắng nào. Những diễn tả về cái nghèo, cái thiếu, cái khổ, cái
thèm, cái buồn, kể cả các quan hệ thân xác kiểu này kiểu nọ (rải rác trong
truyện)…đều có tính cách tự nhiên như nhiên, không bí hiểm, không lên gân,
không chải chuốt, không bi thảm hóa. Bằng một nhịp văn chậm rãi, từ tốn, những
con chữ Nguyễn Ngọc Tư bóc dần từng lớp, từng lớp mỏng hiện thực, để đi đến tận
cùng mỗi số phận, mỗi cá tính, mỗi đớn đau, mỗi khao khát. Đọc đoạn nào cũng
nghe hơi chữ xao xác, ngậm ngùi.
Nhiều lúc tôi hơi nhớ con - người. Họ ở trong cái x m nhỏ kia, chỉ
cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia,
nơi chúng tôi vẫn thường ghé lại mua gạo, cám, mắm muối… dự trữ cho những
chuyến chạy đồng xa. Và họ ở gần ngay đây, họ vừa gặt lúa vừa nói chuyện tục
tĩu rồi cười vang bên bầy vịt đang rúc rích tìm thức ăn, nhưng tôi vẫn nhớ...
Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ, với chúng tôi. Họ có
nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì
không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co
rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao.
(…) Cũng theo lối này, vài hôm sau, Ông trưởng ấp dẫn theo
một cán bộ xã xồng xộc đến chỗ chúng tôi.
Tôi vừa sợ, vừa biết ơn những người như thế này. Họ làm cho chúng
tôi cảm thấy bớt hoang dã, làm chúng tôi hiểu rằng, ngay cả trên những cánh
đồng hoang liêu nhất thì chúng tôi vẫn bị ràng buộc bằng hàng vạn luật lệ.
Nhưng đồng thời họ luôn mang tai họa đến.
8.
Một bên tôi là Đức Giáo Chủ và bên kia là bóng ma của Mary. Chúng
tôi ba người mà chỉ có hai chiếc bóng. Bóng hai chúng tôi đôi lúc nhập vào nhau
lúc giữa trưa, khó tách biệt như lời thề và bội phản. Nhưng sự phản bội không
đến đột ngột như tôi sợ. Nó đến từ từ, mỗi ngày nó tiến lại gần hơn. Sự phản
bội biết cách ngụy trang, nó đến như một chiếc hôn bí nhiệm yêu dấu nhất.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên tảng đá phẳng nằm khuất dưới
những vòm cây góc vườn. Nơi đây Giêsu đã khóc và cầu nguyện trong cơn thống
khổ. Chúng tôi gọi nó là tảng đá hấp hối. Ánh nắng
trưa Gethsemane nhuộm màu xanh lợt của lá ô-liu, màu đen dịu của chùm
trái chín, hoà thành một màu vàng ngọt óng của mật ong. Ánh sáng thiên thần đổ
xuống mái tóc bạch kim của Giáo Chủ lấp lánh như tơ, rủ xuống vầng trán khắc
khoải của Ngài. Bằng một giọng cực kỳ trìu mến, ngài âu yếm gọi tên tôi rồi khẽ
bảo:
“Lại đây nào.”
Hơi thở ngài gấp rút.
Tôi đến gần, quỳ xuống, úp mặt vào vạt áo ngài. Một hồi lâu,
úp mặt xuống nhưng tôi vẫn thấy màu nắng sáng lóa đàng sau, ánh nắng ràn rụa
khắp thế gian và chảy khắp người tôi nóng ran. Tôi biết đây là lần cuối. Một
cơn gió mát thoảng qua, rất nhẹ mà làm lay chuyển những cây cổ thụ ngàn năm.
Những thân cây đã từng chứng kiến cảnh tượng rợn người, bây giờ chúng lên cơn
giận dữ, nhấc khỏi mặt đất, đòi tự trốc gốc rễ mình. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa
lớp áo chùng. Tôi chăm chỉ hơn và tận tình hơn bao giờ, tôi hiểu ý ngài, và
phục vụ ngài với tất cả nỗi tận tụy của một tên nô lệ. Ngài cũng đang yếu đuối.
Bàn tay ngài uể oải lùa nhẹ vào tóc tôi, mơn man da đầu tôi. Giây phút này
chúng tôi sẽ nhớ mãi, dù không ghi vào sách, cũng không ghi vào đời. Nó chỉ tồn
tại giữa hai chúng tôi. Nó là gạch nối. Nó như lời thề. Những cơn co giật của
Giáo Chủ cũng dữ dội như những cây cổ thụ ngoài sân. Người tôi cũng nóng hực
run rẩy. Tôi nhớ Mary, nhớ những lần chúng tôi vụng trộm, tôi khao khát nàng
với nỗi khát ngang hàng sự chết. Giáo chủ lần tay vào áo tôi, ngài rà sốt thân
thể tôi, nhưng điều ngài tìm kiếm không còn thuộc về tôi nữa. Nó đã bị âm hộ
Mary giam giữ. Bàn tay Giáo chủ đè nặng, uy quyền ngài bấu nghiến bả vai tôi.
Tôi cứng người, cảm nhận lưỡi kiếm mỏng tang, hơi lạnh sắc mỏng tang, sự vô
hình mỏng tang đang lướt dọc theo gáy. Ngài chỉ cần buông tay... (Đặng Thơ Thơ/
Đi tìm bản thánh kinh cuối)[1]
Đi tìm bản thánh kinh cuối được viết bằng một kỹ thuật khá mới mẻ,
vừa về cấu trúc, lẫn ý nghĩa và cách sử dụng con chữ. Tôi gọi là một “tân
truyện”. Chất liệu không dựa trên một hiện thực nào. Tất cả khung cảnh
nhuốm mùi hồng hoang, thần thoại. Vận dụng tính đa dạng của con chữ, Đặng Thơ
Thơ đã tạo dựng nên một thế giới lai: khái niệm tan vào thơ, ám ảnh trộn cùng
suy tưởng. Đặng Thơ Thơ ẩn dụ hóa mọi thứ: tôn giáo, hiện thực, lịch sử, người,
vật, dục tính. Cái tưởng là thực, không thực đã đành; cái tưởng là hư, cũng
chẳng là hư. “Bóng hai chúng tôi nhập vào nhau… như lời thề và bội
phản”, “Những thân cây …nhấc khỏi mặt đất, địi tự trốc gốc rễ mình”; “hơi lạnh
sắc mỏng tang, sự vô hình mỏng tang”. Đọc mà như lênh đênh bơi trên bờ
ảo. Ảo của vật, ảo của ý. Ảo của ảo. Tất cả đều loáng thoáng, mơ hồ, chợt có
chợt không. Gợi nên cái mỏng tang của không gian, của thời gian, và của cả…chân
lý!
Cũng có khi tôi đi tất cả mọi nơi cùng lúc và sống mọi cách sống
cùng lúc trong cái đầu hỗn loạn của tôi. Nhiều người cũng làm như vậy và thế
giới trở nên chằng chịt những con đường cho đến khi những con đường tràn vào
nhau và biến trái đất thành nhẵn thín như không có đường (như khi chúng ta dùng
bút chì tô đậm một hình tròn). Tôi đi lang thang trên các nẻo đường, chờ đón
thanh gươm vô hình của Giáo chủ đang bay đi tìm tôi. Thanh gươm ấy ở khắp nơi.
Nó có mắt. Nó đã làm thế gian này điên đảo. Nhưng khi nó tìm thấy tôi, nó sẽ
dừng lại, nó sẽ ghim vào đầu tôi và ở đó mãi mãi. Tôi sẽ sống để mà chờ nó.
Giáo chủ có nghĩa là g/i/á/o/c/h/ủ. Thanh gươm nghĩa là t/h/a/n/
h/g/ư/ơ/m. Vân vân. Còn “t/ ô /i”? Là ai?
Hơi chữ nghe có vẻ chắc. Nhưng xem ra đầy nghi hoặc!
9.
Nhà cô Thiền Pha nằm trên một con đường phố trung tâm Hồ
Chí Minh City. Tôi nhấn mạnh HCM city. Mới lắm chuyện huyền ảo.
(…) Đêm nay trời đẹp. Trăng sáng rỡ. Thiền Pha ngoài trên
lầu nhìn xuống quãng phố rộng. Phía cuối đường một toà cao ốc đèn từng ô nổi
trôi trong khoảng trăng mông mênh. Cô mơ mộng.
Trong mơ, một cơn lốc xoáy, thành tiếng gầm rú. Một tiếng ầm khô
khốc ngay dưới đường. Rồi một thân cây bốc lên cao. Thân cây đập xuống mặt
đường quay lông lốc.
Mùi xăng từ thùng xăng bị vỡ làm cô tỉnh lại. Đúng là cảnh sát,
người bao quanh, xe cộ đông vầy.
Một chiếc xe gắn máy gãy làm đôi. Hai xác người đẫm máu văng ra
hai nơi rất xa nhau. Cây trụ điện gãy bể một mảng. Người ta không thể không
rùng mình vì sao hai cậu trai trẻ mà máu nhiều trên mặt đường đến vậy.
Rất khuya, trời đổ cơn mưa lớn. Lớn nhất từ đầu mùa. Thiền Pha
không sao ngủ được. Cô cứ thấy cái đầu máu me dập sọ não lẫn lộn trong chăn. Sờ
đâu cơ tuồng như chạm phải thịt vụn bầy nhầy.
Gần về sáng, nhìn từ ban công, đại lộ sau cơn mưa cuồng, đã biến
ra một con sông ngập vàng ánh trăng.
Có một hồi trống và tiếng kinh mõ vẳng lại từ ngôi chùa Phật gần nhà.
Con sông trăng về sáng vắng lặng. Sông không trôi. Như mặt hồ chỗ
thiên thai. Phía xa kia có một người dắt và một người đẩy một chiếc xe hai bánh
chết máy, lội qua. Một chiếc thuyền lạ lẫm. Trong một thành phố tưởng như thân
quen. Một thành phố sạch trơn. Như ai nấy chết trọi rồi.
Bọn chúng, là bọn trụ điện lẻ loi, bọn thừa ra, bọn lỗi thời vẫn
đứng giữa dòng chảy. Cái bóng nó nghiêng. Nó gầy lắm.
Thiền Pha buồn nghĩ:
“Làm sao hai chàng trai trẻ có thể treo linh hồn mình nơi một thân
cây không lá chẳng cành như vậy nhỉ”
(Cung Tích Biền/Chỗ treo linh hồn)[1]
Truyện của Cung Tích Biền mang dấu ấn nặng nề của hiện thực. Đọc
Ông, ta tìm thấy ngay những mảnh cuộc sống đâu đó, rất gần gũi, rất chân xác,
ai cũng có thể tự mình nhận ra. Có điều, hiện thực đó thường được che chắn bởi
một lớp sương mỏng, khiến nó bỗng trở nên lung linh, hư ảo. Truyện của Ông đứng
dạng chân giữa hai bờ hư/thực. Ông điều động con chữ nhuần nhuyễn và thông
minh. Rất dụng công mà lại tưởng chừng như không hề sử dụng nội lực. Khéo biến
chúng thành những hình ảnh chờn vờn, lập lờ, đa nghĩa. Thoắt bên này, thoắt bên
kia. Tưởng như đang nghe chuyện thực, bỗng hơi văn đột ngột lung linh, chập
chờn đưa ta vào cơn mơ. Có lúc, tưởng đang mơ, thì những con chữ nhảy chồm ra
ngoài đụng vào người, va vào vật, trở nên hiện thực một cách bất ngờ.
Có lẽ cũng nên đọc thêm một đoạn văn khác của Cung Tích
Biền:
Đêm hôm ấy, Lùng không ngủ được, trăng mười sáu sáng loà
trời đất, mây sao bàng bạc, bao nhiêu kỷ niệm cha con họ hàng tưởng như chai lỳ
nay vỡ ra lênh láng. Nỗi thương cảm vô hình rực rỡ như đám lân tinh xa vắng nơi
rừng tre trúc. Thế là cha tôi đã qua đời, người đã vào cõi vĩnh hằng, đã thực
sự bất tử. Lùng thức với một nỗi niềm riêng, chân bước chậm rãi trên khoảng sân
nhỏ trước nhà, sau tới ngoài trên chiếc ghế xích đu, mắt nhìn lung ra phố
khuya, tâm cảm trôi giạt giữa một vùng màu sắc kỳ bí khó giải thích. Anh nghe
đâu đó hình hài thoáng hiện, bước chân ai đó động hờ rồi tan biến, nụ cười vỡ
vụn không âm sắc, rồi một tia sáng rỡ của sao băng ngắn ngủi trong bầu trời lụa
bạch. Một vở kịch đã biết nửa chừng hồi kết thúc, một đau thương được chờ đợi
từ lâu, một cái gì trờ tới như điều hiển nhiên, hiếm hoi và muộn màng, thế
nhưng Lùng vẫn man man niềm đau nhức. Cha tôi – con người cường tráng hiền hoà,
lòng dạ một nông dân đậm chất người, một cây sồi tiêu biểu cho những cây sồi cổ
tích nhất – cái tưởng như thiên thu ấy nay không còn. Nói khác đi, Ông phải
chết để hoà mình với thiên thu.(Cung Tích Biền/Dị mộng)[1]
Chữ, trong Cung Tích Biền, phải chăng là hồn ma bóng quế
giữa cuộc đời vô cùng nghịch đảo?
10.
Tôi đã đi như thế trong bao nhiêu buổi sáng của đời mình,
không biết bao nhiêu lần, không nhớ rõ rệt những chỗ mình đã đi, ở thành phố
nào xa lắc xa lơ. Trong mấy chục năm làm người đã bao lần rời đổi, mỗi nơi một
cảnh vật, những dòng sông, những dẫy núi, những ngôi nhà, những hàng rào, những
hàng cây cao, những bụi hoa thấp, tất cả khác nhau và chắc chắn đời sống khác
nhau. Nhưng hình như cái cảm giác đi trong buổi sáng tinh mơ lại rất giống
nhau. Có một cái gì tinh khôi, trong trẻo, lạ lẫm và quyến rũ của đầu ngày. Như
khuôn mặt vừa thức dậy, còn lơ mơ giữa tỉnh thức, môi chưa chạm son, tóc chưa
chạm lược, như một khúc lụa chưa cắt thành áo, cứ giũ tung ra rồi lại cuộn vào,
như một mối tình chưa đi đến hôn nhân, cứ ửng đỏ dần dần.
(…) Những hàng cây hai bên không còn là những mảng mầu tối
của một bức tranh, chúng bắt đầu khoe những đường gân lá, như một thanh niên
mới lớn nhìn xuống cánh tay mình. Những bụi hoa nhỏ như những đứa bé vừa ngủ dậy,
chúng mở từng cánh, như những con mắt trẻ thơ sau một giấc ngủ ngon. Những cánh
cửa cũng lần lượt theo nhau mở ra. Trẻ con, người lớn mỗi người đem một mảnh
đời ra khỏi ngôi nhà thả vào con đường trước mặt. Bao nhiêu hy vọng trải dưới
ánh mặt trời, tiếng cười, tiếng khóc cùng theo nhau vỡ oà. Trái tim chưa biết
yêu, đẩy cánh cửa bước ra, đi tìm tình yêu trong vũng ánh sáng đầu ngày lấp
lánh. Ngày bắt đầu rất nồng nàn như cô thiếu nữ vội tô son, chải tóc, mang khúc
lụa thời gian ra may cắt, sợ buổi chiều sẽ ập đến xóa mất tuổi xuân. (Trần Mộng Tú/Tinh sương)[1]
Văn của Trần Mộng Tú phất phơ, nhẹ nhàng - kể cả khi chi nói
về nỗi đau, về bất hạnh, về tuyệt vọng. Những con chữ của chị bao giờ cũng mềm
mại, uyển chuyển và mở, dẫn đến những hình ảnh hồn nhiên, linh hoạt của cuộc
sống. Chị có những ví von tinh tế, đậm nét hồn nhiên, tươi tắn, đôi khi đượm
chút trẻ thơ. Những ‘bụi hoa nhỏ” buổi sáng được ví với những “đôi mắt trẻ thơ”
mở ra sau giấc ngủ ngon; người ta mở cửa đi ra ngoài được hình dung là đem “mảnh
đời “ mình “thả vào” con đường trước mặt. Đọc chị, thấy chữ có khi nhảy
nhót, reo vui, nghịch ngợm. Có khi mang mang thế sự. Có khi sâu lắng. Nhưng hơi
văn luôn đầm ấm, thân tình, tràn trề tình yêu và tình người. Nhiều trang chữ
của chị nghe trong, thơm, và ngọt. Có khi ngọt lịm!
Erik nằm thở từng hơi rất nhẹ, rất nhẹ! Âm thanh êm
ái đó dắt anh vào vườn hoa, những câu hát thân quen này Tuệ Quân vẫn hay hát
cho anh nghe trong những khi hai người ngoài dưới ánh trăng, tiếng hát khe khẽ
của Tuệ Quân thường làm rung cả ánh trăng đang chẩy trên mặt trên vai hai
người. Erik nuốt vào thanh quản của mình những câu hát như những cánh hoa trăng
đó, anh thả nó trôi bồng bềnh trong lồng ngực của mình, lồng ngực sũng nước của
anh như một chiếc hồ nhỏ đang nhận từng cánh hoa trăng nhẹ nhàng rắc xuống.
(Trần Mộng Tú/Tuệ Quân)[1]
11.
Cuối cùng, xin đọc vài đoạn trong một bài thơ lạ:
Mồng bốn Tết năm 2002 tôi trở lại Đà lạt
sau 15 năm. Tôi không thấy Đà lạt nữa
tôi thấy một con bửa củi lật ngửa những cái chân
thông xơ xác chóa lên trời ngọ nguậy.
Tôi quầy quả lên đồi Cù nhưng nó đã thành một cái vú
cho thương gia Đài Loan trèo lên bóp mỗi ngày.
(…) Đà lạt bây giờ phát phì kiểu một người ăn tạp
Các con đường giãn giây thun, nhà xây
theo bản nháp. Xe gắn máy ăn cắp yên tĩnh ban mai
ngày đầy bọn đàn ông thô bạo đến từ xứ sở
đói nghèo trấn lột thân thể xốp thiếu nữ,
trấn lột ngôn ngữ dịu dàng, trấn lột đất.
Thế giới đầy những con tốt bị xua qua sông bởi khẩu hiệu và
súng.
Tôi uống nước đóng chai tôi trú trong khách sạn tên
Global Trek kề dinh Bảo Đại. Qua cửa sổ mờ sương tôi thấy người
đàn bà gánh hai chiếc thúng.
Tôi không biết bà gánh gì nhưng
tôi biết sức nặng cuộc đời không ra khỏi được thung lũng.
(Phan Nhiên Hạo/Đà Lạt: 1989-2002)[1]
Đây là một bài thơ xuôi với một cấu trúc chữ hoàn toàn mới.
Không có vần đã đành, mà cách sử dụng chữ cũng khác lạ. Những con chữ chắc,
khỏe, cụ thể, trực tiếp. Nhiều nhịp chỏi. Cách mô tả sự vật cực kỳ hình tượng.
Hiện thực là ẩn dụ. Mà ẩn dụ cũng chính là hiện thực. Bài thơ cho ta hình ảnh
của một Đà Lạt mới đầy “bể dâu”, một Đà Lạt đã bị vặt hết l Ông hết cánh, chỉ
còn trơ ra một thành phố trần truồng, vô hồn và tuyệt vọng. Vẫn là Đà Lạt nhưng
không là Đà Lạt. Hơi thơ nặng nề, bức bối. Và bỗng trầm xuống bất ngờ ở cuối:
Tôi không biết bà gánh gì nhưng/Tôi biết sức nặng cuộc
đời không ra khỏi thung lũng!!!
Nghe cay cay như khói chữ xông tràn vào mắt.
Đã tạm dài. Đành ngưng nơi đây. Thế giới văn chương mênh
mông, người viết tiếc là không thể đưa thêm nhiều trích đoạn nữa!
Cũng là những con chữ đó - những ký hiệu vô tội vạ - ai cũng có
thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý mình (miễn làm sao cho chúng có
nghĩa), ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến
những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau. Nhiều cách sắp xếp mới
mẻ, bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh. Và
bỗng nhiên chạm đến một cái gì tinh khôi, tươi mới y như chưa từng biết đến bao
giờ.
Văn chương, lạ thật!
(10/2009)
Ghi chú:
Bài viết này đã
được đưa lên trang mạng của đài VOA, blog Nguyễn Xuân Hoàng và bằng hữu:
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-10-voa31.cfm. Khi đưa lại lên Da Màu, tác giả có thêm một số trích đoạn và nhuận sắc đôi chỗ.
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-10-voa31.cfm. Khi đưa lại lên Da Màu, tác giả có thêm một số trích đoạn và nhuận sắc đôi chỗ.