Tôi
sang Mỹ định cư vào năm 1999. Trước khi sang Mỹ, tôi có một thời gian dài sống ở
Đức Trọng. Đức Trọng là nột vùng đất trù phú, người dân ở đó hiền hỏa và chơn
chất. Đức Trọng giáp với Đà Lạt về phía bắc, Di Linh về phía nam, Đơn Dương về phía
đông và Lâm Hà về phía tây. Sau 1975, bạn bè
cũ đều rời Đà Lạt đi đến các nơi khác sinh sống. Ở Đà Lạt tôi chỉ còn hai người
bạn thân là Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba.
Đà Lạt
cách Đức Trọng khoảng 30 km. Một hôm, Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba ghé
nhà tôi vào lúc 8 giờ tối. Tôi hỏi hai bạn ghé chơi có chuyện gì không. Hai bạn
cười và nói lâu không gặp nên xuống thăm và uống một ly cà phê rồi về. Tôi rất bất
ngờ về tình cảm của bạn dành cho mình. Đi và về trên một đoạn đường 60 km trong
đêm tối chỉ để uống với bạn một ly cà phê rồi về! Tình bạn những ngày khó khăn ấy
đẹp biết bao! Sau này thỉnh thoảng hai bạn
vẫn ghé lại như vậy.
Khi
sang Mỹ, 5 năm đầu tôi sống ở Seattle. Đây là khoảng thời gian hai vợ chồng tôi
đi làm full time, lo kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống nơi vùng đất mới ở quê
người. Tôi không có thời gian để tham gia các sinh hoạt văn học nghệ thuật. Cuối
năm 2005 tôi chuyển sang sống ở tiểu bang Virginia. Lúc này cuộc sống của gia đình
tôi đã tạm ổn định. Tôi bắt đầu sáng tác trở lại sau 30 năm ngừng viết. Tôi
tham gia vào các sinh hoạt của nhóm Thư Quán Bản Thảo, gặp gỡ nhiều khuôn mặt văn
nghệ ở miền đông: Đinh Cường, Trương Vũ, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Nhuận, Đặng
Đình Khiết, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Thị Ý, Lãm Thúy, Nguyễn
Quang, Đinh Trường Chinh... Xa hơn một chút, ở Boston, có các bạn Nguyễn Trọng
Khôi, Trần Doãn Nho, Chân Phương, Nguyễn Ngọc Phong, ở New Jersey có Trần Hoài
Thư, Nguyễn Thị Hải Hà và ở New York có Minh Ngọc, Nguyễn Thụy Đan. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng lâu rồi tôi
không còn được đón bạn vượt đường xa ghé nhà trong đêm để uống một ly cà phê rồi
về như những ngày ở Đức Trọng.
Một
bất ngờ đã xảy ra với tôi vào tối hôm qua, 30/9/2021. Khoảng 8 giờ tối, Nguyễn Minh Nữu
gọi cho tôi, giọng rất vui:
- Đi ngủ
chưa?
- Chưa.
Hãy còn sớm mà.
- Khoảng
nửa tiếng nữa tôi ghé nhà được không?
- Được
chứ.
Rồi
Nguyễn Minh Nữu đến cùng một người bạn có mang theo một cây đàn guitar. Anh giới
thiệu bạn anh là nhạc sĩ du ca Hoàng Văn Phượng đến từ New York. Tôi có nghe tiếng
nhạc sĩ Hoàng Văn Phượng từ lâu nhưng đây là lần đầu tôi gặp anh. Nguyễn Minh Nữu
cho biết cách đây một tuần, sau khi bài thơ RỒI MỘT HÔM CHIM BAY VỀ NÚI CŨ được
đưa lên net, anh đã share bài thơ này trên trang facebook của anh. Từ trang
facebook của Nguyễn Minh Nữu, nhạc sĩ Hoàng Văn Phượng đọc được bài thơ và phổ
nhạc ngay. Không những phổ nhạc mà anh còn viết lời 2 cho bản nhạc. Sau khi hoàn
tất bản nhạc, anh rất vui và phấn khích nên quyết định lái xe sang Virginia hát
cho Nguyễn Minh Nữu và tôi nghe rồi sẽ về New York vào ngày hôm sau. Đi và về lái
xe trên freeway mất 8 tiếng, chỉ để hát cho bạn mình nghe một bài hát rồi về! Tôi
rất xúc động! Bằng các thao tác nhanh nhẹn
của một nhạc sĩ du ca, anh mở hộp đàn, ôm đàn hát cho chúng tôi nghe bài hát anh
vừa phổ nhạc. Giọng anh trầm ấm, điêu luyện, truyền cảm, melody hay. Đây là một bài hát buồn
vì được phổ nhạc từ một bài thơ viết về đại dịch Covid-19.
Lái
xe trên một đoạn đường 800 km chỉ để hát cho bạn mình nghe một bài hát rồi về! Một
kỷ niệm đẹp mà tôi cần phải kể cho gia đình tôi và bạn bè tôi nghe anh Hoàng Văn
Phượng ạ. Cám ơn anh rất nhiều và mong anh lần tới khi sang Virginia sẽ ở lại lâu
hơn với chúng tôi. Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp này trong suốt cuộc đời tôi.
PHẠM
CAO HOÀNG
Virginia,
1 October 2021
Bấm vào ảnh dưới đây để nghe ca khúc
RỒI MỘT HÔM CHIM BAY VỀ NÚI CŨ
Thơ Phạm Cao Hoàng
Hoàng Văn Phượng phổ nhạc và viết lời 2