Saturday, July 13, 2019

1191. DU TỬ LÊ Trương Vũ, “trên sông khói sóng…”

DU TỬ LÊ
Trương Vũ, “trên sông khói sóng…”

Đinh Cường và Trương Vũ (phải) tại Studio Trương Vũ,
Virginia, 20 Tháng Chín, 2015. (Hình: Phạm Cao Hoàng)

Nhà xuất bản Nhân Ảnh mới ấn hành tiểu luận “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” của nhà văn và cũng là họa sĩ Trương Vũ, hiện cư ngụ tại Virginia.

Có thể nhiều người không biết, Trương Vũ tên thật là Trương Hồng Sơn. Ông là một trong số những khoa học gia gốc Việt, từng được cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ trọng dụng.

Ông có bằng tiến sĩ khoa học về điện trong kỹ thuật không gian. Họ Trương vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1976. Là chuyên gia nghiên cứu cho cơ quan NASA, tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ năm 1980 cho tới khi về hưu năm 2005. Tiến Sĩ Trương Hồng Sơn từng tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau về khoa học và kỹ thuật.

Đóng góp quan trọng nhất của Trương Hồng Sơn thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Ông cũng là tác giả nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và, kỹ thuật không gian.

Ở lãnh vực văn học nghệ thuật hải ngoại, Trương Vũ là đồng chủ biên tuyển tập văn chương chiến tranh “The Other Side of Heaven” (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Ông nguyên là đồng chủ tịch tập san Việt Học – The Vietnam Review – của Đại Học Yale (1996-1998); nguyên chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Mặt khác, Trương Vũ cũng đóng góp bài vở cho nhiều tạp chí Việt Ngữ của tập thể Việt ở hải ngoại.

Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại đại học và tư nhân, phần chính là tự học, Trương Vũ đã tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ.

Trong phần “Thay Lời Tựa,” trước khi bước vào 19 tiểu luận của tập tiểu luận Trương Vũ viết:

“Mượn hình ảnh từ hai câu thơ của Thôi Hiệu, trong bài ‘Hoàng Hạc Lâu’ do Tản Đà dịch, tôi lấy tựa đề ‘Đuổi Bóng Hoàng Hôn’ cho tuyển tập này:


‘Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai’
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu)


(Tác phẩm này) phần lớn được viết dưới dạng tiểu luận. Số còn lại là tạp bút, để đơn giản hóa, tôi dùng chữ Tiểu Luận cho cả tuyển tập.
… Tuyển tập có thể không ra mắt được như độc giả đang có nó trong tay nếu không có sự cổ vũ và góp sức của những bạn trẻ của tôi như Trần Thị Nguyệt Mai, Phạm Cao Hoàng, Duyên và Nguyễn Minh Nữu…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 7)

Tiểu luận đầu tiên của “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” tựa đề “Đêm Đại Dương” được Trương Vũ thuật lại, như một thứ hồi ức về hành trình đi tìm tự do của ông:

“Cách đây 39 năm, tôi rời Việt Nam trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, cùng bốn bạn đồng hành khác. Chúng tôi thay phiên nhau lái ghe, từ Nha Trang vượt đại dương nhắm hướng Manila, Phi Luật Tân. Không một ai trong chúng tôi có kinh nghiệm hay hiểu biết về hải hành. Một đêm, không trăng, sóng lớn, đang lái ghe tôi chợt nhớ đến một bài thơ của Victor Hugo, bài ‘Oceano Nox’ (Đêm Đại Dương), mở đầu bằng những câu tạm dịch như thế này: ‘Có biết bao thủy thủ, có biết bao thuyền trưởng, vui vẻ hăm hở lao mình vào các chuyến viễn du, có biết bao người trong số đó, do định mệnh nghiệt ngã, mất hút theo chân trời mờ nhạt, tan biến vào lòng đại dương không đáy, trong một đêm không trăng…’ Khi còn đi học, nét bi hùng của bài thơ gây cho tôi nhiều xúc động. Vào lúc này, chơi vơi trên biển cả, không là thủy thủ, không là thuyền trưởng, trong lo sợ, trong sự cảm nhận sâu sắc của sự nhỏ nhoi mong manh của mình giữa đại dương bao la, tôi càng xúc động hơn. May mắn, chúng tôi đến được Manila an toàn. Ghe chúng tôi là một trong những chiếc đầu tiên đến được Manila sau biến cố 1975…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 9)

Kế tiếp, vẫn trong dòng hồi ức quá khứ: “Những Cơn Mưa Ngày Cũ,” với rất nhiều hình ảnh, gần với thể tùy bút, Trương Vũ viết:

“Tôi sống ở Mỹ đã hơn 35 năm, hơn nửa đời người. Tôi yêu cây cỏ vùng tôi ở, miền Đông Bắc Hoa Kỳ, nhất là màu sắc của cây khi trời bắt đầu vào Thu. Những năm sau này tôi thường vẽ cảnh mùa Thu ở đây. Cảnh nắng trên đồi, cảnh lá vàng trong rừng, cảnh thung lũng trong mù sương… Càng vẽ tôi càng khám phá những thay đổi của màu sắc, của tính cách, của ấn tượng, theo từng khoảnh khắc, như cây cỏ có linh hồn cuốn hút tôi vào đó. Vùng này thỉnh thoảng có mưa, nhưng mưa ở đây không để lại trong tôi những cảm giác đặc biệt để đi xa phải nhớ” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 13)

Tuy nhiên, mưa ở quê người, lại khiến Trương Vũ đắm mình, sống lại với  những cơn mưa quê nhà, như một thứ kỷ niệm êm đềm hay một thứ tình yêu “giúp ông… trưởng thành”:

“Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sài Gòn. Mưa Sài Gòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Đôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học,… Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lớp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười giòn của các em khi cố lách mình tránh mưa. Tôi cũng nhớ những đêm mưa, lái xe chở các con trên chiếc mini truck có mui, chạy dọc chạy dọc theo đường Duy Tân. Vào những khúc vắng người và có nhiều vũng nước, tôi cho xe chạy thật nhanh làm nước bắn tung tóe, để nghe tiếng cười rú của mấy đứa nhỏ.

Đi xa, tôi nhớ những cơn mưa ngày cũ. Mỗi cơn mưa tồn tại trong tâm tưởng mang theo với nó một kỷ niệm, đánh dấu từng khoảng đời. Rất nhiều kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 13, 14)

Tôi không biết có phải vì yêu nơi chốn sinh thành của mình, từ cảnh vật, tới con người hay không (?) mà, họ Trương đã có một tiểu luận chương khá chi tiết, về một nhân vật đặc biệt – như một thứ “di sản” văn chương của Nha Trang: Nhà văn, Giáo Sư Cung Giũ Nguyên, một trí thức nổi tiếng, viết nhiều sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, song song với tiếng Việt. Dĩ nhiên, họ Trương đã không đề cập tới phần đời riêng, từng gây xôn xao dư luận một thời ở Nha Trang, liên quan tới một cô học trò, sau này đã trở thành một nữ văn sĩ nổi tiếng của miền Nam… (Du Tử Lê)

Nguồn: Báo Người Việt, California, July 12, 2019