Sunday, February 24, 2019

1010. PHẠM CAO HOÀNG Nhật ký ghi ở Đà Lạt

Photo by Phạm Cao Hoàng, Đà Lạt, 1.2012

...
Hôm sau,chúng tôi về Đà Lạt bằng máy bay  của Vietnam Airlines, chuyến 7 giờ sáng. Nôn nao với chuyến đi nên mới 5 giờ sáng chúng tôi đã  có mặt ngoài phi trường.

16.1.2012, 8 giờ sáng,  chúng tôi về tới phi trường Liên Khương.   Đà Lạt hiện dần ra trước mắt: Thác Prenn, cây xăng Kim Cúc, hồ Xuân Hương. khu Hòa Bình… Cúc Hoa nắm chặt bàn tay tôi, ngơ ngác nhìn cảnh vật hai bên đường.

Đầu tiên chúng tôi về thăm căn nhà của gia đình  Hoa ở đường Hai Bà Trưng. Cúc Hoa vào lạy bàn thờ ông bà, lững thững ra đứng ngẩn ngơ trước cổng, rồi lại trở vào nhìn dòng suối nhỏ ở phía sau nhà. Căn nhà cũ đã phá đi và xây dựng lại. Khung cảnh khác rất nhiều nhưng có một thứ vẫn còn nguyên vẹn: bức tranh sơn dầu vẽ một chậu hoa, hồi xưa treo ở phòng khách. Mọi người trong gia đình rất quí bức tranh này, vốn được vẽ trong thời chiến tranh, do một người lính hải quân Mỹ vẽ và tặng cho anh Quang Mỹ, người anh cả của Hoa.

Các  em  của  Hoa - Hương  và Tùng -  đưa chúng  tôi  và  Ánh, Trung  đi thăm  mộ người thân.  Tội  nghiệp  cho  Hoa:  muốn thắp  cho cha mẹ mình một nén nhang nhưng không biết thắp ở đâu. Cha mẹ Hoa đều qua đời ở Mỹ. Nhiều người Việt ở Mỹ  được hỏa táng sau khi chết, tro được rải xuống Đại Tây Dương, hy vọng rằng một ngày nào đó xác thân sẽ trôi giạt về Thái Bình Dương, tìm về chốn cũ. 

Buổi chiều, chúng tôi  ra đường Võ Tánh, bây giờ là đường Bùi Thị Xuân, đến chỗ quán Lục Huyền Cầm ngày xưa, tiện thể ghé thăm Kim Huê luôn. Nhà cửa bây giờ kín mít suốt dọc con đường nhưng chúng tôi vẫn có thể nhận ra vị trí của quán một cách dễ dàng.

Chúng tôi đi qua đi lại mấy lần, bồi hồi nhớ lại đêm thơ nhạc đã đưa chúng tôi đến với nhau. Hồi đó, Lê Uyên – Phương là một hình ảnh rất lý tưởng đối với  tuổi trẻ chúng tôi. Còn gì đẹp và lãng mạn hơn khi Phương đàn và Lê Uyên hát những ca khúc của Phương trong không gian mờ ảo của Lục Huyền Cầm và trong khi hát họ cứ  đắm đuối nhìn nhau. Tôi mê nhất là những lúc họ nhìn nhau.

Hôm ấy,  Cúc Hoa  đến Lục Huyền Cầm dự đêm thơ nhạc theo lời mời của tôi.  Sau khi kết thúc, tôi đưa Hoa về. Trên đường về, chúng tôi đi bộ vòng qua Khu Hòa Bình, ghé lại chỗ đường Đoàn Thị Điểm ăn nhẹ một chút. Kể từ hôm đó, Cúc Hoa đi bên cạnh cuộc đời tôi cho đến bây giờ.

Chúng tôi đi bộ dọc theo đường Hàm Nghi, ghé  cà phê Tùng. Hồi đó, nếu đi với bạn bè, chúng tôi đến quán Domino ở đường Phan Bội Châu, còn đi với Cúc Hoa thì vào cà phê Tùng hoặc Thủy Tạ. Cà phê Tùng ngon nổi tiếng, và đá chanh thì tuyệt, pha bằng một loại chanh có mùi thơm rất đặc biệt. Bây giờ loại chanh  ấy không còn. Chúng tôi vào, lặng lẽ ngồi vào chỗ ngày xưa chúng tôi vẫn thường ngồi, gọi hai thứ mà hồi đó chúng tôi thường  gọi.  Ở chỗ ngồi này, chúng tôi  đã có  những giây phút tuyệt  vời  thuở  mới quen nhau.   Những chiếc ghế da dọc theo tường vẫn còn đó nhưng tiếng hát Christophe thì không còn. Christophe, ca sĩ người Pháp, một thời làm tuổi trẻ chúng  tôi   ngây ngất  với Main dans la main, Aline, Mal, Maman, Je suis parti, Oh mon amour… bây giờ cũng đã thành dĩ vãng. Biết chúng tôi là những người đi tìm kỷ niệm, anh Thông - chủ nhân cà phê Tùng - ân cần tiếp chuyện, hướng dẫn nên chụp hình ở góc nào, kể cho nghe những bước thăng trầm của quán, nhất là  giai đoạn sau 1975.

Photo by Phạm Cao Hoàng, Đà Lạt, 1.2012

Rời cà phê Tùng, chúng tôi tiếp tục thả bộ ra hồ Xuân Hương, ngồi bên bờ hồ, nhìn sang cầu Ông Đạo... Buổi chiều thật êm đềm với một chút sương mù đang nhẹ nhàng phủ xuống. Lòng chúng tôi cũng nhẹ nhàng như khói sương kia. Đây là những phút giây hiếm hoi trong đời sống chúng tôi nhiều năm qua.

Khi chúng tôi ghé vào Thủy Tạ thì bên ngoài trời đã tối hẳn. Trời không lạnh lắm.  Chúng tôi  chọn  một chiếc bàn cạnh lan can nhìn xuống mặt hồ. Hồi ấy chúng  tôi  thường lang thang trên Đồi Cù, đi dọc theo  hồ Xuân Hương, rồi ghé vào đây.  Thủy Tạ bây giờ không khác hồi xưa bao nhiêu. Tôi gọi cho mình một ly Hennessy và một ly cà phê sữa cho Cúc Hoa. Đây là chỗ dừng chân cuối cùng trong ngày nên chúng tôi ở lại lâu hơn.

Một ngày thật trọn vẹn với chúng tôi khi trở về Đà Lạt. 

PHẠM CAO HOÀNG
(Trích từ bút ký / truyện VỀ CHỐN CŨ, 3.2012)