Tuesday, December 8, 2020

1866. EDITH WHARTON Truyện ngắn CẢM MẠO



Từ chiếc bàn ăn nơi họ vừa mới dùng bữa trưa, hai người đàn bà Mỹ tuy luống tuổi nhưng thời trung niên khéo được bảo dưỡng bước đi băng qua sân thượng cao ngất của nhà hàng Rome, tựa người vào thành lan can, thoạt tiên nhìn nhau, rồi nhìn xuống toàn cảnh huy hoàng của đồi Palatine và Quảng Trường La Mã, với cùng một vẻ mặt mơ hồ mà khoan hòa tự tại.

Khi họ đứng tựa thành lan can một giọng nói thiếu nữ nhí nhảnh vọng lên từ bậc cấp dẫn xuống khoảng sân phía dưới. “Ê nhỏ ơi, đi cùng ta,” không phải gọi họ mà với người đồng hành khiếm diện, “và hãy để mấy nường với chuyện đan đát của họ,” và một thanh âm cũng trẻ trung khúc khích trả lời: “Gượm hẵng, Babs, không hẳn là đan đát—” “Nói bóng gió ấy mà,” giọng nói đầu tiên tiếp lời. “Rốt cuộc, tụi mình có còn chừa cho các bà mẹ tội nghiệp chuyện gì khác để làm nữa đâu…” Ngay lúc ấy khúc quành của cầu thang đã nhấn chìm cuộc đối thoại.

Hai người đàn bà lại nhìn nhau, lần này với một thoáng ngượng ngùng rỡ ràng, và người vóc dáng nhỏ nhắn và nước da nhạt màu hơn lắc đầu và hơi đỏ mặt.

“Barbara!” bà thì thầm, gửi tiếng quở trách không lời đáp lại giọng nói bỡn cợt nơi cầu thang.

Người đàn bà kia, vóc dáng đầy đặn và nước da thẫm màu hơn, với chiếc mũi cương nghị tiệp với đôi mắt đen láy đầy nghị lực, cười rộ. “Thế đấy, mấy tiểu thư của chúng mình nghĩ về chúng mình thế đấy.”

Người bạn đồng hành của bà trả lời bằng một cử chỉ nhún nhường. “Chẳng riêng gì về mỗi chúng mình đâu. Hãy nhớ điều đó. Chỉ là ý niệm hiện đại tổng quát về các bà mẹ. Và bà thấy không—” Hầu như cả thẹn bà lôi từ chiếc giỏ xách màu đen dựng đứng một cách thanh tú một cuộn chỉ tơ màu đỏ thẫm có ghim hai chiếc kim đan thanh mảnh. “Ai mà ngờ đâu,” bà thì thầm. “Thời thế này quả đã cho ta khối lúc nhàn rỗi; và đôi khi mình phát ngán nội chỉ ngắm—ngay cả như vầy.” Cử chỉ của bà giờ đây nhắm vào cảnh tượng tráng lệ dưới chân họ.

Người đàn bà có làn da thẫm màu lại bật cười khanh khách, và cả hai chìm đắm vào cảnh tượng, ngắm nhìn nó trong tĩnh lặng, với một vẻ thanh thản lan tỏa như thể được mượn từ cảnh sắc xán lạn mùa xuân của bầu trời Rome. Giờ ăn trưa đã vãn lâu rồi, và hai người có riêng cả một khoảng cuối xa nhất của sân thượng thênh thang. Xa ngút mé bên kia vài nhóm người, còn lần khân ngắm nhìn cảnh thành phố trải rộng, đang thu thập những cuốn cẩm nang du lịch và lục tìm những manh mối hướng dẫn. Nhóm cuối cùng đã tản mát, và hai người đàn bà một mình một cõi trên tầng cao thoáng đãng.

“Này, không lý gì mà không ở lại đây,” bà Slade nói, người đàn bà có làn da thẫm và chân mày cương nghị. Hai chiếc ghế bỏ trống nằm gần đấy, và bà dồn chúng vào góc thành lan can, và ngồi vào một chiếc, hướng ánh nhìn về phía đồi Palatine. “Rốt cuộc, nơi này vẫn là cảnh đẹp nhất trần gian.”

“Sẽ mãi mãi là thế, đối với mình,” bà bạn Ansley tán thành, với nốt nhấn rất nhẹ ở chữ “mình” đến nỗi bà Slate, mặc dầu nhận thức điều đó, ngẫm nghĩ liệu đấy chẳng phải chỉ là vô tình, như những vạch kẻ ngẫu nhiên dưới hàng chữ của những người cổ hủ viết thư.

“Grace Ansley hồi nào giờ vẫn cổ hủ,” bà nghĩ thầm; và tiếp lời, với nụ cười hồi tưởng: “Cảnh mà hai chúng mình đã quen thuộc trong bao nhiêu năm. Hồi đó lần đầu gặp nhau ở đây tụi mình còn trẻ hơn mấy cô con gái của tụi mình bây giờ. Bà nhớ chứ!”

“Ồ, vâng, mình nhớ chứ,” bà Ansley thì thầm, với cùng một tiếng nhấn vô định—”Kìa người phổ ky đang thắc mắc,” bà nói chêm vào. Bà hiển nhiên kém tự tin vào vị thế của mình so với người bạn đồng hành.

“Để tôi chữa cho cậu ta khỏi phải thắc mắc,” bà Slade nói, với tay về phía chiếc giỏ xách sang trọng một cách kín đáo giống như chiếc giỏ của bà Ansley. Ra dấu cho người phổ ky, bà giải thích rằng bà và bạn bà là cố nhân của thành Rome, và ngỏ ý muốn nán lại trong buổi chiều muộn để ngắm cảnh—ý là, nếu như điều đó không cản trở dịch vụ nhà hàng! Người phổ ky, cúi đầu nhận món tiền thưởng, cam đoan với bà rằng các vị nữ khách được ưu tiên chào đón, và tuyệt hơn nữa nếu như họ hạ cố lưu lại dùng bữa tối. Đêm trăng rằm, họ sẽ nhớ mãi…

Đôi chân mày đen lánh của bà Slade nhíu lại, như thể sự nhắc nhở về trăng là không hợp tình hợp lý vào lúc này và thậm chí không được tán thưởng. Dẫu sao bà mỉm cười, đôi mày thư giãn lúc người phổ ky lui bước. “Ừ nhỉ, sao lại không! Đâu đến nỗi tệ. Chả biết, tôi đồ chừng, bao giờ mấy tiểu thư mới trở về. Mà bà có biết bọn chúng trở về từ nơi nào không? Tôi thì chịu thôi!”

Bà Ansley lại hơi đỏ mặt. “Mình nghĩ là mấy cậu phi công trẻ người Ý mà chúng ta gặp ở tòa Đại Sứ đã mời chúng nó bay sang Tarquinia để thưởng trà. Áng chừng họ thích nấn ná để bay về dưới ánh trăng.”

“Ánh trăng—ánh trăng! Sao mà nó vẫn can dự. Bộ bà tưởng tụi nó cũng đa cảm giống như chúng mình hồi đó?”

“Mình vẫn tin chắc rằng mình chẳng mảy may hiểu biết gì về tụi nó,” bà Ansley nói. “Và có lẽ chúng mình cũng đã không hiểu biết gì hơn về nhau.”

“Không, có lẽ thế.”

Người bạn bẽn lẽn liếc nhìn bà. “Mình vẫn ngỡ bà chẳng bao giờ đa cảm, Alida.”

“Có lẽ tôi thì không.” Bà Slade mắt lim dim hoài niệm; và trong chốc lát hai người đàn bà, thân thiết từ thuở nhỏ, ngẫm nghĩ sao mà họ quá hời hợt về nhau. Mỗi người, dĩ nhiên, luôn thủ sẵn một nhãn hiệu để dán lên danh xưng của người kia; bà Delphin Slade, tỷ như, vẫn nhủ thầm, hoặc sẽ bảo ai đó khi được hỏi, rằng bà Horace Ansley, hai mươi lăm năm về trước, đã từng mỏng mày hay hạt—không, bạn sẽ chẳng tin đâu nhỉ! mặc dầu, dĩ nhiên, vẫn duyên dáng, đài các…. Thì thế, thời thiếu nữ bà ấy thanh tú; xinh đẹp bội phần cô con gái của bà, Barbara, mặc dầu chắc chắn rằng Babs, theo tiêu chuẩn đời mới, thực tiễn hơn—sắc sảo hơn, như họ thường nói. Nực cười thay, không biết cô con gái tiếp thụ từ đâu, khi mà bố mẹ thảy đều vô tích sự. Vâng, Horace Ansley là—chỉ rập khuôn bà vợ. Những phẩm vật bảo tàng của thành phố New York cổ xưa. Bảnh bao, hoàn hảo, mẫu mực. Bà Slade và bà Ansley ở đối diện nhau—trong hiện thực cũng như biểu tượng—trong nhiều năm. Khi những tấm màn cửa phòng khách ở số 20 Đường Bẩy Mươi Ba được thay mới, nhà số 23, bên kia đường, luôn để ý đến, và cả những xê dịch, mua sắm, du lịch, lễ lạc, bệnh tật—những tập quán hàng năm của đôi vợ chồng bề thế. Không mấy thứ vuột khỏi sự nhòm ngó của bà Slade. Nhưng rồi dần dà bà đã chán ngấy với những thứ đó khi chồng bà gặp thời trên thương trường Wall Street, và khi tậu được cơ ngơi ở phía Bắc đại lộ Park họ đã bắt đầu nghĩ: “Tôi thà ở đối diện bọn gian thương buôn rượu lậu thử xem sao; chí ít cũng có dịp nhìn thấy cảnh họ bị tảo thanh.” Ý tưởng được thấy Grace bị ruồng bố thật thú vị đến nỗi (trước khi dọn nhà) bà đã rêu rao tại một bữa ăn trưa dành cho các vị khách nữ lưu. Tin động trời, và được loan tải cùng khắp—đôi khi bà tự hỏi không biết tin đồn đã băng qua đường, và có đến tai bà Ansley chưa. Bà không mong, nhưng chẳng mấy bận lòng. Thời buổi đó khi mà sĩ diện giảm giá, và nếu có bêu giễu người hoàn hảo chút đỉnh cũng không hề hấn gì.

Mấy năm sau đó, và cách nhau vỏn vẹn vài tháng, hai người đàn bà lần lượt mất chồng. Họ vấn an qua lại bằng những vòng hoa và phúng điếu, và sự hâm nóng ngắn ngủi mối giao hảo trong cái bóng u minh của tang chế; và giờ đây, sau một khoảng thời gian nữa, họ lại tình cờ gặp nhau ở Rome, tại cùng một khách sạn, mỗi bà là người tháp tùng khiêm tốn cho tiểu thư ưu tú của họ. Sự tương tự của cảnh ngộ khiến họ lại cảm thấy gần gũi nhau, tùy nghi cười đùa, và đồng tình tự thú rằng, nếu trước kia họ từng mệt nhoài ganh đua “giữ thể diện” với mấy tiểu thư, bây giờ thỉnh thoảng không làm như vậy nữa thì khá tẻ nhạt.

Hiển nhiên, bà Slade hồi tưởng, bà nhạy cảm với sự vô công rỗi nghề của mình hơn Grace đáng thương chưa từng trải qua. Ấy là sự giáng chức từ địa vị phu nhân của Delphin Slade xuống thành quả phụ. Bà luôn tự cho mình (với một niềm hãnh diện hôn nhân nào đó) ngang hàng với chồng trong mọi lễ nghi xã hội, khi kề vai sát cánh là đôi vợ chồng kiệt xuất như họ đã từng: thế nhưng sự khác biệt sau cái chết của chồng thì chẳng thể nào đền bù. Với cương vị là vợ của một luật sư công ty danh tiếng, lúc nào cũng bận bịu vài vụ kiện tụng quốc tế, mỗi ngày đều mang đến những nhiệm vụ thú vị bất ngờ: sự thù tiếp đột xuất những bạn đồng nghiệp đến từ ngoại quốc, những chuyến công du vội vã đến Luân Đôn, Ba Lê hay Rome, những nơi họ được đáp lễ một cách hậu hĩ; sự vui nhộn khi nghe thiên hạ kháo nhau trong buổi lễ hội: “Sao, người đàn bà duyên dáng với trang phục thanh lịch và tinh tế là bà Slade đấy ư—phu nhân ông Slade! Thật thế à! Thường thì các mệnh phụ phu nhân ăn vận rất đỗi xuềnh xoàng.”

Quả thế, đóng vai bà quả phụ Slade thật buồn tẻ thời gian sau đó. Khi đảm nhiệm chức vị làm vợ bà đã cống hiến trọn vẹn tài năng của mình; bây giờ bà chỉ còn có mỗi mụn con gái để chu toàn bổn phận, bởi cậu con trai, người dường như thừa hưởng những tinh túy của cha, đã thình lình mệnh yểu. Bà chống chọi được với nỗi ưu phiền đó bởi vì chồng bà đã ở bên cạnh, nương tựa nhau mà sống; giờ đây, sau cái chết của người cha, sự hoài niệm về đứa con trai trở thành nỗi thống khổ khôn kham. Chẳng còn gì cho bà ngoài việc chăm nom cô con gái; và Jenny cưng là cô con gái hoàn hảo chẳng cần tới sự chăm nom kỹ lưỡng. “Giờ thì với Babs Ansley tôi chả biết có nên ngậm miệng không đây,” bà Slade thỉnh thoảng ngẫm nghĩ nửa như ganh tị; nhưng Jenny, trẻ hơn cô bạn thông minh của nó, là vận may hiếm hoi, một cô gái kiều diễm mà với một cách thức nào đó khiến cho tuổi thanh xuân và nhan sắc đều ổn thỏa cũng tựa như chúng vắng mặt. Hết thảy đều khó hiểu—và hơi nhàm chán đối với Bà Slade. Bà ước gì Jenny phải lòng ai đó—dẫu cho với người đàn ông không xứng hợp; để rồi lẽ ra nó phải được canh chừng, tương kế tựu kế, giải cứu. Oái oăm thay, chính Jenny lại là người săn sóc mẹ, giúp bà kiêng gió máy, kiểm xem bà đã uống thuốc bổ…

Bà Ansley kém hoạt bát nhiều so với bạn bà, và bức chân dung trong tâm thức của bà về bà Slade mờ nhạt hơn, và phác họa sơ sài. “Alida Slade thật mẫn tiệp; nhưng không mẫn tiệp như bà ấy tưởng,” tựu trung là thế; mặc dù bà cũng nói thêm vào, để người ngoại cuộc hiểu tường tận hơn, rằng bà Slade đã từng là một thiếu nữ hấp dẫn; vượt hẳn cả cô con gái của bà, là người nhan sắc đã đành, đương nhiên, và có phần khôn ngoan, nhưng không mảy may có từ mẹ cá tính—à, “tràn đầy nhựa sống,” ai đó đã một lần gọi. Bà Ansley thâu nhặt những chữ đời mới như vậy, và viện dẫn chúng trong dấu ngoặc kép, như những ngôn từ táo bạo chưa từng nghe qua. Không, Jenny không giống mẹ. Đôi khi bà Ansley nghĩ Alida Slade thất vọng; đại khái thì bà sống một cuộc đời buồn. Toàn những thất bại và lầm lỡ; Bà Ansley vẫn thường hơi ái ngại cho bà…

Hai người đàn bà hình dung về nhau như thế, mỗi người nhìn ngược vào chiếc viễn vọng kính nhỏ bé của họ.

II.
Họ vẫn yên lặng ngồi cạnh nhau một hồi lâu. Hầu như họ cảm thấy nhẹ người khi buông bỏ mọi thứ vặt vãnh trước cảnh Memento Mori thênh thang đối diện. Bà Slade ngồi im lìm, mắt đăm đăm nhìn triền dốc vàng ánh của Cung điện Caesars, và sau một lát bà Ansley ngừng loay hoay với chiếc giỏ xách, và bà cũng thả hồn trầm tư. Như nhiều bạn tri kỷ, hai người đàn bà chưa từng bao giờ cùng yên lặng bên nhau, và bà Ansley hơi ngượng ngùng bởi cái có vẻ, sau bao năm tháng, một giai đoạn mới trong tình thân của họ, và là cái mà bà chưa biết ứng xử sao cho phải phép.

Bỗng nhiên bầu không trung vang rền tiếng chuông huyên náo, vào đúng hạn kỳ che phủ thành Rome với mái vòm ngân nhũ. Bà Slade liếc nhìn đồng hồ tay. “Đã năm giờ rồi,” bà nói, cơ hồ ngạc nhiên.

Bà Ansley hỏi dò: “Ở đằng Đại Sứ Quán có họp sòng bài vào lúc năm giờ.” Trong một hồi lâu bà Slade không trả lời. Bà dường như đang đắm mình trong trầm mặc, và bà Ansley tưởng là câu nói đã trượt khỏi tai bà. Nhưng một lát sau bà nói, tựa hồ như trong giấc mơ: “Họp sòng bài, có phải bà vừa nói! Trừ phi bà muốn… Nhưng tôi nghĩ tôi thì không, bà biết đấy.”

“Ồ, không,” bà Ansley vội trấn an. “Mình chẳng màng chi. Ở đây thật tuyệt vời; và chan chứa những kỷ niệm cũ, như bà bảo.” Bà ngồi lọt thỏm trong lòng ghế, và gần như lơ đãng tiếp tục đan. Bà Slade liếc nhìn động tác nọ, nhưng đôi bàn tay mỹ miều khéo trau chuốt của bà vẫn nằm bất động trên đầu gối.

“Tôi thiết nghĩ,” bà nói chậm rãi, “những thứ khác biệt mà Rome biểu hiện cho mỗi thế hệ du khách. Đối với các cụ kỵ của chúng ta, bệnh cảm hàn thành Rome; với mẹ chúng ta, mối nguy cơ tình cảm—chúng mình thường bị canh chừng biết bao!—với con gái chúng ta, không có gì nguy hiểm hơn là ở giữa đường Main. Chúng nó không biết điều đó—tiếc thay!”

Ánh vàng chiều tà bắt đầu mờ nhạt, và bà Ansley nâng mớ đồ đan lên gần mắt. “Vâng, tụi mình đã bị canh chừng biết bao.”

“Tôi cứ thường nghĩ rằng,” Bà Slade nói tiếp, “các cụ thân sinh của chúng mình nhọc công hơn các cụ cố. Khi nạn dịch thương hàn rình rập ngoài đường phố thì có lẽ khá dễ dàng triệu hồi lũ con gái vào thời khắc nguy hiểm; nhưng khi bà và tôi còn trẻ, với cảnh đẹp như thế này gọi mời, và hấp lực của sự không tuân phục làm gia vị, và nếu rủi ro bất quá chỉ bị ngộ cảm khí hàn sau hoàng hôn, các cụ cứ viện cớ để cấm cung tụi mình—phải không nào!”

Một lần nữa bà ngoảnh lại về phía bà Ansley, nhưng bà ấy vừa chạm mũi đan tinh xảo. “Một, hai, ba—trượt hai; vâng, họ như thế đó,” bà đồng ý, không ngẩng nhìn.

Mắt bà Slate chú mục vào bà. “Bà ấy điềm nhiên ngồi đan—trước cảnh tượng như vầy! Cơ khổ….”

Bà Slate ngả người, mơ màng, đảo mắt nhìn từ cảnh hoang tàn đối diện qua dải trũng xanh um của Quảng Trường, ánh sáng mờ nhạt ở mặt tiền của ngôi thánh đường phía bên trên, và vẻ nguy nga phía xa của Đấu Giác Trường. Bỗng nhiên bà nghĩ: “Cũng phải thôi khi cho rằng mấy đứa con gái chẳng thiết gì ánh trăng và tình cảm ủy mị. Nhưng nếu Babs Ansley không mồi chài được cậu phi công trẻ đó—người dòng dõi hầu tước Marchese—thì tôi là kẻ ngu muội. Và Jenny hòng chi cơ may. Tôi cũng biết điều đó chứ. Tôi tự hỏi có phải đó chính là lý do Grace Ansley muốn cho hai đứa đi đâu cũng cặp kè nhau! Con bé Jenny đáng thương của tôi làm trái độn—!” Bà Slade bật cười hầu như không thành tiếng, và khi vừa nhác nghe bà Ansley ngừng tay đan.

“Sao cơ—?”

“Tôi—ồ, có gì đâu. Tôi chỉ nghĩ sao mà con bé Babs của bà khéo vượt qua mọi chướng ngại. Cậu trai Campolieri đang sáng giá nhất thành Rome đấy. Đừng có giả ngây giả dại, bà ơi—bà thừa biết đấy. Và tôi cứ lấy làm lạ, bao giờ cũng rất đỗi nể nang, bà hiểu chứ… sao hai người cá tính mẫu mực như bà và Horace lại có được hậu duệ linh hoạt như thế.” Bà Slade lại cười khúc khích, giọng thoáng gay gắt.

Đôi bàn tay bà Ansley nằm im lìm trên mớ đồ đan. Bà dõi mắt nhìn phế tích hùng vĩ của thống khổ và ân sủng tích tụ dưới chân mình, Nhưng dáng ngồi nghiêng nghiêng của bà hầu như không biểu lộ một cảm xúc nào. Một hồi lâu sau bà nói, “Mình nghĩ bà quá khen Babs đấy, bà ạ.”

Giọng nói của bà Slade dịu xuống. “Không; không phải thế. Tôi quý cô ấy. Và có lẽ tôi ganh tị với bà. Ồ, con gái tôi toàn hảo; giả thử như tôi là người bất toại tôi—à, tôi nghĩ tôi thà được Jenny săn sóc thì hơn. Thế nào mà chẳng có lúc… nhưng này! Tôi lúc nào cũng mong mỏi có đứa con gái thông minh… mà chả hiểu sao tôi lại được một thiên thần.”

Bà Ansley cười phụ họa với giọng thì thầm. “Babs cũng là thiên thần vậy.”

“Dĩ nhiên rồi—! Nhưng cô ấy có đôi cánh ngũ sắc. Đấy, chúng nó đang dạo chơi bên bờ biển với mấy chàng trai trẻ; và tụi mình thì ngồi đây… và hết thảy khơi gợi về quá khứ quá ư là sâu đậm.

Bà Ansley lại tiếp tục đan. Ai có thể tưởng tượng (nếu không biết nhiều về bà, bà Slade nghĩ ngợi) rằng, cũng đối với bà, có quá nhiều kỷ niệm dấy lên từ những bóng tối trải dài của vùng hoang phế lừng lẫy. Nhưng không, bà ấy chỉ mải mài miệt với công việc. Có còn gì cho bà ấy phải lo toan! Bà ấy biết Babs hầu chắc rồi sẽ trở về hứa hôn với chàng Campolieri hào hoa phong nhã. “Bà ấy sẽ bán căn nhà ở New York, và dọn qua sống gần họ ở Rome, và sẽ không bao giờ chen vào cuộc sống riêng tư của con cái… bà ấy quá ý tứ. Nhưng bà ấy sẽ có người đầu bếp giỏi giang, và chiêu đãi đám khách tuyển đến chơi bài và thù tạc… và tuổi già an vui quây quần giữa bầy cháu.”

Bà Slade bừng tỉnh khỏi cơn mộng du với tự giác hổ thẹn. Chẳng có ai khác ngoài Grace Ansley khiến cho bà có quyền xem thường. Đến bao giờ bà mới tự chữa dứt tật đố kỵ! Không chừng bà đã bắt đầu từ lâu lắm rồi.

Bà đứng dậy và tựa người vào thành lan can, khỏa lấp đôi mắt bồn chồn với cái huyền diệu vỗ về của thời khắc. Nhưng thay vì xoa dịu, cảnh tượng dường như làm bà cảm thấy thêm bực bội. Ánh mắt bà hướng về Đấu Giác Trường. Phía bên hông màu vàng của nó đã chìm vào bóng tối tím sẫm, và trên cao bầu trời cong trong vắt như pha lê, không ánh sáng hay sắc màu. Đấy là thời khắc giao hòa khi chiều và hoàng hôn lơ lửng giữa thinh không.

Bà Slade quay lại và đặt bàn tay lên cánh tay bạn. Cử chỉ thật đột ngột khiến Bà Ansley ngước nhìn, kinh ngạc.

“Mặt trời đang lặn. Bà không hãi ư?

“Hãi—?”

“Bởi ngộ cảm hay viêm phổi! Tôi nhớ bà bệnh quá chừng mùa đông năm ấy. Hồi trẻ cổ họng bà yếu lắm, có phải vậy không nào?”

“Ồ, chúng mình đang yên ổn ở trên này. Ở dưới kia, chỗ Quảng Trường, quả là lạnh thấu xương, bất thình lình… nhưng nơi đây thì không sao.”

“A ha, mặc nhiên bà biết bởi vì bà phải rất cẩn thận.” Bà Slade quay lại phía thành lan can. Bà nghĩ thầm: “Mình phải cầm lòng thêm lần nữa đừng ghét bỏ bà ấy.” Bà nói to: “Cứ mỗi lần nhìn thấy cảnh Quảng Trường từ trên cao như vầy, tôi lại nhớ chuyện bà-dì của bà, có phải không? Một bà-dì cực kỳ tinh quái?”

“Ồ, vâng; Bà-dì Harriet. Người mà nghe đồn đã sai cô em gái ra Quảng Trường sau hoàng hôn để hái hoa nở về đêm cho sưu tập của bà. Hết thảy các bà-dì hay các bà nội ngoại của chúng mình đều lưu giữ những sưu tập hoa khô.”

Bà Slade gật đầu. “Nhưng thực tình bà ấy sai cô em gái bởi vì họ đã yêu cùng một người đàn ông—”

“Thì thế, truyền thống của gia đình. Nghe nói sau này Bà dì Harriet thú tội. Dẫu sao, người em gái đáng thương đã nhiễm phong hàn rồi mất. Mẹ hay kể chuyện để răn đe khi chúng mình còn bé.”

“Và bà đã khiến tôi kinh hãi, mùa đông đó khi bà và tôi còn là thiếu nữ. Mùa đông khi tôi hứa hôn với Delphin.”

Bà Ansley cười khẽ. “Ồ, vậy sao! Có thật là mình đã khiến bà kinh hãi? Mình không tin là bà dễ bị kinh hãi.”

“Thường thì không; nhưng hồi đó thì có đấy. Tôi dễ bị hoảng kinh bởi vì tôi đã quá hạnh phúc. Tôi không chắc bà hiểu ý tôi muốn nói?”

“Mình—vâng…” Bà Ansley ấp úng.

“Đấy, tôi tưởng bởi thế mà câu chuyện bà dì tinh quái của bà cứ ám ảnh tôi mãi. Rồi tôi nghĩ: ‘Nạn dịch phong hàn không còn nữa, nhưng Quảng Trường thì lạnh lẽo khủng khiếp sau khi mặt trời lặn—nhất là sau một ngày nóng bức. Và Đấu Giác Trường thì lại còn lạnh và ẩm hơn nữa kia.'”

“Đấu Giác Trường—?”

“Vâng. Đâu có dễ gì để vào bên trong, sau khi cổng đã khóa ban đêm. Thật là nhiêu khê. Ấy vậy mà, ngày đó người ta vẫn liệu cách xoay sở. Tình nhân hẹn hò nhau ở đó khi họ không thể gặp gỡ nhau nơi nào khác, Bà biết chứ?”

“Mình—Mình không dám chắc. Mình không nhớ.”

“Bà không nhớ ư? Bà không nhớ lần ngoạn cảnh phế tích hay nơi nào khác vào buổi chiều hôm, ngay sau khi trời tối, và bị ngộ cảm! Bà viện cớ ra ngắm trăng mọc. Người ta vẫn bảo rằng lần ngao du đó đã khiến bà ngã bệnh.”

Có một khoảnh khắc tĩnh lặng; rồi Bà Ansley tiếp lời: “Thế à? Đã lâu lắm rồi còn gì.”

“Thế đấy. Và rồi bà hồi phục—thì có sao đâu. Nhưng giả thử nó đã làm chấn động các bạn bè của bà—cái nguyên do khiến bà nhuốm bệnh. Ý tôi muốn nói—bởi vì ai cũng biết là bà rất thận trọng về cổ họng, và mẹ bà chăm sóc bà quá đỗi chu đáo…. Bà đã ra ngoài ngoạn cảnh muộn, phải không nào, tối hôm ấy?”

“Có lẽ thế. Cô gái ngoan nhất không phải lúc nào cũng thận trọng. Mà cớ sao bây giờ bà lại nghĩ tới chuyện đó?”

Bà Slade có vẻ như không sẵn sàng có câu trả lời. Nhưng sau một lát bà thốt lên: “Bởi vì tôi không thể chịu đựng nổi nữa—”

Bà Ansley nhanh nhẹn ngước đầu. Đôi mắt bà mở lớn và nhạt màu. “Không thể chịu đựng nổi điều gì cơ?”

“Điều gì ư—cái điều mà bà không hề hay biết rằng tôi vẫn biết tại sao bà ra ngoài.”

“Tại sao mình ra ngoài—?”

“Ừ. Bà tưởng tôi đặt điều, phải không? Ấy, bà đi ra ngoài để gặp người đàn ông mà tôi đã đính hôn—và tôi có thể nhắc lại nguyên văn từng chữ trong lá thư đã đưa bà đến đó.”

Trong lúc bà Slade nói bà Ansley lảo đảo đứng lên. Chiếc xắc tay, mớ đồ đan và găng tay của bà rơi vãi thành một đống hỗn độn trên sàn. Bà nhìn bà Slade tựa hồ như bà đang nhìn thấy ma.

“Không, không—đừng,” bà lắp bắp nói.

“Sao lại không?” Nghe này, nếu bà không tin tôi. ‘Người yêu dấu duy nhất của anh, không thể nào cứ như vầy mãi được. Anh phải gặp riêng em. Hãy đến Đấu Giác Trường ngày mai ngay sau khi trời tối. Sẽ có người mở cửa cho em vào. Không có ai mà em phải ngại sẽ nghi ngờ’—nhưng có lẽ bà đã quên mất những lời thư?”

Bà Ansley chống chọi sự thử thách với điệu bộ bất ngờ. Nép vững vào thành ghế bà nhìn bạn bà, và trả lời: “Không; mình cũng thuộc nằm lòng.”

“Và chữ ký? ‘D.S. của riêng em’ Có phải thế không? Tôi nhớ đúng, phải không? Lá thư đã khiến bà ra ngoài chạng vạng chiều hôm ấy?”

Bà Ansley vẫn nhìn bà. Dường như bà Slade cảm thấy có một sự giằng co đang diễn biến đằng sau cái mặt nạ tự quản của khuôn mặt nhỏ và trầm tĩnh kia. “Nhẽ ra mình đã chẳng nên lường trước được là bà ấy ứng xử khéo như thế,” Bà Slade nghĩ ngợi, hầu như phẫn uất. Nhưng ngay lúc này bà Ansley nói. “Không biết sao mà bà biết được. Mình đã đốt lá thư đó ngay lập tức cơ mà.”

“Vâng; thì vậy, lẽ dĩ nhiên—bà quá tinh khôn!” Giờ thì sự chế nhạo hiển lộ. “Và nếu đã đốt lá thư bà thắc mắc làm thế quái nào mà tôi biết những gì trong đó. Thế đấy, phải không?”

Bà Slade chờ, nhưng bà Ansley đã không lên tiếng.

“Này, bạn yêu quí của tôi ơi, tôi biết những gì trong lá thư đó bởi vì chính tôi viết nó!”

“Bà viết nó?”

“Đúng thế.”

Hai người đàn bà đứng sững trong phút chốc trân trối nhìn nhau trong ánh nắng vàng cuối cùng. Đoạn bà Ansley ngồi phịch xuống lòng ghế. “Ôi,” bà thì thào, và đưa hai bàn tay lên che mặt.

Bà Slade nóng nảy chờ đợi một lời nói hay một cử chỉ. Không một động tĩnh, và mãi một lúc sau bà thốt lên: “Tôi khiếp bà.”

Hai tay bà Ansley buông thõng xuống đầu gối, để lộ khuôn mặt còn đọng ngấn nước mắt. “Mình đã không nghĩ gì tới bà. Mình tưởng—đó là lá thư độc nhất mà mình nhận được từ chàng!”

“Và tôi viết lá thư. Vâng; tôi viết nó! Nhưng tôi là hôn thê của chàng. Bà có nhớ chăng điều đó?”

Đầu bà Ansley lại gục xuống một lần nữa. “Mình không cố gắng tự bào chữa… Mình nhớ chứ…”

“Và thế mà bà vẫn đi?”

“Mình vẫn đi.”

Bà Slade đứng nhìn xuống cái vóc dáng co rúm kề bên. Ngọn lửa phẫn nộ của bà đã lụn tàn, và bà tự hỏi tại sao bà ngỡ đâu sẽ thỏa lòng khi gây tổn thương một cách vô ý thức cho bạn của bà. Nhưng bà buộc phải làm cho ra lẽ.

“Bà hiểu chứ? Tôi biết được—và tôi oán, tôi hận bà. Tôi biết bà say mê Delphin—và tôi lo lắng; tôi ghê sợ bà, sợ cung cách thâm trầm của bà, sự hiền dịu của bà… vậy đó, tôi không muốn bà kỳ đà cản mũi, có thế thôi. Chỉ trong vài tuần lễ, cho đến khi tôi cầm chắc được chàng. Thế nên trong cơn cuồng nộ tôi đã viết bức thư đó… Không hiểu sao bây giờ tôi lại nói với bà điều này.”

“E chừng,” bà Ansley nói chậm rãi, “đó là vì bà vẫn cứ tiếp tục oán hận mình.”


“Biết đâu chừng. Hoặc giả tôi muốn xóa bỏ mọi vướng bận trong tâm trí.” Bà ngừng lại. “Tôi mừng là bà đã thiêu hủy lá thư. Dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng bà có thể bị vong mạng.”

Bà Ansley lại rơi vào yên lặng, và bà Slade, khom người bên trên bà, ý thức được cái cảm giác lạ lùng của sự cô lập, của sự tách lìa khỏi dòng ấm áp giao tiếp của con người. “Bà nghĩ tôi là mụ chằn tinh!”

“Mình không biết… Đó là bức thư độc nhất mà mình nhận được, và bà bảo rằng chàng đã không viết nó.”

“Chao ôi, bà còn vương vấn chàng biết nhường bao!”

“Mình thương cái kỷ niệm ấy,” bà Ansley nói.

Bà Slade tiếp tục nhìn xuống bà. Bà dường như bị thu nhỏ lại bởi cú đánh—như thể, khi bà đứng dậy, gió có thể thổi tung bà như một làn bụi. Nỗi ghen tương của bà Slade chợt bùng lên trước cảnh tượng đó. Bấy lâu nay người đàn bà vẫn hằng ấp ủ lá thư. Bà ấy đã yêu chàng biết bao nhiêu, trân qúy từng mảnh tro tàn của kỷ niệm! Lá thư của người đàn ông mà bạn bà đã đính hôn. Chẳng phải bà ấy mới chính là mụ chằn tinh?

“Bà đã tìm đủ mọi cách để giành giựt chàng ra khỏi vòng tay tôi, phải thế không? Nhưng bà đã thất bại; và tôi giữ được chàng. Chỉ có thế thôi.”

“Vâng. Chỉ có thế thôi.”

“Phải chi tôi đã không kể cho bà. Tôi sẽ chẳng thể nào biết được bà cảm nhận ra sao; tôi ngỡ bà sẽ được mua vui. Chuyện xảy ra quá lâu rồi, như bà bảo; và bà phải công bằng mà nhớ cho rằng tôi không có lý do nào để nghĩ bà sẽ xử sự một cách nghiêm túc. Làm sao tôi có thể biết, khi hai tháng sau bà lấy Horace Ansley làm chồng? Bà vừa khỏi bệnh là mẹ bà vội vã đưa bà đi Florence làm đám cưới. Mọi người hơi ngạc nhiên—họ cảm thấy bất ngờ trước sự dàn xếp quá nhanh chóng; nhưng tôi nghĩ tôi biết. Tôi đinh ninh bà làm vậy cho bõ tức—để có thể tuyên bố rằng bà đã qua mặt Delphin và tôi. Trẻ người non dạ thì thường nại đủ mọi lý lẽ vớ vẩn để thực hiện những việc nghiêm trọng nhất. Và chuyện bà làm đám cưới sớm như thế khiến cho tôi tin chắc là bà đã chẳng tha thiết gì.”


“Vâng, không chừng là thế,” bà Ansley thừa nhận.

Bầu trời trong vắt trên cao đã trút hết ánh vàng. Bóng tối phủ trùm, đột nhiên làm mờ tối những ngọn đồi Seven Hills. Đó đây ánh đèn lấp lánh qua tán lá dưới chân họ. Bước chân qua lại trên sân thượng yên tịnh—những người hầu bàn ngóng nhìn từ ngưỡng cửa về phía đầu cầu thang, rồi xuất hiện với khay và khăn ăn và bình rượu. Những chiếc bàn được xê dịch, những chiếc ghế sắp đặt cho ngay ngắn. Một chùm bóng đèn điện mờ nhạt nhấp nháy. Một người đàn bà đẫy đà trong áo khoác chợt hiện ra, hỏi bằng tiếng Ý giọng bồi rằng có ai trông thấy sợi dây thun buộc cuốn cẩm nang cho du khách tả tơi của bà. Bà thọc gậy dưới gầm bàn nơi bà đã dùng bữa trưa, mấy người hầu bàn phụ giúp bà tìm kiếm.

Nơi góc bà Slade và bà Ansley ngồi vẫn còn đầy bóng tối và vắng vẻ. Suốt hồi lâu không ai nói năng gì. Một lát sau bà Slade lại bắt đầu: “Giả thử tôi làm chuyện đó như một trò đùa—”

“Một trò đùa?”

“Chứ sao nữa, lũ con gái đôi khi đáo để, bà biết đấy. Nhất là thiếu nữ đang yêu. Và tôi nhớ tôi đã cười thầm suốt buổi chiều hôm ấy khi nghĩ rằng bà đang chờ quanh quẩn đâu đó trong bóng tối, lẩn tránh kẻo bị lộ diện, lắng nghe từng tiếng động, loay hoay tìm cách để vào bên trong—dĩ nhiên tôi cảm thấy bực bội khi hay tin bà ngộ cảm nặng sau đó.”

Bà Ansley đã không cử động một hồi lâu. Nhưng giờ đây bà xoay qua người bạn đồng hành. “Nhưng mình đã không phải đợi. Chàng sắp đặt mọi thứ. Chàng đã ở đó. Bọn mình đã được vào ngay lập tức,” bà nói.

Đang tựa người Bà Slade đứng bật dậy. “Delphin ở đó! Họ cho bà vào! A, giờ thì bà nói dối!” bà thốt lên giận dữ.

Giọng nói của Bà Ansley nghe dõng dạc, và đầy ngạc nhiên. “Nhưng đương nhiên là chàng ở đó. Đương nhiên chàng đến—”

“Đến? Làm sao mà chàng biết là chàng sẽ gặp bà ở đó? Bà cứ huyên thuyên!”

Bà Ansley tần ngần, tợ như đang suy ngẫm. “Nhưng mình viết thư hồi âm. Mình nhắn với chàng rằng mình sẽ có mặt. Thế là chàng đến.”

Bà Slade vung hai bàn tay lên ngang mặt. “Trời hỡi—bà hồi âm! Tôi không bao giờ ngờ tới việc bà hồi âm…”

“Bà không ngờ tới mới là lạ đấy, nếu bà viết lá thư.”

“Đúng, tôi đã giận quá hóa dại.”

Bà Ansley chỗi dậy, và khoác lên người tấm khăn quàng bằng lông thú. “Ở đây lạnh. Ta nên đi thôi… Mình thương hại bà,” bà vừa nói vừa cài chiếc móc khóa nơi cổ khăn quàng.

Những lời bất chợt làm bà Slade nhói đau. “Ừ, ta nên đi thôi.” Bà thu nhặt chiếc xắc tay và áo choàng. “Tôi không hiểu tại sao bà lại thương hại tôi,” bà lẩm bẩm.

Bà Ansley đứng quay lưng lại bà hướng về phía vũng tối của Đấu Giác Trường. “—Bởi vì mình chẳng phải đợi chờ tối hôm đó.”

Bà Slade cười lanh lảnh. “Đúng rồi, tôi đã bị đánh bại. Nhưng lý ra tôi không nên oán hận bà. Sau ngần ấy năm. Dẫu sao, tôi đã được tất cả; tôi có chàng trọn hai-mươi-lăm năm trời. Và bà chả được gì ngoài mỗi một lá thư mà chàng đã chẳng viết.”

Bà Ansley lại yên lặng. Cuối cùng bà bước một bước về phía cửa sân thượng, và ngoảnh lại, đối mặt với người bạn đồng hành.

“Mình được Barbara,” bà nói, và bắt đầu vượt qua bà Slade tiến về phía cầu thang.

Edith Wharton (1862—1937) | Yên Nhiên chuyển ngữ