Saturday, October 26, 2019

1283. TRẦN YÊN HÒA Những lần gặp (ít ỏi) Du Tử Lê



TRẦN YÊN HÒA
Những lần gặp (ít ỏi) Du Tử Lê

Nhà thơ Du Tử Lê và Trần Yên Hòa

Tôi không nhớ lần gặp đầu tiên với Du Tử Lê ngày nào, tháng nào...lâu quá rồi. Có thể tôi biết anh, nhưng anh chưa biết tôi. Tôi cố nhớ lại, hình như hồi đám cưới Lâm Quỳnh. Đạm Thạch rủ tôi. Sắp đám cưới con gái Du Tử Lê, DTL mời, Hòa có đi không? Tôi chưa một lần gặp DTL, nhưng lòng thì muốn gặp anh lắm, nên nói nước đôi. Muốn đi, nhưng ảnh đâu có mời mình. Đạm Thạch nói, DTL có nhắc TYH, có đi thì đi với tụi mình. Thế là tôi OK.

Hôm đó, có Thành Tôn, Đạm Thạch và tôi tham dự cùng nhiều anh em văn nghệ khác nữa. Tôi là người mới nên còn rụt rè. Đám cưới Lâm Quỳnh ở một nhà hàng khách sạn Mỹ, rất đẹp và sang. Đạm Thạch giới thiệu tôi với DTL. Anh vui vẻ bắt tay...với nụ cười rất tươi, rất thân ái, cởi mở. Nhưng là buổi đám cưới, anh phải lo nhiều chuyện nên đâu có nói chuyện... được nhiều...Và hôm đó tôi cũng thấy chị Hạnh Tuyền, lần đầu tiên. Chị trông thật hiền, ít nói.
  
Tôi đọc thơ Du Tử Lê từ những năm sáu sáu, sáu bảy của thế kỷ trước. Thuở ấy, tôi đang dạy ở trung học Lý Tín, Quảng Tín. Một chiều thứ bảy về Tam Kỳ, vào tiệm sách Nam Ngãi, thấy tập thơ Du Tử Lê chưng trên quày, quá đẹp, nên tôi mua về đọc. Đó là lần đầu tiên, tôi tiếp xúc thơ Du Tử Lê, hơi muộn, nhưng vô cùng cảm xúc, thích thú.

Đây (cũng) là lần đầu tiên và duy nhất, tôi (tự ý) mua một tập thơ. Sau này tôi có những tập thơ, là do các bạn thơ tặng trong các dịp Ra Mắt Sách, hay gặp gỡ, dĩ nhiên, tôi nhận và gởi tiền ủng hộ.


Thuở đó, tôi đã làm thơ, có bài đăng ở các  tạp san Sài gòn, nhưng chỉ là những tạp san "bậc trung", nên các nhà thơ tôi mê, vẫn là các nhà thơ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, lớp sau hơn chút là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Du Tử Lê... Nhưng thường, tôi đọc thơ trên các tạp chí, hơn là mua nguyên một tập.

Qua Mỹ, tôi nhận ra những người làm thơ, viết văn cũ qua đây vẫn cứ làm thơ, làm báo...như Nguyên Sa, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh, Du Tử Lê...Đó cũng là niềm yêu thích và (cũng tạm) nuôi sống mình.
                                                                                                
Tôi lại gặp Du Tử Lê trong những lần Ra Mắt Sách của anh. Những lúc đó, anh bận tíu tít đón khách, chào mời, giới thiệu...Nên tôi, là một bạn văn bình thường, không đến thăm hỏi. Chỉ một lần RMS Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê (1957-2013), tôi thấy anh rảnh, ngồi ở bàn bán sách, tôi tới mua sách và xin chụp với anh một pô hình, anh ân cần, nhưng vì anh ngồi, tôi đứng, nên bức hình có vẻ xa cách. Dù vậy tôi cũng rất quý, về sửa lại và cất giữ mãi đến bây giờ.



Tôi gởi thơ và truyện tới trang nhà Du Tử Lê rất nhiều. Bài thơ nào, truyện nào, anh (chị HT) cũng đăng. Đến một lần gặp anh ở quán Tài Bửu. Tôi có nói cảm ơn anh, anh cười và bảo, Hòa viết được lắm, cứ gởi đi nhé. Thế là tôi vui trong bụng.

Nói về Quán Tài Bửu trên đường Westminster, nơi đây Du Tử Lê đã ngồi uống cà phê mỗi sáng, suốt (trên/dưới) 10 năm. Anh ngồi ngoài hè, nếu đến sớm, thì ngồi một mình, kêu cà phê, uống một mình. Rồi sau đó bạn bè kéo đến, thường thì có Nguyễn Lương Vỵ (lúc chưa bị mổ tim) Đặng Phú Phong, Ngọc Hoài Phương, Tô Đăng Khoa, Lê Lạc Giao...Và những bạn bè khác. Một lần, có họa sĩ Vũ Hối từ Maryland qua chơi, tôi mời Vũ Hối và Khánh Hồng đến ăn sáng ở quán Tài Bửu, gặp anh. Anh chào hỏi rất vồn vã, ân cần. Hình như với bạn văn nào, dù thân, sơ, gặp anh, nói chuyện với anh...Anh đều vồn vả ân cần như thế.

Cũng xin nói thêm, cứ mỗi lần sách tôi in và phát hành, hay Ra Mắt Sách, tôi đều gởi đến biếu anh. Anh nhận và lúc nào cũng viết bài giới thiệu, đăng trên Trang Nhà DTL. Tuy không dài, một, đôi trang, nhưng cũng làm ấm lòng người viết.

Mà tính anh là thế, anh rất quý trọng người viết, dù hay hay dở, anh đều trân trọng. Anh đã nói với tôi về một người đàn bà sắp ra mắt một tập Thơ, nhờ anh giới thiệu, anh nhận lời. Và trong những lời giới thiệu của anh hoàn toàn vô thưởng vô phạt. Không khen, không chê. Anh đã từng nói với tôi và Đạm Thạch. "Họ làm thơ và xuất bản được sách là quý lắm rồi, còn hơn để tiền đó tiêu tốn vào Casino".

Nhân đây tôi cũng xin đính chính dùm anh, trong một Youtube của Jimmy, đài truyền hình SET, phỏng vấn anh, là bút hiệu Du Tử Lê, theo anh, có ông Mạnh Giao đời Đường bên Tàu, làm một bài thơ tên là Du Tử ngâm, nói về đứa con xa mẹ, nên Du Tử là đứa con xa mẹ, chứ không phải là một người lang thang, lãng tử, như một số người đã hiểu. Cũng như Du Tử Lê là một Phật tử với pháp danh Tính Văn, chứ không phải theo một tôn giáo khác, như một phát thanh viên của một đài truyền hình, nói " Nguyện cầu nhà thơ Du Tử Lê sớm hưởng nhan Thánh Chúa".

Những lần gặp anh nhiều nhất, coi như hằng ngày, là mỗi chiều, khoảng từ 3-5pm, anh đi tập thể dục trong Gym Finess 24/24, đường Chapman và Brookhurst (tôi cũng tập ở đây). Lần đầu thấy anh mang cái xách lửng thửng bước vào Gym, tôi vồn vả đến hỏi han. Anh cười, chào hỏi, nhưng có vẻ anh không thích mọi người biết anh là Du Tử Lê.

Nơi tập Gym là một nơi phát biểu tự do, đủ mọi hạng người. Các vị đàn ông lớn tuổi, phần đông là "dân HO", thường tung hoành phát biểu rộn ràng, ai cũng tự coi mình là "cây đinh" hiểu biết, về chính trị, về thời cuộc. Có lẽ anh hiểu được điều này, nên muốn ẩn mình. Anh đi vào Gym, thay đồ, rồi vào phòng xông hơi, khoảng 15 phút, xong, anh xuống hồ nước nóng ấm, ngâm mình khoảng 20 đến 30 phút. Rồi anh lên thay đồ, đi về. Rất âm thầm, lặng lẽ. Tôi biết anh muốn dấu mình, nên khi gặp, tôi chỉ cười với anh, hay vẫy tay chào, rồi thôi. Anh tập ở đây một tuần ba, bốn buổi, khoảng 3, 4 tháng gì đó. Sau không thấy anh đến nữa.

Anh "trụ" ở Quán Tài Bửu nhiều năm, đến khi quán Tài Bửu chuyển nhượng cho chủ khác, anh dời xuống quán Hạt Ngò đặt "đại bản doanh", cũng trên đường Westminster, gần đường Taft.

Tôi nghe tên quán này nhưng chưa đến một lần. Vì tụi tôi thường "trụ" tại cà phê Factory hai tuần, một lần, với Thành Tôn, Phạm Phú Minh, Cung Tích Biền, Trần Thế Phong... Đến khi Nguyễn Lương Vỵ mời tôi tham dự Ra Mắt Sách tập thơ "Tuyết Âm Đỏ Thời Gian" tại quán Hạt Ngò, tôi mới lò dò tìm đến.

Khi dừng xe ở parking, bước vào sân quán, có những chiếc dù lớn che mát cho khách, thì nhìn thấy Du Tử Lê ngay, anh ngồi đó tự bao giờ. Hôm đó, Du Tử Lê ăn vận chỉnh tề, áo bỏ vào quần, đối diện là họa sĩ Trịnh Cung. Tôi tới hỏi thăm anh, bắt tay anh, ôm anh, qua vòng tay, thấy anh rất ốm. Tôi siết chặt tay anh và nói, lâu quá mới gặp anh, anh khỏe không? Anh cười hiền hòa, nói, anh khỏe.

Rồi, tôi bước vào trong phòng riêng, nhỏ, của quán Hạt Ngò dự buổi Ra Mắt Sách. Căn phòng thật ấm cúng, đã đông đủ bạn bè, khoảng trên 20 người. Du Tử Lê một chặp lâu sau mới vô, anh ngồi chút, rồi ra.

Khi tôi ra về, thấy Du Tử Lê vẫn còn ngồi đó, chỗ cũ hồi sáng. Tôi lại chào anh, lại ôm anh, siết tay anh. Anh cười hiền, nói, Hòa về nhe.

Lần đó, không ngờ là lần cuối cùng gặp anh.


Thôi thì chuyện gì tới, đã tới. Anh đã ra đi mãi mãi. Với bao niềm thương mến của mọi người.

Vĩnh Biệt Thi Sĩ Du Tử Lê, nhà thơ (lớn) mà tôi thương yêu, cảm phục.

Trần Yên Hòa