Wednesday, April 29, 2020

1553. PHẠM CAO HOÀNG: Duồng, một thời biển mặn

Nguyễn Dương Quang - Phạm Cao Hoàng , Đà Lạt (2017)

Năm 1969 và 1970 tôi dạy học ở Duồng. Duồng là một địa phương nhỏ, nằm sát biển, cạnh quốc lộ 1, cách Phan Rí khoảng 10 cây số về phía bắc. Dân địa phương sống bằng nghề đi biển và làm ruộng muối. Nước biển vùng này rất mặn, làm muối rất tốt nên muối ở Duồng rất được ưa chuộng. Duồng có một con đường chính không lớn lắm, hai bên chi chít những dãy nhà hai tầng bằng gỗ, trông giống những khu nhà thường thấy trong phim cao bồi Mỹ.  Duồng có một thắng cảnh được nhiều người biết đến: Gành Son,  với những vách đá màu đỏ thẫm cùng những hang động trông rất đẹp mắt.

Một đồng nghiệp của tôi, Thái Văn Thạnh, có nhà ở Duồng, sắp xếp cho tôi một chỗ ở trong nhà anh. Trong căn nhà này, tình cờ tôi lại gặp một người cũng mê thơ, mê nhạc: Nguyễn Dương Quang. Nguyễn Dương Quang, gốc Đà Lạt, là sĩ quan quân đội đang đóng quân ở gần đó, và gia đình Thạnh cũng giúp anh có một chỗ ăn ở giống như tôi để anh có nơi chốn đi về. Chúng tôi trở thành bạn và có nhiều kỷ niệm ở Duồng. Nguyễn Dương Quang là mẫu người cương trực, thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo vác, sống đàng hoàng, và đặc biệt, chơi với bạn rất tốt. Trong căn nhà hai chúng tôi trọ có một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt giống như búp bê Nhật Bản. Thiếu nữ này là em gái của Thái Văn Thạnh, tên là Thái Thị Hồng và sau đó vài năm Hồng trở thành người bạn đời của Nguyễn Dương Quang cho đến bây giờ.

Thời gian này, chiến tranh vẫn khốc liệt, sống và chết nhiều khi chỉ cách nhau trong tích tắc.  Tâm trạng chung của chúng tôi là chán ghét chiến tranh, buồn bã vì chiến tranh, và đau khổ vì chiến tranh. Từ Duồng, Nguyễn Dương Quang đã viết bài thơ hay nhất của anh, được nhiều người yêu thích, và được giới phê bình văn học đánh giá cao: ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ.

Tuy là một làng quê nhưng sinh hoạt ở đây cũng chẳng khác gì ở thành phố, cũng tiệm bi-da, cũng quán cà phê đầy đủ. Thú vị nhất là những đêm chúng tôi theo ngư dân địa phương đi thuyền ra ngoài biển, neo thuyền ngoài đó, lưới cá lên, luộc và cuốn bánh tráng ngay trên thuyền. Ngon tuyệt. Nếu là đêm trăng thì lại càng thú vị hơn, hồn thơ tha hồ mà bát ngát. Người dân ở đây rất thân thiện, dễ gần gũi và dễ mến. Tôi hay la cà ở các quán cà phê vào sáng sớm, thời điểm  họ vừa đi biển về, trò chuyện, học hỏi những kinh nghiệm sống của họ.

Hồi ấy, những cây bút tên tuổi đều tập trung ở Sài Gòn. Dạng như chúng tôi được gọi là những cây bút trẻ vì trẻ cả về tuổi đời lẫn số năm cầm bút. Địa phương nào cũng có những cây bút trẻ như vậy, tuy chưa quen nhau, nhưng đều biết nhau qua các bài đăng trên báo, và khi có dịp gặp nhau thì trở thành bạn bè rất nhanh. Khi đến một địa phương nào,  chúng tôi đều  biết trước  dân văn  nghệ  ở đó gồm những ai.  Nổi bật trong số những cây bút ở Phan Rí thời ấy có Nguyễn Lệ Tuân, Huỳnh Hữu Võ, Tô Duy Thạch, Đài Nguyên Vu, Hàn Sa. Còn Từ Thế Mộng, Phạm Cao Hoàng. Nguyễn Dương Quang  là “dân nhập cư”.  Anh em văn nghệ Phan Rí có chung một đặc điểm là chơn chất, hiền lành, cởi mở,  hào phóng, và anh nào cũng mê thơ. Tôi cũng là dân mê thơ nhưng gặp mấy sư phụ này tôi chỉ là đệ tử. Người mê thơ nhất, bị thơ hành nhiều nhất là Nguyễn Lệ Tuân  (đã qua đời). Gặp anh ở đâu, trong quán cà phệ, ngoài đường…,  anh thường đọc ngay một bài thơ. "Tôi mới làm bài này. Đọc cho ông nghe". Anh mê thơ đến độ trong một bài thơ anh có ước nguyện rằng mai kia nếu anh chết, hãy cho anh tiếp tục được sống với thơ ở thế giới bên kia.

DỰNG MỘT LỀU THƠ
TRÔNG RA CỬA BIỂN
Nguyễn Lệ Tuân

mai tôi chết xác tan vào lòng đất
xin hãy cho tôi nắm cát máu quê nghèo
dựng một lều thơ trông ra cửa biển
để ngàn năm mãi mãi được quạnh hiu

Dựng một lều thơ trông ra cửa biển. Để ngàn năm mãi mãi được quạnh hiu. Ôi, một tâm hồn thơ tuyệt vời.

Trong hai bài thơ trên, cả Nguyễn Lệ Tuân và Nguyễn Dương Quang đều dùng chữ “cát máu”. Ở Bình Thuận, dọc theo biển có những đồi cát màu đỏ, do gió thổi mạnh dần dần tạo thành. Nhiều trận đánh  ác  liệt  từng diễn ra ở những  đồi cát này, nên anh em văn nghệ ở Phan Rí hay dùng chữ “cát máu” như một cách diễn đạt nỗi buồn chiến tranh. Nguyễn Bắc Sơn cũng từng có  những  câu  thơ  về  những  đồi cát ấy : “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát. Nghe súng rừng xa nồ cắc cù. Chợt thấy trong lòng mình bát ngát. Nỗi buồn sương khói của mùa thu” (Mật khu Lê Hồng Phong, thơ Nguyễn Bắc Sơn).

Duồng, một thời biển mặn, một thời kỷ niệm với Nguyễn Dương Quang và bạn bè Phan Rí. Mùa thu năm 1970,  tôi từ giã Duồng chuyển về dạy học ở nơi khác. Sau này, có đôi  lần trở lại,  rồi phải bươn chải lo toan cho cuộc sống nên đã nhiều năm chưa có dịp quay về.


Nguyễn Dương Quang  - Duồng, 1970

Nhận định về bài thơ ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ của Nguyễn Dương Quang, nhà phê bình văn học Đặng Tiến viết, “Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết ,hồn nhiên mà điêu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất ? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu « có nói cũng không cùng » ( Đặng Tiến, giới thiệu tuyển tập "Thơ Miền Nam trong thời chiến ", nhà xuất bản Thư Ấn Quán, 2006).

Sau 1975, cũng như nhiều sĩ quan khác trong quân đội của “bên thua cuộc”, Nguyễn Dương Quang đi “học tập cải tạo”. Sau khi ra trại, anh về Đà Lạt làm vườn và chở xác cá (phần còn lại sau khi làm mắm) từ Phan Rí về Đà Lạt bán lại cho người làm vườn. Mấy lần gặp anh bên chiếc xe tải chở xác cá, trông anh thật lãng tử giang hồ. Sau những chuyến xe chở xác cá, cái còn lại với Nguyễn Dương Quang vẫn là thơ, nhạc, và bạn bè. Tập thơ duy nhất của Nguyễn Dương Quang, ĐÊM ÔM ĐÀN UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH.  được nhà xuất bản Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) in và phát hành vào năm 2015. 

Nguyễn Dương Quang   Thái Thị Hồng   Cúc Hoa   Phạm Cao Hoàng
Đà Lạt, 1997

Ba năm trước, tôi về Đà Lạt có ghé thăm Nguyễn Dương Quang. Trông anh yếu hẳn và thần sắc phờ phạc. Linh tính báo cho tôi biết có thể đây là lần cuối tôi gặp anh nên tôi dành phần lớn thời gian ở đó đến thăm anh nhiều hơn những lần trước. Ngày nào tôi cũng đến nhà anh ở đường Duy Tân để hàn huyên, nhắc lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ. Đêm tôi rời Đà Lạt, anh không cho tôi đi taxi, nhất định lái xe đưa tôi và Hoa xuống phi trường Liên Khương (Đức Trong) mặc dù lúc đó là 12 giờ đêm. Đến nơi, phi trường tối om, đèn đóm tắt đâu mất hết. Trong bóng tối lờ mờ nơi cửa, tôi thấy một người ngoại quốc đang đứng một mình. Tôi hỏi thăm về chuyến bay đi Sài Gòn. Anh ta nói thường đi lại phi trường này nên biết rất rõ: "Máy bay sẽ cất cánh lúc 3 giờ sáng và họ sẽ làm thủ tục trước giờ cất cánh 1 tiếng".

Như vậy chúng tôi phải chờ 2 tiếng nữa mới làm thù tục. Nguyễn Dương Quang nói chờ thì chở, lái xe xuống trung tâm Đức Trọng, ăn phở uống cà phê hút thuốc lá trong khi chờ đợi. Đến 2 giờ sáng chúng tôi làm thủ tục xong anh mới chịu chia tay. Và đó quả thật là lần cuồi cùng tôi gặp Nguyễn Dương Quang. 

Rồi việc gì đến cũng phải đến. Anh nhập viện cả tháng nay. Trưa nay anh Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Sông Ba, Trần Minh Triền, Nguyễn Minh Nữu báo tin cho biết Nguyễn Dương Quang vừa vĩnh viễn ra đi vào lúc 5 giờ 35 phút chiều ngày 29/4/2020. Không bất ngờ nhưng buồn quá. Nhớ và thương người bạn tài hoa, phóng khoáng, hào sảng và tốt bụng ấy vô cùng.

PHẠM CAO HOÀNG
(Viết lần đầu năm 2012. Bổ sung ngày 29.4.2020).

DUỒNG, MỘT THỜI BIỂN MẶN (Ảnh chụp ở Duồng năm 1970)
Nguyễn Dương Quang (Ngồi, thứ tư từ trái)
Phạm Cao Hoàng (Đứng, thứ hai từ phải)

Phạm Cao Hoàng - Nguyễn Dương Quang
Cà phê 1 giờ khuya, chờ lên máy bay ở phi trường Liên Khương
Đức Trọng, 24.9.2017