Monday, April 12, 2021

1987. ĐẶNG KIM CÔN Truyện ngắn NƠI MÙA XUÂN THÔI HẸN ĐẾN

Cardinal - Nguồn ảnh: Google image

 

Ở Việt Nam tôi chưa từng biết đến loại chim này, thấy nó có cái mũ, tôi tạm đặt nó là chim chào mào, ở đây người Mỹ gọi nó là chim Cardinal, màu lông nó sẽ thay đổi tùy theo vùng nó sinh sống. Loại này là Northern Cardinal, chỉ ở Miền Bắc Mỹ nó mới có màu đỏ, chào mào đỏ, Hồng y, vì ngoại trừ một túm lông đen như cái nơ duyên dáng khoảng cổ, toàn thân nó đều khoác một màu đỏ, mà màu đỏ này đặc biệt hấp dẫn tôi, nó vừa rực rỡ vừa đằm thắm, mỗi lần nhìn nó, tôi có cảm giác chung quanh chỗ ngồi của tôi ấm hẳn lên, nhất là những ngày trời lạnh xuống.


Cũng như mọi loài muông thú khác, giống chim cũng có những tập quán riêng. Chim Cardinal ở vùng này không nhiều, chúng xuất hiện ở thủ đô nhiều mỗi khi xuân đến khí hậu mát mẻ cây cỏ xanh tươi, và nhất là trước khi mùa hoa anh đào nở. Đôi chim ở vườn nhà có lẽ là một đôi chim ham vui, có lẽ chúng đang đi hưởng tuần trăng mật, một lẽ khác là chắc tại vườn nhà có trồng một hàng cây hoa anh đào mà mỗi năm đến tháng 3,4 mới trổ bông. Theo quán tính, nó đánh hơi theo gió và biết mùa xuân sắp về trên những cành anh đào mới nhú bông, trơ trụi lá, từ đâu đó nó xuất hiện trong vườn vậy thôi.


Từ khi về ở với con gái tôi, nó sắm cho mẹ một bộ bàn nước xinh xinh ở vườn hoa, đặt ngay nơi cửa sổ phòng ngủ của tôi nhìn ra. Những ngày trời ấm, tôi hay ra ngồi tắm nắng nhâm nhi bánh ngọt uống trà cúc ở đó. Nơi đây nó cũng treo lủng lẳng một bộ đồ “nuôi chim trời”, mà mục đích chỉ để dụ bầy chim ruồi về hút nước trong mấy cái chai, để xem chúng đập nhẹ đôi cánh lấp lánh sắc màu, như chiếc trực thăng đứng yên trong khoảng không, rồi, nếu thấy không đủ thì chúng có thể ghé qua những cây hoa trong vườn hút tiếp mật của những bông hoa đang hàm tiếu trong vườn (mà đúng ra, nếu là tôi thì tôi phải ưu tiên “ăn” mật hoa trước, khi nào không đủ mới nhớ tới cái món nước lã pha hóa chất vô bổ kia), và lắm khi, chúng vừa vỗ cánh vừa chúi mỏ vào cái bông ngay trước mặt tôi, chừng như tôi có thể đưa tay ra chộp nó dễ dàng, và cái hình ảnh chim hút mật ngay tầm tay mình này, là cái điều tôi thích nhất. Thường thì mỗi ngày, nửa buổi sáng, nửa buổi chiều, cuối giờ chiều, là chúng bay về… thăm tôi, hay là cho tôi thăm nó, tôi không biết có phải mấy giọt mật hoa, có đủ cho nó sống không, không lẽ nó cậy nó nhỏ con, chỉ nhỉnh hơn con ong bầu ở Việt Nam chút xíu, là nó chẳng cần ăn gì ngoài mấy giọt nước đó sao?


Nhưng cái bình nuôi chim đó lại không lọt vào mắt xanh của đôi chào mào đỏ, có lẽ là một đôi vợ chồng (đang hưở ng tuầ n trăng mật, hay có phần chắc là một đôi tình nhân mới quen, tôi thấy chúng “còn” quấn quít nhau lắm), có lẽ chúng nó không thể bay đứng yên một chỗ để cắm mỏ vào bình nước được chăng? Tôi chỉ thấy thỉnh thoảng chúng sà xuống cái hòn non bộ ở góc vườn uống nước hay tắm táp chút đỉnh rồi bay đậu lên mấy cành cây ven rào rỉa lông. Những lần tôi mới ngồi vào nơi bàn nước ấy, chúng nó ríu ra ríu rít trên cây đào nhỏ gần tôi, như vừa hỏi han tôi, vừa giới thiệu hạnh phúc của chúng. Sau đó chúng mon men bay cả đôi đến đậu lên bàn và nhìn tôi… dò dẫm. Tôi cho chúng ăn một ít vụn bánh ngọt, đôi khi là vụn bánh mì, nhỏ vài giọt trà cúc, có khi café hay rượu nho lên bàn, và chúng cũng… vui vẻ dự bữa với tôi. Tôi nói chuyện với chúng, và mỗi ngày, mỗi ngày sau đó, thật lòng, cô rất vui với sự quen biết này, các con hãy cứ là những người bạn, hãy tâm tình, để cô cùng vui lây với hạnh phúc các con, thứ hạnh phúc mà lúc nào cô cũng khao khát và trân quý. Hãy biết gìn giữ lấy những gì mình đang có được, cuộc đời mong manh, và những gì cô tưởng là chắc đó thì cũng chỉ… mong manh. Khi cô còn trẻ như các con, cô đã trải qua những năm tháng bất hạnh, không bao giờ, đúng hơn là chưa bao giờ, cô có được những nụ cười, ít nhất là ánh lên trong mắt như các con, hay những lúc yêu đời, buột miệng hát lên một vài câu tình ca như các con…


Đôi chim vừa nhún nhảy trên bàn, vừa kêu chip chip, đôi lúc liếc nhìn tôi như chia sẻ, rồi bay lên rào, chuyền từ cây đào qua hàng liễu, có khi lại trở lại bàn, có khi bay lòng vòng đâu đó… chắc để đỡ buồn, đỡ phải nghe những tiếng thở dài của tôi.


Tôi không nghĩ là chúng vì những miếng ăn thức uống trên bàn mỗi ngày, tôi cũng không nghĩ là tôi đã dùng những thứ đó để dụ chúng, mà đơn thuần là tình cảm với nhau, chúng muốn chia sẻ câu chuyện của tôi, hoặc là vì lịch sự, có thể là tôn trọng người lớn, nên chúng đến hẹn đều đặn mỗi lần tôi ngồi vào chiếc bàn cô đơn kia. Hôm nào nắng quá hay lạnh quá, tôi không ra vườn, thì hình như là tôi quên chúng chứ chúng không quên tôi, có lần tình cờ nhìn ra khung cửa sổ, tôi thấy chúng vẫn bay về đậu trên bàn ngoài vườn, buồn buồn nhìn vào phòng tôi, làm tôi xốn xang hiểu là có đã biết bao lần tôi đã vô tâm đến nỗi quên cả kéo rèm cửa lên, để biết những người bạn của mình đang lo lắng cho mình, không biết người bạn trong phòng ấy bị trái gió trở trời làm sao. Những lúc đó, khi nó đã thấy được tôi, hai đứa nó nhìn nhau gật gật cái đầu, như nói với nhau, là cô ấy không sao rồi, rồi vỗ cánh bay đi. Bay đi, rồi bay trở lại.



Bay đi bay về, vậy mà, chúng tôi đã quen nhau hơn một năm, kể từ mùa thu năm trước, tất nhiên là không phải ngày nào cũng gặp nhau, xứ lạnh, năm chỉ đâu chừng ba, bốn tháng là có thể dám ngồi ngoài trời thưởng hoa đàm đạo với bạn bè. Và mùa lạnh thì tuyết trắng mênh mông, có khi băng đóng dày khắp trên mặt đất, tất nhiên là mọi ngã đường, xe cộ đều tê liệt, mọi người đều ru rú trong nhà, thật lòng những lúc đó tôi có lo lắng cho đôi chim, mà không biết chúng ở đâu. Rất may là đến khi trời ấm, tôi lại thấy chúng trở về tung tăng trên hàng rào, và cũng có khi, chắc vì chúng nhớ tôi, đã bay đến ríu rít trên chiếc bàn nước vườn hoa.


… Không phải cuộc hôn nhân nào cũng từ tình yêu và cũng không phải tình yêu nào rồi cũng đến hôn nhân các con ạ. Khốn nạn thay là cả hai nghịch cảnh ấy đều giáng xuống cuộc đời cô, với cam chịu, với nước mắt. Để rồi đến một ngày kia, cô gặp chú ấy…


Tôi lại khóc như đã từng khóc một mình, đôi chim nhìn tôi, không biết cái nhìn trêu ghẹo, lêu lêu lớn rồi mà còn mít ướt, hay là nhìn một cách vừa ái ngại vừa cảm thông, chúng cúi xuống mấy vụn bánh hạnh nhân, ríu rít…


-Năm ấy cô cũng còn đẹp lắm, xin lỗi các con, nếu không phải là nói với các con thì cô không dám nói như vậy, cô đã đến với chú ấy bằng tất cả trái tim đã nhiều năm đông cứng của cô, cô yêu như chưa hề biết yêu, và cũng được biết đến thế nào là hạnh phúc, như các con đang biết bây giờ…


Và rồi, vì sao mà cô nhủ các con hãy biết giữ gìn những gì mình đang có là vì hai cái chữ mong manh mà cô đã dùng trước đây. Cuộc đời, niềm vui thì ngắn ngủi, mà nỗi buồn thì triền miên. Sự khổ đau thường là nó vô chừng, bất ngờ như những tai nạn, cô… đã mất chú ấy, hay nói đúng hơn, là hai cô chú đã mất nhau!


Nói là quen nhau hơn một năm, nhưng thật ra, với cả đôi thì chúng tôi chỉ kéo dài hơn nửa năm, khoảng thời gian còn lại sau này, tôi chỉ còn thấy một con chim mái thui thủi một mình. Con chim mái và tôi, hai kẻ thui thủi giống nhau hình như đã thân thiết nhau hơn. Khi con chim mái đến với tôi một mình lần đầu tiên, nó rũ rượi không thiết gì ăn uống gì, có vẻ nó cứng rắn hơn tôi, nhưng vẫn không giấu được cái cõi lòng đang tan nát của nó. Nó không nói tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Ở Việt Nam, những con chim đẹp thế này mà không bị săn bắt mới là lạ, nhưng mà ở đây, chim muông sống dưới sự bảo vệ trong một vườn địa đàng mênh mông, hoàn toàn không có con rắn nào rình rập, cũng không có những quả táo vàng ươm thơm nức mũi cám dỗ từng giờ, nhà ở dưới những tàng cây cao, sáng sáng chiều chiều các loại chim thi nhau hót, nghe như mình đang nằm trong rừng. Chúng rất dạn dĩ, thấy người chúng thản nhiên dương mắt ngó, thấy xe cũng cứ đủng đỉnh mặc cho ai muốn tránh nó hay muốn cán nó “tùy lòng hảo tâm”. Vậy loại trừ những hiểm nguy đã đến với nó, thì chuyện gì đã chia uyên rẽ thúy đau đớn đến thế? Tôn trọng những phút giây riêng tư nên tôi im lặng cùng cái im lặng của nó. Tôi muốn nói với nó, chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi, qua một cách tốt hơn, hay xấu đi thì cũng phải qua, nhưng thấy tâm trí nó đang xa xôi, tôi cũng xa xôi nghĩ tới con chim trống, bây giờ nó ở đâu. Bây giờ anh ở đâu?

 

Dần dà rồi con chim cũng bớt buồn. Nhưng chúng tôi không gần nhau được bao lâu nữa, trời bắt đầu se lạnh, tôi cũng bắt đầu bớt ra vườn, một trong những lần sau cùng tôi và con chim mái ấy ngồi bên nhau, tôi chỉ nó cái hộp thực phẩm dưới gầm bàn, nơi duy nhất được kín khuất, khi nào trời lạnh, cô không ra ngoài được thì con cứ tự nhiên dùng mấy cái hạt kê này, hôm nào trời ít lạnh chút cô sẽ để thêm cho con, yên tâm đừng đi đâu xa, mùa này gió mưa tuyết bão, nguy hiểm lắm con nhé!… Vậy là tôi yên tâm rút vào trong nhà, với áo lớp trong lớp ngoài, với chăn êm nệm ấm, đôi lúc nhơ nhớ vén rèm nhìn ra vườn, vườn vắng tanh, thường thì vào những khi trời đổ lạnh, tất cả các loài chim biến đâu mất, sáng sớm không còn nghe tiếng chim hót véo von nữa. Tôi thầm nghĩ bụng, bản năng mà, chắc chúng cũng phải biết tìm nơi an toàn để sống, với lại, trời đã sinh ra sinh vật nào sống ở đâu thì chắc chắn sinh vật đó thích hợp với thời tiết nơi đó, từ thời ăn lông ở lỗ chưa có máy sưởi, máy lạnh, con người vẫn sống hàng ngàn năm đến giờ ở những nơi nóng đến 45 độ C cho đến những nơi xuống dưới -50 độ C. Nghĩ ra được điều này, tôi thở phào nhẹ nhõm.


Nói rút vào trong nhà không có nghĩa là cố thủ, thỉnh thoảng tôi cũng ra ngoài để mua sắm, đi bác sĩ hay đi bưu điện… Có điều chỉ hơi lạnh chút lúc bước xuống xe, từ chỗ đậu chạy vào nơi mình cần, còn trên xe thì lúc nào cũng ấm nhờ máy sưởi, tuy nhiên, có đi thì cũng là những khi thời tiết kha khá lên một chút. Ý là, khác với hôm nay, ngoài trời vẫn đang lạnh tương đương 4, 5 độ C, lòng tôi bỗng xốn xang nhớ tới con chim mái, đã lâu, không gặp cũng buồn, tôi muốn thăm lại cái bàn nước, chỗ hẹn thường ngày, như ngày ấy… Ngày ấy, sau khi mất anh, tôi cứ loanh quanh đi tìm lại những con đường…


Vườn lạnh lắm, chỗ ngồi càng lạnh hơn. Tôi ngồi xuống một chút để bỏ thêm thực phẩm vào cái hộp cho con chào mào đỏ, tá hỏa, cái hộp trống trơn, chỉ còn sót lại trong hộp vài chếc lông vũ màu đen, chắc của cái đám sáo sậu vẫn hay ồn ào quanh vườn. Thôi rồi, vậy là chúng nó đã cướp cơm của chào mào bé bỏng cô đơn tội nghiệp và thân thiết của cô rồi. Sao chúng nó biết cái góc khuất riêng tư của chúng mình? Sao chúng tìm thức ăn nhanh nhạy vậy? Con có bị chúng đánh không? Lâu nay con lấy gì ăn? Đồng ý là chúng cũng cần sống, chúng cũng tội nghiệp, nhưng dẫu sao, chỉ có một điều khác biệt duy nhất, là, tình cảm. Tình cảm giữa cô với con khác với chúng mà. Cô vẫn bỏ thêm thực phẩm đây, nếu con còn lẩn quẩn quanh vườn, có khi nào đó con sẽ ghé lại dùng, lúc này cô không nghe tiếng “cãi nhau” ra rả của bầy sáo sậu, có lẽ chúng đã thiên di xa rồi. Cô nhớ con.


Từ lúc biết thực phẩm để dành cho chào mào đỏ bị mất cắp, tôi chú ý nhiều hơn tới chỗ gầm bàn. Quả nhiên con chào mào đỏ vẫn chưa đi đâu xa, một hôm trời hảnh, nó bay về đậu trên bàn, nhìn vào khung cửa sổ phòng tôi, mừng quá, tôi đập tay vào kính, báo cho biết cô đây, cô đây… rồi vội vã chụp cái áo khoác, mở nhanh cửa lớn chạy ra vườn thì không thấy nó đâu nữa. Tôi quay vội vào nhà vì trời lạnh quá, quần áo giày vớ dày cộm, thêm cái áo khoác có mũ trùm đầu và tôi đã kéo chùm kín hết mặt, chỉ chừa đôi mắt, vậy mà không biết gió tìm được lối nào mà luồn vào đến buốt tận sống lưng.


Chỉ lội ra ngoài có chút xíu ấy mà tôi bị cảm lạnh. Chiều tối tôi bị ho, đau trong hốc mũi và trong vòm họng, có cảm giác hơi sốt, để trấn áp bệnh tình có thể diễn biến xấu hơn, tôi uống ngay 2 viên Tylenol, qua một đêm, vẫn chưa thấy đỡ…


 Thời tiết đánh lừa con người, đánh lừa tôi, đánh lừa cả con chim, nên nó tưởng trời quang mây tạnh, nó ra ngoài…


Buổi sáng ấy, nó đậu trên cây đào nhỏ, lúc đó đang mới nhú lên những lộc lá non. Nó nhảy nhót rất là vui vẻ, không thấy nó ghé lại bàn tìm thực phẩm, và cũng không biết nó có biết tôi đang bịnh không. Trời đang hấp háy lên chút nắng. Trên hàng rào, những con chim khác cũng thi nhau véo von, những con chim ruồi cũng đang chờn vờn bên bình nước… lạnh. Thật ra thì chỉ là thấy bất ổn trong người, chứ cái vụ cảm xoàng này không dễ gì làm khó tôi, tôi muốn ra vườn với nó… Tôi lấy cái máy ảnh, hướng về chào mào đỏ bấm mấy bô, tiện tay bấm luôn mấy con chim ruồi đang hút nước. Tôi gom một ít sữa, bánh ngọt, rượu nho, quay lại cửa sổ thăm chừng nó, thì một lần nữa, nó đã bay đi.

 

Đến giữa trưa, nắng bỏ trời đi, và mây kéo trời thấp xuống, nhìn ra ngoài thấy gió phơ phất các cành cây mạnh hơn, không khí trong nhà lạnh hơn… Lạnh dần xuống, nhưng ở nhà không ai nghĩ là tháng này lại còn tuyết rơi! Tôi nhìn mông lung ra cánh rừng thưa sát nhà, thình lình một trận tuyết đổ xuống. Tôi chột dạ, nhưng có phần cũng hơi yên tâm, vì “không thấy gì nghĩa là không xảy ra gì (No news is good news)”, thiên tính đã phú cho các loài vật sống ngoài hoang dã cái bản năng phát hiện và thích nghi với các hoàn cảnh khí hậu thời tiết, chắc nó đã biết tìm (hoặc cũng đã có sẵn) nơi ẩn náu.


Thiên nhiên đã đánh lừa chúng tôi, trớ trêu thay một buổi sáng đẹp trời sau nhiều ngày u ám, làm tôi nhớ một câu phương ngữ ở Texas “Bạn không tích thời tiết ở Texas, hãy đợi chút” thì ở đây, có khác gì!


Tôi nói chúng tôi bị đánh lừa, vì chính cái buổi sáng nắng hây hây kia là thủ phạm đã dụ dỗ mọi loài cùng vươn mình dậy sau nhiều ngày ủ rũ, giống như là thiên nhiên đã giương một cái bẫy rập, để càng nhiều càng tốt, tiêu diệt các sinh vật dưới bầu trời này.


Tôi không biết các loài chim khác thế nào, có bị gì hay không, trong lúc tôi hoàn toàn yên tâm về nó, thì, buổi chiều, trong cơn bão tuyết mỗi lúc một mạnh hơn, bất chợt nhìn ra ngoài, tôi thấy bên cửa sổ có gì đó động đậy, nhìn kỹ, thì ra là con chào mào đỏ! Không biết sáng giờ nó ở đâu mà giờ còn ở đây? Tôi lại nhìn thấy nó loay hoay bên đống tuyết dưới mái hiên nhà, tôi vội lấy tay đập nhẹ vào cánh cửa kính, con chim ngước nhìn thấy tôi bên trong cửa kính, nó lại lắc lư cái đầu có chờm lông lấm tấm mấy bông tuyết trắng, trên mình nó cũng vậy, đầy tuyết. Tôi lại gõ gõ vào kính, nghe động, một cách khó khăn, nó ngoái nhìn lên ô cửa rồi bước từng xiêu vẹo bước trên tuyết, nó cứ đi như thế vì hình như nó không còn bay được. Trời vẫn đang đổ tuyết, mà tôi, vì không hề nghĩ nó vẫn bị kẹt trong trận bão tuyết bất thình lình này, cho nên đã không có sự chuẩn bị nào cho việc phải ra ngoài giữa cơn gió bão. Tôi lại khoác vội chiếc áo choàng, lao ra cửa lớn, và khi vừa mở được mấy cánh cửa, gió ào ào thốc vào tôi, dập mạnh cửa, suýt nữa mấy cánh cửa xô tôi bật ngửa. Tuyết cũng “hùn gió bẻ măng” thừa cơ hội ngàn năm một thủa, cũng muốn ăn sống một con người, chúng phủ trắng xóa lên khắp người tôi hòng biến tôi thành người tuyết, tôi biết! Tôi kịp thấy nó đã đi gần tới bìa rừng, cách sân nhà 4, 5 met. Không biết chuyện gì xảy ra, con gái tôi hốt hoảng chạy theo níu tôi lại, “Mẹ, Mẹ! Việc gì vậy mẹ?” “Không con, không có gì”, tôi trả lời, mắt vẫn nhìn theo chào mào đỏ, nó bắt đầu khuất dần sau lớp tuyết trắng xóa của một gốc cây lớn. Tôi đau đáu nhìn theo, ngậm ngùi, như chờ nó một điều hứa hẹn…


Chưa bao giờ tôi thấy nó lầm lũi, khập khiễng đi một cách vô vọng như thế, sau gốc cây lớn đó là rừng sâu hun hút. Tôi hiểu, nơi đó, nó không còn mong mùa xuân sẽ đến.


Cái màu đỏ của con chim cardinal khập khiểng đi trên tuyết khi đó làm tôi bồi hồi nhớ đến hai bài thơ* của Hàn Mặc Tử, trong đó có câu:
“Kìa ai gánh máu đi trên tuyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”

 

Hai tháng sau, nắng ấm, hàng anh đào rộn ràng khoe sắc, bầy chim rừng bay đến hót líu lo quanh nhà, không thiếu cả ba bận mỗi ngày, mấy con chim ruồi lượn lờ hút mật hoa cũng như bầy sáo sậu “ăn quen nhịn không quen” lượn lờ chuyền trên hàng rào như muốn nhắc nhở tôi bổ sung thực phẩm!


Chỉ thiếu con chào mào đỏ. Có phải mùa xuân vẫn chưa thực sự về? Hay mùa xuân thôi không hẹn đến? Có thể nào mùa xuân đang ấm áp nơi góc rừng phía sau gốc cây thông lớn?


Nắng mỗi ngày một chói chang hơn, nhưng không đủ ấm nơi chiếc bàn nước tôi ngồi với tấm ảnh con chào mào đỏ tôi lồng trong một cái khung bằng bạc. 

__

* Hàn Mặc Tử: Cuối Thu & Những Giọt Lệ.

 

Tháng 1/ 2014

ĐẶNG KIM CÔN