Friday, March 19, 2021

1967. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn Văn Học & Cách Mạng (19)


Lý Toét, Xã Xệ

Kể từ cặp Tú Bà, Sở Khanh chưa có nhân vật nào nổi tiếng và đi sâu vào lòng người bằng Lý Toét, Xã Xệ.

Nhất Linh sáng tác ra Lý Toét. Bút Sơn sáng tạo Xã Xệ.

Hoàng Tích Chu đặt tên cho Lý Toét.

Nguyễn Gia Trí đem lại cho Lý Toét Xã Xệ chiều kích văn hóa, lịch sử.

Nhất Linh, Giám đốc Phong Hóa, muốn phát triển khía cạnh trào phúng, hầu như chưa có mặt trên báo chí Việt Nam lúc bấy giờ, nên ban đầu, ông vẽ nhiều hơn viết; chủ trương này rõ nhất trong những năm 1932-1934.

Nhưng nếu tranh trào phúng hoàn toàn thích hợp với công chúng bình dân, thì lại bị những người được gọi là trí thức chê bai, khinh bỉ. Không kể trường hợp giáo sư Thanh Lãng mà chúng tôi đã đề cập đến trong chương Sự tiếp nhận Tự Lực văn đoàn; nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ tóm tắt những ý kiến khác, có lẽ cũng tâm đồng với ông, như sau:

"Ra khỏi năm 1940, trở về với những bận tâm học thuật dân tộc và chính trị quốc gia, dư luận cũng đổi hướng, tỏ ra khắt khe với họ [Tự Lực văn đoàn]. Nhóm Tri Tân phục hưng chủ nghiã ôn cổ, cũng như nhiều người Hàn Thuyên chủ trương chiến đấu tích cực, đã lên án họ nặng nề. Hoa Bằng cho rằng sau những năm khủng bố 1930-1931, toàn trong nước vừa trải qua một cơn hồi hộp hoang mang, ai nấy chỉ muốn tìm những phút vui cười cho khuây khỏa, nhóm Phong Hóa đã đầu theo tâm lý dễ dãi ấy để bầy ra một cái cười cho quên lấp, một cái cười phá hoại tất cả nền nếp truyền thống, một cái cười nhiều khi rất vô ý thức nữa, như hành động lố bịch hóa hạng người nhà quê Lý Toét, Xã Xệ của họ thật là tàn ác, bất công, không kể còn gây ra sự chia rẽ giữa hai dân tỉnh và dân quê.

Trương Tửu cho rằng họ đã vô tình hay hữu ý mắc mưu thực dân, hưởng ứng phong trào vui vẻ trẻ trung 1932, đề cao tình cảm lãng mạn và nghệ thuật thuần tuý, làm cho thanh niên quên con đường tranh đấu gian nan, ngả theo khuynh hướng hưởng lạc, đi đến ăn chơi đồi trụy"[1].

Không hiểu những bận tâm học thuật dân tộc và chính trị quốc gia, của các trí thức mà Phạm Thế Ngũ nói đến ở đây là gì, mà khiến cho những vị này trong nhóm Tri Tân và Hàn Thuyên đã lên án họ nặng nề như thế.

Xem như vậy, Tự Lực văn đoàn không những bị vùi dập vì lý do chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, mà cả đến những người quốc gia hay đệ tứ, có học, những người làm văn học hay dạy học, cũng không hiểu ý nghiã cuộc tranh đấu cách mạng của họ, nên hầu hết đều coi biểu tượng Lý Toét, Xã Xệ là sự chế giễu khinh bỉ dân quê, và coi sự hài hước nói chung trên Phong Hóa Ngày Nay là phá hoại, để quay mũi dùi ngược lại, kết án Tự Lực văn đoàn. Đó là phần thưởng dành cho những người đi trước thời đại.

Trào phúng – vai trò của các họa sĩ

Chủ trương tờ báo trào phúng, cho nên Nhất Linh hết sức quan tâm đến biếm họa, chính ông bắt tay vào vẽ ngay từ Phong Hóa số 14 (22-9-32). Và cũng chính ông đã tập trung được một nhóm họa sĩ trẻ tài hoa, phần lớn xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, là bạn ông. Tôi còn nhớ khi họa sĩ Lê Phổ còn sống, ông luôn luôn nhắc đến Nguyễn Tường Tam với giọng thân yêu quý mến lạ lùng, theo ông "Tam viết văn và vẽ đẹp lắm".

Ngoài Nhất Linh và Nguyễn Gia Trí, kể từ Phong Hóa số 16 (6-10-32), thêm sự góp mặt của các họa sĩ: Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân, Le Mur Nguyễn Cát Tường… chưa kể Hoàng Đạo và Khái Hưng đều biết vẽ. Phong Hóa còn tổ chức thi biếm họa, vẽ Lý Toét, cho nên những họa sĩ bên ngoài cũng góp tranh.

Trần Bình Lộc (1914-1941), vẽ trên Phong Hóa từ số 16 (6-10-32) ký LỘG, ở tuổi 18 với bức tranh Những chỗ ngồi trên xe điện. Kể từ Phong Hóa số 33 (10-2-33), ông ký những tên Bloc, Bloch, Block… Trần Bình Lộc là một trong những họa sĩ quen thân và vẽ nhiều cho Phong Hóa ngay từ đầu, thỉnh thoảng ông còn viết truyện ngắn. Trần Bình Lộc mất năm 1941, vì một tai nạn, tại Lào, ở tuổi 27.

Nhất Sách cũng vẽ khá nhiều tranh trên Phong Hóa, nhưng chúng tôi chưa biết là ai.

Trần Quang Trân học trường Mỹ Thuật khóa III cùng với Lê Thị Lựu, ra trường năm 1932, xuất hiện trên Phong Hóa từ số 18 (20-10-32), ký Mạc, Ngym, Ngạc Mai… Ông vẽ hý họa và đôi khi minh họa truyện của Khái Hưng.

Nguyễn Cát Tường ban đầu ký tên A.S. Lemur, (Le mur tiếng Pháp là tường) có tranh hài hước trên Phong Hóa từ số 13 (8-9-32). Đến số 27 (23-12-32) ông xuất hiện lại với hai bức hý họa Xem voi ở sở bách thú Hà NộiBa năm ở xứ Bắc.

Kể từ Phong Hóa số 85 (11-2-34) (báo Xuân năm thứ hai), Nhất Linh mở thêm mục: Vẻ đẹp của các bà các cô và giao cho họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường phụ trách. Đây là mục thời trang đầu tiên trên báo chí miền Bắc, và có lẽ trên cả đất nước Việt Nam. Về y phục phụ nữ, Lê Phổ đi trước, rồi tới Nguyễn Cát Tường, là những nhà kiểu mẫu tiên phong trong việc đổi mới áo dài, họ vẽ nhiều kiểu áo tân kỳ cho đàn bà mặc trong những sinh hoạt khác nhau, tạo sự thanh lịch cho phụ nữ Hà thành. Nhưng Lê Phổ làm phụ tá cho thầy Tardieu, đi ngoại quốc luôn, nên Cát Tường trở thành số một. Có thể nói Cát Tường là "Coco Chanel" của Việt Nam, thủa ban đầu vậy.

Tô Ngọc Vân, cộng tác với Phong Hóa từ số 129 (21-12-34), thay Nguyễn Gia Trí khi ông Trí vắng mặt. Tô Ngọc Vân, thường ký tên Tô Tử, là họa sĩ chính thứ hai sau Nguyễn Gia Trí, không những vẽ tranh hài hước mà còn vẽ những bức phụ bản tuyệt đẹp cho báo xuân, viết phê bình hội họa và minh họa cho tiểu thuyết, truyện ngắn dưới tên Ái Mỹ. Tô Ngọc Vân chỉ ngừng trong thời gian đi Cao Mên dạy học và khi trở về, ông lại cộng tác liên tục với Ngày Nay từ số 139 (3-12-38) đến khi tờ báo đóng cửa, số 224 (7-9-40).

Nguyễn Gia Trí, vẽ từ Phong Hóa số 1 (16-6-32) với bức tranh Hai đám rước sư tử, không ký tên; nhờ những điều Khái Hưng viết trong tiểu thuyết Những ngày vui, ta có thể đoán đó là tranh Nguyễn Gia Trí. Tóm lại, những bức tranh in trên Phong Hóa từ số 1 đến số 13 (8-9-32) chỉ có thể đoán là của Nguyễn Gia Trí, chưa thể xác định[2].

Ngoài bức tranh ký tên Đông Sơn (chữ quốc ngữ) chắc là của Nhất Linh, in trên Phong Hóa số 3 (30-6-32) và một bức ký AS Lemur trên số Phong Hóa 13 (8-9-32), phần lớn những tranh còn lại đều ký Hbat, tạm đoán là Nguyễn Gia Trí.

Kể từ Phong Hóa số 14 (22-9-32) Nguyễn Gia Trí ký thêm nhiều tên khác, như: Tô, Cô Tô, Nul, Daladin, Nal, Hoth, TAG, Tú Sơn, Tú Nuy, NGT, ZTTG, Rigt… Những biệt hiệu này phản ánh tính hài hước của Nguyễn Gia Trí: Tô (tên chó Tây), Cô Tô (cô chó Tây), Nul (số không), Nal (biến thể của Nul), Daladin (chắc từ chữ d’Aladin, nghiã là của Aladin), Hbat, Hoth, TAG (ba chữ cái trong GIA TRI), Tú Sơn (Tout seul, một mình), Tú Nuy (Tout nu, trần truồng), NGT (Nguyễn Gia Trí viết tắt); ZTTG, tên ký để tỏ sự phẫn nộ cực điểm.

Rigt hay RIGT, là bút hiệu dùng nhiều nhất trên Ngày Nay, có nghiã là: RI GT tức gt ri hay gia trí cười mà cũng còn nghiã là Lẽ phải.

Trong giai đoạn đầu của Phong Hóa, có thể vì Gia Trí chưa học xong, nên không được phép vẽ và ký tên như một họa sĩ thực thụ; nên ông thường không ký tên hoặc ký ẩn danh, nhưng trên Phong Hóa số 66 (29-9-33) lần đầu tiên ông ký NGT.

Còn bút hiệu Rigt hay RITG và các biến thể của chữ này, xuất hiện trong giai đoạn sau, thường dùng để ký dưới những biếm họa tranh đấu trên báo Ngày Nay.

Tựu trung, Nguyễn Gia Trí vẽ nhiều nhất, (trừ khi có việc phải vắng mặt), từ Phong Hóa số 1, tháng 6 năm 1932, đến Ngày Nay kỷ nguyên mới, tháng 5-6 năm 1945.

Tranh Nguyễn Gia Trí, trong giai đoạn tranh đấu quyết liệt, thường đi đôi với bài viết của Hoàng Đạo, tạo một phong cách phê bình xã hội độc đáo, có sức công phá quan trường cao độ, chống Pháp thâm thúy, mãnh liệt, khiến nhiều lần Phong Hóa và Ngày Nay bị đe dọa đóng cửa.

Nhất Linh vẽ nhiều hơn viết, trong hai năm đầu. Dù chỉ học trường Mỹ thuật Đông Dương có một năm, nhưng tác phẩm chứng tỏ ông là một họa sĩ tài ba, được nhà trường trân trọng, ông có tên trong danh sách hội đồng chấm thi cho cuộc triển lãm 1935 (Phong Hóa số 137, 22-2-35).

Ông vẽ cho Phong Hóa từ số nào? Nếu dựa vào tranh bìa, ký Đông Sơn bằng chữ nho, thì Nhất Linh đã "vào" Phong Hóa từ số 2 (28-6-32). Và trên Phong Hóa số 3 (30-6-32) ông đã có một hý họa nhỏ, ký tên Đông Sơn bằng chữ quốc ngữ.

Đến Phong Hóa số 14 (22-9-32) xuất hiện bức tranh hoành tráng Người Annam mình kinh doanh, ký tên Đông Sơn, vẽ cảnh người Việt chen chúc trên một chiếc xe hàng, tác phẩm hiện thực châm biếm có tính cách toàn diện, xác định con đường tranh đấu bằng biếm họa của Phong Hóa. Trong chương Sự thành lập Tự Lực văn đoàn, chúng tôi đã đưa ra giả thuyết: có thể Đông Sơn lúc đầu là tên chung của Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh.

Nhất Linh thường ký tên Đông Sơn, thỉnh thoảng DS hay TAM. Ngoài những bức biếm họa, ông còn minh họa các truyện dài Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt, Tiêu Sơn tráng sĩ. Về biếm họa, nét vẽ của Đông Sơn tròn trĩnh, hiền lành hơn những nét nhọn, lõm, khiêu khích của Nguyễn Gia Trí, vì vậy có thể bức Người Annam mình kinh doanh là sản phẩm chung của hai người.

Hoàng Đạo tuy không học vẽ nhưng xuất hiện ngay từ số 14 (22-9-32) với hai bức biếm họa Nhà giáo quen tayNguyễn Khắc Hiếu với việc đời, ký tên Tứ Ly. Ông minh họa truyện ngắn của Khái Hưng: Đi Nam KỳCái thù ba mươi năm trên Phong Hóa số 15 (29-9-32); Cái thống đời Tống trên Phong Hóa số 17 (13-10-32); Tình tuyệt vọng trên Phong Hóa số 18 (20-10-32), tác phẩm này làm say mê tuổi trẻ lúc bấy giờ nhờ bài thơ Tình tuyệt vọng Khái Hưng dịch thơ Arvers.

Đến Phong Hóa số 19 (27-10-32), lần đầu tiên Tứ Ly xuất hiện như họa sĩ đích thực trên trang nhất Phong Hóa với bức hý họa rất "nhà nghề" Ấy họ đánhau! chế giễu cảnh bóng đá… đá nhau và trên Phong Hóa số 21 (11-11-32) có tranh "Ông Nguyễn Khắc Hiếu dậy Văn chương" của Tứ Ly… là hai bức hý họa lớn của Hoàng Đạo.

Ấy họ đá...nhau! của Tứ Ly, bìa Phong Hóa số 19

Khái Hưng cũng vẽ, ký tên Bán Than và Nhị Lang. Trên số Phong Hóa số 23 (25-11-32), có bức hý họa đầu tiên tựa đề Phát minh, ký Bán Than. Trên Phong Hóa số 26 (16-12-32) ông vẽ thêm ba bức tranh hài hài hước, ký Bán Than. Đến Phong Hóa số 66 (29-9-33) ông vẽ hai tranh tựa đề Tùy danh chọn nghề, đều ký Nhị Lang. Ông tiếp tục ký Nhị Lang trên các tranh: Lý luận Phan Khôi trên Phong Hóa số 70 (27-10-33); rồi hai tranh trên Phong Hóa số 73 (17-11-33), một trên Phong Hóa số 74 (24-11-33). Và trên Phong Hóa số 85 (11-2-34) có tranh Nhị Lang bán tranh Tết. Ông còn minh họa cho truyện vừa Số đào hoa của ông. Và trên Phong Hóa số 115 (14-9-34) có tranh Lý Toét của Nhị Lang…

Nhưng Khái Hưng vẽ không hay bằng Hoàng Đạo.

Nam Bắc không hiểu nhau của Bán Than, Phong Hóa số 26


Sự ra đời của Lý Toét

Lý Toét do Nhất Linh sáng tạo ngay từ tháng 6 năm 1931, khi chưa có Phong Hóa. Nhất Linh chính thức đưa Lý Toét lên Phong Hóa từ số 15 (29-9-32), và sẽ được các họa sĩ chấm phá thêm, trở thành một trong những nhân vật sáng chói của Tự Lực văn đoàn, biểu hiệu tất cả phong cách hài hước và bi đát trong hý họa của Phong Hóa Ngày Nay.

Lý Toét trở thành một sáng tác tập thể, một thứ lương tâm thời đại, một sự tự trào, cười dân mình mà cũng là cười chính mình: một lũ nhà quê ra tỉnh, lóe mắt trước đời mới tối tân, hoa lệ người Âu đem lại, bị bánh xe thực dân và cuộc sống tân thời đè bẹp, nhưng vẫn cố gắng ngoi lên, chống lại bằng sự ngây ngô, gàn dở, mà không thua.

Lý Toét trở thành một nhân vật "có thật", một con người bằng xương bằng thịt, thậm chí, trên Phong Hóa, có khung quảng cáo của Thanh Hà Dược Phòng với tít Lý Toét mắc lậu kể chuyện Lý Toét và Ba Ếch đi chơi ngõ Sầm Công "để thưởng thức phong lưu Hà Thành. Sau trận mây mưa một ít lâu, cả hai đều mắc phải bệnh kín" may nhờ uống thuốc của Hà Thành Dược Phòng 55 Route de Huế, một tuần lễ là khỏi!

Sự ra đời của Lý Toét mãi sau này mới được Nhất Linh kể lại trên báo Xuân Ngày Nay 1940, số 198 (3-2-40) trong bài viết tựa đề Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ.

Nhất Linh sáng tác ra Lý Toét như thế nào? Ông kể lại như sau:

"Đông Sơn một hôm ngồi xem báo Phụ Nữ, nghịch vẽ một người nhà quê và thấy mặt người ấy hay hay liền xé chỗ vẽ cất đi, chưa biết dùng làm gì. Các bạn thấy trong hình đầu tiên ấy Lý Toét trẻ hơn bây giờ nhiều, mà ngay lúc đó, Lý Toét đã có đủ cả ô, cả giầy, cả râu ria, búi tóc.

Không có tờ báo Phụ Nữ Thời Đàm thì không có Lý Toét. Vậy theo đúng lịch sử ta có thể quả quyết rằng:

Đông Sơn và Phụ Nữ đã đẻ ra Lý Toét, đẻ vào tháng 6 năm 1931.

Được ít lâu Phong Hóa đổi tòa soạn. Lý Toét ra mắt độc giả ngay từ số 14 trong mục Vui Cười nhưng vẫn bơ vơ ngơ ngác vì chưa có tên. Đầu tiên là Tứ Ly đem Lý Toét vào Phong Hóa (số 35 ngày 24-2-33) trong bài cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức, có bức vẽ Lý Toét đi với Ba Ếch vào xem phụ nữ kén chồng.

Bức tranh khôi hài đầu tiên có vẽ Lý Toét và có chua tên cẩn thận là bức tranh vẽ Lý Toét ra tỉnh đứng trước cái máy nước ngẫm nghĩ: Quái! Bia ai mà lạ vậy!" (Phong Hóa số 48 ngày 26-5-33)".

Nét vẽ Lý Toét đầu tiên của Nhất Linh
trên báo Phụ Nữ Thời Đàm,
in lại trên Ngày Nay số 198.

Trong bài viết này, Nhất Linh nhớ gần đúng, chỉ sai hai chỗ:

- Lý Toét có mặt trên mục Vui cười, từ Phong Hóa số 15 (không phải số 14).

- Nhất Linh không nhớ bài viết đầu tiên, đặt tên cho Lý Toét trên Phong Hóa, là bài Cụ Lý Toét đi xem hội chợ (Cát-Tót, Juillet) của HTC [Hoàng Tích Chu] in trên Phong Hóa số 25 (9-12-32). Còn bài Cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức của Tứ Ly, là bài thứ hai, in sau ba tháng, trên Phong Hóa số 35 (24-2-33). Hoàng Tích Chu mới là người đầu tiên đặt tên cho Lý Toét.

Nhất Linh lại viết:

"Tên Lý Toét thấy xuất hiện năm 1930 trong báo Tứ Dân mà người đẻ ra tên Lý Toét lại là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu." Đấy là Nhất Linh nghĩ thế. Nhưng khách quan mà xét, thì tên Lý Toét trên báo Phong Hóa là do Hoàng Tích Chu đưa ra trong bài Cụ Lý Toét đi xem hội chợ (Cát- Tót, Juillet). Hoàng Tích Chu có cóp của Tú Mỡ hay không, ta không thể biết được. Nhưng ta cũng nên đặt câu hỏi: nếu tên này Tú Mỡ đã đặt ra từ năm 1930, thì tại sao Nhất Linh lại không dùng ngay từ đầu? Vậy nếu Tú Mỡ có nghĩ ra hai chữ Lý Toét, từ năm 1930, thì tôi cho rằng đó chỉ là điều trùng hợp.

Sự hiển nhiên là Lý Toét của Nhất Linh mấy tháng đầu chưa có tên, chỉ từ khi HTC đặt tên cho nhân vật này là Lý Toét, thì lúc ấy mọi người mới gọi là Lý Toét. Cho nên tôi nghĩ rằng "công" đặt tên cho Lý Toét phải là của Hoàng Tích Chu.

Bản chất Lý Toét

Trong thời kỳ đầu, biếm họa trên Phong Hóa còn hiền lành, cốt chỉ mua vui.

Nhưng dần dần Lý Toét sẽ chỉ đạo tư tưởng những biếm họa trên Phong Hóa Ngày Nay. Khởi đầu bằng khuôn mặt hiền lành do Đông Sơn tạo ra trên Phong Hóa, 1932 và kết thúc bằng nhưng nét phẫn nộ, gào thét của Nguyễn Gia Trí trên Ngày Nay kỷ nguyên mới, 1945.

Lý Toét là nhân vật chính và nổi tiếng nhất của Tự Lực Văn Đoàn, ra đời trước cả cô Mai (Nửa chừng xuân), cô Tuyết (Đời mưa gió), cô Loan (Đoạn tuyệt)… Lý Toét ở với Tự Lực văn đoàn lâu nhất, có mặt từ Phong Hóa số 15 và chỉ ra đi khi Ngày Nay kỷ nguyên mới đình bản.

Lý Toét "chính thức" có mặt trên Phong Hóa từ số 15, nhưng đã có mặt trong "vô thức" từ Phong Hóa số 14 (22-9-32), trong bức tranh lớn Người Annam mình kinh doanh của Đông Sơn, với hình một người nét mặt giống Lý Toét, ngồi trên mui xe hàng.

Người Annam mình kinh doanh,
trên trang nhất báo Phong Hóa số 14,
với Lý Toét ngồi trên mui xe.

Lý Toét ngồi trên mui xe

Và vẫn trong số 14 này, trang 3, còn có hai tranh: Mồm mép hàng giầy, ký Tô, vẽ người bán giày có khuôn mặt và bộ dạng giống như Lý Toét. Bên cạnh là bức tranh Giậy khôn ký Nul, vẽ cảnh một thằng nhỏ bị xe cán đứt đôi, một ông nhà quê cầm dù giống Lý Toét đi qua, cúi xuống dặn: lần sau có đi nên cẩn thận!

Mồm mép hàng giày của Tô, Phong Hóa số 14

Giậy khôn của Nal, Phong Hóa số 14

Hai bức tranh này ký Tô và Nul (Nguyễn Gia Trí) nêu ra hai khía cạnh đối lập của Lý Toét: vừa khôn ngoan lại vừa ngây ngô, thật thà. Hai đặc tính này sẽ được đào sâu trong bài viết của Hoàng Tích Chu: Cụ Lý Toét đi xem hội chợ (Cát-Tót, Juillet) đã nói đến ở trên và cũng sẽ được Nguyễn Gia Trí sử dụng triệt để khi ông vẽ Lý Toét sau này, trong những bức biếm họa chống tàn tích của xã hội cũ và chống thực dân.

Trên Phong Hóa số 15 (29-9-32), mục Vui cười, lần đầu tiên có hình Lý Toét, ký DS (Đông Sơn) nhưng chưa đề tên Lý Toét.

Lý Toét hiền lành trong mục Vui Cười,
ký DS (Đông Sơn), Phong Hóa số 15

Phong Hóa số 16 (6-10-32), trang 4, có tranh vẽ ông lý (chưa có tên Toét) đi qua hiệu giải khát, được cô hàng mời: "Mời ông vào sơi nước chanh nước đá". Ông hiểu lầm là cô hàng mời uống không tốn tiền, nên lễ phép từ chối: Tôi không dám mời cô sơi. Tác giả (không ký tên) đã chỉ ra sự "nhà quê" của ông lý.

Tranh vẽ ông Lý (chưa có tên Toét) trên Phong Hóa số 16

Trên Phong Hóa số 21 (11-11-32) có bức tranh Tưởng tượng… và sự thực… của Đông Sơn: bên trái, nhân vật giống Lý Toét, tưởng tượng mình đứng bên cầu phong cảnh đầy thơ mộng… bên cạnh là… cảnh thực.

Tưởng tượng của Đông Sơn,
vẽ Lý Toét ... nhà thơ, Phong Hóa số 21

Phong Hóa 25 (9-12-32), số đặc biệt về Hội Chợ, lần đầu tiên xuất hiện tên Lý Toét được xuất hiện trên tựa bài viết: Cụ Lý Toét đi xem hội chợ (Cát-Tót, Juillet), Hoàng Tích Chu[3] mô tả Lý Toét như sau:

"Lúc vào cửa, cụ Lý Toét bị chen, trên đầu thì xổ cả khăn, tung cả búi tóc, dưới chân thì họ séo tụt cả giầy, khốn đốn mới qua được cái cửa quay. (…) Bới lại cái "búi chấy", quấn lại cái khăn lượt mầu nước dưa cho chỉnh, cụ lý đi nghênh ngáo mọi nơi. Mỗi hàng một vẻ, lộng lẫy, rực rỡ như động tiên, cụ chẳng biết nên xem đâu trước, đâu sau, ngơ ngẩn cả người như mán về đồng bằng vậy. (…) Đi qua dan hàng máy hát, réo rắt dọng hát chèo, sen tiếng nhị, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, nghe rõ mồm một. Cụ ngây cả người không biết tiếng hát ở đâu mà ra".

Bài viết của Hoàng Tích Chu, không những lần đầu tiên đặt tên cho Lý Toét, mà còn mô tả dáng điệu và tâm lý Lý Toét, dùng lập luận nhà quê của Lý Toét để phê bình cái văn minh mẫu quốc đem lại. Đây là bài viết đầy đủ và có ý nghiã nhất về Lý Toét, cũng là văn bản sau cùng của Hoàng Tích Chu trên Phong Hóa, bởi vì ông mất ngày 25-1-1933. Sau này, các họa sĩ đều dựa vào "tinh thần" bài của HTC để vẽ chân dung Lý Toét.

Trên Phong Hóa số 35 (24-2-33), có bài Cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức của Tứ Ly, kể chuyện Lý Toét và Ba Ếch đi chợ phiên gặp đủ các vị chức sắc trong làng (cổ) văn: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Tố… kèm theo tranh Phụ nữ kén chồng, vẽ Lý Toét và Ba Ếch đứng xem các bà, các cô dự cuộc thi kén chồng. Đây là lần đầu Lý Toét xuất hiện với tên trong bài viết và với hình minh họa.

Phụ nữ kén chồng của Tứ Ly,
Phong Hóa số 35, trang 8,  Lý Toét đứng cạnh Ba Ếch

Phong Hóa số 48 (26-5-33) có bức tranh đề tít: Lý Toét ra tỉnh, vẽ Lý Toét ô cặp nách, cúi nhìn cái vòi nước công cộng, tưởng là bia mộ, miệng lẩm bẩm: quái bia gì mà lạ vậy? Tranh không ký tên, nhưng lột đúng "tinh thần" Lý Toét của Hoàng Tích Chu.

Đây là lần đầu tiên tranh Lý Toét có tên.

Lý Toét ra tỉnh, Phong Hóa số 48

Quá trình thành lập nhân vật Lý Toét như thế là xong. Kéo dài trong 8 tháng, từ Phong Hóa số 15 (29-9- 32) đến Phong Hóa số 48 (26-5-33).

Từ đó các họa sĩ thi nhau vẽ Lý Toét, nhất là từ khi trên Phong Hóa có cuộc thi Lý Toét, bất cứ ai cũng có thể gửi tranh, gửi bài đến tòa báo.

Cùng với tranh là loạt bài cổ động, bắt đầu trên Phong Hóa số 51 (16-6-33) với vở kịch Nửa cái thỏ bò [thủ bò, đầu bò] của Khái Hưng vai chính là Lý Toét. Phong Hóa số 52 (23-6-33), trang nhất có tranh Lý Toét tức cảnh của Nhất Sách, vẽ Lý Toét ra Hà Nội bị hành hung… Nhiều tranh hài hước có hình Lý Toét, nhưng không đề tít và không ký tên người vẽ. Phong Hóa số 60 (18-8-33), có tranh Lý Toét của Đông Sơn. Phong Hóa số 78 (22-12-33) có nhiều tranh và bài về Lý Toét. Phong Hóa số 79 (29-12-33), có tranh Lý Toét của Ngạc Mai (Trần Quang Trân) và trên mục Vui cười, hình Lý Toét có thay đổi, có cá tính hơn, chắc Nguyễn Gia Trí sửa.

Lý Toét ngự trị một mình trên Phong Hóa, cho đến khi Xã Xệ ra đời.

Ba Ếch

Nhất Linh không chỉ tạo Lý Toét, ông còn tạo cả Ba Ếch, nhân vật thứ hai này, theo ông, là một người có thật, tên là Ech, sống ở Hà Nội. Nhưng Nhất Linh không vẽ hình Ba Ếch, vì ông muốn Ba Ếch có "thiên hình vạn trạng"[4]. Tuy được cổ động trên Phong Hóa rất kỹ, cả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, đều viết truyện vui, kịch, truyện ngắn đề cao Ba Ếch, nhưng không thành công.

Mặc dù gần "bằng tuổi" Lý Toét, Ba Ếch ra đời từ Phong Hóa số 19 (27-10-32), xuất hiện lần đầu trong mục Vui cười, với mẩu truyện Ba Ếch đi xe hỏa, không ký tên, chắc của Nhất Linh. Tiếp đó, có bài Ba Ếch đi xem hội chợ của Nhất Linh, trên Phong Hóa số 25 (9-12-32), cũng không gây được tác dụng mong muốn. Rồi Ba Ếch ăn Tết của Tứ Ly trên Phong Hóa số 31 (24-1-33) cũng vậy.

Phong Hóa số 35 (24-2-33), có bài Cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức của Tứ Ly, kể chuyện Lý Toét và Ba Ếch đi chợ phiên (đã nói ở trên). Bài này cũng không làm cho Ba Ếch nổi tiếng, chỉ lộ tính cách hài hước của Tứ Ly.

Phong Hóa số 39 (24-3-33), Khái Hưng đem cả tên mình vào đóng cùng với Ba Ếch trong vở kịch vui tự trào Tôi là Khái Hưng, cũng chẳng ăn thua gì. Phong Hóa số 41 (7-4-33) Khái Hưng lại viết thêm truyện vui: Ba Ếch Vô Huế. Phong Hóa số 73 (17-11-33), Tứ Ly viết bài: Vợ chồng Ba Ếch đi ăn tạp-pí lù… Tóm lại những cố gắng triệt để "lăng- xê" Ba Ếch đều vô hiệu. Bởi vì Ba Ếch không tạo được cảm hứng cho họa sĩ vẽ tranh, nên không để lại dấu vết gì trong lòng người đọc.

Xã Xệ và Lý Toét

Nhân vật nổi tiếng thứ nhì sau Lý Toét là Xã Xệ, do Bút Sơn sáng tạo.

Lần đầu tiên là trên Phong Hóa số 57 (28-7-33), có bức tranh gửi dự thi vẽ một người trọc đầu chỉ có một sợi tóc quăn trên đỉnh, đi hớt tóc, và người thợ cạo hỏi:

Bẩm ngài, ngài rẽ bên hay rẽ giữa ạ?

Nhân vật (là Xã Xệ) trên bức tranh này mới chỉ có độc một sợi tóc xoăn mà thôi, chưa có tên, mà hình dạng tầm thường, chưa có cá tính.

Tranh dự thi số 73 của Bút Sơn,
trên Phong Hóa số 57, 28.7.1933

Chín tháng sau, Bút Sơn sáng tạo lại hoàn toàn Xã Xệ (và Lý Toét), trên hai bức tranh vẽ Lý Toét và Xã Xệ. Lần này ông đặt tên Xã Xệ đàng hoàng. Tác phẩm in trên trang nhất Phong Hóa số 89 (16-3-34), đập vào mắt người xem. Cặp Lý Toét-Xã Xệ của Bút Sơn được chấp nhận ngay, từ đó, trở thành cặp bài trùng như Laurel-Hardy Việt Nam vậy.

Tranh Bút Sơn, Phong Hóa số 89 (16.3.1934),
hai tranh Lý Toét - Xã Xệ

Không ai biết rõ Bút Sơn tên thật là gì. Nhất Linh, trong bài Mấy lời nói đầu[5] viết về Bút Sơn với lời nhắn như sau: "Bút Sơn ở Sài Gòn (người đã đẻ ra Xã Xệ) (tên thật chưa biết). Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn ông cho biết tên thật."

Khi Lý Toét-Xã Xệ của Bút Sơn được in trên Phong Hóa số 89 (16-3-34), thì bốn tuần sau, có tranh Xã Xệ của Tú Nuy (Nguyễn Gia Trí), phụ họa trên Phong Hóa số 93 (13-4-34). Bức tranh đầu tiên, xác định chân dung Xã Xệ dưới cái nhìn của Nguyễn Gia Trí.

Tranh Xã Xệ của Tú Nuy (Gia Trí), Phong Hóa số 93

Nguyễn Gia Trí đã sửa lại Xã Xệ của Bút Sơn cho đẹp hơn, dễ yêu hơn, bớt mập phì, profil rõ ràng, giống con chim non, nhất là sợi tóc xoăn đặc biệt, tuyệt vời.

Khuôn mặt nghiêng của Xã Xệ với sợi tóc xoăn, do Nguyễn Gia Trí tái tạo, gây dấu ấn mạnh trong trí nhớ tuổi thơ của Trần Khánh Triệu. Hơn sáu mươi năm sau ông ghi lại trong bài Papa tòa báo câu này: "hình Xã Xệ [chú Trí] chỉ đưa vài nét là xong, bao giờ cái tóc xoắn như lò xo của ông Xã cũng được vẽ sau chót"[6]. Chính cái tóc xoắn này phân biệt Xã Xệ của Nguyễn Gia Trí với Xã Xệ người khác vẽ.

Kể từ Phong Hóa số 94 (20-4-34) trở đi có nhiều tranh Lý Toét-Xã Xệ. Phong Hóa số 100 (1-6-34) có tranh Lý Toét – Xã Xệ, do BeKy vẽ, khá đẹp.

Trên Phong Hóa số 102 (15-6-34), mục Vui cười thêm hình Xã Xệ, logo mới mang dấu ấn Nguyễn Gia Trí.

Mục Vui Cười có hình Lý Toét, Xã Xệ, Phong Hóa số 102

Phong Hóa số 105 (6-7-34) có tranh Lý Toét Tập Kiều:

Đội trời đạp đất ở đời,

Nguyễn Văn Lý Toét vốn người Việt Nam,

của ZTTG (Gia Trí).

Tranh Tập kiều, của ZTTG (Nguyễn Gia Trí), Phong Hóa số 105

Bức Tập Kiều là bức tranh đầu tiên sáng tạo cho Lý Toét một ý nghiã chính trị. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh nhờ hai câu thơ Nguyễn Du: Nguyễn Gia Trí đã tạo cho Lý Toét một cá tính sắc sảo qua nét mặt kiêu hãnh và cương quyết và cho người Việt Nam một sự tự hào thầm kín: Lý Toét vươn lên thành Từ Hải.

Đến tác phẩm Lý Toét ký tên ZTTG dưới đây là bức tranh dữ dội nhất trong sưu tập Lý Toét của Tự Lực văn đoàn: Nguyễn Gia Trí đem tất cả sự phẫn nộ của mình hòa trong tác phẩm. Lý Toét ở đây, biểu hiệu sự quật khởi, bất phục tòng của người dân mất nước. Chưa bao giờ một bức tranh hài hước có thể đi xa đến thế.

Tranh Lý Toét của ZTTG, in trong bài Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ
của Nhất Linh, Ngày Nay số 198

Tóm lại, Lý Toét ban đầu chỉ là một ông lý nhà quê ra tỉnh, nét mặt ngây ngô hiền hậu, người vẽ cho Lý Toét biến chuyển theo cách vẽ và cá tính của mình, nhưng phải công nhận rằng các họa sĩ chuyên nghiệp như Ngạc Mai (Trần Quang Trân), Nhất Sách, Trần Bình Lộc, Cát Tường… đều vẽ Lý Toét-Xã Xệ không hay mấy, nhiều khi không bằng các họa sĩ nghiệp dư gửi tranh dự thi. Cả Tô Ngọc Vân cũng vậy.

Nguyễn Gia Trí và Lý Toét-Xã Xệ

Nguyễn Gia Trí tạo ra một Lý Toét muôn mặt, cho Lý Toét một cá tính mạnh mẽ, với bức Tập Kiều, xác định ADN của Lý Toét qua lời Nguyễn Du:

Đội trời đạp đất ở đời. Nguyễn Văn Lý Toét vốn người Việt Nam.

Nhưng Nguyễn Gia Trí không dừng lại ở đây mà còn vẽ cả bề trái của nhân vật Lý Toét và xã hội Việt Nam nữa, nhất là khi ông họp cặp bài trùng Lý Toét Xã Xệ trong cùng một bức tranh. Lý Toét Xã Xệ, dưới ngọn bút Nguyễn Gia Trí, không chỉ là nạn nhân mà họ – cũng như tất cả người Việt Nam khác – còn là thủ phạm sự suy đồi trong đời sống dân tộc.

Lý Toét gầy yếu như cây liễu nhưng khi cần thì vững như cây tùng. Xã Xệ mập ú, đầy thịt nhưng mềm như cây sậy. Cặp Lý Toét Xã Xệ luôn luôn phức tạp, không chỉ để cười mà cũng không chỉ để khóc, giống như Charlot của Charlie Chaplin, làm ta vừa khóc, vừa cười.

Trong bức tranh Cải Cách, (Ngày Nay số 55, trang 231) phụ bản bài Phá đình của Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí vẽ bữa cỗ ở đình làng, mọi người đang chè chén, tất cả đều có khuôn mặt điển hình Lý Toét Xã Xệ. Búc tranh biểu dương chính chúng ta đang ngụp lặn trong làng xã xôi thịt, cực kỳ tha hóa, và đó là xã hội Việt Nam do ta tạo dựng!

Cải Cách, Ngày Nay số 55

Đầu óc bảo thủ và xôi thịt của Lý Toét Xã Xệ – tức là đầu óc của dân làng – đã thủ tiêu bao nhiêu tiến bộ, đã dẫm nát bao nhiêu mầm non, đã đưa dân tộc trở lại những thế kỷ trước, chỉ vì có óc thủ cựu, bám chặt lấy cái búi tó trên đầu. Mà đây không phải là chuyện búi tó, nữa, nó đã mở rộng ra đến chuyện tứ đức tam tòng, đến chuyện tiết hạnh khả phong dã man tàn ác, mà Nhất Linh tố cáo, nhưng đã bị chống lại một cách triệt để. Sự chống không phải chỉ có trong đầu óc các cụ cổ đâu, mà cả trong đầu các nhà tư tưởng tân kỳ như Trương Tửu mới lạ kỳ, họ cũng miệt thị cô Nhung trong Lạnh lùng và gián tiếp coi Tự Lực văn đoàn đã tàn phá cái hay của xã hội xưa! Bức tranh dưới đây của Gia Trí, gửi tới những luồng tư tưởng cổ điển ấy.

Lý Toét, Xã Xệ của Nguyễn Gia Trí, Ngày Nay số 54

Bức tranh dưới đây, minh họa cho bài Nỗi lo sợ hàng năm của Hoàng Đạo, in trên Ngày Nay số 58) Lý Toét biểu hiệu cho bọn kỳ hào ở thôn quê, thâu thuế của dân bỏ túi, tiêu pha, rượu chè, tự nhiên như "lợi tức" của mình vậy:

Lý Toét, Xã X65, Ngày Nay số 58

Khi sự ngây ngô đi đôi với mê tín dị đoan kèm óc tưởng tượng phong phú, sẽ cho tuyệt tác dưới đây:

Lý Toét đứng trước đội binh vàng mã sắp đốt, nói với Xã Xệ:

- Bác Xã ạ, ở âm phủ thì nước ta mạnh nhất, không nước nào bằng.

Mà đúng như vậy, cho nên tục đốt vàng mã, dù được Tự Lực văn đoàn chiến đấu bằng đủ mọi cách mà nó vẫn còn sống đến bây giờ. Đã gần một thề kỷ qua!

Như thế, không phải Nguyễn Gia Trí bôi nhọ dân tộc, như nhiều người kết án, mà ông chỉ ra cái "ngu muội" của dân tộc để tự sửa, mà thôi! Chỉ những nghệ sĩ lớn mới có đủ can đảm để để viết và vẽ về cái xấu của dân tộc mình. Còn việc ca tụng con rồng cháu tiên thì ai làm cũng được.

Lý Toét, Xã Xệ, tranh bìa của Ritg, Ngày Nay 107

Kinh hãi hơn nữa là thế hệ Lý Toét Xã Xệ, bố, lại sinh ra thế hệ Lý Toét Xã Xệ, con. Và nếu ta không chịu thay đổi thì đời đời, thanh niên Việt (lúc bấy giờ, và cả ngày nay nữa, dưới một hình thức khác) sẽ không thể nào thoát ra được cảnh ham chè chén, xôi thịt, bạc tiền.

Ngày Nay số 115, số đặc biệt Thanh Niên

Nhưng Lý Toét Xã Xệ, không phải lúc nào cũng có bộ mặt tiêu cực, trong bức tranh dưới đây, họ đã "nắm vững" tình hình, không còn "ngu" nữa, đứng trước màn hài kịch "dân biểu", Lý Toét bảo Xã Xệ:

- Vẫn trò mọi năm? Nhạt lắm rồi!

Dân đã hiểu, không còn ngu muội nữa, cái trò nghị gật chỉ biết Uẩy Uẩy theo lời chính phủ thực dân, đã bị lộ tẩy:

Trò chính phủ biểu,  Ngày Nay 127

Dưới đây là bức tranh hài hước thâm thúy sâu xa: Ngày Tết, Lý Toét đem quà đến biếu quan Tây, và nói:

- Nghe nói biểu hiệu của mẫu quốc là con gà sống, nên chúng tôi đem đến tết cụ lớn con gà mái cho có đôi.

Ở đây Nguyễn Gia Trí chơi chữ… Tây:

Le coq gaulois (Con gà sống ở xứ Gaule) là một trong những biểu hiệu thiêng liêng của dân tộc Pháp.

Lý Toét bèn đem tết quan lớn Tây con gà mái cho có đôi.

Hiềm vì, gà mái (poule), đối với người Pháp ngụ ý xấu: đàn bà điếm, đàn ông nhát như cáy (poule mouillée).

Lý Toét ngụ ý: Mẫu quốc chỉ là con gà Tây, gà tồ, xứng với trai hèn, gái điếm.

Tranh Tết Tây của Ritg, Ngày Nay 144

Vẽ xong bức tranh ấy, in trên bìa báo số 144 rồi. Tuần sau, Lý Toét, Xã Xệ, hơi lo. Trời xanh ảm đạm. Đứng nói chuyện với nhau bên cạnh tờ báo, Xã Xệ tập Kiều:

Rằng hay thì thực là hay

Nhưng rồi ngậm đắng nuốt cay không chừng!

Tranh Rõ kéo loxa, Ngày Nay 145

Nhưng bức tranh cực kỳ cay đắng là bức dưới đây, in trên bìa Ngày Nay số 150 (25-2-39). Nhân dịp chính phủ Đông Dương bỏ ra 2 triệu bạc và phái ông De Beaumont đem tiền đi dự đấu xảo San Francisco. Lý Toét lấy ô kéo chân ông Tây lại, Xã Xệ đứng sau kéo áo Lý Toét:

-Thôi! Ông đẹp giai và sang trọng thế, thì ông đi đấu xảo một mình cũng đủ chán rồi. Còn túi tiền ông để lại cho chúng tôi ăn gạo, chúng tôi đói lắm!

Ngày Nay 150, tranh bìa

Bố cục và nét vẽ Lý Toét Xã Xệ, trong bức tranh này thật tuyệt hảo, diễn tả toàn bộ cuộc tranh đấu bất bình đẳng giữa hai đối tượng: một bên là bọn cướp nước, giầu mạnh, có khí giới tối tân tầu bay tầu bò. Một bên là người dân nhược tiểu, yếu nghèo, bị cướp nước mà không có khí giới để chống cự, để bảo vệ, đề giành lại lãnh thổ. Bằng cái ô, Lý Toét đã can trường, xông xáo, Xã Xệ, theo sau, bám vào Lý Toét như con sò, con ốc, thân hình co lại trong một vòng tròn tuyệt vọng.

Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ là bài viết cuối cùng của Nhất Linh, in trên Ngày Nay, sau đó ông chỉ vẽ thêm vài tranh trào phúng, rồi đến Ngày Nay số 204 (23-3-40) ông ngừng hẳn. Mùa thu năm 1940 Nhất Linh trốn sang Tầu. Trong thời gian này Nguyễn Gia Trí cũng đã đi trốn, Tô Ngọc Vân sẽ vẽ thay Gia Trí với biệt hiệu Ái Mỹ.

Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng, dù đã sống lẩn tránh, vẫn lần lượt bị bắt trong tháng 9-1941. Chỉ còn lại một mình Thạch Lam.

Lúc ấy, Thạch Lam, đã nhuốm lao, ông mất ngày 28-6-1942, ở tuổi 32, trong lúc Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, đang bị tù ở Vụ Bản và Nhất Linh lưu lạc bên Tàu.

Trong tất cả những bất hạnh này, Lý Toét đều dính líu xa gần.

Suốt thời gian vẽ hý họa tranh đấu, từ 1936 trở đi, Nguyễn Gia Trí đã dùng Lý Toét như một phương tiện lợi hại chống Pháp. Cho nên có thể nói: Lý Toét đã góp phần vào việc Phong Hóa bị mất giấy phép, Nguyễn Gia Trí và Hoàng Đạo bị tra tấn khi bị bắt.

Lý Toét cũng là bài viết cuối cùng của Hoàng Tích Chu trên Phong Hóa và của Nhất Linh trên Ngày Nay.

Lịch sử Lý Toét gắn liền với cuộc cách mạng chữ, cách mạng tranh, và cách mạng súng, của Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đạo, và cái chết quá sớm của Thạch Lam.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển 3, Đại Nam chụp in lại tại Hoa Kỳ, trang 446.

[2] Xem chương 5: Sự thành lập Tự Lực văn đoàn.

[3] Xem chương 6- Đổi mới ngôn ngữ và tư tưởng.

[4] Nhất Linh trong bài Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ, Ngày Nay số 198 (3-2-40).

[5] Xem chương: Tự Lực văn đoàn có những ai?

[6] Papa tòa báo của Trần Khánh Triệu, in trong Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 162-163.

Nguồn: Văn Việt