Monday, September 12, 2022

2586. NGUYỄN QUANG CHƠN Truyện ngắn TIẾNG TRỐNG MÚA LÂN

Google image

Lão Học trằn trọc không ngủ được, chiều nay ăn cơm xong bỗng dưng lão ríu mắt, ngủ ngon một giấc, thức dậy mới 9:30 tối, cơn ho húng hắn hậu covid làm cổ họng lão rát đắng. Với tay lấy chai nước tu một hớp, lão nhìn bóng đêm và biết sẽ phải vất vả lắm mới dỗ lại được giấc ngủ, và đêm nay sẽ mệt lắm đây…

 

Bỗng tiếng trống “thùng thùng cắt cắt” ngoài đường vọng vào nhắc lão nhớ hôm nay là rằm tháng 8. Trung thu, nhanh thật, lại sắp hết một năm. Giữa thu mà thời tiết nắng mưa thật thất thường làm khớp gối, tay và lưng lão đau nhức mấy ngày nay. Tiếng trống bum bum làm lão nhớ lại hồi còn nhỏ, tay cầm chiếc lồng đèn ông sao đỏ chói, được cha kiệu trên cổ đi xem múa lân. Lão ngồi trên cao nên xem đã lắm, nhất là khi bọn lân phải leo thang trèo lên lầu lấy giải. Lão cũng thích sờ bụng phệ của ông địa lùn mập ỉn, mang mặt nạ tròn xoe lúc nào cũng cười toe toét!…

 

Lão là con út trong một gia đình giàu có với một bà chị và một người anh. Cha lão là chủ đại bài gạo của thị xã, làm kinh tài cho Việt cọng, cơ sở mấy lần suýt bị lộ nhưng nhờ giao du rộng với đại tá tỉnh trưởng, trưởng chi cảnh sát…nên ông vẫn an toàn sống cho đến 1975….

 

Chị lão là một phụ nữ đẹp nhưng chơi bời yêu đương nhăng nhít nên đến khi miền Nam thất thủ đã tuổi 40 mà vẫn chưa lập gia đình, sau đó, một sĩ quan bộ đội ở “vùng gió lào” mê tít nên chị ưng đại và dọn về quê chồng. Sau chồng chị làm đến đến chức thiếu tướng tỉnh đội trưởng tiền nhiều vô kể, nghe nói chị thời đó là người đàn bà khét tiếng trong quan hệ, giao du cấp trên, giúp chồng vun xén tài sản. Hai người có một mụn trai với một biệt thự to đùng toàn gỗ quí và vô số đất đai. Ông tướng này kịp thời hạ cánh an toàn trước khi có vụ đốt lò, nhưng cậu con trai thì phá gia chi tử, ăn chơi hút xách, lừng lẫy một trời!…

 

Anh trai lão rất được cha hoài vọng thì lỡ làm cô bạn học có bầu nên phải lập gia đình khi mới 18, bỏ dở cả việc học và đầu quân vào lính, được ông cho một căn nhà riêng ở trung tâm thị xã. Anh trai leo dần lên chức đại uý bộ binh sư đoàn 1, rất ghét cọng sản, vợ anh cũng thế. Anh thề giết hết cọng sản mới hài lòng. Mỗi lần anh lái xe jeep nhà binh ghé thăm cha thì hai người đều lớn tiếng cãi nhau rồi cha lão buồn bã bỏ vô buồng nằm. Sau 75, anh khai lý lịch “ông già cọng sản” nhưng vẫn bị bắt đi tù cải tạo…

 

Lão là út được cha rất thương. Thuở nhỏ thuộc thành phần “đẹp trai con nhà giàu học giỏi”, thông minh lanh lẹ và có nhiều tài vặt như đàn địch hát hò đá banh bơi lội. Ba lão thất vọng về người con trưởng nên dồn hết tình thương cho lão. Không có món ăn ngon nào, nhà hàng sang trọng nào trên phố mà lão không được thưởng thức. Lão đậu dễ dàng tú tài loại bình và vào bách khoa Sài Gòn ngành cơ khí, đang học năm thứ 3 thì miền Nam thất thủ…

 

Tiếng trồng thùng thùng làm lão nhớ cha day dứt. Hình ảnh mẹ ít đậm đà hơn bởi cha lão tuy nghiêm khắc nhưng lão cảm nhận được sự tin yêu của cha mỗi khi tắm rửa, ôm lão ngủ, gợi cho lão hình ảnh đẹp đẽ giàu có của những bác sĩ kỹ sư thành đạt khiến lão luôn xây dựng cho mình một ước mơ học giỏi, làm giàu….

 

Lão lại ho như bị ho gà. Với tay lên “table de nuit” đầu giường lấy bình xịt họng, thấy đỡ hơn. Tiếng trống xa dần làm lão hình dung ngoài trời trăng rất sáng và đám trẻ đang trên đường về nhà. Lão nhớ bài hát “ Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm, em rước đèn về với chị Hằng…Tết trung thu bánh quà đầy mâm, em muốn ăn đến bốn ba lần….”, đến đây lão nhớ mấy cái bánh trung thu hồi đó răng mà ngon dễ sợ. Thích cái bánh dẽo thơm mùi nhân bưởi, thích cái bánh nướng có trứng gà béo ngậy bùi bùi…, nhưng giờ thì lão phải cách ly với các loại thức ăn ngọt vì tiểu đường….

 

Cuộc chiến 20 năm kết thúc bất ngờ. Cha lão hớn hở chưa kịp mừng vui thì bị dội ngay một thùng nước lạnh vào mặt. Không một ai chứng nhận ông là “người của mặt trận”. Đám du kích lên cầm quyền tạm thời như một lũ hồng vệ binh đốt sách chôn học trò và phá hoại đền miếu, liệt ông vào danh sách những nhà giàu hàng đầu thị xã, cấm ông đi khỏi nơi cư trú, sau đó thì nửa khuya vào lục soát nhà ông với tội danh tư sản mại bản, có con trai là sĩ quan gây nợ máu. Chúng lục loại lấy gần hết số vàng, tiền ông dành dụm, cất dấu. Ông đổ sụp xuống như một cây chuối gãy, nhìn trừng trừng không chớp mắt những “đồng đội” cầm AK sống sót đến ngày nay nhờ những tấn gạo ông gởi hợp pháp lên rừng! Sáng hôm sau người ta vớt xác vợ ông lên từ cái giếng trong nhà. Nghe đâu bà nhảy tìm những lạng vàng ném vội xuống giếng và bị chết ngạt…

 

Cách mạng tiếp tục mượn căn nhà lớn của ông và cho ông ở một phòng phía sau. Chôn cất vợ xong ông giao nhà cho chính quyền trở về vùng quê đầy đổ nát của cha ông, dựng căn nhà mới trong khu vườn cũ. Ông bắt đầu im lặng từ đó, ai hỏi gì ông cũng chỉ ừ hử. Sâu trong ánh mắt ông là một đại dương sâu thẳm sóng ngầm…

Lão lúc đó 22 tuổi, về dự tang mẹ xong là vào lại trường, tham gia sinh hoạt chính trị, đánh tư sản, đổi tiền, rồi đến tháng 11/75 thì đột ngột nhận quyết định bị đuổi học vì khai man lý lịch. Lão rủ mấy thằng bạn thân nhậu một trận chết bỏ rồi lên xe đò về quê với cha. Một năm sau thì cha lão đột ngột qua đời. Người ta nói ông bị truỵ tim mạch. Khi ông chết miệng há to và mắt mở trừng trừng. Trước đó ông đã kịp nhét tay lão 5 cây vàng dặn dò để cưới vợ và dành dụm làm ăn. Một năm sau, ông chính uỷ trong rừng, người đã trực tiếp chỉ huy hoạt động đơn tuyến của ông cuối năm 74 bị thương phải đưa ra miền Bắc rồi qua Trung Quốc chữa trị trở về quê, làm phó bí thư thường trực, kiêm chủ tịch tỉnh, nghe chuyện thương tâm, đã kéo bầu đoàn thê tử đến nhà thắp hương, truy tặng cha mẹ lão huy chương chiến công hạng nhất và một bằng chứng nhận gia đình có công với cách mạng. Lão treo những tấm giấy lồng kính này trên bàn chờ cha mẹ, không biết mấy tờ giấy này có giúp ông bà nhắm được mắt?…

 

Chôn cất cha xong lão bỏ quê lên phố tiếp tục học nghề cơ khí. Nhờ thông minh, nhanh trí lại có kiến thức cơ bản 3 năm bách khoa nên lão nhanh chóng thành một chuyên viên điện máy thành thục. Máy móc các cơ sở sản xuất của miền Nam được cách mạng tiếp thu chẳng mấy chốc hư hỏng không hoạt động được. Mạng điện nhà nước thì trồi sụt hai tối một sáng. Các máy phát Mỹ để lại bắt đầu cần bảo trì, sữa chữa. Lão mời thêm một vài bạn và hình thành một nhóm “chuyên gia” cơ điện, công việc làm không hết, cứ chiều về là ngồi các quán bia quốc doanh, các quán nhậu mở chui, ăn uống hát hò, phong lưu một thời, trong khi dân chúng khó khăn, đói khổ đang tìm đường vượt biển, băng ngàn!…

 

Với số vàng cha cho, lão mua một căn nhà đẹp giữa phố của một người sắp vượt biên với giá 3 cây, mở luôn một cửa tiệm sửa chữa động cơ, máy điện, dụng cụ cơ khí. Một cái máy tiện cũ, hai cái máy hàn. 4 người thợ. Lão đã thành một ông chủ trẻ rủng rỉnh tháng ngày, tuy có lấm láp tay chân chút chút nhưng bia bọt, bạn bè không bao giờ thiếu!…

 

Rồi lão lấy vợ. Vợ lão con một gia đình có nghề sửa xe vespa cao cấp thời đó. Ông bà vui lòng với thằng rễ tài giỏi đẹp trai. Hắn với cha vợ rất “hợp cạ” vì đều là dân “làm ăn”. Chiều chiều trong đám bạn bia của lão nay có thêm ông già vợ chịu chơi, chịu chi. Và vợ lão đã sinh cho lão một đứa con trai giống lão như hệt. Lão phân công nàng chỉ lo nuôi con còn lão lo kiếm tiền. Hai vợ chồng thấy xã hội tương lai mờ mịt quá nên quyết định chỉ đẻ duy nhất một đứa. Và con trai lão cũng được chăm sóc kỹ lưỡng không khác gì cha lão chăm lão ngày xưa. Có cái gì “xịn” nhất là cho con bằng được. Từ những lon sữa bột Liên Xô, tôm cua cá thịt, không thiếu chất nào. Cậu con lớn nhanh như thổi, chăm chỉ và ngoan hiền hơn cha nó, chắc là nhờ gen vợ lão, một người vợ hiền lành luôn nép dưới bóng chồng!…

 

Tiếng trống thùng thùng làm lão nhớ những tối trung thu cũng công kênh con trên cổ đưa đi xem múa lân. Cậu con mê lân mắt mở thao láo, bao giờ tàn tiếng trống mới gục trên vai lão ngủ vùi!…

 

Mọi chuyện như cuốn phim dài nhiều tập. Mới đó mà đã 47 năm. Chiến tranh chấm dứt nhưng lòng người hai miền vẫn chưa hoà bình và thời thế đã đổi thay nhiều. Liên Xô và các nước Đông Âu đã rời bỏ chủ nghĩa cọng sản từ những năm đầu 90 thế kỷ 20. Triều Tiên còn giữ nguyên chế độ độc tài chuyên chế. Trung cọng và Việt nam vẫn độc đảng nhưng chính sách kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi. Mấy ông quan sau 75 đã được thay bằng đám vô lại, tham ô và tham nhũng. Kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” ù ù cạt cạt nhưng dẫu sao có vẫn hơn không. Gia đình lão cũng nhiều thay đổi. Ông anh trai ở tù cọng sản 4 năm thì được phóng thích nhờ giấy chứng nhận muộn màng “gia đình có công” và mấy huy chương của cha mẹ. Anh đưa vợ con định cư tại Canada theo diện HO và…vĩnh biệt luôn quê hương “VN cọng sản”. Anh qua đời ở Montreal lúc 69 tuổi vì tai nạn xe hơi khi lái xe trên một con đường đầy tuyết. Bà chị dâu suốt ngày tụng kinh gõ mõ, không hiểu vì sám hối hay cầu an. Con cháu phương trưởng nhưng cũng cự tuyệt quê nhà, cháu chắt chỉ nói tiếng Pháp tiếng Anh không dùng tiếng Việt…

 

Ông tướng một sao anh rễ lão trong một cuộc nhậu ồn ào với đám em út bị lộ vụ “tăng hai” trong nhà nghỉ với cô cần vụ làm ồn ào dư luận một thời. Bà chị lão tiếp tục xẻ mắt bơm môi bơm ngực, cố níu kéo các “mối quan hệ ngoại giao” nhưng gió đã đổi chiều. Những hot girls, những hậu, những mẫu trẻ trung xinh đẹp hơn nhiều đã truất phế thẳng cẳng bà, thằng con quí tử trời gầm đất lở bắt bà chung trả hàng tỷ đồng nợ đám xã hội đen…Căn biệt thự đã được san nhượng, bà về quê đòi bán đất vườn chia chác nhưng trước đó cha lão đã ra phường xã làm di chúc chuyển sở hữu toàn bộ thành nhà thờ tộc họ…

 

Về phía gia đình lão, thằng con trai độc nhất lớn lên vừa giống cha vừa giống mẹ. Chăm chỉ học hành, có đôi chút nhút nhát, thụ động. Hết cấp hai lão cho qua Singapore học trung học và rèn luyện tiếng Anh. Lấy ESL, Toffel xong người bạn thân lão vượt biên, thành đạt bên Mỹ bảo lãnh qua học ở một trường đại học tư ở California. Hắn học giỏi và lấy bằng doctor tâm thần. 8 năm học ngốn của lão vô số tiền bạc nhưng có hề gì. Con cái thành đạt là mừng lắm rồi. Nhưng chuyện đời đâu bao giờ chỉ có đầu xuôi, đuôi lọt ngọt ngào. Trong một buổi tiệc bạn bè đồng hương, con trai lão phải lòng một con bé chân dài xinh đẹp. Thì cũng xứng đáng thôi nếu con bé này cũng đi du học đàng hoàng như con lão. Nhưng không, con bé là con gái của một nữ đại gia khét tiếng thành phố, chuyên lang chạ với các quan chức đầu tỉnh, đầu cơ bất động sản, áp phe chính trị, đứng hộ tên đất đai… Đám quan lần lượt rã đám vào lò, khuôn mặt đẹp đẽ của bà tràn lan trên mạng, trên báo như một kẻ lừa đảo, truỵ lạc. Con bé được mẹ đưa sang Mỹ, kết hôn giả với một ông già Việt kiều rồi bảo lãnh mẹ qua (cha chết vì đột quỵ khi thấy trên đầu mình mọc đầy sừng). Con bé đẹp giống mẹ và là dân chơi thứ thiệt với những trang phục hàng hiệu sang chảnh. Con lão thì đẹp trai ngời ngời lại hiền lành chân chất, nên chỉ cần nửa cái liếc mắt của con bé thì thằng nhỏ đã ngất ngư thần xác, tan nát thần hồn!…

 

Tin tức gởi về, vợ lão phản đối ra mặt. Nhất quyết không đồng ý cho chúng đến với nhau. Nhưng con bé là cục nam châm to tướng, cậu bé là thỏi sắt nhỏ xíu, gỡ ra sao được. Lại được Mỹ giáo dục độc lập, tự do. Chúng thuê nhà ở riêng và sống như vợ chồng. Con trai lão với nghề bác sĩ tâm thần đang hot trong xã hội Mỹ đầy biến loạn, căng thẳng, nên trong phòng mạch nó, danh sách bệnh nhân booking dài dằng dặc, nó nhanh chóng giàu có, không cần tiền tài trợ của lão nữa. Vợ lão bay qua Mỹ nói năng chi đó, bị con bé gọi 911 trục xuất, phải lên gấp sân bay hồi hương. Thằng nhỏ về nghe chuyện gọi điện trách mắng vợ chồng lão bảo thủ, lạc hậu, ích kỷ, xâm phạm tự do cá nhân và nhân phẩm người khác. Lão không kiềm chế nổi, bảo “tau từ mặt mày”. Thằng bé tỉnh bơ “yes sir, thank you!”…

 

Con nhỏ sinh cho con lão liền tù tì một trai một gái đẹp như thiên thần. Thằng cháu đích tôn giống lão như đúc, con bé giống bà nội như tạc. Thương cháu, vợ chồng lão đã làm lành, nhưng cô dâu “hồ ly tinh”, con gái “ma nữ phù thuỷ” không tha thứ, lại còn ngày ngày post lên face book hình ảnh gia đình hạnh phúc cùng hai thiên thần xinh đẹp, thật chẳng có cuộc trả thù nào siêu đẳng hơn. Và thật chẳng có nỗi đau nào đau hơn. Vợ lão một lần gọi phone qua cho con trai, bị nó bắt buộc mẹ phải xin lỗi cô vợ và mẹ vợ thì mới cho nhận cháu. Xin lỗi dâu thì bà làm được, còn xin lỗi con đĩ lăng loàn tai tiếng kia thì bà thà chết, còn hơn. Mà rồi bà chết thiệt, mấy tháng sau đó, bà bỏ ăn bỏ ngủ, huyết áp tăng cao và qua đời vì bị vỡ động mạch chủ. Lão lặng lẽ làm đám tang cho vợ, thiêu xác và rải xuống sông. Gia đình như thế, gia cảnh như vậy, mồ mả làm gì, thờ cúng làm gì, lão cũng không báo tin cho con biết!…

 

Lão vốn dân cấp tiến. Tự lập từ nhỏ và không muốn phiền người khác. Lão cũng hoàn toàn không có mưu đồ nuôi con thành tài để sau này báo hiếu phụng dưỡng. Vốn tây học, lão cũng hiểu thời buổi bây giờ phải thoát ra khỏi những giáo điều cổ hủ của Khổng Khâu về gia đình xã hội, về quan hệ “quân-sư-phụ”, về “hiếu để” v.v…Lão cũng biết được rằng cho con đi ra nước ngoài thì sẽ mang cái nhân sinh quan của nước sở tại. Con cái có một quyền cá nhân riêng và đến 18 tuổi có quyền sống độc lập. Người già, vào viện dưỡng lão là chuyện bình thường. Nhưng lão thương thằng cháu giống nội như “photocopy” quá, và cái miệng đôi mắt đứa cháu gái làm lão nhớ làm sao đôi mắt và nụ cười của vợ lão trong ngày gặp đầu tiên hơn 40 năm trước!…

 

Lão có tiền. Tiền nhiều. Rồi như tay đại gia nào đó nói, tiền nhiều để làm gì? Lão cũng chẳng biết phải để làm gì. Từ thiện thì lão đã làm cả đời, gặp người khó lão thường giúp đỡ. Đi du lịch? Trong thời tuổi trẻ lão cũng đã đi khắp nơi trong nước và quốc tế, nhất là khi thằng con trai du học, vợ chồng lão buồn bã nhớ con nên ngao du khắp nơi. Lão chơi thể thao và bơi lội. Lão tụ tập bạn bè mới cũ và nhậu nhẹt. Câu chuyện cuộc đời rắm rối cũng theo men rượu men bia mà trôi tuột luột. Hôm vợ lão chết, bà chị ở “ngoải” vào, dắt theo một cô sồn sồn “ngực tấn công mông phòng thủ”, tuổi 45 đôi mắt lá răm mướt rượt, giới thiệu là cô em chồng, để làm bạn lão. Lão còn sung lắm nhưng quyết chí chỉ “ăn bánh trả tiền”, không đi bước nữa!…

 

Vợ lão mất được hai năm thì sức khoẻ lão bắt đầu xuống dốc. Bơi lội và thể thao cũng đuối. Một hôm trong chầu nhậu lão bỗng thấy nhói ngực và mệt lả, mồ hôi toát ra như tắm. Bạn đưa lão vào bệnh viện. Phòng cấp cứu bảo chỉ cần chậm 5 phút là lão qua đời và người ta đã đặt vào mạch vành lão 2 cái stent. Sau vụ này sức khoẻ lão chỉ còn chừng 30% với một đống thuốc chỉ định uống mỗi ngày!…

 

69 tuổi, lão tự biết mình đã đi đến đoạn cuối cuộc đời. Bạn bè lão nhiều thằng đã về đích, đa số là ung thư. Những đứa còn sống thì bầy hầy chẳng ra gì. Lão cũng chán ngán những bữa nhậu vô bổ và thực sự lão cũng không còn sức để uống đầm đìa, tăng một tăng hai như xưa nữa!…

 

Lão bán căn nhà cũ được khoản tiền khá to bỏ vào tiết kiệm mỗi tháng được vài chục triệu, còn lại lão mua một căn hộ cao cấp hai phòng đầy đủ tiện nghi ở gần chợ, bệnh viện, công viên. Sức khoẻ lão yếu dần. Các khớp bắt đầu phản kháng việc đi lại. Men gan lúc nào cũng cao. Đường trên 7 chấm. Đêm ngủ chập chờn tiểu tiện liên tục. Huyết áp mỗi sáng đều 175/85. Mỗi khi trái gió trở trời thì nhức mỏi tận xương. Có lẽ chỉ có hàm răng của lão là tốt bởi 2/3 là được trồng implant!…

 

Lão chuẩn bị cuộc sống cá nhân cuối đời một cách tiện nghi, khoa học, chủ yếu trong phòng ngủ…

Lão sắm một giường bệnh viện đời mới có thể bấm nút chuyển đổi vị trí lên xuống cao thấp, có bàn ăn xoay trước ngực… Đầu giường một bên là một tủ lạnh nhỏ. Một bên là “table de nuit” với các loại thuốc uống đựng trong hộp được phân chia sáng trưa chiều tối mỗi ngày. Bên cạnh là một máy nước nóng lạnh. Bức tường phía chân giường được treo một smart TV 51 inch, một chiếc đồng hồ treo tường lớn, một bức tranh sơn dầu đầu tay lão vẽ vợ, bức hình phóng to hai đứa cháu nội đang chơi đùa trong khu vườn đầy màu sắc. Dưới chân là một cái ghế vừa làm chỗ ngồi, vừa là bàn cầu bằng inox có nắp đậy sạch sẽ…

 

Lão thuê được một cô giúp việc khoảng chừng 55 tuổi, nét mặt hiền hậu, vui vẻ, nhanh nhẹn. Cứ mỗi buổi sáng đúng 7:00 là cô ấy đến mang quà điểm tâm, đổ bô vệ sinh, lau rửa thân thể, thay áo quần cho lão, chia thuốc bỏ vào khay, xong đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ. Khẩu phần trưa chiều rõ ràng để sẵn trên table de nuit, lão ăn xong chỉ cần để trên bàn, 7:30 tối cô ấy đến dọn dẹp rửa chén bát, bóp vai tay chân và lưng cho lão, chúc ngủ ngon và đi về. Ngày ngày đều đặn dẫu nắng hay mưa…

 

Càng lúc lão đi đứng càng khó khăn nên chỉ xoay trở quanh chiếc giường ngủ. Mắt lão còn sáng và tai lão còn tinh, nên khi chán truyền hình tin tức thể thao thì lão vào Netflix, U tube…Lão hài lòng với cuộc sống được lão sắp đặt. Chỉ nỗi nhớ và thèm muốn được ôm cháu nội canh cánh trong lòng luôn như mũi dao khoét nát con tim lão…

 

Cô giúp việc chồng mất gần 10 năm có hai con lớn đã đi làm, còn đứa út mới học cấp ba. Cô làm việc chăm chỉ, minh bạch sòng phẳng tiền bạc, nấu ăn ngon, sạch sẽ nên lão rất thích. Mỗi lần tắm rửa, cô thường massage “chim” lão và đùa, “thứ này hồi trẻ kinh khủng lắm đây chứ chẳng vừa!” rồi cười khích khích!…

Tiếng trống nhỏ dần và rồi tắt hẳn, chỉ có tiếng xe máy ngoài đường vọng lại. Đồng hồ lumineur trên tường chỉ 1:30’. Lão bỗng thấy thèm một ly rượu nên vươn người mở tủ lạnh, lấy chai whisky rót một ly đầy, bật công tắc chiếc đèn đầu giường. Bấm nút nâng đầu giường lên cao, xoay chiếc bàn ăn trước ngực. Lão mở netflix tìm phim cao bồi miền viễn tây “Once Upon A Time In The West” có Charles Bronson đóng cùng Henri Fonda, hai diễn viên mà hồi trẻ lão vô cùng yêu thích. Lão nâng ly mời vợ lão đang mỉm cười trên bức tranh bên cạnh hai cháu nhỏ đang vui đùa và nhấp một ngụm nhỏ. Hương rượu lan trong phòng kín thơm lừng, vị ngọt và cay đầu lưỡi, ấm nóng dần xuống cổ họng. Lão bỗng nhớ đến thằng bạn thân ở Cali tự dưng gởi chai rượu này về cho lão. Lão nhấp thêm một ngụm nữa và chợt thấy như có bàn tay ai đè ngang ngực. Tiếng harmonica của chàng cao bồi Charles Bronson réo rắc trên màn ảnh. Bàn tay chặn lên đến cổ làm lão khó thở. Lão nuốt ngụm rượu cuối cùng. Men rượu thơm ấm lan trên thân thể lão nhưng lão cảm thấy thiếu không khí, lão rướn người lên một chút, thấy trần nhà chao đảo. Vợ lão mỉm cười, hai đứa nhỏ tung tăng, bỗng cái mặt tròn má đỏ hồng của ông địa xuất hiện, miệng cười toe toét. Trên màn hình có tiếng súng đanh thép vang lên như tiếng lắt cắt buổi múa lân, bàn tay đè nặng cổ họng đẩy lên cao hơn, khó thở thật sự, lão đặt ly rượu lên bàn và nhắm mắt…

 

7:30’ sáng hôm sau cô giúp việc mở cửa phòng reo vui “chào ông buổi sáng, sao hôm nay ông ngủ nhiều thế?”. Cô ngạc nhiên thấy ly rượu chưa cạn hết trên khay trước ngực và mắt ông khép kín. Bạch mí mắt ông lên cô oà khóc. “Ông ơi. Sao ông đi mà không cho con biết!”…

 

Người ta lục hộc bàn bên giường thấy một hộp gỗ bọc nhung rất đẹp, trong đó có một bức hình cưới của vợ chồng lão, một hình thằng con trai trần truồng bò, đầu ngẩng cao, miệng cười tươi. Một hình khi thằng nhỏ ra trường tốt nghiệp bác sĩ trên một nền xanh trang trọng. Một bức hình cha mẹ lão chụp đen trắng đã sờn mép. Và một tờ di chúc viết tay. Trong đó lão ghi rõ xin được hiến xác cho trường y khoa thành phố, tiền trong tài khoản, lão dành một tỷ tặng cô giúp việc, còn lại tặng hết cho cô nhi viện địa phương. Hiện kim còn hai mươi cây vàng 9999 và căn hộ lão để lại cho hai cháu nội, uỷ quyền cho nhà băng quản lý đến khi hai cháu trưởng thành!…

 

Màn hình trên tivi vẫn chưa tắt, còn hiện lên hai chữ “The End”…

 

Nguyễn Quang Chơn

10.9.22, mùa trung thu