Sunday, July 26, 2020

1686. KỲ NHÂN GIỮA ĐỜI THƯỜNG Truyện ngắn của nhà văn Trung Quốc PHÙNG KỲ TÀI (1942 - …) THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Phùng Kỳ Tài


Phùng Ký Tài ( 冯骥才Feng Jicaisinh năm 1942 tại Thiên Tân, thành phố cảng cách Bắc Kinh 150 km về phía bắc. Từ nhỏ đã yêu thích văn chương, nghệ thuật, 20 tuổi vào học trường hội hoạ và thư pháp Thiên Tân, bốn năm sau, thời Cách mạng Văn hoá, trường học biến thành nhà in, ông đi làm công nhân rồi đại diện thương mại, những hoạt động giúp ông tiếp xúc với nhiều người với điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cung cấp chất liệu cho những tác phẩm về sau của ông.
      
Tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản năm 1977 là " Nghĩa hoà quyền", một công trình nghiên cứu khoa học, viết chung với Lý Định Hưng, giúp ông sớm nổi tiếng để gia nhập Hội Nhà văn Thiên Tân và trở thành nhà văn chuyên nghiệp ngay sau đó.
        
Ông viết nhiều truyện ngắn, và đã đạt được nhiều giải thưởng quốc gia giá trị: truyện "Điêu hoa yêu đẩu" ( Chiếc tẩu thuốc khảm hoa ), Giải truyện ngắn xuất sắc năm 1979, truyện " Khiêu sơn công " ( Cửu vạn leo núi ), Giải văn xuôi toàn quốc năm 1983...
         
Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Đức, Nhật, Nga.

" Kỳ nhân giữa đời thường" là tác phẩm thể hiện nguyện vọng của Phùng Ký Tài muốn bảo tồn những giá trị văn hoá - phong tục của quê hương Thiên Tân. Đây là một tuyển tập gồm 18 truyện rất ngắn (có khi được gọi là " vi hình tiểu thuyết "), khắc hoạ chân dung những nhân vật độc đáo trong đời thường, mỗi người có một biệt tài, một tính cách khác thường. Những chân dung này vẽ nên bức tranh sinh động của các tầng lớp nhân dân ở Thiên Tân và các sinh hoạt trên bến cảng nơi này, vào những năm đầu thập niên 1910, sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ và nhà nước Trung hoa Dân quốc được thành lập.
       
 Dưới đây là hai chân dung như thế.


Tô Kim Tân
       
Chẳng bao lâu sau ngày thành lập nước Cộng hoà (1), bác sĩ Tô, tên thật là Tô Kim Tân, chuyển đến khu Tiểu bạch lâu mở phòng mạch, treo bảng hiệu trước đường, chuyên bó và chữa trị gãy xương, ngay những người phương Tây khi đua ngựa bị gãy chân gãy tay cũng đến khám chữa chỗ ông.
       
Cao lớn, lúc nào cũng khoác chiếc áo kiểu cổ, ông có đôi bàn tay mảnh khảnh mà rất khoẻ, trạc ngoài ngũ tuần, khuôn mặt đẹp, mắt sáng như đèn, dưới cằm vài sợi lông bóng mượt như bôi dầu. Giọng vang và sâu, như phát từ đan điền, và vọng đi rất xa, nếu như ông bất chấp tuổi tác mà đến học hát tại một đoàn ca kịch thì hẳn là ông có thể đối đáp được với Kim Thiếu San (2). Trong khi hành nghề, ông tỏ ra khéo léo và thành thạo vô cùng, khi có ai bị chấn thương cơ bắp hay gãy bộ phận nào đó tìm đến ông, ông sẽ làm gì đây? Trước tiên là lấy đầu ngón tay sờ nắn vị trí nhạy cảm để đánh giá tổn thương bên trong, chỉ liếc mắt nhìn tưởng như theo bản năng, ông đã hiểu ra ngay. Đôi bàn tay ông thoắt lướt qua chỗ này chỗ kia như đôi chim trắng, nhanh như chớp, chỉ nghe tiếng xương kêu răng rắc, người bệnh chưa kịp cảm thấy đau thì chỗ gãy đã được nắn, ông bó bột thật nhanh, đóng nẹp và bệnh nhân ra về yên tâm. Nếu họ có trở lại thì cũng để cúi mình chào ông, và mang theo bức hoành ghi lời tri ân.

Những người tài năng thường có nhiều tính cách đặc biệt. Riêng bác sĩ Tô thì có một nguyên tắc khác thường: khi có người đến khám, dù nghèo hay giàu, dù  người thân hay xa lạ, nhất thiết phải đặt lên bàn bảy đồng bạc thì ông mới khám, nếu không có, ông chẳng ngó ngàng đến. Phải chăng đây là nguyên tắc chung? Không, chỉ là nguyên tắc của riêng ông! Mọi người trách ông là chỉ biết có tiền, và do mỗi lần ông điều trị có giá bảy đồng tiền một nguyên (3), người ta đặt cho ông biệt danh không vui tai lắm là "ông Tô bảy nguyên". Khi nói chuyện với ông, ai cũng gọi là bác sĩ Tô, nhưng sau lưng ông, người ta lại gọi là Tô bảy nguyên, còn cái tên thật Tô Kim Tân thì chẳng ai biết.
    
Bác sĩ Tô thích đánh bài. Một hôm, chẳng có việc gì làm, hai người bạn đến rủ ông chơi, do thiếu một tay nên họ mời thêm nha sĩ Hoa, ở nhà gần đấy, phía bắc khu phố. Khi mọi người đang say sưa nhập cuộc, anh chàng kéo xe Trương Tứ thình lình bước vào, đứng tựa ngưỡng cửa, bàn tay phải đỡ lấy cùi chỏ, mặt đẫm mồ hôi, ướt cả cổ áo: hẳn là anh ta bị gãy cánh tay, tỏ vẻ đau đớn lắm. Nhưng một người kéo xe thì hàng ngày may lắm là đủ ăn, lấy đâu ra bảy nguyên? Anh ta rên rỉ, xin bác sĩ Tô cho anh ta nợ, và nói là sẽ hoàn trả sau. Nhưng bác sĩ Tô làm như không nghe thấy gì, cứ chú tâm vào các quân bài, tính toán để đánh, ra vẻ vui hay buồn, ngạc nhiên hay giả bộ không biết, tóm lại là chỉ quan tâm đến ván bài. Một trong những người cùng chơi cuối cùng cũng phải can thiệp, đưa tay chỉ về phía cửa, nhưng bác sĩ Tô vẫn không rời mắt khỏi những lá bài. " Tô bảy nguyên", biệt danh này thật đúng lúc này.
     
Nha sĩ Hoa, vốn được tiếng là người tốt bụng, mượn cớ cần đi vệ sinh, rời bàn đánh bài đi lui sân sau, tránh qua cửa hậu để ra đường phía trước, và khẽ gọi từ xa Trương Tứ, vẫn còn đứng dựa cửa, rút từ túi trong bảy đồng bạc và trao cho anh ta. Không chờ nghe lời cám ơn, ông vội quay gót và đi ngược trở lui ngồi vào bàn để chơi tiếp, xem như không có việc gì.
    
Một lát sau, Trương Tứ đi vào, cúi gập người, tay lắc mấy đồng tiền rồi bỏ lên bàn. Ngay lúc đó, rất lanh lẹ, vội vàng, bác sĩ Tô đứng dậy, nhấc tay áo của Trương Tứ lên, gác tay anh ta lên bàn, mấy ngón tay cầm lấy đầu xương của anh ta, kéo bên này, đẩy bên kia, ấn trên cao, bóp dưới thấp, Trương Tứ co vai lại, rút cổ vào, nhắm mắt, nghiến răng, sẵn sàng chịu cơn đau khác, đúng lúc bác sĩ Tô loan báo:" Xong rồi." Ngay sau đó, ông bó bột, đóng nẹp, và đưa thêm cho Trương Tứ mấy gói thuốc uống hoạt huyết giảm đau, khi Trương Tứ bảo là không đủ tiền trả mấy gói thuốc này, ông nói là ông tặng thôi, rồi quay vào chơi tiếp.
     
Hôm đó, cuộc chơi dằng dai mãi vì thắng thua cứ xen lẫn, chỉ đến lúc đến giờ phải lên đèn và ai cũng đói cồn cào rồi mọi người mới chia tay. Khi mấy vị khách ra đến cổng, bác sĩ Tô chìa bàn tay gầy gò ra giữ nha sĩ Hoa lại. Khi hai người kia đi khuất, ông lấy bảy đồng tiền từ khối tiền trên bàn bỏ vào tay của nha sĩ Hoa đang sững sờ và bảo:" Có một chuyện tôi cần nói với ông. Đừng nghĩ là tôi không có từ tâm, có điều là tôi không thể thay đổi cái nguyên tắc mà tôi đã đặt ra."
     
Về đến nhà, nha sĩ Hoa cứ nhắc lại câu nói đó, và ba ngày ba đêm sau đầu óc vẫn quẩn quanh câu đó mà không sao hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, tự đáy lòng, ông thấy vô cùng khâm phục bác sĩ Tô, thái độ của bác sĩ trong sự việc này, khâm phục cách lý luận và ngay cả bản thân bác sĩ.

---
(1) Tức là nước Trung Hoa Dân quốc, thành lập ngày 1/1/1912
(2) Kim Thiếu San ( 1890-1948 ), nhân vật nổi tiếng của ca kịch Bắc Kinh trong nửa đầu thế kỷ XX.
(3) Ngân nguyên : đồng bạc trị giá 1 nguyên ( đơn vị tiền tệ của Trung quốc,  thường được gọi nhầm là nhân dân tệ ).

  
Xoát Tử Lý
  
Ở Thiên Tân, những người sống tại bến cảng đều là những người nghiêm túc trong công việc.  Thợ thủ công phụ thuộc vào đôi bàn tay, và tất cả năng lực của họ cũng thể hiện ở đôi tay. Ai khéo tay thì sống được, có danh tiếng và chiếm địa vị cao, ngược lại, người nào chẳng tài cán gì thì sống lây lất, chìm trong bóng tối, bên lề xã hội. Tuy nhiên, không ai xác nhận những sự xếp loại này, chúng chỉ thể hiện hoàn toàn dựa vào lối sinh hoạt tiêu biểu của bến cảng. Thời nào cũng vậy, các nghệ sĩ ca nhạc đều mơ ước đến biểu diễn ở đó.  Thực thế, dân Thiên Tân đều mê ca nhạc và rất thông thạo, mắt tinh tường, tai thính nhạy, phán đoán chính xác. Nếu cuộc biểu diễn hay, họ cổ vũ bằng cách reo hò nồng nhiệt, làm như đang diện kiến nhà vua, và nhiều ca sĩ khi đến hát ở Thiên Tân đã trở thành nổi tiếng vô cùng, ngược lại, nếu trình diễn tầm thường, làm thất vọng bao nhiêu chờ đợi, nói gọn lại là trình diễn thất bại thì công chúng sẽ phản đối, huýt sáo, la hét, hắt vào ca sĩ những cốc nước chè còn đầy một nửa, những mẩu lá dính đầy quần áo, râu tóc.   Chẳng có nơi nào trên thế giới mà người ta la ó phản đối một buổi diễn khủng khiếp hơn ở Thiên Tân. Và cũng không nên nói điều này là tệ hại, vì nó giúp cho những người có tài  tích luỹ thêm kinh nghiệm. Mỗi ngành nghề đều có những nhân vật huyền thoại với những tài năng gần như phi thường:  Lưunghệ nhân khắc gạch,Trương bậc thầy tượng đất sét,  Nguỵthầy làm diều,  Vươngvua cơ khí, và Lý thợ quét vôi, v.v. Người dân Thiên Tân thích đặt ra những cái tên như thế, ghép họ của nhân vật với ngành chuyên môn mà họ tỏ ra là bậc thầy. Nếu bạn chỉ gọi Trương thì không ai biết đến tên. Ở bến cảng, những biệt danh này vang lên, khác nào tiếng chiêng cồng tranh nhau gõ nhịp. 
 
Lý quét vôi là một nghệ nhân bậc thầy thuộc một công ty xây dựng ở đường Hà Bắc, chuyên môn của ông là quét vôi, ông chẳng làm gì khác. Những ai nhờ ông  đến nhà quét vôi thường được khuyên là đừng rời bỏ hiện trường mà cứ ngồi ở đó, cách một quãng, bởi sẽ là một cảnh tượng tuyệt đẹp đến mê mẩn. Điều thu hút mọi người như là hiện tượng độc nhất vô nhị là khi làm việc ông chỉ mặc toàn trang phục màu đen, và xong việc rồi không hề có một vết trắng nào dính vào. Cứ tin tôi đi! Ông tự đặt ra nguyên tắc: nếu ông bị vấy bẩn thì xem như công việc hôm đó miễn phí, khỏi phải trả tiền công cho ông. Kiểu này thì hẳn là ông chết đói từ lâu rồi? Nhưng, tất cả chỉ là lời đồn đãi, và ngay trong số những người tin, vẫn có người còn ngờ vực. Những ai không ở trong nghề nhưng chưa nhìn thấy thì không tin, còn những ai cùng nghề thì tức giận, quyết không tin điều đó.
    
Một hôm Lý quét vôi nhận một người thợ học việc tên là Tào Tiểu Tam. Khi mới bắt đầu, thợ học việc chỉ là người tập tành, lo việc điếu đóm, mang xách vật liệu. Tuy Tào Tiểu Tam đã từng nghe nói đến tài nghệ của thầy, anh cũng chỉ tin một nửa, và mong sẽ tận mắt nhìn thấy. Ngày làm việc đầu tiên, anh theo thầy đến làm ở đường Trấn Nam, thuộc tô giới Anh, trong một ngôi nhà Tây phương mới xây và giao việc quét vôi cho Lý. Lúc đến nơi, khi mục kích cảnh ông thầy thảo luận với vị chịu trách nhiệm công trường, anh đã ngạc nhiên về uy thế của thầy. Ông tự đặt ra quy luật là mỗi ngày chỉ quét vôi một phòng. Vì nhà có chín phòng nên ông cần chín ngày. Và, trước khi bắt tay vào việc, ông mở cái túi nhỏ gấp tư cẩn thận mang theo mình, rồi mặc vào áo khoác đen, quần dài đen và mang đôi giày vải đen. Ăn vận toàn đen từ đầu đến chân như thế trông ông nổi bật lên màu trắng của chiếc xô đựng vôi bỏ dưới đất.
    
Một phòng, tức gồm trần và bốn vách, ông quét trần trước, sau mới đến các bức vách. Quét trần là công việc khó khăn đặc biệt, khi anh giơ cao cái chổi đã nhúng nước vôi pha loãng, thì nó sẽ nhỏ giọt vào ai? Tất nhiên là vào chính anh. Nhưng với bậc thầy Lý, khi ông giơ chổi lên, người ta cứ tưởng như ông chưa nhúng vào vôi. Ấy vậy mà, khi ông quét chổi lên trần nhà thì nó để lại một vạch đều đặn hoàn toàn, bóng ngời, sáng choang. Có người nói cái cách nhúng chổi vào vôi là ngón nghề bậc thầy, kẻ khác lại bảo bí quyết của ông là ở liều lượng các nguyên liệu hoà trộn. Thế còn Tào Tiểu Tam, anh ta nói năng gì đây? Anh chỉ thấy cánh tay ông thầy đưa qua đưa lại, theo hướng này rồi hướng khác, tuồng như anh đang theo dõi nhịp điệu đánh phách, hay điệu nhạc vĩ cầm, và mỗi nhát chổi để lại trên tường một dãi vôi dài làm vang lên một âm thanh trong và rõ " pằng ", nghe thật êm tai. Từ tiếng " pằng " này đến tiếng " pằng " khác, từ dãi vôi này đến dãi vôi khác, cuối cùng rồi thì lớp vôi quét lên thật hoàn hảo, không một vết rạn, và nhìn những bức tường đã hoàn thành thì thấy chúng rất đều đặn, tưởng chừng như mới mở tấm bình phong ra mà không chút tì vết nào. Tuy nhiên điều mà Tào Tiểu Tam quan tâm là để ý xem liệu thầy Lý có bị lấm vệt trắng nào không.
     
Khi làm việc, Lý quét vôi theo quy tắc: cứ xong một bức tường là ông ngồi nghỉ một lát trên chiếc ghế nhỏ để đốt một điếu thuốc và uống một tách trà, xong lại tiếp tục. Vì Tào Tiểu Tam có nhiệm vụ rót nước đốt thuốc cho thầy, anh lợi dụng cơ hội để quan sát ông thật kỹ từ đầu đến chân. Thế nhưng, cứ mỗi lần xong một bức tường, anh lại ngắm nghía như thế, và, trái với điều anh mong đợi, anh chẳng phát hiện một vết lấm nào, dù là cỡ bằng hạt mè. Rốt cuộc anh nghĩ rằng màu đen của áo quần ông thầy đang giữ một uy lực bí ẩn nào đó khiến áo quần không thể bị lấm được.
     
Sau đó, khi xong một bức tường khác, thầy Lý đang ngồi nghỉ và khi Tào Tiểu Tam đốt thuốc, anh bỗng để ý thấy một vết màu trắng trên quần thầy, vết chỉ lớn bằng hạt đậu, nhưng màu trắng dễ lộ rõ trên nền đen hơn là màu đen trên nền trắng.  Thế là hết! Thầy Lý đã bị lật tẩy, ông chẳng có gì siêu việt hết, hình ảnh oai vệ từng lan truyền bởi huyền thoại nay sụp đổ hoàn toàn. Tuy vậy anh cũng không dám nói gì, vì ngại làm thầy bối rối, cũng không dám nhìn mặt thầy, nhưng lại không ngăn được việc liếc nhìn thầy. 
    
Đúng ngay lúc ấy, Lý quét vôi bỗng quay lại và bảo anh:

" Tiểu Tam, ngươi đã nhìn thấy vệt trắng trên quần ta rồi phải không? Và ngươi cho rằng tài năng của ta là huyễn hoặc, sự nổi tiếng là quá đáng, này ngốc, nhìn cho kỹ xem này..."
     
Nói thế, lấy hai ngón tay cầm lấy vải quần, ông nhấc nhẹ lên và vết trắng biến mất ngay tức khắc, nhưng khi ông thả vải quần xuống thì vết lấm lại hiện ra. Lạ thật! Tiểu Tam cúi gần xuống nhìn cho rõ : thực ra, vết lấm trắng chỉ là một lỗ thủng nhỏ do ông thầy hút thuốc mà tạo ra, ông không để ý nên đã làm cháy vải. Lỗ thủng đã để lộ chiếc quần lót trắng bên trong, nhìn giống như vết vôi rơi xuống để lộ ra một điểm trắng nhỏ xíu!  

Nhìn vẻ mặt sững sờ, ngơ ngác của Tào Tiểu Tam, ông cười nói:

" Bộ ngươi tưởng là danh tiếng có thể hoàn toàn là hư ảo sao? Điều đó ngươi lầm to rồi đó. Cái chính là phải học nghề cho thạo."
      
Ngay ngày học  việc đầu tiên, Tào Tiểu Tam đã được nhìn, được nghe, được học nhiều điều, và đã rút ra được nhiều bài học mà sợ là nhiều người khác cả đời chưa chắc đã nắm được.

THÂN TRỌNG SƠN
Dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan