Tuesday, August 17, 2021

2114. CHÂN DUNG THƠ MIỀN NAM 1955-1975: PHẠM NGỌC LƯ Nguyễn Thanh Châu sưu tầm và giới thiệu




TIỂU SỬ:


Bút hiệu; PHẠM TRIỀU NGHI

Nơi sinh: Phú Vang, Thừa Thiên

Năm sinh: 1946

Năm mất: 26/5/2017

 

TÁC PHẨM:


Thơ: Đan Tâm 2004, Mây Nổi 2007

Truyện ngắn: Sợi Khói Bay Vòng 2016

 

PHẠM NGỌC LƯ góp mặt trên các tập san văn nghệ từ năm 1963 như BÁCH KHOA, Ý THỨC, KHỞI HÀNH, VĂN… Nhưng chính với bài thơ Biên Cương Hành đăng trên giai phẩm VĂN năm 1972 mới làm nổi bật danh tiếng của ông trong lớp nhà thơ trẻ bấy giờ. Bài thơ nói đến cảnh trạng chiến tranh đã xảy ra trên đất nước khốn cùng mà chứng nhân đồng thời cũng là nạn nhân không ai khác hơn là chúng ta.

 

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

 

Với sở học tốt nghiệp văn chương Việt Hán làm nền tảng, ông đã sáng tác một số bài thơ có chất cổ phong rất đặc sắc, nhất là những bài hành: Biên Cương Hành, Cố Lý Hành…

 

Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý mười năm ngày trở lại

Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!

 

Bên cạnh đó, PHẠM NGỌC LƯ còn viết nhiều truyện ngắn được người đọc bấy giờ hân thưởng. Sau 1975, ông vẫn sáng tác trong âm thầm, không cộng tác với bất cứ tổ chức văn nghệ nào của chế độ hiện hành. Ông mất tại Đà Nẵng vào năm 2017 sau một thời gian mắc bệnh ung thư tuyến giáp trạng.


Nhà thơ Phạm Ngọc Lư (1948-2020)



TRÍCH THƠ:

 

Rụng Tim Người

 

Uổng tình tôi một hòn đá vụn

Rớt vô tình xuống đáy sông tan

Cuốn theo tiếng hú hồn lẩy bẩy

Bay trên dòng nước xiết mang mang

 

Tội tình tôi chờ hái bụm mưa

Rửa vết thương sâu ngời lửa cháy

Chiều nay ai đập vỏ chai bia

Máu vọt lên giữa vòng nước xoáy

 

Người đến chi rét mầu nắng quái

Chốc nữa về đau ngọn mưa điên

Gớm chưa! mây một trời tan tác

Tôi một mình quấn quýt oan khiên

 

Bỗng ngó lại đời rung cánh đập

Nát lòng chưa ngàn giọt mưa xuyên

Nằm giả chết xuôi thân lá úa

Lá rụng thầm... cũng đủ vỡ tim

 

Tuần báo KHỞI HÀNH số 72

 

 

Đất Trích

 

Mươi lít gạo trộn vài cân muối

Nấu với tình em ăn vẫn ngon

Tình em nước sông Ba đầy bát

Đời ta như nồi trống niêu trơn


Bốn phía rừng xanh mầu nước độc

Đông tây nam bắc núi chận đường

Một lũng đất bằng khu chén nhỏ

Trói chân ta vào chân Trường Sơn


Bó đời ta nửa manh chiếu rách

Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con

Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh

Bay với chim trời ra cố hương


Canh khuya cọp gầm vang núi Lá

Giật mình tưởng ai gọi đầu non

Nằm chi đây, thân tàn đất trích

Chờ ai đây, đói lả chết mòn

 

Mươi nắm gạo trộn vài vốc muối

Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn

Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo

Xin tình em một mảnh đất chôn

 

Củng Sơn, 1971

 

 

MỘT KHÚC MƯA

 

ru em rạc giọng mưa rời

ngày dài tay vượn vin đời thú muông

đưa tình qua tuổi hưởng dương

ru ru lời phụ rẫy ruồng trăm năm

 

mưa đi đau xác mưa nằm

tôi ngồi ru chết cõi thăm thẳm người

hít đêm mát máu mưa tươi

nghe chừng giọt nước tách đôi bóng mình

 

ru em chết giữa mùa trinh

mưa bom bão đạn vong linh kéo về

đất thề tẩm nhuyễn hơi mê

lên cành xuân lạ cắt tê điếng hồn

thịt cào cấu lớp da chôn

chết tôi rã mục sao còn nghe mưa

 

Tuần báo KHỞI HÀNH số 21

 

 

Biên Cương Hành

 

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương!

Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông

Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm

Mùa mưa về báo hiệu tai ương

Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hoá thành thú muông

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương!

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

Rừng núi ơi ta đến chia buồn

Buồn quá giả làm con vượn hú

Nào ngờ ta con thú bị thương

Chiều hôm bắt tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương?

Em đâu, quê nhà chong mắt đợi

Hồn theo mây trắng ra biên cương

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông

Thôi em, chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

Nhất khứ bất phục phản” là thường!

 

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về: thân cạn máu khô xương

Ngày về: hôn lễ hay tang lễ

Hề chi! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

 

Giai phẩm VĂN 26/10/1972

 

 

Bên Sông

 

Chảy đi chảy đi

Hỡi sông buồn lắm

Nước thôi chờ chi

Thuyền xưa đã đắm

Người đi người đi

Trăm năm bến vắng

Xa hút bờ kia

Bóng người mây thoáng


Chảy mau chảy mau

Đời nông tình cạn

Mà nước quá sâu

Trăm chiều khổ nạn


Ta bơi qua sông

Mới hay đời nặng

Đời có như không

Tiếc gì tay trắng

Thôi thà rêu rong


Ta gieo xuống sông

Vỡ dòng nước chết

Nước đứng tim đêm

Ta còn thở hết?


Chảy đi chảy đi

Người về đâu biết

Chảy mau chảy mau

Đời: con nước xiết

Tình: vực nước sâu

Em: dòng ly biệt

Ta chiếc lá chìm


Chảy thôi chảy thôi

Còn trông còn ngóng

Nhớ ai gương xưa

Chờ ai cửa rộng

Đưa ai tiễn ai

Phai hình mất bóng

Khổ lắm người ơi

Qua sông mất nón

Sông trôi sông trôi

Về đâu mà đón

Thôi hẹn hò chi...


Với người xưa ấy

Đã khói sương che

Chút tình xa ngái

Đã cách bến bờ

Biết lòng không đậu

Trông chi thuyền về

Người như khung cửa

Khép lại hững hờ


Người như gương vỡ

Trăm năm lỗi thề

Người như phong vũ

Lạnh màu thê thê...

 

Giai phẩm VĂN 2/5/1973

 

 

Cảm ngộ

 

Hoa rụng vô tình nghiêng chén rượu
Xuân tàn bất chợt trắng bài thơ
Tóc nhuộm khói chiều thù mây bạc
Ai lau nhan sắc để gương mờ

Hoa nở bao giờ? Chiều nay rụng
Xuân đến bao giờ? Sáng nay đi!
Chén rượu thuyền quyên cầm tôi lại
Thoáng hương xưa bối rối xuân thì

Cứ tưởng gặp nhau trong vạn cổ
Ngỡ ngàng em: thục nữ Kinh Thi
Ngỡ ngàng tôi: nho phong hàn sĩ
Rượu hồng đào nặng chén tương tri

Cứ tưởng giang đầu giao giang vĩ
Sông Tương cạn đấy hết đôi bờ
Sao tôi ngơ ngác, hoài Tương thủy
Giọt rượu tương phùng chết đuối thơ!

Đâu biết xuân già hoa khai muộn
Vô tình tôi mọc trái tim non
Em ngó lại rơi màu tóc biếc
Chén rượu tan tành vỡ khói sương.

  

Thâu Đêm Trằn Trọc Nghe Mưa

 

Chưa mùa mưa trời bỗng mưa mau

Mái nghiêng gác lệch mưa rêm đầu

Nghe lòng chăn chiếu ê chề quá

Hơi hướm giang hồ chẳng ấm nhau

Cứ gom tâm sự nằm nhai lại

Tâm sự một đời ôi bể dâu

Năm năm mười năm không là mấy

Góp lại không đầy một đêm thâu

Đêm thâu nghe mưa rơi trằn trọc

Đời mòn chí mỏi biết về đâu?

Bao khách xa nhà trong thiên hạ

Đêm mưa thanh khí chẳng tương cầu

Cứ nghe mưa héo mòn trời đất

Tê buốt lòng ngàn mũi kim khâu

Chưa mùa mưa sao mưa rười rượi

Không chừng trời ốm khiến mưa đau

Chiếu chăn meo mốc chua mùi mộng

Mộng sớm mộng khuya chớm bạc màu

Nhốn  nháo sinh linh thời nhiễu loạn

Lều bều thân thế lộn vàng thau

Năm nổi tháng chìm ngày mắc cạn

Đêm mưa lòng nghẽn nước đục ngầu

Nằm suông thức trắng nghe mưa giọt

Sáng dậy ngu ngơ: tóc bạc đầu!

 

1973

 

 

Cố Lý Hành

 

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp

Nước đua chen đớp bọt nắng tàn

Đò qua sông đìu hiu bến đợi

Buồn rút lên bờ cây khai quang

Mây đổ xù lông như chó ốm

Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

 

Có biết ta về không cố lý?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng

Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Cổng khép rào vây vườn cỏ dại

Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng

Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể

Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?

Khóc làm sao vừa lòng cố lý?

Phải đây là cố lý ta chăng?

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng!


Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý mười năm ngày trở lại

Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!

 

Giai phẩm VĂN 2/5/1973