Thursday, April 30, 2020

1557. PHẠM CAO HOÀNG Cha tôi

Ảnh: Google image

và bài thơ tôi viết đêm nay
là bài thơ sau bốn mươi năm
kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha
chạy ra Tuy Hòa
trở vô Sài Gòn
và nhận tin cha tôi đã chết
ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi  
để lại đàn con trên quê hương tan tác   
để lại trong tôi vết thương  mang theo suốt cuộc đời

bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương ngọn gió nồm
mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học
đi ngang qua Duồng Buồng (*) bọn nhỏ trong thôn vẫn thường trêu chọc:
chiều chiều ngọn gió thổi lên
học trò Thầy Bốn chẳng nên đứa nào
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương
rồi mùa thu cha đưa con đến trường
con thương những con đường
cha đã dẫn con đi về phía trước
con vẫn còn đi sao cha đành dừng bước
bốn mươi năm trời con thương nhớ, cha ơi!

PHẠM CAO HOÀNG
March 22, 2015
(*) Duồng Buồng: tên một lối đi trong thôn Phú Thứ (Tuy Hòa, Phú Yên)

Mương dẫn thủy bắt nguồn từ đập Đồng Cam (Phú Yên)
Photo by Phạm Cao Hoàng - Tháng 9.2017



…Dạo ấy, mỗi lần ghé Tuy Hòa, tôi ở lại cùng Phạm Cao Hoàng trong căn nhà nhỏ của gia đình Hoàng. Đọc bài thơ CHA   TÔI,  tôi nhớ đến ngôi nhà và hình ảnh của bác trai. Bác cao, hơi gầy và da ngăm đen. Cái đen của nắng và gió, của một người nông dân thuần chất. Hiền và độ lượng. Ngôi nhà có cái chái bếp nấu ăn bằng những thanh củi. Ngôi nhà có bộ ván ngựa   mà tôi với Trần Hoài Thư thường nằm ngủ. Ngôi nhà với lối đi từ đường Nguyễn Huệ vào với những thửa  ruộng nhỏ như vuông chiếu nằm, đầy ắp tình yêu thương. Đọc bài thơ, hình ảnh bác trai lại hiện ra trước mắt. Sao bác lại qua đời khi chiến tranh kết thúc vậy bác? Còn nỗi buồn nào hơn khi  chiến tranh  đã chấm dứt trên quê hương mà bác lại ra đi? Sao bác không ở lại để nhìn thấy các con của bác và bạn bè không còn phải sống trong cảnh mịt mù khói lửa của cuộc chiến tranh này? … (Trích bài viết ĐẤT VÀ NGƯỜI của Phạm Văn Nhàn)