Sunday, May 22, 2022

2438. HOÀI ZIANG DUY Còn không chốn quay về

Thất Sơn (Châu Đốc) - Nguồn ảnh: Google image

Đôi khi  tỉnh giấc  lòng tự hỏi
Có còn không một chốn quay về?
Đất ta đứng nghiệp đời dang dở
Buổi hoàng hôn nghiêng xuống vai kề

(đọc trọn bài: Bên tách cà phê buổi sáng)

Giờ nầy Khánh Ly hát bản Ru ta ngậm ngùi. Cô đứng hát trên sân cỏ quán Văn, khán giả ngồi dưới. Còn tôi đang ngồi trước màn hình nhỏ. Thời gian, không gian Sài gòn ngày trước.

Trong đêm, tôi thấy lòng bâng khuâng, khi những hình ảnh năm xưa tạo cảm giác bồi hồi. Ba mươi bảy năm qua, một thoáng nào đó, nó ru ta ngậm ngùi với những mất mát qua đi, đi qua đời nhau trong chiến tranh, đi trên nỗi buồn một thời ấu thơ vội vàng đánh mất.

Như đêm nầy tôi chợt hỏi. Còn  không chốn quay về?

Về đâu? Về đâu.?

Cái âm thanh rớt vào khoảng không nghe xa lạ.

Không gian xưa không còn nữa. Không là chốn hẹn hò.

Tôi muốn sống bằng tâm tình ngày cũ. Có được đâu khi mà không còn ai chung cùng một đời sống, không còn ai chia xẻ chốn nầy.  Quê nhà đã xa, dù lòng chưa lạ. Tôi đâu muốn đi về môt thời chiến tranh, ở đó cầm bút, cầm súng vào thân chung cùng mặt trận.

Tôi đang sống trên đất nước tự do, có người Mỹ, người bạn đồng minh, những người trước đây cùng tham chiến ở Việt Nam. Bản thân họ vẫn có niềm tự hào vì lý tưởng tự do cùng chúng tôi chung vai chiến đấu, cho dù giới truyền thông trước đây tiếp tay thành phần phản chiến bóp mép sự thật, bôi lọ hào khí chiến đấu của quân lực miền Nam, khiến con dân người Mỹ dự phần không nhận được sự ủng hộ, đồng tình ở chiến tranh Việt Nam. Tôi vẫn không tin, bởi trước mắt tôi những người Mỹ, những người bạn quốc gia đồng minh khác. Họ vẫn vui vẻ nói về sự có mặt của mình ở chiến trường năm xưa.

Tôi nghĩ chính thực, những người bạn tôi đã gặp. Họ là người lính ở chiến trường, ở hành quân mặt trận. Loại lính nầy, thì quân đội nào ở đâu, cũng chỉ biết làm theo lệnh, tuân theo thượng cấp chỉ huy, sống chết với đồng đội. Họ nhắc nhớ về nơi chốn đóng quân, thành phố đã đi qua. Cho dù giọng phát âm địa danh không rõ, chúng tôi vẫn đoán, hiểu được để lắng nghe.

Ngược lại, khi hỏi chúng tôi buồn không với thân phận bây giờ? Chốn nâỳ?

Có phải buồn không, cái giá phải trả ở cuộc chiến đất nước mình? Mấy mươi năm sau, những bí mật an ninh quốc phòng có thời hạn đã được giải mã, để thấy quân đội miền Nam bị bỏ rơi như thế nào. Sau cùng là một lời xin lỗi. Miền Nam đã thua tại mặt trận chính trị Hoa thịnh Đốn. Do chính họ, chính giới người Mỹ. Sự thế đã rồi.

Cũng bằng thực tế hôm nay. Bắc Việt Nam với niềm tự hào chiến thắng, thắng Mỹ, chiếm miền Nam. Nay lại đưa thành phần của hải lực không quân, chuyên viên, công an các ngành đến đất nước Hoa Kỳ cho người Mỹ thua cuộc huấn luyện. Sự đời lắm éo le, như bàn tay với hai mặt trên dưới, cho chúng ta nhìn thấy. Còn về phiá thắng cuộc, có cần suy gẫm lại không để thiệt phân chuyện ai thắng ai ?

Lâu rồi, không nghe lập lại, nhắc tới vinh quang trong chiến thắng. Đối với người Việt lưu vong chúng ta còn phân biệt hai miền Nam, Bắc. Nhưng sống ở đây, sẽ thấy dưới mắt chính giới người Mỹ, chỉ có một Việt Nam theo chiến lược  dài lâu của họ.

Có điều, hơn hai mươi năm sống ở xứ nầy. Tôi thấy lạ là giới truyền thông không bao giờ loan tin về chiến thắng của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Dĩ nhiên đưa quân tham chiến, vùng trú đóng là có hành quân, có đụng trận. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi đọc được những hàng tin về chiến công của quân đội Mỹ. Bù lại là tin tức về những chết chóc, hình ảnh  các quan tài đưa về, được đón tiếp ở nơi chốn sinh sống ra đi. Và như vậy ở đâu thấy được sự hy sinh? Ở đâu thấy được tinh thần chiến đấu của người lính, quân đội Mỹ?

Đưa vấn đề nầy ra hỏi anh em cưụ chiến binh. Họ chỉ cười trừ không biết, cũng không hiểu vì sao. Do vậy cho thấy, thành phần phản chiến thật dễ dàng vịn vào các cơ quan truyền thông, truyền hình đưa tin làm nản lòng thân nhân, dấy lên phong trào phản đối từ trong nước. Đối với cuộc sống tự do, đủ đầy, người dân Mỹ không chịu đưng được ở cuộc chiến dài lâu khi phải dự phần. Tinh thần của quân đội chỉ qua những khẩu hiệu. Thấy chăng là những công bố về vũ khí mới, biểu diễn máy bay, tàu chiến có tính cách khoe hàng cho việc bán buôn. Nói chung ở một nước tự do, không có chiến tranh đến được phần đất nầy. Hình ảnh người lính như một cái bóng, chỉ làm bổn phận theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới. Xã hội chỉ thấy vai trò những người đại diện dân cử là nặng ký.

Mấy mươi năm qua chiến tranh đã lụn tàn theo thời gian, lòng người xa xứ cũng nguôi ngoa, do phải đương đầu với cuộc sống trước mặt. Thời gian và tuổi về chiều là lúc chúng ta nhìn lại. Bây giờ, bên gia đình, bạn hữu có những điều thường tình để nói, dù nhỏ nhặt, nhưng lại là điều cần thiết trong cuộc sống còn.

Thế hệ chúng ta với ba phần tư cuộc đời là sống cho quá khứ. Một phần tư còn lại chia hai, một phần sống cho tương lai, một nửa là đợi chờ trong thực tại. Nói vậy để thấy khi bất chợt với tần số cùng nhịp đập. Nghe lại bài hát cũ, ở cùng tâm trạng, khua dậy nỗi niềm tưởng chừng đã yên, để rồi sống theo cái tám mươi phần trăm thường tình của một con người như mọi người.

Còn không chốn quay về?

Về đâu, về đâu?

Về nơi chốn bước chân ra đi, về với quê hương ngậm ngùi? Đâu có ai đi hết, biết hết mọi miền đất nước dân tộc mình. Đi qua trong thời chiến chinh bom lửa, chết chóc. Đi qua một thời tuổi trẻ. Điểm son không phải là nụ hồng, vết son môi. Điểm son là những chấm tọa độ trên phóng đồ nối liền kéo dài. Đi không biết ngày mai, không biết điểm dừng lại ở cuộc chiến.  Bây giờ đã đi quá xa, quá đà. Đi như thể một đi không trở lại, thì câu hỏi về đâu cho ngày sau vẫn là điều phân vân, không thành câu trả lời dứt khoát trước cảnh đời nầy.

Từ những ngày đầu tiên đến xứ người,  coi như  lần nữa phải làm lại. Khác chăng một chặng đường đời đã đổi, đã đi qua những tủi nhục đau thương trong chốn lao tù. Khác chăng bây giờ, một thân xác không còn trẻ như ngày nào, và một tâm tình bi thương ai oán. Khi ngày đó tương lai tuột dốc xuống tận cùng hố thẳm, khi tình đời đối diện với thiện ác, bạn thù. Trong cơ cực chịu đựng với hoàn cảnh trái ngang, con người cũng hiện thực với khí tiết, ươn hèn. Cũng từ những cảnh ngộ đó, bước ra cuộc đời làm lại, quan điểm, háo hức khôn ngoan, trong tầm nhìn khác đi năm xưa, biết cách sống, hiểu thân phận làm người đằng sau cuộc chiến, đàng sau một xã hội đổi dời đảo lộn, và hơn hết là nỗi cảm thông với sự cùng cực nghèo khổ, hợp âm với thành phần trắng tay, không còn gì trong xã hội.

Ngoài sứ mệnh người lính lập thân. Tôi đã sống trọn vẹn với vai trò cầm bút chính mình. Nó là sự đeo đẳng mà mấy chục năm qua, từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn không ngừng nghỉ. Tôi không nghĩ là nỗi đam mê, bởi đam mê chỉ có giai đoạn thời khắc qua tuổi tác thời gian. Còn ở đây, nó đi liền với đời sống ăn ngủ, cùng chung một nhịp đập ở sự sống con người.

Tôi đã sống tử tế với người bạn cầm bút trong tôi, chia xẻ ngọt bùi cái tình thân thiết, yêu người như yêu chính bản thân tôi, mọi nơi mọi chốn với tình huống nào.Vậy mà theo thời gian nhìn quanh, vẫn không thấy người bạn dấu yêu cầm bút nào có một đời sống phú quí, kinh tế sang giàu, thảnh thơi với hiện tại. Phải chăng đời sống tinh thần ở chúng tôi đi về một hướng khác, cái hướng mai hậu khi nằm xuống mới có sự đền bù nhắc nhớ. Có điều an uỉ là bạn bè trong giới văn nghệ, không gặp vẫn thấy quen, vẫn thấy một tình thân thiết tìm nhau. Nó không có biên giới đất đai lãnh thổ, tuổi tác. Sống, sinh hoạt với một tình người đồng cảm từ văn chương.

Có thể dựa vào tinh thần phóng khoáng ở giới văn nghệ. Người ta kêu gọi sự đồng hành cảm thông xóa bỏ, mọi tranh chấp hận thù đối đầu. Anh em chúng tôi có giận ai đâu, khi anh cùng là người cầm bút. Có phiền đâu khi anh viết những sự thật tỏ tường, sự thật ở đời sống, người quanh nhìn thấy. Có tủi nhục, có hận đâu khi anh không từng bị đối xử ngược đãi ở thân phận con người không còn là con người. Nếu anh nhanh chân chạy đi không ở lại, không sống trong xã hội thời đó, như ly cà phê đắng, quên bỏ đường, thì thôi xí xoá pha lại ly khác. Đằng nầy thực tế, nhà cửa nát tan, dời đổi di chuyển, mất hết mất sạch. Tất cả phải làm lại, đa phần ở người đàn bà vừa phải nuôi chồng ở trong, nuôi đàn con bên ngoài, đời sống kinh tế để có miếng ăn từ những phần đất hoang vu, rừng thiêng nước độc, khác gì thời xa xưa ông cha dựng nghiệp khai phá. Vậy thời những con người trong cảnh ngộ, với tâm phàm còn vương tục, thì làm sao dễ dàng buông bỏ, quên đi. Hai thế giới, cách biệt. Hai xã hôi, trên một đất nước, không gian thời gian cùng lúc.  Đời sống nào có thể sống, đời sống nào không còn nghĩa sống.  Nói một cách khác, nếu anh không ở lại, không sống chung cùng trong lòng xã hội, thì nói sao anh cũng không hiểu, không tưởng được. Bởi vì nó đi ngoài cái thế giới thực tại, từ những điều không thật để thành sự thật, rồi như không thật.

Bây giờ ngồi đây, đêm nay nghe Khánh Ly hát, như đã nói phần trên. Cái cảm giác bồi hồi, xao xuyến quá. Tôi muốn sống lại nhiều hơn cái hạnh phúc khi tôi còn đất nước. Tôi muốn yêu thương nhiều hơn, ngoài tình yêu ban đầu. Đã bao lần nhìn lại, những thước phim năm xưa. Hình ảnh đơn sơ, cảnh đời thường với người dân gánh gồng bán buôn vĩa hè, anh chàng đạp xích lô che mặt nằm ngủ, hay mấy cô gái trẻ mặc áo dài ăn hàng rong. Tất cả những khuôn mặt đó, năm xưa mỗi ngày đang sống cùng chúng tôi. Sao hồi trước không hề có cảm giác nào, như bây giờ nhìn lại?  Đâu phải là hạnh phúc tìm gặp. Phải chăng nó là nỗi đau ly tán mất hết, vở ra từng mãnh, còn sót lại.

Bây giờ đây nếu phải trở lại, nhận chân một số kiếp ở thời đao binh, hiểm nguy rình rập. Dù thân phận mình không biết ngày mai, không có tương lai trong một đất nước chiến tranh. Tôi vẫn muốn có mình ở vòng quay cuộc đời trở lại, hơn là bây giờ tất cả không còn tổ quốc, không còn quê hương. Trên xứ người, đâu có mấy ai chịu nhận mình  là người  Việt Nam  sau năm 1975. Bởi nỗi đau khi thấy dân tộc khác  họ rẻ rúng người mình từ thực tế buôn người, lường gạt lao động xuất khẩu, hay làm gái mãi dâm. Nếu còn chút lòng nhân, sao không thấy thương tâm, khi nhìn lại quê nhà. Vẫn còn thảm nạn bắt bớ giam cầm, cướp nhà cướp đất. Tại sao xã hội sản sinh đầy rẩy những con người khác thường, sẵn lòng làm những điều lường gạt chính người dân mình. Hay tại những người sống ngoài nước mới thấy. Còn ở trong, dù có thấy coi như không. Những tiếng nói lạc lỏng, đánh động lương tâm rồi cũng không đi đến đâu. Người bạn ở lại trong nước nói với tôi. Phải có chút hèn mới sống được. Câu nói không giải thích, làm tôi có chút suy nghĩ. Ba mươi tám năm qua rồi. Trời đất vẫn đìu hiu, năm tháng như mọi ngày.

Bây giờ đây. Ở một tuổi về chiều của tầng lớp người ra đi năm xưa, điều tự vấn ở quảng đời sau cùng, là hai tiếng về đâu. Vâng. Có biết bao người ra đi quay về, từ một tình thân gia quyến, từ một tinh thần cộng tác văn nghệ sĩ. Hay từ một tinh thần chính trị cùng chiều. Thực tế cho thấy, có hô hào, có chửi bới bản thân, có nhục danh tiếng tăm, người nghệ sĩ lớn, thủ lỉnh lớn. Mọi việc đều phải cúi đầu như xin một ân huệ, được nhìn nhận, cho hát, cho phổ biến, cho sống còn. Có cần làm vậy không?

Lại đêm nầy. Đêm nay lại khác. Không có Khánh Ly thuở còn tóc ngắn hát lúc nầy. Không có nỗi buồn ở một thời quá khứ đi theo bên cạnh. Tôi đang quay về.  Về đâu?

Trở về với căn nhà tôi đang ở, trở về như hàng đêm ở thực tế một đời sống phải đối diện với hiện thực. Đôi khi cần phải quên, nhẹ đi một thời quá vãng, coi như được phần nào hay phần nấy.  Sống ở đây mới thấy thân phận một nước nhỏ, nghèo, đều phải tuỳ thuộc vào cái lộng của đàn anh bao che. Còn cá nhân chúng ta có định đoạt, đòi hỏi được gì. Trên bàn càphê, trà rượu, anh nói tôi nghe. Là nghe, có chút ý kiến, qua lại. Thế hệ tuổi đời chạy đi chúng ta còn làm được gì ở bàn cờ vận mệnh, chuyển vận từ bàn tay người điều khiển  Có chăng là tầng lớp trẻ tiếp nối.  Rồi ngày sau có biết sẽ ra sao?

Hiện tại, có phải mỗi ngày tôi quay về với cái tôi đích thực. Là cuộc sống, là đi trọn hành trình của người cầm bút lỡ thởi lỡ vận, không có sự nghiệp. Có là sống với niềm an lạc chính mình. Vậy mà có trọn vẹn một con đường thẳng cho tương lai đâu? Trong sinh hoạt văn nghệ, lần hồi nhà xuất bản, tạp chí thuần văn học không còn. Sự lặng lẽ rút êm so với mười lăm năm trước đây ồn ào nở rộ. Từ một tình hình chung biến đổi? Từ một lớp người viết già đi, không còn viết nổi? Hay từ một thực tế không còn người đọc. So với báo chợ để sẵn, đầy dẫy hàng hàng lớp lớp người hiên ngang kiếm tìm mang về đọc. Rõ ràng đâu phải chữ nghĩa không còn quyến rủ, thiếu người đọc. Hay tại họ thích đọc trên net khỏi phải tốn tiền, không cần đi xa.

Nói thật một điều, cho tới bây giờ tôi vẫn thấy sung sướng  cầm trên tay đọc một bài viết trên báo, tạp chí in, hơn là đọc trên web. Trên máy tính cái đọc có tính vội vã, thoáng qua rồi nhảy sang cái khác. Nó thiếu đi cái từ tốn, thưởng thức, thấm thía từ chung cùng một đáp số nhận nghĩ, bắt gặp.  Bài vở xuất hiện trên web, có đông người thấy để mắt vào (chưa hẳn đọc). Sự có mặt của một bài văn, thơ chỉ như một cơn gió thoảng, một viên sỏi ném xuống mặt hồ, khuấy đi toả ra trong chốc lát, rồi tan biến. Có thể đa phần theo trào lưu sống vội vã, không cần thiết phải vướng bận, thì để tâm chi những bài viết của tác giả nầy, nhà thơ nọ. Về phần người viết thì lại khác. Chúng ta trân qúi những giòng chữ từ tim óc. Đâu ai biết, có những kết cấu  truyện , những bài thơ, câu thơ, ý thơ, vương vấn, khổ sở mang theo trong đầu làm đêm mất ngủ .Với tôi, đọc cảm xúc được, đó là lúc chúng ta sống cùng bài viết.  Ý tình trong thơ, cái hồn, cái nhạc trong thơ nó không mang tính vớ vẩn, dễ dãi như mì ăn liền, làm cho có làm. Bởi, tác phẩm làm nên tác giả, thiếu cẩn trọng, coi thường ngưòi đọc, chữ nghĩa múa bút vung tay, dễ dàng quá, thì chính mình tự xoá đi tên tuổi mình đối với người đọc.

Tôi đã viết, nói nhiều điều lan man. Có phải tôi đang nói với chính mình, những bế tắc, vòng lẩn quẩn không thoát được ở đời sống bủa vây. Xã hội nầy, thế giới nầy có những điều khó hiểu hơn sự gỉản dị đơn thuần đang sống. Bốn câu thơ tôi viết trước đây. Khi nói ra nhận mình người nước Việt. Chỗ trú chân vẫn lạc địa chỉ buồn. Cảm ơn đời chỗ dung thân lớn. Nhưng nhỏ nhoi tội lấy cội nguồn.

Chia sẻ với tôi điều nầy, như một tâm tình cảm thông.

Hoài Ziang Duy