Monday, December 14, 2020

1876. NGUYỄN TƯỜNG GIANG Truyện ngắn MƯA


   

Tôi nằm một mình trong phòng. Người bạn đi dậy học từ sáng sớm. Ngoài trời đang mưa. Những giọt nước nhỏ như bụi bám vào mặt kính, làm mờ nhạt bầu trời mầu xám. Căn phòng có một hình thù khác lạ. Đó là một hình chữ nhật được cắt xéo một góc. Cửa sổ nằm trên phần còn lại của một cạnh được che bằng tấm màn cửa mầu vàng cam. Tôi đang nhìn mưa bay qua tấm kính cửa sổ trên tấm vách cắt ngang. Cửa sổ ngó sang khu nội trú của sinh viên. Vào tháng này những cây trồng trong vườn trước cửa nở đầy hoa mầu hồng nhạt như những bông anh đào. Người bạn hẹn sẽ trở lại khoảng mười giờ. Tôi uể oải không muốn ra khỏi giường. Không khí lạnh và trong suốt. Tôi có cảm tưởng như nằm trong đáy một ly nước đã lắng, không một tiếng động chung quanh. Nằm một mình và nghĩ vẩn vơ. Thời gian như không trôi đi hay trôi đi rất nhẹ nhàng. Trong phòng đồ vật đều yên lặng. Vách tường treo đầy những hoa lan. Một bức tranh vẽ cô gái đứng bên những bông hoa vàng nhạt, hai bàn tay úp lên nhau đè trên tà áo mầu xanh lẫn vào mầu tranh. Bức tranh mang vẻ u buồn và lẻ loi. Giò lan bên cạnh đang trổ những hoa mầu tím, cánh hoa mong manh phơn phớt trắng như tuyết. Tôi nghĩ có lẽ là những giò lan Giả Hạc. Vài bộ quần áo treo trên tường, mắc vào những khúc gỗ khô đã được cắt xén thành hình thù lạ mắt. Trông xa có thể là một cái sừng hươu hay đuôi con sóc nhỏ. Những bộ quần áo mầu xanh hoặc vàng, may bằng đồ dạ làm cho căn phòng có đôi chút ấm cúng. Phòng chỉ có một bàn viết đặt sát cửa sổ nhỏ, một chiếc ghế dựa. Những ghế khác làm bằng thùng sách phủ một lớp chăn dạ nhà binh. Những lần trước lên trên này chơi với Liệu tôi rất thích ngồi trên ghế sách đó. Ghế mang vẻ thân mật không có được ở nơi khác. Cánh cửa thông ra ngoài hành lang nhỏ bị gió thổi bung ra, đụng trở lại khung cửa làm vang những tiếng động nhỏ và khô. Gió lùa qua khe hở mang hơi lạnh lan vào phòng. Tôi với tay bật nút nhạc. Chiếc máy để ngay ở cạnh giường. Hai loa phát âm nằm đối diện nhau, một chiếc đôi khi chúng tôi dùng làm bàn uống trà hay cà phê. Tiếng hát vang lên từ một đoạn giữa. Tôi mang máng nhớ đoạn đầu đã nghe tối hôm qua, rồi tôi ngủ quên đi mất. Thương em mong manh như một cành lan. Cô gái có một giọng ca rất nũng nịu và lẳng lơ. Tôi mơ hồ nhớ lại khuôn mặt cô gái trên máy truyền hình. Nụ cười rất tươi, hai con mắt tròn và đen nhánh, long lanh sáng. Phải rồi, điều mà trí nhớ tôi muốn nhớ tới là nốt ruồi lớn trên khóe miệng cô ta. Và tôi nhớ đến khuôn mặt của Lan. Bài hát tôi đã nghe cùng nàng trong tiệm nước nhỏ ở Sài Gòn hai ngày trước. Buổi chiều mưa tầm tã. Tôi đến kiếm nàng ở trường và chở nàng trên chiếc xe của nàng. Quán nước vào một chiều thứ hai rất vắng người. Chúng tôi ngồi ở bàn quen thuộc trong góc. Nhửng bông marguerite cắm trên bàn. Tôi đếm được năm bông. Lan hay có thói quen ngắt những cánh hoa và đếm xem phù hợp với câu nào trong một tấm giấy ( có lẽ bây giờ nàng đã thuộc lòng ). Một trò đoán chơi thú vị  về ái tình. Tôi nói với nàng : Mai anh lên Đà Lạt. Lan không trả lời, nàng với tay ngắt một bông hoa, tỉa từng cánh rồi thả bay trên mặt bàn : Anh luôn luôn thay đổi, không hiểu tại sao em lại yêu anh. Tôi cười : Em đếm xem hoa được bao nhiêu cánh em sẽ đoán ra. Người ta chỉ ngưng lại khi không làm gì hơn được. Những tiếng hát buồn và đau khổ. Mưa rào rạt ngoài trời. Một hai người đứng núp mưa ngó vào trong quán, bóng họ làm thành những vệt tối mờ mờ. Cô gái mang cho chúng tôi hai ly cà phê sữa. Những giọt cà phê chẩy rất chậm vẽ một vết đen trên mặt sữa đặc. Tôi vẩn vơ giở những trang giấy ghi bài của Lan. Một lúc sau, nàng nói : Em yêu anh có lẽ vì vẻ bất thường của anh. Anh không như mọi người. Tôi không như mọi người. Tôi buồn bã. Mỗi người sinh ra đã không như mọi người. Tôi tự hỏi có phải chỉ mình tôi nhìn họ xa lạ, hay mỗi người đều nhìn người khác xa lạ. Tôi cũng muốn như mọi người. Mỗi buổi sáng thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng vội vã và đi đến sở. Tưởng như trời đất không có nắng mưa. Đôi khi nhìn những chiếc lá rơi trên đường phố, mới ngơ ngẩn nhớ rằng con đường mình đang đi cũng đẹp và những mái ngói đỏ sau cơn mưa trông có vẻ lạ mắt. Rồi thôi. Tôi nói với Lan : Anh không bao giờ muốn như thế cả. Không ai vừa lòng với cái mình có. Một cặp trai gái chạy ùa vào quán. Tóc họ ướt thẫm và bết vào má. Họ vuốt nước đọng thành giọt trên mặt rồi nắm chặt tay nhau. Tôi thấy lạnh. Tuổi trẻ chạy qua đi trên từng phần của da thịt. Cà phê đã chẩy hết. Lan nhấc phin bỏ xuống cạnh bàn. Tôi khuấy ly của nàng truớc rồi châm thêm nước sôi. Chúng tôi yêu nhau đã bao lâu rồi. Lan có khuôn mặt rất trẻ thơ, da trắng hồng và hai con mắt sáng. Tóc nàng mềm nhỏ có ánh mầu nâu. Tôi thường đùa với nàng : Em chỉ nên làm người tình của các nhà cách mạng hay người yêu của các ông văn sĩ. Và tôi, trong bao nhiêu năm, đã lao đầu vào những cái không tưởng. Tôi nhớ đến nhận xét của một người bạn : Chúng ta là cái đuôi của thế hệ trước. Không có gì thay đổi đuợc nữa. Nếu thay đổi, chúng ta không còn là chúng ta. Những người trẻ mới lớn đã nghĩ khác và sống khác. Đôi khi mệt mỏi, tôi tự hỏi mình có thể đã sai lầm trong đời sống. Gần ba mươi tuổi, tốt nghiệp đại học, có nhiều cơ hội tốt, tôi lại chối bỏ những cái xã hội dành dật. Tôi đã làm được gì với những ảo tưởng kia. Những điều vô vọng tôi đuổi bắt, tôi biết đã qua rồi. Thời này không phải là thời của chúng tôi.      

Liệu trở lại khoảng mười giờ, la lên : Mặc quần áo đi ăn sáng và uống chút cà phê. Ông lên lần nào trời cũng mưa. Tôi đi giầy, mặc áo len và hỏi mượn Liệu khăn quàng cổ. Liệu đưa cho tôi chiếc khăn mầu beige kẻ ca rô nhạt. Tôi chỉ những giò lan : Năm nay lan nở đẹp quá. Lần này chắc tôi ở đây lâu. Liệu hát khẽ theo lời bản nhạc. Lời ca rên rỉ như tiếng khóc người chết. Ngoài trời còn mưa lâm râm. Tôi ngồi nghe hết bản nhạc. Có lẽ đời người chỉ có thể hoàn tất được điều mong muốn là nghe hết một bản nhạc. Liệu tắt máy. Chúng tôi đi ra ngoài. Thành phố im lặng dưới cơn mưa nhẹ. Chúng tôi thả bộ xuống chợ. Mọi người đều mặc áo ấm, đầy mầu sắc. Hình như không có ai nói chuyện với nhau. Xe cộ như mất âm thanh, êm ả trôi trên đường. Những mái nhà rêu xanh mướt trộn lẫn với mầu ngói đỏ tươi mát. Cây bơ vơ bên những ngôi nhà lặng lẽ. Tôi nhớ đến vở kịch ngắn đọc trên báo đã lâu. Ngôi nhà nhỏ bé trơ vơ bên sườn đồi. Một cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Trời mưa mù mịt. Người chồng mở hé cánh cửa sổ, ngó ra ngoài, rồi đóng cửa nói vọng vào : trời mưa. Mưa, mưa, mưa. Mưa hoài hủy trên mái nhà che dấu một cuộc đời. Hạnh phúc ở ngay trong tay ta. Cớ sao… Liệu hỏi : Ở dưới đó hồi này ra sao. Tôi cười : Các anh em đều khá cả, ai cũng có địa vị vững vàng và lái xe hơi cả rồi. Còn việc của ông. Dĩ nhiên là khi cá nhân thăng tiến thì đoàn thể thụt lùi. Nhất là những công việc viễn mơ như bọn mình. Tôi chợt nghĩ đến những khuôn mặt hăng say, những đôi mắt sáng, những lời nói nóng nẩy nhưng đầy lý tưởng. Giờ đây những người bạn cũ. Một buổi nào tôi đến thăm trong căn phòng có gắn máy lạnh, Tiến nói : Bây giờ mình phải làm việc theo lối khác, người ta không thể chết đói mà làm cách mạng. Xuân một bữa nào gặp trong quán nước sang trọng, cười đùa với một cô gái tôi biết chắc không phải là vợ. Khuôn mặt hắn bóng ra, hai con mắt híp lại. Chúng ta có điều kiện, có địa vị, nhưng chúng ta có thể nào sung sướng bên nỗi đau khổ của người khác. Không. Cho nên chúng ta mới ngồi cùng nhau ở đây. Chúng ta phải làm một cái gì. Xuân không nhìn thấy tôi, hắn đưa cô gái ra ngoài xe. Chiếc xe loại mới sơn mầu đỏ, số ngoại quốc. Chúng ta phải làm một cái gì. Liệu lắc đầu : Ông buồn làm chi. Bây giờ thời thế đã đổi khác. Có thể là họ thức thời hơn chúng ta. Nếu họ sung sướng vì những điều như thế là may mắn cho họ. Có lẽ chúng ta chỉ còn những ảo tưởng. Tôi thầm nghĩ : Phải rồi, đã không chọn lựa đời sống theo xã hội, sao lại bắt người khác sống theo ý mình. Lòng ghen ghét ư. Tôi cố xua đuổi ý nghĩ vừa thoáng hiện. Không phải thế đâu. Tôi nói với Liệu : Dù sao đi nữa, điều đáng buồn là mình lầm lẫn về con người. Chúng tôi đang xuống một con dốc nhỏ, hai bên đường đầy hoa dại. Những bông hoa mầu tím lấp lánh trong lá xanh, ướt nước. Có cái gì khác giữa một bông hoa dại và một bông hồng. Sự chọn lựa hay định mệnh. Hai ba cô gái đi ngược chiều với chúng tôi, áo dài trắng và áo len xanh đỏ. Họ có vẻ là học sinh được tan học sớm, tóc dài mượt. Những con mắt trong sáng. Chúng tôi đi qua, hai cô gái cúi đầu chào Liệu. Tôi nghe tiếng cười rúc rích bay sau lưng. Tôi và Liệu vào một quán cà phê nhỏ. Liệu bắt tay, chào hỏi mấy người quen. Tôi không quen ai trong số đó. Một vài người hỏi Liệu về công việc thường ngày. Liệu ừ ào rồi ngồi xuống với tôi. Tôi gọi một món ăn nhẹ và ly cà phê đen. Trời lạnh kể cũng thú. Liệu hỏi : Chuyện của ông với Lan thế nào. Tôi đáp : Cũng lằng nhằng. Yêu nhau mà không ràng buộc nhau dễ chịu hơn. Tôi nghĩ đến một vài người bạn đã lấy vợ, họ có vẻ loay hoay và tiết độ mọi việc. Người vợ trở thành cái máy lọc trong tư tưởng họ. Tôi chắc những người bạn tôi không phải  không có tự do, nhưng bao giờ người vợ cũng là một yếu tố trong tâm trí. Như hạt sạn ở trong giầy. Và tôi chợt nghĩ : giòng họ và sự giáo dục của tôi cũng như một hạt sạn trong giầy. Tôi nhớ đến ông bác tôi rất rõ rệt. Ông ngồi bên lò sưởi, áo mầu xám chì bằng dạ ấm. Ông có vẻ già trước tuổi. Tôi cố gắng so sánh ông với các hình ảnh đã thấy trên báo và sách. Ông không có vẻ gì lạ cả. Trông ông như một ông già như các ông già khác. Ông nói với tôi : Cháu không đi vào đường chính trị là tốt. Cho đến bây giờ tôi nghĩ đã hiểu ông hơn và thông cảm việc không thể không làm của ông. Có ai bắt người hiệp sĩ trên đường đi phải nhúng tay vào việc của đời. Ông như người hiệp sĩ thấy bất công, muốn múa xong một đường gươm diệt bạo rồi bỏ đi. Như một chuyến đi xa, người về dưới chân sao lặng lẽ. Nhưng ông chưa múa xong một đường gươm. Có ai trong những kẻ chung quanh đó… hay bạo quyền đã khiến họ quay đi. Cuộc sống rồi cũng thế thôi. Tôi nhớ câu thơ của người bạn : Phố bụi chờ đời thay áo đỏ. Nhưng tôi biết rằng, chẳng bao giờ nữa, có người còn nhớ đến chốn này. Những giò lan của ông bác tôi, giờ đây không biết lưu lạc phương nào. Những người còn giữ nó, hẳn cũng chỉ còn giữ lại chút hương xưa.      

Trở về với tâm trạng buồn bã, chúng tôi không nói gì với nhau. Mưa trùng xuống thấm ướt trên tóc, trên áo. Giờ này đã tan sở nhưng đường phố vẫn mang vẻ lặng lẽ. Một cô gái ngồi trong xe hơi trông có vẻ quen quen. Cô ta mỉm cười khi xe đi ngang chỗ tôi, nhưng tôi không đáp lại. Hình như tất cả cô gái ngồi trên xe hơi đều mang một vẻ đẹp, không cách này thì cách khác. Thật khó mà chối cãi vật chất không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tư tưởng của con người. Mọi quan niệm đã thay đổi hết. Tôi rùng mình. Liệu hỏi tôi : Ông có vẻ lạnh. Mưa ướt hết rồi. Tôi cảm thấy lạnh thật. Mưa như thấm vào người, len lỏi trong các mạch máu, chẩy khắp thân thể. Có tiếng gọi chúng tôi. Tôi ngó vào một tiệm thuốc tây, Lam gầy gò và mệt mỏi. Người bán thuốc trao tiền còn lại, Lam cầm lẫn với mấy gói thuốc chạy đến chỗ chúng tôi : Đứa nhỏ bị đau mấy bữa nay, mệt quá. Tôi và Liệu theo Lam vào con ngõ nhỏ ở gần đó. Nhà nằm sâu cuối ngõ, nhỏ nhắn như một món đồ chơi. Lam mở cửa cho chúng tôi vào hẳn trong rồi cẩn thận gài cửa lại. Chúng tôi ngồi vào chiếc ghế dựa bằng mây đan, mầu mây đã xạm đen vì quá cũ. Những mảnh gối làm đệm mầu vàng ố, hình như bị thấm nước nhiều lần. Có tiếng trẻ con khóc trong nhà. Tiếng khóc bay trong một ngày trời mưa, ẩm thấp và buồn nản. Tôi ngó những bức tranh Lam vẽ, mặt trời và hoa sáng rực rỡ, thiếu nữ khoả thân nằm trên thảm cỏ giữa những lá non tươi mát. Những mộng ước của một đời người. Giữa những tơi tả của đời sống, người ta treo mộng ước lên cành cây. Tôi hơi mệt, thấy thèm một ly trà nóng. Trên giá sách của Lam, những cuốn sách chúng tôi làm xếp ngăn nắp, còn mới, có vẻ không được đọc. Cũng chẳng nên đọc làm gì nữa, tôi thầm nghĩ. Lam mang ra mấy ly nước, xin lỗi vì con đau. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, nhắc lại vài kỷ niệm cũ. Những kỷ niệm mờ nhạt trong trí nhớ, giờ đây là sợi giây mong manh giữ chúng tôi còn gần nhau. Tôi hỏi Lam hồi này còn vẽ nữa không. Lam cười mỉa mai : Lo miếng ăn suốt ngày thì giờ đâu mà vẽ. Mà có vẽ thì biết vẽ cái gì. Chúng ta đã bị đẩy đến ngõ cụt. Ngõ cụt. Tôi thấy buồn bã vô cùng. Chúng tôi còn chờ đợi những gì. Mọi người đều lên xe cả rồi, không khí nóng hổi và vội vã. Không ai nhìn thấy ai. Người ta không còn đủ thì giờ nhấm nháp một ly cà phê. Những ly cà phê có lợi gì, ngon hay không ngon nào có quan trọng cho đời sống. Tôi hỏi Lam : Bức tranh người treo cổ của ông đâu. Bức tranh được vẽ vào thời kỳ lang thang và chán đời nhất của Lam. Nhưng ít ra lúc đó Lam cũng còn có quyền quyết định. Bây giờ… Lam ngao ngán : Tôi để ở dưới bếp, nhìn mãi cũng đến lúc mình phải treo cổ. Bức tranh vẽ một thân cây lớn vươn ra khỏi khung vẽ, một cành cây khẳng khiu và một người đàn ông không rõ mặt treo lủng lẳng trên sợi dây. Tôi nhớ tới mầu đỏ rực rỡ và bi thảm của bức tranh. Bi thảm như đời chúng ta. Lam không mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Liệu đã đến giờ đi dậy học buổi chiều. Tôi thấy buồn nôn và không thấy đói. Trời vẫn còn mưa lúc tôi về đến phòng. Tinh thần tôi bị sa sút nặng nề. Tâm trí hoang mang và mệt mỏi. Tôi nằm xuống giường, lấy chăn đắp kín đến tận ngực. Tôi thấy cô đơn và lo sợ. Tôi vặn nút nhạc, muốn có ai nói ở quanh mình. Những tiếng hát buồn bã lại vang lên, âm thanh như chạm vào nhau rồi va vào các bức tường. Tiếng hát rơi ra từng mảnh, lả tả. Người về trong đêm tối ôm cành hoa tả tơi. Tôi về trong đêm tối ôm cành hoa tả tơi. Tôi thấy ứa nước mắt. Tôi biết làm gì bây giờ đây. Những giò lan treo quanh phòng như mờ đi, nhẩy múa. Tôi cố gắng phân biệt mầu đỏ của những bông Huyết Nhung, mầu tím của lan Giả Hạc lẫn lộn với những bông Bạch Ngọc. Tôi thầm nghĩ tên các loại lan, rồi tôi nhớ đến ông bác tôi. Đã chết. Lan nhẹ nhàng đến bên giường, cầm lấy bàn tay lạnh ngắt của tôi. Nàng âu yếm vuốt tóc tôi, làn da mịn màng mơn man trên trán. Tôi thấy mùi thơm lan ra trong phòng. Trời mây nhẹ, đồi cỏ xanh như lụa, những bóng thông lay động như luớt đi trên mặt đất. Lan nắm lấy tay tôi. Chúng tôi chạy trên đồi, chạy hoài hủy….. 

(Đăng trong Tập San Văn Chuơng, số Soleils Perdus Soleils Retrouvés dưới tựa đề Hương Xưa).

1973

Nguyển Tường Giang