Monday, September 14, 2020

1755. HOÀNG KIM OANH Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa



1. Những cuộc chia ly mùa dịch

Vậy là 6h sáng sớm hôm nay Nguyễn Chí Sơn sẽ trở về miền miên viễn xa xôi cùng đất mẹ. Trưa hôm qua, tôi mới gọi cho anh Nguyên Minh, bởi ngần ngại không dám chạm thêm vào nỗi đau của trái tim vốn mau nước mắt của anh. Anh và gia đình đã thuê một chuyến xe tốc hành ra Phan Rang để kịp có mặt những phút cuối cùng bên người em trai gắn bó máu thịt vui buồn qua bao cuộc bể dâu của gia đình và đất nước. Tôi biết người em Đinh Dậu này qua lời kể anh Nguyên Minh nhiều hơn 3 lần gặp ở Phan Rang. Có lẽ vì vậy, ngay từ lần đầu gặp anh tại nhà riêng sau những ngày đoàn Quán Văn dong ruổi Tây Nguyên cuối năm 2016, tình yêu dành cho mỹ thuật và văn chương của anh đã để lại ấn tượng khó quên trong tôi khi anh điềm đạm mà say sưa thuyết minh về những cổ vật tranh ảnh trưng bày tầng trên tầng dưới… Lúc ấy, hình như chưa có nhà sách Nhân Văn. Từ đó, anh đã là một thành viên xa mà rất gần gụi thân thiết của gia đình Quán Văn. Tôi muốn chạy ra thắp cho anh nén nhang cuối cùng. 8h tối, lên tàu SE2, 4h đã có mặt ở ga Tháp Chàm…Anh Nguyên Minh nghe ý định đó, giọng vui:
- Em ra đi, trưa về cùng xe anh, 16 chỗ mà có 7 người nhà anh thôi…

Ôi lòng thì muốn vậy mà vừa mở miệng nói đi, cả nhà phản đối ngay. Thôi, đành gọi ra cáo lỗi và vọng tiễn anh Chí Sơn ba nén tâm nhang… Bởi, từ sau chuyến đi Lagi, Kê Gà về cũng là ngày Đà Nẵng và một số địa phương công bố phong toả khu vực có người nhiễm Coronavirus Wuhan đợt 2 sau 100 ngày yên ổn; Cả nước đặt trong tình trạng báo động cách ly từng phần và toàn phần, tự nhiên tôi ho và…sốt! Ho thì bệnh nghề nghiệp cộng thêm thời tiết… bình thường,  nhưng sốt mới sợ. Tôi hoang mang. Trời. Hổng lẽ mình bị nhiễm. Đọc hết các thông tin của Bộ Y tế hướng dẫn…, tham khảo gia đình, bè bạn bác sĩ người thì bảo đến bệnh viện ngay, người bảo đừng đến bệnh viện và giới thiệu cho danh sách vài phòng khám uy tín quen biết: chị cứ đến, trước khi đến gọi em. Anh ĐHN nhắn viber: chắc em bị nhẹ rồi! Anh NĐA thì nói: không sao đâu, nhiều người bên Mỹ này nhiễm nhẹ rồi tự khỏi. Bs PY nhắn một toa thuốc: chị uống đúng như vầy cho em, không cần đi bệnh viện đâu. Sáu ngày ròng rã, tôi vật vờ trong tâm trạng mơ hồ hoang mang mà không dám nói với anh em QV sợ mọi người lo lắng. Sáng bình thường, chiều 38- 38,5 độ C. Tôi quyết định huỷ lớp dạy Bạc Liêu. Giờ chót, cancel luôn tour nghỉ hè Phú Quốc cùng Khoa. Cuối cùng thì tôi cũng hết ho, hết sốt nhờ… mấy nồi nước lá xông dân gian con gái tìm mua bên chợ Bà Chiểu.

Không phải chỉ một mình Nguyễn Chí Sơn, tôi đã không thể đến lần cuối với nhiều anh chị, bạn bè thân thương quý mến nữa. Thật ra những mất mát đau buồn bè bạn của tôi chẳng ý nghĩa gì so với những con số tử vong kinh hoàng kể từ ngày Hồ Bắc, Vũ Hán phong thành 26.1.2020 và thảm hoạ toàn cầu ngày càng hoang mang lan rộng. Xin tạm không nói đến những ngày những đêm không ngủ ở Sài Gòn sau Vũ Hán, tôi cứ lặng người đi trước những con số người nhiễm, người tử vong tăng lên chóng mặt đến không còn dám tin ở Milano, New York, Seatle và nhiều thành phố, quốc gia tôi chưa từng biết tới… Xin tạm không nói đến những căm phẫn lẫn những đau xót cũng lặng lẽ rơi khi đọc Nhật ký Vũ Hán phong thành của Phương Phương và những thánh lễ đẫm nước mắt, những hàng dài quan tài xếp hàng không bóng người thân. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu… Cõi tạm hết. Con người tuyệt vọng bất lực ra đi trong cô độc tột cùng của phận người…

Xin tạm chỉ nói đến cái vòng không gian nhỏ bé của riêng tôi…
Năm 2020 này dường như là năm của những cuộc chia ly. 8.2.2020 người đầu tiên rời chúng tôi là dòng “phù sa” không chịu chảy về biển cả Lê Phương Nguyên. Lúc ấy chúng tôi chưa hình dung hết dịch là gì, 7 anh em ĐVK, ĐCL, anh chị NSB-KC, ML và tôi cũng chấp hành đeo khẩu trang, đi lên tận điền trang Lộc Xuân tiễn anh lần cuối. Tôi bùi ngùi nhìn từng cành bông giấy, từng gốc xoài, cành cau, đoá hồng, bóng nắng một thời… sớm chiều ngày ngày tháng tháng cùng anh:

“Thời gian từng giọt nặng nề,
Xa xăm đôi mắt bốn bề quạnh hiu….” 
(Lê Phương Nguyên)

Tôi sẽ mãi nhớ về anh với đôi mắt đăm chiêu, nụ cười hiếm hoi nhẫn nhịn một đêm Giáng sinh Sài Gòn ngày tôi biết anh lâm bệnh dữ. Tôi sẽ mãi nhớ về anh cùng hương Lavender tím ngát thuỷ chung bè bạn tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực những ngày anh vuột khỏi tay Thần Chết mùa hè 2019 khi chúng tôi đến thăm anh ở điền trang. Tôi sẽ mãi nhớ về anh hình ảnh cảm động anh đang thiêm thiếp trên giường bệnh bệnh viện ĐHYD bỗng choàng mắt dậy và đòi ngồi lên khi anh Sông Ba nói vào tai anh “có chị HKO đến thăm nè”. Niềm vui ngắn ngủi nhỏ nhoi. Nỗi buồn dài ở lại, anh Lộc Xuân ơi!

Dịch bệnh thế giới bùng phát dữ dội không chỉ một, hai mà tất cả các lục địa. Sài Gòn cũng “phong thành” từ 16.3.2020. Rồi 30.3.2020, mọi nẻo đường ra Bắc vào Nam đều phong toả đến 23.4.2020. Hai tháng cách ly. Mọi hoạt động dường như ngưng lại. Stay at home. Stay at home. Xin em ngồi yên đấy… Ở nhà là yêu nước. Đeo khẩu trang là yêu nước. Rửa tay là yêu nước. Vâng. Vâng. Việt Nam tội nghiệp của tôi. Bình thường, mọi thứ đã quá tải. Nhất là bệnh viện. Địa ngục cho những ai không có nhiều tiền. Cực hình cho những ai đi theo ân huệ ban phát của Bảo hiểm y tế suốt 30 năm làm lụng tích cóp đóng… Chỉ cần 1 ca lây, truy tìm đường đi cả 100 ca. Chỉ 100 ca dương tính nhân với 100 ca F1, F2, F3… Hệ thống y tế vốn đã thiếu và yếu của VN không biết sẽ… đi về đâu hỡi em…

Tối 16.4.2020 nữ sĩ Hoàng Hương Trang lặng lẽ ra đi ở Long Xuyên. PND gọi cho tôi. Hai đứa bàn tới bàn lui định rủ vài anh chị em chí cốt thuê riêng một xe xuống với chị. Mới hôm truớc cách ly, tôi vừa nhận tin nhắn của chị hẹn sẽ photo một số tác phẩm tặng tôi và tôi đã cảm ơn hẹn…xuống Long Xuyên nhận. Làm sao đi bây giờ. Các hãng xe đã tạm ngưng hoạt động. Tang ma cưới hỏi cũng chỉ trong phạm vi gia đình. Tôi báo cho anh NPY. Và ở nhà. Viết lời tiếc thương dưới bài khóc chị của anh. Thì ra, ngoài cái chết, Coronavirus Vũ Hán còn cô lập cả mọi yêu thương. Chưa đủ duyên để có một cuộc chị chị em em trên đất Long Xuyên nên 2018 đến thăm nhà cụ Nguyễn Hiến Lê mà tôi không biết để tìm thăm. Giờ thì đã muộn màng. Yên nghỉ nhé, chị Hoàng Hương Trang tài sắc bản lĩnh một thời của văn chương miền Nam…

2020 cũng là năm chứng kiến Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn vụt tắt. 11.6.2020. Đồi thông Phương Bối đã thôi in dấu chân đi về. Chỉ còn Chút lời mênh mông từ tạ cùng Thơ và Đá con gái Phương Bối vừa gửi tặng còn thơm mùi giấy mới… Ôi, sao quá nhiều lời tiên tri:

Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru
(Nửa đêm thức dậy hỏi con, Nguyễn Đức Sơn)

Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên
(Mai kia, Nguyễn Đức Sơn)

Anh Sơn ơi, giờ thì anh đã theo bóng trăng tà ngàn năm, hoà thành lời ru vĩnh hằng của biển… Bây giờ, và chắc chẳng bao giờ con người có thể hiểu hết về cát bụi, mai sau…

Nhưng bất ngờ hơn nữa là chuyến đi thanh thản nhẹ nhàng đến không tin nổi của anh Mang Viên Long. Sáng 22.7.2020, anh còn Good morning mọi người và mời trà cafe buổi sáng như thường lệ…trên FB. Một niềm vui nho nhỏ của anh và bạn hữu, trong đó có tôi. Trưa anh còn post bài. Đầu giờ chiều, anh đi. Cả lời hứa anh sẽ chụp hình mới với em để thay mấy tấm hình lần về Quy Nhơn 2016, thỉnh thoảng anh lại up lên, chưa kịp, chưa kịp…

Vô thường nghiệt ngã làm sao, anh Mang Viên Long!

Bây giờ, muốn làm gì cho ai, cho mình, muốn thăm ai… Đừng chần chừ…

Ban Mai ơi, lần này trở lại Quy Nhơn, làm sao tìm lại nụ cười hiền hoà tâm Phật của anh…

2. Thế gian chết hết chỉ còn đêm

Thế gian chết hết chỉ còn đêm
Và một mình ta với cây đàn
Rượu lẫn sương trào lăn chiếu đá
Trăng mờ nghiêng ngả phía đầu non
(Đêm Cam Ly ôm đàn uống rượu một mình, Nguyễn Dương Quang)

Tôi đã nhớ mãi câu thơ hào sảng nghệ sĩ cô đơn vô cùng của anh Nguyễn Dương Quang ngay khi anh gửi tặng tập thơ này lần đầu gặp ở toà soạn Quán Văn ngày anh đến sửa bản in cho Tự tình cùng sương khói.  Vâng. Thế gian chết hết…

Ám ảnh cô đơn còn bàng bạc khắp các dòng thơ của anh dù bề ngoài bao giờ anh cũng vui vẻ, ân cần, phóng khoáng, nhiều bạn bè văn chương, chiến hữu…

Thơ Nguyễn Dương Quang dày đặc đêm đen cả trước 75 lẫn sau này. Thơ anh là cả nỗi cô đơn có thể đúc thành khối, thành tảng, thành đêm, thành sương, thành rượu, thành hoa, và cả nàng trăng cũng được anh vời xuống bầu bạn sẻ chia:

Nàng trăng đẹp quá lại gần đây
Đất bỏ trời buông nhé! Đêm nay
Thế gian biết có còn ai thức?
Hồn ta sâu vắng quá trăng ơi.
(Đêm ôm đàn uống rượu một mình, NDQ)

Đáp lại nỗi khát khao bằng hữu của anh, Quán Văn đã hẹn và đã có chuyến gặp gỡ giao lưu  ở khách sạn Bông hồng 2. Đã có một chuyên đề Dran miền sương khói và tác giả Nguyễn Dương Quang ở Sài Gòn, ở Dran. Đã kịp hát những khúc hát của người con Dran về miền đất “thiêng” của anh, của Trịnh Công Sơn, của Đinh Cường… và nghe nữ sĩ Kiều Minh Mạnh, Hồ Mỹ Hạnh nói về Dran, về anh… ngay trên nắng sương của mảnh đất chôn nhau cắt rốn thấm đẫm ân tình. Mới đó… Tôi cũng đã hẹn và đã có một đêm nghe anh ôm đàn hát những khúc tình ca đau đáu: Ngộ nhận (phổ thơ Nguyễn Bắc Sơn), Khúc rong ca của kẻ lãng du (thơ Nguyễn Dương Quang), Chiều tháng ba (Thơ HKO)… nhưng không phải đêm Cam Ly mà đêm Phan Rí Cửa. Lần đó, anh đón tôi ở ga Sông Mao. Cái sân ga nhỏ bé một thời đã đi vào văn chương qua câu thơ ngang tàng của Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sốn. Về ghé Sông Mao phá phách chơi…”. Những kỷ niệm một thời ngang dọc cũng được cái tên Sông Mao nhắc nhớ suốt đường về Phan Rí Cửa. Nhưng tôi nhớ nhất chuyện anh cùng đồng đội uống rượu say khướt, lái xe Jeep nghiêng hẳn 1 bên để… chạy trên đường rầy xe lửa ở chính ga Sông Mao này… Chuyện đánh nhau như cơm bữa với sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ. Chuyện anh quen cô gái Chợ Lầu xinh đẹp đảm đang - chị Nguyễn Dương Quang bây giờ. Và chuyện trại cải tạo cũng chính là cơ quan hành chính ngày trước…, cũng như quãng đời lầm lụi ngày sau…

Vậy đó, mới đó, còn nguyên đó… có ai ngờ sau chuyến ra mắt ở Dran, anh chị em QV du xuân 22 tết mới về lại SG, tết nhứt bận bịu, tiếp đến cơn đại dịch Coronavirus Vũ Hán khiến tôi bặt tin anh. Bất ngờ, anh SB và KC cho hay anh đang nằm bệnh viện vì viêm đường hô hấp. Rồi anh được chuyển xuống bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch. Có lẽ từ tháng 3. Không, tháng 4. Cách ly đang giai đoạn 2 nghiêm ngặt. Anh em hay tin chỉ còn biết hỏi nhau qua fb. Tôi hỏi thăm, ML băn khoăn: Không thăm được đâu chị ơi, anh Quang nằm phòng chăm sóc đặc biệt không có ai ngoài 01 người trong gia đình được vào nuôi. Thêm nữa là dịch Covid-19, bệnh viện lao… không cho ai vô thăm đâu…

Và, ai cũng bàng hoàng, chiều 29.4.2020. Tin dữ. Anh đang trên đường trở về Dalat… Chuyến đi cuối cùng trong đời… Chị Thái Hồng đang ở Oregon, Hoa Kỳ đã đóng cửa tất cả các chuyến bay quốc tế. 23.3.2020 Hàng không quốc gia Việt Nam cũng bay chuyến quốc ngoại cuối. Không có chuyến bay về Việt Nam. Trời. Làm sao chị chịu nổi… 

Một mình cả lúc đến. lúc đi.

Tôi đã từng đọc và chú ý hình thức một bài thơ rất ngắn của anh Nguyễn Dương Quang mà thi tứ lẫn lời thoáng đọc làm tôi liên tưởng bài Alone  của Edgar Poe, mà chưa bao giờ thấm thía như bây giờ. Phải chăng thơ vận vào đời người thơ để anh ra đi giữa mùa đại dịch. Vỏn vẹn chỉ có 6 dòng, mà ba dòng cuối là tiếng lòng thê thiết…

Người thơ, như đã từ vạn cổ
Làm kẻ mộng du, bạn với nỗi buồn
Em ạ! Có một loài hoa rất đẹp
Là Cô Đơn…
Cô Đơn…
Cô Đơn…
(Một loài hoa, Nguyễn Dương Quang)

Nỗi Cô Đơn. Loài hoa rất đẹp của anh. Cái “biển cô đơn bao la kinh khiếp” (Biển trong ký ức kẻ du cư) của anh, giờ đây đã trọn vẹn cùng anh đến tận nấm mồ.

Ôi những ngày tháng tư. Chưa bao giờ tôi áy náy tự buồn trách mình nhiều như vậy. Sao tôi không cương quyết đến bệnh viện một lần thăm anh, dù chỉ để đứng ngoài nhìn anh vật vã giữa dây nhợ, ống thở, bình oxy các kiểu… Coronavirus là cái gì mà có thể khiến người ta mất mọi liên lạc thân sơ như thế? Cuối cùng cũng là cái chết thôi mà. Nhưng vấn đề không dừng lại ở cái chết của một con người. Con người đang mất dần nhau.

Thế gian chết hết. Chỉ còn đêm…

Anh đã trở về chốn cũ. Đã gặp Má, gặp Ba, gặp Nội. Vâng. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Dù sao anh cũng đã sống đẹp với mình, với người, với anh em bầu bạn. Hào sảng ung dung tự tại góc trời một kiếp lãng du.

Tôi đang hát theo anh. Khúc rong ca của kẻ lãng du. Cái clip hát hò đêm Phan Rí Cửa chập choạng ánh trăng còn đây…

Có những lúc ta say như ngọn gió chiều
Lướt thướt trên sông hát cùng đám lau
(…)
Có những lúc ta ngồi như đá
Chờ con sóng ấm đôi bờ vai
Bờ cát trắng chân còng mệt mỏi
Còn lang thang suốt đêm trần ai…

3. Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi

- Dịch thì dịch. Không chết dịch thì cũng chết kiểu này kiểu khác. Ai mà không sống để chết! Lo làm gì em ơi!
- Nhưng chết phi lý, chết tình cờ, chết như rơm, như rạ… Chết mà không có một người thân bên cạnh… Lạnh lẽo bơ vơ…
- Trời, bà này… Chết rồi còn biết gì nữa mà đòi người thân với chẳng người thân… Chết là chết thôi. Mọi nghi thức chẳng qua cho vui lòng người sống chớ bà nằm đó hay nằm đâu cũng có ý nghĩa gì nữa đâu?  Thời buổi này, công nghệ hiện đại, thiêu nháy mắt là xong! Không rình rang phiền toái ai. Trần truồng đến. Trần truồng mà đi thôi…
- …
- Đơn giản thôi. Nghĩ làm gì cho nhức cái đầu. Anh với em, đứa nào chết trước thì đứa còn lại lo. Vậy thôi.
- Vậy ba muốn sau này sẽ rải tro ở đâu? Về Quế Sơn sông Thu Bồn của ba? Hay về Vĩnh Thuận có sông nước mặn Cái Lớn Cái Bé gì đó một thời của ba mẹ? Tý chen vào.
- Không. Đem rải ở sông Hằng đi…
- Thôi. Sông Hằng ở tận Ấn Độ. Xứ đó người ta nói tiếng Phạn tiếng Hindi gì gì đó tới 22 ngôn ngữ chính thức làm sao em với anh hiểu các thần linh ma quỷ ấy nói tiếng gì  … Mình bơ vơ bị ức hiếp rồi làm sao?
- Thôi vậy…đem bón cây…vú sữa cho Ken và con cháu nó sau này có trái ăn…
- Dạ. Ông ngoại ơi. Phải trồng cây ở nơi nắng vừa phải, đừng nắng quá. Con sẽ tưới nước cho cây ông ngoại bà ngoại không bao giờ héo, không bao giờ chết…
              
Không ai dạy, tự nhiên Ken thủ thỉ trong lòng ông…          
Tôi chợt nghe cay cay sống mũi…
             
Tình cờ, nghe kể câu chuyện thầy cô cãi tới cãi lui cái vụ ngớ ngẩn này, cô học trò cũ cười ngất: “Cô đừng lo. Em sẽ đưa cô đi rải ở biển trên du thuyền King Yatch. Em sẽ cắm đầy du thuyền toàn hoa hồng trắng… Cô thích hoa hồng mà… Cô chịu hôn?”
- Được. Cứ vậy đi. Giao cho em.
                  
Nói xong tự thấy mình phi lý. Ừ. Ổng nói đúng. Chết rồi làm sao mình biết ai đưa ai đón. Ai khóc ai thương ai cười ai trách. Làm sao biết hoa hồng hay hoa giấy tiền vàng bạc… Cái nào cũng như nhau. Sự thật là tôi đã không còn tôi. Vậy sao tôi cứ phải lăn tăn câu nệ…

Ôi, cái tôi bé nhỏ tội nghiệp của tôi ơi. Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi? Không là gì. Không là gì hết.

Không còn gì. Không còn gì hết. Cát bụi. Cát bụi mệt nhoài…

Một kiếp vô thường sao đủ rộng
Mà hòng trải trọn một đam mê
(Tô Thuỳ Yên)

Đêm đó tự nhiên tôi không ngủ được. Trằn trọc. Chập chờn. Trống rỗng…

Gần sáng, trong tiếng sấm động rền vọng từ xa, tiếng mưa hối hả rớt trên mái hiên gần. thật gần. Tôi mơ thấy mình mặc bộ áo dài lụa trắng, đầu cài hoa trắng, mang đôi hài trắng…, và lướt đi trên sóng biển trắng xoá chập chùng…

Tôi đang tìm tôi. Gọi mãi. Gọi mãi. Nhưng không gặp. Không có tôi. Chỉ có sóng tung toé vào tóc, vào mặt, vào áo, mà không ướt…

Không có con tàu đầy hoa hồng trắng nào cả.
Không có tôi.
Chỉ có mưa. Nơi này. Nơi xa. Ầm ì cơn bão rớt...             
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…             
Cái nơi xa ngái ba ngàn thế giới mông mênh, trăm năm, triệu năm rồi con người vẫn chưa bao giờ tìm ra lời đáp câu chuyện tử sinh      
Tôi vẫn tìm tôi      
mộng mị      
hoá thân…

Sài Gòn, lang thang những trang viết rời
HOÀNG KIM OANH
2020