Monday, June 6, 2022

2478. BÁNH DÂNG HIẾN Truyện ngắn của nhà văn Palestine SAMIRA AZZAM (1927-1967) Dịch và giới thiệu: NGU YÊN

Nhà văn Samira Azzam (1927-1967)


Nhà văn Palestine, dịch giả và truyền thông viên. Được giới văn học yêu chuộng về truyện ngắn của bà.


Small Things, 1954.
The Big Shadow, 1959.
And Other Stories, 1960.
The Clock and the Man, 1963.
The Festival Through the Western Window,1971.
Echoes, 2000.

Chủ yếu văn chương của bà nhắm vào việc bênh vực quyền phụ nữ trong một dân tộc mà người đàn ông nắm quyền sinh sát gia đình. Về mặt xã hội, bà không quy trách nhiệm cho những cơ chế truyền thống mà thay vào đó đã tạo ra những mẩu truyện đặc trưng cho các nền văn hóa khác nhau trong dân tộc Palestine, trong giai đoạn lịch sử mà bà đã chứng kiến.

Bánh Dâng Hiến


Khi Ibrahim đưa cho anh ta chiếc tẩu đầy thuốc lá, Anh ước gì mình có thể gục xuống khóc như một đứa trẻ. Cảm giác nước mắt nóng trào ra, anh quay nghiêng lau mặt vào tay áo. Cố che giấu nỗi buồn. Ngẩng đầu lên, nhìn xuyên qua dãy rào chắn, nhưng khi quay lại đối diện với ánh mắt các bạn đồng đội, sự im lặng đau buồn của họ khiến nước mắt anh lại trào ra.

Đêm, chủ động bởi vầng trăng xa xăm, mờ sau đám mây, dường như biết chia sẻ đau buồn với người. Dường như mọi thứ trong vũ trụ đều biết chuyện của anh ta. Anh ước ao được từ bỏ những điều hoa mỹ của nỗi buồn, nhưng không dễ gì được. Anh ước ao kêu gọi những người bạn vất bỏ áo giáp thô cứng để cùng nhau khóc, khóc không sợ xấu hổ. Đưa tay áo lên lau nước mắt, cảm thấy chiếc áo vải dạ làm khó chịu, khiến anh chợt nhớ đến bùa hộ mệnh, nàng đã đeo cho anh, nói rằng để bảo vệ sinh mệnh, tránh khỏi những viên đạn nguy hiểm. Đúng vậy, anh vẫn còn nhớ đêm hôm đó.

Một đêm lạnh buốt như đêm nay, vầng trăng lưỡi liềm trên cao. Anh được lệnh canh gác một bệnh viện dã chiến do quân đoàn Ả Rập dựng lên trong một căn nhà dãy, có bốn phòng vách đá và khu vườn nhỏ. Tám giường bệnh cho tám thương binh. Họ tải về đây những chiến sĩ bị thương trong trận chiến giữa quân Do Thái trong khu định cư Nahariya và dân Ả Rập trong các làng chung quanh vùng Acre. Đúng vậy, Đêm đó, trời lạnh, cả khăn quấn đầu và áo khoác dày cộm cũng không đủ che giá rét thấu xương, vì vậy, thay vì nằm, phải đi bộ cho máu khỏi bị đông trong huyết quản. Đi một hồi, mệt mỏi, anh quay về, đứng dựa vào tường bệnh viện, nhìn xa xa những ngôi nhà trong thành phố đang ngủ phập phồng vì lo sợ bị tấn công bất ngờ. Không biết chính xác là mấy giờ. Ánh sáng duy nhất còn lại từ những trụ đèn trên các con đường chính. Đêm im lặng để nghe tiếng chó rừng từ phương xa.

Đúng vậy, anh không biết đích xác là mấy giờ, khi anh chợt nhận ra cô gái đứng cạnh bên, mặc đồng phục y tá màu trắng, hỏi anh có muốn một tách trà. Tuy không nghĩ đến trà hoặc bất cứ thứ gì, nhưng nếu có một vật nào ấm áp để giữ những ngón tay bớt lạnh cóng, cảm giác đó thật tuyệt diệu. Anh nhận lời. Khi cô y tá mang trà đến, anh uống cạn trong bốn hớp vì không muốn nàng phải đứng chờ. Trả tách lại và lí nhí vài lời cảm ơn. Sau khi nàng đi rồi, anh nghĩ, sẽ lịch sự hơn nếu bày tỏ đôi lời trò chuyện. Quay lại tìm kiếm bóng người sau cửa sổ nhưng không thấy ai. Anh quyết định sáng mai sẽ tìm nàng để cảm ơn, nhưng trước tiên, cô ấy là ai? Bệnh viện có hai nữ y tá, nhưng anh không nhận ra điều gì đặc biệt ngoại trừ bộ đồng phục màu trắng. Đêm thứ hai, anh quyết tâm mềm mỏng hơn khi cô mang trà đến. Chờ đợi rất lâu, chẳng thấy ai. Tự nhủ, có lẽ nàng quá bận rộn với các thương binh thực sự đang cần người săn sóc, không có giờ đến uống trà. Tại sao mình không tự gõ cửa, tự xin một tách trà nóng? Hơi do dự, không muốn gây phiền hà. Đèn đã tắt. Thành phố đi ngủ, bỏ lại anh và các đồng đội mang trọng trách canh gác. Giờ này cũng vào khoảng thời gian uống trà tối hôm qua, anh uốn cong mấy ngón tay lạnh cóng đang cầm nòng súng, thèm một thứ gì mang hơi ấm đến bàn tay. Ngay khi vừa bụm tay đưa lên miệng hà hơi, đột nhiên, bộ đồng phục y tá trắng lại xuất hiện bên cạnh. Anh nghe cô ấy nói: “Tôi mang trà đến cho anh mà không hỏi trước, chắc anh không từ chối, phải không?”

Nhướng mắt nhìn rồi đưa tay lạnh ngắt đón nhận tách trà. Nghĩ rằng sẽ lịch sự hơn nếu nói chuyện với nàng trước khi uống. “Cô có thấy công việc ở đây vất vã lắm không?”   

 

Với một động lực bất ngờ, cô trả lời: “Có phải anh nghĩ rằng tôi không giỏi đủ để gánh trách nhiệm này?”

“Tôi … Không, à, không hề …”

Nghẹn lời, anh nâng tách trà lên, uống một hơi, nóng bỏng cháy cổ họng. Trả tách lại, không một lời cảm ơn. Khi nàng vừa đi được vài bước, anh gọi lớn tiếng, “Cô ơi,” Tại sao anh không hỏi tên? Chẳng mất mát gì. Cô ta dừng chân, anh tiến lại gần, “Xin lỗi, tôi tự hỏi liệu có thể biết được tên cô?”

Vừa cười vừa trả lời, “Tại sao không? Chúng ta đều là đồng đội. Tôi tên Wad.”

“Tôi, Ramiz. Bạn bè gọi là Sarge. Chúng ta có nên bắt tay không?”

Cô cười và đưa tay ra rồi nhẹ nhàng biến đi như lúc đến.

Su’ad. Thật kỳ lạ. Một Su’ad khác. Dường như anh gặp may mắn với tên này. Vài ngày trước, Ủy ban Phụ nữ Arcre đã tặng món quà áo len đan bằng tay và mền cho quân đoàn Ả Rập. Trong mỗi chiếc túi  có tấm thẻ mang tên người phụ nữ trẻ đã đan áo, với đôi lời động viên tinh thần. Anh nhận quà, tìm trong túi, rút ra tấm thể, bật que diêm sáng lên, đọc dòng chữ “Su’ad Wahbi,“ ngay bên dưới, “Mong ước một vị anh hùng nào đó sẽ mặc chiếc áo này.” Que diêm tắt, dòng chữ tối đen, anh bỏ tấm thẻ vào túi. Có thể nào là cô ấy? Nếu đúng, chẳng phải đây là sự trùng hợp thú vị hay sao?  Anh quay sang mở cửa, thấy đã bị khóa.

Đêm thứ ba, nhờ sắp đặt ca trực sớm hơn để có cơ hội vào bệnh viện thăm hỏi thương binh. Cửa mở sẵn. Anh ta bước vào, thấy nàng đang mang một khay ăn tối đến cho người lính. Anh chào và hỏi liệu có thể thăm viếng họ. Cô trả lời, “Sao lại không được. Tôi muốn anh gặp anh Hassan để nghe anh kể những chi tiết về trận chiến. Tôi nghe cả chục lần, nhưng nghe lại lần nữa cũng không sao.” Anh đi theo cô.

Đứng cạnh bên nàng nhìn Hassan băng bó trên đầu, cả hai bật cười khi nghe anh ta nói, “Su’ad là cô y tá nghiêm khắc, chỉ muốn tôi nằm dài như xác chết, thậm chí, không cho tôi hút thuốc lén.” Khi nàng cười, Ramiz nhìn thấy răng cô rất trắng, ánh mắt sáng bừng một ý chí bất khuất. Không khí trong phòng kích thích anh lên tiếng, “Nhưng mà, chắc anh phải đồng ý với tôi, cô là y tá giỏi?”

“Giỏi? Cô là người giỏi nhất trong các y tá. Tử tế hơn cả mẹ già của tôi. Cô luôn luôn xuất hiện bên cạnh, cho uống thứ này thứ khác, cho luôn cả thức ăn, đồng thời, đáp ứng những chuông reo từ khắp căn phòng. Thậm chí khi có một chút giờ nghỉ, sẽ ngồi đan len bên cửa sổ.”

“Đan len?”

Nhớ đến món quà áo tặng. Tay anh lần mò tìm những nút trên chiếc áo choàng dày. Mở nút để lộ áo len bên trong. Quay sang hỏi, “Cô có nhận ra chiếc áo này không?”

“Vâng, vậy ra anh là người nhận áo.”

“Tôi không xứng đáng sao? Tôi vẫn cất giữ tấm thẻ viết ở đây, để nhắc nhở tôi làm nhiệm vụ anh hùng.”

Một hồi chuông dai dẳng yêu cầu sự giúp đỡ, nàng bỏ đi để anh ở lại với Hassan, đang hỏi anh xin điếu thuốc lá mà anh ta đã hứa sẽ không hút cho đến khi Su’ad cho phép.

Hai tuần trôi qua, những thương binh bắt đầu hồi phục và xuất viện. Tất cả các người lính ngoại trừ một thương binh phải chuyển sang bệnh viện khác. Nhiệm vụ bảo vệ của Ramiz đã kết thúc, anh phải trở về công việc huấn luyện các tân binh. Anh sẽ gặp gỡ đám lính mới và gửi các lính cũ đi. Khi bóng tối buông xuống, anh sẽ mang súng thi hành nhiệm vụ gác đêm. Khi bình minh ló dạng, anh mới trở về, quăng mình lên chiếc giường sắt trong căn nhà chỉ có một phòng. Lúc đó mới có giờ nghĩ đến nàng.  

Cả tuần trôi qua, anh không gặp Su’ad. Nàng đang ở đâu? Tại sao anh lại cảm thấy thôi thúc khi nghĩ đến nàng và trân trọng chiếc áo len do Su’ad đan.  

Sáng hôm qua, anh phát hiện ra một điều gì khi thay đổi y phục. Nàng đã đan rồi đan mà không biết ai sẽ mặc chiếc áo. Có lẽ, nàng đã từng hình dung người đàn ông mặc áo đó như thế nào. Chắc hẳn, mong muốn anh ta cao lớn, vai rộng, một loại đàn ông mang tính anh hùng. Anh quay lại soi mình vào  gương trên tường, sờ nắn bắp thịt trên tay. Rồi bật cười vì sự ngớ ngẩn khi tự theo dõi mình. Nhưng có hại gì đâu, khi anh có những hành vi buồn cười như vùi mặt vào áo hay hôn nó thắm thiết?  

Vào ngày thứ tám, tình cờ gặp nàng trên đường phố, không mặc đồ y tá. Chận lại, anh nói: “Xém chút nữa, tôi không nhận ra cô khi không mặc đồng phục.” Bắt tay anh, cô trả lời, “Bệnh viện đã chuyến đi hết các hồ sơ. Hôm nay, tôi không còn việc gì làm. Còn anh như thế nào?”

“Huấn luyện tân binh ban ngày. Canh gác ban đêm, không bận lắm nhưng không có trà uống.”

Nàng bật cười khoái chí. Bắt gặp anh ta đang đỏ mặt nhìn mình. Nàng từ từ muốn bước đi. Anh vội vã lên tiếng trước khi sự nhút nhát xâm chiếm tâm tình, “Hy vọng là tôi không quá đường đột. Tôi có thể hẹn cô ở một nơi nào không?”

“Thị trấn này còn rất cổ kính về việc hẹn hò.”

“Nhưng chúng ta là đồng đội thân cận. Tôi huấn luyện tân binh cả nam lẫn nữ. Hãy đến câu lạc bộ Hải Cảng, chúng ta có thể trò chuyện một chút sau khi tôi huấn luyện lính.”

Họ đồng ý gặp nhau ở đó lúc ba giờ. Trong lúc anh đang trình diễn cho một đội nữ quân nhân xem cách đứng thẳng, cầm súng trường khá nặng mà không run tay, bất chợt nhìn thấy cô. Anh vẫn tiếp tục hướng dẫn và không trò chuyện với nàng cho đến khi luyện tập xong. Sau giờ tan hàng, anh quay lại chào cô, rồi kéo ghế mời ngồi.

“Anh có mệt lắm không?”

“Ai mà không mệt. Nhưng một khi tôi nhận ra sự huy động và chuẩn bị chiến tranh trong các khu định cư người Do Thái, tôi ước mình có 60 giờ một ngày để tập kỹ. Chúng tôi chuẩn bị đối phó với những nguy cơ sắp đến.”

“Anh không sợ sao?”

“Muốn đề phòng, không phải dễ dàng. Tôi nghĩ, người Do Thái đã dự trữ nhiều vũ khí trong các khu định cư. Chúng tôi đã phát hiện ra nhiều chuyện.”

“Anh đã đến đó chưa?”

“Có, tôi đã đến đó nhiều lần cho đến khi mối liên hệ trở nên căng thẳng. Bây giờ, không đi được nữa. Tôi nằm trong danh sách sổ đen của họ.”

Nhìn thấy nàng đang quan sát mình. Ngay lúc này, môi nàng hé mở và ánh mắt quả quyết lại sáng lên. “Anh biết không, tôi bắt đầu tin anh có một điều gì giống anh hùng.”

“Anh hùng? Không thể nào, cho dù tấm thẻ của cô đã cho tôi cảm hứng đó.”

“Anh vẫn còn giữ tấm thẻ?”

“Đây.”

Anh đưa tấm thẻ cho cô, sáng lòa khi anh lấy lại, nhấn mạnh lên tay cô một chút rồi nhả ra. Để nàng cơ hội che giấu nét bối rối, anh ta ngước lên nhìn  biển xanh ở trước mặt.

Mùa đang vào xuân. Xuân trên miền Palestine này là một vùng biển lấp lánh, ban ngày những du thuyền cánh buồm trắng thả ngang qua, ban đêm đèn các thuyền đánh cá ẩn hiện nháp nháy. Hương thơm từ những rạng cây cam tỏa ra nhẹ nhàng trong không khí. Mùa xuân năm đó, Ramiz trải nghiệm được hai điều: tình yêu và chiến tranh. Chuyện đầu tăng thêm ý nghĩa cho chuyện thứ hai. Chiến tranh không đơn thuần chỉ là giết kẻ thù một cách quyết liệt. Đúng hơn, đó là cách khẳng định sự sống của đất nước anh yêu và người phụ nữ anh yêu. Palestine chỉ là một miền biển nhỏ với những chiếc thuyền đánh cá, những quả cam sáng như mạ vàng, không phải chỉ có ô-liu và những vại dầu ô-liu thật lớn. Cũng như màu mắt đen huyền của Su’ad, chìm trong đó anh đã thấy một Palestine tốt đẹp. Tưởng tượng hình ảnh một ngôi nhà hạnh phúc, một người vợ sinh cho anh mấy anh hùng trẻ nhỏ và yêu thương ý nghĩa cuộc sống của anh.

Cứ mỗi ngày mới, hình ảnh của nàng kèm theo tin tức chiến sự trên các tờ báo buổi sáng. Trận chiến Qastal. Cuộc phản công của người Palestine từ Tam Giác khủng bố vào các khu định cư của đối phương. Các cuộc đột kích của anh và đồng đội vào những xe bọc sắt của Do Thái xâm nhập trên con đường từ Haifa đến Acre rồi đến Nahariya. Nổi bật tinh thần anh hùng của người dân ở Salama, ở mọi thành phố và làng mạc.

Tiếp theo là sự sụp đổ ở Haifa.

Anh sẽ không bao giờ quên được buổi tối hôm đó. Đang bận rộn tập luyện các tân binh, khi quay lại nhìn ra biển, thấy hàng chục, hàng chục chiếc tàu chở đầy người tị nạn. Dân Acre tập trung tại các bức tường để tìm hiểu tình hình mới. Họ đã theo dõi tin tức các trận chiến xảy ra ở Haifa, biết được chính quyền Anh đã bí mật giúp quân Do Thái phục quốc (Zionist) cũng cố những vị trí chiến lược. Mặc dù, Anh quốc công khai tuyên bố, họ sẽ không rời Haifa cho đến vài tháng sau chấm dứt thời kỳ Ủy Quyền, giờ này, đột nhiên họ tuyên bố sẽ phải rời bỏ thành phố.

Nỗi kinh hoàng trút xuống vùng núi Carmel, lên đầu dân Ả Rập đang sinh sống trên sườn dốc. Chính quyền Anh loan truyền tin khủng khiếp này gây hỗn loạn dư luận. Cùng một lúc, họ mở sẵn cửa cảng, chuẩn bị tàu bè để chở những ai muốn bỏ trốn. Vì vậy, mọi người chen lấn nhau xuống tàu, trong khi tiếng súng vang rền từ dãy núi. Tàu bè đổ dân tị nạn vào bờ biển Acre, một đám đông, một số ngơ ngác vì thương tích, một số đói khát, số còn lại đầy sợ hãi.

Những ngôi nhà lớn, đền thờ hồi giáo, tu viện, quảng trường trong thành phố, đầy nghẹt người chạy loạn. Đám đông trờ thành gánh nặng cung cấp thực phẩm và nơi tạm trú cho thành phố. Đêm hôm đó, anh thấy Su’ad và hàng chục phụ nữ tự nguyện, tiếp nhận những người bị thương tại bến cảng để đưa họ đến bệnh viện và những nhà tư nhân. Đồng thời, tin đồn như một cuộc chiến lan rộng bắt đầu xảy ra khiến mọi người lo lắng.   

Ngày hôm sau, anh giật mình thức dậy vì tiếng gõ cửa rất lớn. Mở cửa, ngạc nhiên vì thấy nàng đứng đó, đang khóc. Cô ta kể lại “Anh của cô tìm được một chiếc xe tải, chở hết những gì có thể nhét lên, chất vợ con ngồi trên, chuẩn bị lái đến Lebanon. Hai mươi gia đình trong cùng khu phố đã làm chuyện tương tựa. Anh trai cố gắng kéo cô đi cùng, nhưng cô từ chối. Tranh cãi với nhau. Anh tát cô một bạt tai. Không còn cách nào hơn, cô bỏ chạy. Cô sẽ là người cuối cùng rời khỏi thành phố.

Anh giật mình, giữ im lặng, không biết phải nói gì. Khi nàng đấm hai nắm tay vào ngực anh, anh hỏi, “Cô làm như vậy có phải vì đồng đội?”

Cô buột miệng, “Không, không phải vì anh, Đúng, em yêu anh, đó là sự thật, Nhưng, anh không phải là tất cả.” Cô bỏ đi.

Anh mở toang cửa, tuôn vào thành phố. Hàng chục chiếc xe lớn nhỏ, đầy người hoặc trống rỗng, đang phóng nhanh như gió. Bối rối, không biết nên kêu gào, khóc than, hay ném đá những xe bỏ chạy.

Chỉ một tuần lễ sau, thành phố vắng tanh, ngoại trừ các chiến binh, một số ít nữ y tá ở rải rác trong các bệnh viện nhỏ, những người tị nạn từ Haiti hoặc từ các làng mạc chung quanh. Không còn thời giờ để hẹn gặp Su’ad. Địch quân đang chờ đợi thời cơ tấn công từ hai hướng bắc và nam. Ban ngày, chui trốn vào làng để lấy thêm đạn dược và súng trường; Mặc đồ bó sát người cùng với năm đồng đội nép mình sau những rào chắn, dựng lên trên sân thượng của nhà máy sản xuất thuốc lá đã ngưng hoạt động. Phải giữ thành phố cho đến khi có lệnh mới, đến khi quân đội Ả Rập có thể tiến vào tiếp trận.

Đây là nhiệm vụ của anh theo sự phân phối của Ủy Ban Quốc gia thành phố Acre. Khi có giờ nghỉ ngơi, anh nhớ đến Su’ad, tự hỏi, nàng đã sống như thế nào trong hoàn cảnh này.   

Một hôm, bất ngờ trông thấy nàng, anh giật bắn cả người, dừng lại trên đường mòn. Nàng thu mình trong chiếc áo khoác, ôm theo một chiếc giỏ to tướng. Chưa biết phải đón chào cách nào, nàng đã giải tỏa sự khó khăn bằng cách mở giỏ ra, trực tiếp nói với đồng đội, “Ủy ban Quốc gia sợ các bạn có thể thiếu thốn lương thực nên gửi tôi mang đến những thứ này.” Trong giỏ có bánh mì, thuốc lá, và kẹo. Ánh mắt nàng chứa chan tình thương. Ước gì có thể ôm chặt lấy nàng trước mặt các đồng đội. Anh cảm thấy mình có quyền thả bộ, đưa nàng về một khúc đường. Nắm lấy những ngón tay nàng trong bàn tay mình run rẩy. Rồi nâng tay lên  môi hôn. Dặn dò nàng đừng làm những việc điên rồ như vậy nữa. Sau khi từ giã, anh đứng nhìn cho đến lúc một ngả cua nuốt chửng lấy nàng. Nhưng rồi nàng vẫn đến viếng thăm họ nhiều lần. Tuy chỉ ở lại vài phút, nhưng cũng đủ khơi dậy cảm xúc khiến anh vừa mỏi mệt vừa vui sướng.

Đến đầu tuần, cuộc giao tranh càng lúc càng dữ dội, pháo kích triền miên suốt một ngày, hai đêm, và lấn sang một phần ngày hôm sau. Xe bọc thép của địch quân đang tiến dọc theo con đường chính đến Nahariya. Các chiến sĩ phòng thủ đã phục kích đối phương bằng súng pháo nhỏ đặt trên những nóc nhà ven đường. Trận chiến kéo dài cho đến ba giờ chiều ngày kế tiếp. Một số lính nằm nghỉ ngơi ngay trên các chướng ngại vật, nhóm khác nằm trên đất. Anh đi ra vườn tìm vòi nước để rửa ráy trước khi vào phố, tìm  hiểu Quân đoàn Ả rập có kế hoạch gì để kéo đi những chiếc xe bị bắn hạ trên đường vào thị trấn.

Mặt anh ta đang dính đầy xà phòng, khi nghe một tiếng đạn nổ, rồi tiếng nổ tiếp theo. Nhanh nhẹn lau xà phòng trên mắt, nghe tiếng nàng thét lên từ đám xe. Chạy về hướng cổng vườn. Anh thấy nàng lao vào, một tay cầm chặt chiếc giỏ, tay kia ôm ngực. Thoạt nhìn, anh không thấy được chuyện gì khi cô đứng lại, nhưng khi cô ngã vào tay anh, máu bắt đầu phun ra từ ngực. Dùng tay bịt chặt vết thương và kêu gọi đồng đội, một người lính nhanh nhẹn quăng chiếc áo cho anh để đè ém máu nàng đang trào ra.   

Nàng mở miệng muốn nói, nhưng tiếng ục ục trong cổ họng làm nghẹn lời, chỉ còn tiếng rên rỉ, rồi tất cả đột nhiên chấm dứt.

Chuyện xảy ra quá nhanh khiến anh không tin được. Một khoảnh khắc khủng khiếp duy nhất đã kết thúc mọi thứ. Làm sao thời gian có thể đứng im, tại sao nó cứ tiến tới để cô phải chết? Vì sao cô không hồi sinh dưới nụ hôn và tiếng khóc đau khổ của anh? Sao đôi mí mắt không mấp máy khi nghe anh thì thầm nói yêu cô?

Cô đã chết, khi hương thơm trên tóc vẫn còn vương vấn trong không khí, khi hơi ấm trong lòng tay còn cảm nhận được tay anh siết chặt, khi môi còn nếm được môi anh hôn? Đôi mắt của cô chưa bao giờ thể hiện sự chết, chỉ bừng sáng tình yêu và hứa hẹn với cuộc đời. 

Dụi mắt xua đuổi ác mộng, đưa tay nắm chiếc tẩu Ibrahim đang đưa ra để những móng tay anh không đâm sâu vào lòng tay. Ibrahim nhìn thẳng vào mắt đồng đội. Ánh mắt dường như xác nhận, “Cô ta đã chết rồi. Chúng tôi sẽ mang lấy cô ra khỏi lòng tay của bạn và chôn cất trên ngọn đồi bên kia. Sẽ ghi dấu ngôi mộ bằng lá cờ và tuyên phong cô ta là một nữ anh hùng. Cô yêu bạn và trở thành biểu tượng cho tất cả chúng tôi: Ibrahim, Wadee, Salih, Ahmad, và Abdullah.”

Trên cao, trăng lưỡi liềm mỏng màu vàng với một ít ngôi sao lác đác. Không có gì ngoài bóng tối và những đầu thuốc lá lập lòe. Sau hàng rào chắn, họ không ăn, không uống, cũng không ngủ. Đêm trôi qua yên tĩnh ngoài trừ một vài cuộc chạm trán lẻ tẻ lúc rạng đông. Sau đó, mọi sự chìm vào tĩnh lặng, và những cái đầu mỏi mệt gục vào giấc ngủ đói khát đầy sợ hãi.  

Bình minh, Abdullah dụi mắt rồi nhìn sang đống hộp gỗ cạnh bên, “Còn gì ăn không?” Wadee trả lời, “Có chứ, cái đói.” Cả hai im lặng.

Những ổ bánh mì Su’ad mang đến, đã dính đầy máu tươi. Thật là thảm thương cho bánh mì ngập máu. Cơn đói hành hạ đến nổi họ không còn đủ sức đứng dậy. Ramiz cảm thấy tình cảnh trở thành một thử thách sự nhục nhã. Anh và đồng đội đã dám nghĩ đến chuyện ăn những ổ bánh mì. Dùng tay che mắt mình. Còn gì tồi tệ hơn việc anh phải lấy máu của nàng cho đồng đội ăn? Quay nhìn sang các bạn. Abdullah nằm trên chiếc mền, Salih cũng vậy. Ahmad ngồi trên bao cát, tay ôm lấy bụng. Họ sẵn sàng làm thịt xác một con chó chết, nhưng không ai tiến đến những ổ bánh đã rửa tội bằng máu. Anh phải bắt đầu cho hành động này. Nên nói gì với đồng đội, “Hãy ăn đi, Su’ad đã cho chúng ta bánh và máu?”

Anh cuối đầu một lúc rồi lê bước đi. Nếu ý nghĩ này quá khủng khiếp, anh phải tự mình vào thành phố, tìm thức ăn cho họ.

Cố gắng đứng lên nhưng không còn hơi sức. Các đồng đội hiểu được chuyện anh đi vào phố và hậu quả của nó. Bất kỳ viên đạn nào cũng sẽ xuyên qua anh như bắn con chim nhỏ ló dạng trong vùng đồng quê trống trải rộng lớn giữa đồn trú và thành phố. Xe bọc sắt phòng thủ bằng cách khạc đạn ra mọi hướng có thể đi, bất cứ lúc nào. Salih nắm vai anh, kéo ngồi xuống. Ngồi để chứng kiến trận chiến giữa bánh máu và cơn đói đang bắt đầu trở lại. Đàng kia, vẫn còn trong góc, đầy trong giỏ, y nguyên như lúc Su’ad mang đến. Sẽ rất đau đớn, nhưng sẽ cứu được năm mạng người.

Giá nào anh phải trả? Anh có thể nào chịu đựng khi thấy hai bàn tay xé ra từng mảnh rồi hàm răng nhai ngấu nghiến mảnh bánh mì đọng đầy máu của nàng? Mắt anh mờ đi vì không muốn thấy. Chuyện này không bao giờ có thể xảy ra, cho dù tất cả bọn họ phải chết đói. Họ không khá gì hơn cô là bao nhiêu, vì vậy, nếu họ chết thì sao? Cô đã chết vì mang bánh mì đến cho họ, rồi họ chết đói vì không ăn bánh mì. Cái chết của cô không cứu được ai. Họ đang từ chối bánh hiến dâng, được mang đến để thử nghiệm nhân tính hoặc tối thiểu là nhân tính của anh. Họ có lầm lỗi gì để phải chết đói? Nhưng rồi nếu họ chết đói thì sao? Họ chỉ có thể quên bánh mì ở đàng kia. Trong mọi trường hợp, họ không nghĩ đến điều này. Từ chối ý nghĩ ăn bánh mì, sẵn sàng chờ đợi một tiếp tế khác hoặc chịu chết. Và cũng chết theo họ là những cơ hội trả thù cho cô.

Trả thù? Đúng rồi, làm sao anh ta có thể quên được việc này? Làm sao anh có thể chọn chết như chó đói, và kéo theo năm đồng đội chết với mình? Vì vậy, khi chạm trán với nhiều cách chết, cần phải suy nghĩ về nó. Nếu anh đã muốn chọn sự chết, đừng chọn chết đói. Su’ad sẽ không bao giờ cho phép người anh hùng làm điều như vậy. Anh rùng mình vì đau khổ.     

Anh nhận ra suốt đêm qua, đã nghĩ về cơn đói nhiều hơn về Su’ad. Cơn đói đã đình chỉ mọi cảm giác khác. Thật là một kinh nghiệm thảm thương.

Anh gọi các đồng đội, họ gần như không thể mở mắt. Gọi tên từng người: Ibrahim, Wadee, Salih, Alimad, và Abdullah. Họ vây thành vòng tròn chung quanh, anh sẽ đứng lên, đi lấy bánh mì. Khi đưa tay mở giỏ, anh sẽ kể cho họ nghe một câu chuyện xa xưa về đất nước và con người ở đây. Câu chuyện về sự cứu chuộc sự sống bằng xương bằng thịt. Sau đó, anh sẽ mang những ổ bánh với nghi thức của một linh mục Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orthodox) dâng bánh thân xác Chúa Giê-Su. Anh sẽ nói, “Hãy ăn đi, này là mình ta, này là máu ta.” Rồi chính anh ta cũng ăn, một thứ gì đó của Su’ad sẽ tồn tại trong anh. Làm sao sự suy nghĩ này có thể thoát khỏi sự chú ý của anh trước đây? một điều gì đó, giờ đây, đang hối thúc trong anh, đang gào lên, đòi hỏi, nhắc nhở anh phải làm một việc gì xứng đáng cho xác chết đã chôn trong một góc vườn. Anh tự xốc mình dậy, lê bước đến chiếc giỏ trong góc, kéo theo năm đôi mắt chăm chú nhìn. Anh cảm thấy ánh mắt của họ dán chặt vào từng bước chân của mình. Xách giỏ lên với bàn tay run rẩy, mở ra, lấy ổ bánh đưa lên miệng. Rồi quay trở lại với đồng đội. Anh khụy xuống, đưa bánh ra và nói, “Ăn đi … Su’ad không muốn chết vì đói.” Thế rồi, thế giới mờ vào xa xăm, anh ngã xuống mặt đất nằm bất tỉnh.