Saturday, September 26, 2020

1774. HỘI CHỢ NEUILLY Truyện ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967) THÂN TRỌNG SƠN dịch & giới thiệu

VU À LA FOIRE DE NEUILLY - Tranh Max Ernst (1970)

Tên thật là  Émile Salomon Wilhelm Herzog, lấy bút danh André Maurois khi viết tác phẩm đầu tiên: " Sự im lặng của đại tá Bramble "( Les Silences du colonel Bramble ) năm 1918. Bút danh này trở thành tên chính thức của ông kể từ năm 1947 bằng một nghị định của Tổng thống Pháp. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ( Académie française ) năm 1938.

 

André Maurois để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: Nhiều tiểu thuyết tâm lý ( Bernard Quesnay, Climats – có người dịch là Tâm cảnh -, Terre promise – Đất hứa – Les Roses de septembre – Những đóa hồng tháng chín -) có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng ( Le peseur d’âmes – Người cân linh hồn -, La machine à lire les pensées – Máy đọc tư tưởng - . Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo lun ( Un art de vivre – Một nghệ thuật sống -, Sept visages de lamour – Bảy khuôn mặt tình yêu – Au commencement était laction – Khởi đầu là hành động…) Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de lAngleterre ( Lịch sử nước Anh ), Histoire des Etats-Unis ( Lịch sử Hoa Kỳ ), Histoire de France ( Lịch sử nước Pháp ). Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ ( Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust ), các chính trị gia ( Disraeli, Lyautey ), và cả nhà khoa học ( Alexandre Flemming )

 

Độc giả Việt Nam đã biết đến Ông với bản dịch ( của Nguyễn Hiến Lê ) các tác phẩm Thư gởi người đàn bà không quen biết” ( Lettre à une inconnue ) và nhất là “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi” ( Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie ), là tác phẩm Ông viết ở tuổi 80, trong đó ông giải đáp mọi thắc mắc của thanh niên về nhiều vấn đề: quan niệm sống, tu dưỡng, hôn nhân, việc làm, viết văn, tiêu khiển, tình yêu, tín ngưỡng…


Ông cũng chính là người đã dịch bài thơ IF nổi tiếng của Rudyard Kipling ra tiếng Pháp với nhan đề Tu seras un homme, mon fils.

 

Truyện ngắn của André Maurois là một bộ phận có vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Ông. Đó là những tác phẩm văn chương có giá trị, mang đầy đủ, trọn vẹn tính đa dạng và phong cách, khuynh hướng của nhà văn. André Maurois thường đơn giản hoá những vấn đề éo le, phức tạp, được kể với giọng văn giản dị, tự nhiên. Kiểu kết thúc câu truyện cũng rất độc đáo với một tình huống bất ngờ, thường trái với sự chờ đợi của người đọc.

 

Một số truyện nổi tiếng của Ông là Người tù trở về ( Le retour du prisonnier ), Hoa violet ngày thứ tư ( Les violettes du mercredi ) rất được tán thưởng.

  

FAIR AT NEUILLY, FRANCE
Tranh Christopher Wood (1901-1930)
  

Bonnivet hơn tôi khoảng năm, sáu tuổi gì đó, Maufras nói, nhưng con đường sự nghiệp của ông ta chói lọi và nhanh chóng đến nỗi lúc nào tôi cũng xem ông như  ông chủ hơn là bạn. Tôi chịu ơn ông nhiều lắm. Chính ông đã gọi tôi đến làm việc tại văn phòng của ông lúc ông lên làm bộ trưởng Bộ Công chánh, rồi, khi bộ này giải thể,  cũng chính ông ta đã khéo léo “xếp “ tôi vào Toà Thị chính.

 

Khi trở lại chính quyền, ông nắm Bộ Thuộc Địa, lúc này tôi đang có một nhiệm sở dễ chịu ở Paris nên xin ông cứ để tôi yên ở lại đó. Quan hệ giữa hai chúng tôi vẫn thân thiết và hai gia đình vẫn thường mời nhau đến nhà ăn cơm.Bà Nelly Bonnivet là một phụ nữ trạc tứ tuần, còn xinh đẹp, được chồng cưng chiều, tỏ ra là một phu nhân bộ trưởng hoàn hảo. Còn tôi cũng đã lập gia đình mười năm rồi và sống hạnh phúc với Madeleine.

 

Vào đầu tháng sáu, vợ chồng Bonnivet mời chúng tôi ăn tối tại một nhà hàng trong “ Rừng “ (2). Chúng tôi có sáu người, buổi tối thật vui vẻ, đến nửa đêm vẫn chưa muốn chia tay. Bonnivet, người đã lâng lâng, ngỏ ý muốn đi Hội chợ Neuilly. Khi còn nắm quyền, ông thích đóng vai quốc trưởng Haroun- al - Raschid (3) để được nghe mọi người trầm trồ khi ông ấy đi qua : “ Kìa, ngài Bonnivet đấy! “

 

Ba cặp vợ chồng đã quá xuân cố tìm mà không ra cái hương vị trẻ trung trong những trò chơi con trẻ, thật ra chẳng vui vẻ gì. Chúng tôi chơi nhiều trò xổ số và trúng giải những chiếc bánh, những con thuyền bằng thuỷ tinh và những con vật nặn từ bột mì. Ba người đàn ông đã bắn trúng những con tàu quay, những vỏ trứng trôi lờ đờ trên mặt nước. Sau đó chúng tôi đi tới chỗ chiếc tàu hoả chạy vòng tròn, có lúc lộ ra ngoài trời, có lúc chui vào trong tấm bạt như chui vào đường hầm. Nelly Bonnivet đề nghị lên tàu chơi. Madeleine có vẻ như thấy trò chơi chẳng hào hứng gì và những chiếc đệm ghế không mấy sạch sẽ, nhưng không muốn mọi người mất vui, thế là chúng tôi đến mua vé. Trong lúc chen chúc để lên tàu, nhóm chúng tôi bị cắt làm hai. Chỉ có mình tôi cùng toa với Nelly Bonnivet.

 

Chiếc tàu nhỏ quay rất nhanh và vòng quay thiết kế làm sao mà hành khách trên toa cứ ngã nhào vào nhau. Ngay khúc cua đầu tiên, bà Bonnivet đã suýt ngã vào lòng tôi. Đúng vào lúc này, tấm bạt đã dìm chúng tôi vào bóng tối và tôi hoàn toàn không thể giải thích với anh chuyện gì đã xảy ra trong vài giây sau đó. Đôi khi người ta có những hành động mà ý thức không kiểm soát được. Tôi chỉ có thể nói được rằng Nelly gần như nằm dài trên đùi tôi và tôi đã vuốt ve bà ấy như một anh lính mới hai mươi vuốt ve cô gái mà anh đã dẫn đi hội chợ. Vẫn không ý thức được mình đang làm gì, tôi tìm đôi môi bà ấy, và không bị cưỡng lại, hai đôi môi gặp nhau, nhằm lúc con tàu chui ra vùng ánh sáng. Như có sự thoả hiệp, chúng tôi vội buông nhau ra ngay và nhìn nhau, choáng váng, sững sờ.

 

Tôi còn nhớ là lúc đó tôi đã cố tìm hiểu xem khuôn mặt bà Nelly Bonnivet biểu lộ điều gì. Bà vuốt lại mái tóc, chăm chú nhìn tôi không nói gì. Cái giây phút ngượng ngùng đó trôi qua nhanh thôi. Tàu dừng lại, chúng tôi gặp lại trên sân Bonnivet, Madeleine, và hai người cùng đi kia.

 

-   Trò chơi này quá trẻ con đối với chúng ta, Bonnivet mệt mỏi nói, thôi đã đến giờ chúng ta về đi ngủ.


Madeleine tán thành và chúng tôi quay lại Cửa Maillot (4) và từ biệt nhau. Khi hôn tay bà Nelly, tôi nhìn vào mắt bà, bà vẫn nói cười vui vẻ với Madeleine, không để lộ một dấu hiệu nào.

 

Tôi không thể nào ngủ được. Sự việc bất ngờ xảy đến làm xáo động cuộc sống bình lặng lâu nay của tôi. Tôi chưa bao giờ là kẻ hay theo đuổi phụ nữ, từ khi lấy vợ lại càng không. Tôi rất mực yêu thương Madeleine và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nhau. Còn đối với Bonnivet thì tôi vẫn yêu quý và biết ơn. Vậy mà ma quỷ xui khiến sao mà tôi cứ nôn nóng muốn gặp lại Nelly, muốn biết cái nhìn của bà ấy khi chúng tôi rời nhau có ý nghĩa gì. Sửng sốt? Hận thù? Anh biết đấy, con người dù khiêm tốn nhất cũng giấu trong lòng đôi chút kiêu ngạo. Tôi tưởng tượng một ham muốn kín đáo bỗng trỗi dậy trong giờ khắc ngẫu nhiên. Nằm trên giường sát cạnh giường tôi, Madeleine vẫn thở đều một cách nhẹ nhõm.

 

Sáng hôm sau, tôi bận nhiều việc, không có thì giờ nghĩ đến câu chuyện kia nữa. Hôm sau nữa, có ai gọi tôi qua điện thoại. Bộ Thuộc địa gọi ông đấy. Ông giữ máy, Ngài bộ trưởng muốn nói chuyện với ông.

 

Tôi chợt thấy ớn lạnh. Chưa bao giờ Bonnivet  đích thân gọi điện thoại. Mời mọc hay trả lời gì cũng thông qua hai bà vợ của chúng tôi. Chỉ có thể là chuyện ngu ngốc hôm trước thôi.

 

“Allô, giọng Bonnivet đột ngột vang lên. À, anh đó hả, Maufras? Anh có thể đến văn phòng tôi được không? Vâng, cần lắm. Tôi sẽ trực tiếp giải thích với anh sau. Vậy nhé, đến ngay nhé. Cám ơn.”

 

Tôi gác máy. Vậy là Nelly thuộc hạng đàn bà đáng ghê tởm đi cám dỗ đàn ông (vâng tôi thề là đêm hôm ấy bà đã cố tình ngã vào lòng tôi) rồi sau đó lại than thở với chồng: “Anh à, anh tin tưởng Bernard là nhầm rồi. Hắn không phải là bạn như anh nghĩ đâu..”Thật là loại đàn bà đáng ghét!

 

Trong khi đang tìm kiếm tắc xi để đi tới chỗ Bonnivet, tôi tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đấu súng chăng? Tôi cũng muốn như vậy, ít ra đây cũng là một giải pháp đơn giản, tuy nhiên từ khi chiến tranh kết thúc, không ai đánh nhau kiểu này nữa. Không, chắc hẳn Bonnivet sẽ mắng tôi không tiếc lời và tuyên bố mọi quan hên giữa chúng tôi coi như hết rồi. Thế là kết thúc một tình bạn cao quý, sự nghiệp của tôi cũng đi đời vì Bonnivet là người có quyền lực. Ai cũng nói ông ta sắp lên làm Thủ tướng. Và tôi sẽ giải thích với Madeleine thế nào đây về sự đoạn giao khó hiểu này.

 

Những ý nghĩ đó, và nhiều ý nghĩ khác bi thảm hơn cứ đè nén tôi trên đường đi tới văn phòng bộ trưởng. Có khi tôi chợt hiểu rằng tự sát là lối thoát cho tất cả những ai rơi vào tình huống quá khó khăn cho lòng dũng cảm của họ.

 

Tôi phải chờ lâu ở phòng đợi đầy người đến cầu cạnh và những người phụ trách đón khách. Tim tôi đập lúc nhanh lúc chậm. Tôi ngắm nhìn bức tranh có cảnh những người Việt Nam vào mùa thu hoạch. Cuối cùng, tôi nghe gọi tên và tôi đứng lên. Cửa phòng Bonnivet mở ra ngay trước mặt tôi. Liệu có nên để ông ta nói trước? Hay ngược lại, chính mình tính trước bằng cách tự thú hết mọi tội lỗi?

 

Chính ông ta đã đứng lên và bắt tay tôi. Tôi rất ngạc nhiên về sự đón tiếp ân cần này. Hay là ông ta quá thông minh để hiểu rằng sự việc là do ngẫu nhiên và vô tình thôi.

 

   - Trước hết, ông ấy nói, tôi xin lỗi vì đã gọi anh vội vã như vậy, nhưng anh biết là mọi việc cần được quyết định ngay. Chuyện là thế này. Anh biết đấy, Nelly và tôi sẽ phải đi sang Tây Phi vào tháng tới. Với tôi đây là chuyến đi làm việc, còn với Nelly thì đi là để du lịch và khám phá. Tôi quyết định là mang theo ngoài các nhân viên của Bộ còn có vài nhà báo bởi vì là người Pháp họ phải biết đến lãnh thổ nước mình nữa chứ. Cho đến nay, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc nói với anh về chuyện này vì anh không phải là viên chức của Bộ, cũng không phải là nhà báo, vả lại anh còn công việc của anh nữa chứ. Thế nhưng tối hôm qua Nelly đã nói với tôi là chuyến đi này gần như là trùng với thời gian nghỉ hè của anh. Anh và chị nhà sẽ là những người đồng hành thân thiết và dễ chịu hơn đoàn tuỳ tùng của tôi, và có thể chuyến đi thăm Châu Phi trong hoàn cảnh hiếm hoi này có thể khiến anh thích thú chăng. Bởi vậy, nếu anh đồng ý, gia đình anh sẽ cùng đi với vợ chồng tôi. Có điều là tôi cần biết quyết định của anh ngay để văn phòng kịp lập danh sách và chương trình.

 

Tôi cám ơn ông và xin ông vài giờ để bàn với vợ. Đầu tiên tôi cũng thấy thích thú. Nhưng khi còn lại một mình, tôi hình dung hết mọi phiền toái và tệ hại. Một âm mưu tình ái trước đôi mắt đầy cảnh giác của Madeleine trong thời gian tôi là khách của Bonnivet. Đành rằng, Nelly đẹp nhưng tôi đã phán xét bà ta một cách nghiêm khắc. Trong bữa ăn trưa, tôi đã thuật lại lời mời và tất nhiên không nói rõ vì đâu mà có lời mời đó và cùng với cô ấy tìm cách từ chối sao cho khỏi bất lịch sự. Cô ấy chẳng khó khăn gì mà không tưởng tượng ra những lời hẹn từ trước và vì thế chúng tôi không đi châu Phi được.

 

Tôi biết là từ đó, Nelly Bonnivet nhắc đến tới không những có ý giễu cợt mà còn cả thù hận. Ông bạn tôi là Lambert Leclerc có lần trước mặt bà nhắc đến tên tôi như là một ứng viên cho chức Quận trưởng Quận Seine. Bà ấy bĩu môi: Maufras ấy à. Ông nghĩ gì vậy ? Anh ta dễ thương đấy nhưng không có chút nghị lực. Đó là một con người không biết mình muốn gì.

 

Bonnivet trả lời: “Nelly nói đúng đấy.” và tôi đã không được bổ nhiệm.


___________________________

(1)  Neuilly: tức Neuilly-sur-Seine, ngoại ô của thủ đô Paris, gần Rừng  Boulogne ( Bois de Boulogne ), công viên lớn ở Paris, nơi người dân ưa tới dạo chơi. Mùa hè ở Neuilly thường tổ chức Hội chợ rất lớn.

(2)  Rừng, tức là Bois de Boulogne.

(3)  Haroun-al-Raschid, vua của Vương quốc Bagdad ( Irak ngày nay ), thường vi hành để lắng nghe dư luận nhân dân.

(4)  Cửa Maillot, Porte de Maillot, cửa đi vào Rừng Boulogne.

  

THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

Tháng 9/2020

từ nguyên bản tiếng Pháp

La foire de Neuilly.

https://www.rulit.me/books/nouvelles-read-339373-35.html