Sunday, May 3, 2020

1561. MINH NGỌC Truyện ngắn NỖI CÔ ĐƠN CỦA ĐÁ

 Photo courtesy of American CDC

Anh trở lại sở sau giờ ăn trưa. Mở computer lên, khuôn mặt cô tươi mát với nụ cười rạng rỡ sáng rực cả màn hình. Anh bắt đầu làm tiếp công việc dở dang, vừa làm vừa nghĩ tới cô. Còn hai tháng nữa tới ngày cưới, không biết cái dịch này có hết không nhỉ? Hai người đã chuẩn bị đầy đủ, thiệp mời đã gởi đi. Cô đã nhận được tấm áo cưới ưng ý từ nhà may áo cưới, chắc là đẹp lắm nhưng cô nhất định không muốn cho anh thấy, cô bảo chú rể thấy áo cưới trước hôn lễ sẽ xui. Anh hồi hộp nôn nao mong chóng tới ngày ấy để thấy cô lộng lẫy trong tà áo trắng tinh khôi.

Chẳng may cái dịch quái ác này từ đâu lan tới. Lúc đầu anh cũng như nhiều người nghĩ nó sẽ qua đi như cúm, nhưng những con số nhảy lên từng ngày khiến thiên hạ bắt đầu hoang mang, đua nhau mua sắm, tích trữ. Anh và cô vẫn bình tĩnh tự tin, chờ dịch qua. Những người bệnh nặng và chết đa số là người già hoặc bệnh tật, mình trẻ trung khoẻ mạnh, cố gắng giữ gìn và chờ đợi, hy vọng sẽ không ảnh hưởng tới ngày vui.

Bỗng đâu ông giám đốc xuất hiện, vỗ hai bàn tay vào nhau để gây sự chú ý. Anh và mọi người đang say sưa làm việc giật mình ngẩng lên. Vị giám đốc thường ngày quyết đoán nhanh nhẹn hôm nay có vẻ lo lắng hiếm thấy. Ông mở đầu, giọng ngập ngừng:
- Tôi muốn đích thân báo cho các anh chị mà không muốn dùng email.

Cả phòng nín thở. Sở sắp giải tán chăng, hay sáp nhập vào công ty khác? Hay là sắp cho nghỉ việc hàng loạt?

Trước những con mắt đăm đăm nhìn xoáy vào ông chờ đợi, vị giám đốc hắng giọng, rồi đắn đo một phút trước khi nói tiếp:
- Tôi xin nói trước là các anh chị không nên hoang mang lo sợ.

Lại ngưng. Gian phòng lặng ngắt tưởng cây kim rớt cũng nghe vang dội.

Ông tiếp tục, nhỏ giọt từng chữ một cách khó nhọc:
- Một nhân viên trong sở chúng ta vừa có kết quả dương tính với Coronavirus.

Mọi người ồ lên xôn xao lo lắng. Ông giơ tay ra hiệu im lặng, rồi tiếp, giọng buồn bã:
- Tôi đã nhận được huấn thị từ Sở Y tế. Bắt đầu từ bây giờ, tất cả phải về nhà tự cách ly, không được tiếp xúc với ai cả trong mười bốn ngày. Nếu thấy sốt, ho hay đau họng phải liên lạc ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn tiếp.

Không khí lặng đi, bàng hoàng. Ông giám đốc thêm:
- Tôi sẽ rất hoan nghinh nếu các anh chị có thể làm việc được ở nhà, tuy nhiên chỉ trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Tôi mong gặp lại tất cả sau hai tuần.

Đó là câu nói thật lòng, không khách sáo, tất cả nhân viên đều hiểu cái ý nghĩa đằng sau. Họ trao nhau những cái nhìn lặng lẽ, lục tục sắp xếp đồ đạc ra về.

*

Anh cặm cụi làm việc trên computer trong căn apartment độc thân của mình. Trong tủ đông chứa đầy các món ăn đông lạnh, đói thì bỏ vào microwave hâm lại mà ăn. Bên ngoài thỉnh thoảng có tiếng còi xe cấp cứu rồi lại tĩnh mịch hoàn toàn. Anh đã bước sang tuần thứ hai, chưa nghe tin có đồng sự nào mắc bệnh, nhưng những con số tăng dần khiến thành phố ban lệnh giới hạn đi lại, hầu hết sở làm đóng cửa, tất cả tiệc tùng dẹp bỏ. Bây giờ nếu anh không cách ly thì hai người cũng chẳng gặp nhau được. Anh nhớ cô cồn cào.

Chuông Facetime vang lên. Gương mặt cô tươi tắn hiện ra, nũng nịu:
- Nhớ em không?
- Nhớ lắm.
- Xạo kìa.
- Vậy chớ em có nhớ anh không?
- Không nhớ thì gọi làm chi.

Anh cười.

Cô lại sắp hỏi anh khoẻ không, có sốt có ho không, có gì để ăn không. Anh sẽ trả lời có – không – không – và có. Rồi hai người tiếp tục nói chuyện những nhà hàng quen sẽ trở lại ăn sau dịch, những cuốn phim hay sắp chiếu khi rạp hát mở cửa trở lại, nói chuyện đám cưới. Để rồi sau khi tắt Facetime, trở lại với sự lặng ngắt của căn phòng, anh càng thấy cô đơn, càng nhớ cô hơn.

Làm việc tới khuya, anh tắt đèn đi ngủ. Bỗng anh thấy cổ họng đau đau. Anh ngồi dậy, đi ra tủ lạnh rót nước uống rồi trở lại giường ngủ. Gần sáng anh giật mình thức dậy, đầu nhức như búa bổ, người ớn lạnh khó chịu. Anh đi lấy một viên Motrin uống rồi nằm nghỉ, chắc hôm nay không làm việc được rồi.

Anh ngủ vùi tới quá trưa, tỉnh dậy không thấy đỡ, ăn một chút súp đóng hộp Campbell rồi uống thêm một viên Motrin. Khi cô gọi, anh không nói chuyện được nhiều vì cổ họng đau rát, anh cố trấn an cô rằng có lẽ vì anh thức khuya làm việc, mai chắc sẽ khoẻ hơn.

Buổi tối ngực anh ran ran, anh muốn ho mà phải nén lại vì vừa dợm ho là ngực đau tức không chịu nổi. Cả đêm anh trở mình bên nào cũng đau và khó chịu, ngực đau đến mức không thở được. Anh hít Albuterol mấy lần vẫn không thấy đỡ. Chờ mãi tới chín giờ sáng để gọi văn phòng bác sĩ vẫn trị bệnh suyễn cho anh, vị bác sĩ chăm chú lắng nghe, hỏi anh về người đồng sự mắc COVID-19 ở sở. Anh bảo không biết đích xác là ai nên không thể nói là có gần người ấy nhiều không. Vị bác sĩ bảo:
- Anh phải đi cấp cứu.

Anh cãi:
- Chắc tôi bị cúm thôi mà bác sĩ, vài ngày là hết có chi đâu.

Vị bác sĩ nghiêm nghị:
- Không, anh nghe tôi, đừng coi thường. Tôi gọi phòng cấp cứu bệnh viện của tôi ngay bây giờ, khi anh đến họ sẽ ra đón anh. Anh tự lái xe được không? Được? Tốt, đi liền nhé. Đừng vào cổng A, phải vào cổng B.

*

Anh tự lái xe đến phòng cấp cứu bệnh viện, tự đậu xe xong, cố gắng nén cơn đau ngực, khó nhọc bước vào cổng B như bác sĩ đã dặn. Người bảo vệ đeo khẩu trang, găng tay chẳng khác bác sĩ phẫu thuật trên phim, chận anh lại hỏi, anh khai bác sĩ bảo đi cấp cứu ở cổng này. Anh ta hỏi tên rồi bốc điện thoại gọi vào. Chừng một phút sau, một đoàn bốn năm người trùm kín mít từ đầu tới chân như phi hành gia vội vã đẩy một chiếc băng ca ra, bắt anh nằm lên rồi đẩy nhanh vào phòng. Họ nhanh chóng gắn các thứ phụ tùng lên người anh để các con số nhịp tim, huyết áp, và độ bão hòa oxygen hiện lên trên màn hình. Một người nhìn lên các con số rồi bảo cho chụp mặt nạ dưỡng khí lên mặt anh. Hơi oxygen mát lạnh phả vào mũi và miệng khiến anh dễ chịu hơn một chút. Một người lấy nhiệt độ của anh vừa xong, họ đem đến hai viên Tylenol cho anh uống. Hai người khác cũng vừa đặt xong đường truyền tĩnh mạch, một bao muối sinh lý nhỏ giọt theo ống nhựa dài mảnh mai chảy vào người anh. Một người nữa dùng que dài có bông gòn ở đầu như Q-tip chọc vào trong mũi anh rồi bỏ vào ống nghiệm đóng nắp lại. Xong xuôi, họ đi ra khỏi phòng. Một người đẩy chiếc máy cồng kềnh vào phòng, đặt một tấm hình vuông dưới lưng anh, điều chỉnh máy ngay bên trên người anh, lui ra ngoài cửa, tay bấm chiếc nút đang cầm một tiếng “tách” khô khan, rồi anh ta lấy tấm vuông ấy ra, đặt bên hông anh, lại bấm thêm một cái nữa. Anh ta đem tấm vuông ấy bọc vào một cái bao để riêng, đẩy cái máy ra ngoài, đóng kín cửa.

Anh còn lại một mình, cô đơn khủng khiếp trong không gian lặng như tờ, chỉ có tiếng tic tic đều đặn uể oải nhịp tim của anh trên màn hình. Anh cảm thấy yếu mệt, đầu óc mụ mị, nhưng anh vẫn nhớ cô, nhớ da diết, anh ước gì có cô bên cạnh trong lúc này. Cô sẽ dịu dàng ngồi xuống bên anh, cầm tay anh âu yếm, hôn lên trán anh, vuốt tóc cho anh. Chỉ cần nhìn thấy gương mặt tươi tắn của cô anh sẽ thấy khoẻ lại trăm phần.

Bỗng anh hoảng sợ. Lỡ mình bị Corona thì sao? Mình còn trẻ thế này làm sao mắc bệnh dễ dàng như vậy. Chắc bị cúm rồi cơn suyễn nó hành thôi mà.

*

Người nữ bác sĩ lo lắng nhìn vào con số màu xanh dương trên màn hình. Mỗi lần nó tuột xuống dưới 90, cô lại bảo điều dưỡng tăng dần nồng độ oxygen. Trên phim, anh bị viêm phổi lan tỏa khá nặng. Cô đã lặng người trông thấy kết quả dương tính cho COVID-19. Cô đã gọi cho cha mẹ anh ở một tiểu bang khác thông báo về bệnh tình của anh và cẩn thận chuẩn bị tinh thần cho họ sẵn sàng với tình huống xấu nhất. Cô khuyên họ không nên bay qua đây vì họ ở lứa tuổi nguy cơ cao nếu nhiễm bệnh, vả lại họ cũng không được phép vào thăm anh. Tiếng người mẹ sùi sụt ở đầu dây bên kia ám ảnh cô ngày đêm, cảm thấy cái bất lực của một người thầy thuốc trước kẻ thù quá hung hãn.

Khi cô báo tin cho anh, anh nhìn cô bằng ánh mắt yếu ớt nhưng bình thản lạ thường như anh đã tự biết rồi vậy. Anh ra dấu về phía chiếc iPhone trên bàn cạnh giường. Cô cầm lấy đưa cho anh, anh mở lên, chỉ cho cô xem gương mặt sáng rỡ của cô gái trên màn hình rồi áp vào ngực. Lúc này, hai giọt lệ mới ứa ra từ khoé mắt chàng trai.

Cô đoán người con gái có lẽ là người yêu của anh, vì trong hồ sơ, tên người thân để liên lạc là cha mẹ chứ không phải vợ. Cô cố gắng nói mấy lời trấn an anh, nhưng anh chỉ nhắm nghiền mắt, lệ lại ứa ra.

Trong mấy năm làm ở khoa Săn sóc đặc biệt, cô đã chứng kiến bao nhiêu tình huống éo le bi thảm, cô vẫn chưa thể chai lì được. Cô vẫn khóc khi bó tay trước một cái chết, vẫn vui mừng khi cứu được một mạng người. Từ lúc bắt đầu đối phó với dịch, cô đã gặp nhiều trường hợp tuyệt vọng hơn là hy vọng với con virus tung hoành chưa có thuốc chữa. Mỗi ngày qua, số bệnh nhân tăng lên dồn dập, nhiều lúc khiến cô cảm thấy tối tăm, nhưng vẫn tự nhủ phải cố gắng, cứu được người nào hay người đó. Một cuộc chiến không cân sức giữa con virus nhỏ bé nhưng tàn bạo và đội ngũ thầy thuốc hùng hậu với nền y tế hiện đại nhưng chưa tìm ra đối pháp.

Bỗng con số màu xanh dương tuột xuống, chớp báo động inh ỏi. Cô đứng bật dậy, bấm cái nút to màu xanh trên tường rồi mở cửa chạy vụt vào phòng, rút quả bóng oxygen cấp cứu trên đầu giường, áp mặt nạ lên mặt chàng trai, bóp bóng liên tục đẩy oxygen vào phổi. Hai điều dưỡng chạy tới, đẩy xe thuốc cấp cứu đến trước cửa phòng, nhanh nhẹn bẻ khóa, mở ngăn kéo lấy ra ống thở và đèn đặt nội khí quản cho cô. Cô mau chóng đặt ống thở, nối với máy thở bên cạnh giường. Con số màu xanh dương vọt lên 85 nhưng không lên nữa dù cô đặt oxygen 100%. Cô thở dài, bước ra ngoài, tháo bộ đồ trang bị, gỡ bỏ khẩu trang, rửa tay với xà bông, rồi bước lại bàn làm việc, bấm số gọi cha mẹ của anh.

Hết phiên trực lúc bảy giờ tối, cô thay bộ đồng phục, chuẩn bị về nhà. Khi bước ra hành lang, qua cửa khu Săn sóc đặc biệt, cô thấy một cô gái khóc lóc năn nỉ anh bảo vệ nhưng anh ta liên tục lắc đầu. Cô nhìn kỹ, đúng là cô gái trong iPhone của chàng trai. Cô tiến đến hỏi có phải cô đến thăm người ấy không, cô nức nở gật đầu. Cô bảo cô gái đi cùng với mình xuống thang lầu, ra khỏi bệnh viện. Cô nhẹ nhàng giải thích rằng cô là bác sĩ điều trị cho anh ấy nhưng cô không thể nói gì về tình trạng của anh ấy vì theo luật cô chỉ được phép thông báo và bàn bạc với thân nhân gần nhất của anh, tức là cha mẹ anh. Cô khuyên cô gái nên giữ liên lạc với cha mẹ anh để biết tin tức. Cô gái òa khóc, bảo cô vừa nói chuyện với mẹ anh hôm nay, chính vì vậy cô đánh liều tìm cách vào mong thấy mặt anh một lần cuối. Cô sụt sùi tiếp:
- Chị không biết đâu, từ lúc anh ấy vào đây, chiều nào em cũng tới ngồi trên chiếc ghế đá bên dưới cửa sổ khoa Săn sóc đặc biệt. Chỉ có chỗ đó gần với anh ấy nhất. Nếu ngồi nhà em sẽ phát điên. Em ngồi đó, hy vọng bằng tâm linh anh ấy cảm thấy sự có mặt của em, thấy bớt cô đơn. Anh ấy sợ sự cô đơn lắm. Mà căn bệnh Corona và cái chết Corona nó cô đơn khủng khiếp, chị thấy không? Không người thăm viếng. Không một bông hoa. Không đám tang, không người đưa tiễn.

Người nữ bác sĩ lặng người. Từ lúc quay cuồng đối phó bệnh dịch quái ác, cô chưa hề có giây phút ngồi lại để nghĩ đến điều này. Hàng ngày cô nhìn vào những gian phòng đóng kín, bên trong có người bệnh nằm im lìm, ngực phập phồng theo máy thở, cô chỉ chú ý màn hình với những chỉ số oxygen, nhịp tim, huyết áp, còn người bệnh có cảm giác gì không?

Cô gái nghẹn ngào:
- Em nghe mẹ anh ấy báo là anh ấy phải nằm máy thở, em rụng rời tay chân, chạy ngay vào đây, em quyết gặp anh ấy một lần, dù bị lây bệnh em cũng cam. Em không nỡ để anh ấy cô đơn mãi mãi.
Người bác sĩ khuyên bảo cô nên bình tĩnh, đừng nghĩ quẩn, anh ấy còn trẻ, có thể có hy vọng. Cô gái lau nước mắt, tươi lên một chút;
- Thật hả chị? Chị cố cứu anh ấy cho em. Em đội ơn chị suốt đời.

Cô gái chào từ giã, đi ra garage đậu xe. Người bác sĩ đứng nhìn theo cái dáng mảnh mai đi hăng hái xa dần, lòng cắn rứt vì mình vừa nói dối, nhưng cũng tự trấn an rằng lời nói dối của mình biết đâu sẽ giúp cô gái đêm nay có một giấc ngủ ngon nhiều mộng đẹp.

*
Chàng trai suy yếu dần dần. Những chỉ số liên tục xấu đi. Máy thở và oxygen không giúp được hai lá phổi bị hư hại. Gan và thận suy nặng. Mọi người trong khoa Săn sóc đặc biệt nhìn nhau u ám, lắc đầu. Người bệnh không còn hy vọng gì cứu nổi. Đặt ECMO chỉ giúp kéo dài sự sống leo lét như ngọn đèn cầy đã cạn. Mỗi tối, lúc bảy giờ hết phiên trực, người nữ bác sĩ ra về, không khỏi liếc nhìn chiếc ghế đá có dáng dấp mảnh mai của người con gái đang ôm ấp những hy vọng mong manh, lòng đau như cắt. Cô không có can đảm đến hỏi thăm cô gái vì biết mình không thể nào nói dối được nữa.

Cha mẹ anh liều lĩnh quyết định bay sang để tự tay ký giấy rút trợ sinh cho con. Người cha tỏ vẻ cứng cỏi nhưng sau khi đặt bút ký ở dòng gạch ngang vô tri trên tờ giấy, ông đã òa khóc rưng rức. Tiếng khóc của người đàn ông cao lớn rắn rỏi với mái tóc bạc vang lên trong căn phòng lặng ngắt xé lòng người bác sĩ. Cô quay mặt đi để giấu đôi mắt ướt đẫm của mình.

Người cha cuối cùng cố trấn tĩnh, sửa soạn một tư thế đường hoàng bước ra gặp vợ ngồi chờ bên ngoài đang sùi sụt khóc. Bà ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn ông, ông lặng lẽ gật đầu. Hai vợ chồng già ngồi cạnh nhau, nắm tay chờ đợi.

Khi người nữ bác sĩ bước ra báo với hai ông bà là người con trai đã được ghi nhận tử vong sau khi rút trợ sinh, trái tim trẻ trung của anh ngừng đập mãi mãi, hai ông bà lại bật khóc rồi đứng dậy dìu nhau bước ra khỏi khoa Săn sóc đặc biệt, những bước chân run run xa dần. Phía cuối hành lang, một người con gái mảnh mai đứng chờ, ôm chầm lấy hai ông bà. Hình như cả ba người cùng òa lên khóc.

Bảy giờ tối hôm đó, người nữ bác sĩ ra về, theo thói quen cô nhìn về chiếc ghế đá để tìm dáng dấp mảnh mai quen thuộc. Nhưng chỉ có ghế đá im lìm lạnh lẽo. Chẳng biết đá có cô đơn?

MINH NGỌC
Tháng 3/2020 
Nguồn: Ngôn Ngữ số 7, tháng 5.2020