Friday, July 2, 2021

2077. THỤY KHUÊ Tự Lực Văn Đoàn - Văn Học Và Cách Mạng (31)


Hoàng Đạo: Chính trị và đảng phái

Loạt bài Chính trị và đảng phái được Hoàng Đạo viết và in trên Ngày Nay từ số 98 (20-2-38) đến số 114 (12-6-38), trong thời gian Nhất Linh lập Đảng Hưng Việt. Vậy có thể hiểu rằng: vì phải tìm một đường lối cho đảng này, Hoàng Đạo đã nghiên cứu các chủ nghiã chính trị để lựa chọn một hướng đi, ông tin rằng: "Trong mớ tư tưởng mới, ta cần phải chọn lọc, cần phải quan sát cho tinh tường rồi lấy lẽ phải mà xét đoán mới mong tìm đến sự thực được".

Chính trị và đảng phái, không chỉ đơn thuần trình bày các hình thức đảng phái khác nhau, mà còn nói rõ cái hay cái dở của mỗi đảng, và giảng giải cho một quần chúng chưa có khái niệm rõ ràng về chính trị biết, thế nào là một thể chế chính trị. Tiến trình đi đến dân chủ như thế nào; bởi vì dân ta lúc đó mới từ chế độ quân chủ chuyển sang chế độ thực dân, chưa hiểu thế nào là dân chủ.

Nhưng trước khi đi sâu vào nội dung các bài viết của Hoàng Đạo, chúng tôi muốn nhắc lại nguồn gốc chính trị của Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng đã có ảnh hưởng lớn đối với các nhà cách mạng Việt Nam.

Mặt trận Bình dân (Le Front Populaire) lên cầm quyền tại Pháp từ tháng 5-36 tới tháng 4-38, hội tụ ba đảng: Đảng Xã hội (SFIO) thuộc cánh Tả, Đảng Cấp tiến (Radical) thuộc cánh Trung và Đảng Cộng sản. SFIO là chữ viết tắt của Section Française de l’Internationale Ouvrière, dịch sát nghiã: Chi bộ Pháp của Quốc tế Lao động, do Jean Jaurès lập ra năm 1905; đến năm 1969, đổi tên thành Parti Socialiste (Đảng Xã hội) và giữ đến ngày nay.

Mặt trận Bình dân thắng cử[1], Léon Blum, chủ tịch Đảng Xã hội lên làm Thủ tướng ngày 4-6-36 và Edouard Daladier (Đảng Cấp tiến), làm phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.

Thành phần chính phủ của Mặt trận bình dân gồm có: 18 người thuộc Đảng Xã hội, 13 người thuộc Đảng Cấp tiến, Đảng Cộng sản không ở trong chính phủ, chỉ đứng ngoài ủng hộ. Lần đầu tiên, có một một số Thứ trưởng (Secrétaire d’Etat) phụ nữ, mặc dù thời ấy, đàn bà chưa được quyền bầu cử.

Léon Blum và Jean Jaurès

Hai lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp: Jean Jaurès và Léon Blum đều có ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam.

Léon Blum (1872-1950), trước khi làm chính trị, là một nhà phê bình văn học có tư tưởng xã hội, đồng hành với Jean Jaurès, cả hai đều xuất thân từ trường Normale, học hiệu cao quý nhất của Pháp.

Jean Jaurès (1859-1914), là nhà lãnh đạo Xã hội Pháp đầu tiên có khuynh hướng đổi mới: chủ trương đường lối cộng hòa xã hội. Ban đầu ông theo Đảng Cộng hòa, ủng hộ Jules Ferry, nhưng từ năm 1892, ông bắt đầu bênh vực thợ thuyền, ủng hộ đình công, làm dân biểu Đảng Xã hội từ 1893 đến 1898, rồi trở thành lãnh đạo. Năm 1905, ông quy tụ các khuynh hướng xã hội khác nhau lập thành Đảng SFIO, tức Section Française de l’Internationale Ouvrière (Chi bộ Pháp của Quốc tế Lao động). Chủ trương ôn hoà, chống chiến tranh, ông bị bọn cực hữu ám sát ngày 31-7-1914, trước đại chiến thứ nhất.

Khi Jean Jaurès sáng lập báo L’Humanité (Nhân loại) năm 1905, Léon Blum giữ mục phê bình văn học. Khi nhóm Ngũ Long gửi bài ký tên Nguyễn Ái Quốc đến các báo L’Humanité, Le Populaire (Người Bình dân) của Đảng Xã hội, đều được đăng ngay.

Trên Ngày Nay số 71 (8-8-37) Nhị Linh (Khái Hưng) viết bài Jean Jaurès, ghi lại tiểu sử và truy ơn Jean Jaurès, với những dòng:

"Jaurès xin vào đảng Xã hội rất sớm, và chẳng bao lâu đã đứng đầu đảng.

Được thế là nhờ về cái tài siêu việt và cái chí quả quyết phấn đấu của ông. Một nhà phê bình trào phúng bảo: khi diễn thuyết ông có sức hấp dẫn thính giả mạnh như nam châm hút sắt. Mỗi bài diễn văn của ông là một tác phẩm của thi sĩ kiêm âm nhạc gia. Và không có vấn đề gì là ông không thấu triệt: sử ký, luật pháp, kinh tế, lý tài, v.v. thứ gì ông cũng hiểu biết hơn ai hết. Cái tài ấy, cái chí phấn đấu ấy, Jaurès đem ra phụng sự xã hội và nhân loại".

Sự khâm phục Jaurès của Nhị Linh trong bài này (viết trước loạt bài Chính Trị và đảng phái của Hoàng Đạo một năm) giải thích hiện tượng tại sao các nhà cách mạng Việt Nam, từ Phan Văn Trường qua Nguyễn Thái Học đến Hoàng Đạo, đều theo chủ nghiã Xã hội. Bởi vì không những họ bị lý thuyết Xã hội thuyết phục, mà Đảng Xã hội Pháp còn chống chính sách thực dân và đã nâng đỡ cách mạng bất bạo động Việt Nam từ những bước đầu trên đất Pháp, khi Phan Văn Trường gửi Bản Thỉnh Nguyện Thư Tám Điểm, ký tên Nguyễn Ái Quấc, đã được báo L’Humanité đăng ngay. Có thể nói Đảng Xã hội Pháp là điểm tựa đầu tiên mà nhóm Phan Văn Trường có thể dựa vào.

Người Việt phần lớn thường không phân biệt xã hội với cộng sản, (một phần vì các nước cộng sản cũng nhận là theo xã hội chủ nghiã), nên đã hiểu sai và viết nhiều điều lầm lẫn, mặc dù Hoàng Đạo đã giải thích rõ ràng từ năm 1938, trong loạt bài Chính trị và đảng phái này.

Loạt bài Chính trị và đảng phái, kéo dài trong nửa năm trên báo Ngày Nay, với những mục đích rõ ràng, ở đây chúng tôi lựa ra hai mục đích chính, và bài viết này sẽ có hai phần:

Phần một: Hoàng Đạo trình bày các thể chế chính trị.

Phần hai: Sự lựa chọn của Hoàng Đạo.

I- Các thể chế chính trị

Khái niệm chính trị đầu tiên: chủ tể

Bài Lần theo lịch sử (Ngày Nay số 98, 20-2-38), là bài học đầu tiên. Hoàng Đạo dùng lập luận: Vì loài người là giống vật sinh ra đã có khuynh hướng về chính trị, cho nên ở thời nào, cũng có sự phân biệt: hạng người cai trị và hạng người bị trị. Nhưng ở thời cổ, con người chưa có khái niệm gì về thể chế chính trị mà họ đang sống. Phải đến một trình độ cao hơn, người ta mới hiểu rõ và xét đoán cái chính thể đang cai trị mình.

Cái chính thể đó không "tự nhiên" mà có: "Chính thể của một nước lúc nào cũng do hoàn cảnh, do tình thế của xã hội lúc ấy gây nên; sức tưởng tượng của loài người dẫu dồi dào thật nhưng không thể bịa đặt ra một chính thể được." (Ngày Nay số 98)

Vậy chính thể đã được hình thành như thế nào?

Hoàng Đạo trả lời: Ta không thể biết ở thời cổ đại, gia đình có trước rồi mới lập thành xã hội hay từ sự ăn chung ở lộn của một đám đông rồi mới sinh ra gia đình. Qua những nhà nghiên cứu, ta chỉ biết rằng khi con người có thể ghi lại trí nhớ, thì gia đình đã có và gia đình là căn bản của xã hội.

Trong gia đình, từ ngàn xưa, người gia trưởng nắm hết quyền hành.

Ngoài xã hội, người nào đứng chủ tế trong việc tế tự quỷ thần, xin quỷ thần phò trợ cho xã hội, là người có quyền hành về chính trị.

Tóm lại, trong thời cổ đại: người gia trưởng nắm hết quyền hành trong gia đình, và người chủ tế nắm hết quyền hành ngoài xã hội.

Nhưng từ đây, Đông Tây phân chia đôi ngả:

Hy Lạp, La Mã tin rằng quỷ thần phù trợ cho một đô thành [cité] tức là phù trợ cho người gia trưởng của một họ, đã lập nên đô thành đó. Hy-La chưa có khái niệm chủ tể [maître suprême, souverain] của muôn loài.

Trái lại, ở Trung Hoa, người ta đã sớm tin thờ một vị thượng đế, chủ tể của muôn loài.

Sự khác nhau về tin tưởng dẫn đến sự khác nhau về chính thể:

"Ở Hy Lạp, La Mã, người ta thấy hiện ra nhiều xã hội, nhiều đô thành nhỏ mà quyền thống trị mỗi đô thành ở trong tay một vị vua nhỏ. Cứ như thế mãi cho đến lúc đạo Gia tô ra đời. Ở Trung Hoa, ta thấy ngay từ mấy ngàn năm xưa, một vị hoàng đế thay trời để trị dân"[2]

Đó là thời kỳ Âu, Á chịu sự khống chế nghiêm ngặt của một lãnh tụ.

Nhưng ở Âu cũng như Á, con người dần dần không chịu khuất phục nữa, họ nổi lên chống lại. Ở Hy Lạp, La Mã bọn gia trưởng nổi lên chống lại quyền cai trị của vua. Ở Trung Hoa, các nước chư hầu đòi tự trị: Chính thể phong kiến ra đời. Nhưng rồi trải qua những trận giao tranh khốc liệt vì quyền lợi, chư hầu bị diệt vong. Chính thể quân chủ chuyên chế nối gót. Rồi chính thể quân chủ chuyên chế, sẽ bị lật đổ, như ở Pháp, bằng cách mạng 1789, để trở thành chính thể Cộng hòa. Và ở Nga, Cách mạng Tháng Mười lập ra chính thể Cộng sản.

Dân tộc ta trước cơn lốc của lịch sử

Nhưng những thay đổi lớn lao trên thế giới, dân ta, cho đến đầu thế kỷ XX, vẫn còn chưa biết, hoặc biết rất sơ sài, vẫn cứ rập theo "con đường vạch sẵn của cổ nhân, dân ta bình tĩnh mà theo, coi như là sự bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi mà cũng không thay đổi được. Song cuộc đời bình tĩnh ấy bỗng bị làn gió lốc Tây phương đưa lại làm chấn động. Những tư tưởng cũ, ngơ ngác nhìn những tư tưởng mới xông xáo. Dân ta bỗng như bừng mắt dậy nhìn ra tứ phiá, thấy những trời mới lạ, bao la, nghe thấy những giọng cao thấp, khác hẳn điệu đàn của nghìn xưa, và cảm thấy sự thay đổi vô cùng mãnh liệt.

Nhưng trong mớ tư tưởng mới, ta cần phải chọn lọc, cần phải quan sát cho tinh tường rồi lấy lẽ phải mà xét đoán mới mong tìm đến sự thực được". (Ngày Nay số 98).

Chủ đích của Hoàng Đạo đã rõ ràng: phải duyệt qua những chủ nghiã chính trị đã hiện hữu trên thế giới mà dân ta vẫn còn mơ hồ hoặc chưa biết, trước khi lựa chọn một thứ chính thể cho nước mình.

Chủ nghiã thiên mệnh

Trong hai số báo kế tiếpHoàng Đạo bàn về Chủ nghiã "Thiên Mệnh" và đảng Bảo Hoàng[3]:

Vì có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, tất nhiên có câu hỏi: Những người thống trị lấy danh nghiã gì, để có uy quyền trên người khác? Đó là câu hỏi về "chính danh".

Để "chính danh hoá" vai trò của nhà vua, Đông cũng như Tây bèn sáng tạo ra chủ nghiã Thiên Mệnh, để nói rằng: Chủ quyền chính trị của một nước là do Chúa Trời hay Thượng Đế đã đào tạo và uỷ thác cho một người, một nhà, hay một dòng dõi nào trong nước.

Ở Pháp, Louis XIV, kể từ 1661, sau cái chết của Phụ chính Mazarin, đã thu hết chính quyền trong tay, thuyết Thiên mệnh được Pierre de L’Hommeau xác định rõ ràng trong mấy khoản:

1- Nước Pháp là một nước quân chủ.

2- Chỉ có mình vua là có chủ quyền trong cả nước.

3- Chủ quyền đó do trời trao cho vua.

4- Ý muốn của vua tức là luật. (Ngày Nay số 99)

Bốn điều này đưa Louis XIV lên địa vị "vua Mặt trời" (Le roi Soleil), đứng đầu chế độ quân chủ chuyên chế, trên thế giới.

Ở Nga, trước Cách mạng Tháng mười (1917), thuyết Thiên mệnh cũng được áp dụng triệt để: Nga Hoàng có quyền lực tuyết đối.

Nhưng ở Á Châu, thuyết Thiên mệnh có một ý nghiã khác, Hoàng đế ở Á Châu phải tu thân để hoàn thành sứ mệnh "phục vụ nhân dân":

"Hoàng đế là một vị thần minh cao quý hơn loài người và rất gần gụi với Thượng Đế. Đó là một tin tưởng gây nên từ đời thái cổ mà Đức Khổng Tử đã có tài trạm khắc lại một cách rõ rệt (…) Chính vì Hoàng đế là một đấng thần minh, tài đức hơn hết thảy mọi người, Hoàng Đế lại càng phải theo thiên mệnh, là "yêu cái mà dân yêu, ghét cái mà dân ghét". Là vì Thiên thị tự ngã dân thi, thiên thính tự ngã dân thính (dân trông thấy ở đâu là trời trông thấy ở đó; dân nghe thấy ở đâu, là trời nghe thấy ở đó).

(…) Hoàng đế Á Đông không lấy uy lực để ép người, chỉ lấy tài đức làm gương cho người. Hoàng đế luôn luôn phải tu thân, theo thiên lý, thì sự hòa hảo, sự hạnh phúc mới có được trong dân gian. Nếu có một giây phút lầm lỡ, thì Hoàng đế phải tự sửa lỗi, cầu trời tha thứ cho. Những thiên tai, hạn hán hay hoả hoạn, đều là do lỗi của nhà vua kém đức, nhà vua phải sửa lễ tạ tội với trời. (…)

Ai được mục kích những kỳ tế Nam Giao đã rõ. Nam Giao là ngày nhà vua thay mặt hết thảy thần dân mà tế Trời, Đất. Hôm ấy, nhờ sự tế lễ tôn nghiêm, nhờ sự trai tịnh, nhà vua tỏ được tấm lòng thành kính của mình và của bách tính đối với Thượng đế để Thượng đế thi ân tác phúc cho." (Ngày Nay số 100)

Cựu hoàng Bảo Đại cũng xác định bổn phận của nhà vua, trong hồi ký:

"Mỗi buổi sáng, sau khi điểm tâm qua loa, ông thầy đến giảng một đoạn của sách Luận ngữ, bắt tôi học và đọc lại. (…) Chính vì vậy, dựa vào Khổng học, mà quyền hạn của nhà Vua có gốc rõ rệt, đồng thời cái quyền năng ấy cũng bị tự chế do giáo lý này đưa lại. Chỉ có thấu đáo nền Khổng học, mới có thể hiểu được hình thái gần như mâu thuẫn trong cơ cấu xã hội của nước tôi. Khi học kỹ lưỡng bổn phận của bậc Đế vương, tôi mới làm tròn sứ mệnh của ngôi Hoàng đế, sứ mệnh làm Đại giáo chủ, làm Đại tư ý, làm cha mẹ dân và sứ mệnh làm thiên tử."[4]

Tuy không có sự phân quyền rõ rệt, nhưng dưới thời Gia Long, vua không có quyền quyết định độc đoán, mà luôn luôn phải hỏi ý kiến quan Thượng thư trước khi quyết định. Khi xử án ai, nếu vua làm không đúng luật, thượng thư bộ hình có quyền can thiệp và vua phải theo, nhiều trường hợp ghi trong Đại Nam thực lục cho thấy điều đó.

Vậy, có sự khác biệt sâu xa giữa chính thể quân chủ chuyên chế Tây phương và chính thể quân chủ Đông phương.

Chủ nghiã dân chủ – Khái niệm Ý chí chung

Trong bài Chủ nghiã dân chủ và các đảng cộng hòa[5], Hoàng Đạo trình bày những bước đầu tiên trong khái niệm dân chủ Tây phương, trước hết là sự phát hiện ra khái niệm Ý chí chung:

"Phải đến thế kỷ XVII, mới có những thuyết rõ ràng về chủ nghiã dân chủ: Hobbes, Jurien, Locke, là những nhà triết học đã bênh vực chủ nghiã ấy: Trong một đoàn thể, hết thảy mọi người đều có ý chí riêng, nhưng gồm cả lại, thì có một ý chí chung để bênh vực cho sự sống của xã hội".[6]

Cái Ý chí chung (la volonté de tous) ấy, chính là đầu mối của dân chủ.

Hoàng Đạo nêu danh ba triết gia cùng đi từ ý chí chung nhưng có lập thuyết khác nhau:

- Hobbes luận rằng cái ý chí chung ấy, là hết thảy các ý chí riêng đều phục tòng ý chí của một người, hay một vài người đại biểu cho tất cả đoàn thể. Như vậy, chủ nghiã dân chủ của Hobbes đưa về chế độ quân chủ độc đoán.

- Theo Jurien, cái ý chí chung ấy là của toàn dân, vậy chủ quyền đã ở người dân, thì dân có quyền phế vua lúc nào cũng được, không phải viện lẽ gì hết.

- Locke đồng ý với Jurien, nhưng đi xa hơn: khi người ta đã nhập vào xã hội nào tức là đã giao quyền cho số đông để bảo vệ xã hội. Nhưng trước khi nhập xã hội, người ta đã có những quyền pháp tự nhiên, mà xã hội không thể bỏ hay đàn áp được. (Ngày Nay số 101)

Đó là những nhà tư tưởng mở đầu khái niệm dân chủ, trong thế kỷ XVII.

J.J. Rousseau

Lý thuyết của Jean-Jacques Rousseau

Thế kỷ XVIII, J.J. Rousseau (1712-1778), triết gia Pháp, cho rằng: Khi ta nhập vào xã hội, tức là ta đã ký một tờ giao ước (Contrat social) bằng lòng bỏ độc lập, tự do, tự nhiên của mình để nhận sự bảo hộ cho sinh mệnh mình. Vì có tờ giao ước, mới có xã hội, mới có một ý chí chung, một nhân cách chung.

Ý chí chung ấy là ý chí của đoàn thể, được đặt lên trên ý chí riêng của mỗi người.

Ý chí chung ấy được Rousseau gọi là Chủ tể Quần chúng (La Souveraineté Populaire), mọi người phải phục tòng cái ý chí chung ấy (tức là Chủ tể). Chủ tể mới này, không thể cầm bán mà cũng không thể phân chia được. Rousseau viết:

"Chính phủ là bộ phận trung gian giữa người dân (les Sujets) và Chủ tể (le Souverain), giúp hai bên trao đổi với nhau, có nhiệm vụ hành pháp và gìn giữ tự do dân sự lẫn chính trị." (Vậy chính phủ tùy thuộc vào Chủ tể, nhận mệnh lệnh của Chủ tể). Những thành phần của bộ phận trung gian này [tức chính phủ] được gọi là Quan chức (Magistrats)"[7]

Chủ tể Quần chúng là nền móng của Khế ước Xã hội (La Souraineté populaire est le principe fondamental du Contrat Social). (Ngày Nay số 101)

Ta thấy rõ: chữ Chủ tể (Souverain) của Rousseau hoàn toàn khác với chữ Chủ tể thời cổ: Ngày trước Chủ tể là vị lãnh tụ tối cao. Ngày nay, Chủ tể là Ý chí chung của toàn dân và đó là cốt lõi của vấn đề dân chủ.

Chế độ nghị viện

Chủ nghiã dân chủ đánh đổ các thứ "ngôi báu", đưa dân lên làm chủ sinh mệnh của mình, Hoàng Đạo viết:

"Chủ nghiã dân chủ đem áp dụng vào thực tế, sinh ra chế độ nghị viện. Toàn thể dân chúng đúng lý ra phải tự đảm nhiệm cái trách nhiệm lập pháp và hành pháp". Song "một đạo luật mà để cho hàng triệu người bàn tán, thì không biết bao giờ mới quyết định và thi hành được." Chưa kể, "phần đông dân chúng không đủ học lực để mà hiểu, lại không đủ thì giờ rỗi để nghiên cứu.". Vì vậy, ở những nước dân chủ lớn, dân chúng ủy quyền cho một số người có học thức và tài đức, thay mặt họ, để lập pháp và hành pháp. Những người được ủy quyền ấy là các nghị viên". Nhưng "Nghị viên do dân bầu lên có thể dự thảo được luật lệ, nhưng không thể quyết định được".

Quyền quyết định hay hành pháp ở trong tay chính phủ. Những người cầm quyền hay nhóm hành pháp, giúp việc Tổng thống hay Thủ tướng thường được chọn trong số nhân viên của đảng đã được đại đa số nhân dân tín nhiệm và thường có chân trong nghị viện.

"Như vậy, công việc của chính phủ, đối ngoại hay ở trong nước, bao giờ cũng hợp với nguyện vọng của đại đa số, với ý chí chung của nước".

"Ở các nước dân chủ, bao nhiêu quyền chính thu vào lá phiếu của cử tri. Công dân mỗi người có một lá, nên đảng nào cũng vậy, cố vận động, dùng lời nói hay báo chí, sách vở, mục đích là mời mọi người vào đảng, mời được càng nhiều càng hay. Vì có nhiều đảng viên, tức là có nhiều phiếu bầu, nhiều phiếu bầu mới có thể thắng lợi cho đảng được." (Ngày Nay số 102).

Bài viết của Hoàng Đạo, ở thời điểm 1938, là một trong những bài viết đầu tiên giải thích rõ ràng về lý thuyết dân chủ của Jean-Jacques Rousseau để gửi tới độc giả Việt Nam, nhưng đồng thời cũng hàm ý chỉ cho chính quyền thực dân biết họ đã vi phạm quyền dân chủ đến mức nào. 

Chủ nghiã xã hội

Hai bài Chủ nghiã xã hội và Đảng xã hội và Đảng cộng sản[8], là hai bài quan trọng, bổ sung cho nhau, Hoàng Đạo trình bày thực chất và sự khác biệt giữa chủ nghiã Xã hội và chủ nghiã Cộng sản, đồng thời giúp ta hiểu tại sao Hoàng Đạo theo chủ nghiã Xã hội; ông mở đầu bài Chủ nghiã xã hội như sau:

"Chủ nghiã Xã hội Khoa học (Socialisme Scientifique) của Karl Marx và Engels ra đời không bao lâu đã đánh đổ những chủ nghiã Xã hội duy tâm (Socialisme utopique ou idéaliste), khiến những chủ nghiã ấy trở nên những mộng tưởng lu mờ trong trí nhớ mọi người. Rồi, chưa đầy một thế kỷ, đã thành ra một sức mạnh đầy hứa hẹn, cả hoàn cầu đều chú ý và chính phủ nào cũng phải cân nhắc tới.

Đặc điểm của chủ nghiã ấy là một điều phát minh của Karl Marx về phương diện xã hội. Theo Marx, trong lịch sử của loài người, sự cần thiết nhất, là chế độ kinh tế, chế độ xuất sản. Ảnh hưởng của chế độ ấy đối với người đời rất là to tát, rất là mãnh liệt." (Ngày Nay số 105).

Marx nhận ra rằng: những giai cấp quyền lợi tương phản không lúc nào là không tranh đấu lẫn nhau. Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Dưới chế độ nô lệ cũng như dưới chế độ phong kiến, không bao giờ giai cấp áp chế với giai cấp bị áp chế quên đấu tranh để giành hoặc giành lại quyền lợi của mình:

"Cuộc tranh giành có khi rõ ràng có khi ngấm ngầm nhưng bao giờ cũng đi đến kết quả giống nhau: hoặc là cả hai giai cấp bị diệt vong, hoặc là có cuộc cách mệnh làm thay đổi hẳn xã hội". (Ngày Nay số 105)

Trải bao thế kỷ, nhiều cuộc đấu tranh giai cấp đã qua đi, đến thế kỷ XIX, hai phái kình địch là tư bản và lao động.

Tiền công càng ít, thì tư bản càng lợi nhiều.

"Cho nên dần dà, tiền công của thợ thuyền chỉ là số tiền cần dùng để họ nuôi thân và nuôi con. Ngoài ra, là tiền lãi. Mà tiền lãi ấy, chính là số tiền mà thợ thuyền làm công không cho giai cấp tư bản vậy. (…) Tiền lãi, đảng xã hội gọi là thặng dư (plus value), nó chỉ là giá của sự cần lao không giả tiền. Chính số tiền lãi ấy, số tiền thặng dư ấy tích trữ lại mới thành ra tư bản vậy." (Ngày Nay số 105)

Nhưng giai cấp thợ thuyền không thể chịu mãi sự cực khổ khốn cùng, tới mức nào đó họ kiệt lực không sản xuất được nữa thì tư bản cũng tiêu vong. Vì vậy cần có một giải pháp: phá tan sự áp chế của một hạng người càng ngày càng trở nên ít ỏi là giai cấp đại tư bản, giai cấp này đã tiêu diệt dần dần giai cấp tiểu tư bản, để giữ độc quyền. Trong khi giai cấp thợ thuyền ngày càng đông, họ sẽ biết rõ giá trị của họ. Và chủ nghiã xã hội, theo đuổi một mục đích là dẫn dắt sự tranh đấu của giai cấp lao động chống lại giai cấp tư bản. (Ngày Nay số 105).

Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản

Trong bài Đảng Xã hội và đảng Cộng sản, Hoàng Đạo viết tiếp:

"Mục đích của chủ nghiã xã hội là phá bỏ hết giai cấp trong xã hội. Phương pháp để đạt mục đích ấy là sự tranh đấu của giai cấp lao động với giai cấp tư bản.

Giai cấp lao động sẽ dấy lên một cuộc cách mạng, để cầm lấy chính quyền, cải tạo xã hội thành một xã hội mới, hợp với chủ nghiã xã hội duy vật.

"Đảng Xã hội quốc tế hay đảng Cộng sản quốc tế đều theo chủ nghiã ấy cả. Hai đảng đều nghĩ rằng chế độ sản xuất hiện hành không còn thích hợp với chế độ tài sản hiện có nữa; chỉ có sự thay đổi chế độ tài sản mới có thể đem lại sự nhịp nhàng đã mất." (Ngày Nay số 106)

Và muốn thực hiện sự thay đổi ấy, thì phải có sự hợp lực của toàn thể giai cấp lao động thế giới. Vì vậy, Đảng xã hội và Đảng cộng sản đều có tính cách quốc tế cả.

Nhưng đến đây có sự chia rẽ giữa Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản:

Đảng Xã hội chủ trương: không thể làm cuộc cách mạng chính trị vội vàng mà chưa sửa soạn trước, phải cải cách xã hội dưới chế độ tư bản đã, để tạo ra một xã hội mới. Khi xã hội mới đã vững chắc rồi, mới có thể làm cuộc cách mạng chính trị.

Nghiã là, Đảng Xã hội chủ trương: cải cách xã hội trước khi làm cách mạng chính trị.

Ngược lại, Đảng Cộng sản chủ trương phải làm cách mạng chính trị trước và khi đã nắm chính quyền rồi, mới có thể phá hủy chế độ tư bản hiện thời để lập nên xã hội mới, và Đảng Cộng sản chủ trương quyền độc tài của giai cấp vô sản:

"Giai cấp lao động lúc đó sẽ giữ lấy quyền độc tài trong xã hội để trừ phá bằng đủ mọi cách sự chống đối của giai cấp tư bản, liên lạc giai cấp lao động với quần chúng, công, nông, rồi tổ chức nên xã hội mới, trong đó không còn giai cấp phân biệt nữa." (Ngày Nay số 106)

Vì chính kiến bất đồng, nên hai đảng đã đi hai con đường khác nhau, hành vi nhiều khi trái ngược nhau.

Nhưng trên thực tế, thì "đảng Xã hội ở các nước Anh, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Áo cũng đã có lần lên cầm quyền chính, nhưng không lúc nào đem chủ nghiã xã hội thực hành được. Ở Đức họ đã đưa dân chúng đến sự độc tài của Hiller, ở Áo cũng vậy." (Ngày Nay số 106)

Đảng Cộng sản cũng chia thành hai phe, dẫn đến cuộc phân liệt ở Nga: phe theo Stalin hay Đệ tam quốc tế và phái theo Trotsky hay Đệ tứ quốc tế.

Đệ tam quốc tế và đệ tứ quốc tế

Trong bài Đệ tam quốc tế và Đệ tứ quốc tế (Ngày Nay số 107, 24-4-38), Hoàng Đạo trình bày sự khác biệt giữa hai chủ nghiã Cộng sản Đệ tam và Đệ tứ quốc tế.

Tại sao có chữ Quốc tế?

Khi thuyết xã hội của Karl Marx ra đời, thợ thuyền mới bắt đầu ý thức về địa vị của mình trong xã hội. Marx-Engels cùng các đồng chí hô hào: toàn thể đại biểu lao động các nước trên thế giới họp lại để hành động chung trong một hội nghị quốc tế.

Đệ Nhất quốc tế thành lập năm 1864: Thuyết Karl Marx thắng thuyết xã hội duy tâm. Nhưng tám năm sau, 1872, Công xã[9] Paris thất bại. Đệ Nhất quốc tế tan.

Đệ Nhị quốc tế được tổ chức năm 1889, là "hội nghị của các đảng Xã hội, theo chủ nghiã của Karl Marx, đồng lòng đi vào con đường giai cấp tranh đấu, nhưng trong vòng pháp luật và theo một lối từ tốn dè dặt cho đến lúc đủ sức để đánh đổ chế độ tư bản" (Ngày Nay số 107).

Nhưng từ khi thế chiến xảy ra, sự rạn nứt trong Quốc tế Lao động bắt đầu: mỗi nước muốn đứng riêng, tranh đấu theo kiểu của mình. Đảng Cộng sản Nga sau khi đánh đổ Nga hoàng, hô hào lao động thế giới bỏ Đệ Nhị quốc tế (của Đảng Xã hội) để nhập vào Đệ Tam quốc tế (của Đảng Cộng sản).

Đệ Tam quốc tế được tổ chức năm 1919, là hội nghị của các đảng Cộng sản.

Nhưng trong khối Đệ Tam quốc tế cũng sẽ xảy ra những bất đồng: từ khi lãnh tụ Lénin qua đời năm 1924, bị phân liệt thành hai phái: phái Stalin và phái Trosky. Phái Stalin thắng, Trosky bị đuổi ra khỏi nước Nga, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và triệu tập các đồng chí họp thành:

Đệ Tứ quốc tế, ra đời năm 1936 [chính thức là năm 1938].

Và sự phân tranh khốc liệt giữa Đệ Tam và Đệ Tứ xảy ra như ta đã biết.

Sự khác biệt giữa Đệ Tam và Đệ Tứ

Khi giai cấp đã bị tiêu diệt, sự tranh đấu giai cấp không còn nữa, con người sẽ tự do hợp tác với nhau. Chính phủ sẽ bị diệt vong. Nhờ khoa học, con người sẽ dùng máy móc để sản xuất thật nhiều những đồ cần dùng cho nhân loại. Sản xuất được nhiều, quá sức tiêu thụ của thế giới, ai dùng bao nhiêu cũng được. Sự cần lao không còn là bó buộc nữa. Tiền bạc sẽ không còn nữa. Nói tóm lại, khi xã hội đã tiến tới mức cộng sản, thì "người ta làm được bao nhiêu thì làm, muốn lấy bao nhiêu thì lấy". (Ngày Nay số 107)

Nhưng trước khi đi đến trình độ cao xa này, xã hội còn phải qua một trình độ dự bị, kém cỏi hơn, tức là trình độ xã hội, vì lực lượng sản xuất chưa hoàn hảo, tổng lượng sản phẩm chưa đủ để cung phụng cho cả nhân loại, thì không thể ai muốn lấy bao nhiêu cũng được, và phải theo cái thuyết "ai làm được bao nhiêu thì lấy chừng ấy"Người không làm gì, cố nhiên là không có ăn. Lúc đó, vẫn có sự bất bình đẳng trong xã hội, vì có người khoẻ, người yếu, người thông minh, người ngu độn, vậy lẽ tự nhiên là có người được dùng nhiều hơn, người ít hơn. Sự bất bình đẳng sẽ bị tiêu diệt khi xã hội đạt đến trình độ cộng sản.

Phái Đệ Tam cho rằng: nước Nga bây giờ [thời Stalin] chưa đạt đến trình độ cộng sản nhưng đã đạt được trình độ xã hội rồi:

"Về mặt công nghệ, các đồ dùng sản xuất đã xung công hết. Ngân hàng, xưởng mỏ, xe lửa, rừng rú không còn là của riêng ai hết. Theo sự tiến hoá của khoa học, sự mở mang đã đi được một bước khổng lồ. Nga đương theo những bản chương trình to tát để đi tới một xã hội công đồng, và muốn đạt được chương trình ấy, hiện giờ còn cần đến nền độc tài của đảng". (Ngày Nay số 107)

Đệ Tam quốc tế tin rằng: chỉ một nước Nga, riêng một nước Nga, cũng có thể lập thành một xã hội theo chủ nghiã cộng sản.

Phái Đệ Tứ coi tin tưởng này là một lầm lỗi lớn. Nước Nga là một nước công nghệ còn hèn kém lại đứng giữa những nước tư bản công nghệ phát đạt hơn, nên nếu muốn chủ nghiã xã hội thắng, thì không thể đứng riêng một mình, mà phải hợp lực với lao động ở các nước tân tiến. Nếu cô lập xã hội cộng sản trong một nước, thì chỉ có thể đem sự nghèo khổ chung đến cho nước ấy, mà đã nghèo khốn thì sẽ có sự tranh giành, sự tranh giành sẽ đưa người ta trở lại chế độ tư bản cũ. Ngoài ra, việc nâng cao đời sống dân chúng ở Nga vẫn còn chậm chạp, lại bị nạn quan liêu hoành hành, vì chưa sản xuất đủ để cung ứng cho toàn dân nên chỉ có một số ít được hưởng quyền lợi hơn hết, họ giữ lấy chính quyền để bảo vệ quyền lợi riêng của họ, trái ngược với quyền lợi chung của xã hội. Vì thế, sẽ đưa đến cách mạng đảo chính hoặc phải trở lại chế độ tư bản.

Vậy cuộc cách mạng, đối với Đệ Tứ là thường trực. Hai yếu tố: nạn quan liêu và cách mạng thường trực là cơ bản trong lý thuyết của Trotsky (Ngày Nay số 107).

Chủ nghiã Phát-xít

Tiếp theo đó Hoàng Đạo viết hai bài Chủ nghiã Phát-xít của Mussolini và Chủ nghiã quốc gia xã hội của Hitler, để trình bày thực chất của hai chủ nghiã độc tài này.

Trên Ngày Nay số 108 (1-5- 38), Hoàng Đạo viết bài Chủ nghiã Phát- xít.

Chủ nghiã Phát-xít do Mussolini tạo ra, thống trị nước Ý từ 1922-1945, xây dựng trên sự độc tài của một đảng duy nhất. Fascisme (phiên âm thành Phát-xít), tiếng Ý là Fascimo. Mussolini, nguyên là một đảng viên xã hội quá khích, đã từng cầm đầu tờ báo Avanti của Đảng Xã hội. Sau thế chiến thứ nhất, ông bỏ chủ nghiã quốc tế, theo chủ nghiã quốc gia và tạo ra thuyết phát-xít.

"Chủ nghiã Phát xít trái hẳn với chủ nghiã xã hội. Theo Mussolini, Karl Marx đã lầm khi tuyên bố rằng trong thế giới chỉ có hai giai cấp chiến đấu: lao động và tư bản. Riêng về mặt công nghệ, câu ấy đã không đúng, còn về mặt canh nông thì câu ấy lại càng sai". (Ngày Nay số 108)

Chủ nghiã phát xít đi ngược với chủ nghĩa tự do: Cá nhân trong một nước phát-xít, phải hy sinh những quyền lợi riêng cho quốc gia, phải quên mình để chiến đấu cho quốc gia với lòng quả cảm. Chủ nghiã phát xít đi ngược với chủ nghiã dân chủ. Theo Mussolini, con người không thể bình đẳng được, mà có người hơn, người kém, tùy theo tài lực. Trong nước không thể để cho đại đa số (thắng phiếu) cầm quyền bởi vì dân chúng chẳng biết gì, vì vậy, "cần phải có một đảng, đảng phát xít, một đảng thôi, nêu một lý tưởng cao xa để mà sống theo một tin tưởng chung. Lại cần phải một "quốc gia" mạnh, có quyền bao quát hết cả quyền lợi và lòng hy vọng của cả dân tộc, để dân tộc trở nên hùng cường đến cực điểm.

Vậy, theo chủ nghiã phát xít, cao nhất là quốc gia. "Quốc gia" cần phải sống và hành động như một người: đứng im là chết. Quốc gia biểu hiệu cho quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc, quốc gia là một phương pháp để đời nọ truyền cho đời kia những quyền lợi đã chiếm được, những sáng kiến đã có, và để nâng cao dân tộc lên đến ý nghiã đế quốc" (Ngày Nay số 108).

Tóm lại, quốc gia ấy là của một người: Mussolini nắm quyền sinh sát cả một dân tộc trong tay.

Chủ nghiã Quốc gia xã hội của Hitler

Trên Ngày Nay số 109 (8-5-38) Hoàng Đạo viết bài Chủ nghiã quốc gia xã hội.

Năm 1918, tại Munich, một chính đảng thành lập, tất cả chỉ có bảy người, đó là đảng Đức quốc lao nhân quốc gia xã hội [parti ouvrier allemand, anticapitaliste et antisémite] của Hitler, sau đổi tên thành Đảng Quốc gia xã hội (National-socialiste tức Nazi).

Hồi ấy, ở Đức, Đảng Xã hội dân chủ (Social démocrate) theo chủ nghiã Karl Marx, thế lực rất mạnh, đại đa số thợ thuyền đều ủng hộ. Nhưng dần dần, Đảng Quốc gia xã hội của Hiller chiếm ưu thế, Đảng Xã hội dân chủ lui dần và sau chỉ còn hành động trong bóng tối.

"Đảng Quốc gia xã hội nghiễm nhiên thống trị cả nước Đức, Hitler lên làm thủ tướng và đã nhiều lần tỏ cho thiên hạ biết uy quyền của mình: bỏ Hội quốc liên, tăng binh bị, chiếm đất Rhénanie[10] và đem quân sang lấy nước Áo không mất một giọt máu nào." (Ngày Nay số 109)

Đảng ấy có một chương trình như thế nào khiến đại đa số dân Đức theo?

"Chương trình ấy, Hitler và bọn đồng chí đã đem ra thảo luận ngày 24 tháng 2 năm 1920 ở Munich, và sau, Gottfrid Feder, nhà thuyết lý của đảng, đã phủ chính [sửa lại].

Theo chương trình ấy, mục đích của đảng theo đuổi là phục hưng nước Đức theo tư chất riêng của người Đức. Muốn vậy, cần phải đem sự ích chung đặt lên trên sự ích riêng của từng người, cần phải đặt quốc gia lên trên cá nhân. Chủ nghiã quốc gia xã hội giống chủ nghiã phát-xít của Mussolini về nguyên tắc này, mà cũng vì thế, danh từ phát-xít người ta vẫn thường dùng để tặng chủ nghiã của Hitler.

Quốc gia của Hitler, không phải là của chung của tất cả số người sống trên một khoảng đất, cùng mưu một cuộc sống chung, mà gồm hết thảy những người thuộc giống Nhật-nhĩ-man ở trong nước Đức và ở nước ngoài, và chỉ những người ấy thôi". (Ngày Nay số 109)

Vậy điểm thứ nhất cần ghi nhận: Đối với chủ nghiã Nazi: Quốc gia Đức gồm hết thảy những người thuộc giống Nhật-nhĩ-man, ở trong và ngoài nước, mà thôi.

Đặc điểm thứ nhì của chủ nghiã Nazi là đặt quốc gia vào trong khuôn khổ giống nòi:

"Thu tất cả những người Nhật Nhĩ Man [Đức chính gốc] trong thiên hạ để lập thành một nước Đức lớn (Deutschland) (…) Chỉ riêng giống người Đức là có quyền công dân, là có quyền tham dự vào bộ máy cai trị và lập pháp, là có quyền làm việc. Những người giống khác đến sinh nhai ở Đức bao giờ cũng chỉ được coi như kẻ ngụ cư; nếu chỉ đủ việc làm cho người giống Đức, thì chính phủ Đức sẽ có quyền trục xuất giống người khác ra ngoài cõi.

Nhất là giống người Do Thái. Vì đảng Hitler coi giống Do Thái trái ngược hẳn với giống Đức. Giống Do Thái chỉ thiên về vật chất, có thể coi là nguồn gốc của hết thảy thói xấu điểu dở trong xã hội".

Hitler cho rằng chỉ có giống Nhật Nhĩ Man, tức giống Đức, là đứng trên tất cả:

"Nếu giống Đức cứ giữ nguyên chất từ xưa tới giờ, thì giống Đức đã trở nên tài giỏi nhất và đã làm bá chủ hoàn cầu. Nhưng trong năm sáu thế kỷ qua, vì giống Đức ăn chung ở lộn với giống khác, nên tư chất bớt ghê gớm đi nhiều." (Ngày Nay số 109)

Nay phải khôi phục lại tư chất cũ, vì thế, người giống Đức phải lấy người giống Đức, lấy người khác giống là trái luật, lấy Do Thái là phải tù tội. Để cho có giống tốt hơn, chính phủ Đức bắt những người bệnh tật không được sinh nở.

"Và vì muốn có một nền quốc gia chắc chắn, đảng tuyên bố rằng nền độc tài hợp với tư chất của giống Nhật-nhĩ-man nhất, cho nên bao nhiêu quyền chính đều vào trong tay Thủ tướng Hitler tất cả". (Ngày Nay số 109)

Tôn Dật Tiên

Chủ nghiã Tam dân của Tôn Văn

Trên Ngày Nay số 113 (5-6-38) Hoàng Đạo viết bài Chủ Nghiã "Tam dân" của Tôn Văn.

Qua bài này, ông gián tiếp giải thích tại sao Việt Nam Quốc Dân Đảng kết hợp với chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên[11].

Chủ đích của Tôn Văn là đuổi người ngoại quốc đi, khôi phục Trung Hoa, xây dựng một nước cộng hoà và phân chia đất đai đều dặn cho mọi người.

Sau khi đi khắp nơi để học hỏi các khuynh hướng chính trị Âu Mỹ, bác sĩ Tôn Dật Tiên, lập ra chủ nghiã Tam dân. Lý thuyết của ông thành hình trong thời kỳ vận động cuộc cách mạng Tân Hợi, 1912. Nhưng những văn bản ông soạn phần lớn đã bị thiêu huỷ, phải đến khoảng 1924, người ta mới được nghe ông nói về chủ nghiã Tam dân trong những buổi diến thuyết có hàng ngàn người dự.

Vậy Chủ nghiã Tam dân là gì?

Chủ nghiã Tam dân gồm ba nguyên tắc chính: Dân tộc, dân quyền và dân sinh.

1Dân tộc hay quốc dânquốc gia sẽ cứu nước Tàu ra khỏi sự áp chế của liệt cường. Hoàng Đạo viết:

"Dân tộc Tàu là Hán tộc đã có một lịch sử vẻ vang từ năm, sáu nghìn năm nay, một dân tộc đông hơn hết và đã sớm văn minh hơn hết. Tuy nhiên, hiện giờ thì dân tộc Tàu (…) đã phải chịu nhượng lĩnh thổ của mình cho bọn đế quốc (…) Tàu thật khổ hơn một thuộc quốc, như Annam thì chỉ chịu dưới quyền một ông chủ, chứ như Tàu hiện giờ [dưới thời Từ Hi], là nô lệ cho hơn mười chủ, cho cả thế giới. Cường quốc muốn chiếm Tàu lúc nào cũng được, và bắt Tàu chịu gì cũng phải chịu, kể cả sự diệt vong" (Ngày Nay số 113).

Trong tình cảnh ấy, Tôn Văn chủ trương: "Cần phải đòi lại nước Tàu cho người Tàu". "Và muốn vậy cần phải hiểu rõ tâm lý của người Tàu trước đã".

Người Tàu rất gắn bó với gia đình. Vậy phải triệu tập gia đình lại, giảng giải cho họ hiểu nên đổi những cuộc tranh chấp giữa các gia đình, dòng họ, thành cuộc tranh đấu của "trăm họ" với ngoại bang[12].

2Dân quyền là nguyên tắc của các nước dân chủ, đặt nền tảng trên ba chữ: tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng tự do của người Tây phương khác tự do của người Tàu, theo Hoàng Đạo: tự do đối với người Âu Mỹ, giống như tiền bạc đối với người Tàu: người Tàu nghèo, họ cần tiền hơn, còn người Ây Mỹ thiếu tự do hơn người Tàu, vì vua chúa Tàu ngày xưa chỉ giữ ngôi báu và thu thuế, còn họ để cho người dân muốn làm gì thì làm.

Bình đẳng cũng vậy: hai bông hoa còn khác nhau, huống chi con người, nên không thể có tuyệt đối bình đẳng, thế nào cũng có người ngu, người khôn, vậy chỉ nên đòi bình đẳng chính trị, tức là: công dân ai cũng có quyền ngang nhau. Nhưng sự bình đẳng này, người Tàu xưa nay cũng đã có nhiều hơn người Âu: vì nước Tàu không có giai cấp quý tộc đời đời giữ lấy đặc quyền. Vả lại trong thuyết Tam dân đã có bình đẳng: thuyết này lấy bác ái làm gốc để cho kẻ có trí giúp người ngu, cùng nhau đi đến bình đẳng.

3- Dân sinh cũng từ chữ bác ái mà ra: Mưu cầu hạnh phúc cho bốn trăm triệu người Trung hoa thì cần phải có lòng bác ái. Lúc đó, máy móc đã phát triển, vì thế một số đông thợ thuyền không có việc làm.

Theo Tôn Văn, chủ nghiã duy tâm xã hội không đứng vững được vì không giải quyết được vấn đề việc làm. Chủ nghiã xã hội duy vật của Karl Marx cũng có vấn đề, vì:

1- Vật chất không phải là trung tâm điểm của lịch sử, người ta còn có ước vọng tinh thần nữa.

2- Đấu tranh giai cấp, cũng không phải là nguyên nhân của tiến bộ, nó chỉ là cái "bệnh" của một xã hội đang tiến mà thôi.

Tôn Văn cho rằng: nguyên nhân của tiến bộ là sự điều hòa các giai cấp. Nhờ nhà nước đứng trung gian: tư bản càng giàu thì thợ thuyền sẽ càng sung sướng.

Và trong sự sản xuất, không chỉ có thợ thuyền và tư bản, còn có hết thảy các giai cấp khác trong nước, như nhà nông chẳng hạn. Vậy thuyết thặng dư của Karl Marx không đúng nữa.

Vì vậy, nước Tàu của Tôn Văn không cần phải theo nước khác, cứ tự mình cứu lấy mình là hơn. Và muốn thế cần xây móng sự cải tạo xã hội trên hòn đá Tàu. Hòn đá ấy là gỉ? Là nhận ra rằng: Ở Trung Hoa không có nhà giàu, chỉ có nghèo ít và nghèo lắm mà thôi. Vậy cần phải tìm phương pháp làm bớt sự bần cùng, làm cho dân giàu lên. Bằng hai cách:

1- Bình quân về điền địa: chia đều đất đai cho mọi người.

2- Đặt thuế lợi tức. Trước đây chỉ có thuế thân, tức mà mỗi người, giàu nghèo đều phải đóng thuế, tuy có chênh lệch khác nhau. Đặt ra thuế lợi tức là một bước tiến mới của xã hội.

Chủ nghiã dân sinh là làm sao thoả mãn được bốn nhu cầu cốt yếu của dân tộc là: ăn, mặc, nhà ở và di chuyển. (Ngày Nay số 113)

II- Sự lựa chọn của Hoàng Đạo

Tuy nhiên, con đường tranh đấu chính trị và xã hội của Tự Lực văn đoàn, không chỉ bắt đầu từ năm 1938, với loạt bài Chính trị và đảng phái của Hoàng Đạo, mà đã được bộc lộ từ trước, với hai chữ bình dân.

Hai chữ bình dân của Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn

Tháng 3 năm 1934, bản Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn đã nhấn mạnh đến chữ xã hội và bình dân, ở điều 2, điều 3 và điều 6:

Điều 2: Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội.

Điều 3: Theo chủ nghiã bình dân, soạn những cuốn sách có tình cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghiã bình dân.

Điều 6: Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình đân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.[13]

Đến năm 1936, quan niệm bình dân này lại được Hoàng Đạo giải thích trong bài Thế nào là bình dân, như sau: "Chúng tôi gồm cả trong hai chữ bình dân: tiểu tư sản và lao động"[14]

Tóm lại, hai chữ bình dân của Tự Lực văn đoàn bao gồm cả hai thành phần: tiểu tư sản  lao động và được Hoàng Đạo xác định là đối lập với thành phần trưởng giả phú hào và quý phái.

Nhưng những người chống Tự Lực văn đoàn, thường bỏ chữ lao động đi, chỉ giữ lại chữ tiểu tư sản và khuếch đại lên, để chỉ thành phần giàu có (trưởng giả, phú hào), rồi dựa vào cớ đó phê phán Tự Lực văn đoàn về phe người giàu, là hoàn toàn sai.

Năm 1936, Hoàng Đạo viết bài Tả đảng với hữu đảng trên Ngày Nay số 16 (12-7-36) để chào mừng Đảng Xã Hội[15] lên cầm quyền tại Pháp.

Bài này cho thấy Hoàng Đạo nhiệt liệt ủng hộ Đảng Xã hội Pháp, ông còn nói thêm: Nghị viện Pháp chia làm hai phe: tả, hữu. Phe tả chú trọng về bình dân, phe hữu nghiêng về phiá những nhà tư bản. Năm 1936: phe tả có 378 nghị viên, và phe hữu, 236 nghị viên.

"Tả đảng gồm ba phái chính: đảng cộng sản, đảng xã hội và đảng xã hội cấp tiến. Chương trình ba đảng ấy khác xa nhau, nhưng may lại có chỗ giống nhau: là cả ba đều chú trọng về bình dân. Các phái hữu phần đông là của những nhà đại tư bản, đại doanh nghiệp chỉ muốn theo chủ nghiã phát xít, nhưng theo một cách mập mờ". (Ngày Nay số16)

Năm 1938, trong lúc Măt trận Bình dân bị khó khăn tại Pháp, Léon Blum phải từ chức, Daladier lên thay ngày 10-4-38. Ngày Nay số 117 (3-7-38), đưa ra những khẩu hiệu tuyên truyền cho Mặt trận Bình dân như Mặt trận Bình dân đòi quyền sống. Hoặc như: Nhóm "Tự Lực" hết sức ủng hộ Mặt Trận dân chủ, châm ngôn của chúng tôi là:

Hết sức giúp cho Mặt trân Bình dân thắng và bền.

Hết sức giúp cho Mặt trận Bình dân đòi và làm.

Tóm lại, từ năm 1934, Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn đã chọn Đảng Xã hội Pháp như một tổ chức chính trị cùng tư tưởng và như một "đồng minh" có thể dựa vào trong cuộc chiến chống chế độ thực dân.

Trước Hoàng Đạo, Nhượng Tống và Nguyễn Thái Học cũng đã đề xướng con đường tranh đấu tương tự, nhưng cuộc cách mạng của họ quá ngắn ngủi, và họ cũng không có điều kiện ra báo để quảng bá lập trường chính trị của mình, Hoàng Đạo là người đầu tiên làm công việc giải thích con đường chính trị của ông, của Tự Lực văn đoàn và đồng thời cũng là con đường của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Con đường chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Nam Đồng Thư Xã, thành lập cuối năm 1926, là hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, ban đầu, chỉ có hai anh em Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, in loại sách cổ động lòng ái quốc, như Cách mạng Trung Hoa, Lịch sử Tôn Dật Tiên, Cách mạng thế giới, Chủ nghiã Tam Dân[16]… Theo Nhượng Tống, sách in lúc bấy giờ chưa bị kiểm duyệt như báo, nhưng khi ra rồi, chính quyền thấy có hại, ra lệnh tịch thu, thì sách đã bán hết.

Một mặt khác, Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào (hai đồng chí của Nguyễn Thái Học) đều cho biết: đảng trưởng theo chủ nghiã Xã hội.

Nhượng Tống xác định: Sau khi cách mạng thành công sẽ tổ chức một chính thể Cộng hòa theo chủ nghiã Dân chủ xã hội.[17]

Nhượng Tống còn là dịch giả lỗi lạc sách chữ Hán, vậy chính ông đã dịch sách của Tôn Dật Tiên và Nguyễn Thái Học cũng học Hán văn từ nhỏ: hẳn họ đã đồng ý với nhau khi lấy tên đảng là Việt Nam Quốc Dân.

Việt Nam Quốc Dân Đảng, thừa kế tên Quốc Dân Đảng của Trung Hoa và kết hợp hai chủ nghiã: Xã hội của phương Tây và Tam dân của Tôn Dật Tiên.

Nhưng cả Nhượng Tống lẫn Nguyễn Thái Học đều không có thì giờ viết thành một lý thuyết riêng của đảng. Bởi vì:

- Nhượng Tống bị bắt ở Huế, [khoảng tháng 3-1929] sau vụ ám sát Bazin [ngày 9-2-1929], khi ông thay đảng trưởng vào Huế, gặp cụ Phan Bội Châu, nhờ cụ viết thư giới thiệu với các tổ chức cách mạng bên ngoài. Ông bị bắt gần một năm trước ngày Tổng khởi nghiã (11-2-1930), bị đưa ra tòa ngày 2-7-1929[18]; bị đày đi Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) đến ngày 20-4-1933 mới được trở về[19] và bị quản thúc 5 năm nữa.

- Nguyễn Thái Học lên máy chém ngày tháng 17-6-1930.

Tám năm sau, qua loạt bài Chính Trị và đảng phái Hoàng Đạo đã giải thích sự lựa chọn của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà Nguyễn Thái Học và Nhượng Tống chưa kịp làm.

Đi sâu và đi xa hơn nữa, Hoàng Đạo trình bày các chủ thuyết chính trị khác nhau trong thế kỷ XX, để loại hẳn các chính sách đế quốc, quân phiệt, độc tài, kỳ thị chủng tộc ra, và chỉ giữ lại những điều thích hợp cho dân tộc, chủ yếu:

1- Chủ nghiã Xã hội Tây phương

2- Chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên.

1- Theo chủ nghiã Xã hội

Sự lựa chọn của Hoàng Đạo được ông diễn tả rõ ràng trong bài Vài lời nói thêm trên Ngày Nay số 114 (12-6-38), với những dòng ưu ái sau đây dành cho chủ nghiã Xã hội:

"Chủ nghiã xã hội, mới phát sinh được gần một thế kỷ – tôi muốn nói chủ nghiã xã hội duy vật – đã được nhiều người, rất nhiều người hưởng ứng. Là vì chủ nghiã ấy lập luận chắc chắn khiến cho kẻ trí thức nhận rõ tính cách khoa học của chủ nghiã ấy, lại vì chủ nghiã ấy nêu ra sự bình đẳng cho cả nhân loại, khiến cho giai cấp thợ thuyền và những giai cấp thấp bé thường bị đè nén trong xã hội nức lòng coi như con đường thoát ly ra khỏi vòng lao lung. (…) Ngoài ra, ta còn có thể nói rằng chủ nghiã ấy ảnh hưởng rất lớn ở bốn nước Suède, Norvège, Danemark và Finlande, bốn nước sung sướng trên hoàn cầu" (Ngày Nay số 114,12-6-38).

Ở đây, chúng ta cần phân biệt sự khác nhau trong quan niệm cần lao của Hoàng Đạo với quan niệm cần lao của Tây phương:

Cùng là sự người bóc lột người, nhưng Đảng Xã hội Tây phương nhấn mạnh đến giai cấp tư bản bóc lột giai cấp lao động, còn đối với Hoàng Đạo, là sự tranh đấu kép:

- của giai cấp tiểu tư sản  lao động chống lại giai cấp đại tư bản.

- của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thực dân.

Một bên là người cùng một dân tộc tranh đấu với nhau vì giàu nghèo khác biệt.

Một bên là người khác dân tộc, tranh đấu để lấy lại quyền dân tộc tự quyết và quyền làm người.

Cuộc tranh đấu sau chính là cuộc tranh đấu của những nước bị đô hộ chống lại bọn thực dân, cũng là trường hợp của nước Tàu và nước Việt.

2- Theo chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên:

Cùng trong cảnh đất nước còn cổ hủ và bị người Âu chiếm đoạt, những gì Tôn Dật Tiên khám phá cho Trung quốc, có thể áp dụng được ở Việt Nam.

Tôn Dật Tiên lấy chủ trương: Đuổi người ngoại quốc, chấn hưng Trung Hoa, xây dựng một nước cộng hoà và chia đều đất đai cho dân, làm tôn chỉ cho cuộc cách mạng.

Hoàng Đạo đã phối hợp đường lối của Đảng Xã Hội với chủ nghiã Tam Dân, để rút ra bốn nguyên tắc sau đây:

1- Dùng chủ nghiã Quốc gia của Tôn Dật Tiên để đuổi người Pháp ra khỏi lãnh thổ.

2- Tranh đấu cho thành phần Cần lao, chống lại sự đán áp của tư bản và chống lại sự bóc lột của thực dân trên toàn lãnh thổ.

3- Cải cách xã hội khỏi tình trạng lạc hậu, chậm tiến, san bằng giàu nghèo.

4- Đưa nước đến chế độ dân chủ.

Chữ quốc gia trong quan niệm Quốc dân đảng, chính là quốc dân; từ Tôn Dật Tiên đến Nguyễn Thái Học, Hoàng Đạo… đều có cùng một nội dung: quốc dân chống lại đế quốc thực dân, không liên hệ gì với chữ quốc gia độc tôn trên hết của Phát-xít và Nazi.

Sau 1954 chữ quốc gia được coi là một thứ "chủ nghiã" để đối đầu với chủ nghiã cộng sản, thì chỉ là một sự biến thiên của ngôn từ: Chữ quốc gia đã mất hẳn ý nghiã nguyên thủy của Tôn Dật Tiên và Nguyễn Thái Học. Sự đối đầu giữa Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, tạo ra một mặt trận giữa người Trung Quốc với nhau. Hại thay, nước Việt cũng đi theo con đường đẫm máu ấy.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Ngày 26-4-1936 và 3-5-36, vì Pháp bầu cử hai lần.

[2] Lần theo lịch sử (Ngày Nay số 98, 20-2-38).

[3] Ngày Nay số 99 (27-2-38) và Ngày Nay số 100 (6-3-38).

[4] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, bản dịch Le Dragon d’Annam, Nguyễn Phước tộc xuất bản 1990, Cali, trang 27.

[5] Chủ nghiã dân chủ và các đảng cộng hòa, Ngày Nay số 101 (13-3-38) và số 102 (20-3-38).

[6] Chủ nghiã dân chủ và các đảng cộng hòa, Ngày Nay số 101 (13-3-38).

[7] Nguyên văn tiếng Pháp: "Le Gouvernement est "un corps intermédiaire établi entre les sujets et le Souverain pour leur mutuelle correspondance, chargé de l’exécution des lois et du maintien de la liberté, tant civile que politique" (le Gouvernement est donc subordonné au Souverain: il recoit ses instructions de celui-ci). Les membres de ce corps intermédiaire sont appelés "Magistrats." (Rousseau, Contrat social, livre III, chap. I).

[8] In trên Ngày Nay số 105 (10-4-38) và Ngày Nay số 106 (17-4-38).

[9] Công xã tức chính quyền vô sản ở một thị xã hay một thành phố.

[10] Vùng sông Rhin, từ biên giới Pháp đến biên giới Hòa Lan.

[11] Tôn Văn (1866-1925) tức Tôn Dật Tiên hay Tôn Trung Sơn, là một trong những người thành lập Quốc Dân Đảng Trung Hoa, có ảnh hưởng lớn trong việc đánh đổ nhà Thanh và xây dựng nước Trung Hoa dân quốc. Tôn Dật Tiên, quê Quảng Đông, học truyền thống đến năm 13 tuổi, rồi theo anh sang Honolulu, học trường Mỹ và nhập đạo Tin lành. Năm 1883, trở về nước, học Đại học Anh ở Hồng Kông, đỗ y khoa bác sĩ năm 1892. Hoạt động chính trị và lập đảng Trung Hưng 1894. Năm 1895, tổ chức lật đổ nhà Thanh nhưng thất bại, phải sống lưu vong ở châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản trong 16 năm.

Ngày 10-10-1911, cách mạng nổi lên ở Vũ Xương, thành công, lúc đó Tôn Văn đang ở Mỹ, được mời về nước, và được bầu làm Tổng thống lâm thời đầu tiên của Trung Hoa (từ 29-12-1911 đến 10-3-1912). Dĩ nhiên sau đó, nền cộng hoà non trẻ còn phải trải nhiều thử thách, nhưng sự thành công ban đầu của Tôn Văn và lý thuyết Tam dân đã ảnh hưởng đến những nhà cách mạng Việt Nam, đặc biệt Việt Nam Quốc Dân Đảng.

[12] Để đạt mục đích ấy, Tôn Văn đưa ra ba phương pháp:

1- Trung quân sẽ đổi thành trung với nước. Còn, hiếu đễ, nhân, tín, lễ nghiã, cần phải duy trì và mở mang thêm.

2- Trở lại văn hoá xưa: Đạo tu thân của Đức Khổng Tử là một đạo nên theo; chính người Đức họ đến học lại ta (ý nói triết thuyết Kant, Nietzsche), vậy ta cần theo đạo ấy để sửa mình.

3- Theo khoa học Thái Tây. Về mặt vật chất, thì Thái Tây hiện nay văn minh hơn Tàu; vậy người Tàu phải theo họ để mạnh như họ.

[13] Phong Hoá số 87, 2-3-34.

[14] Ngày Nay số 33, 8-11-36.

[15] Đảng Xã Hội, tiếng Pháp là SFIO (Section Française de L’Internationale Ouvrière) do Léon Blum đứng đầu.

[16] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt, Cali, 2006, trang 25.

[17] Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, chương 16, bản điện tử. (Sách này đã đưọc Nhã Nam in lại năm 2014)

[18] Theo Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, các chương 17, 18, 19, 20, bản điện tử.

[19] Phong Hóa số 45 (5-5-33). Vậy mà mới đây có nhiều chỗ viết: ông bị Quốc Dân Đảng "dự định thủ tiêu" trước ngày Tổng khởi nghiã, vì chống lại việc này!

Nguồn: Văn Việt