Thursday, September 26, 2019

1249. DƯƠNG ĐÌNH HÙNG truyện ngắn ĐỊNH MỆNH TRONG NGÔI NHÀ XƯA



Cơn bão chấm dứt lúc giữa đêm, giòng nuớc lũ rút dần ra biển Đông. Buổi sáng mặt trời ló dạng giữa đám mây đen. Ngôi nhà mở mắt đón chào nắng mai, tiếp nhận những làn sáng ấm, xuyên qua những song cửa bàn khoa. Mấy ngày qua, đời sống, đời nguời, đất trời rung động mạnh khi bão tới là chuyện thường niên vùng đất này.

Nhà nghe tiếng chim réo gọi ríu rít trên cao, trên tàng cây mận cây mít sau vườn. Bầy chim trốn mưa lũ trong nhà, dưới mái ngói rêu phong vụt bay ra ngoài kiếm bầu bạn líu lo .Ngôi nhà ấm lên đôi chút, tận huởng làn hương trầm bốc lên quyện giữa tiếng chuông ngân thanh thoát. Ngôi nhà lắng nghe đuợc tiếng khấn vái của chủ nhân, mặc chiếc áo dài đen, nghi lễ thường lệ mỗi ngày khi thắp nhang trước bàn thờ. Đêm nay, đôi mắt ông nhắm nghiền , người đứng thẳng gương mặt căng thẵng, thành tâm, lo lắng: 
-  Cầu trời đất, Bồ tát phù hộ cho mẹ con được tai qua nạn khỏi. Cầu thằng Cu khỏe mạnh, vuông tròn.

Bàn tay ông cầm tách trà nóng, nét mặt lo âu, ngước lên nhìn lổ hổng mấy viên ngói bay đi, lẫm bẫm " Thằng Cu, thằng Cu …" Ngay chính ngôi nhà cũng lạ lẫm khi nghe nhắc đến tên thằng Cu trong gia đình này.

Gần hai thế kỷ qua, ngôi nhà là chỗ trú nắng che mưa cho dòng họ này, chuyện gì nhà chẳng nghe, nhà chẵng thấy. Chuyện trên núi, bên kia sông, ngoài chợ, chuyện khổ nạn chiến tranh, đói khổ họ bàn tán…từ ngày xa xưa , ngày đầu tiên ông Tổ, ông Sơ, ông Cố…đến lập nghiệp, cho đến đời này. 

Chuyện thường lệ nhất là sau một cơn lũ, bốn người  tớ gái, vợ ông chủ cùng hai cô con gái, họ đã thức dậy sẵn sàng bắt đầu công việc là tập trung chùi rửa sàn nhà, bùn đất bám đầy phần dưới thân mình ngôi nhà. Ông chủ trong chiếc quần cụt, mình trần, miệng la hét đôn đốc chỉ huy công việc dọn dẹp. Hạ thấp tủ sách xuống. khiên gạo  thóc trên sàn rầm thượng xuống, sắp xếp bàn thờ gia tộc …mặc họ hối hã, căn nhà khoan khoái tận hưởng giây phút hạnh phúc, dịp được người tắm gội, chăm sóc lau sạch, sạch lớp bùn vàng tanh hôi trong làng nuớc lũ, khiến nó bực dọc nhiều ngày qua.

Bên ngoài con nước ngấp nghé gang tay so với mặt đường nhựa, nghe vọng động tiếng nói cuời của đám người lội nuớc lũ, tiếng bánh xe cọt kẹt của người phu kéo, kéo cho xong hết một kiếp người. 

Cơn bão làm ngôi nhà đớn đau, làm lớp da đầu bên phải bị tróc đi một lớp, mấy chục viên ngói liệt phủ phía bên trên, tung tóe, bay rơi rớt xuống sân, khi bụi tre bỗ nhào, đầu tre vắt ngang trên nóc, đè mạnh đẩy ngôi nhà muốn ngạt thở. Ba mươi sáu chân cột của nhà tê dại phình to vì ngậm nước lũ, nuớc dâng cao tràn vượt qua chân táng. Rã rời, đớn đau lạnh buốt dìu ngôi nhà chìm trong giấc ngủ mê mệt.

Nhà choàng tỉnh giấc, nghe tiếng quát tháo bên dưới, bên mâm cơm bốc khói:
- Tụi bây thấy ông chủ đi đâu không? Cơm trưa không chịu ăn? .

Đám gia nhân sợ hải, có tiếng đáp lí nhí:
- Con thấy ông đi nhanh ra cổng, qua cầu Phú Cam khi bà đang ở trong bếp . Con không biết đi mô?

Giận dữ bực dọc, bà khoát tay cho đám tớ gái rút xuống nhà dưới. Bỏ đôi guốc gỗ nằm chênh vênh dưới sàn gạch, vén ống quần,  leo lên bộ ván dày , kéo rỗ trầu cau, mấy ngón tay bà gọn gàng túm miếng cau, kẹp lá trầu đưa vào miệng giữa hai hàm răng đen bóng. Bà thở dài bên mâm cơm, nhìn ra sông phía trước nhà bị che chắn một một phần do cái bình phong ngăn cách  lẫm bẫm: 
- Đi theo con đĩ nào nữa rồi! Cái tật không chừa! Mấy năm trước theo con ả đào xứ Nghệ, may là Trời bắt nó ở ngoài đó.

Nhai xong miếng cau, nhổ toẹt chất nước đỏ sềnh sệch vào trong cái vố bằng đồng óng ánh, đôi tay bà cuốn tròn điếu thuốc vấn kèn dài, hít một hơi , những vòng khói thuốc cuộn lờ mờ , nối tiếp bốc lên cao.

"Boong...boong..."  Bà ngước nhìn giận dữ cái đồng hồ lên tiếng báo giờ. Đồng hồ trong chiếc thùng gỗ to bằng cái tủ xưa đựng áo quần kê sát tường, món đồ cưới của ông chủ nhà băng tặng  hai người . Bà mệt mỏi, nằm ngữa trên chiếc ghế dài tràng kỷ, mặc cho tóc rối bời tỏa trên bờ vai , lộ đôi bàn chân thon trắng giữa hai ống quần, tay mân mê chiếc kiền quanh cổ. Bất động vài phút, bà tựa khuỷu ngồi dậy la to: 
- Tụi bây đâu cả, lên  đây tao bảo. Có tiếng " dạ ", tiếng bước chân vội vã chạy lên nhà chính, lắng nghe mệnh lệnh:
- Qúa hai giờ trưa, ông già chưa chịu về ăn cơm. Hôm nay là ngày chủ nhật đâu có đi làm. Tụi bây chia nhau, một đứa qua phố, một đứa vô thành, một đứa xuống chợ tìm ông chủ về cho tao nhanh lên.

Đám hầu hạ chạy nhanh ra cổng. Tiếng sóng cơn nước lũ vang động một góc đường, hòa lẫn tiếng nguời vớt củi trên sông, tiếng người la hét khi con cá gáy phóng cao lên trời mỗi lần mắc bẫy, bay trên chiếc lưới như thiên la địa võng trãi rộng, gần khuất kín một giòng sông. Mặc thế sự trôi nỗi, dòng sông thẳng mơ hồ, đa điệu khi thời tiết đổi thay. Lửa cháy bập bùng trên những con đò con neo sát tường rào, có chiếc chui đậu trong vườn dưới táng cây già. Huyên náo những con đò từ giả giòng sông xuôi ngược trên những con phố đông người tránh giòng nước cuộn. Không gian xanh tím, nhà chìm trong giấc ngủ không yên khi mặt trời chìm sớm trong đám mây xanh đen phủ vây.

*

Tiếng chuông vọng lớn hơn mọi ngày đánh thức ngôi nhà. Bên dưới , ông chủ đang châm thêm chút dầu ngọn đèn leo lét trên bàn Phật. Thắp gần mười cây nhang cho gần mười bài vị, bài vị những con người khuất bóng nhưng vẫn còn hiển hiện đâu đây. Có bài vị tên ông Tổ, chuyện ngàn năm truớc làm Thứ sử Châu Hoan bị chính quyền đô hộ nhà Đường cho tru di ba họ.  Mùi hương trầm làm ngôi nhà khoan khoái dễ chịu, nhưng vẫn nhức đầu do cây tre đang gát trên mình chưa ai chịu kéo xuống. Gió lạnh rét buốc mùa đông trùm vây tứ phía. Bước chân nhẹ trên đôi guốc của bà chủ , trên lớp gạch chùi bóng, sát bên ông nhỏ nhẹ:
- Ông ăn cơm tối đi kẻo nguội lạnh. 

Không tiếng trả lời. ông ta quay người bước đến cái sập gụ, bỏ mùng xuống  , chui vào, kéo chiếc chăng phủ kín đầu, thêm tiếng nhát gừng không vui:
- Tôi không đói, bà dẹp cơm đi.

Người vợ bó gối, một lát đổi thế ngồi chéo chân cạnh giường cằng nhằng:
-Trưa bỏ cơm, tối cũng vậy! Ông lại đeo đuổi con Lan dưới chợ Hôm phải không? Bàn tay bà kéo mạnh, giật chiếc  mền len  đang phủ kín đầu ông.
- Để tôi ngủ, mai còn đi làm sớm. Đôi bàn tay ông giữ lại, co rúm người bất động dưới tấm chăn bông vàng nhạt, vân đỏ nâu, như lớp da con hổ thu mình yên giấc.

Tiếng khóc thút thít nấc lên, bà bước gần bên bàn thờ, khấn  lầm bầm nhiều tiếng không nghe rõ. Tiếng guốc lướt nhẹ xuống nhà dưới, bà trở về phòng ngủ với hai con gái. Đêm yên lặng. Bóng tối hắt hiu trong tiếng cựa mình không ngủ của ông chủ, thao thức cùng tiếng rền vang, bản đại hợp tấu ếch nhái không dứt bốn phương bủa vây. 
            
Ngôi nhà tủm tỉm cuời - im lặng để nhớ đời, nhớ những con người bên dưới qua mau ngắn ngủi -  chuyện tình hôm nay có thật rồi!. Ông Cố nội gần giống như câu chuyện nó nghe hôm nay cũng là đêm kinh hoàng in đậm trong lòng. Cái thuở ngôi nhà còn một gian hai chái, tre lá phủ đầy người đâu có ngói gạch như hôm nay. Thời đen tối hoảng loạn bên kia giòng sông lính Tây chiếm phá kinh thành, ngọn lửa cao ngất trong mảng thành quách rêu phong, là lúc ông Cố có cô bồ. Mọi chuyện ngỗn ngang rối bùng lên, đêm nóng khô hừng hực, khi cơn gió nồm thổi vào. Cuối cùng bà Cố nội cũng dung thứ để ông cố có thêm cô vợ cho vui nhà, vui cửa. 
            
Chuyện tình cô Lan, ngôi nhà đã nghe ít nhất gần hai năm rồi. Thỉnh thoảng họ có to tiếng lẫn nhau - họ  gây gỗ nhau nhưng không dám cho con cái , kể cã người làm hay biết  Có lần bà chủ khuyên ông:
- Sao ông lại đeo đuổi đứa con Lan tuổi bằng con gái mình? Không sợ xóm giềng chê cười? Đứa con gái gì thiếu ăn học…vâng  vâng và …vì cô Lan  bán quán gần cơ quan làm việc, nên ông chẵng bao giờ  về nhà ăn trưa? Tại sao thái độ, khuôn mặt ông lúc này sao cứ là lạ?
Ngôi nhà ngái ngủ nhớ lại, bên ngoài khi bóng đêm bao trùm thêm những cây đuốc lô nhô sáng dọc ven sông mùa nuớc lụt.

Vài tuần sau khi những viên ngói được lợp đầy ngay ngắn, cây tre bổ nhào được hạ xuống, những chân cột được lau sạch …nhà thở nhẹ nhõm, mừng vui. Buổi chiều tối tiếng chuông vang lên, ông chủ thắp nhang xong, trầm ngâm ăn tối chung với ba mẹ con. Bửa ăn kết thúc nhanh, ông lên tiếng:
- Tụi con dọn dẹp mâm cơm để ba mẹ có chuyện cần bàn.
Khi chỉ còn hai người, ông nhìn bà giọng giận dữ:
- Bà làm gì mà xuống tận chợ Hôm quậy phá, tìm con Lan? Tôi không thích chuyện này bà làm rùm ben.
-Ai nói cho ông biết?
- Mẹ cô Lan kể  cho tôi và nhiều người khác nữa.

Nét mặt tức tối, bà chủ rít lên:
- Người ta đồn đại, ông giấu con Lan ở chợ Sam, ngày mai tôi và bà Trợ sẽ cùng đi tìm tiếp. Khi nào tìm ra, bà sẽ xé xát con qủy ra trăm mảnh - chuyện này không yên đâu! Nói xong bà chủ vò đầu, đôi bàn chân dậm mạnh xuống nền gạch, khóc, rống to, nghe phát khiếp.

Ngôi nhà chịu đựng lắng nghe, đầu óc như điên tiết, muốn bịt lỗ tai lại. Bên trên mái ngói như rung động theo tiếng nấc từ dưới. Ông bước ra vườn không vui, đi đi lại lại chục vòng quay cái vườn rộng thênh thang, quanh chiếc ao ngập  lá lục bình. Đến ngồi bên hòn non giả, đôi mắt trân trân nhìn chòm cây bồ đề soi bóng nước, rồi lặng lẽ vào giường ngủ.

Tờ mờ sáng, ông rón rén ra khỏi nhà khi tiếng gà mới cất tiếng gáy. Ông không quên im lặng thắp nhang, không động chuông, không uống trà, không đánh răng rửa mặt như mọi ngày.
            
Rạng mai, khi  dọn trà lên, vén chiếc mùng lên không có bóng người , bà la toáng lên:
- Có đứa nào biết ông đi mô?

Đám hầu gái lắc đầu, chẵng biết mô tê .Bên ngoài nghe tiếng hàng gánh réo gọi, những bước chân nhanh trên chiếc đòn tre, tựa trên chiếc vai, song song với đường đời không dứt.  Vạt áo dài trước sau của người hàng gánh , phất phơ, gắng sức cố bám quanh một thân người.

                                                *
Ngày kế tiếp, ngôi nhà được chứng kiến bộ chỉ huy mấy Mệ họp - từ bà Trợ , bà Phán, bà Tuần…trong không gian huyên náo, thời khắc ông chủ đã rời khỏi nhà đến sở làm.

Những người tớ gái theo đuôi hầu mấy bà, mang theo những đảy trầu thuốc , những túi trầu cau thuốc lá. Những đảy thuốc đủ màu xinh xắn, sắc đỏ xanh vàng trông vui mắt. Họ tụ quanh sập gụ, cạnh chái nhà phòng học con gái lớn.

Huệ - Phương xếp cuốn sách lắng nghe chuyện người bàn về cha nó.  Tiếng tranh luận lao xao về con Lan, tiếng nhai trầu, chiếc lưởi hồng đỏ thè ra ngoài, liếm nhẹ trên miếng giấy quyến trắng mỏng, ngón tay nhẹ nhàng cuốn vòng điếu thuốc cẩm lệ.

Khói thuốc mịt mờ bay, bay theo làn gió, phụ họa theo nhịp phe phẫy từ cánh quạt mây to bằng chiếc nón lá, theo nhịp cánh tay qua lại cô hầu gái đứng sau cột gỗ tròn.

Những điếu thuốc gần tàn được các bà dán trên cột nhà. Chân ngôi nhà mọc thêm lớp vãy mới có hơi hám mùi vị khác nhau. Nhiều câu hỏi tranh cải nêu ra trong nổi nghi vấn không dứt:
- Tôi biết con nhỏ Lan đã nghỉ làm trong quán ăn với mẹ nó gần 4 tháng nay , giờ đây không biết ở chỗ nào?
- Nghe đâu có đi khám bệnh nơi Thầy Viên nhiều lần để bốc thuốc - có thể nó có bầu?
-Người ta nói ông nhà lúc này ít khi ăn cơm quán mẹ con nhỏ - có người thấy ông dưới chợ Nọ, khi thì chợ Mai, có khi qua làng Sình …?
-Cái ông nhà bô trai, tiếng Tây, đàn địch thơ phú giỏi nên khối con nhỏ đeo đuỗi!
- Con Bông nhà tôi, tuần trước về quê, trông thấy ông nhà đi xe kéo vô làng Sình, hay ngày mai bà thử xuống đó xem thế nào?

Những cánh tay mềm mại đưa lên xuống quanh bình nước trà ướp hương Ngâu thơm ngát. Họ uống từng ngụm, khóe miệng, môi đỏ dìm trong chén nhỏ có màu xanh ngọc.  
- Sáng ngày mai, bà sẽ xuống làng Sình, bà sẽ xé xác con yêu tinh đó . Nói xong vỗ bà mạnh trên chiếc chiếu hoa làm chén trà nghiêng đỗ.

                                                *
Cơm chiều dọn lên, có trái cà dê nướng trộn nước mắm gừng, cá nục kho xếp thẳng hàng trong cái dĩa, tô canh cải xanh bốc khói, cơm trắng xới trong cái bát. Những đôi đủa mun đặt trước dĩa nhỏ.

Ông chủ ăn chưa hết một bát cơm bỏ đủa, nét mặt không vui, im lìm bước ra sân nhìn sương chiều loang loáng trên cao. Cảnh vật phủ đầy sương, tím dần bủa vây tứ phía. Ông đứng cạnh bể cạn đôi mắt như cố tìm con cá vàng trốn chạy bóng đêm.

Huệ Phương, con gái đầu buớc nhẹ canh cha thỏ thẻ bên tai " Con nghe mẹ sáng mai đi làng Sình " Ông giựt thót nguời, nhìn vào đôi mắt con gái, vỗ vai con:
- Cám ơn con - hình như nhà này chỉ có con mới hiểu ba, đồng minh với ba.

Vào nhà thay bộ đồ ngủ, lên giường nằm, nhưng lòng không yên, ông rảo bước ra sân ngắm nhìn con Kỳ Lân cẩn trên bức bình phong.

Quay người, ông đi nhanh khỏi cổng, dạo bộ theo con đuờng nhỏ ven sông , nhìn ngắm những rễ cây si buông lơi trên mặt nước yên, hàng tre hai bên sông cuộn mình như muốn xích lại gần nhau, tạo nên vòm xanh soi bóng nước.

Dừng lại trên cầu, quay lại nhìn ngôi nhà, ẩn hiện mái ngói rêu phong có đôi Long chầu nguyệt, ửng nỗi đêm trăng mười tám.  Không xa là bến Trâu, giờ cũng im lìm chẵng còn con trâu nào tắm gội, chỉ còn loang loáng ánh trăng đêm trãi dài cô độc.

Trong tầm ngắm của ngôi nhà xưa, khi vắng bóng người qua lại, ông vội  đi nhanh qua cầu, mất hút vào ngỏ hẹp có mái nhà tranh ông Mẹo kéo xe.

Một lát sau bóng ông rảo nhanh về nhà, một đêm tối trằn trọc khó ngủ, trăng sáng xuyên qua khe cửa bàng khoa dừng lại.

Mặt trời mọc lên giữa rặng cau, nắng mai chênh chênh đi qua khung cửa, đến những khoảng hẹp trên cao, ẩn hiện rõ những hoa văn chạm trỗ tinh vi đầu cột, liên ba… Những vân hoa lá biến hình thành rồng, thành phụng chạm nỗi ở đòn tay. Nắng dừng lại nơi bàn thờ, qua những khoãng trống chạm lộng công phu của một đời người sáng tạo.

Bàn thờ không có tiếng chuông vang lên, mùi hương trầm mỗi sáng dâng lễ , chỉ nghe tiếng rên la quằn quại trong chiếc mền phủ kín người ông chủ, bàn tay ông luồn ra khỏi mền, nắm bàn tay con gái giọng thều thào:
-  Con vào Sở xin phép ba nghỉ vài ngày, đau qúa không chịu nỗi, chắc phải đi nhà thương. Ghé nhà thầy Lang nhờ thầy cố gắng đến nhà chẩn bệnh cho  ba. Bà chủ ngồi cạnh chồng lo sợ, vén chiếc mền xoa dầu tràm dưới lòng chân ông cho nóng lên, nghỉ đến vào nhà thương nhộn nhịp đông người cũng đã phát rét lạnh người kinh sợ.

Một ngày ghi nhận, ông không chịu ăn bất cứ món ăn gì mặc cho vợ ngồi không yên bên cạnh. Thầy Lang xem mạch, bốc thuốc. Thuốc mua về nấu trên lò, mùi cam thảo tõa khắp nhà. Ông khăng khăng không chịu uống thuốc, trùm chặt thân người. Bạn bè lối xóm ghé thăm, ông chẵng buồn trả lời.

Đến chạng vạng, người kéo xe đến nhà, vào xin phép để đưa ông vào nhà thương. Ông Mẹo ngồi khá lâu bên cạnh giường, đôi bàn tay mò mẫm trên chiếc mền trông tội nghiệp. Nhằm lúc chỉ còn hai người, ông Mẹo thì thầm sát tai :

-  Mọi chuyện con lo xong rồi - Con chuyển cô và thằng Cu xuống đò cho an toàn.

Nói xong ông Mẹo biến mất khỏi nhà, tiếng rền rĩ nhỏ dần, ông chủ ngồi dậy ăn bát cháu đậu xanh vì suốt ngày chưa có gì trong bao tử. Bà vợ lặng nhìn  bước nhẹ đến thắp nhang, vái Phật, cầu an giữa ánh đèn leo lét, chút trầm hương bốc tõa từ chiếc lư đồng cổ, món đồ xưa.
            
Ngôi nhà từng là chứng nhân những hoạt cảnh bên dưới gần cã chục thế hệ qua.Tiếng ngáy cơn ngủ say của ông chủ, riêng nhà vẫn thao thức không yên.

Thế hệ từng đời người qua đi, ngôi nhà vẫn còn tồn tại mặc cho thế sự thăng trầm nghiêng ngữa. Nỗi đau của con nguời có thể xoa dịu từ chính con nguời hỗ trợ giúp đở cho nhau, từ lời cầu xin khấn nguyện, từ thời gian làm cho phôi pha…

Nhưng nỗi đớn đau của ngôi nhà ít hiếm người hay biết. Muời cái chân cột nhà giữa đã bị mối mọt đục khóet từng giờ làm nó đau điên tiết, nhất là sau những cơn lũ. Mưa lũ giúp cho đám sâu bọ gậm nhấm tứ chi ngũ tạng  rã rời...

Đôi khi, ngôi nhà muốn hét to cho mọi người hay, muốn cầu xin ông Tổ 18 đời dòng họ này lắng nghe để giúp đở.

Ông Tổ có bài vị nằm ở đây vẫn câm lặng không lời - ông đến đây ngót mấy trăm năm từ cái thời vua Lê niên hiệu Hồng Đức, thời ông đuợc Vua ban là Kiến Oai Tướng Công, theo Vua vào xây dựng phương Nam. Khi đó nhà chỉ một gian hai chái, nhà vị tướng thanh liêm nho nhã.

Nhà được sửa sang dựng xây đích thực từ đời thứ 12, thời ông Sơ là đội trưởng Nội Trực Vệ bỏ công làm nên suốt 5 năm ròng để phình to thành ba gian hai chái, làm thêm bộ bát bửu có 8 món binh khí dựng đứng…cái thời chung quanh vùng này là cánh ruộng chập chùng,  ít bóng người, ngôi truờng Pháp tự Quốc học trường  còn là trại hải quân, mấy đời người trong gia tộc này phải đến đó học biết chữ  - rồi căn nhà  tồn tại nhìn đời người qua đi. Chủ nhân ngủ ngon, ngôi nhà còn đau nhức ầm -ỉ.

&
       
Đông sắp tàn, Xuân sẽ đến, nhà nhà đều rộn ràng chuẩn bị mọi thứ đón năm mới. Những người đàn bà môi đỏ cau trầu hôm nào đến tụ họp trên chiếc sập gụ, bàn tán inh ỏi. Bà chủ giận dữ, thóa mạ, chưởi bới không từ nào thiếu:
- Nào là con đĩ ngựa hớp hồn. Trời ơi là trời! Nó vừa đẻ một đứa con trai! Ông ta dấu nhẹm mẹ con tụi nó dưới đò!
-  Trời đất thương tôi nên tôi biết đuợc tụi nó rồi.
-  Hôm qua tôi xuống đò, mấy chị biết không, đám lái đò đánh hơi đuợc, tụi nó chèo đò chở con qủy Lan qua tuốt bên bến Cồn. Chiếc đò này ông nhà thuê ở duới bến đò Bao Vinh của mụ Béo.-Tôi thề sẽ bầm thây hai mẹ con ác ôn con đĩ! Bà ta lại khóc lớn, nhảy xuống sập đấm tay bình bịch vào thân cột nhà, cái đầu gỏ nhịp theo vào…trông khủng khiếp.

Cái cột rung rinh muốn tuột khỏi chân táng - bà ta khóc lớn, ngôi nhà muốn ngất xĩu do cái chân bị mối mọt lâu ngày nên cũng muốn đứt lìa xa. Cái đòn tay lắc lư. Miếng lam chạm lộng hình con dơi biểu trưng hạnh phúc đời người  gắn nơi giao tiếp liên ba và cột nhà rung động liên hồi, chịu không xiết nên bứt mộng, rơi mạnh xuống đất làm mọi người hoảng hồn, choàng tỉnh. Giây phút chợt yên lặng bên trong nhà.

Bà Trợ đến quàng vai bà chủ, nhẹ nhàng khuyên lơn:
-  Thôi em bớt giận - giận quá làm gì cho khổ thân mình. Em phải tìm kế sách khác, không thiên hạ cười chết. Vã lại ông nhà cũng chưa có trai nối giỏi tông đường. Thằng nhỏ dù sao cũng lỡ mang giọt máu của ông nhà.
.Nhiều bà nêu lên những ý kiến khác nhau. Đôi mắt bà chủ long lanh, hàm răng nghiến chặt, bỏ mặc mọi người, đi nhanh ra cổng kéo theo người tớ gá .Không biết họ đi về phương nào!

Họ đành tan hàng, riêng ngôi nhà rên siết đớn đau vì cái chân què quặt chẳng ai đoái hoài. Thời ông Nội, có trùng tu sửa chửa ba cột chính, riêng cái cột mối mọt gậm nhấm đau khổ này, vẫn còn xưa cổ sắp đến ngày tiêu tán. Nhà 36 chân cột, đè nặng mấy khối gỗ, thêm mái ngói liệt trên cao, nối nhau liên kết bằng mộng và mộng. Bền vững chắc chắn như con Rùa bám dính vào đất đá khó có cái gì lật ngữa được. Cơn bão năm Thìn dữ dằn, leo đến gần nóc nhà, chưa làm ngôi nhà cuốn trôi hoặc bỗ nhào, cùng lắm sụp đỗ một phần mái ngói. Nhà thay cột thay kèo dễ dàng như thay món đồ chơi , nhẹ nhàng nâng nhà lên ,  rồi gắn thay chiếc cột khác vào. Chỉ có con người có quyền hủy diệt và tàn phá nó, nhưng người muốn thay đổi vợ thì khá long đong.
        
Xế trưa có tiếng lao xao ngoài bến sông trước nhà. Bà chủ hùng hổ đi vào cổng, có thêm tiếng khóc thét của em bé được ẵm trong đôi tay người tớ gái, thêm ba thằng con trai bảo vệ bám theo. Bà nghỉ mệt, lau giọt mồ hôi nhể nhại ướt chiếc áo. Miệng nhai trầu trong nét mặt đắc thắng, giọng nói đắc thắng" Cho mày biết tay Bà " lẫn tiếng khóc thằng bé dội từ nhà sau. 

Một khoãng thời gian ngắn, lao xao một con đò ghé bến, có tiếng than khóc người đàn bà trẻ ngay vòm cổng trước , tiếng ồn ào của xóm giềng ngoài bến sông. Lệnh của bà chủ ban ra:
- Chỉ cho phép con nhỏ vào đây một mình rồi khóa cổng lại - nghe chưa. Có tiếng " Dạ "đáp trả.

Nguời đàn bà trẻ xanh xao gầy guộc, đầu tóc rối tung trên bộ áo quần nhầu nát dính thêm chút bùn đất ,  vật vã tan thương,  chạy ùa vào nhà, sụp lạy bà khóc lóc. Bà chủ ngồi trên sập gụ, lạnh lùng phì phào điếu thuốc chẵng thèm ngó xuống , không buồn lắng nghe lời kể lễ van nài bên dưới: 
- Bà thương con, mở lòng từ bi tha tội cho con. Lỗi không phải mình con, tại vì ông cứ đeo đuổi con lâu lắm, bà đâu có biết! Con lở dại xiêu lòng. Trời ơi con tôi đâu rồi! Tội nghiệp con tôi! Tiếng nấc, tiếng van lơn thống thiết:
- Chỉ có Trời mới chứng dám lòng con. Con đâu có muốn, bà đâu có hiểu. Hơn nữa năm nay con có bầu con trốn làng mà đi. Gia đình cha mẹ anh em họ hàng đều từ bõ. Con bỏ làng, bỏ chợ, đi phá thai ba bốn bận nhưng không đuợc  mấy thầy bảo là do cái thai qúa lớn. Bà ơi, con định phá xong là trốn qua Lào, không dám nhìn ai hết ! Bà mở lòng thương con.

Mặc cho tiếng than khóc cầu xin, nét mặt bà khư khư không lay chuyển. Giờ đây cô gái chơn quê ngước nhìn bên phải nơi có bàn thờ Phật, rán lê người  truớc bàn thờ, đôi bàn tay van lạy dình chặt trên đỉnh đầu, miệng khấn run rẫy trong ánh mắt sáng,  nước mắt gần khô kiệt:
- Cầu Trời Phật chứng giám phù hộ cho mẹ con tôi miễn được cạnh nhau . Tôi có làm nô lệ khổ sở thế nào cũng được. ..

Cô ta vái liên hồi, lê người quay về chỗ củ truớc sập gụ. Đôi bàn tay quờ quạng đụng phải cột gỗ, đẫy luôn cột ra khỏi chân táng, rơi rớt hạt bụi trên cao. Chiếc cột đong đưa, làm ngôi nhà rung động đau thét…Bà chủ vội vàng nhảy xuống, bàn tay xỉa xói trên đầu cô ta, đầu có cái trán cao  quát lớn: 
- Mày phá hạnh phúc gia đình bà chưa đủ, nay muốn phá nhà phải không ?
- Dạ …Khuôn mặt cô ta càng xanh run sợ không nói nên lời. Cột nhà lệch hướng, rời khỏi chân táng lộ rõ khúc gỗ bên dưới bị ăn sâu bởi đàn mối mọt  thấy rõ hang động lởm chởm đen tối.

Bà bước quanh nhiều vòng, nhìn xâm xĩa thân nguời bé nhỏ đang cầu xin , cái môi đỏ trầu cau nhô ra, làm cô hầu sợ hãi trốn biệt nhà sau.

Bỗng tiếng khóc đứa bé vang lên - tiếng khóc tức tối không dứt cơn khát sửa. Tiếng khóc làm khó chịu, bà  dừng lại cúi xuống nâng cằm cô ta lên trên thân người mảnh mai, gằn giọng hỏi: 
- Hồi nảy mày nói chịu làm nô lệ cũng đuợc phải không?

Chiếc đầu rối gục lên, gục xuống nhiều lần trên bàn tay rắn chắc giận dữ bà chủ, toát ra ánh mắt sáng hy vọng tràn đầy sức mạnh:
- Dạ , dạ …
- Bà cho phép hai mẹ con tụi mày ở đây với điều kiện là phải gọi bà bằng Mạ, bằng Mẹ, cấm gọi mày bằng Mẹ.
- Dạ, con đội ơn bà. Cái gì cũng đuợc miễn hai mẹ con có nhau. Đôi mắt cô gái trân trân nhìn bà. Khoát tay chỉ ra sau, bà chủ ra lệnh: 
-Vậy mày xuống cho con bú đi. Mọi chuyện để bà tính. Quy luật nhà này không phải dễ.
            
Cô ta chạy vội xuống nhà dưới, trước đó không quên vái bà chủ, vái bàn thờ gia tiên, nét mặt rạng rỡ hân hoan. Ngôi nhà đau lòng chứng kiến, những chân cột muốn nghiêng dốc đỗ nhào, tê dại trong hoạt cảnh nguời .Giòng sông phía trước xanh lục không gợn sóng , đang hòa mình trong ánh nắng chiều vàng, phản chiếu mặt trời đỏ rực phía thưọng nguồn trên đỉnh núi cao.

Tiếng khóc nấc đứa bé chưa chấm dứt cũng là lúc ông chủ nôn nóng lo âu trở về trên chiếc xe kéo. Ông Mẹo đứng ngoài cổng trông ngóng vào trong. Tiếng khóc đứa bé vang ra đến ngoài cổng, ông chạy nhanh vào, nhìn khuôn mặt lạnh lùng của vợ, lao mình xuống xó bếp. Đôi bàn tay run rẫy vuốt nhẹ trên đầu láng bóng thằng bé, miệng lúng la lúng túng không nên lời, ông nghe giọng nhát gừng của bà chủ trách móc: 
- Tôi thấy mẹ con nó khốn khổ, lạnh lẻo sống trên đò nhất là mùa Đông, nên tôi đem về đây cho bớt khổ. Chuyện lẹo tẹo của ông để đó, tôi sẽ tính sau.

Lắng nghe, yên lặng, ông chủ đến bên bàn thờ, đốt nhang, đánh ba hồi chuông dài van vái cám ơn trời đất… Nhìn chiếc cột nhà sắp nghiêng đỗ ,  ông nâng nhẹ đưa chân cột về vị trí cũ, trả về trên đầu chân táng. Ngôi nhà thở phào, cảm nhận nỗi đau nhức tê tái đang xóa mờ, nỗi đau như chuyện mặc khải, hiện diện khắp mọi nơi.

*
Từ ngày có tiếng khóc thằng bé trong ngôi nhà, mọi chuyện trông như thay đổi khá nhiều. Đầu tiên là ông chủ phá bỏ thông lệ, trưa nào cũng về nhà ăn cơm. Chiều tối, không còn lê la, ly rượu trong phố chợ.

Khuôn mặt ông rạng rỡ khi đùa bởn, cầm tay thằng bé trong xó bếp, quấn tròn trong chiếc tả trắng.

Mẹ con sống tạm trong căn phòng lợp lá, phòng chỉ dùng cho gia nhân hầu hạ, nghe đuợc tiếng gió rít mang hơi lạnh qua những phên tre, rét buốt bên ngoài.

Khoảnh khắc không có mặt bà chủ, ông sung sướng cầm tay cô Lan, lúi nhúi chuyền vào tay cô món đồ nhỏ tặng hai mẹ con, món đồ mua vội, ghé chợ giữa đường về, chạnh lòng tỏ bày:
-Dù sao nơi đây mẹ con em bị nhiều khổ tâm nhưng ấm cúng hơn trên đò. Con đò trốn chạy bị đeo đuổi không ngừng trên sóng nước lênh đênh gió lạnh bảo bùng.

Khúc quanh cuộc đời đã đổi thay, thời gian kế tiếp ông ăn ngon hơn mọi ngày, siêng năng làm việc nhà. Chịu khó lau dọn bàn thờ, tỉa cành cây, chăm sóc hồ cá, trồng thêm rau muống trong cái ao sau nhà…mọi việc trước đây ông ta ít ngó ngàn tới, ông luôn tự mình cắt xén hàng chè tàu bao phủ một phần nhà.

Trưa nóng, uống bát chè xanh, ông chăm chú miệt mài tô điểm chiếc cầu bắt qua suối, qua sông qua ngọn núi giả sơn. Đêm đêm thả hồn theo tiếng đàn, câu thơ, đón gió mát từ đầm phá mang về.

Ngày ngày trồng thêm cây ăn trái, nuôi bầy chim bồ câu, đám gà để đải khách tới viếng nhà, thời lúc khơi dậy nỗi đam mê người, lúc cái tâm thích thú muốn hòa với thiên nhiên cảnh vật.

Từ tiếng khóc thằng Cu, người mẹ biến thành người đầy tớ đích thực trong gia đình mới. Cô Lan làm việc cật lực  để đuợc gần con, cho con bú, vuốt ve con để con được lớn dậy …Từ sáng tinh mơ thức dậy sớm nhất nhà, cô chế bình  trà cúng Phật, pha cà phê cho ông, nấu ăn sáng, nấu cơm trưa cơm chiều … dọn dẹp nhà trong, nhà ngoài.

Cô lau sạch từng hạt bụi bám đầy trên căn nhà chính, bụi nhan trầm trên bàn thờ, bụi bám trong chỗ sâu món đồ gia bảo đang chưng bày, trong dáng dấp nhanh gọn , ngăn nắp , giữa ánh mắt sáng với niềm tin mãnh liệt , miệng luôn cầu Trời khấn Phật . Đôi tay, đôi chân trắng ốm không ngừng làm việc . 

Chuyện thường ngày, cô Lan hái rau muống hàng ngày trong cái ao sau nhà , luộc, làm món nước chấm tôm kho đánh cho ông ăn. Nêm ít ruốt, giả ít tỏi , dập trái ớt xanh cay nồng trộn lẫn… Rau muống luộc cho nuớc trong, làm canh thêm trái cà chua đỏ, nặn miếng chanh để có màu xanh hy vọng …món ăn không thiếu đuợc riêng ông.

Thức ăn nấu nướng nơi chái bếp, trên ngọn lữa mịt mờ khói trắng của những đống lá khô, cô Lan chịu khó bỏ công thu gom trong khu vườn khá rộng. Khói trắng lá khô, nước mắt sặc sụa, niềm tin yêu …biến đổi sắc da trắng nỏn nà trên thân người con gái một con.

Hôm nào không có mặt bà chủ, ông ta đôi mắt âu yếm nhìn cô Lan thổ lộ, với lòng yêu thương chia xẻ:
- Anh thương em mê mệt, ngoài cái tính, cái nết… nhưng món rau muống chấm nuớc tôm kho đánh là số một ngay từ buổi đầu, ăn trưa trong quán của mẹ em.

Từ mùa Xuân cất tiếng khóc thằng Cu, ông chủ lại lên chức lên nghạch, lên chức Truởng phòng, lương huớng khấm khá, dư dã của một thời. Ông cho sửa sang tu bổ lại căn nhà chính, thay mới những cột bị mối mọt.

Đám thợ chạm, thợ mộc từ làng Mỹ Xuyên đuợc điệu vào sửa lại vĩ kèo hàng ba, đố bản, liên ba chế tác những hoa tiết, lá cành hóa rồng hóa phụng, nét chạm tinh vi sắc sảo. Những đầu cù, đầu kèo giờ đây cũng đuợc chạm khéo léo, lượn quanh như cuộc đời con nguời vấp phải cuộn vòng lên xuống .Những cột nhà thon gọn, đẻo gọt bóng bẫy… tất cã hòa quyện với nhau, như một kiệt tác công phu hội tụ của nhiều nghệ nhân miệt mài qua nhiều tháng năm.

Ông cho xây thêm hai dãy nhà phụ bằng gạch lợp ngói, bên phải cho bà chính và con gái . Bên trái cho mẹ con cô Lan một phòng, và cho đám gia nhân. Nhà giờ đây đổi sắc, chắc chắn, ấm yên, bớt đớn đau , hảnh diện nhìn đời.

Năm tháng trôi qua, thằng Cu giờ đã nói được tiếng đời. Lời hứa của mẹ nó vẫn còn đó. Nó đuợc tập gọi bà chủ bằng " Mạ " và chỉ đuợc kêu mẹ  sinh thành bằng " Dì ".

Ngôn ngữ như là thói quen do con nguời đặc ra.  Nguời Dì vẫn cam khổ chịu đựng mọi thứ để đuợc canh giữ trông chừng con, nhìn nguời mình thương chẳng buồn bươn chảy, bon chen.

Thằng bé giờ đã biết bò, bước chập chừng trong ngôi nhà xưa, khỏe mạnh đùa chơi với mọi người. Những bửa ăn sáng tối chiều trưa, mâm cơm im lặng quây quần vợ chồng và hai đứa con gái bà Hai. Riêng dì Lan, thằng Cu phải ăn cơm mâm duới.

Với ông ta, mâm cơm thông thường khá đạm bạc thanh bần bao đời của một thời Nho giáo. Rau muống là chủ đạo, thêm món ông thích là mắm cá ngừ ruột, mắm nêm cá cơm ngày đông lạnh, cá hồng trời nóng bức, rau dền nước đỏ trong...

Những bửa ăn ông vắng nhà là giây phút căng thẵng chung đụng nhất. Món ăn dì Lan dọn lên, có con cá nhỏ đều bị bà Hai đổ xuống ao sau nhà, thêm nhiều lời trách mắng:
- Cá lớn mới đứng cách ăn … nấu cơm sao khô cứng như đá? Kho thịt chẳng biết làm!

Khá nhiều lời trách móc thậm tệ tiếp theo, cá nuôi trong ao có dịp no nê đùa giởn với món mồi bà ném xuống.

Ngày sáng trăng, nhất là những đêm cuối tuần, ngôi nhà rộn ràng bạn bè tụ lại ngâm thơ, đàn hát…thời gian hiếm hoi, hạnh phúc dì Lan đuợc phép tham dự cạnh bạn bè ông.

Dì Lan gương mặt thanh tú, thướt tha mảnh khảnh trong bộ đồ lụa, nỗi bật làn da tươi sáng, như tuyệt phẫm trời ban cho một vùng đất. Dì ngâm thơ, hát xướng. Giọng hát lắng nghe dìu người về cỏi xa, chiêm nghiệm lại chính mình. Khúc ca, đoạn nhạc làm rơi rớt nuớc mắt người nghe. Cã nhà lắng nghe, tiếng bà chủ lầu bầu:
- Ông già mê mệt say đắm con nhỏ vì chuyện này. Xưa thời ông phiêu bạt ngoài nớ, con Tâm ả đào xứ Nghệ đã làm ông chết lên chết xuống. May mà chia cắt đất nuớc nên  không gặp lại con Tâm …

Khi ánh trăng khuất sau bụi tre, khi đám tiệc đã tàn, khi ánh đèn đã tắt,  khi tiếng quậy phá thằng Cu im lìm chụng lại, khi mọi người say ngủ, là lúc ngôi nhà chứng kiến,mỉm cuời nhìn ông ta rón rén đi ra chái sau, nhanh nhẹn  chui tọt trong chiếc mền Dì Lan. Hai người  thiu thiu ngủ đến khi có tiếng gà gáy canh hai.

&

Ban ngày là chiến tranh giữa dì Lan và bà Hai. Nhưng đêm là hòa bình của ông chủ. Hòa bình đến độ chỉ mấy năm sau dì Lan có thêm hai gái một trai rộn ràng trong khu vuờn xanh. Những đứa nhỏ được gọi tên Bé chị , rồi Bé em, rồi Cu nhớn, Cu nhỏ. Tất cã gọi bà Hai bằng " Mạ ", dì Lan vẫn là dì như lời hẹn ước .

Một ngày Tết chiến tranh thực sự đã xãy ra, đến một vùng đất. Bom đạn réo gọi không ngừng. Pháo rơi như mưa bên kia sông, trên ngọn núi cao, bên trong bức tường cổ đất kinh kỳ, rơi ngay giữa vườn,  cắt ngang những đám cây, làm hàng cau gãy đổ, cây mít không đầu trơ trụi lá, hàng tre nghiêng ngã. Một qủa pháo rơi gần chái nhà bên phải loang lỗ một góc tường … máu xương rơi, tiếng rên la. Thời mọi nguời phải trốn khỏi phố thị tránh đạn bom may còn sống sót.  Thành phố chỉ còn những mái nhà run sợ nhìn nhau, bất động ngơ ngác chơ vơ trong không gian hoang vắng đổ nát.

Ngưng tiếng bom rơi, vơi tiếng đạn bay, đoàn nguời quay về phố thị điêu tàn. Ngôi nhà chứng kiến những người bạn của nó biến mất giữa trần gian ,những ngôi nhà xưa nằm ở đầu sông, cuối sông chìm trong lửa đỏ, trong bom xăng, trong huỹ diệt đạn lửa. Nhà may mắn tồn tại với thương tật đầy mình. Mái ngói chái bên phải muốn sụm xuống, chân tay đứt lìa từng đoạn, nhất là ngũ tạng bị khoét rỗng do những kẻ hôi của, tràn vào nhà vắng chủ lấy đi những gia bảo qúy báu từ đôi liễn sơn son thếp vàng, bức hoành phi , bộ tràng kỷ, tủ chén sứ xanh lam đến cái bộ tràng kỷ cẩn xà cừ qúy giá do em gái ông Cố nội tặng nhà thờ dòng họ, thời cô ta là người thứ phi đuợc Vua sủng ái nhất.

Khổ nạn tiếp tục rơi xuống trong khu vườn khi ông chủ đến tuổi về hưu, khi đàn con cháu dưới quê kéo về thành lánh nạn. Túng quẩn hiện dần trong ngôi nhà dột nát tang thương màu nâu đen hoang phế, trên mảng rêu ẩm mốc, xưa củ hiển hiện báo ứng một đời tàn lụi.

Chiến tranh còn đó - một vùng trời phủ vây đầy tang chế của xác nguời trôi trên giòng sông xanh thẫm, của những linh hồn ma quái vất vuỡng đâu đó trong bụi rậm dưới lòng đất hoang lạnh. Nguời chủ nhân tóc đổi màu trắng xóa, lạnh lùng thắp nhang, huơng khói trong tiếng chuông u tịch. Nghe đuợc tiếng khóc của thằng Cu nhỏ khát sửa từ căn nhà dưới. Dì Lan đứng bên cạnh ông tự hồi nào, đôi mắt nhắm nghiền như cầu xin với đấng trời cao, giữa hương thơm bốc lên từ lò trầm bằng sành nâu úa màu. Trong lung linh ánh sáng ngọn đèn sáp, sau âm vang tiếng chuông Dì van xin nguời chồng:

- Ông cho phép tôi được ra ngoài đời, mua bán làm ăn đôi chút, may qua cơn nghặt nghèo. Mấy chục năm rồi em chỉ co ro ở nhà, chưa một lần ra khỏi nhà làm ăn gì cã!

Sau vài phút giây trầm ngâm, tay ông để nhẹ trên vai dì Lan, nhìn thẳng vào đôi mắt huyền đen:
- Thôi được, từ ngày mai em có thể ra đời làm ăn buôn bán và cũng từ ngày mai, anh sẽ phát nguyện, ăn uống trường trai… Mấy chục năm rồi anh có thói quen , chỉ ăn cơm khi tự tay em nấu nướng. Dục vọng cuộc đời, kiếp luân hồi, vay trả trả vay, cái bể khỗ trầm luân con người nào cũng gánh phải !


*
Dì Lan lăng xả vào đời làm ăn. Thu gom hàng duới biển lên bán trên phố. loanh quanh những căn cứ Mỹ mua bất cứ đồ nhu yếu phẫm bán lại người , có lần mở quán cà phê bên truờng học, có lúc quay lại nhà thức suốt đêm cùng đàn con làm bánh ngày mai bỏ mối ở phố chợ lao xao, mọi chuyện chẵng đến đâu. Có đêm trong chập chờn giấc ngủ, dì Lan lại mơ thấy bóng dáng mẹ hiện ra, hiện ra trong quán ăn của mấy mươi năm truớc, ngày dì còn thơ dại, ngày biết yêu lần đầu, ngày lần đầu theo mẹ bươn chải với đời , ngày mẹ không cho con gái học chữ nhiều vì sợ con viết thơ tình với trai …
      
Buổi sáng bỗng dưng bà Phủ tới nhà, có ý định nhường cái quán ăn  giữa trung tâm thành phố cho dì Lan, vì lý do không người trông coi . Mọi việc chuyển nhượng nhanh chóng, Dì có dịp trở lại nghề mẹ dạy thuở nào khi tập tành đối diện đời, khởi đầu nghề nấu nướng, ăn uống cho người.

Quán mở trong ngôi nhà xưa, trăm năm truớc của ông thiếu tá Cardot tạm ở, thời chiếm kinh thành. Quán phất lên nhờ nhiều thứ, từ cà phê tự tay dì  rang , món ăn sáng ăn trưa ăn tối sạch, rẽ, ngon… thực khách nườm nượp đối diện  gương mặt thanh tao rạng rỡ của người chủ mới.

Dì vùi đầu lăn lội cùng đám gia nhân đến ba chục người, dốc hết năng lực vào chuyện kinh doanh không biết mệt mõi. Vắng dì Lan ở nhà, bà Hai bà chủ lớn chỉ huy tất cã.

Đi chợ, chăm sóc đàn con dì Lan còn bé bỏng, thu gom lá khô vàng thế củi … Tiếng " Mạ…Mạ " đám nhỏ vẫn gọi bà biến thành thân thuộc gần gũi. Ông chủ đã phát nguyện nên ăn chay, nhưng bửa cơm luôn phải có món xì dầu kho quẹo lại mà duy nhất dì Lan nấu rất vừa ý ông, nấu lúc hừng sáng.

Có đồng tiền đến, mang theo nhiều đổi thay, ngôi nhà chứng kiến trạng thái không yên nhiều hờn ghen của ông khi dì Lan vắng nhà. Có hôm, ông thẫn thờ bắt ghế ngồi dưới vòm cổng trông ngóng nàng, ngồi chòm hỏm nhìn cỏ dại mọc dưới chiếc am thờ Thần đất, ngồi bất động dưới bóng mát cây Vã.

Có đêm đông khách, khách ngồi khuya, kín trên các sập gỗ, trên chiếc bàn chén tù chén tạc. Khách hàn huyên tán gẫu với nữ chủ quán xinh đẹp ân cần.ở nhà ông đợi chờ ghen tức ra mặt, cau có ra lệnh cho con trai con gái đi đón Dì về. Khi về đến nhà, ông lầm bầm ghen tức: 
- Chắc có thằng nào đeo đuổi bà, hoặc ông Giáo lúc này thường ghé quán, chắc mê mệt bà phải không? …
   
Nhưng dì luôn trong tư thế mẫu mực người phụ nữ An Nam, không còn nhớ những gì đã qua, một thời khổ nạn đớn đau, từng bị vùi dập gió mưa, Dì duy nhất nghĩ về chồng con trong định mệnh vô hình , chuyện gì sẽ làm , chuyện hàng quán ngày mai… 

Tiền dần dà giúp ngôi nhà bớt rên la, vì đuợc nối tay nối chân, nối kèo nối cột, chưa kể ngũ tạng gia bảo đang đuợc thu gom về. Ngôi nhà sáng lên khi mặt trời mọc cuối sông, hòa quyện bóng đêm êm ả khi mặt trời chìm đầu sông, trong sương mù giăng kín mọi nơi.                                               
Chiến tranh đến, chiến tranh đi, hòa bình tái hiện. Hận thù và  chết chóc, con nguời và sự vật cùng cảnh ngộ. Con nguời đã đến đây, rồi có nguời ra đi biền biệt , góc phuơng trời xa, tái hiện những con người mới. Ngôi nhà trong khu vuờn may ra còn đó, nhưng những nguời bạn ,những ngôi nhà bạn gần đó, bằng chứng là những di tích cổ xưa vài trăm năm gây dựng nay cũng tàn phai và xuất hiện nhà dáng hình mới. Nguời ta đổ lỗi do chiến tranh, do đời người một thời khánh kiệt bán bất cứ thứ gì dù đó là bàn thờ, bộ bát bửu …rồi do cái này cái nọ, do chính suy nghĩ hời hợt con người! 
            
Ngôi nhà đau lòng đưa tiễn ông chủ từ trần, vì cái tuổi già sức yếu trên tám mươi trong cái Tết giá lạnh sau vài năm hòa bình, chứng kiến những tháng cuối đời ông còn ghen tuông. Bạn trai đến thăm ông, ngôi nhà thường nghe ông tâm sự với mấy đứa con" Tụi nó tới đây là để tán Dì  tụi con, là yêu thương Dì …" Giây phút lẫm cẫm ghen tuông gần cuối đời khiến dì Lan không dám ra tiếp khách, trốn mặt dưới nhà bếp.

Phút lâm chung, ngôi nhà chứng kiến một người con gái xa lạ xinh đẹp  xuất hiện , ôm quan tài khóc hai tiếng " Ba ơi " trong ngày tang lễ . Người con của cô Tâm hát ả đào xứ Nghệ quay lại khi đất nuớc thống nhất. Đứa con lưu lạc có đuợc thời người cha còn làm việc ngoài vùng xa đó, thời Tây còn cai trị.

Một năm sau, trong nỗi đau buồn, bà Hai bà vợ cã cũng ra đi theo ông. Ngôi nhà đích thực cô quạnh sau ngày đó vì những đứa con trai, con gái cũng tiếp tục rời xa nơi sinh ra mình, chúng đi mãi tận trời Tây. Vùng đất lạ lùng, nhiều nghịch cảnh, người người thích ra đi ít khi chịu quay về để sống cùng nó trọn đời! Cùng lắm là họ ghé thăm một vùng đất.

Những ngôi nhà xưa giống người, nhà như những di tích của bao đời dòng họ tự nó cũng biến mất ra đi không ngày tái hiện. Nhà xưa đối diện bên kia sông đuợc cấp cho ba hộ, một hộ một gian, mạnh ai cứ sống. Một ngày nguời ta làm thịt, hạ xuống để xây 3 gian phố cho đẹp mắt.

Hàng trăm di tích nhà cổ xưa, một thời đuợc ghi dấu của bao nhiêu nghệ nhân từ thợ chạm, thợ kép, thợ nề…qua vài trăm năm, tiềm ẩn một nền văn hóa sâu thẵm trong đó, chịu không nỗi mưa gió, đua nhau bị phá bỏ bởi nguời , bởi chính con người .

Một thời Đinh , Lê , Lý , Trần , Mạc , Trịnh …, khi hết chiến tranh, đời sau phá đời trước, trở thành thông lệ lịch sử theo nhịp bước thời gian, rồi để  mặc cho tàn phai không còn ai chịu trách nhiệm gìn giữ…trông coi.

Một nguời không bao giờ chịu rời xa ngôi nhà, bảo vệ vun đắp trăm thứ cho nhà chính là dì Lan.

Dì vẫn sống, vẫn ngày ngày dâng lễ trước chân dung nguời chồng muôn thuở đặt trên khảm bằng gỗ mun. Tách cà phê mỗi sáng dâng lên, chén trà , điếu thuốc, chém cơm trắng trước di ảnh, trước ánh mắt người  khuất bóng … trong hương trầm lan tõa gian nhà xưa. Bà tóc đã trắng, tâm sự hàn huyên trước bàn thờ, kể bao chuyện đời với ông hôm nay và mai sau, với tất cã tình yêu không bao giờ tàn phai, với người tình  muôn thuở. Nhà như là chứng nhân lặng lẽ bị cuốn hút trong vòng khói hương tôn nghiêm cô quạnh, khói thơm ngào ngạt bốc lên từ lò trầm, khiến ngôi nhà xưa cố lần tìm về số phận ngay chính mình, nhớ những ngày xưa cổ thiêng liêng đã rời xa, may còn lại một chút di vật hiển hiện với cuộc nhân sinh! 

Trong thế giới nhỏ yên bình khép kín, ngôi nhà lắng nghe nỗi niềm Dì bày bỏ, nhắc lại cảnh sắc chuyện tình xưa với nỗi buồn thiên thu, sống lại chuyện một thời sông nước lênh đênh , ẩn núp trên con thuyền trốn chạy với thằng  Cu. Nhớ lại mùi khói trắng lá khô vàng úa, một thời sa mù dằn vặt đớn  đau … giờ đây chỉ mong dốc hết tâm nguyện trông coi gìn giữ ngôi nhà xưa, vật gia bảo … Tất cã  như bước thời gian bao đời để lại , nơi  chất chứa bao nhiêu kỹ niệm , dấu ấn  chuyện tình người, cứ đổi thay tiếp diễn không ngừng. 

Dì cầu nguyện " Mong ông an lành dưới chín suối " . Hiếm hoi trông thấy Dì buớc chân ra khỏi ngõ. nhìn đời xuôi ngược chảy trôi ./.


Nhà văn Dương Đình Hùng - Photo by Nguyễn Hữu