Saturday, August 17, 2019

1222. TRỞ VỀ NHÀ Truyện ngắn của nhà văn Hoa Kỳ PETE HAMILL (1935 - …) Dịch và giới thiệu: THÂN TRỌNG SƠN



Pete Hamill sinh tại New York, gia đình gốc người Ireland di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1929. Học xong, Hamill thử làm nhiều công việc khác nhau cho đến khi thấy niềm đam mê nghề làm báo thôi thúc.

Mùa hè năm 1960, ông làm phóng viên tại báo The New York Post và bắt đầu học nghề từ đây. Những năm 1962-63, ông làm đặc phái viên cho tờ Saturday Evening Post và được cử sang châu Âu. Thời gian này, ông rong ruổi qua nhiều nước, phỏng vấn các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà văn...

Đến năm 1964, ông trở về New York, làm tại báo New York Herald Tribune một thời gian, rồi chuyển về New York Post phụ trách một chuyên mục thường kỳ, đồng thời cộng tác với nhiều báo khác. Ông viết nhiều đề tài ( chiến tranh, âm nhạc, đời sống thị dân... ) và di chuyển nhiều nơi. Sau này, ông xuất bản hai tuyển tập các tác phẩm báo chí ( Irrational Ravings và Piecework ).

Hamill còn được biết đến như một nhà văn, tiểu thuyết đầu tiên là “ A Killing for Christ “, nói về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng vào dịp lễ Phục Sinh tại La Mã. Sau đó là tiểu thuyết tự truyện The Gift, và vài cuốn khác. Ông còn viết hơn một trăm truyện ngắn, đăng từng kỳ trên báo với chuyên mục mang tên “ The Eight Million “ và “ Tales of New York “. Sau này ông tập hợp lại in trong hai cuốn “ The Invisible City: A New York Sketchbookm”, 1980, và “ Tokyo Sketches “ , 1992.

Truyện ngắn Going Home giới thiệu dưới đây được đăng lần đầu trên báo The New York Post ngày 14/10/1971. Ba tháng sau, truyện được đăng lại trên tạp chí Reader’s Digest.


Cả bọn cùng kéo về Fort Lauderdale, tiểu bang Florida. Tất cả gồm sáu người, ba chàng trai, ba cô gái, họ lên xe ở đường số 34, mang theo bánh mì sandwich và rượu vang, đựng trong những túi giấy. Họ đang mơ tưởng tới những bãi biển vàng và sóng thuỷ triều, bỏ lại sau lưng không khí lạnh lẽo, u ám của mùa xuân thành phố New York. Còn Vingo thì đã lên xe ngay từ đầu.

Khi xe chạy ngang New Jersey để tiến vào Philia, họ bắt đầu để ý Vingo ngồi thù lù một chỗ, không cựa quậy. Anh ngồi ngay trước mặt bọn trẻ, gương mặt bụi bặm khiến khó đoán tuổi, mặc bộ đồ màu nâu trơn không vừa lắm. Các ngón tay cáu bẩn khói thuốc lá, miệng mím lại. Anh ngồi lặng lẽ, chừng như chẳng quan tâm gì đến sự có mặt của những người khác.

Đêm về khuya, xe chạy ngang vòng ngoài Washington thì dừng lại tại quán ăn Howard Johnson, mọi người đều xuống xe, ngoại trừ Vingo. Đám trẻ bắt đầu ngạc nhiên về Vingo, cố tưởng tượng ra cuộc đời của anh, có lẽ anh là một thuyền trưởng tàu biển, hoặc là người bỏ vợ, hay là cựu quân nhân trở về quê nhà? Khi cả bọn trở lại xe, một cô gái trong nhóm không kìm được tò mò nên đến bắt chuyện với anh. Cô đến ngồi cạnh và tự giới thiệu.

“ Tụi này đi Florida”, cô nói rõ giọng, “ anh cũng đi tới đó chứ? “
“ Tôi không biết nữa! “, Vingo đáp.
“ Tôi chưa hề tới đó. Nghe nói đẹp lắm. “
“ Đúng đó.”, anh khẽ nói, như muốn khêu lại điều đã cố quên.
“ Anh sống ở đó à? “


“ Trước tôi từng ở đó, khi còn trong hải quân, tôi ở căn cứ Jacksonville.”
“ Anh dùng chút rượu vang nhé!”

Anh mỉm cười và cầm lấy chai rượu làm ngay một tợp. Anh cảm ơn và tiếp tục chìm trong im lặng. Một lát sau, cô gái quay lại với nhóm bạn, anh lim dim ngù.

Đến sáng, họ lại dừng ở một quán Howard Jackson khác, lần này Vingo cùng đi với nhóm trẻ. Anh tỏ vẻ ngại ngùng, gọi ly cà phê đen và rít thuốc liên hồi, trong khi đám trẻ vẫn huyên thuyên chuyện nằm ngủ trên bãi biển.

Khi trở lại xe buýt, cô gái vẫn đến ngồi cạnh Vingo. Một lát sau, anh ngập ngừng chậm rãi kể chuyện, giọng khổ sở. Đã bốn năm rồi anh bị giam ở New York và nay đang trở về nhà.
“ Anh có gia đình chưa?”
“ Tôi cũng không chắc.”
“ Ủa, anh không chắc sao?”
“ À, vâng, hồi còn trong tù, tôi có viết cho vợ. Martha à, anh sẽ thông cảm nếu em không thể gắn bó với anh. Tôi nói là tôi vắng nhà lâu quá, nếu nàng không chịu nổi, nếu lũ nhóc cứ dò hỏi thắc mắc này kia và nàng thấy đau đớn, nàng có thể quên tôi đi. Cứ tìm một người đàn ông khác - nàng là một phụ nữ tuyệt vời, thực sự rất đáng giá. Nàng có thể quên tôi đi. Tôi bảo là nàng không cần phải trả lời thư tôi gì cả, và nàng đã không viết gì thật. Cũng đã ba năm rưỡi rồi.

“ Và bây giờ anh trở về nhà, vẫn không biết tình hình thế nào?”

Anh ngại ngùng đáp:
“ Đúng vậy. Mới tuần trước thôi, khi biết chắc sẽ được phóng thích, tôi lại viết cho nàng nữa. Tôi nói nếu nàng có người mới, tôi sẽ thông cảm thôi. Nhưng giả sử nàng vẫn chưa có ai, nàng vẫn chờ đợi tôi về thì hãy cho tôi biết. Chúng tôi vẫn sống ở thành phố Brunswick này, và ở lối vào thành phố có một cây sồi thật to, hùng vĩ lắm, ai cũng biết. Tôi bảo nàng là nếu muốn đón tôi trở về, nàng hãy cột chiếc khăn tay vàng trên cây, tôi nhìn thấy và sẽ xuống xe trở về nhà. Còn trái lại, nàng không yêu tôi nữa thì quên chuyện đó đi. Không có khăn tay, tôi tự hiểu và tiếp tục chuyến đi.

“Ôi, cô gái nói, ôi!”

Cô gái kể cho các bạn nghe chuyện và ngay lập tức cả bọn ùa đến khi xe gần tới Brunswick, chăm chú nhìn Vingo cho xem ảnh vợ và ba đứa nhóc - người đàn bà đẹp giản dị, ba đứa trẻ, chưa rõ nét trên tấm ảnh đã sờn.

Còn 20 dặm nữa là đến Brunswick, nhóm trẻ đổ xô về những chiếc ghế cạnh cửa sổ phía bên phải, nóng lòng chờ nhìn cây sồi. Vingo không nhìn ra ngoài nữa, khuôn mặt người cựu tù co rúm lại, cố gượng để khỏi chịu đựng sự thất vọng tiếp theo. Còn 10 dặm, rồi 5 dặm, cả chuyến xe đều im thin thít, ngập chìm trong cõi lặng thinh của xa vắng, của những năm tháng mất mát, của khuôn mặt hiền lành người phụ nữ, của lá thư không mong đợi trên bàn ăn điểm tâm, của bầy trẻ ngơ ngác, của những chấn song sắt lạnh lẽo.

Và đột nhiên, tất cả đều đứng bật dậy, reo hò, la hét, khóc thét, rồi ôm nhau nhảy múa trong nỗi hân hoan, phấn khích. Chỉ trừ Vingo .

Vingo vẫn ngồi đó, sững sờ nhìn ra cây sồi già. Cái cây có treo những chiếc khăn tay vàng, có đến 20, 30 chiếc, có lẽ đến hàng trăm chiếc. Cái  cây hiện ra như tấm biểu ngữ chào mừng, cuồn cuộn, phất phơ trong gió, cây biến thành một hình tượng rực rỡ khi xe buýt chạy ngang qua. Khi cả nhóm trẻ vẫn tiếp tục reo hò, người cựu tù binh rời khỏi ghế, vươn mình bước dần ra phía trước xe, chuẩn bị trở về nhà.
  
Nguồn: 
  
Truyện của Pete Hamill kết thúc ở đó. Tuy nhiên, vẫn còn thứ khác, tạm gọi là

  
 TRỞ VỀ NHÀ  - NGOẠI TRUYỆN
  
Pete Hamill cho biết câu chuyện thú vị này anh từng nghe kể. Ít lâu sau, một cuốn phim truyền hình do hãng ABC-TV công bố, lấy tên là TheYellow Handkerchief, “Chiếc khăn tay màu vàng”, do diễn viên James Earl John thủ vai người cựu tù binh.

Sau đó, đến lượt Irwin Levine và L. Russell Brown sáng tác bài hát Tie a Yellow ‘ Round the Ole Oak Treevà lên tiếng cho biết họ nghe kể chuyện này khi phục vụ trong quân đội. Nội dung bài hát tương tự như truyện ngắn của Pete Hamill, chỉ khác ở chi tiết chiếc khăn tay ( handkerchief ) đổi thành dải ruy- băng ( ribbon ), có thể để dễ hát hơn.

Bài hát nổi tiếng và được phổ biến rộng khắp rất nhanh ngay trong năm 1973. Pete Hamill đâm đơn kiện hai đồng tác giả xâm phạm bản quyền, biến truyện ngắn của ông thành bài hát mà không xin phép. Nhưng cuối cùng, bài hát được minh oan vì câu chuyện của Pete Hamill thực ra chẳng có gì mới mẻ, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh nó đã tồn tại rất lâu dưới nhiều biến thể khác nhau. Pete Hamill đành phải rút lại đơn kiện.

Với ca từ rõ ràng và xúc động, giai điệu vui tươi pha lẫn âm hưởng nhạc đồng quê, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Tree đã biến hình ảnh dải ruy băng vàng trở thành một biểu tượng quốc gia. Năm 1980, vụ khủng hoảng con tin ở Iran lên đến đỉnh điểm, dải ruy băng vàng tượng trưng cho sự trở về của 400 con tin người Mỹ, lúc này khắp nước Mỹ đi đâu cũng thấy dải băng vàng treo đầy những hàng cây.

Bài hát đạt tới thành công tột đỉnh qua giọng ca của ca sĩ Tony Orlando và nhóm nhạc Dawn. Ngay trong năm 1973, dĩa thu âm bài hát của nhóm nhạc này đã bán được ba triệu bản trong ba tuần lễ.

Từ đó đến nay, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Treevẫn tiếp tục là bài hát tủ của rất nhiều ca sĩ, giai điệu của nó vẫn tiếp tục vang lên, như một thông điệp về tình yêu chung thuỷ, về sự mong chờ ngày về của người thân yêu đi xa.


TIE A YELLOW RIBBON ‘ ROUND THE OLE OAK TREE. 

I'm comin' home, I've done my time
Now I've got to know what is and isn't mine
If you received my letter telling you I'd soon be free
Then you'll know just what to do
If you still want me, if you still want me
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Bus driver, please look for me
'Cause I couldn't bear to see what I might see
I'm really still in prison and my love, she holds the key
A simple yellow ribbon's what I need to set me free
And I wrote and told her please
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Now the whole damned bus is cheerin'
And I can't believe I see
A hundred yellow ribbons round the ole oak tree
I'm comin' home

Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree

HÃY BUỘC DẢI RUY - BĂNG VÀNG QUANH CÂY SỒI GIÀ
  
Anh đang trên đường trở về nhà
Việc thụ án vậy là đã xong
Anh đã rõ chuyện nào thuộc về mình, chuyện nào không
Và nếu em đã nhận thư anh báo
Sắp đến ngày anh được tự do
Hẳn em biết cần phải làm gì
Nếu em vẫn một lòng một dạ yêu anh.
Nếu em vẫn còn yêu anh, xin em hãy
Buộc dải lụa vàng quanh cây sồi già em nhé.

Ba năm dài đằng đẵng trôi qua
Em vẫn còn yêu anh đấy chứ?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Thì anh vẫn ngồi lặng yên trên xe buýt
Và quên đi chuyện hai chúng ta
Rồi chỉ tự trách mình mà thôi.

Bác tài ơi, xin hãy nhìn giúp tôi,
Vì tôi nào dám nhìn những gì sẽ xuất hiện trước mắt
Thực ra tôi vẫn còn trong tù ngục
Mà chính nàng, người tôi yêu, đang cầm giữ chìa khoá
Chỉ một dải lụa vàng là thứ tôi cần để được tự do.
Tôi đã gửi thư đi và kỹ lưỡng dặn dò
Em ơi hãy buộc dải lụa vàng quanh cây sồi xưa.

Ba năm dài đằng đẵng đã trôi qua
Em có còn một lòng một dạ yêu anh?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Anh sẽ ngồi lại trên xe buýt,
Quên đi chuyện của hai ta
Và chỉ tự trách mình thôi
Nếu như anh không nhìn thấy dải lụa vàng quanh cây sồi.

Nhưng kìa, cả đám người chết tiệt trên xe đang mừng reo
Anh không sao tin được những gì hiện ra trước mắt
Cả trăm dải lụa vàng quanh gốc cây
Anh đang về nhà đây!

Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé,
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( 7/2019 )


Bấm vào ảnh dưới đây nghe Orlando trình bày ca khúc
TIE A YELLOW RIBBON' ROUND THE OLE OAK TREE