Friday, September 2, 2022

2570. SONG THAO Ông Văn Nghệ.

Ông Võ Thắng Tiết

 

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc gọi ông là “Ông Bụt Sách”. Tôi gọi ông Thành Tôn là “Ông Đạo Sách”. Hai ông nhân tình của sách này bị cột chặt vào nhau từ kiếp nào không biết. Kiếp này họ bên cạnh nhau từ ngày còn ở trong nước tới khi ra hải ngoại. Chuyện dây dưa này tôi sẽ nói sau.


“Ông Văn Nghệ” tôi nói tới đây là Đại Đức Từ Mẫn hay ông Võ Thắng Tiết. Muốn gọi thế nào cũng được. Lần đầu gặp ông tại Quận Cam, tôi gọi ông bằng “thầy”, ông nhỏ nhẹ vào tai tôi: “Đừng gọi tôi bằng thầy!”.


Thực ra ông đã từng là thầy. Ông đi tu từ năm 13 tuổi. Khi đó ông đang theo học tại trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định. Rồi trường bị Nhật bỏ bom tan nát. Ông phải nghỉ học đi chăn trâu. Một bữa ông đang ở ngoài đồng thì cha ông gọi về đưa lên chùa tu. Thế là ông đi tu tuy ông là con trai độc nhất. Ba người kia đều là gái. Ông rất ham mê đọc sách tuy vẫn không trễ nải việc kinh kệ.


Cơ duyên với sách đến với ông vào đầu năm 1964. Năm đó, phu nhân bác sĩ Hiệu, một nữ Phật tử thuần thành, muốn cúng dường cho vài thầy ở Sài Gòn một số tiền. Số tiền này là tiền bà bán một căn villa khá lớn ở khu cư xá Lữ Gia, Sài Gòn, sau khi chồng mất, để qua định cư tại Mỹ với con trai. Con trai bà cũng là một bác sĩ tại Mỹ căn dặn bà không mang tiền bán nhà theo mà hiến tặng cho các cơ quan từ thiện. Số tiền bán được khá bộn. Bà tặng cho thầy Nhất Hạnh 35 ngàn, một số tiền được coi là rất lớn vào thời điểm đó. Thầy Nhất Hạnh họp với một số thầy để bàn coi sẽ sử dụng số tiền này như thế nào. Họ quyết định lập một nhà xuất bản mang tên Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ được chọn phụ trách nhà xuất bản này. Thầy Thanh Tuệ sống rất đơn giản. Thú vui của thầy là sách và giao du với giới văn nghệ sĩ. Nói tới thầy Thanh Tuệ, thầy Từ Mẫn cho biết : Thầy là một tu sĩ nhưng cũng còn là một nghệ sĩ nữa”. Thầy thân thiết với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và đam mê sách của nhà sách Xuân Thu. Nhà sách Xuân Thu trước đó mang tên Albert Portail, chuyên nhập cảng sách báo ngoại quốc. Thầy Thanh Tuệ mê sách tới độ mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách ngoại quốc trình bày đẹp hay lạ mắt, in trên giấy tốt, là nhắm mắt mua dù giá cả ra sao. Thầy mang sách về săm soi một cách thích thú.


Sách của nhà Lá Bối bán rất chạy nhưng sau một năm tổng kết tình hình tài chánh đã không có lời mà còn thua lỗ nợ nần. Thầy Nhất Hạnh quyết định giao nhà Lá Bối cho thầy Từ Mẫn. Thầy Thanh Tuệ sau đó đã lập một nhà xuất bản khác đặt tên là An Tiêm.


Hai nhà xuất bản “chùa” này được coi là đứng đắn, xuất bản được nhiều đầu sách giá trị gồm các tác phẩm của Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn văn Xuân, Võ Hồng, Phùng Khánh, Hồ Hữu Tường, Dương Nghiễm Mậu và nhiều người khác.


Thầy Từ Mẫn cũng là một người của sách. Khi nhận điều khiển nhà xuất bản Lá Bối, thầy đã tìm in những cuốn sách giá trị. Như trường hợp in bản dịch cuốn War and Peace (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Lev Tolstoy. Thầy muốn ông Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này. Khốn nỗi thầy không quen biết chi ông Lê và cũng không muốn nhờ ai giới thiệu. Nhà thơ Du Tử Lê, trong bài “Thầy Từ Mẫn và Nhà Xuất Bản Lá Bối”, kể lại: “Một buổi sáng, ông tự tìm tới nhà riêng của họ Nguyễn ở đường Kỳ Đồng, Người bạn đời của dịch giả ra mở cửa hỏi ông là ai, cần gặp ông Lê có việc gì? Ông Lá Bối nói mang ít sách tặng ông Lê và nói chuyện về việc dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Bà mời ông trở lại vào buổi sáng hôm sau. Đúng hẹn, ông trở lại. Lần này  ông được họ Lê tiếp đón trong tinh thần tương kính giữa nhà xuất bản và dịch giả. Dù ông Nguyễn Hiến Lê nói rõ, để hoàn tất việc chuyển ngữ, ông cần ít nhất một năm rưỡi. Tuy nhiên thực tế, vẫn theo lời của thầy Từ Mẫn thì, chỉ sau một năm thôi, ông đã nhận được bản dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lev Tolstoy. Phần thưởng lớn bất ngờ mà ông Lá Bối nhận được là chỉ một thời gian sau, bộ sách đã được tái bản”.


Đây là duyên khởi để bắt đầu sự hợp tác lâu dài giữa hai người. Trong cuốn hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, dịch giả đã viết về cuộc gặp gỡ này: “Từ đó chúng tôi thân với nhau. Thầy nhỏ hơn tôi, vui vẻ, thành thực, làm việc cẩn thận, trọng chữ tín, có tư cách, kín đáo mà thân mật. Cả Giản Chi và tôi đều khen là đứng đắn nhất trong giới xuất bản. Tôi khởi công dịch “Chiến Tranh và Hòa Bình”, dịch kỹ, non một năm rưỡi thì xong. Xoay được đủ vốn, nhà Lá Bối cho in ngay, đầu năm 1969 ra được cuốn I khoảng 750 trang, rồi ba tháng sau ra nốt ba cuốn sau, do hai nhà in sắp chữ. In 3000 (hay 5000 bản?), vốn khá nặng, mấy triệu đồng thời đó. Nhờ báo chí giới thiệu và khen, nhờ Lá Bối có sẵn một số độc giả đông, nhờ quảng cáo trên màn ảnh Sài Gòn, nên sách bán chạy. Ba năm sau tái bản, nhưng vừa in xong đủ bộ, gởi trong kho trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội thì quân đội miền Bắc vào khám xét trường tịch thu hết. Thầy Từ Mẫn bị bắt giam để điều tra, hơn một tháng sau mới được thả...Trong số  các nhà xuất bản, hợp tác với thầy tôi thích nhất và chỉ trong bốn, năm năm thầy in cho tôi được khoảng chục tác phẩm mà hai cuốn quan trọng nhất, không kể “Chiến Tranh và Hòa Bình” là “Chiến Quốc Sách” và”Sử Kí của Tư Mã Thiên”, cả hai đều bán chạy, tái bản trong một, hai năm. Giản Chi và tôi ở trong số những nhà văn có nhiều tác phầm nhất trong tủ sách Lá Bối, sau Nhất Hạnh. Như có duyên tiền kiếp. Gần cuối 1979, thầy Từ Mẫn vượt biên chui, tới Thái Lan gởi thư về thăm Giản Chi và tôi. Tháng 7/1980 thầy qua Mỹ”.


Sách miền Nam thuở đó bán chạy nhất không phải là ở Sài Gòn mà ở các tỉnh miền Trung. Thành Tôn là người nhận phát hành sách không công cho hai nhà Lá Bối và An Tiêm ở miền đất khô cằn nhất nước. Anh nói với tôi là hồi đó anh nhận sách hàng ngày. Sau khi anh nhập ngũ, bà xã anh tiếp tục công việc, cũng không công. Để hình dung rõ miền Trung tiêu thụ sách “kinh khủng” đến thế nào, anh cho biết cuốn “Nhan Sắc” của Dương Nghiễm Mậu do nhà An Tiêm xuất bản đã bán trên ngàn cuốn! Hệ lụy của anh với thầy Từ Mẫn còn tiếp tục dài dài khi thầy Từ Mẫn vượt biên, mở nhà xuất bản và nhà sách Văn Nghệ ở Cali.


Thực ra thầy Từ Mẫn vượt biên tới 8 lần mới thành công. Tới Mỹ, thầy hoàn tục. Đây là một quyết định đau lòng khiến thầy thấm thía lẽ vô thường của cuộc sống. Thoạt đầu ông Võ Thắng Tiết định cư ở thành phố Los Angeles và được trợ cấp để theo học Anh ngữ trong 18 tháng. Tuy nhiên ông sớm bỏ học vì học đâu quên đó. Một người bạn của ông cùng ở trại tị nạn trước đây viết thư rủ ông về Seattle, tiểu bang Washington, và sẽ lo chuyện ăn ở cho ông. Ông liền khăn gói qua và nhận thấy nơi đây có thể theo tàu đi đánh cá ở Alaska với số lương khá lớn. Tháng 3/1984, một công ty chuyên đánh tôm cá tới Seattle tuyển người làm, ông dự phỏng vấn và được nhận. Ông sống trên tàu được gần một năm thì xin nghỉ. Hồi đó, tiểu bang Alaska cần người tới làm việc nên cuối năm họ tặng một số tiền thưởng là một ngàn đồng. Ông trở về đất liền với số tiền để dành được là 8.500 đô giắt túi. Trong một dịp về chơi Cali, ông gặp nhà văn Võ Phiến. Ông này khuyến khích ông trở lại nghiệp xuất bản. Hai ông Nguyễn Mộng Giác và Lê Tất Điều phụ họa theo. Vậy là nhà xuất bản Văn Nghệ ra đời với số vốn teo tắt kiếm được từ miền băng giá Alaska. Ông share phòng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tiếp tay đóng gói, gửi bưu điện, phát hành tờ Văn Học.


Ông không giữ lại tên Lá Bối vì cái tên này, theo ông, sau cuộc đổi đời tại miền Nam đất Việt, đã không còn thích hợp với tình cảnh lưu vong của người Việt tại hải ngoại. Ông đã chôn dưới biển sâu pháp danh Từ Mẫn thì cái tên Lá Bối cũng không nên tồn tại. Ông bắt đầu một giai đoạn mới trong đời ông. Ông bộc bạch: “Tôi nghĩ ở hoàn cảnh mới, giai đoạn mới, nên chọn một cái tên mới thì thích hợp hơn”. Cái tên mới của nhà xuất bản trích ra từ tên tạp chí “Văn Học Nghệ Thuật” của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều. Tờ báo này, khi trao lại cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác quản trị, đã đổi tên thành “Văn Học”.


Khi ông Võ thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ thì ông Thành Tôn nhất định phải tiếp tay, Ông “Bụt Sách” đã tái xuất giang hồ thì ông “Đạo Sách” làm sao mà ngồi yên được. Thành Tôn, ngoài giờ đi làm kiếm cơm, đã lăn lộn giúp ông Võ Thắng Tiết không quản công lao. Mỗi lần tôi qua chơi Cali, leo lên xe ông Thành Tôn, thế nào cũng có màn ghé tiệm sách Văn Nghệ. Ông Thành Tôn kết với nhà sách như thế nào thì tôi cũng la cà trong tiệm chẳng kể giờ giấc. Hai ông bị sách hớp hồn coi sách như những vật trân quý nhất trên đời. Trân quý nhưng không giữ riệt. Khi chở sách trên xe, dừng xe nơi nào, ông Võ cũng không khóa cửa xe. Ông không sợ bị trộm sách. Nếu may gặp tên trộm sách phải mừng vì người đó còn quý sách! Quý sách là đức tính số một của ông Văn Nghệ. Sau này, khi ông đã gác bỏ nhà xuất bản, ngụ tại một phòng trong nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi thường hay gặp ông. Biết ông mê sách, mỗi khi xuất bản cuốn nào, tôi đều nhờ Thành Tôn mang hai cuốn tới tặng Giác và ông. Một lần ông nói riêng với tôi: “Anh gửi một cuốn là được. Tôi đọc chung với anh chị Giác. Cuốn kia anh tặng cho ai biết quý sách. Hai cuốn uổng quá!”.


Nhà xuất bản Văn Nghệ mở hàng in cuốn hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của Nguyễn Hiến Lê. Chắc để ghi lại mối duyên văn nghệ giữa hai người nay đã hai phương cách biệt. Cuốn này đã phải tái bản vì bán rất chạy. Nhưng cuốn hồi ký bán chạy kỷ lục là cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên được in vào năm 1997. Sách bán chạy tới ngỡ ngàng. Chỉ 15 ngày sau khi phát hành đã phải tái bản! Ông Võ cho biết: “Nó như một phép lạ, chưa từng xảy ra ở hải ngoại cũng như ở trong nước trước đây”.


Làm xuất bản là ngồi chờ sách tìm tới mình. Nhưng hiếm hoi cũng có trường hợp nhà xuất bản đi tìm sách. Ông Võ là một người ham đọc và biết thẩm định giá trị của sách. Khoảng đầu thập niên 2000, ông tình cờ đọc được một số báo xuất bản tại Canada trong đó có bản dịch từng kỳ cuốn “Tự Do Trong Lưu Đầy” của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông không biết dịch giả là ai nhưng càng đọc càng thấy thích. Ông nhất định phải tìm ra dịch giả để in cuốn này. Ông liên lạc với nhà báo. Đó là bà Chân Huyền, bút danh của dược sĩ Hà Dương Thị Quyên lúc đó đang ở Montreal. Thiệt tức cười. Người tìm được chẳng xa lạ chi với ông. Bà là phu nhân của nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Ông quen thân với cả hai vợ chồng từ ngày còn ở Việt Nam!


Một nhà xuất bản cẩn trọng thì phải đọc nội dung sách trước khi quyết định in. Nhà xuất bản Văn Nghệ có sự cẩn trọng đó. Sách của Văn Nghệ thường là sách chọn lọc. Mà chọn lọc kỹ. Có độc giả đặt mua trước tất cả các sách sẽ xuất bản, không cần biết sách loại chi, tác giả nào, cứ do Văn Nghệ in là được vì tin vào sự đứng đắn của nhà xuất bản. Nếu tính chuyện thương mại, xuất bản sách theo thị hiếu độc giả thì lời lãi nhất định phải hơn. Nhưng nếu nhà xuất bản chỉ lựa in những cuốn sách kén người đọc, chuyện đứng vững được không dễ dàng. Nói về chuyện “chịu chơi” của ông Võ, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhắc lại một chuyện. “Trong số các kỷ niệm tôi có với ông Võ Thắng Tiết, chuyện này làm tôi cảm động hơn cả. Khoảng năm 2001, tôi điện thoại đề nghị ông in cuốn “Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại Qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết” của Hoàng Ngọc Tuấn. Ông đồng ý ngay tức khắc. Ông cho biết ông đã đọc Hoàng Ngọc Tuấn và rất thích các bài viết của Tuấn. Tôi cẩn thận, nhắc ông hai điều. Thứ nhất cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn khá dày, hơn 600 trang, lại bàn về nhiều chuyện lý thuyết với văn phong mang tính hàn lâm nên không dễ đọc; và thứ hai, thị trường sách báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại đã bắt đầu đi xuống. Tôi cũng nhấn mạnh: in một cuốn sách như vậy có thể sẽ lỗ. Nghe xong, ông cười hề hề, rất thoải mái: “Lỗ thì lỗ, nhưng in được một cuốn sách hay như thế thì vui rồi, lo gì!”. Thế là ông in thật. Đó là một trong những cuốn sách cuối cùng của nhà Văn Nghệ. Sau này, đọc báo, nghe nói ông đóng cửa nhà xuất bản Văn Nghệ, tôi thấy buồn hiu hắt. Đang lúc buồn, tôi lại chợt nhớ tới tiếng cười của ông, tiếng cười hề hề nhỏ nhẹ hiền lành và hồn nhiên vô cùng. Tôi muốn gọi đó là tiếng cười của Ông Bụt Sách”.


Nhà Văn Nghệ phải thúc thủ vào năm 2003. Cuốn sách in cuối cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê. Khởi đầu bằng sách của ông Nguyễn, kết thúc cũng bằng sách của ông Nguyễn. Một chu kỳ tròn trĩnh.


Sau đúng chục năm trông coi nhà Lá Bối, ông in được 120 nhan sách. Tháng 7 năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản giam giữ ông. Kho sách tại Tân Phú bị tịch thu, xe chở đi suốt hai ngày mới hết sách. Số sách này trị giá 60 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa hồi đó.


Sau cũng đúng chục năm vùng vẫy nơi xứ người, ông xuất bản được 250 tựa sách, nhà xuất bản Văn Nghệ đã phải dừng bước. Ông chia tay với sách một cách tức tưởi. Thuê một chiếc xe bảy chỗ, chạy nhiều chuyến, ông kìn kịt chở những đứa con rứt ruột đi bán ve chai. Ông bình thản cho biết: “Mỗi xe sách cũ như vậy, họ trả tôi hai chục, tính ra khoảng 5 xu cho mỗi cuốn sách”.


Nhà thơ Du Tử Lê vớt vát cho sự kiện đau lòng này: “Tôi tin, rồi đây, các thế hệ sau tôi, sẽ có thêm rất nhiều người đem lòng biết ơn sự cống hiến quý báu, một đời của ông Từ Mẫn / Võ Thắng Tiết cho văn học. Tôi muốn nói, dù với tên gọi nào, Võ Thắng Tiết hay Từ Mẫn, thì tên tuổi ông cũng đã thuộc về phía rực rỡ nhất trong lãnh vực xuất bản sách của Việt Nam, nói chung”.


Tôi trộm nghĩ: thấm nhuần lẽ vô thường của đạo, có lẽ ông Võ Thắng Tiết chẳng màng tới chuyện đóng mở một nhà xuất bản. Chuyện như vậy, chuyện phải vậy, lẽ thường. Lần gần nhất tôi gặp ông, dịp Tết năm 2019, tại nhà sách Tự Lực. Anh Đồng của nhà Tự Lực rất chịu chơi. Tết năm nào anh cũng mời bạn bè thân quen tới ăn Tết để nghe tiếng pháo mừng xuân của nhà sách. Từng cối pháo tròn như bánh xe hơi được tuôn ra kín cả khu đậu xe trước cửa. Tiếng pháo giòn giã tới gần nửa tiếng. Ông Võ đứng cạnh tôi và Thành Tôn, nói nhỏ: “Chắc hắn đốt hết tiền bán sách cả năm!”. Giọng ông bình thản. Nhớ chuyện nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói tới tiếng cười hề hề của ông Bụt Sách, tôi nghĩ, với ông Võ, chắc chẳng có chi quan trọng trong cõi ta bà này. Nguyễn Hưng Quốc gọi ông là Bụt Sách, tôi lại thích gọi ông là “Ông Văn Nghệ”. Có lẽ hợp với cái hể hả của ông hơn!


SONG THAO

4/2022

Từ trái: Anh Đồng (Chủ nhân nhà sách Tự Lực)    nhà thơ Thành Tôn
Ông Võ Thắng Tiết   Song Thao

Ông Võ Thắng Tiết tại tiệm sách Văn Nghệ