Monday, May 24, 2021

2030. NGUYỄN MINH NỮU Chút tình gửi đến Giang Hữu Tuyên

Yellow rose - Photo by PCH

Trong lần gặp nhau hồi đầu tháng giêng năm 2012, Trần Hoài Thư gợi ý với tôi về một số đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo dành riêng cho nhà thơ Giang Hữu Tuyên mà Trần Hoài Thư biết rõ là tôi đã có một thân tình như anh em.

 

Tôi thực sự thú vị và thầm cảm ơn nhã ý đó của anh Thư.

 

Thú vị, bởi vì được làm một điều tôi ao ước đã lâu: Giới thiệu lại những bài thơ nồng nàn tình quê hương của Giang Hữu Tuyên và sưu tập lại những bài viết của rất nhiều người nói về một nhà thơ đậm chất nông thôn miền Nam này.

 

Tôi gặp Giang Hữu Tuyên lần đầu vào mùa đông 1996, lúc đó, tôi vừa định cư ở Mỹ được hơn một năm. Hôm đó là một buổi tụ tập vui chơi của những anh em hoạt động văn nghệ trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Buổi tối đó ở nhà  một thân hữu có khoảng vài chục người. Những người có mặt đều là những tên tuổi nổi danh, hoặc không nữa thì cũng là những nhà hoạt động về văn học nghệ thuật có tiếng trong vùng. Về tuổi tác, ngoại trừ anh chàng Nguyễn Kỳ Phong là cỡ tuổi tôi, còn lại, thì đều ở lứa già hơn tôi khá nhiều.


Giang Hữu Tuyên (1949-2004)

Năm 1996, là 21 năm sau ngày 30 tháng 4, 1975.  21 năm định cư trên đất Mỹ đã hình thành một cộng đồng người Việt đa dạng, thành đạt trong danh phận, thành công trong kinh doanh và trưởng giả trong lối sống thời thượng. Cái  làm tôi cảm thấy lẻ loi là sự sành điệu và phong cách rất Mỹ của những người đang thành công trên  vùng đất mới, so sánh với mình, một người vừa chân ướt chân ráo, ngơ ngác và ngờ nghệch giữa đám đông.

 

Giang Hữu Tuyên đến trễ hơn mọi người. Tiếng cười nói của Tuyên dồn dập chào người này, đùa với người khác ồn ào và ấm áp. Bùi Bảo Trúc chỉ vào tôi giới thiệu với Tuyên, Tuyên nồng nhiệt bắt tay và lắc tay tôi nhiều lần một cách thân ái: “Hay quá, hay quá, tôi mới đọc bài ông viết về đêm nhạc Ngô Minh Trí, thích lắm…”

 

Câu chuyện chung quanh vẫn ồn ào. Đầu tiên xoay quanh chuyện thăm hỏi những bạn bè cũ từ lâu không gặp mặt, nhắc nhớ những kỷ niệm thời sinh viên của anh trai tôi với nhóm bạn cũ, sau đó câu chuyện dông dài có lúc nói về các loại rượu đắt tiền, có lúc nói về các trường tư thục có tiếng tăm để gửi con đi học. Câu chuyện của những người đó không làm tôi ham thích mà còn có cảm giác khó chịu.

 

Tôi lại không thể đi về, vì tôi tới đây với người anh ruột cũng mới từ Việt Nam qua, mà người anh đó là bạn với Ngô Vương Toại, Bùi Bảo Trúc… và là bạn của khá đông người có mặt trong buổi gặp đó. Tôi im lặng nhìn theo mọi người, bỗng Tuyên khều tay tôi: ra ngoài hút điếu thuốc không? Tôi vội chụp lấy cơ may và đứng lên với Tuyên.

 

Ra bên ngoài, Tuyên nói nước Mỹ này là vậy, ông nên làm quen với cái không khí đó, cái thực dụng của đời sống đã xâm nhập vào tâm hồn mọi người, nên coi nhẹ những cá biệt để sống với cái chung.

 

Tôi sững sờ nhìn Tuyên, và xúc động khi hiểu được Tuyên đã nhìn thấy chút cảm khái của riêng tôi giữa đám đông ở trong nhà.

 

Sau này chơi thân với Tuyên, tôi lại biết thêm điều nữa là Tuyên không hút thuốc, cho nên hành động rủ tôi ra ngoài hút thuốc lại mang thêm ý nghĩa khác, ý nghĩa chia sẻ cảm thông một cách tế nhị mà thường hiếm có của người bản chất mộc mạc Nam Bộ như Tuyên.

Tuyên định cư tại Hoa Kỳ từ những ngày đầu sau 1975, và ngay lúc đó  bước vào làm báo Việt Ngữ, tờ tuần báo ông thực hiện  cho đến cuối đời là Hoa Thịnh Đốn Việt Báo.Khi đột quỵ và chia tay với mọi người , là ngày tuần báo Hoa Thịnh Đốn  phát hành số báo thứ 1.000.  Một ngàn tuần lễ gần với 20 năm. Không như ở Việt nam ngày xưa có hệ thống phát hành, báo bên này sau khi in ra, tờ báo phải tự phát hành tới các khu thương mại người Việt, căn bản là các cửa hàng, dịch vụ kinh doanh có đăng quảng cáo trên tờ báo để sau đó thu tiền, đem tiền về làm tiếp số báo tuần sau. Không kể thời tiết đang nắng hay mưa, không kể mùa hè nóng cháy hay mùa đông buốt da, Giang Hữu Tuyên vẫn chuyên cần mỗi tuần đi phát báo. Bài thơ nổi tiếng của Giang Hữu Tuyên chính là bài thơ nói về công việc này:

Trời Mưa Đi Phát Báo.


Chiều ngã năm đường năm bẩy ngã

Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi

Bao mùa mưa đã im giông bão

Sao nước trường giang vẫn khứ hồi

 

Mười mấy năm làm tên phát báo

Lòng buồn theo thành quách xa xưa

Những trang tin dội từ quá khứ

Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa

 

Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi

Sáng chưa đi, chiều lại mưa về

Mưa ngã năm từ năm bẩy ngã

Ngã nào cũng mưa và mưa thôi

 

Xấp báo trên tay vừa ướt hết

Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay

Hình như những mùa mưa thuở trước

Đang về làm ướt trái tim ai.

 

Khoảng một năm sau đi làm lao động trên đất Mỹ, tôi đã ý thức thật rõ vị thế của mình. Cái mà công việc nước Mỹ cần thì tôi không có, cái tôi có thì nước Mỹ không cần.  Nước Mỹ cần người có trình độ chuyên môn, có học vị và nhất là có khả năng Anh ngữ trôi chảy, hay ít nhất thì cũng phải có một sức khỏe trai tráng để lao động. Tôi thì sao?

 

Suốt lứa tuổi thanh niên mới lớn thì lao đầu vào chiến tranh, sau chiến tranh thì suốt 20 năm ở lại quê nhà thì lao đầu vào miếng cơm manh áo, qua tới nước Mỹ khi gần tới tuổi 50, trình độ không có, sức khỏe suy sụp, khả năng Anh ngữ thì chỉ đủ sáng say Hi, tối say bye, cho nên chút khả năng còn có được về văn hóa Việt đã đưa tôi tới quyết định làm một tờ báo thương mại trong vùng.

 

Tờ báo Văn Nghệ ra đời năm 1997, và khác hẳn với cái thông lệ “Hai cô ca sĩ có yêu nhau bao giờ”, Tuyên và tôi trở thành hai người bạn thân thiết.

 

Mỗi sáng, khi rời khỏi nhà để ra khu thương mại Eden mở đầu cho một ngày làm việc, bao giờ Tuyên cũng gọi điện thoại cho tôi. Nhưng khác với Tuyên là một người quen với việc ngủ sớm và dậy sớm, tôi thường sa đà vào internet tới khuya lơ khuya lắc nên thức rất khuya và dậy rất trễ.  Cũng có những lần bật dậy lao vào vệ sinh sau đó thay đồ ra ngoài uống cà phê ăn sáng với Tuyên, nhưng thường là tôi ầm ừ rồi ngủ tiếp. Tuyên lại gọi, lần thứ hai, lần thứ ba… vẫn nằm trên giường, tôi trả lời với Tuyên ông ra trước đi, tôi đang trên đường ra.

 

Có lần, khi trả lời với Tuyên như vậy khi vẫn nằm trên giường, giọng Tuyên la lớn trong điện thoại: “ĐM, on the way cái gì, tui đậu xe trước cửa nhà ông nè.” Tôi lồm cồm bò dậy, nhìn ra cửa sổ… đúng thiệt là chiếc xe van mầu xám đang đậu trước sân. 

 

Giang Hữu Tuyên mê thơ và yêu thơ đến cuồng nhiệt. Khi làm được một bài thơ mới, hoặc có khi ngẫu nhiên nhớ về một bài thơ đắc ý, Tuyên kỳ kèo cho bằng được để lôi tôi lên xe, kết hợp với một công việc nào đó của tờ báo hay nhà in mà Tuyên làm chủ, trên xe, Tuyên say sưa vừa lái xe vừa đọc và tự phân tích về bài thơ mình làm.

 

Kỷ niệm đáng nhớ là một lần khi lái xe qua Maryland, Tuyên vừa đi vừa đọc bài thơ…

 

Bài thơ đang đọc giữa chừng khi xe đang chạy trên xa lộ, tôi cũng lim dim mắt nghe, bất ngờ một chiếc xe  từ trong exit chạy ra, chiếc xe chạy ẩu change vào lane xe Tuyên đang chạy một cách bất ngờ, nên Tuyên hoảng hốt  chửi thề và đạp thắng, cho nên bài thơ bỗng dưng thành:

 

Ta bỏ nước làm người lưu lạc 

Nghe chim rừng ngọt giọng ca dao 

Nghe trăng năm cũ về…. Đù mẹ… 


Rồi Tuyên tỉnh bơ đọc câu kế tiếp: 

Nghe dáng ai xưa bóng lụa đào

 

Tôi ngạc nhiên, ủa sao thơ gì mà có chữ đù mẹ vậy. Tuyên cười ha hả.

Chuyện chửi thề buột miệng của Tuyên thì …nhiều lắm. Nhưng buột miệng trên micro và trước đám đông cả trăm người thì nhớ hoài chuyện này:

 

Khi đó, năm 2003, nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ ra mắt tập thơ đầu tay trong một hội trường lớn ở thành phố Annandale. Phan thị Ngôn Ngữ là một nhà thơ hạnh phúc, vì phu quân và các con của bà đều rất nhiệt tình cổ vũ cho  bà trong buổi ra mắt này. Khách mời có lẽ tới hơn ba trăm người.  Hai ca sĩ đến từ California là Anh Dũng và Ngọc Hạ. Bốn diễn giả mà  nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ mời là Kiệt Tấn đến từ Pháp, và ba người làm thơ trong vùng là Trần Nghi Hoàng, Giang Hữu Tuyên và Nguyễn Minh Nữu.  Tuyên lúc đó là kẻ ngoại đạo với computer, chàng chỉ viết tay  tóm lược những ý chính  để khi lên diễn đàn thì vừa nói vừa liếc qua nội dung cho đủ thời khắc và tránh lạc đề. Những bài Tuyên viết  chuyển qua cho chị Sương (bà Tuyên) đánh máy. Hôm đó, chị Sương đánh máy rồi, và khi in ra, bất ngờ máy hết giấy nên mới in được 3 trang trong tổng số 5 trang của bài viết. Đã tới giờ, nên Tuyên vội vàng chụp ba tờ giấy in xong bỏ vào túi, còn xấp bản viết tay thì một người bạn đi cùng  là Vương Đình Thanh cầm theo.

 

Khi tới hội trường, chàng nói thao thao bất tuyệt giữa hội trường yên lặng lắng nghe, bất chợt khi bỏ trang thứ ba qua để bắt đầu đọc tiếp trang thứ tư… chàng ta mới phát hiện đâu mất những tờ sau. Tuyên nhìn quanh quẩn, rồi nhìn xuống chân nháo nhác tìm và buột miệng ơ… đù mẹ…. Cả hội trường bật cười ồ.  Lúc đó, Vương Đình Thanh mới chạy lên đưa cho Tuyên xấp giấy viết tay… và chàng lại hăng say nói tiếp. Vương Đình Thanh là võ sư, là người đi cùng với Tuyên vào cái ngày cuối tại phi trường Rigan, đỡ Tuyên trong tay khi gọi cấp cứu để sau đó chàng đi xa mãi mãi.

 

Tiếng chửi thề của Tuyên không phải là lời chửi tục, mà là lời buột miệng của người dân chất phác miền Nam, câu buột miệng  như một lời nói đùa, nói ra xong cái gì nghiêm trang, căng thẳng bỗng dưng thành bọt bèo tan cả.

 

Giang Hữu Tuyên đột quỵ và đi xa vào đúng tuần lễ mà tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo xuất bản tới số thứ tự 1000.

 

Về thơ, Giang Hữu Tuyên ngoài tác phẩm “Tuyển tập thi ca 1975 – 1977”, do nhà xuất bản Bố Cái ở Nam Cali thực hiện năm 1978 với sự góp mặt của 8 nhà thơ gồm: Nguyễn Nam An, Hoàng Phú Hoan, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong, Cao Tần, Thi Thạch, Trần Mộng Tú, Giang Hữu Tuyên.

 

Năm 2002, anh có in một tập thơ mỏng, lấy tên một bài thơ của anh được nhiều người yêu thích làm tựa đề chung: Trời Mưa Đi Phát Báo. Tập thơ dày 74 trang,  mang tính cách một bản thảo xuất bản trước, rồi sẽ tổng kết và in lại sau. Nhưng anh đã mất trước khi làm lại điều này. Nhận xét về thơ Giang Hữu Tuyên, nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh đã mô tả rất chính xác như thế này: “Thơ Giang Hữu Tuyên có nét riêng của những người sinh trưởng từ Nam Bộ. Thơ, đầy những hình ảnh của thôn quê, của liếp rau bên ao, của con kinh trước mặt, của giậu mồng tơi tím, của ngọn cải đọt rau quê nhà. Ở tâm tình của một người tha hương, nơi để nhớ nhung về, dù là những cảnh tầm thường quen thuộc của quê hương. Trong nhiều trường hợp, Giang Hữu Tuyên vừa là người “tạo cảnh” vừa là người “tả cảnh”. Tạo cảnh là dùng những nét chân thực để tạo thành một thế giới riêng chuyên chở tâm sự ý tưởng mình. Còn tả cảnh là dùng lời chân thực để phác họa những cảnh tượng có nét sống động của đời sống hiện thực. Nhà thơ đã dung hòa để có một thế giới mà trong đó có sự chân thực của đời thường mà lại chuyên chở được ý tưởng, tâm tư. Giang Hữu Tuyên tả cảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, và trong ngôn ngữ chân chất ấy gửi gắm theo tấm lòng hồn hậu của một người yêu tha thiết quê hương.”

 

Cái mà tôi muốn nói thêm, là nói thêm về con người Giang Hữu Tuyên.  Là người sinh trưởng và lớn lên từ đồng bằng Nam Bộ,  Tuyên có những  phong cách hồn nhiên, thoải mái, phóng khoáng và đôn hậu. Chẳng thế mà anh thường là khách mời, là diễn giả và nhất là làm người tổ chức các buổi sinh hoạt văn học ra mắt sách ở vùng Hoa Thịnh Đốn.

 

Tôi không thể nhớ cho hết được bao nhiêu lần tôi bị lôi vào cuộc khi Tuyên thoải mái nhận lời của ai đó từ phương xa để tổ chức cho họ một buổi ra mắt sách, thế là tự nhiên Tuyên cũng thoải mái nhận lời… là tôi sẽ làm người điều khiển chương trình.

 

Tuyên chỉ thông báo với tôi khi … đã  nhận lời.  Và có thể tôi vui vẻ đồng ý, và có thể tôi không chịu vì lý do nào đó… nhưng cuối cùng thì vẫn phải cùng làm với Tuyên, bởi vì sự thân thiết và nể nang. Từ phương xa, tôi nhớ Tuyên đứng ra tổ chức ra mắt sách cho Hoàng Khởi Phong, Du Tử Lê, Ngô Thụy Miên, Yên Sơn,  còn nhiều nữa… Trong những lần đó, cái mà Tuyên đóng góp vào chẳng phải là công không thôi, mà cả tài chánh ủng hộ và nhất là cả tấm lòng hồn hậu rộng rãi của  người làm thơ đối với văn hóa nữa.

 

Giang Hữu Tuyên mất ngày 14 tháng 11 năm 2004. Đã 8 năm qua, chị Trương Ngọc Sương, phu nhân của anh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, bởi vì đó là nỗi mong ước lớn nhất của anh, mà thời sinh tiền anh vẫn thường bày tỏ. Làm tiếp tờ báo này, Chị Sương vẫn cảm thấy như đang làm việc với chồng, dù anh ở xa.

 

Còn đối với bạn bè trong vùng, hàng ngày ngồi và gặp nhau ở Phở Xe Lửa, vẫn nhắc tới anh như một kỷ niệm khó quên.  Như ông chủ Phở Xe Lửa Nguyễn Thế Toàn vẫn gửi người đem về bày trên bàn thờ của Tuyên vào ngày giỗ một tô Phở Xe Lửa Tái Chín Nạm Gầu, vì đó là món ăn ngày xưa, có khi một ngày Tuyên ăn tới ba lần. Hai mắt lim dim khi tôi hỏi ông về Tuyên, ông gật gù: “Đó là một người chơi được.” Là người kiệm lời, Nguyễn Thế Toàn nói về Tuyên như vậy nghĩa là ông đang nói về một người ông ta coi là bạn.

 

Còn riêng với tôi, tôi cũng có hỏi lòng mình là tôi yêu mến con người Giang Hữu Tuyên, hay yêu mến thơ của ông. Có lẽ cả hai, vì yêu thơ nên mến người, và vì mến người nên yêu thơ. Nhưng lớn nhất có lẽ chính là sự đồng cảm sâu xa  của Giang Hữu Tuyên dành cho tôi. 8 năm sau ngày Giang Hữu Tuyên  mất, xin gửi tới anh  một chút tình trân trọng.

 

Tháng 3/2012

NGUYỄN MINH NỮU

Trich ĐẤT NHỚ NGƯỜI THƯƠNG sắp xuất bản