Tuesday, March 1, 2022

2334. NGUYỄN MINH NỮU Làm Báo Ở Washington DC

Nhà văn Nguyễn Minh Nữu - Ảnh PCH


Định cư tại Mỹ năm 1995. Ở tuổi 45, tôi có 5 năm thơ dại sinh trưởng tại Hà Nội, có 20 năm đi học, đi lính và sống với Việt Nam Cộng Hòa, sau 1975 có 20 năm lăn lộn kiếm sống với Việt Nam Cộng Sản, tôi còn bao nhiêu năm để sống với đất nước tự do Hoa Kỳ nữa đây? Đến Mỹ ở lứa tuổi quá lứa cho đi học, những đam mê đọc và viết từ thời thanh niên đã tự giấu mình suốt mấy chục năm, một gia đình nhỏ những đứa con chưa đến tuổi trưởng thành, mọi thứ đều tạm gác lại cho tương lai của lứa đời sau.

Khi định cư tại Hoa Kỳ, niềm mơ ước đầu tiên và lớn nhất của mình là được cầm bút trở lại. Không thể sống toàn thời gian bằng ngòi bút như khao khát, nên tôi tìm kiếm việc làm từ ngành báo chí. Trong vùng, đang có nhiều tờ tuần báo phát hành. Tất cả các tờ báo này đều là tập hợp của các bản tin thời sự, bình luận chính trị và quảng cáo. Trong đó, có bốn tờ báo mạnh, mạnh nghĩa là có nhiều quảng cáo, tờ báo dày và có một phong cách riêng như nhắm vào một thành phần độc giả thí dụ về Phụ Nữ, về Chính Trị, về Xã hội và về một ngành nghề như Nail. Nhưng Văn Chương hoàn toàn vắng bóng trong các tờ báo này. Bước khởi đầu là tôi gọi điện đến xin việc và bị từ chối vì đã đủ người. Sau đó, thấy một quảng cáo cần người đánh máy tiếng Việt, tôi gọi điện đến xin việc và được gọi tới phỏng vấn.

Người tôi gặp là Lê Khiêm. Khiêm còn trẻ, đang là người cung cấp các bản tin cho các báo Việt Ngữ trong vùng.  Sau năm 1975, Hiệu trưởng trường trung học Văn Học tại Đà Lạt cũ là Chử Bá Anh định cư tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Ông hình thành một cơ quan thông tấn, chuyên nghiên cứu và dịch thuật các bản tin quốc tế liên quan đến Việt Nam từ các hãng thông tấn Mỹ, các tư liệu văn học cũ và các sinh hoạt người Việt khắp nơi trên thế giới, đúc kết thành một bản tin mỗi ngày, cung cấp cho những người có nhu cầu đặt mua, và các tờ báo Việt Ngữ làm tư liệu. Khi ông Chử Bá Anh từ trần, người cộng tác với ông là Lê Khiêm tiếp nối công việc đó.

Lê Khiêm còn trẻ, năng động và nồng nhiệt. Khiêm hỏi tôi có biết đánh chữ tiếng Việt không? Tôi gật đầu, Khiêm đưa tôi một một xấp giấy viết tay, và chỉ cho tôi một cái Computer bỏ trống để làm việc thử. Khoảng hai giờ sau, Khiêm ghé lại nhìn qua những gì tôi đã làm, và mời tôi vào phòng riêng trò chuyện. Khiêm hỏi, thực sự anh muốn gì? Bởi vì nếu anh đến xin việc đánh máy thì em nghĩ là anh không sống được. Tiền lương lao động đơn giản hiện nay thấp nhất là 4,25 đồng một giờ, còn ở đây, em trả tiền theo số trang đánh máy, giá mỗi trang là 1,50 đồng, anh đánh máy suốt hai giờ và chỉ được có ba trang. Cho nên em cho rằng anh muốn một cái gì khác chứ không phải muốn đánh máy chữ kiếm tiền.

Tôi nói tôi vừa định cư tại Mỹ hơn một năm. Trước 75 tôi cầm bút viết văn, có làm việc cho một vài tờ nhật báo ở Saigon, tôi yêu thích làm truyền thông vì phù hợp với khả năng của mình. Tôi nghĩ tôi có thể đọc, có thể viết và có thể trở lại được cái hào hứng sáng tác tôi có. Nhưng không tìm được công việc từ các tờ báo hiện tại ở đây, và tôi tưởng  Hãng Tin này sẽ có một công việc cho mình.

Lê Khiêm vui vẻ, cái công việc ngày xưa anh làm là viết báo chứ không phải làm báo, rất gần gũi với việc biên tập và thực hiện một tờ báo chứ không phải là cặm cụi đánh máy ăn tiền. Anh thực sự có muốn tự thực hiện một tờ báo trong vùng này?

- Sao làm được khi mới qua Mỹ, tiền không có và vốn liếng Anh ngữ chưa đầy lá mít.

- Không phải đâu, tiền để thực hiện một tờ báo không nhiều và có thể xoay sở được, Anh Ngữ rất cần nếu đi vào thị trường Hoa Kỳ, làm báo tiếng Việt lại không quan trọng mấy, anh đang có một thứ mà nhiều người làm báo ở đây không có; đó là Đọc, đó là Nhận Định, đó là Phân Tích và Tổng hợp. Nếu anh muốn, em có thể giúp anh.

- Bằng cách nào?

- Em sẽ chỉ cho anh cách trình bày một tờ báo, cách nuôi sống tờ báo, địa điểm in ấn, cách phát hành và cung cấp cho anh bài vở tin tức, nghĩa trọn bộ để có một tờ tuần báo, còn có tìm được quảng cáo hay không là do khả năng giao tiếp của anh, tờ báo có độc giả hay không là do nội dung anh chọn lựa và đưa vào.

Bài toán đầu tiên là với kích thước khổ giấy Taploi, in 2 màu, số lượng 2000 bản, giá phải trả cho nhà in là 450 đồng. Bản tin thì thay vì phải mua 7 bản tin cho một tuần để chọn lựa, mỗi bản tin 50 đồng thì Lê Khiêm nói em sẽ tính anh mỗi tuần 50 đồng thôi. Giá quảng cáo một trang là 50 đồng. Nghĩa là nếu lấy được 20 trang quảng cáo, còn 20 trang đi bài vở thì mỗi tuần sẽ có được số tiền cho công chọn bài vở, layout trình bày, phát hành báo tới các địa điểm kinh doanh. Nhưng quan trọng và thú vị là được làm công việc phù hợp với năng lực của mình và niềm mơ ước của mình.

Bản tin mà Lê Khiêm thực hiện là sự nối tiếp công việc dang dở của Giáo Sư Chử Bá Anh sau khi ông từ trần. Công việc của Chử Bá Anh là một bản sao của Thông Tấn Xã Việt Nam trước năm 1975. TTXVN là cơ quan của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, có Tổng biên tập, và đội ngũ hùng hậu các phóng viên thời sự, phóng viên chiến trường, quan sát viên chính trị, dịch giả nhiều ngôn ngữ. Hàng ngày, có khi phát hành một tới hai, ba bản tin tổng hợp Chính trị, Kinh tế, Thời sự trong và ngoài nước. Ngoài việc gửi tới các báo chí, phát thanh, truyền hình những tin đáng chú ý trong và ngoài nước, còn là cách hướng dẫn dư luận theo một đường lối chính trị. Cái cần nhấn mạnh là, hướng dẫn dư luận, chứ không phải Chỉ Đạo truyền thông như sau này chúng ta thấy ở trong nước sau 1975.

Thực hiện một tờ báo ở vùng Hoa Thịnh Đốn, khác với thực hiện một tờ báo ở California, và tất nhiên là khác hơn rất nhiều việc thực hiện một tờ báo ở Việt Nam hồi trước 75. Khác như thế nào?

Báo chí ở Việt Nam trước, có tòa soạn với Chủ Nhiệm lo đối ngoại, một Chủ Bút hay Tổng thư Ký lo viết bài, đọc và chọn lựa bài của các bản tin và của các phóng viên gửi về. Có nhiều phóng viên thu thập tin tức, viết phóng sự xã hội, chiến trường, chính trị, thời sự, cộng với những mục thường xuyên mang tính biệt dị của từng tờ báo.

Báo chí Việt Ngữ ở California phát triển từ khoảng năm 1976 với một vài tờ tuần báo với những tin tức thu lượm từ báo chí Hoa Kỳ, những bài vở văn thơ đa số ghi nhớ lại trước 1975, và một số tin tức cộng đồng người Việt. Sau đó càng lúc càng phát triển mạnh mẽ, khoảng thời gian khi tôi làm báo, thì ở California đã có trên 50 tuần báo, ba tờ nhật Báo là Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo, có tới ba hãng thông tấn thực hiện bản tin hàng ngày và ít nhất là khoảng 5 websites tiếng Việt được phổ biến và theo dõi. Báo ở Cali cạnh tranh rất nhiều, dù không thể như Việt Nam xưa, nhưng mỗi tờ báo cũng có ít nhất vài phóng viên viết phóng sự về người Việt, và căn bản là có một Ban Biên Tập có thực lực viết bài bình luận thời sự, sáng tác thơ văn và chọn lựa bài vở tin tức giữa trùng trùng lớp lớp những bài trên các bản tin và trên mạng.

Còn làm báo tại Hoa Thịnh Đốn lại khác hơn nữa. Mỗi tờ báo chỉ có một người biên tập, viết bài và nhiều lắm là một nhân viên làm về layout.

Làm tờ báo như thế, nghe có vẻ dễ dàng, nhưng không phải vậy.

Về tin tức, ngoài những bản tin mua có trả tiền để sử dụng chính thức, còn có những tin tức tiếng Việt trên các đài VOA, BBC, RFI và các websites tiếng Việt và người biên tập phải đọc tất cả để cân nhắc tin nào thật, tin nào giả, tin nào phù hợp với lập trường tờ báo, về các bài viết, cũng phải tìm đọc mênh mông các bài bình luận, tham luận, nhận định, và sáng tác văn học, để chọn ra để đăng trên báo của mình trùng với những điều mình ủng hộ.

Một kỷ niệm sẽ không quên được về làm báo. Đó là thời điểm chuẩn bị để xuất bản. Một số bạn bè trong vùng chân tình khuyên nhủ là suy nghĩ lại. Làm báo là con đường dễ chết, vì thiếu bài, vì thiếu người, vì không đủ tài chính nuôi tờ báo và còn vì sự đánh phá từ nhiều phía như bạn cùng nghề, các thế lực chính trị không cùng quan điểm  ... ... Sau đó, một buổi gặp gỡ với bạn bè, tất cả các câu hỏi về năng lực, về ý tưởng, lòng kỳ vọng, mọi người đều khuyên nên nghĩ lại. Khi quay về nhà, một mình trong đêm vắng, trằn trọc suy nghĩ và quyết định. Tự nhiên chợt nhớ đến một trận đánh trong truyện Tây Hán Chí. Trận đánh giữa quân của Tây Sở Bá Vương Hạng Võ và Phá Sở Nguyên Nhung Hàn Tín.

Trận đánh quyết liệt đó, Hàn Tín lập một trận thế kỳ lạ ngược hoàn toàn với các binh pháp cổ xưa, đó đằng sau thế trận là một bờ sông lớn, nghĩa là tạo cho quân sĩ một tâm thế chỉ có một đường là Đánh chứ không có đường lui.  Tự xét về hoàn cảnh thực tế của mình, và nóng bỏng khao khát muốn được sống và làm việc bằng khả năng mà mình còn có được giữa xứ người, tôi bật dậy, dùng bút đen nét lớn viết trên bức tường ngay trước mặt bàn làm việc của mình ba chữ thật lớn: BỐI THỦY TRẬN. Vâng, đó là một trận thế mà sau lưng không có đường rút chạy.

Hơn hai mươi năm sau ngày 30/4, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã hình thành bốn khu vực đông đảo là 1/ California, 2/ Texas, 3/ Washington State  và 4/ khu vực vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, Đây là khu dân cư gồm Maryland phía bắc, Virginia phía nam, bao bọc thủ đô Washington DC ở giữa. Cả bốn khu vực đã có rất nhiều sinh hoạt về văn hóa, nhiều người cầm bút trước 75 đã bình tâm nhìn lại và viết lại, cùng với nhiều người mới hơn tham gia thực hiện các tạp chí mạng, tạp chí giấy.  Các tạp chí văn chương như Văn do Mai Thảo thực hiện, rồi Nguyễn Xuân Hoàng tiếp nối, Hợp Lưu  với Khánh Trường, Văn Học với Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Trịnh Y Thư, Thế kỷ 21 với Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn và những bài tham luận chính trị  trên nhật báo Người Việt của Ngô Nhân Dụng, Vũ Ánh, Cao Thế Dung, là những tư liệu quý hiếm mà các tờ báo địa phương sưu tầm phổ biến lại trong quan niệm về chính trị và nhân bản.

Chọn lựa tờ báo sẽ đi theo hướng bài vở như thế nào, và tờ báo phải có những đặc điểm riêng nào và để cho độc giả cũng như các đơn vị kinh doanh nhìn thấy được cái khác biệt với những tờ báo có sẵn.

Một tờ báo về văn chương nghệ thuật? Hay một tờ báo về thương mại dịch vụ? Cái cân nhắc chọn lựa chính là thiên hướng về phía nào. Hướng đi tôi chọn lựa là một phương tiện kiếm sống bằng báo thương mại, nhưng nghiêng bài vở về Nhân văn và Văn Học Nghệ Thuật để gửi tới một phần trong đám đông độc giả còn tha thiết khoảng trống này. Văn Học Nghệ Thuật không phải điều giải trí, mà hành trang để tới nhân bản nhân văn.

Tôi chọn tên là Tuần Báo Văn Nghệ, khi chưa có khả năng làm về văn học, thì hãy làm văn nghệ trước đã. Tờ báo sẽ có bốn chuyên mục mỗi tuần thật riêng tư mới lạ với báo chí trong vùng. Thứ nhất là bài viết ở trang 3, đặt tên là Tản Mạn Đời Thường do Chủ Nhiệm viết mỗi tuần, nói về đủ thứ nghe thấy, nhìn thấy, nghĩ về... trong tuần đó, một lời tâm sự nho nhỏ. Có lẽ đây là mục mà tôi trân quý nhất, vì đó chính là nơi nói được cái ước ao khi làm tờ báo ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Ý tưởng này không phải do tôi sáng tạo ra, mà là một bản sao từ trước 1975 của nhật báo Tiền Tuyến. Đó là mục Tạp Ghi do Ký giả Lô Răng tức nhà văn Phan Lạc Phúc thực hiện hàng ngày trên trang 2 tờ báo. Mục Tạp Ghi này thực phong phú những đề tài nói tới bao gồm văn học, nghệ thuật, chính trị, quân sự, xã hội, được nhìn qua  ngòi viết đa tài và sâu sắc của Lô Răng, sau đó còn có nhiều người tham gia như Thanh Tâm Tuyền, Trần Hoài Thư... Tản Mạn Đời Thường là một cách thực hiện như thế, nhẹ nhàng hơn và gần gũi hơn với độc giả miền Đông Hoa Kỳ, bởi người viết đang thực hiện điều mà tôi khao khát là tôi đang ở đây và tôi nghĩ điều gì.

Mục thứ hai là Một Bông Hồng Trong Đời Sống, sưu tầm những tiểu truyện khoảng một trang về tình người, tình bạn, tình cha, tình mẹ, tình thầy trò, tình chiến hữu đa số sưu tầm từ loạt bài Chicken Soup, Học làm Người, Quà Tặng Cuộc Sống, những bài viết đã gây xúc động sâu sắc trên toàn thế giới, và thật hữu ích cho những người có dịp đọc được.

Mục thứ ba Thế Giới Nghệ Sĩ, mua lại tác quyền của nhạc sĩ Trường Kỳ, đăng tải hàng tuần về tiểu sử và quá trình của các tài năng trong âm nhạc, Và mục thứ tư là Lang Thang Trên Web, sưu tầm từ khắp nơi các tin rất ngắn các điều mới lạ vừa phát hiện ra trên khắp thế giới về thiên văn, địa lý, khoa học, đặc biệt lồng vào hành trạng và tác phẩm các tác giả văn học.

Những mục thường xuyên đó là câu chuyện văn học tản mạn mỗi tuần, là cung cấp các bài học nhân bản cho các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái, là nhắc nhớ những tiếng hát, ca khúc đi theo ta suốt nửa đời người, và sau chót là phổ biến tổng hợp những kiến thức mới nhất bằng các bản tin ngắn gọn. Nội dung đó, thật vui vì đáp thỏa được nhu cầu của rất nhiều gia đình người Việt trong vùng, họ đến các cơ sở kinh doanh tìm xin báo Văn Nghệ, và kích động các cơ sở đó đăng thông tin kinh doanh trên tờ tuần báo họ yêu thích. Tôi tin rằng chính nội dung riêng biệt mà tờ báo chọn lựa đã tạo sức sống cho tờ báo suốt bao nhiêu năm. 

Bài viết ngắn này, xin gửi tới ba người đã cho phép Văn Nghệ thường xuyên được sử dụng bài vở trên Văn Nghệ là Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc với loạt bài Thư Gửi Bạn Ta, Nhà văn Tưởng Năng Tiến với loạt bài Sổ Tay Thường Dân và Bình Luận Gia Chính Trị Đại Dương. Với tôi, và cho đến bây giờ, vẫn cho rằng đó là những loạt bài rất thời sự, rất văn chương và sắc sảo nhất về những đề tài mà họ nhắc đến.

Tuần báo Văn Nghệ phát hành được 18 năm, từ 1997 đến 2014. Đình bản tháng 8 năm 2014 vì nhiều lý do, thứ nhất kinh tế lúc đó trì trệ sau bùng vỡ quả bóng địa ốc, các cơ sở kinh doanh người Việt đóng cửa, hoặc có mở cửa cầm chừng cũng thu gọn quảng cáo, tờ báo không còn đủ chi phí in ấn; thứ hai, lớp độc giả ngày xưa mỗi cuối tuần lái xe ra các trung tâm thương mại xin báo về đọc càng lúc càng hiếm hoi vì tuổi già, vì mắt yếu và đôi khi đã mãn phần. Lớp trẻ hơn tìm đọc tin tức bài vở trên hệ thống internet nhanh hơn, đa dạng hơn và dễ dàng hơn. Và ngay người chủ trương cũng ý thức được tuổi già đã tới, khoảng đời còn lại không nhiều, muốn dành thời gian cho những tâm nguyện khác, mà thời gian làm báo bận rộn cho kinh doanh đã không thực hiện được mơ ước của mình.

Dù đóng góp nhiều hay ít, dù thành công hay thất bại, cũng đã là kỷ niệm. Dù sao thì cũng đã một thời.

 

Nguyễn Minh Nữu

Dec 28, 2021