Sunday, November 22, 2020

1844. NGUYỄN TƯỜNG GIANG Những ngày lạnh rớt

Vàng chanh - Oil on canvas, dinhcuong, 7.2015

I.

      Mấy hôm nay thời tiết thay đổi đột ngột. Chiều nào cũng có những cơn mưa lớn. Mưa rỉ rả suốt ngày. Trời buồn bã một cách nóng nẩy. Đôi khi có hé một chút nắng của mặt trời, nhưng cái ánh sáng thiêu đốt hàng năm đó mấy bữa nay chưa đủ làm khô áo và tóc của một người lười biếng , ra đường không bao giờ mang áo mưa. Trong các quán cà phê nhỏ bốc khói, các hàng ăn nóng hổi, người ta ngồi với nhau yên lặng, đông đúc hơn và ấm cúng hơn. Mưa làm mọi người gần nhau, nhưng còn có yêu nhau và tử tế với nhau không, hẳn chỉ có những hạt đường đã hòa tan trong chất nước sánh và đen kia hay đôi trái ớt hiểm trộn cùng các loài gia vị khác mới thấu hiểu được lòng dạ con người. Ở một vài con đường vốn thường nhật đã vắng vẻ, những cặp tình nhân yêu nhau theo lối cổ điển, còn che chung dưới một tấm áo mưa. Một tấm áo mưa dưới thời này cũng không phải là dễ mua. Những người trẻ tuổi đúng nghĩa bây giờ, hẳn đang hưởng cái ấm áp của da thịt trong một rạp chiếu bóng có máy lạnh (người ta mở cửa suốt ngày) hay trong một căn phòng xinh xắn mấy người bạn thuê chung. Họ yêu nhau không vội vã vì trời cứ mưa hoài. Có về nhà chậm hơn một chút, có đến sở trễ hơn mọi ngày cũng không ai tò mò, thắc mắc làm gì khi thời tiết dịu dàng và sũng ướt đến thế. Riêng ở các quán nước sang trọng trên phố, số người trung lưu vẫn ngồi nhâm nhi đời sống bằng những ngụm cà phê pha hàng lít, trong suốt như trà đã phải đổ nước sôi đến lần thứ hai, từ mấy tháng nay thường rất vắng vẻ, hẳn vì ngồi uống cà phê mà cứ như uống nước mắt của đàn con thiếu sữa hay nước mắt của người vợ còn quá trẻ mỗi tháng cầm số tiền lương nhỏ nhoi chỉ đủ ăn quà buổi sáng, bỗng nhiên cũng đông thêm. Những điếu thuốc được hút dè dặt mọi ngày giờ đây cũng cháy nhanh hơn để thả những làn khói làm đậm đà cho câu chuyện. Tình hình chính trị yên lặng đến độ người ta cảm thấy và chờ đợi một trái pháo ngầm. Mỗi ngày những người ở đây lại châm lửa bằng miệng vào những ngòi tưởng tượng, nhưng trái pháo cũng chưa bao giờ nổ bằng câu chuyện nổ như bắp rang trong một ngày mưa tầm tã. Mọi người đều chờ đợi như người ta sống chỉ để đợi chờ. Câu chuyện rồi cũng phải xoay tới cái lý do khiến người ta không hẹn mà gặp rất tình cờ. Hình như trời mưa như những trận mưa giông kia là ảnh hưởng của một cơn bão lớn. Ở Sài-gòn có bao giờ mưa suốt ngày và gió lại mang cả hơi lạnh thấm đến tận xương của những người chỉ quen phong phanh chiếc áo mỏng, chỉ chờ dịp thuận tiện là cởi ra cho mát đâu. Trên hàng đầu các nhật báo, cả những bài bình luận đanh thép của đài phát thanh chẳng nói đến trận báo khủng khiếp đó là gì. Cơn bão đó may thay lại xẩy ra ở mãi tận miền Bắc, ở một xứ mà trẻ em phải tìm tòi trong các tấm bản đồ. Cơn bão đã làm nước sông dâng lên ào ạt, và các bờ đê bằng đất cũng cảm thấy cái thú phiêu lưu của loài nước kia quyến rũ nên cũng vội đi theo. Các nhánh lúa non đang tuổi lớn, các mầm thảo mộc mới nhú chút lộc xanh, cố ngoi đầu lên mặt nước để thở chút khí trời thì lại bị luồng gió như luồng gió sau một động cơ phản lực dập vùi chẳng chút tiếc thương. Người ta tiên đoán đến một nạn đói khủng khiếp như nạn đói đã xẩy ra vừa đúng hai mươi tám năm, cũng trên cái phần đất điêu linh vì tạo hoá ấy. Một vài tờ báo đã đăng lại hồi ký của những người may mắn sống sót trong cái tai họa ghê gớm lần trước, tưởng như được sống thêm một cuộc đời. Đói và rét. Hai tiếng ngắn gọn đó thường làm rung động lương tâm nhân loại, không biết có rung động trái tim của những kẻ vô tình.

II.

      Có những nỗi buồn đến rất tình cờ, không báo trước. Đang ngồi nói chuyện với mấy người bạn thân, nhấp một ngụm cà phê còn giữ đầy hơi nóng, bỗng cảm thấy cái chất nước sánh đen kia thấm vào lưỡi, dịu dàng và buồn bã biết bao. Một người bạn nào, sau khi hút một hơi thuốc dài, những ngón tay đặt trên đầu gối hơi rung rung, đọc một câu thơ ở đâu đó bất chợt nhớ được, rồi lại im lặng nuốt những làn khói mỏng và đục như vẩn mây vào tận trong phổi. Lồng ngực bỗng ran lên một hơi ấm rất nhẹ và êm, tưởng chừng những câu thơ đó đã biến thành máu chạy loang vào cơ thể. Những nỗi buồn ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta, không hẹn hò, như một người tình nhân đến tình cờ vào một ngày trời mưa, rất mưa. Những buổi sáng sau một đêm mưa bao giờ cũng dịu dàng như lụa, mỏng manh như mối tình đầu và tinh khiết như những giọt sương còn đọng trên đọt lá non. Trận mưa đêm hôm trước, e ấp như một cô trinh nữ tắm dưới trăng, đã mang đi bao nhiêu hạt bụi của nhân gian, ướp lạnh cả thành phố còn say ngủ. Khi tia nắng trong suốt như pha lê bắt đầu len vào kẽ hở, đánh thức những kẻ còn đang đắm chìm trong giấc mơ quá đẹp, buổi sáng bỗng trở nên tươi mát hơn. Ở thành phố bây giờ vắng hẳn tiếng chim líu lo buổi sáng, nhưng ai cấm đâu một con chim lạc đàn đang chiêm chiếp trên mái ngói đỏ tươi, không biết là tiếng kêu thương hay lời mời gọi.. Chúng ta bỗng thấy buồn. Nỗi buồn rất vô cớ như có sẵn trong chúng ta, trong khí trời dịu mát, trên đầu ngọn lá non, trên nụ cười của đứa trẻ muốn thức giấc nhưng hơi lạnh còn giữ lại trong giấc mơ. Người chúng ta bỗng nhẹ vơi đi, hơi lâng lâng say, muốn nhắp thêm một chút rượu rất nồng để đi sâu vào cái mênh mông trước mặt. Chúng ta có còn nhớ gì đâu, cơn giận dữ với người bạn thân ngày hôm trước, những ganh ghét nhỏ nhoi của đời sống hàng ngày, nỗi lo âu đọng thành nước trên mắt người vợ hiền đều tan biến đi. Thế giới trở thành mộng ảo. Người ta cảm thấy mọi vật đều đáng yêu và người ta bỗng dưng cảm thấy nỗi buồn. Một buổi chiều nào ngồi đọc lại những trang tùy bút của Nguyễn Tuân, tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn rất lạ.

III.

      Tôi nằm một mình trên gác, ngó ra những cành anh đào đầy lá non. Cả căn nhà rộng rất yên lặng, người lớn đều đến sở làm và trẻ con, đứa nhỏ nhất cũng đến trường học từ sáng sớm. Quần áo vất vương vãi trên giường, treo xô lệch trên thành ghế dựa. Tôi thấy căn phòng như lạ hẳn, không phải là nơi tôi đã ở mười năm qua. Tôi như từ đâu lạc đến. Trời trong và mát, gió nhẹ lùa làm lay động tấm màn cửa. Những ánh nắng nhẹ quá chỉ đủ làm sợi vải trong hơn, mầu vàng như tơ nõn. Tôi nhớ đến những guồng tơ của một ngày thơ ấu, chạy loạn qua một xứ tầm tơ. Những cái kén vàng óng ả, sợi mỏng như những sợi tóc mây, tôi ngồi nghe tiếng quay tơ êm ả như buổi chiều và hương thơm của những sợi tơ mới kéo như hương thơm của một mùa dĩ vãng. Ấy là lúc người thi sĩ làm thơ. Những câu thơ của người thi sĩ họ Lưu bay đầy trong phòng, êm nhẹ và dịu dàng biết bao, như thấm vào hồn những hương vô tận, những khói sầu khôn nguôi. Năm năm tiếng lụa xe đều, những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây. Năm năm ấy hay năm ngàn năm ấy, có phải chỉ có tiếng lụa xe đều trên một guồng tơ cũ hay cái không gian và thời gian muôn thuở của thơ được dệt lên bởi những tấm lòng tri kỷ. Đọc để hiểu và cảm được nỗi lòng của người thi sĩ quả đã là một người tri kỷ. Nhưng hỡi ơi, thời này mấy ai muốn làm tri kỷ của những nhà thơ không quen biết.

      Người bạn tôi đã từng nói : cớ sao có những câu thơ người ta đọc được suốt đời và mãi mãi. Có câu thơ chỉ là một hương pháo nổ mỗi mùa lễ tết. Hương thơ kia chỉ có được khi nó không còn nằm trong cái thân xác thơ, không nằm trong những chữ này chữ nọ, thời trước thời sau, nó bay lên và vượt vào không gian vô tận. Người đời nay, người ngàn đời sau một giây phút nào đó, khi thời gian ngưng lại, bắt được cái làn sóng cảm xúc kia, những âm ba êm đềm, sao lại không ngậm ngùi đôi chút, lặng lẽ thả hồn mình vào một nỗi sầu chung.

      Để hiểu một bài thơ trước tiên phải là thi sĩ. Ôi cái lập luận đanh thép đó vô duyên và trơ trẽn làm sao. Người ta không phải cứ làm thơ là trở thành thi sĩ. Có người suốt đời không làm một câu thơ nào cũng có thể là thi sĩ biết bao. Phải chọn giữa một người làm thơ không có tâm hồn thi sĩ và một thi sĩ nhưng không bao giờ làm thơ, tôi xin gửi tới những người không làm thơ bao giờ đoá hoa hồng của một mùa đẹp nhất.

IV.

      Đêm dịu dàng và yên lặng. Mưa rất nhẹ ở ngoài trời. Tôi nằm trong bóng tối trong suốt như tan vào một khối mênh mông. Ly cà phê quá đặc buổi chiều làm tôi không ngủ được. Tôi cứ nằm im như thế, lắng nghe tiếng nói của đêm thâu. Đêm đẹp xiết bao. Đêm là bình minh của tâm hồn. Nỗi lo âu về sinh kế, công việc thường ngày bỗng tan đi. Đêm là phần riêng của suy tưởng, là ánh sáng soi tỏ chỗ tận cùng của con người. Những đứa con tôi đã ngủ từ lâu, giấc ngủ êm ả của trẻ thơ. Vợ tôi sau một ngày mệt nhọc, sự mệt nhọc làm mờ nhạt những giấc mộng thiên đường thuở nhỏ, cũng không trằn trọc như mọi ngày. Đêm mát rợi. Tôi lắng tai nghe. Một điệu nhạc từ đâu, từ xa lắm vọng tới. Tôi nghe tiếng hát vang lên, lớn dần, lớn dần rồi như bay lượn ở quanh tôi. Cớ sao tiếng hát nghe quen đến thế, tiếng hát vang vọng trong tôi như một lời mời gọi. Tôi thấy lại những ngày qua. Ngày ấy tôi còn trẻ lắm và Lan mới chỉ là một cô học trò mười sáu tuổi. Đừng ai hỏi tại sao chúng tôi yêu nhau, không ai yêu nhau mà trả lời được câu hỏi ngây ngô ấy. Tôi đưa nàng đi học mỗi sớm mai, những ngày tựu trường bắt đầu vào mùa mưa tháng chín và trên đường đi xanh mướt những lá cây. Tôi đón nàng mỗi buổi trưa, tìm con đường xa nhất để về nhà và mong con đường không bao giờ hết. Chúng tôi ngồi suốt buổi chiều trong quán nước, nói những câu chuyện vu vơ và nghe những tiếng hát êm đềm. Đêm nay tôi nghe lại những lời tình ca ấy. Phải rồi, những lời ca mong manh đó đã mang cả dĩ vãng trong tôi, làm rung đến sợi tơ cuối cùng trong trí nhớ. Tôi chợt hiểu rằng người ta không nghe một tiếng hát mà người ta nghe lại cả một quá khứ chập chùng. Buổi chiều hôm nay chúng tôi đã không vui vẻ với nhau, như tất cả buổi chiều khác của những năm tháng gần đây. Những nỗi khó khăn và nhục nhằn của đời sống, tôi tưởng như một cái gông bám chặt trên vai, làm tôi giận lây đến những người thân thiết. Tôi đã làm chẩy bao nhiêu nước mắt của vợ con vì những cơn tức giận, tưởng như những giọt nước mắt ấy còn nhiều hơn cả những giọt mồ hôi tôi phải đổ ra suốt cuộc đời còn lại. Những câu hỏi dằn vặt tôi thường ngày : cớ sao mọi người đều cam sống một đời khổ sở và người ta, giầu hay nghèo, sang hay hèn chăng nữa, sống để chờ đợi một cái gì, tôi bỗng thấy chỉ là một câu hỏi không cần phải trả lời. Những thực phẩm vật chất chỉ nuôi sống một thân xác thô sơ kia hẳn không phải là ý nghĩa đích thực của đời sống, chúng có thể duy trì những cơ thể không sai một đường nét tinh vi. Đời sống đối với tôi đêm nay có xa xôi gì đâu, nó chỉ là tiếng hát cho một tâm hồn yên lặng. Tôi thấy yêu thương bao nhiêu người vợ mà tôi đã đôi lần muốn xa cách, những đứa con mà có khi tôi chỉ cảm thấy trách nhiệm nặng nề và sợ hãi. Hãy sống ngày hôm nay như một ngày đã trong dĩ vãng, đời sống sẽ trở thành hương thơm của những đoá hoa đầu mùa. Tôi nhẹ nắm tay Lan. Ngày mai tôi sẽ đưa nàng đi qua con đường chúng tôi đã bao lần qua lại, con đường có hương thơm của những đoá ngọc lan. Tôi nhắm mắt âm thầm không hay mình đã khóc. 

Đã đăng trong Tập San Văn Chuơng, số Mái Đông

Tháng 12, 1973.

NGUYỄN TƯỜNG GIANG