Monday, September 9, 2019

1248. HOÀNG KIM OANH: TẢN MẠN VỚI NGUYỄN TƯỜNG GIANG, THỜI GIAN CÓ PHẢI TRONG VÔ TẬN...

HOÀNG KIM OANH
TẢN MẠN VỚI NGUYỄN TƯỜNG GIANG,
THỜI GIAN CÓ PHẢI TRONG VÔ TẬN...

Chân dung Nguyễn Tường Giang, dinhcuong, 2014


...
Giọt nước đã tan ngoài cửa sổ
và lá vàng kia cũng rụng rời
ta còn nằm mãi trong huyệt nhỏ
rồi cũng phôi pha một kiếp người

(Nguyễn Tường Giang, Khói hồ bay, tr.64)


Vâng. Đúng vậy, anh Nguyễn Tường Giang. Chúng ta rồi sẽ phôi pha...
Nhưng có lẽ thời gian sẽ mãi là vô tận với những gì Thạch Lam và Tự Lực Văn Đoàn đã để lại cho văn học Việt Nam.

Hai năm trước, tôi đã được nhận món quà bất ngờ đặc biệt anh Nguyễn Minh Nữu mang từ DC về cùng với bức thiệp thư cuối cùng của anh Đinh Cường: cuốn Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong hóa và Tự lực văn đoàn có thủ bút của con trai út nhà văn Thạch Lam ký tặng dù tôi chưa hề được biết anh. Cùng với tập văn thơ Khói hồ bay tác giả Nguyễn Tường Giang ký tặng nhà văn Nguyên Minh mà tôi được chuyển giao lại. Cũng chưa kịp và cũng không biết cảm ơn ai, ở đâu... Chỉ biết anh đang ở nơi có anh Đinh Cường vừa bỏ lại cuộc chơi…

Mãi hôm nay, cũng một chiều lập đông Sài Gòn nhạt nhòa ánh đèn như hai năm trước, anh Nguyên Minh gọi gấp mấy lần: "Em lên anh đi, có anh Nguyễn Tường Giang đến tòa soạn, muốn gặp nhóm anh em Quán Văn, chiều mai anh ấy đã bay về Mỹ rồi", tôi mới lần đầu gặp anh.

Mỹ Lệ vừa đến. Tiếp đó là cặp uyên ương Trương Văn Dân - Elena, hai bạn đã cùng anh Nguyên Minh gặp gỡ anh Nguyễn Tường Giang cũng đã hai năm trước ở nhà anh Trương Vũ với các anh Đinh Cường. Phùng Nguyễn, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Thành Châu… ở rừng phong Virginia, và đi dọc dòng sông Potomac...
Biết là biết mù mờ vậy thôi. Không ngờ hôm nay bất ngờ dun rủi sao mới có duyên diện kiến. Vậy mà tự nhiên làm sao như quen biết tự bao giờ, cuộc trò chuyện văn chương của mấy anh em hết sức cởi mở chân tình. Khi tôi bảo thích nhất đoạn Thanh trở về thăm bà và đoạn kết lãng mạn đẹp như thơ trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, anh Giang sôi nổi hẳn và đồng tình rằng theo anh, đó mới là tác phẩm hay nhất của bố anh, không hẳn là Sợi tóc như nhiều nhà phê bình nhận định. Cùng đọc lại đoạn kết thuộc lòng ngày nào...
"Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương." Gia đình. Nơi chỉ để yêu thương. Ơi cái mùi hoàng lan ấy bây giờ làm sao tìm được giữa phố thị ồn ào bon chen cao ốc ngựa xe…

Tôi cũng nhớ hoài đoạn trích về tình bà cháu dịu dàng đã được dạy ở chương trình lớp Ba bậc Tiểu học mà mỗi lần đọc lại lòng tôi đều mơn man xúc động… (Ai đã làm bà rồi...có lẽ càng thấm thía hơn cái cảm nhận ấm áp trìu mến này…): "Trên trường kỷ, ngọn đèn con và cái điếu cũ kỹ. Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã. Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần. Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng." (Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan). Cảm động âu yếm làm sao về một nơi mà ta biết mình luôn được yêu thương mỗi khi trở về…
Không biết bây giờ qua bao nhiêu lần cải và cách, Bộ Giáo dục có còn giữ lại đoạn trích này không hay cũng bị giảm tải như đã giảm tải những bài hay nhất của văn chương Việt Nam Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), v.v…

Nguyễn Tường Giang, tên anh, tôi đã biết từ hai năm nay qua những dòng thơ hiền hòa trầm lắng đượm nỗi buồn man mác rất giống style văn tả cảnh cực kỳ ấn tượng của Thạch Lam trong Khói hồ bay. Ngay từ bé, chúng tôi đã xa xót và cảm động biết bao với những câu chuyện về lòng nhân ái của những con người nhỏ bé trong các truyện ngắn Thạch Lam: Gió lạnh đầu mùa, Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ; tôi nhớ Cô hàng xén đẹp người đẹp nết, cả cuộc đời lam lũ hy sinh hết mọi niềm vui riêng tư, nuôi em, rồi lấy chồng và tàn tạ vì quán xuyến việc nhà chồng không chút thở than; tôi yêu và mơ mộng biết mấy mùi hương hoàng lan trong Dưới bóng hoàng lan… Những câu chuyện mà tôi và có lẽ không biết đã bao thế hệ người Việt từng yêu mến cảm thương cái tình người đằm thắm xúc động trìu mến khó tả trong từng dòng, từng chữ... Cũng như cho đến bây giờ, bất cứ ai từng gọi là có đọc văn chương chữ nghĩa, mỗi khi nói đến Hà Nội hẳn phải nhớ ngay đến Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường...

Thật ra, không biết có phải gien trội hay không, trong khi các người con khác của Thạch Lam và cả những hậu duệ khác của dòng họ Nguyễn Tường- Cẩm Giàng đều có thiên hướng đi về khoa học kỹ thuật, mỗi Nguyễn Tường Giang đã bước vào thế giới thơ, văn từ những năm còn là sinh viên Đại học Y Khoa Sài Gòn từ đầu thập niên 1960. Theo Du Tử Lê trong “Khói hồ bay, định mệnh khác của Nguyễn Tường Giang” (Nguồn: https://dutule.com/a4549/khoi-ho-bay-dinh-menh-khac-cua-nguyen-tuong-giang-), “Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tường Giang từng cộng tác với các nhóm văn hóa như Thái Độ, Đất Nước. Ông cũng là một trong những thành viên chủ trương tạp chí Văn Chương, thành lập nhà xuất bản Thạch Ngữ. Và cũng khá ngạc nhiên, cái gien trội ấy tưởng lẩn khuất trong đời thường bộn bề những dao kéo, bệnh án, bệnh nhân… của một bác sĩ sản khoa, tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968 hẳn hoi. (Ra trường, anh làm việc tại các bệnh viện lớn Từ Dũ, Hùng Vương, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng từng là bạn đồng môn của anh... Qua Mỹ, anh hành nghề tư, tham gia giảng dạy chuyên môn (sản phụ khoa) tại Southside Hospital, Bay Shore, New York rồi tại Virginia Hospital Center, tại Arlington, Virginia. Nghỉ hưu năm 2010) thế nhưng vẫn chưa bao giờ tố chất văn chương trong anh bị dập tắt… Ở hải ngoại, Nguyễn Tường Giang đi tiếp con đường chữ, nghĩa thừa hưởng từ thân phụ, qua những sáng tác đăng tải trên các tạp chí như Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21… Không phải là điều thú vị sao? Nguyễn Tường Thiết từng viết tựa cho Khói hồ bay “Xin cảm ơn Giang về đóa hồng mà Giang đã tặng cho muôn vàn những người không bao giờ làm thơ, trong đó có tôi”.

Nguyễn Tường Giang, sinh ngày 24-6-1942 tại Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, Hà Nội rồi qua bậc trung học ở trường Hồ Ngọc Cẩn và Chu Văn An ở Sài Gòn. Trong “Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng", Nguyễn Tường Giang kể: "Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán số tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai thì người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi đi sinh, cha tôi đang đau nặng. Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy nghĩ nhiều, ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27-6-1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn”. (Khói hồ bay, “Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng”, tr.298). Đọc mà xót xa. Ba ngày tuổi...Thạch Lam chỉ còn là "cái bóng trong tâm tưởng". Và đứa trẻ ấy, côi cút tình cha, bước thấp bước cao trong những ly loạn của cuộc đời con trong cuộc tao loạn chung của dân tộc.

Mẹ ơi
Năm nay con 25 tuổi
cha đã mất đi từ thuở sơ sinh
cây liễu bên hồ căn nhà xưa cũ
mẹ kể cho con đã gãy một phần
con đã lớn lên những ngày ly loạn
bước thấp bước cao trên khắp ngả đường
(Căn phần, Khói hồ bay, tr.207)

Chỉ còn Mẹ là sợi dây liên lạc thân yêu duy nhất của ba chị em với Thạch Lam để Nguyễn Tường Giang biết và nhớ về người cha “chỉ cần cái phẩm hơn cái lượng. Văn chương đời sống ông tinh tế, nhẹ nhàng quá. Người yêu hoa cẩm chướng, viết văn thật sớm vào buổi sáng, dạy học thêm một tuần đôi ba giờ, đến tờ báo vào những giờ đẹp nhất trong ngày” (Khói hồ bay, tr.300), biết cha thích thơ Nguyễn Nhược Pháp, yêu văn Nguyễn Tuân, từng góp phần vào Tương biệt dạ của Huyền Kiêu… Bởi thế, tình yêu dành cho mẹ trong thơ Nguyễn Tường Giang cũng bội phần sâu nặng. Khi mẹ mất, tưởng chừng cậu con út của Thạch Lam hoàn toàn rơi vào thế giới lưu đầy cô độc.

Mẹ hiền giờ đã khuất
Ngàn dặm thân lưu đầy
Nhớ nhà đôi dòng lệ
Biết nói cùng ai đây
(Áo đỏ người phơi trước giậu thưa, Khói hồ bay, tr.57)

Song cái mà Giang thừa hưởng di truyền từ cha, có lẽ không khó nhận ra, như Nguyễn Tường Thiết (con trai út nhà văn Nhất Linh, anh em thúc bá của tác giả Khói hồ bay) đã tin, đó là "Nỗi buồn bàng bạc trong văn ông. Một nỗi buồn không nguồn cội từ trong lan tỏa ra ngoại giới (...) Hầu như tôi luôn bắt gặp trong mỗi đoạn văn ông một nỗi buồn thầm kín nó lấp ló đằng sau mọi niềm vui như chỉ rình chờ để xuất hiện vào những lúc bất ngờ nhất... Văn ông, cũng như văn Thạch Lam, Nhất Linh bàng bạc cái sợi tóc mỏng manh của hạnh phúc. Ông đã thừa hưởng mà không tự biết cái “gien” buồn nằm sẵn trong dòng máu mình, nó nằm trong ông kỹ hơn người khác vì ông có bản chất thi sĩ và vì ông là nhà thơ duy nhất của dòng họ." (Khói hồ bay, tr.291) Cùng cách nhìn, trong lời tựa phần thơ, nhà văn Phạm Phú Minh cũng nhận ra nửa thế kỷ làm thơ từ giữa thập niên thuở hai mươi đến lúc đầu bạc trắng tuổi bảy mươi của Nguyễn Tường Giang: “Nỗi buồn tồn tại như một phẩm hạnh của tâm hồn nhà thơ, nó xác nhận một cái gì bất biến nơi ông, trước những biến đổi cực kỳ lớn cho đời ông cũng như cho đất nước Việt Nam. Dù phải hoàn toàn làm lại cuộc đời nơi xứ lạ, phong tục tập quán và văn hóa cuộc sống chung quanh đều thay đổi, nhưng trong thâm tâm ông đã kết tinh một viên ngọc của yêu thương lẫn đau thương, một loại trái tim Trương Chi không bao giờ tan biến. Đó là chỗ đáng yêu và đáng phục nhất của của tâm hồn Nguyễn Tường Giang, nằm ẩn một cách sâu xa và kín đáo trong tâm sự thi ca của ông…” (Tĩnh lặng, Khói hồ bay, Khói hồ bay, tr.29-30)

Đọc Khói hồ bay, tôi cũng tin như Nguyễn Tường Thiết. Như Phạm Phú Minh.

Còn một lẽ nữa, có chút riêng tư, nhưng vừa mở trang đầu tập thơ văn bìa cứng màu khói nhạt rất đẹp và trang nhã Khói hồ bay của Nguyễn Tường Giang tôi đã bất ngờ thú vị với dòng đề tặng người trùng tên tôi. Lật, đọc thêm..., thú vị tiếp vì người trùng tên ấy cũng là nữ sinh Trưng Vương, cũng ở Thị Nghè… mà trong không ít bài của phần thơ, chàng học trò Chu Văn An ngày xưa hai mươi năm, gần một phần tư thế kỷ sau vẫn còn“để lòng ngẩn ngơ”:
 
Em còn nhớ không em
đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũ
hai hàng me lá nhỏ
anh từng chiều đợi mong
...
Hai mươi năm gặp lại
anh không còn làm thơ
em vẫn Trưng Vương cũ
để lòng anh ngẩn ngơ...
...
(Tình xưa, 1992, Khói hồ bay, tr.75)

Ôi có lẽ không chỉ vì anh có dòng máu văn chương của hậu duệ Tự lực văn đoàn nên thành nhà thơ, mà còn có thể vì chút ngẩn ngơ thơ dại với tà áo, với con đường thơ mộng nhất nhì Sài thành thuở ấy chăng…?

Vơ vào cho vui thế thôi, trước 75, thơ anh là những khắc khoải phận người, những khát vọng tuổi trẻ và tất nhiên, rõ nét là nỗi ám ảnh chiến tranh chết chóc, bạo tàn. Một “thường dân sống ở Sài Gòn” thức dậy sau “cơn ác mộng kinh hoàng”,  một “Em bé lên sáu tuổi” cha mẹ vừa chết khi đưa em đến trường, thân thể em ghim đầy đạn đã khiến người y sĩ trẻ Nguyễn Tường Giang năm 1969 ấy bật thành thơ. Tôi bắt gặp cái nhìn nhân bản đáng quý rất gần gũi với tâm cảm một thời những con người miền Nam:

Khi viên đạn cuối cùng bay ra ngoài nòng súng
ghim vào ngực kẻ thù của chàng
bầy chim trên cành không hót
thấy một người Việt Nam
ngã xuống trong khu rừng...

(Chiến tranh, 1967, Khói hồ bay, tr.254)
Vâng. Không có bên này. Không có bên kia. Chỉ có một người Việt Nam vừa ngã xuống.

Và cái tuổi trẻ một thời đau thương khủng hoảng đọa đày ấy anh đã không dửng dưng nỗi đau dân tộc, đã không ngừng trăn trở: “Trước khi con nhắm mắt/cho tổ quốc dấu yêu/xin mẹ nói cho con được biết/kẻ thù của con mẹ là ai” (Căn phần, Khói hồ bay, tr.209)
Rồi trong nỗi tuyệt vọng, anh tự mình chọn một cách góp phần cho đất nước quê hương:

Hãy trở về Sài Gòn và vào lớp học
Dạy những kẻ sinh sau về đất nước quê hương
Đã không còn đã không còn
Không còn gì cho anh em mới lớn
(Cuộc đời, Khói hồ bay, tr.260)

Có khi người đọc bắt gặp anh chàng thư sinh ấy hoang mang tự thú với mình:

Em
xin em hãy hôn anh cho anh cúi mặt
che giấu nỗi đớn hèn

Chiều nay không biết làm gì anh xuống phố
ngồi trong Pagode một mình
ngó hoài những khuôn mặt cũ
uớc mơ những chuyện không thành
anh tự hỏi anh khi nhìn con phố vắng
mưa xưa hay nắng xưa
trong trái tim anh đã đầy lửa bốc
trong trái tim anh ấp ủ dấu yêu

Em
ôi hồn anh lẻ loi đã khóc
(Ngồi trong Pagode một mình, Khói hồ bay, tr.257-58)

Thơ sau 1975 của Nguyễn Tường Giang chiếm khối lượng chính trong tập Khói hồ bay. Nếu trước 75 chỉ được đưa vào 28 bài thì phần sau 75 ngồn ngộn trong 97 bài thơ bao nỗi niềm của một người nặng lòng với quê hương ở mọi góc độ mà góc độ nào cũng khắc khoải đến nao lòng. Trong đó, nỗi cô đơn sầu xứ như một mạch ngầm chủ đạo không ngừng dào dạt chảy qua từng ký ức, từng khung cảnh làng quê vời vợi nghìn trùng, nhất là một Hà Nội quá nhiều dấu ấn nhớ thương…trong thơ anh. Có khi ta nghe nhân vật trữ tình “tôi” trong thơ Nguyễn Tường Giang- hay chính chàng, tự hỏi:

Chiều nghe thu lẩn khuất bên hồ
ôi những lá sầu nghe đơn lẻ
có nghe căng trong đáy hồn ta
buồn rơi buồn rơi đời quạnh quẽ

Sao ta lưu lạc phương xa này
quê hương gần xa hay đâu đây...
(Thu cảm, Khói hồ bay, tr.53)

Điều cảm động là dù sinh sống ngoài quê hương đất nước, nhưng ý thức gìn giữ hồn dân tộc còn thể hiện qua niềm quý yêu trân trọng tiếng Việt, chữ Việt, theo cách của anh. Anh có bốn người con. Hễ tốt nghiệp đại học là anh cho về Hà Nội, đăng ký học một khóa tiếng Việt bởi theo anh, đơn giản là “cháu nội nhà văn Thạch Lam mà viết câu tiếng Việt không thành thì coi sao được!” Ôi, con trai Thạch Lam, cháu nội Thạch Lam…và tiếng Việt yêu thương… Sau này, anh đã nhiều lần quay trở lại quê hương. Những ngôi chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trấn Quốc… ẩn hiện trong thơ anh, đặc biệt là những dòng sông quê hương, sông Hồng, sông Đáy...vẫn lẩn khuất đâu đó trong tận cùng hồn mộng để rồi không ít lần bơ vơ ngược ùa về trong thơ Nguyễn Tường Giang:

Tôi qua bến đó sầu đơn lẻ
một bờ đê nhớ một bờ đê
giải mây trắng vắt ngang núi cũ
hồn phất phơ gió ngược thổi về.
(Chiều qua sông Hồng, 1996, Khói hồ bay, tr.140)

Có khi là một mình bên bờ sông Đáy ngày nào thân thương, nhưng cảnh vật chắc đã đổi thay sau bao ngày dâu bể khiến lòng anh bỗng thành “kẻ lạ”. Cái cảm giác “lòng như kẻ lạ” đâu phải chỉ riêng anh nhưng sao qua thơ anh thiết thê quá đỗi:

Tôi đứng mà lòng như kẻ lạ

một hồn ma đắm mấy đoạn trường
đêm nghe tiếng vạc kêu sương
về đây rửa nốt vết thương cuối đời.
(Bên bờ sông Đáy, 1997, Khói hồ bay, tr.159)

Du Tử Lê nhận định “Nếu những trang thơ của Nguyễn Tường Giang là những cật vấn trực tiếp với cuộc đời, với nhân thế thì, những trang văn của họ Nguyễn lại là những nhát cuốc đào xới quá khứ lao lung. Một qúa khứ lênh đênh, bập bềnh những những mất mát. Thất lạc. Chia tan.” (Khói hồ bay, Định mệnh khác của Nguyễn Tường Giang). Định mệnh ấy nào của riêng ai. Những ký ức. Những hoài niệm. Chuyện xưa, chuyện nay...đưa buổi gặp gỡ về ngôi nhà lưu niệm của Tự lực văn đoàn đang bỏ không ở Cẩm Giàng, Hải Dương, về chuyến tàu hụt tôi và anh Nguyên Cẩn định đi nửa tháng trước khi Quán văn 50 ra Hà Nội chỉ để đến nhìn một lần cái ga xép đầy bóng tối, hay cái cửa hàng xén cũng đầy bóng tối của chị em Liên và An...

Làm sao tôi quên được những tư tưởng canh tân lãng mạn, quan niệm sống mới mẻ và đẹp đẽ mà Tự lực văn đoàn đã gieo trồng và nẩy chồi đâm lộc bén rễ trong tâm hồn thế hệ chúng tôi. Cho đến bây giờ, tôi như vẫn lặng nghe tiếng chuông chùa Long Giáng một chiều lá đổ khi Lan và Ngọc ngồi bên nhau phút chia tay trong Hồn bướm mơ tiên. Tôi vẫn thấy Lạc và Thức hụp lặn trong sóng nước và tiếng chị ngập ngừng thì thào mà cương quyết ngời ngời đức hy sinh vô bờ: “Thằng Bò…, Cái Bé …, cái Nhớn... Không... Anh phải sống!” trong tác phẩm cùng tên của Khái Hưng mà ngày bé chính tôi đã thuyết trình nhập vai nức nở trong giờ Việt văn lớp Đệ lục của cô Thanh Mai… Tôi cũng thấy Vọi thất thểu sau chuyến Hà Nội về, đi khắp hòn Trống Mái mà viết trên đá hai chữ V-H... Và cả cuộc hôn nhân cũ-mới đầy bi kịch của Loan, "cái cô trắng răng" trong Đoạn tuyệt... Và những Nhung, những Mai, những Lộc, những bà Án, bà Tuần, bà Phủ... trong các câu chuyện “môn đăng hộ đối”, “đa thê”, “mẹ chồng nàng dâu”… đè nặng cái xã hội Việt Nam âm u xám xịt những nho phong lễ giáo cũ kỹ đầu thế kỷ XX… thấp thoáng trang sách Việt văn một thời tranh cãi sôi nổi trong giờ học đệ tam đệ tứ ở Trưng Vương, ở Thánh Mẫu của tôi...

Song ai từng yêu mến những trang văn Tự Lực Văn Đoàn hẳn không khỏi ngậm ngùi xót xa lẫn bất nhẫn khi về phố huyện nơi có ngôi nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn đang dường như bị quên lãng, hoang phế tiêu điều lặng lẽ nằm cách ga xép Cẩm Giàng Hải Dương gần 200m. Ngày ngày, ba chuyến tàu vẫn đi về Hải Phòng- Hà Nội, dừng lại Cẩm Giàng 3-4 phút đúng y hình ảnh chuyến tàu đêm qua phố huyện Thạch Lam viết trong Hai đứa trẻ từ thế kỷ trước… Những tiếng còi tàu vẫn hụ dài mỗi chuyến dừng chân hay lăn bánh như âm thanh thường nhật của phố nhỏ,  vẫn cứ thế, cứ thế… Chợt băn khoăn còn ai nhớ ai hay chính chốn này từng là nơi sinh hoạt văn chương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đình đám làng văn trước kia - một văn đoàn tự lực hoạt động, có tôn chỉ riêng, bị o ép đủ điều bởi nội dung cấp tiến, cổ súy khoa học và cái mới, chống lễ giáo phong kiến cổ hủ lỗi thời… mà có nhà in riêng, có cơ quan ngôn luận riêng, báo Phong Hóa bị đóng cửa thì có báo Ngày Nay thay. Tôi còn nhớ một ví dụ vui về từ đồng âm khác nghĩa thời đại học “Ngày Nay, ngày nay in ở Ngày Nay” Nếu không viết hoa tên báo Ngày Nay và nhà in Ngày Nay, và không biết về hoạt động Tự Lực Văn Đoàn hẳn không ít sinh viên/giáo viên lúng túng. Chỉ hơn 10 năm tồn tại, “thông qua nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mà Tự Lực Văn Đoàn đã thổi một luồng gió khai phóng vào xã hội Bắc Trung Kỳ, ít nhiều thoát khỏi sự ràng buộc của những lề thói đã không còn thích ứng được với nhu cầu thời đại và tìm ra hướng tiếp cận xu thế hoàn cầu” (Wikipedia) góp phần quan trọng trong việc hình thành chủ nghĩa lãng mạn của Văn học Việt Nam hiện đại những năm 30 đầu thế kỷ XX.  Sau này, qua một số nhà văn miền Bắc, tôi được biết nhiều thế hệ học sinh ngoài ấy hoàn toàn không hề biết tới một thời vàng son của văn xuôi Việt Nam những năm đầu thế kỷ này. Chưa hề đọc Tự Lực Văn Đoàn, chưa hề biết Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam... Mãi lâu sau ngày đất nước thống nhất, giao lưu Bắc Nam tư liệu thông thoáng, một số nhà văn đã tự tìm đọc và ngạc nhiên… sao có một bộ phận văn xuôi lãng mạn hay, đẹp, giàu tính nhân văn tuyệt vời đến thế… Năm 2008, Hội thảo kỷ niệm 80 năm Tự Lực Văn Đoàn được tổ chức ở ngay ngôi nhà lưu niệm danh giá này. Khu đất gia tộc Nguyễn Tường gần như bỏ hoang, an ủi duy nhất là có một cái biển xanh chữ trắng ghi dòng chữ: “Nơi lưu niệm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN (1932-1941)” do Uỷ ban nhân dân thị trấn Cẩm Giàng dựng lên năm 2006. Ông Nguyễn Thanh Đạm - người trông nom khu lưu niệm cho biết: “Nhiều tư liệu gồm các tác phẩm của nhóm đã chuyển về các nơi khác để cất, vì ở đây ẩm, mốc lắm" (Không biết còn những gì và đã chuyển đi đâu?). GS Nguyễn Huệ Chi cũng ngậm ngùi: “Bên trong hoàn toàn không còn gì. Nhà Ánh Sáng không còn nữa. Chỉ còn một cái ao, nhiều cây cối. Nếu dựa trên các hồi ký của gia đình TLVĐ mà phục chế lại thì được. Nhưng hiện họ đã có kế hoạch gì đâu. Tiền hình như cũng chưa kiếm được.”
  
Thời gian có phải trong vô tận
âm dương tĩnh lặng khói hồ bay

(Thu ở Vermont, 1990, Khói hồ bay, tr.69)

Vâng. Cho dù Thời gian đang làm chìm mờ đi bao nhiêu dấu vết một thời vang bóng không bao giờ trở lại của Tự Lực Văn Đoàn, của văn xuôi lãng mạn Việt Nam, song thời gian, với Cái Đẹp, tôi tin sẽ mãi là vô tận.

Tình yêu với cái Đẹp và Con người, cùng những giá trị đích thực của nó cũng sẽ mãi là vô tận.

Cảm ơn anh, Nguyễn Tường Giang, người con của Thạch Lam và bao nhiêu tâm huyết của nhiều ngòi bút khác trong và ngoài nước, đã và đang tiếp nối gìn giữ những trang văn, trang đời Tự Lực Văn Đoàn, báu vật của văn chương dân tộc còn mãi với thời gian...

Thị Nghè,
Chiều thứ bảy đầu tiên của tháng 12, 2017

HOÀNG KIM OANH