Thursday, December 23, 2021

2232. KHO TÀNG Truyện chớp của nhà văn Ý GIOVANNINO GUARESCHI (1908-1968) Dịch và giới thiệu: NGU YÊN



Giovannino Guareschi (1908-1968) Người Ý, nhà báo, đạo diễn, và họa sĩ hoạt họa. Nhân vật hình vẽ do ông tạo ra, Don Camillo, được nhiều người thưởng thức và yêu chuộng.

Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Fontanelle di Roccabianca, Province of Parma. Vì hoàn cảnh gia đình, việc theo học University of Parma bị dở dang. bắt đầu sự nghiệp làm báo từ đó.

Đi lính năm 1943. Bị bắt làm tù binh hai năm trong đệ nhị thế chiến.

1950, ông bị tù lần nữa vì tội nhạo báng tổng thống đương nhiệm.

1954, ở tù 49 ngày vì ấn hành hai lá thư của phe chống chính phủ.

1957, ông về hưu và qua đời vì bệnh tim tại Cevia.


Giovannino Guareschi (1908-1968)


KHO TÀNG


Một ngày, Smilzo đi đến nhà thờ xứ. Anh ta là cựu đảng viên trẻ, tòng quân theo sự chỉ huy của thị trưởng Peppone trong cuộc chiến miền rừng núi, hiện nay anh làm việc như một người đưa tin cho  tòa thị chính. Anh mang đến một lá thư đẹp, được in trên giấy đặc sản làm bằng tay với tên đảng bằng chữ Gothic nghiêm túc. Nội dung:

Xin trân trọng kính mời Ngài đến tham dự buổi lễ cộng đồng vào lúc 10 giờ sáng mai tại Piazza della Libertà. Ký tên, Bí thư Nhân dân, đồng chí Bottazzi, thị trưởng, Guiseppe. Linh mục Don Camillo nhìn Smilzo một cách nghiêm khắc. “Nói với đồng chí Peppone thị trưởng Guiseppe, tôi không muốn đến để nghe những lời nói nhàm chán chống đối phản động và tư bản. Tôi đã thuộc lòng.”

Smilzo giải thích, “Không phải, không có diễn văn chính trị. Hôm nay chỉ dành cho lòng yêu nước và hoạt động xã hội. Nếu ông không đi, nghĩa là ông không hiểu gì về nền dân chủ.”

Don Camillo từ tốn gật đầu. “Nếu đã như vậy, tôi không còn gì để từ chối.”

“Hay quá. Thị trưởng nói rằng phải mặc lễ phục và mang theo đồ hành lễ.”

“Đồ hành lễ?”

“Vâng, một bình nước thánh và tất cả những thứ cần thiết, để làm phép ban phước lành.”

Smilzo lách né cách nói chi tiết với Don Camillo vì đúng ra anh là Smilzo, người gầy. Kẻ ốm nhom và nhanh nhẹn đến nỗi trong cuộc chiến vùng rừng núi, anh nổi danh là người lính trợt giữa những làn đạn. Vì vậy, lúc Don Camillo nhắm ném cuốn sách dày cui vào đầu anh, Smilzo đã nhảy phóc lên xe đạp, trợt nhanh như danh hiệu của anh.

Don Camillo đứng lên, lượm cuốn sách rồi đi vào nhà thờ cho nguôi giận. Đến trước bàn thánh, ông nói, “Lạy Chúa, con phải tìm hiểu, ngày mai những người này định làm gì. Con chưa bao giờ nghe nói nhiều điều bí ẩn như vậy. Họ chuẩn bị, ý gì đây? Tại sao họ cắm tất cả những cành cây xuống đất chung quanh cánh đồng giữa tiệm bán thuốc và nhà của Baghetti? Trò quỷ quái gì vậy?”

“Này con, nếu là trò quỷ quái, trước hết, họ sẽ không làm một cách công khai. Thứ đến, họ sẽ không mời con đến để làm phép thánh. Cứ kiên nhẫn chờ đến ngày mai.” Chúa trả lời.

Đêm hôm đó, Don Camillo đi thăm dò nhưng không thấy gì khác lạ ngoài trừ những cành cây và đồ trang trí chung quanh cánh đồng. Dường như không một ai để ý gì cả. Sáng hôm sau, khi khởi hành với hai thầy phụ lễ theo sau, ông cảm thấy hai đầu gối hơi run. Cảm giác điều gì không bình thường. Dường như có âm mưu.

Một giờ sau, ông quay về, thất sắc và lên cơn sốt.

“Chuyện gì vậy?” Từ bàn thờ Chúa hỏi.

Camillo ấp úng: “Đủ để dựng tóc gáy. Thật là khủng khiếp. Ban nhạc, bài thánh ca của Garibaldi, diễn văn của thị trưởng Peppone, và việc đặt viên đá đầu tiên để xây ‘Cung điện Nhân dân’. Con phải ban phép lành cho viên đá trong khi thị trưởng sung sướng cười khúc khích. Tên lưu manh này còn yêu cầu con phát biểu và con phải nói đôi lời cho phù hợp vì cho dù đó là việc của đảng, nhưng con chó này đã phủ lên thân nó một công tác xã hội.”

Linh mục Camillo đi lui đi tới trong ngôi nhà thờ vắng tanh. Rồi đứng lại trước mặt Chúa, tiếp tục nói: “ Hội trường, phòng đọc sách báo, thư viện, phòng tập thể dục, bệnh xá và nhà hát. Một tòa lầu hai tầng cao chọc trời có sân chơi thể thao và chỗ quăng cầu gỗ. Tất cả toàn bộ chi phí xương máu là mười triệu lia.”

Chúa Giê-Su nhận xét: “Không đến nỗi nào. Chi phí xây cất ngày nay lên giá.”

Camillo sụp ngồi trên băng ghế, kêu lên: “Chúa ơi, tại sao Chúa giao cho con việc này?”

“Don Camillo, con thật vô lý.”

“Con không vô lý đâu. Trong mười năm qua, con đã quỳ gối xin Chúa ban cho một ít tiền để xây một thư viện, một hội trường cho thanh thiếu niên sinh hoạt, một sân chơi trẻ em có trò quay vòng tròn, xich đu và có thể được, một hồ bơi nhỏ. Mười năm, con đã hạ mình trước những chủ đất vênh váo, mà con muốn đập vào mặt họ mỗi khi gặp. Con đã tổ chức hai trăm phiên chợ và gõ cửa hơn hai ngàn nhà nhưng không được gì đáng kể. Nhưng con chó vô thần này xuất hiện, nhận được mười triệu lia từ thiên đàng rơi vào túi.”

Chúa lắc đầu. “Tiền không rơi xuống từ trời. Ông ấy tìm được chúng dưới lòng đất. Don Camillo, ta không liên can gì đến chuyện đó. Việc này hoàn toàn do sáng kiến cá nhân.”

Camillo giăng thẳng hai tay. “Như vậy, suy ra con quả thật là thằng ngốc kém cỏi.”

Vị linh mục bỏ đi bực bội bước vào văn phòng làm việc trong nhà xứ, nổi giận gầm gừ. Ông nghĩ, phải chận đứng cơ hội thị trưởng Peppone nhận mười triệu lia bằng cách gây chậm trễ cho mọi người đóng góp hoặc cướp ngân hàng tài trợ.

Ông nhớ lại những ngày giải phóng, khi Peppone từ trên núi xuống, dường như cuộc cách mạng vô sản có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ông tự nhủ: “Chắc hẳn Peppone đã đe dọa những quí tộc hèn nhát để vắt cạn tiền bạc của họ.” Rồi lại nhớ đến những ngày không có người cai quản trong các khu phố, nhưng có một phân đội lính Anh đến cùng lúc với Peppone và đám lính núi. Lính Anh chiếm đóng các nhà của người cai quản. Thay thế những người Đức đã bị lột bỏ mọi chức tước tài sản.  Như vậy, Peppone không thể tìm được mười triệu bằng cách cướp của.

Có thể nào Nga cho tiền? Ông bật cười, có thể nào người Nga xem trọng Peppone? Cuối cùng ông quay trở lại nhà thờ. Van xin: “Lạy Chúa, từ dưới chân bàn thờ, xin Chúa cho con biết, Peppone đã ngửi thấy tiền từ đâu?”

Chúa cười: “Don, con mời ta làm thám tử sao? Hỏi Chúa cho con biết sự thật làm gì, khi con có thể tìm thấy trong con? Hãy tự tìm lấy, Don, trong lúc chờ đợi, để tâm trí được thoải mái, sao con không thực hiện một chuyến du hành vào thành phố?”

Tối hôm sau, sau chuyến tham quan thành phố trở về, Camillo đến trước mặt Chúa trong tâm trạng vô cùng kích động.

“Don, chuyện gì đã làm con bực bội?”

Camillo thở hổn hển, “Chuyện khá điên rồ. Con đã gặp một người chết! Đối diện ngay ngoài đường phố.”  

“Don, bình tĩnh suy nghĩ lại. Thông thường không thể đối mặt người chết trên đường phố người sống.”

Camillo la lớn, “Không đúng. Người này chết ngắt như con cừu tiệt. Con biết vì chính con đưa nó ra chôn ngoài nghĩa địa.”

“Trong trường hợp này, ta không còn gì để nói, Có lẽ, con đã gặp ma.”

“Dĩ nhiên, không phải. Làm gì có ma. Ma chỉ có trong tâm trí những phụ nữ bị tâm thần.”

“Và do đó?”

“ ưm…” Camillo lẩm bẩm. Kiểm soát sắp đặt ý nghĩ. Người chết là một thanh niên gầy gò, sống trong ngôi làng gần phố. Trước chiến tranh, thỉnh thoảng Camillo có gặp anh ta. Anh cùng đám lính xuống núi với Peppone, bị thương trên đầu. Peppone đưa anh đến ở ngôi nhà từng là trụ sở của bộ tư lệnh lính Đức, nay là trụ sở của bộ tư lệnh Anh. Peppone đặt văn phòng của mình cạnh bên phòng người bị thương tật. Camillo nhớ rất rõ, ngôi biệt thự có lính gác vây quanh ba lớp, một con ruồi cũng không thể ra vào, vì lính Anh vẫn còn chiến đấu cạnh đó. Họ đặc biệt nhạy cảm với đám đồng minh.

Tất cả chuyện này xảy ra vào buổi sáng và buổi tối cùng ngày người thanh niên qua đời. Peppone mời linh mục Camillo vào lúc nửa đêm, nhưng khi ông đến, họ đã bỏ anh ta vào quan tài. Lính Anh không muốn giữ xác chết trong nhà. Vào khoảng trưa, Peppone và những người thân tín khiêng quan tài ra ngoài, phủ lá cờ Ý. Một đội lính Anh tình nguyện giúp hành lễ vinh dự cho quân nhân.  

Vị linh mục nhớ lại buổi lễ đã gây nhiều xúc động nhất. Cả làng theo đưa tiễn. Quan tài đặt trên xe chở súng. Chính ông đã làm lễ, nói bài giảng trước khi hạ huyệt, khiến mọi người thật sự bật khóc. Peppone ngồi hàng ghế đầu, cũng nức nở.  

Camillo nói thầm với mình một cách tự mãn khi nhớ lại đoạn hình ảnh này, “Tôi chắc chắn biết cách trình bày ý nghĩ nếu chú tâm.” Rồi ông tiếp tục nghĩ ngợi, “Bất chấp những chuyện xảy ra, tôi xin thề, hôm nay, đã gặp người thanh niên này trong phố, cũng là người tôi đã tham dự chôn cất.”

Ông thở dài. “Đời là thế.”

Ngày hôm sau, vị linh mục đến thăm thị trưởng Peppone tại xưởng làm, thấy ông đang nằm ngửa dưới chiếc xe hơi.

“Chào đồng chí thị trưởng. Tôi muốn nói, trong hai ngày qua, tôi đã suy nghĩ chuyện ông mô tả về Cung điện Nhân dân.”

“Ông nghĩ sao?”

“Hay lắm. Đã khiến tôi quyết định bắt đầu xây cất tại một địa điểm nhỏ, có hồ tắm, khu vườn, sân thể thao, nhà hát, và một số khác … như ông biết, tôi đã lên kế hoạch này trong mười năm qua. Dự định sẽ đặt viên đá nền móng vào ngày Chủ Nhật sắp đến. Tôi sẽ rất hân hạnh nếu ông với tư cách thị trưởng đến tham dự buổi lễ.”

“Rất sẵn sàng. Lịch sự là có qua có lại.”

“Trong khi chờ đợi, ông có thể cố gắng giảm bớt các kế hoạch xây cất tại địa điểm của ông. Nó quá lớn so với sở thích của tôi.”

Peppone kinh ngạc nhìn sửng ông ta. “Don Camillo, ông có ngớ ngẩn không?”

Không điên hơn việc tôi làm lễ đám tang, đọc bài diễn văn yêu nước trên chiếc quan tài đóng không chặt, vì chỉ hôm sau, tôi bắt gặp cái xác chết đi dạo trong thành phố.”

“Ông nói chuyện bóng gió gì đây?”

“Không có gì. Chỉ là chiếc quan tài mà lính Anh chào súng đã chứa đầy những gì ông tìm thấy dưới hầm của biệt thự nơi bộ tư lệnh Đức đã cất giấu. Còn xác chết đã trốn trên gác mái nhà.”

Thị trưởng rú lên: “À há, cũng lại mửng cũ. Cố gắng bêu xấu phong trào đảng phái.”

“Bỏ chuyện đảng phái qua một bên, tôi không quan tâm.” Camillo quay lưng bỏ đi trong khi Peppone lẩm bẩm những lời đe dọa mập mờ.

Cùng buổi tối hôm đó, vị linh mục đang đọc báo, chờ đợi Peppone. Ông ấy đến cùng với Brusco và hai người theo ủng hộ, là những người trong đám khiêng vác quan tài. Peppone nói:

Ông có thể từ bỏ những lời bóng gió. Tất cả những gì lính Đức cướp đoạt như vàng bạc, máy ảnh, vật dụng, và nhiều thứ khác. Nếu chúng tôi không lấy, lính Anh sẽ cất giữ. Chúng tôi đã sử dụng phương tiện duy nhất để đưa tài sản ra ngoài. Tôi có nhân chứng và biên lai: chưa một ai phạm đến một đồng lia. Mười triệu được trích ra sẽ dùng chi tiêu cho người dân.”      

Brusco, nóng tính, bắt đầu hét lên, đây là sự thật của Chúa và nếu cần thiết, anh có đủ sức để đối phó với những người nào đó. Camillo điềm đạm đáp trả: “Tôi cũng vậy.” Ông  bỏ tờ báo đang cầm trước mặt xuống, dể dàng nhìn thấy dưới nách bên phải là khẩu súng Tommy lừng danh, đạ từng thuộc về Peppone. Brusco tái mặt, nhưng Peppone đưa tay ngăn cản, “Don Camillo, không cần phải tranh cãi.”

“Tôi đồng ý. Thực tế, tôi hài lòng về tất cả mọi chuyện. Mười triệu trích ra chi tiêu cho người dân. Bảy triệu cho Cung điện Nhân dân, ba triệu cho trung tâm giải trí của tôi dành cho con em của nhân dân. ‘Những trẻ em khốn khổ, hãy đến với Ta’. Tôi chỉ muốn hỏi, công việc của tôi ra sao?”

Bốn người kia cùng nhau bàn bạc một hồi sau, Peppone lên tiếng: “Nếu ông không có thứ ghê tởm đó trong tay, tôi sẽ nói, đây là vụ tống tiền bẩn thỉu nhất trên thế giới.”  

Chủ nhật tiếp theo, Peppone cùng hội đồng làng phố, hỗ trợ việc đặt viên đá đầu tiên của trung tâm giải trí Don Camillo. Thị trưởng cũng phát biểu một bài ngắn. Tuy nhiên, ông thì thầm vào tai linh mục: “Tốt hơn nên cột viên đá vào cổ ông rồi quăng vào tù.”

 Tối hôm đó, vị linh mục đến báo cáo với Chúa. Sau khi kể lại mọi chuyện, ông hỏi: “Chúa thấy như thế nào?”

“Đúng như Peppone nói. Nếu con không có cái thứ ghê tởm trên tay, ta cũng nói, đây là vụ tống tiền bẩn thỉu nhất trên trần gian.”

“Nhưng con đâu có gì trên tay, ngoài trừ tấm chi phiếu Peppone đã đưa cho.”

“Chình xác. Don, với ba triệu trên tay, con sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp. Ta không nỡ lòng nào la rầy con.”

Don Camillo vặn vẹo người. Đi ngủ, mơ về một khu vườn đầy trẻ con – khu vườn có trò chơi chạy vòng và cậu con trai út đã lớn của thị trưởng Peppone đang líu lo vui vẻ ngồi trên xích đu như một trẻ thơ.


NGU YÊN dịch từ bản Anh ngữ The Treasure