Sunday, July 12, 2020

1664. TRẦN THỊ NGUYỆT MAI Tường trình thời đại dịch

Trần Thị Nguyệt Mai - Ảnh Phạm Cao Hoàng, Virginia, 29.6.2019


COVID-19 là chữ viết tắt của Coronavirus disease 2019. Đây là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2 (SARS-CoV-2), được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và từ đó đã lan rộng ra thế giới, dẫn đến một đại dịch đang hoành hành. Tính đến hôm nay, ngày 18/5/2020, theo thống kê của Worldometer, hơn 4,83 triệu trường hợp đã được công bố trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến  hơn 317 ngàn ca tử vong, trong đó, Hoa kỳ là quốc gia đứng đầu danh sách (hơn 1,52 triệu nhiễm bệnh và hơn 90 ngàn người chết). (1)

Bác sĩ Li Wenliang, một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về coronavirus trong những ngày đầu của dịch bệnh. Ngày 30/12/2019, ông gửi thông báo đến các đồng sự về sự bùng phát của một căn bệnh giống như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đang xảy ra nơi ông làm việc, đồng thời khuyên họ nên tự bảo vệ để tránh lây nhiễm. Bốn ngày sau, ông bị Văn phòng Công an ở Vũ Hán gọi lên trình diện và phải ký vào giấy buộc tội đã đưa ra những thông tin sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng. (Sau đó, ông trở lại làm việc rồi bị nhiễm bệnh và đã qua đời vào ngày 7/2/2020.) (2)


Sự thật, theo tạp chí y khoa Lancet, những triệu chứng bệnh trạng đầu tiên đã được quan sát vào ngày 1/12/2019 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta tin rằng con vi khuẩn này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2019. Nhưng đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc mới thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một số trường hợp viêm phổi bất thường ở Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân nhưng không rõ do con vi khuẩn nào gây ra.

Vào ngày 5/1/2020, các quan chức Trung Quốc đã loại trừ khả năng đây là sự tái phát của virus hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) – một căn bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc và giết chết hơn 770 người trên toàn thế giới vào năm 2002-2003.  Và đến ngày 7/11, Trung Quốc công bố đã xác định được một loại vi-rút mới, được đặt tên là novel coronavirus hay 2019-nCoV.

Tiếp theo, ngày 11/1, Trung Quốc thông báo cái chết đầu tiên do virus này mang đến: một quý ông 61 tuổi là khách hàng thường xuyên của chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán (chợ này đã bị đóng cửa từ ngày 1/1/2020). Việc điều trị các triệu chứng của ông này trở nên xấu đi sau khi nhập viện và bệnh nhân đã chết vì suy tim vào tối ngày 9/1/2020.

Lúc đó tại Hoa Kỳ, tình trạng chưa nghiêm trọng. Tôi đã đáp chuyến bay về vùng Saigon Nhỏ để dự đêm nhạc Người Về Như Bụi và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ nhà thơ Du Tử Lê được tổ chức vào thứ ba 14/1/2020 tại nhà hàng Hạt Ngò là nơi sinh thời thi sĩ thường ghé đến.

Sau đó những tin tức ngày một xấu dần: 13/1, Thái Lan là nước ngoài Trung Quốc đầu tiên công bố trường hợp nhiễm bệnh 2019-nCoV từ một quý bà 61 tuổi đến từ Vũ Hán. Tiếp đó, ngày 20/1, Hoa Kỳ ghi nhận một trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh, một người đàn ông 35 tuổi ở Snohomish County, tiểu bang Washington, đã đến Vũ Hán trước đó. Ngày 23/1, Vũ Hán bị đặt trong tình trạng cách ly và tỉnh Hồ Bắc thì mấy ngày sau đó. Ngày 30/1 WHO tuyên bố tình trạng báo động khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ngày 31/1, Tổng thống Donald Trump cấm công dân ngoại quốc vào Mỹ nếu họ ở Trung Quốc trong vòng hai tuần trước. Ngày 2/2, một trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được ghi nhận ở Phi Luật Tân. Ngày 9/2 số người chết ở Trung Quốc đã vượt qua đại dịch SARS 2002-2003, với 811 ca tử vong được ghi nhận. Ngày 11/2, WHO thông báo tên mới của bệnh dịch này là COVID-19. Ngày 12/2, các trường hợp nhiễm coronavirus bắt đầu tăng đột biến ở Nam Hàn. Ngày 19/2/2020, đại dịch bắt đầu bùng phát ở Iran, tiếp theo là Ý (21/2) và vào ngày 29/2, Hoa Kỳ tường trình ca tử vong đầu tiên trên đất Mỹ. (Trước đó, một công dân Mỹ đầu tiên đã chết tại Vũ Hán vào ngày 8/2).

Ngày 3/3, các trường hợp nhiễm coronavirus bắt đầu tăng mạnh ở Tây Ban Nha, đánh dấu sự khởi đầu của đợt bùng phát. Ngày 8/3, Ý đặt tất cả 60 triệu cư dân vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” (lockdown). Ngày 11/3, WHO tuyên bố đại dịch bùng phát và Tổng thống Trump cấm tất cả những chuyến du hành từ 26 quốc gia châu Âu. Ngày 13/3, Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng báo động khẩn cấp toàn nước Mỹ về vụ dịch coronavirus. (3)

Tại nơi tôi đang sống, Thống đốc tiểu bang tuyên bố tất cả các trường học sẽ phải đóng cửa trong ba tuần bắt đầu từ ngày thứ ba 17/3 để tránh lây lan. Tuy thế nhiều khu học chánh địa phương đã quyết định đóng cửa trước ngày đó, có nơi chọn thứ sáu 13/3 nhưng đa số các trường quyết định đóng cửa bắt đầu thứ hai 16/3. Tình hình ngày càng xấu, nên Thống đốc tiểu bang đã gia hạn việc đóng cửa bắt buộc đối với tất cả các trường trung tiểu học cho đến cuối niên khóa 2019-2020, cùng lúc bãi bỏ các buổi dạ hội cuối năm. Các trường Đại Học cũng đóng cửa từ thứ sáu 13/3 và cho sinh viên học online phần còn lại của học kỳ mùa xuân.

Ngày chủ nhật 22/3/2020, Thống đốc tiểu bang đã ban hành Lệnh ở nhà (Stay home order) bắt đầu hiệu lực vào ngày thứ hai 23/3/2020 lúc 11 giờ 59 tối và sẽ hiệu lực cho đến ít nhất là 11 giờ 59 tối thứ năm 9/4/2020, trừ phi lệnh được hủy bỏ hay cần sửa đổi. Nhưng đến ngày 2/4, Lệnh được triển hạn cho đến 11 giờ 59 tối thứ sáu 1/5/2020. Và đến ngày 1/5 thì Lệnh được triển hạn thêm một lần nữa đến 11 giờ 59 tối thứ sáu 29/5/2020. Điều đó có nghĩa là trừ những trường hợp cần phải ra ngoài (đến sở, đi chợ, khám bệnh, hoặc cấp cứu…) thì người dân phải ở nhà.

Tuy làm công việc hành chánh nhưng vì thuộc ngành chăm sóc hành vi sức khỏe (behavioral healthcare) nên tôi vẫn đi làm. Sáng đến sở, đường sá vắng lặng, thưa thớt và buổi chiều về cũng vậy. Không còn cảnh xe cộ tấp nập trên đường. Tới sở, công việc cũng có chút thay đổi. Sau khi ký tên vào bản điểm danh như thường lệ, nhân viên sẽ tự đo nhiệt độ bằng máy đo hồng ngoại và điền vào một mẫu giấy in sẵn: tên, ngày giờ, và trả lời có / không những câu hỏi sau đây:

·       Bạn có bị sốt, ho, đau cổ họng, nhức đầu, mất vị giác hoặc thính giác, đau nhức bắp thịt, tiêu chảy và / hoặc khó thở không?
·       Khi đo thân nhiệt hôm nay, nhiệt độ của bạn có trên 100,4 độ F/ 38 độ C hoặc cao hơn?
·       Bạn có du hành trong vòng 24 giờ qua?
·       Bạn có tiếp xúc gần với ai mỗi lần 15 phút và trong phạm vi 6 feet với người bị xác nhận nhiễm bệnh hoặc đang chờ đợi kết quả thử Covid-19 trong vòng 24 giờ qua?
·       Bạn có bị cách ly trong 14 ngày vừa qua?

Nếu trả lời “có” ở bất cứ câu hỏi nào, xin hãy thông báo ngay cho giám đốc của bạn biết.

Chúng tôi cũng phải tuân giữ khoảng cách 6 feet, ngay cả trong phòng họp. Khi rời khỏi văn phòng của mình để đến một văn phòng khác thì phải mang khẩu trang. Sau giờ làm việc, trước lúc ra về, phải dùng thuốc tẩy lau bàn và tay nắm cửa. Và được khuyên phải rửa tay thường xuyên hơn để phòng ngừa bệnh, cùng lúc những chai hand sanitizer loại 2 lít có ở những nơi công cộng.

Hàng ngày theo dõi tin tức thấy tình hình rất kinh hoàng. Mới đến ngày 23/3, thành phố New York đã xác nhận 21.000 trường hợp, khiến nó trở thành tâm chấn lớn nhất của vụ dịch ở Hoa Kỳ. Theo một trả lời phỏng vấn trên YouTube, Bác sĩ / Linh mục Phạm Hữu Tâm đã rời Houston, Texas vào ngày 6/4/2020 để đến New York tình nguyện làm việc 3 tuần tại bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, nơi được coi là “tâm dịch của tâm dịch” tại Hoa Kỳ, cho biết mỗi ngày trung bình có khoảng 700 người người chết. Số người chết quá đông, không đủ nhà để xác, họ đã phải vận dụng những xe đông lạnh. Còn những xác vô thừa nhận được bỏ vào từng hộp carton, khoảng 75 đến 100 xác được cùng chôn vào một hố lớn tại Hart Island, ở phía đông bắc Bronx, nơi trước đây từng là chốn an nghỉ cuối cùng của những kẻ không nhà… Thêm vào đó, trên khắp cả nước Mỹ, những tin tức về tình trạng thiếu thốn thiết bị / trang phục bảo vệ cá nhân cho những nhân viên y tế, máy thở cho người bệnh… Bệnh nhân quá đông, không đủ giường, thiếu nhân viên y tế nên những người này đã tận lực làm việc quá nhiều giờ. Không được nghỉ ngơi đủ, phải tự cách ly do sợ lây nhiễm cho gia đình, chỉ ghé qua nhà vẫy tay nhìn vợ (hoặc chồng) con từ cửa sổ hoặc face time qua màn hình, số tử vong lại quá nhiều, từ đó dẫn đến trầm cảm, như việc Bác sĩ Lorna Breen (là con gái của một bác sĩ phẫu thuật đã về hưu) làm việc tại phòng cấp cứu New York đã tự tử chết vào ngày chủ nhật 26/4 sau khi đã nhiễm Covid-19, được chữa trị và hồi phục.

Thêm vào đó là tin kỳ thị, đặc biệt ở những vùng đông dân Á châu. Bắt nguồn từ dịch bệnh Vũ Hán, dân bản xứ nghĩ rằng hễ có màu da vàng thì đích thị là người Tàu nên họ thay đổi cách đối xử, hoặc chửi rủa, thậm chí dùng vũ lực. Như chuyện con trai của cựu phóng viên truyền hình Leyna Nguyễn, chỉ vì húng hắng ho đã bị giáo viên gởi xuống văn phòng y tá và không được nhận cho trở vào lớp học trong khi những trẻ da trắng khác cũng bị ho nhưng vẫn yên vị. Như một thính giả lớn tuổi của đài TNT ở San Diego đã kể trên làn sóng, cô bị một thanh niên Mỹ to con hành hung trước cửa tiệm Walmart, vừa đánh vào đầu cô vừa nói“Chinese goes home!” cho đến khi cảnh sát tới can thiệp. Chính nhà văn Trịnh Y Thư cũng trải qua kinh nghiệm này, đã kể lại:

“Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.

Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.” (4)

Tuy nhiên, cũng có những tin thật cảm động. Như việc bày tỏ sự cảm ơn của cảnh sát ở Fort Myers, tiểu bang Florida. “Họ xếp 14 chiếc xe tuần tiễu thành hình một trái tim lớn trên bãi đậu xe của bệnh viện Lee Memorial Hospital. Giữa hình trái tim có 13 cảnh sát viên, mỗi người cầm một mẫu tự, xếp thành hàng chữ “FMPD Thank You”. “FMPD” là “Fort Myers Police Department”. Xếp xong hàng ngũ, họ cho xe chớp đèn xanh đỏ làm rực rỡ cả khu bệnh viện. Các nhân viên y tế đứng từ cửa sổ các tầng lầu nhận lời cám ơn. Sau đó họ để lại các mẫu tự trên bãi đậu xe vắng ngắt.” (5). Như các em học sinh đã vẽ tranh với lời cảm ơn tới những nhân viên y tế, cảnh sát, cứu hỏa… Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng có những hiến tặng cho quê hương thứ hai này. Tại thành phố Worcester, MA, ông Tony Đức Nguyễn và bà Sarah Dung Võ đã mua lại một kho thiết bị y tế gồm khẩu trang N95, áo choàng y tế, bao tay, và rất nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân để quyên tặng cho các bệnh viện trong tiểu bang. May tặng khẩu trang cho các bệnh viện thì có nhóm thiện nguyện của chị Thảo Phạm và chị Kati đã may tặng hơn 2000 khẩu trang cho nhân viên y tế ở các bệnh viện tại Tacoma, Washington. Nhóm của các chị Trinh Phí, Kiều Dung, Uyên Trang tại Little Saigon, Nam California. Vùng đông bắc có nhóm của nhà văn Nguyễn Minh Nữu gồm 18 thiện nguyện viên với chỉ tiêu cung cấp 10 ngàn  chiếc cho các bệnh viện… Hỗ trợ phần ăn cho những nhân viên tuyến đầu thì có các nhà hàng Phở Hà Nội, Đồng Quê, Nam Giao, Nha Trang, VN Grill, Green Lotus và các tiệm thức uống Kay’s Teahouse, Teahee, Vampire Penguin ở San Jose…

Vâng. Cuộc đời này vẫn còn đẹp với những sự hy sinh, lòng nhân ái, sự biết ơn, … Coronavirus có thể lây nhiễm và giết chết con người. Nhưng mãi mãi nó không thể đụng tới những phẩm chất đáng quý này. Có phải vậy không?

Trần thị Nguyệt Mai
18/5/2020

Nguồn tham khảo:
(1) https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdUOA?Si
(2) https://www.bbc.com/news/world-asia-china-51364382
(3) https://www.businessinsider.com/coronavirus-pandemic-timeline-history-major-events-2020-3
(4) Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus (3/2020) – Trịnh Y Thư
(5) Cảm ơn (05/2020) – Song Thao
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 89, tháng 6/2020- Thơ Văn Mùa Đại Dịch