Saturday, August 22, 2020

1718. TRẦN THỊ TRÚC HẠ Mưa lạnh từ trong giấc mơ



Trời chiều xám xịt, mây đen kéo về giăng kín cả bầu trời, sấm sét rạch ngang trời như đe doạ khách bộ hành đang đi trên hè phố. Tôi bước vào một khách sạn nhỏ nằm trên con phố vắng, cô gái ngồi ở quầy lễ tân nhăn mặt, lắc đầu xua tay ghê sợ và muốn đuổi tôi đi thật nhanh. Cảm giác xấu hổ tủi nhục tràn ngập tâm can, tôi cúi đầu bước ra khỏi khách sạn và đi tiếp, lạ lùng làm sao khách bộ hành cứ như né tránh và dạt xa tôi, những chiếc xe taxi cũng vội vàng lướt qua, qua tấm chắn kính mờ mờ tôi nhìn thấy khuôn mặt lạnh lùng của người tài xế lắc đầu từ chối cái vẫy tay của tôi. Ngao ngán và rã rời đôi chân, tôi ngồi bệt xuống vỉa hè. Mưa bắt đầu trút xuống ồ ạt, mưa như cuốn trôi tôi theo dòng nước đầy lá úa cùng rác rưởi. Tôi oà khóc, nước mắt hoà trong nước mưa, chưa bao giờ cảm thấy cô độc và tuyệt vọng đến tận cùng như thế...
Dậy đi em, dậy đi biển chứ !
Tiếng chồng tôi nhẹ nhàng đánh thức tôi rời khỏi một giấc mơ buồn.
Ngủ nằm mơ thấy gì mà khóc dữ vậy em ?
Tôi kể lại giấc mơ, anh cười chế giễu:
Em lúc nào cũng tưởng tượng những chuyện gì đâu rồi ám cả vào trong giấc ngủ.
Biển sáng nay thật lạ, người đâu mà đông như kiến. Sau đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid hình như ai cũng bức bí muốn thoát ra khỏi nhà để tìm không khí trong lành của biển. Ngoài những khuôn mặt quen thuộc của những người tắm biển thường xuyên còn có những khuôn mặt rất lạ. Chỗ ngồi quen thuộc của tôi ở quán cà phê bên công viên đã bị một nhóm khách lạ chiếm mất. Cảm giác bực bội chán ngán ùa về, không còn sự thanh thản yên bình của ngày hôm qua.
Mùa hè vẫn oi nồng và khó chịu, tôi không ngủ được và không cảm thấy đói bụng, người lúc nào cũng chếnh choáng. Giấc mơ lạ lùng đó lại trở về trong giấc ngủ. Tôi đành gọi cho Tịnh Thy, nhà tâm lý học dễ thương của tôi.
Thy ơi, thời gian này chị làm sao á.
Làm sao là làm sao, kể đi em nghe đây.
Tôi kể cho Thy nghe về giấc mơ lạ lùng, Thy cười bảo tôi.
Thường thường giấc mơ có thể phản ánh những suy nghĩ và cảm xúc tiềm ẩn của chính bản thân mỗi người nhưng nó có khuynh hướng siêu thực, có phần méo mó hơn so với những gì diễn ra trong thực tế. Chắc tại Đà Nẵng đông khách du lịch quá nên chị cảm thấy bức bối đó thôi, ra Huế thư giãn với em vài ngày sẽ vui trở lại.
Vậy là tôi ra Huế.
Buổi chiều chưa chiều lắm, nắng vẫn còn trong veo, hai đứa lang thang khắp phố, Huế vẫn yên tịnh trầm mặc với tiếng ve và phượng vĩ lóng lánh trong nắng. Tịnh Thy rủ tôi trèo lên Gác Trịnh uống cà phê... Căn gác nhỏ giản dị, đơn sơ bừng sáng lên từ âm thanh réo rắt khắc khoải của "Hạ trắng" như gõ vào những bức tranh của Trịnh và của những người bạn của ông. Tưởng chừng như có tiếng cười nói thầm thì của Trịnh và bạn bè thân thuộc của ông vang vọng ra từ những bức tường vô tri. Hàng cây long não vẫn xanh mướt trong bóng chiều nhạt nhoà im vắng. Tôi nói với Tịnh Thy.
Huế của em vẫn giữ lại linh hồn, còn Đà Nẵng của chị hình như đã mất.
Tịnh Thy ngỡ ngàng nhìn tôi:
Sao lúc này chị bi quan dữ vậy ? Chị có biết là rất nhiều người đã bỏ Huế vào Đà Nẵng mưu sinh không?
Tôi lắc đầu buồn bã.
Chị biết điều đó, không riêng gì Huế mà Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam lúc này đều đổ vào Đà Nẵng để mưu sinh. Nhưng sao chị vẫn luôn tiếc nhớ một Đà Nẵng trong kí ức của chị.
Tịnh Thy cười.
Chị là người hoài cổ.
Đúng là tôi thường hay tiếc nuối những kí ức tươi đẹp về thành phố Đà Nẵng, khung trời ấu thơ yên bình của tôi. Những rừng dương liễu bạt ngàn bên biển nơi ngày xưa tôi cùng bạn bè cắm trại, thư viện thành phố, nơi tôi và bạn bè vẫn thường lui tới mỗi ngày để tìm những tư liệu từ những giá sách cao ngất hay học bài trên ghế đá trong không gian rợp bóng cây xanh, sân vận động Chi Lăng rộng mênh mông... tất cả đã biến mất, thay cho một Đà Nẵng hiện đại với toà nhà chọc trời, những sân gôn, resort mọc lên che lấp biển... Rồi giá đất cao ngất nghểu, thành phố xuất hiện một tầng lớp giàu lên từ đất, từ làng quê cho đến thành phố họ không chịu làm gì ngoài việc tụ tập ở nhà hàng, quán nhậu, cà phê để nghe ngóng và cò mồi đất. Tiền nhiều tiền ít gì cũng buôn đất, vay ngân hàng cầm cố nhà cửa, ai cũng mơ giấc mơ thành tỷ phú từ đất. Những thông tin mỗi sáng trên bãi tắm của bạn bè tôi cũng tập trung vào những đề tài thế sự, những vị lãnh đạo thành phố ai sẽ lần lượt vào tù, tội danh gì, gỡ lịch bao nhiêu năm... Rồi chuyện vụ án cô gái người Trung Quốc đánh bạc ở Casino Crowne ăn không đều chia không đủ bị người yêu dùng dây thừng siết cổ giết chết rồi phân xác thành 3 phần, mang đến cầu Tuyên Sơn - quận Ngũ Hành Sơn để vứt xuống sông Hàn phi tang. Liên tục các ngày 16/7 lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm tra hành chính một khách sạn ở quận Sơn Trà, phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ngày 17-7 phát hiện nhóm 24 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đến tối ngày 20-7 phát hiện hơn 30 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng. Theo điều tra ban đầu, những người này vào địa phương theo "đường dây" do công dân Việt Nam câu kết với các cá nhân Trung Quốc tổ chức...
Vậy đó, chỉ cách nhau cái đèo Hải Vân mà Đà Nẵng đâu được yên bình được như Huế.
Buổi sáng thức dậy trong vườn nhà đầy tiếng chim, không khí trong lành mát rượi, hương nguyệt quế ngào ngạt cùng với hương cau thơm nồng. Minh Tự đã thức dậy tự lúc nào, anh chàng đang lui cui quét lá ở sân vườn, tiếng chổi xào xạc âm thanh thật vui tai.  
Chao ôi Tịnh Thy ơi sao kiếp trước em khéo tu đến vậy.
Hì hì, nhiệm vụ của chàng mỗi ngày chỉ có vậy thôi.
Chỉ có vậy thôi? Em còn muốn gì nữa?
Muốn nhiều lắm chị, nhưng trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Cuộc sống của em êm đềm bình lặng như sông.
Còn cuộc sống của chị thì sóng gió như biển hở?
Ờ.
Chị à, cuộc sống luôn có sự đổi thay từng giờ từng ngày, mình phải tập thích nghi thôi, chị đừng buồn. Chỉ còn 15 ngày nữa hai chị em mình sẽ vào Sài gòn hội ngộ cùng bạn bè Quán Văn rồi tha hồ vui. Dù sao đi nữa cuộc sống của mình vẫn không đơn điệu gò bó, hơn rất nhiều người.
Tôi cảm thấy phấn chấn hơn khi Tịnh Thy nhắc đến cuộc hội ngộ của chúng tôi sắp tới. Tạp chí Quán Văn, đó là nơi hội tụ những cây bút miền Nam trước đây, họ không có gì ngoài nỗi đam mê văn chương. Tự in ấn phát hành, mỗi tháng ra một số viết về nhiều chủ đề. Tôi và Tịnh Thy đã cùng họ có những chuyến đi từ nam ra bắc, từ đồi núi đến đồng bằng, từ sông ngòi đến biển cả. Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi buồn, yêu thương nhau như ruột thịt. Chúng tôi gọi đó là ngôi nhà. Tôi và Tịnh Thy bước vào ngôi nhà Quán Văn như được tắm mát trong dòng sông yên bình, ở đó hai đứa tôi được các anh chị yêu thương như hai đứa em út.
Thức giấc trong vô thức, tôi muốn tìm lấy chiếc túi xách đựng áo tắm, kính bơi và mũ trùm tóc để chạy ra biển, tôi sẽ cùng những người bạn bơi thật xa, cùng trò chuyện với họ hoặc thả nổi trên mặt nước để tìm ngôi sao ban mai. Nhưng không gian quanh tôi lạ lẫm quá, không phải căn phòng thân thuộc, nằm im và chợt nhận ra đây là căn phòng ở một khách sạn trong một thành phố lạ. Nhìn qua bên cạnh, Tịnh Thy đang ngủ ngon với nhịp thở đều đặn. Bất chợt tiếng chuông điện thoại reo lên trong thinh không, âm thanh của nó sắc lạnh thật đáng sợ. Điện thoại của con gái vào thời điểm này là điều không lành.
Me ơi, sân bay Đà Nẵng đóng cửa lúc 0 giờ đêm qua.
Tôi cảm thấy lạnh toàn thân.
Vậy là me không bay về nhà được hở con?
...
Có khả năng khu vực nhà mình bị cách ly vì đã có người bị nhiễm virut
Làm sao bây giờ hở con?
Tôi nghe giọng con gái nghèn nghẹn.
Thôi kệ... biết đâu nhà mình có me thoát ra... cũng tốt hơn là dính chùm... bế tắc...
Tim tôi như thắt lại.
Đừng nói... rồi me sống với ai ? Thà me chết còn hơn...
Tịnh Thy ngồi bật dậy cầm lấy tay tôi dỗ dành.
Chị đừng khóc, không sao đâu, sẽ có cách thoát mà.
Tịnh Thy ơi, thì ra giấc mơ chị kể cho em nghe là điềm báo trước.
Chị đừng nghĩ đến giấc mơ đó nữa. Chị đâu có cô độc một mình, chị còn có em, có bạn bè.
Không khí của chuyến đi bắt đầu chùng lại. Đêm qua anh Vũ phải đi bệnh viện cấp cứu vì mệt tim, sáng nay chị Hoài lại cao huyết áp. Tôi và Tịnh Thy lăng xăng chăm sóc chị, chị Mỹ Lệ gọi xe đưa chị vào bệnh viện nhưng chị kiên quyết không đi, may mắn là sau đó chị bình thường trở lại. Tịnh Thy thầm thì với tôi:
Mấy anh chị của mình sức khoẻ yếu hết rồi, nên không biết mình sẽ còn đi với nhau được bao lâu nữa.
Đó là lí do mà lúc nào có thể đi cùng các anh chị được là chị bằng mọi cách phải đi. Như chuyến đi này... đáng ra chị không nên đi...
Chị đừng băn khoăn gì nữa, đó là sự sắp xếp của cơ duyên.
Mọi người quyết định ở lại nghỉ ngơi trong resort Long Hải (Bà Rịa) đến trưa mới lên xe về Sài Gòn.
Tịnh Thy đeo balo lên vai chào mọi người để tiếp tục hành trình dạy các lớp đại học ở các tỉnh Bà Rịa, Đắc Lắc, Đà Lạt rồi sau đó bay về Huế. Hành trình của Thy chặt chẽ và bình yên còn hành trình của tôi phía trước sao chông chênh quá. Tôi không thể giấu đi nước mắt, người Đà Nẵng bây giờ sao giống như người Vũ Hán, đi đến đâu ai cũng sợ lây nhiễm vi rút. Tịnh Thy nhìn tôi, mắt nó cũng đỏ hoe.
Chị mà khóc là em bỏ dạy đi theo chị đó.
Tôi khoát tay:
Không khóc nữa, em đi đi...
Chị Hoài cầm tay tôi dỗ dành:
Về nhà với chị, chị ở một mình, nếu có bị cách ly hai chị em sẽ tự cách li ở trong nhà không làm phiền ai.
Nhìn những ánh mắt ái ngại thương cảm của anh chị em trong Quán Văn tôi cũng thấy ấm lòng và đỡ hoang mang được phần nào.
Khi xe dừng lại ở trạm cuối cùng, tất cả anh em trong Quán Văn lần lượt ra về, còn lại sáu anh chị vẫn chần chừ không về, họ muốn cùng tôi vào quán uống một ly nước trước khi chia tay nhưng ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Tôi vào siêu thị mua ít lương thực rồi về cùng chị Hoài. Ngôi nhà trong hẻm cụt có vườn rau xanh mướt của chị sẽ che chở cho tôi trong những ngày sắp tới. Tiếng điện thoại reo, tim tôi lại đập nhanh và co thắt. Lạ thật, sao bây giờ tôi cảm thấy sợ tất cả mọi âm thanh. Tiếng Thy nói gấp gáp trong điện thoại.
Em chuẩn bị lên xe về Sài gòn với chị đây, khoảng 11 giờ khuya em đến nhà chị Hoài.
Sao vậy ?
Ở đây đang nháo nhào, giáo viên bỏ về dạy online, anh Minh Tự đã mua vé cho em bay về Huế vì đã có thông báo 0 giờ tối mai sân bay Huế đóng cửa nhưng em bảo anh trả vé để em ở lại với chị.
Trời đất, em khùng hở?
Thôi không nói gì nữa, em quyết định rồi, gặp nhau nói tiếp.
Tôi thẫn thờ, nước mắt ứa ra.
Thy đẩy valy bước vào nhà, mặt mày bơ phờ thật tội nghiệp. Chị Hoài bưng đến đĩa khoai lang nóng.
Khuya rồi, hai đứa ăn rồi đi ngủ, ngày mai tính tiếp.
Ba chị em nằm bên nhau dưới những tấm chăn mỏng, tiếng ếch nhái ồm oạp ngân vang từ vườn rau muống vọng vào phòng nghe thật rõ. Hình như cả ba chị em đều đang lắng nghe tiếng thở của đêm. Tôi cảm thấy bình tâm lạ lùng khi bên cạnh tôi có Tịnh Thy và chị Hoài.
Thy à, em nghe lời chị sáng mai lấy vé bay về Huế đi.
Em có nguyên tắc không bỏ bạn lúc khó khăn, ngay cả bé Thỏ, con gái em cũng nói sao mẹ có thể bỏ bạn lại mà về một mình.
Thỏ chỉ là đứa trẻ, nó làm sao hiểu được nỗi lo toan mà người lớn phải gánh chịu. Em về lo cho Nghé, cho Thỏ, cho ông bà ngoại, còn công việc giảng dạy của em ở trường nữa...
Kệ em...  nếu không có dịch covid bùng phát thì em cũng dạy 10 ngày nữa mới về kia mà.
10 ngày nữa sẽ nhiều thay đổi... không biết điều gì phía trước... Chị rất vui khi em bỏ dạy về với chị, nhưng chị không thể ích kỉ như vậy được. Gia đình cần em. Chị ở lại đây có chị Hoài. Trước sau gì cũng phải cho người Đà Nẵng về nhà của họ chứ.
Mặc kệ em…
Tôi và chị Hoài nhìn nhau phì cười vì cái tính bướng bỉnh của Thy. Nó quay ra phía cửa sổ ngủ thật ngon. Tôi ngồi dậy lấy điện thoại nhắn tin cho Minh Tự: "Em mua vé cho Thy về Huế sớm đi. Chị rất vui khi vợ chồng em thương chị như ruột thịt nhưng Thy phải về lo cho Nghé , Thỏ và ông bà ngoại. Chị ở lại có chị Hoài và còn có anh ruột chị ở quận 7. Đừng lo cho chị. Hãy yên tâm."
Buổi sáng tôi còn lơ mơ trong giấc ngủ đã nghe tiếng Tịnh Thy cười giòn tan trong vườn rau của chị Hoài "Ôi thích quá, có đủ loại rau, có cả cà tím nữa... ". Tôi bước ra vườn, chị Hoài và Thy đang hái rau chuẩn bị bữa cơm trưa, tiếng chuông điện thoại của Thy vang lên. Anh Đỗ Hồng Ngọc gọi điện hỏi thăm hai đứa có cần anh giúp đỡ gì không, Thy đùa với anh "Anh lo cho cái thân anh đà xong chưa mà giúp đỡ bọn em". Tôi phì cười "Ở gần chùa gọi Phật bằng anh, em cám ơn tấm chân tình của anh ấy đàng hoàng đi kẻo ổng giận đó." Thy đưa điện thoại cho tôi, anh Lữ Kiều thăm hỏi và dặn dò hai đứa cẩn thận, có gì khó khăn phải gọi cho anh. Thì ra các anh đang ngồi uống cà phê với nhau và cùng đang lo cho hai đứa tôi. Thật ấm lòng! Vợ chồng anh Lê Kí Thương, anh Nguyên Minh, anh Thuận, anh Lữ Quỳnh, anh Lữ Kiều và lão phật gia Đỗ Hồng Ngọc là một thế hệ đàn anh tài hoa mà tôi và Tịnh Thy rất ngưỡng mộ. Tình bạn của họ thật đẹp, họ thân thiết với nhau từ thời trai trẻ cho đến tận bây giờ. Điều may mắn và hạnh phúc cho tôi và Tịnh Thy là các anh luôn quan tâm và quí mến.
Có tiếng xe máy chạy vào sân, chị Mỹ Lệ và anh An xuất hiện với nụ cười toe.
Bọn em đã ẩn nấp mà anh chị cũng đến đây làm chỉ điểm hở?
Anh chị đến xem hai đứa có cần gì không.
Anh chị lúc nào cũng xuất hiện đúng lúc tôi gặp khó khăn. Có lúc ra tới sân bay rồi mới phát hiện chưa lấy chứng minh thư ở quầy lễ tân. Chị Lệ vẫn bình tĩnh bảo: "Đứng yên đó, 15 phút sau anh chị đem đến cho". Biết anh chị thương nhưng Tịnh Thy vẫn ngoe nguẩy.
Không thiếu gì cả, chỉ thiếu chồng thôi.
Chị Lệ phì cười:
Thiếu cái đó thì chị bó tay.
Linh nghiệm thật, đúng lúc đó Minh Tự gọi "Em đã mua vé cho Thy bay về Huế chuyến 12 giờ trưa nay và chị cũng sẽ bay về chuyến 16 giờ chiều, xuống sân bay Phú Bài sẽ có em của Thy đón đưa chị đến ranh giới Huế- Đà Nẵng, người nhà của chị sẽ đón chị về nhà. Em đã bàn bạc với gia đình chị rồi. Chị yên tâm. Chỉ có người Đà Nẵng về Huế mới bị chặn lại đưa đi cách ly thôi, còn người ở nơi khác về Đà Nẵng thì dễ dàng hơn."
Chị Hoài vội vàng nấu cơm, chúng tôi quây quần bên mâm cơm rau vườn mà chưa bao giờ thấy ngon đến vậy. Chị Hoài mếu máo: "Hai đứa về được nhà bình yên chị mừng lắm nhưng cũng nhớ lắm... Vậy là kế hoạch cách li trong nhà chỉ có hai chị em nấu ăn, đọc sách, ngắm mưa... không thành rồi”. Tôi ôm vai chị và thấy thương chị lạ lùng.
Buổi chiều tắt nắng, máy bay chao liệng trên biển Lăng Cô như tấm gương tráng thuỷ, một vài chiếc thuyền lênh đênh trên mặt biển nhỏ xíu như những món đồ chơi trẻ thơ. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Bài thật êm, mở điện thoại đã thấy tin nhắn tràn ngập "Đến đâu rồi" "Hạ cánh chưa?" Và tiếng Tịnh Thy thật nhẹ "Chị bình tĩnh, có người quen của em đứng chờ chị bên ngoài, cứ ung dung bước ra như khách VIP nhé."
Sân bay Phú Bài nhỏ và đơn sơ, cách đây một tuần nghe báo đăng có một bò tót từ rừng Bạch Mã đi lạc vào đường bay làm tất cả các chuyến bay phải dừng lại. Sau đó phải nhờ các chuyên gia dùng nhiều phương tiện chuyên nghiệp hỗ trợ như xe đặc chủng, súng bắn thuốc gây mê, lưới... mới khống chế được con bò tót. Không ngờ cũng có lúc chính sân bay hoang dã này lại đưa lối cho tôi về nhà.
Chẳng có ai thèm hỏi tôi ở đâu? Về đâu?
Tôi cứ đĩnh đạc bước lên chiếc ô tô màu trắng, người quen của Tịnh Thy là một chàng trai có nụ cười thật hiền, đỡ lấy chiếc ba lô trên vai, mở cửa xe cho tôi.
Trời tối thật nhanh, xe dừng lại ở ranh giới Huế - Đà Nẵng, chàng trai nói "Chị đi bộ khoảng 100 mét sẽ có người nhà chị đón, chị Tịnh Thy dặn em đứng đây chờ khi nào khi nào chị lên xe em mới về."
Tôi đeo ba lô đi trong bóng đêm nhưng hoàn toàn không thấy sợ chút nào, vì tôi biết sau lưng tôi có vợ chồng Tịnh Thy, phía trước tôi có gia đình thân yêu.
Và cuối cùng tôi cũng trở về ngôi nhà và thành phố biển của tôi. Một chuyến đi và trở về đầy cung bậc cảm xúc, có niềm vui và nỗi buồn, có nụ cười và nước mắt, có âu lo trăn trở để tôi biết nhận ra những giá trị bền vững của cuộc đời này mà yêu thương nhiều hơn.
Nhưng giờ đây tôi đang ở trong khoảng không gian tĩnh lặng, sự tĩnh lặng đáng sợ của vực thẳm. Tôi đã có những đêm hoảng sợ không còn đủ bình tĩnh để kiểm soát lòng mình vì nó nóng như lửa đốt, chỉ chờ có đám lá khô là bùng lên. Đó là những đêm dằn vặt, ray rứt, đau đớn không thể chợp mắt. Đó là dấu hiệu của suy sụp, hoang mang,chới với như rơi trong vòng xoáy của biển mà không thể nào thoát ra. Tôi phải uống những viên thuốc ngủ để trốn chạy nỗi lo âu bế tắc như đang sống giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Thành phố đã cách ly toàn xã hội, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Nhìn đoàn xe đưa hàng trăm nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng đi cách ly tôi ứa nước mắt. Họ phải đối đầu trực diện với con virus quái ác thì còn ai lo cho người bệnh và con cái gia đình họ ở nhà sẽ ra sao? Có lẽ chưa bao giờ những câu chuyện về các y bác sĩ nhân viên trong ngành Y lại lay động lòng người đến vậy. Hình ảnh các bác sĩ từ Sài gòn, Hà Nội, Huế tình nguyện chi viện cho Đà Nẵng thật xúc động. Họ đang đi vào chỗ nguy hiểm nhưng hoàn toàn không thấy một chút ngập ngừng toan tính nào, trong mỗi bước chân thầm lặng đó họ đã giữ lại hơi thở sự sống cho người dân Đà Nẵng.
Chiều 31/7 đã có ca dịch covid tử vong đầu tiên, đó là người đàn ông 70 tuổi, từng điều trị tại khoa Nội thận - nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng. Có 3 người trong gia đình ông từ Hội An ra Đà Nẵng chăm sóc ông cũng đã nhiễm dương tính. Tiếp theo những ngày sau đó số người nhiễm dương tính và tử vong cứ lạnh lùng tăng lên.
Sáng ngày 1/8 thêm 12 người nhiễm bệnh, tất cả đều liên quan tới bệnh viện Đà Nẵng, tổng cộng 94 người nhiễm bệnh, có 2 người đã qua đời. Chiều ngày 2/8 thêm 30 người nhiễm bệnh. Ngày 3/8 có 21 người nhiễm bệnh. Tổng số người bệnh ghi nhận cả nước tăng lên 642. Đến đầu chiều có thêm 6 người tử vong, 9 người đang nguy kịch. Virus corona ở Đà Nẵng đã có biến đổi về khả năng bám dính vào tế bào, dẫn đến lây lan nhanh hơn. Ngày 4/8 thêm 18 người nhiễm bệnh. Ngay 5/8 thêm 41 người nhiễm bệnh, tổng số 713 bệnh nhân. Ngày 6/8 thêm 30 người nhiễm mới, số ca tử vong là 10, tổng số 717 người nhiễm bệnh. Ngày 7/8 thêm 34 người nhiễm bệnh. Ngày 8/8 thêm 20 người nhiễm bệnh. Ngày 9/8 thêm 29 người nhiễm bệnh, tổng số 841 người. Ngày 10/8 thêm 6 người nhiễm bệnh và 3 người tử vong. Ngày 12/8 thêm 14 người nhiễm bệnh và 17 người tử vong, tổng số 880. Ngày 13/8 thêm 22 người nhiễm bệnh, tổng số 929 người.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu được vì sao đại dịch lại đến với thành phố biển xinh đẹp này, lại đến lúc cả nước đổ về đây để tham quan du lịch, trẻ con vừa nghỉ hè, người lớn cũng bị bó chân tay sau mùa đại dịch kéo dài hơn nửa năm dài đăng đẳng. Mà dịch lại bùng phát từ trong một bệnh viện lớn nhất của thành phố và ngay trong khoa nhiều bệnh nặng nhất. Sao lại khốc liệt và tàn nhẫn đến vậy?!
Trong cơn mưa đêm, dõi mắt ra bên ngoài khung cửa sổ mênh mang tối đen, tiếng mưa xao xác mà lòng tôi lại khô khốc như cánh đồng hạn hán, những giọt mưa thấm đẫm những bờ tường ẩm ướt, chìm khuất cùng bóng tối lạnh lùng, những cơn mưa dầm tháng 8 này sẽ làm cho ngày tháng như kéo dài bất tận. Đà Nẵng tiếp tục cách ly toàn xã hội, lần đầu tiên người Đà Nẵng sẽ phải áp dụng cách đi chợ theo phiếu, vào ngày chẵn và lẻ. Mỗi hộ chỉ được đi chợ 3 ngày 1 lần. Như vậy là trong 2 tuần tới người Đà Nẵng sẽ tiếp tục kham khổ để triệt để tiêu diệt nguồn dịch. Người Đà Nẵng vốn chịu thương chịu khó quen rồi nên gian nan thêm cũng sẽ quen.
Chiều lại trĩu nặng hiu hắt trong mưa, tôi không nghĩ gì ngoài những con số người chết tăng lên từng giờ, từng ngày, đầu óc tôi âm u tiếng khóc câm lặng của người ra đi trong đại dịch, thành phố như một cõi hoang vu tan tác. Đứa trẻ mới 8 tháng phải rời tay mẹ để bà ngoại bồng về từ bệnh viện. Những người dân nghèo sống đắp đổi qua ngày thất nghiệp túng thiếu nợ nần...
Biết đến bao giờ thành phố này sẽ bình yên trở lại?!...
Đường phố, dòng sông, bãi biển, núi rừng...
Và người dân quê tôi phải gánh gồng tai ương cho đến bao giờ?!...
Cơn mưa lạnh từ trong giấc mơ của tôi bao giờ sẽ tạnh ?!..

Đà Nẵng 15/8/2020
MƯA
TTTH