Wednesday, January 9, 2019

939. PHẠM QUỐC BẢO Vui vầy thế sự



“Kìa xem mọi thứ đều thay đổi
Còn lại nhân gian một chút tình”

Hôm nọ, sẵn dịp sọan từ 8 tủ sách trong nhà để lựa ra một số dự định sẽ tặng lại cho thư viện của Viện Việt Học hay thư viện của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM our pride), tôi tình cờ nhìn thấy cuốn CHỚP BIỂN, Thơ Bùi Giáng, gia đình ông đã in vào năm 1996 để kỷ niệm 70 năm sinh của tác giả này và do anh Bùi Vịnh tặng cho tôi. Ngay ở trang mở đầu đã đề:

“Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm”

Hai câu thơ này của Bùi Giáng chợt khiến tôi liên tưởng nhớ ra quãng đời mà ông đưa vợ con vào sống ở vùng núi đồi hẻo lánh Trung Phước (Quảng Nam), rồi vợ con của ông mất tại đấy và ông đã bỏ về xuôi[1] … Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng một nỗi bi thiết bung ra lan tràn và trùm lấp không gian, khiến tôi cảm thấy khó thở, tôi tần ngần bỏ tập thơ xuống, không còn muốn đọc tiếp nữa ...

Nhưng cũng ngay sau đó, lẩn thẩn thế nào tôi lại tình cờ thấy tập thơ HÁN TỰ HÀI CÚ[2] được xếp sẵn cạnh đấy trong tủ sách. Mở ra, tôi mới từ từ nhớ lại rằng tập thơ này có một quá trình thực hiện khá là ly kỳ: Ban đầu Hán Tự Hài Cú do ba nhân vật viết chung là Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn và Ngô Văn Tao, được xuất bản vào năm 1994. Sau đấy bốn năm, Bùi Giáng mất (1926 – 7.10.1998); và rồi Trịnh Công Sơn cũng rời khỏi cõi đời (28. 2. 1939 - 1.4. 2001), còn Ngô Văn Tao côi cút một mình ở lại, ông liền cho in lại lần nữa cuốn này vào giữa năm 2001, để “duy trì một nguồn thơ và tiếc thương tình bạn”, Ngô Văn Tao viết vậy.

Tôi có được cuốn này là do ông Ngô Văn Tao tặng, đề mùng 6 tháng 1 năm 2004. Hồi ấy, cách đây trên 14 năm, tôi không đồng ý lắm ở cái tựa đề Hán Tự Hài Cú [3]. Tuy nhiên khi đọc vào sâu thì tâm tư tôi lại miên man cảm nhận đến từng suy tư lẫn tư tưởng của ba tác giả này. Tự nhiên tôi thấy xúc động ở cái mối thâm tình mà ba người bạn này đã thể hiện qua thơ văn trao đổi qua lại giữa họ. Rồi sẵn hứng, tôi đã liền viết ra một số câu thơ chêm vào đấy. Bởi lúc ấy tôi nghĩ, đây là một cách thế nhằm chia xẻ mấy lời lẽ chung vui cùng những nhân vật mà tôi đã từng được quen biết, dù mỗi cá nhân một cách thế sống khác hẳn nhau nhưng đã cùng trải qua một thời gian gặp gỡ nhau tại Miền Nam Việt Nam trước Bẩy Lăm …

Bằng hữu hiện diện trong đời sống.

Cuốn Hán Tự Hài Cú này độc đáo ở chỗ là một tập thơ chung của ba người, khiến tâm tình tôi bung mở ra một không khí sống động vốn đã từng bao trùm rất nhiều những dấu chỉ về tình bằng hữu trong thơ văn và đời sống của lịch sử con người. Tôi chỉ xin liệt kê ra đây bốn dấu mốc đáng kể mà tôi còn nhớ được:

Đầu tiên là Khổng Tử ( 551- 478 trước Tây Lịch) có nói: “Học hỏi mà thường xuyên thực tập trong đời sống hằng ngày, há chẳng vui thích trong lòng sao? Bạn hữu từ phương xa đến chơi, há chẳng vui vầy hào hứng lắm sao?..” [4]

Cái thâm tình bằng hữu ấy khi chuyển sang đến nhân vật Lý Bạch (701-762) thì quả là đã trở thành một trong vài tố chất cấu tạo thành con người của nhà thơ độc đáo này: Từ bài Nguyệt Hạ Độc Chước( Dưới trăng chuốc rượu một mình), ông nhân cách hóa vầng trăng thành bạn mình, tới giai thọai đang say rượu ông nhìn thấy ánh trăng lung linh trên mặt nước mà tưởng rằng đấy là người bằng xương bằng thịt nên ông nhẩy xuống ôm lấy vầng trăng, khiến phải chết chìm... Tuy nhiên đến bài Ức Đông Sơn, Lý Bạch mô tả rằng Đông Sơn là quê nhà của nhà thơ, ông đã rời nơi ấy lên kinh đô trên đường lăn lộn tiến thân, kiếm tìm danh lợi, ông đã trôi nổi giữa chốn phồn hoa, vui vầy với không biết bao nhiêu bạn hữu đủ mọi hạng ngừơi, để rồi đến một hôm bắt đầu hả cơn mê đắm lợi danh, ông chợt nhớ về miền quê cũ kia mà man mác tự vấn lòng mình, chua xót nhớ đến cảnh cũ người xưa mà tự hỏi về cội hoa tường vi, vầng mây trắng lẫn mảnh trăng sáng thuở ấy bây giờ có còn như ngày trước hay chăng:

“ Bất hướng Đông Sơn cửu
   Từơng vi kỷ độ hoa
   Bạch vân hòan tự tán
   Minh nguyệt lạc thùy gia?”

“ Lâu rồi chẳng lại Đông Sơn
Tường vi nọ mấy lần đơm hoa rồi?
Mây trắng vẫn tạn mạn trôi?
Và vầng trăng tỏ rụng rơi nhà nào?”

Sang đến Việt Nam ta, riềng mối bằng hữu với văn chương cũng thâm thúy như vậy, nhưng ít đi cách thức phải nhân cách hóa thiên nhiên-vũ trụ-vạn vật mà đậm chất nhân bản, thâm tình của người với người hơn.Có thể nói rằng tình bằng hữu trong văn chương Việt Nam đặc sắc ở chỗ giao tình thâm trọng trong đời sống hơn bất cứ một văn thơ của dân tộc nào khác.

Chẳng thế mà một Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (19.05.1889 – 07.06.1939), chỉ riêng  nhà thơ này thôi là đã thể hiện khá độc đáo đối với bằng hữu của ông: Từ các giai thọai như ông quí bạn đến độ “ngông”, ông đã ngang nhiên trồng luôn cây húng ngay bên cạnh bàn nhậu cho tiện bè bạn dùng làm gia vị để cùng ăn uống vui vầy với nhau! Rồi theo ông tuyển chọn, 4 điều kiện ăn ngon thì bạn hữu cùng ngồi ăn với nhau là điều thứ nhì, chỉ sau điều kiện chính là thức ăn ngon mà thôi!...Đến ngay trong những tác phẩm nổi danh, ông đã có hẳn một bài “ Thư gửi người tình không quen biết”[5], mở đầu bằng bốn câu theo thể thơ 7 chữ (thất ngôn):

“Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi
Viết bức thư này gửi đến ai
Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ
Ai tri âm đó? nhận mà coi …”

Theo trí nhớ của cá nhân tôi thì trong lịch sử văn chương của thế giới chưa chắc đã có được bao nhiêu tác giả viết ra mấy bài thơ có nội dung như vậy!

Xa hơn nữa trong văn học sử Việt Nam, Nguyễn Du( 03.01.1765 - 16.09. 1820) kia, nổi danh bậc nhất là tác phẩm Truyện Kiều. Thế mà đến nay người ta đã tìm thấy được cả tới năm sáu nguyên bản tác phẩm này khác nhau bằng chữ Nôm. Sự kiện này còn đang được sôi nổi thảo luận, nhưng điểm cốt lõi mà ai ai trong chúng ta đều công nhận sự thật này chứng tỏ rằng Nguyễn Du bao giờ cũng vẫn là tác giả chính của tác phẩm Truyện Kiều, nhưng bên cạnh đấy đương nhiên không thể phủ nhận được là đã có những đóng góp tích cực nhằm hòan thiện tác phẩm ấy theo truyền thống “văn dĩ tải đạo”của cả một nhóm bằng hữu văn chương cùng thời với ông, trong ấy ắt phải kể luôn cả những người đã chính tay khắc bản văn lưu trữ lại nữa chứ!...

Mới đây nhất,: Đinh Cường( họa sĩ, 1939 - 2016)), Nguyễn Tường Giang (nhà thơ), Nguyễn Mạnh Hùng(dịch giả) và Đinh Trường Chinh(họa sĩ), họ cùng hiện diện cạnh nhau với những tác phẩm tiêu biểu cùng in trong một cuốn sách có tên là Truyện Tình, Người Việt Books xuất bản đầu năm 2018. Truyện Tình đã biến thành một cái cớ để bạn hữu vui thú với nhau được cụ thể hóa thành tác phẩm lưu lại đây cho chúng ta được thưởng thức.

Riêng tuyển tập có tên là “Những Mảng Rời Lê Tài Điển”, được nhà xuất bản Biển Khơi (Pháp) in và phát hành từ tháng Bẩy năm 2012 nhưng nhờ có duyên mà chỉ đến tay tôi vào 30 tháng Chín – 2018, tuyển tập này theo tôi mới là bằng chứng thật là tiêu biểu cho tình bằng hữu độc đáo của giới văn nghệ Việt: Nội dung cuốn này không những gồm một số bản chụp các tác phẩm điêu khắc và tranh ở thời điểm trên dưới nửa thế kỷ của Lê Tài Điển mà còn hiện diện những bài của 18 tác giả viết về ông; và hơn nữa, tuyển tập này cũng do ông cùng tất cả đến 33 bằng hữu ( nghĩa là cộng thêm15 cá nhân khác nữa đã tích cực đóng góp tinh thần, kỹ thuật và tài chánh) hoàn tất việc thực hiện in ấn – xuất bản. “…Món quà này là chân dung một người bạn, cũng là chân dung của tình bạn, của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi mong muốn chia sẻ chân dung ấy với các bạn khác và độc giả cùng thời cũng như của tương lai…”[6]

 Vui vầy thế sự

Do đấy, tôi chủ động tạm cho in ra đây 11 đọan thơ, mỗi đọan gồm ba phần, phần đầu vốn của Ngô Văn Tao, phần thứ nhì là thơ đối ứng của Bùi Giáng hay của Trịnh Công Sơn. Tất cả được trích từ cuốn “Hán tự hài cú” kể trên; và cuối cùng là mấy lời ngẫu hứng của cá nhân tôi( in chữ nghiêng) góp thêm vào:

1.
Khứ tình, nhân ly biệt
Nguyệt trung hàn quá hệ thu phong
Hồi cố mang mang lệ.

Trăng xanh lạnh buốt nơi này
tình tan giọt lệ bồi hồi chia tay
Trịnh Công Sơn(trang 151)

Tình xa, người đã xa người
lệ ai vẫn buốt lạnh ngời trăng thu.

2.
Phong lạc Hương giang tự
Vi ba lô tước khiếu Xuân Thu
Hưng vong sầu tế vũ.

Chim kêu lạnh bến sông dài
Mưa thưa nhỏ lệ đền đài thịnh suy.
Trịnh Công Sơn(tr. 152)

Gió nào lạc bến Hương giang
mưa sầu như khóc hưng vong thuở nào.

3.
Tiêu, Tương song bỉ ngạn
Ngư phù xích tố ký mai hoa
Kỷ thời tư hận thế.

Cá về gửi gấm mùa xuân
Lòng riêng hoạn nạn ngàn năm nỗi buồn.
Bùi Giáng(tr. 149)

Ngàn năm chia cách đôi bờ
riêng hoa mai nở chẳng ngờ hận xưa.

4.
Khai hoa ca yến lạc
trầm tư vọng tưởng vị lai thời
Hoa tàn yến phi lệ.

Chim vui hót, bỗng dưng sầu
Hoa kia thắm nụ thoáng mầu tàn phai.
Ngày mai vọng tưởng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu.
Trịnh Công Sơn(tr. 14)

Giữa tiệc oanh mừng hoa nở.
Nghĩ lúc hoa tàn, lệ ứa đẫm khăn.

5.
Lộ biên hoa vị khai
Thiên thu nhất niệm vi hàm tiếu
Tiểu nữ tự nhiên nhiên

Bên đường hoa nở chưa ra
Ngàn năm chỉ một sát na vì người
Hoàng mao gái nhỏ nụ cười
Thiên nhiên hàm tiếu vì người vì ta.
Bùi Giáng.(tr. 13)

Bên đường hoa chưa vội nở
như ngàn năm nàng chưa mở nụ cười
Tự nhiên hoa cũng như người.

6.
Thiên biên cô phi hạc
Ðái tự thiên thu thế hận thường
Kim dực mãn nguyệt quang.

Bên trời hạc lẻ loi bay
Thiên thu hận ấy mờ phai cõi người
Cánh vàng nặng ánh trăng soi.
Trịnh Công Sơn.(trang 10)

a/
Bên trời hạc lẻ đường bay
Ngàn năm cánh hận vàng đầy ánh trăng.
b/
Bóng
Mênh mang cánh hạc bên trời
ngàn năm sân hận chỉ ngời cõi không
cánh vàng rực ánh trăng xuông.

7.
Mỹ Quan Nhân sinh ý
Trầm tư tịch mạc quán từ bi
Vọng tầm tam cú kệ.

Từ bi tịch mạc trầm tư
Vọng tầm câu kệ quán từ nhân sinh.
Bùi Giáng.(tr. 09)

a/
Ðời người từng trải từ bi.
Tầm chương trích cú chẳng bì an nhiên.
b/
Trầm tư khơi lóng tâm trong
còn lo kinh kệ truy tầm làm chi
đời người đắc ý đúng thì.

8.
Ðồng tuyến vô tâm điểm
Khứ thời kim nhật dữ vị lai
Vô thủy lưu vong nghiệp.

Còn, không, vấn nạn nỗi buồn
Nỗi xưa, sau, cũng bàng hoàng lưu vong.
Trịnh Công Sơn.(tr. 11)

An nhiên sống suốt một đời
lòng trong sau trước trọn soi nghiệp phiền.

9.
Thanh lâu ngã kim giả
Ðương nhiên túy tận vong thời thế
Lai hồi ngã tự vong.

Có ta rồi sẽ quên ta
Ruợu lầu xanh uống bỗng xa chuyện đời.
Trịnh Công Sơn.(tr. 15)

Một lần chuốc ruợu lầu xanh
say quên thế sự, quên mình quên ta.

10.
Viên biên hoang lộ đích
Khứ niên lạc diệp ẩn tàng tích
Mai táng cựu nhân tình.

Chôn vùi một mối tình xưa
Lá im lìm ngủ vườn thưa dấu người.
Trịnh Công Sơn.(tr. 17)

Lá rơi năm ngoái mất tăm
vùi luôn tình cũ, khôn tầm người xưa.

11.
Thương hải tang điền thế sự du
Phong lưu nhất mộng hầu
Thăng trầm bạc nhân ảo.

Biển dâu thế sự du du
phong lưu đợi mộng về ru tâm tình
Thăng trầm biến ảo phù sinh.
Bùi Giáng.(tr. 135)

Bể dâu biến cải sự đời.
Sống còn phong thái là đây
mang mang dấu ấn, trước nay chẳng mờ.

Giao tình bằng hữu là sắc tươi của xuân

Ở đây sở dĩ tôi cho in thêm vào mấy phóng bút của riêng tôi, chỉ với mục đích là để nhân dịp xuân về, đánh dấu một sự kiện vui vầy thế sự cùng bằng hữu.

Vốn dĩ tôi cùng Bùi Giáng lẫn Trịnh Công Sơn trước Tháng Tư-1975 đã từng sống bên nhau tại Miền Nam Việt Nam, chúng tôi thường có dịp “bù khú”, giao tình văn nghệ với nhau. Nhưng sau đó, vì biến động của lịch sử nước nhà nên ba chúng tôi đã “ trôi giạt” mỗi người theo một phần số riêng, mỗi cá nhân chúng tôi đã phải bó buộc sống còn theo một cách thế riêng, khác biệt hẳn nhau, đôi khi khác biệt đến độ đối chọi lẫn nhau! Nhưng, dù thế nào đi nữa, còn sống sót hoặc đã kẻ ở người đi, thì  ít nhất chúng tôi xem ra cũng vẫn có một điểm duy nhất chung là nội dung suy nghĩ về thế sự đã không hề khác nhau, cụ thể như được biểu lộ ra bằng mấy câu thơ mộc mạc trên đây.

Vì thế mà tôi muốn diễn đạt cái căn bản ý tưởng ấy bằng cách cho đăng lại trong cùng một số câu thơ bên cạnh nhau, như một hình thức thể hiện lên cái sắc xuân muôn thuở của tình bằng hữu./.
Tháng 11 năm 2018.

* Phạm Quốc Bảo.

Chú thích:

[1] Sự kiện này được ông Bùi Công Luân viết kể lại trong phần của bài“Chị & Anh” có in ở cuốn thơ Chớp Biển.

[2]Trong bài này, tôi xử dụng một số  thơ rút ra từ cuốn Hán Tự Hài Cú, nhưng dựa cậy vào mối giao tình văn hữu mà đã  không chính thức xin phép trước. Mong tác giả Ngô Văn Tao niệm tình thứ lỗi.

[3] Hán Tự Hài Cú, dịch nghĩa là Những câu (thơ) ý nhị bằng chữ Hán. Thực ra nội dung cuốn này là những bài thơ bằng các thứ chữ Hán-Việt, Nôm và Việt ngữ..

[4] Tử viết: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” trích Chương 1 Học Nhi, Luận Ngữ, do Chu Hy (1130-1200) biên soạn và chú giải.

[5]Trong website https://www.thivien.net/T%E1%BA%A3n-%C4%90%C3%A0/author-FOvItidPjMKModgAy49buw; thì tiêu đề này được ghi là:“Thư đưa người tình nhân không quen biết” thuộc cuốn Khối Tình II. Rồi lại  “Thư trách người tình nhân không quen biết”và “Thư lại trách người tình nhân không quen biết”thuộc cuốn Khối Tình III.

[6] Trích Lời Giới Thiệu của Phan Thị Trọng Tuyến, trang 08, “tuyển tập Những Mảng Rời Lê Tài Điển, với đóng góp của bạn hữu”