Friday, September 30, 2022

2609. PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn PHỐ HỘI CỦA TÔI

Hội An • Sơn dầu Đinh Cường, 24"x30"

Hội An là một thành phố cổ, cách Ðà Nẵng về phía nam ba mươi cây số. Cứ theo Quốc Lộ 1 đến ngã ba Vĩnh Ðiện, quẹo trái độ mười cây số là đến Hội An. Có thể nói đây là thành phố xưa nhất của Việt Nam còn nguyên vẹn với những đường phố hẹp như những con hẻm, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, xây theo kiểu "nhà ống", dài cả trăm mét, thông từ mặt đường phố nầy qua đường phố kia, với tường gạch dày gần nửa thước tây, mái lợp âm dương, sườn nhà bằng gỗ lim, gõ, mít...với lối cấu kết, chạm trổ rất tinh vi, cầu kỳ, không hề dùng đinh và rất nhiều cột! Lúc tôi còn nhỏ, khuya thức dậy đi tiểu, mắt nhắm mắt mở, hai tay quờ quạng phía trước. Vậy mà cứ đập trán vô cột nhà hoài!


Thời chúa Nguyễn dựng nghiệp ở phương Nam, khoảng thế kỷ mười sáu, Hội An đã là thương cảng quốc tế quan trọng. Người Nhật, người Tàu, người Bồ Ðồ Nha...với các thương thuyền, ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa và truyền giáo. Người Nhật đã xây ở Hội An một cây cầu nhỏ, trên đó có chùa, có mái che theo kiến trúc Nhật Bản rất đẹp. Kỷ niệm quí giá đó (của người Nhật) đã trở thành biểu tượng cho Hội An. Hiện nay người Nhật thích đến thăm chiếc cầu nầy. Họ coi như một món quà khiêm tốn của tổ tiên họ tặng cho Hội An, làm tăng thêm vẻ đẹp của thành phố cổ kính, êm đềm và hẻo lánh nầy. Ðó là Chùa Cầu.

Hội An rất nhỏ. Thượng Chùa Cầu, Hạ Âm Bổn (hai đầu của thành phố) khoảng hai cây số. Bề rộng, từ bờ sông đến "Nhà thờ Ðạo" khoảng một cây số. Tuy nhỏ nhưng được cả thế giới chú ý. Liên Hiệp Quốc đã xếp Hội An vào tài sản văn hóa nhân loại, cần được bảo tồn.

Nếu có dịp, bạn nên về thăm Hội An một chuyến. Bạn sẽ có cảm tưởng như đang đi vào quá khứ, tưởng như đang sống vào thế kỷ 18, 19. Nhà cửa quá xưa, giống như miếu đình còn sót lại ở thôn quê. Bạn không thấy rốn, thấy đùi của các cô gái, không thấy quán nhậu, không nghe cãi lớn tiếng, không thấy ai đi nhanh. Ðồng hồ ở Hội An như chạy rất chậm!  
                       
Tôi sinh ra, lớn lên ở Hội An. Khoảng giữa thập niên 1950, tôi bắt đầu đến trường. Tôi học tiểu học ở đình Ông Voi, trên đường Lê Lợi, cách bờ sông Hội An, đường Bạch Ðằng ba, bốn trăm mét. Trường gồm ba lớp học, thẳng góc nhau, cộng với ngai thờ, với nghi trượng, đối liễn là phần chính của đình tạo thành bốn mặt kín, giữa là sân nhỏ, lát đá, mỗi bề khoảng vài chục mét. Phần ngai thờ luôn luôn đóng cửa, khi có tế lễ mới mở ra và chúng tôi được nghỉ học. Trước đình có một sân đất rất rộng. Giờ ra chơi, học trò ra sân trước đùa nghịch, chạy nhảy cho được tự do, thoải mái. Trên sân rộng nầy có tượng hai con voi bằng vôi hay xi măng gì đó, to cỡ con voi con. Bọn nhóc tụi tôi, nghịch phải biết, nhưng chẳng đứa nào dám héo lánh đến gần tượng hai Ông Voi. Sợ  ngài vật sặc máu. Chúng tôi cứ đồn nhau rằng trước đây, có thằng chơi nghịch, leo lên tượng Ông Voi, ngài vật xuống nằm dưới bụng Ông Voi, và ngài đè ói máu suýt chết.
            
Tôi còn nhớ một vài chuyện về các bạn học của tôi thời tiểu học. Năm đầu tiên vào học lớp năm (bây giờ là lớp một). Tôi ốm yếu và rất khờ khạo, trong khi tụi bạn thì vui vẻ, nhanh nhẹn hơn nhiều. Một lần trong giờ ra chơi, trời mưa, cả bọn đứng vơ vẩn trước hiên nhìn mưa rơi. Tôi đang đứng một mình thì một thằng từ phía sau, nhảy phóc lên lưng tôi, bắt cõng đi. Thằng đó tên Răng (Jean), là thằng nghịch nhất lớp, chuyên ăn hiếp những đứa khác. Tôi bị nó ngồi lên lưng, năïng muốn xính vính, đi sao nổi! Tôi bèn cúi xuống thật thấp, như người ta tập thể dục, vậy là nó lộn mèo qua đầu tôi, té cái ịch về phía trước, nằm ngay trong vũng nước. Từ đó nó không bao giờ động đến tôi. Lớp tôi có thằng Thương. Học "dốt tổ mẹ" nhưng lại có tài chùi xe đạp của thầy Cam láng bóng. Trường Ông Voi bấy giờ có thầy Trợ Cam. Ðứa nào đã học thầy Cam là coi như suốt thời tiểu học chỉ học thầy Cam thôi. Thầy dạy từ lớp năm (lớp một), sang năm, học trò của thầy lên lớp tư (lớp hai), thầy cũng dạy lớp tư, cũng bọn đệ tử đó, cứ thế lên đến lớp nhất, khi bọn đệ tử lên trung học, thầy bắt đầu lại lớp năm (lớp một) với lũ học trò mới. Vì thế thầy biết rõ gia cảnh, tính tình, tư chất từng đứa một. Thầy Cam có chiếc xe đạp Bờ Rô (Peugeot), khi đến trường thầy dựng ở cửa lớp. Ðến giờ trả bài (học trò lên đọc lại bài học hôm qua), thầy gọi thằng Thương đi chùi xe, vì thầy biết nhà nó nghèo, đi học về, nó phải phụ cha mẹ làm việc rất vất vả, tối đến, mệt mỏi quá, nó ngủ khò, làm một giấc đến sáng, dậy ôm vở đi học, nên chẳng bao giờ thuộc bài. Thằng Thương có bộ đồ nghề chùi xe, lúc nào cũng thủ sẵn trong túi quần. Ðến giờ trả bài, nó ra cửa chùi xe cho thầy. Có bữa thầy quên ra lịnh, nó vẫn tự động ra chùi xe. Tôi ngồi gần cửa, thấy nó chùi rất lành nghề, nhanh nhẹn như mấy đứa đánh giày. Trước hết nó dùng cái que xủi đất dính phía trong dè xe, rồi lại dùng cây cọ quét đất cát còn dính trên bánh xe. Nó quây bánh xe nghe tách tách nho nhỏ vừa rà cái cọ trên bánh xe cho thật sạch rồi mới moi nùi giẻ dưới yên xe ra lau dè xe. Chỗ nào còn dính dơ, nó "phịt" nước miếng vào đó và chùi là sạch ngay. Riêng bộ căm xe, nó lấy miếng giấy nhám từ túi quần ra, kẹp cái căm giữa miếng giấy và vuốt lên vuốt xuống, cây căm xe láng bóng như mới. Những buổi chiều thầy đạp xe trên đường phố, ánh mặt trời chiếu những cái căm xe lấp la, lấp lánh như có gắn kim cương. Không ai hiểu sao xe thầy Cam lúc nào cũng mới tinh? Có lẽ thời tiểu học, chỉ thằng Thương là sướng nhất, vì không bao giờ phải trả bài. Riêng tôi thì ở trường hợp đặc biệt. Tôi và một vài đứa nữa có tài nhớ bài ngay khi chép xong trên bảng đen. Khi có bài học mới thầy viết lên bảng cho học trò chép vào vở, tôi vừa chép bài vừa lẩm nhẩm đọc. Thầy viết câu nào là tôi thuộc câu đó. Thầy viết vừa xong, tôi cũng vừa thuộc hết cả bài. Chờ đến khi cả lớp chép xong, thầy hỏi "Ðứa nào lên đọc bài?" là tôi xung phong lên đọc ngay, thầy cho điểm, thế là hôm sau tôi khỏi phải lên trả bài vì bài đó tôi đã có điểm rồi. Có thằng Nguyễn Hồng Hà cũng thuộc bài kiểu đó. Năm nào tôi với nó cũng tranh nhau phần thưởng nhất nhì. Hai đứa tôi đều mồ côi cha mà trường chỉ cấp một học bổng nên chúng tôi chia hai học bổng đó, mỗi đứa một nửa. Nguyễn Hồng Hà, mới tiểu học mà viết chữ rất đẹp, giống như (hiện nay) computer "viết chữ kiểu" vậy. Có thầy Lưu Nhàn, nhà ở giếng Bá Lễ viết chữ cũng đẹp. Ty tiểu học thường giao cho hai người nầy viết bằng cấp, giấy khen, chứng chỉ...là những giấy tờ "long trọng". Ðiều không ngờ là sau năm mươi năm, tôi gặp lại Nguyễn Hồng Hà tại xứ Mỹ. Năm 2007 vợ chồng tôi từ Virginia qua California thăm gia đình anh ta. Anh ta hiện là kiến trúc sư, ở Sacramento, tiểu bang California. Nếu không nhắc, tôi nhìn không ra vì trông anh ta bậm trợn hơn thời còn đi học, lúc đó là học trò, đẹp trai, "bạch diện thư sinh".
             
Dưới tiểu học đứa nào cũng ham chơi, nên trừ bọn con gái và vài đứa con nhà gia giáo, đa số, giỏi lắm thuộc lõm bõm. Cho nên giờ trả bài là giờ đau tim của bọn nhác học. Hễ thầy giở sổ điểm ra là không khí căng thẳng bao trùm cả lớp. Ðứa thuộc bài thì nhơn nhơn chường mặt cho thầy thấy, hi vọng thầy kêu lên kiếm điểm. Ðứa không thuộc tìm cách núp sau lưng bạn, cứ tưởng mình không thấy thầy tất thầy cũng không thấy mình. Nhưng trông bộ dạng núp lén, cổ rụt, lưng khòm, cố sao cho mình càng nhỏ lại càng tốt, thầy biết ngay. Bị kêu lên thì mặt mũi xanh lè, ấp a ấp úng, nhớ được câu đầu là cùng, vậy là thầy cho hột vịt (không điểm) lại bắt đứng sang bên cạnh chờ thầy phạt chứ chưa được về chỗ ngồi. Sau khi xong vụ trả bài thầy mới quay sang làm việc với mấy cậu ăn hột vịt lộn. Thầy Cam có lối phạt học trò rất kỳ lạ, xưa nay chưa ai làm. Thầy bắt học trò nhảy cóc trong cái sân vuông nhỏ ở giữa các lớp, thành thử các lớp khác cũng thấy, cái đó mới đáng mắc cỡ.  Mấy đứa bị phạt ngồi chồm hổm một dọc, hai tay chống xuống đất và nhảy như con cóc. Cả đàn cóc cứ thế nhảy vòng quanh sân nhỏ từ năm đến mười vòng. Bấy giờ lớp tôi có anh chàng, tên Ba Ðực, không biết mấy tuổi mà to lớn như người lớn, anh ta nhảy cóc rất tài, chỉ phóc mấy cái là xong một vòng. Anh ta qua mặt bọn nhóc, giống như đua xe hơi mà có một chiếc xe vận tải chạy với tốc độ gấp đôi các xe khác, cứ vù vù qua mặt đối thủ. Khoảng mươi phút là anh ta thi hành xong, đứng lên mặt vẫn không đổi sắc trong khi bọn kia cứ lệch bệch mãi vẫn chưa xong. Nhảy vài vòng đã có đứa làm như bò bốn chân chứ không nhảy!
            
Thầy Cam còn một hình phạt nữa, cũng không giống ai. Thầy bắt những đứa không thuộc bài đứng thành vòng tròn, nhìn vào ót đứa đứng trước, rồi thằng đứng sau kí đầu thằng đứng trước, thằng đứng trước kí đầu thằng đứng trước mình, cứ thế, cho đến khi thầy bảo thôi mới ngưng. Vì hễ kí nhau nhẹ, thầy bắt kí mãi. Nếu đứa nào ghét thằng đứng trước mình thì nghiến răng nện một phát vào đầu hắn, hắn không quay ra sau trả thù được nên cũng ra sức nện thằng trước mặt dù thực tâm đâu có oán thù gì nhau. Vậy là thằng bị kí đau lại chơi thằng đứng trước một phát xính vính, cứ thế, giáp một vòng, đến ngay thằng gây ra chuyện máu lửa. Ðúng là vòng "luân hồi"! 
            
Thời tiểu học, tụi tôi học chung với bọn con gái. Con gái thích dấm dúi nhau ăn quà trong lớp. Ô mai, kẹo, bánh...Thầy Cam bắt gặp là bắt mấy cô bé đó để quà vặt trên đầu, đi mấy vòng lớp học, đứa nào làm rớt quà thì  phải đi lại từ đầu.
            
Thầy Cam rất sùng đạo Phật, thầy thường lên chùa Tỉnh Hội tụng kinh. Nhà thầy cũng có bàn thờ Phật. Giờ thủ công, thầy bắt học trò vót đũa, thầy lựa những đôi đũa đẹp đem lên chùa. Gần Tết, thầy bắt làm những cái vòng giống như vành nón, đều nhau, đứa thì làm những cây cọc nhỏ như chiếc đũa nhưng dài hơn. Thầy đem lên chùa làm cọc cho mấy chậu bông kiểng. Bông hồng, bông cúc, bông thược dược...Nghe nói, sau năm 1975, thầy ra tu ở chùa Linh Mụ và viên tịch ở đó.
            
Trường Ông Voi có thầy hiệu trưởng người Bắc di cư (năm 1954). Thầy đọc chính tả, học trò viết trật bậy cả. Rượu thầy đọc thành riệu, hươu thành hiêu...Khó nhất là dấu phết thầy đọc là phảy. Ví dụ: "Các em đi học phải ăn mặc sạch sẽ, đến trường đúng giờ" Học trò viết thành "...phải (phảy) đến trường đúng giờ". Trong trường có ông phu trường tên Cửu. Mỗi khi đến giờ ra chơi hay hết buổi học thầy hiệu trưởng kêu lên "Ông Kiểu, ông Kiểu, cho tiếng kỏng!" (đánh kẻng, gõ mạnh vào một miếng sắt lớn thay cho đánh trống) Nghe câu đó là chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, xếp sách vở. Cô thầy coi bộ cũng vui lây, nhưng làm nghiêm.
            
Thời tôi học tiểu học còn có thầy hiệu trưởng trường nam tiễu học, tức trường Chùa Bà Mụ, sau dời xuống gần trường trung học Trần Quí Cáp. Thầy hiệu trưởng tên Lê Tự Tháo. Lúc đó còn Ðệ Nhất Cộng Hòa, học trò phải hát bài Suy Tôn Ngô TổngThống, có câu "Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm" Bọn học trò đến câu đó hát "Học sinh trường nam nhớ ơn ông Lê Tự Tháo. Ông Lê Tự Tháo, Ông Lê Tự Tháo muôn năm" Tôi không học trường đó nhưng nghe bọn bạn thường hát nghêu ngao như vậy, bây giờ vẫn còn nhớ. 

Một buổi sáng chủ nhật, có đứa phải đến nhà thầy Tháo để nộp sổ điểm hay làm gì đấy. Hắn rủ, không đứa nào dám đi theo. Tôi không học trường thầy Tháo nên tôi đâu ngán. Tôi theo hắn đến nhà thầy. Thấy tôi, thầy chỉ mặt bảo "Mi đi học, ít ra cũng đứng hạng mười trở lên" Khi học tiểu học thì tôi có đứng nhất lớp thật, lãnh phần thưởng nữa, nhưng lên trung học, vì "đút vở bụi tre" (trốn học), nhiều hơn số giờ qui định nên có năm phải thi lên lớp. Thời trung học, tôi cũng được cô Tường Loan, dạy Anh Văn, phê trong học bạ là "Rất thông minh nhưng không chăm", chỉ vì tôi có tài đoán mò rất hay. Khi cô viết một câu tiếng Anh lên bảng, bắt thằng Nguyễn Ngọc Cảnh, học giỏi nhất lớp, đứng lên dịch, nếu hắn dịch không thông, cô kêu "Châu, dịch thử coi?" Vậy là tôi nói trúng ngay chóc ý của câu đó. Chỉ cần hỏi bạn ngồi bên cạnh nghĩa vài chữ trong câu là tôi hiểu ngay. 

Lên trung học, chỉ năm đệ nhị (lớp mười một) và năm đệ nhất (lớp mười hai), gần đến ngày thi, tôi mới học bài, còn ngày thường, tôi chẳng bao giờ để mắt đến bài vở, đến lớp, lúc trả bài, tôi giở sách, vở ra, học lem nhem để nhớ vài câu đầu, phòng khi bị gọi lên trả bài thì nói đại khái, thầy cho vài ba điểm lấy lệ. Còn đối với nữ giáo sư, tôi đâu ngán, đến giờ trả bài, tôi chỉ việc ngồi thụp xuống, nấp dưới bàn, khi cô gọi tên tôi, các bạn sẽ thưa "Châu nghỉ học!" Chờ khi xong mục trả bài tôi lại  ngồi lên. Cô có hỏi "Nãy giờ ở đâu?" thì tôi thưa "Em không thuộc bài, em trốn dưới bàn". Cô có cho hột vịt, tôi cũng chẳng lấy làm xấu hổ. Tôi không còn bố để xem học bạ của con cái như các bạn khác nên tôi là đứa học trò sướng nhất thế gian!

Trở lại thời tiểu học, tôi còn có một thằng bạn nữa, nó tên Nguyễn Ngọc Thích. Năm lớp nhất, ba nó là lính nhảy dù tử trận, nhà đông anh em, nó là con lớn phải nghỉ học để đi bán cà rem. Nó chở hai bên xe đạp hai bình cà rem, sáng sớm lên tiệm nước đá Thái Sơn lãnh cà rem, đạp về vùng quê bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có những buổi chiều, tôi lên nhà nó chơi, nó đem cà rem ế ra cho tôi ăn. Nó nhỏ mà rất "hoang", tụi tôi kém nó vài tuổi nhưng coi nó như đại huynh. Nó là tên đầu têu làm ô nhiễm tâm hồn trong trắng của những thằng còn học lớp nhất như tụi tôi. Nghĩa là nó dạy tụi tôi "mê gái" và "chọc gái"! Nó tả cô con gái tiệm nước đá Thái Sơn, tên cô Kín, người Tàu, rất đẹp. Tụi tôi đến đấy, thấy quả thật cô đẹp như Lý Lệ Hoa, nữ tài tử Hồng Kông, trong phim "Ánh Sáng Ðô Thành". Từ đó hễ có đồng nào là chúng tôi rủ nhau đến tiệm Thái Sơn (là nơi thằng Thích đến lãnh kem đi bán mỗi buổi sáng), chờ cô Kín ra trông hàng là vào, cả bọn, có khi chỉ mua một cây kem thôi, để được ngắm người đẹp. Thằng Thích còn chỉ cho chúng tôi một cô khác, tên là cô Mỵ, cũng người Tàu, con chủ tiệm tạp hóa Vạn Hòa, trên đường Lê Lợi, gần tiệm La Thành Ký, cũng rất đẹp. Cô Mỵ, lúc bấy giờ khoảng mười lăm, mười sáu, nổi tiếng vì gương mặt đẹp mê hồn và có bộ ngực đẹp, tụi tôi còn nhỏ, trên mười tuổi mà cũng biết là rất "hấp dẫn". Ngực cô không to nhưng dựng đứng lên như mụt măng. Sau nầy, ở xứ Mỹ, gặp lại mấy ông đồng hương Hội An, ông nào cũng nhắc đến cô Mỵ có bộ ngực đẹp. Thằng Thích rủ tụi tôi, buổi tối đến trước tiệm Vạn Hòa, ngồi xuống lề đường, phía đối diện, chờ cô Mỵ ra trông hàng để ngắm. Một lần nó  bảo cả bọn theo nó vô tiệm để mua hàng. Bốn năm đứa chúng tôi theo nó một cách long trọng, giống như khách sộp. Nó đi trước, đến bảo cô Mỵ "Bán cho tôi một sợi giây" Cô ta hỏi "Giây đờn hả?" Nó nói "Dây lưng!" rồi phóng chạy mất tiêu, trong lúc tụi tôi đứng ngớ ra một lúc mới chen nhau chạy "thoát thân". Từ đó tôi không dám đi ngang qua tiệm Vạn Hòa. Mấy tháng sau, tôi đi thử, liếc vào tiệm, thấy cô Mỵ không thèm nhìn tôi, tôi mới yên trí là cô ta đã quên tôi rồi. 

Chúng tôi, là những đứa trẻ con nhà nghèo, mồ côi hoặc cha mẹ bận rộn vì sinh kế không có thì giờ để mắt đến con cái, thường tụ tập thành một lũ nhóc, ngày nghỉ thì ra ngoại ô bắn chim, tát cá, tối về đi rểu trên các đường phố, mỏi chân thì ra bờ sông ngồi hóng gió, tán phét đến khuya mới về, lăn ra ngủ, chẳng bài vở bao giờ.  

Lúc nhỏ, khoảng trên mười tuổi mà tôi còn nhớ những người và sự việc kỳ lạ, đối với tôi. Trước chợ Hội An có chùa Ông, trong thờ tượng Quan Công, mặt đỏ, hai bên có hai tượng đứng hầu là tượng Châu Thương, ốm nhách, tướng dữ dằn và tượng Quan Bình hiền lành hơn. Tôi rất sợ mấy tượng nầy, không dám nhìn, chỉ ngày lễ của người Tàu, đông người tôi mới dám vào ngắm mấy con ngựa và đao kiếm bằng gỗ để dưới ngai thờ. Trước chùa có mái hiên, là chỗ hành nghề của mấy ông thầy bói. Họ mang kiếng đen, ốm, vẻ mặt buồn bả, có lẽ ế khách và đói bụng. Ngày lễ, người ta xin xăm, đem ra đọc thầy nghe, nhờ thầy đoán, lúc đó thầy mới có tiền. Thỉnh thoảng cũng có người đến hỏi thầy về chuyện gia đạo. Tôi với mấy thằng bạn "mất dạy" đứng phía xa kêu lên "Cầu gia đạo, cạo da đầu" mà không sợ vì biết các thầy không làm gì được chúng tôi. Nhưng hễ đi một mình, tôi làm bộ hiền lành, lân la đứng nhìn thầy gieo quẻ. Thầy thảy hai đồng xu xuống một cái dĩa, nghe lách cách nho nhỏ, rồi thầy mò mẫm tìm hai đồng xu trong dĩa, lấy ngón tay miết trên đồng xu để biết chẵn, lẻ. Thầy lại gieo nữa, cứ thế vài ba lần thầy mới phán cho thân chủ quẻ ứng ra sao. Tôi nghe thầy nói rất trôi chảy, như đã thuộc bài trước. Thầy nói chữ Nho nên chẳng ai hiểu gì cả! Nói xong thầy mới giải nghĩa với giọng khề khà nhưng nghiêm trang. Lúc đầu toàn những lời dọa dẫm khiến thân chủ sợ hãi, sau đó thầy mới bày phương cách để trừ tai họa. Thân chủ thường là các bà lớn tuổi, người quê mùa, kính cẩn nghe thầy phán. Khi năn nỉ thầy điều gì phải kèm theo tiền để thầy "cải mệnh trời" mà cứu nhân độ thế. Một lần, không hiểu "thằng nổng" (tên gọi người sáng mắt, thường là thằng nhỏ, cầm đầu gậy đi trước, người mù cầm đầu kia theo sau) đi đâu, bỏ thầy một mình. Thầy mắc tiểu, bèn lần mò theo vách chùa. Ðến chỗ góc tường, thầy tưởng là "sau hè" nên đi tiểu, đưa chim tỉnh bơ. Thầy đâu biết vách đó lại nằm trên con đường chính trước chợ Hội An, tấp nập người đi. Tôi đứng coi, thấy các cô, các bà nghiêng nón che, có lẽ không cho người khác thấy mình đang liếc nhìn chim của thầy.

Ngồi chung với các thầy có một ông ăn xin. Thực ra ông ta không xin, ai cho gì ăn nấy. Ông ta để tóc dài, quần áo tả tơi, trông giống mấy kiếm khách trong phim Nhật "Giặc Nữ Ða Tình" đang chiếu lúc bấy giờ (Rạp chiếu phim là chùa Quan Âm, sát vách chùa Ông). Ông ăn xin nầy để móng tay dài cong vòng. Ông ta ngồi im, bó gối, cú rũ, không buồn, không vui, chẳng nhìn ai. Ai thấy tội nghiệp, bỏ tiền vào người ông (trên đùi), ông ta cũng không nói tiếng nào. Nhưng đến chiều, ông ta gom tất cả tiền người ta cho, đem lên nhà bưu điện, gần Chùa Cầu, bỏ tiền đó vào thùng thư! 

Có một ông khác, cũng "tàng tàng" (khật khùng), nhưng được gia đình chăm sóc, nuôi nấng, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự đi lang thang suốt ngày trên đường phố. Ông ta cứ lặng lẽ đi, miệng lẩm bẩm tiếng Tây. Người ta bảo ông "cuồng chữ". Ông có một tật lạ khiến tôi thường đi theo sau để xem. Hễ thấy ai đi giữa đường một mình, ông ta chạy tới thật nhanh và nhảy phóc qua đầu người ta như trong phim kiếm hiệp, khiến người đó thất kinh hồn vía.

Hội An bấy giờ còn có một nhân vật nữa là bà Lợi Ðiên. Bà ta còn trẻ, khoảng trên ba mươi. Bà ta cầm một cành cây, vừa đi vừa lầu bầu một mình, đôi khi nổi điên lên, bà ta rượt đánh người đi đường, nhất là đàn ông, miệng chửi mắng, rồi đứng khóc "Sao anh bỏ em? Em nhớ anh!..." Người ta bảo bà ta thất tình. Nghe nói có một cậu học trò nghèo, cha mẹ gả bà cho cậu ta còn nuôi cho ăn học, sau gửi cậu qua Pháp học tiếp. Khi thành tài cậu ta ở luôn bên Pháp, lấy vợ Pháp, không chịu về Việt Nam nữa, bà ta thất tình thành người điên. Ít lâu sau bà ta được đem gửi ra một căn nhà hoang gần chùa Chúc Thánh, vùng quê, cách Hội An vài cây số, để bà ta được nghe tiếng chuông mõ mà yên tĩnh tâm thần. Thế là trong những ngày nghỉ học, chúng tôi có thêm một thú vui là ra chùa Chúc Thánh chọc ghẹo bà Lợi Ðiên. Chúng tôi đứng từ xa kêu lên "Bà Lợi Ðiên! Bà Lợi Ðiên!". Bà ta đuổi đánh. Chúng tôi vừa chạy vừa cười vui. Có khi gọi mãi mà bà ta không rượt đuổi, chúng tôi từ từ tiến đến gần hơn, miệng vẫn kêu "Bà Lợi Ðiên!" mà thần kinh rất căng thẳng. Thình lình, bà ta vùng đứng lên, cầm roi rượt đánh. Những lần như thế, chúng tôi chạy quýu chân vì quá gần lại bất ngờ. Ðến lúc đứng lại thở, người vẫn còn run vì sợ và hồi hộp.

Trong thời gian ở tại ngôi nhà hoang, bà ta có một bà già săn sóc, lo cơm nước. Thế rồi một chuyện xảy ra. Có một anh lính ba trợn nào đó, tối nào cũng đến với bà Lợi Ðiên và tỉ tê "Anh là chồng em đây. Anh về với em..." ...và bà Lợi Ðiên có chửa. Sau đó anh ta chạy làng, nghĩa là trốn biệt. 

Ngoài chuyện chọc ghẹo bà Lợi Ðiên, chúng tôi còn một thú vui nữa là vào các chùa bắn chim. Chùa là nơi an toàn nhất cho các loại chim đến làm tổ, sinh con đẻ cháu. Ở đó chúng được các chú tiểu, nhà sư bảo vệ vì các vị nầy không ăn thịt. Thứ bảy, chủ nhật chúng tôi rủ nhau ra các chùa Chúc Thánh, Trúc Lâm, Long Tuyền, chui hàng rào vào chùa, rình bắn chim, nếu bắt gặp ổ chim, chúng tôi cũng bắt luôn chim non đem vặt lông thui sơ sài, đến chiều đem về chiên lên ăn với cơm nguội. Bắn chim trong vườn chùa không phải dễ. Chúng tôi lặng lẽ chui vào bụi rậm núp, thấy chim đậu gần, trên cành cây hay trên mái chùa, thì dùng giàn thun bắn đạn đất sét phơi khô. Nghe tiếng lóc cóc của mấy viên đạn lăn trên mái chùa là các chú tiểu cầm gậy rượt chạy trối chết. Các chú nầy lớn hơn tụi tôi nên đuổi rất nhanh. Chúng tôi chạy muốn tắt thở mà vẫn nghe tiếng chân thình thịch ngay sau lưng. Các chú rượt chứ không bắt hay đánh tụi tôi bao giờ, hễ càng gần, các chú giậm chân càng mạnh, quay lại thì thấy "ông thầy chùa" ngay sau lưng, lại cong cổ chạy. Khi biết chúng tôi sắp đứt hơi, các chú mới dừng lại. Chúng tôi chạy tiếp một quãng rất xa nữa mới dám nằm lăn ra đất mà thở, mấy con chim bắt, bắn được rớt mất lúc nào không hay. Vì biết các chú đó chẳng ăn thịt chim nên chúng tôi chờ khi các chú vô chùa, bèn quay lại con đường mà mình đã chạy, tìm lại mấy con chim, thường là đủ cả. 

Có chạy thất thần khi bị rượt bởi các chú tiểu, hoặc bởi bà Lợi Ðiên, lúc quay về mới thấy vui. Ấy vậy mà khi chùa có vía Phật hay cúng lễ gì đấy là chúng tôi giả bộ con nhà gia giáo, vào chùa với vẻ hiền lành, mộ đạo lắm. Mục đích để được ăn cơm chay của chùa. Ðến giờ trưa, chùa dọn cơm chay ra, ai muốn ăn cứ ngồi vô. Mấy dãy bàn, người ngồi đầy, cứ việc chen vô cầm đũa, lấy cái tô. Kiểm (các thứ rau, quả nấu chung), đậu, tương chao... cho vào tô. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thèm cơm chay của chùa. Tôi đi hầu như khắp miền Nam, tiệm nào bán cơm chay tôi đều ăn, vậy mà chẳng nơi nào ngon bằng cơm chay các chùa ở Hội An.

Ở Hội An, chúng tôi còn có một thú vui nữa là lội nước lụt. Sau nầy lớn lên, tôi làm việc ở Huế, năm nào Huế cũng có lụt, nước ngập các con đường trong thành phố mà không thấy cô cậu nào lội nước lụt cả. Có lẽ ở Huế, mùa đông quá lạnh, trời thường u ám. Hội An của tôi, tuy lụt lội nhưng đôi khi có nắng, không lạnh lắm.

Hàng năm, đến mùa đông, mưa dầm là chúng tôi cầu cho nước lụt. Chúng tôi có bao giờ nghĩ đến nỗi khổ của người dân thôn quê khi bị lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, hoa màu và gây chết chóc cho nhiều người? Bọn trẻ ở Mỹ chỉ cần xem TV là biết ngày mai có bão tuyết, học trò được nghỉ học. Tụi tôi, thời đó, dù có lụt thật cũng phải đến trường, vào lớp điểm danh và ngồi chờ lệnh của ty học chánh. Lúc đó thì chẳng bài vở gì cả. Thầy cô với bọn đệ tử cứ ngóng cổ về phía văn phòng, đến khi nghe thầy giám thị cho về là cả trường reo hò ầm ỹ. Ra khỏi lớp là chúng tôi nhét ngay sách, vở vào lưng quần, trước bụng, vì về nhà thì cha mẹ thường cấm không cho lội nước lụt, sợ nguy hiểm vì có lần, một cậu ngồi thuyền, đàn hát với chúng bạn thì thuyền lật úp, cậu ta không biết bơi nên chết đuối. Tai nạn chúng tôi thường gặp là khi lội nước lụt, bước hụt chân từ lề đường xuống lòng đường, gặp lỗ cống thì nước ngập đến ngực, thế là bài vở ướt mem. Ðường ngập nước chúng tôi thường lội là đường Nguyễn Thái Học, nước không chảy xiết lại có thuyền bè chở người đi chơi hoặc bán hàng rong. Người đứng trên lầu thòng cái giỏ có tiền xuống, người bán lấy tiền, bỏ quà vào giỏ, người mua kéo lên.

Tôi có thằng bạn tên Trần Ngọc Lợi kể chuyện nước lụt rất hay. Nhà nó trên đường Bạch Ðằng, sát bờ sông là nơi nước rất sâu và chảy xiết, không thuyền bè nào dám ra đấy nên chuyện nó kể, không thể kiểm chứng được. Nó kể về chuyện "Ngọc Rít" như sau. "Hôm nước lụt ngập tầng dưới, cả nhà tao phải lên lầu nhưng vẫn để cửa trước mở ra cho cá vào tránh nước lụt. Cá nhiều lắm, tao ngồi ở cầu thang câu một lúc là đủ kho, nấu canh cho cả nhà. Một buổi sáng tao cầm cần câu xuống lầu thì thấy một con rít (rết), to bằng cái đòn gánh, khoanh tròn trên tam cấp. Tao kêu ba tao, ba tao lấy thúng úp lên cho nó khỏi chạy rồi lấy cái thùng sắt bự, bỏ con rít vô. Tụi bây biết sao không? Ban đêm, cái thùng sáng trưng như thắp đèn điện trong đó. Ba tao bảo con rít đó đã tu thành chánh quả rồi nên có ngọc. Ngọc rít quí lắm. Ai có ngọc rít thì nghe được tiếng loài vật. Tiếng chim, tiếng chó...tiếng con kiến nhỏ chút xíu mà cũng nghe được". Tôi sốt ruột hỏi "Ba mi có giết con rít mà lấy ngọc không?" "Giết nó chết thì ngọc cũng tiêu luôn" "Vậy phải làm sao?" "Ba tao lấy một cái rổ thưa, đặt trên một cái lu đựng đầy nước. Trong rổ, ba tao bỏ một con gà đã làm thịt, rồi bỏ con rít vào rổ, loài rít rất thích ăn thịt gà, ngửi thấy mùi thịt gà là con rít nhả viên ngọc trong miệng ra để ăn thịt gà. Viên ngọc nhỏ lọt qua rổ, rớt xuống nước, chìm xuống đáy lu, vậy là con rít chịu thua, không có cách chi lấy lại viên ngọc được, lúc đó ba tao mới giết con rít và lấy viên ngọc" "Sao không thả nó đi? Giết nó chết, tội nghiệp" "Nó mà còn sống, nó đi tìm viên ngọc. Nó cắn một phát là xùi bọt mép, chớ giỡn chơi!" "Rồi ba mi có nghe được loài vật nói chuyện với nhau không?" "Trận lụt vừa rồi, ba tao chỉ bầy kiến đang mang lương thực và trứng kiến lên lầu, ba tao bảo rằng tụi kiến nói với nhau là sắp bão lụt, phải mau mau dọn lên lầu, nếu không thì sẽ bị ngập chết hết. Mới lụt có mấy ngày, ba tao bảo, chuẩn bị dọn xuống vì bọn kiến nói là hai bữa nữa nước sẽ rút"

Chuyện thằng Lợi kể là vào thời chúng tôi còn tiểu học, lớn lên chúng tôi biết là nó xem chuyện cổ tích, tranh tàu mà phịa ra. Lúc còn nhỏ, bất cứ chuyện cổ tích nào cũng khiến cho trí tưởng tượng chúng tôi bay bổng đến những thế giới thần tiên và chúng tôi tin là có thật.

Thằng Trần Ngọc Lợi nầy đã làm một chuyện động trời. Ðó là năm học đệ tứ, (khoảng mười  lăm, mười sáu tuổi) nó đã tò tí với một cô bạn học cùng lớp tên Ngô thị Xuân Lan khiến cô mang bầu. Gia đình nó phải đi cưới cô ta cho nó. Cô Lan, vợ nó ở nhà nhưng nó vẫn tiếp tục đi học, cũng hoang nghịch, phá làng phá xóm y như tụi nhóc chúng tôi. Năm 1982, tôi đi tù về, có đến cư xá Phạm Thế Hiển ở Sài Gòn thăm vợ chồng nó. Nó có bốn năm đứa con. Thằng con đầu lúc đó đã trên hai mươi tuổi, cao to hơn bố. Thằng Trần Ngọc Lợi chơi thân với tôi, chuyện gì nó cũng kể cho tôi nghe. Nó kể, một lần, vợ nó chuyển bụng, phải đưa vô nhà hộ sinh, người nhà sai nó đi mua cà phê về cho vợ, nó cầm cái ly, đi rảo các đường phố. Lúc đó đã khuya, chẳng thấy người mà toàn chó chạy rông ngoài đường, thấy người là sủa. Nó tức mình, đứng lại múa võ, rượt đuổi nhau với bọn chó (nó là học trò của thầy võ Năm Sửu), khi về nhà hộ sinh, chẳng có cà phê mà vợ nó đã sinh con từ lúc nào rồi!

Thời còn nhỏ, khoảng đệ thất (lớp bảy), mà nay tôi vẫn còn nhớ chuyện con chó của ông chủ tiệm thuốc tây Ðức Phú, trên đường Lê Lợi. Ông ta tên Phan Huy Anh, hình như anh em gì đó với cựu thủ tướng Phan Huy Quát? Ông Ðức Phú có nuôi một con chó bẹt-rê (berger), to như con bò con, lại rất dữ, ai vào mua thuốc tây, nó bị cột sau nhà mà tiếng sủa "gầu gầu" của nó cũng khiến khách hàng thất kinh. Ai cũng phàn nàn, riết rồi tiệm ế khách. Một lần, có ông nhà quê đi ngang qua tiệm, con chó sau nhà sủa ra, ông ta đứng lại, dòm vô nhà và nói "Mi có giỏi ra đây. Tao bắt làm thịt cho rồi" Ông ta cứ đứng nói như thế mãi khiến ông Ðức Phú giận quá mới nói "Ông bắt được thì tôi cho ông. Nhưng nó cắn thì ráng chịu. Ông dám không?" Ông nhà quê trả lời "Khó chi, mai tôi đem cái bao bố ra đây, ông thả chó ra, tôi bắt về làm thịt ăn chơi". 

Tưởng nói giỡn, không ngờ hôm sau ông nhà quê đến với anh con trai và cái bao lớn, đến đòi bắt chó. Ông Ðức Phú bèn mở dây xích, thả con bẹt-rê ra. Con chó từ sau nhà phóng ra, nhào lên cắn cổ ông nhà quê. Ông ta khóa cổ con chó cứng ngắt, anh con trai đứng bên cạnh, mở cái bao ra, bê  đít con chó vào bao, cột miệng bao lại. Anh ta vác con chó ra bờ sông, bỏ xuống ghe. Người lớn, trẻ con chạy theo xem cho đến khi chiếc ghe khuất dạng mà vẫn còn tấm tắt khen ông nhà quê giỏi võ.

Ông Ðức Phú hơi nặng tai, nghĩa là bị bịnh điếc nhẹ. Ông có hai người con trai. Lúc tôi học tiểu học thì hai anh nầy đã lên trung học rồi. Người anh lớn rất đàng hoàng, người em thì lười biếng lại rất hoang, vì vậy tối nào ông Ðức Phú cũng dò bài anh ta. Ông gọi anh ta ra phòng khách, ngồi đối diện với ông, còn ông thì cầm quyển vở có bài học ngày mai anh ta phải trả bài ở lớp và bắt anh ta đọc xem có thuộc chưa? Lúc đó người anh lén núp sau cột nhà sau lưng ông, nhìn vào bài và đọc nho nhỏ cho người em nhắc lại rất to. Vậy là lần nào ông bố cũng thấy con thuộc bài mà đến trường cứ lãnh hột vịt?! Anh ta còn ăn cắp tiền nữa nên ông Ðức Phú gắn chuông điện ở ngăn kéo đựng tiền (bán thuốc tây), anh ta chỉ việc rút cầu chì, tắt điện là lấy tiền mà không ai biết. Anh con trai nầy hoang đến nổi, ở lớp, khi thầy  đưa tiền bảo anh ra nhà ông phu trường mua nước ngọt vào cho thầy thì anh ta uống bớt rồi đổ nước lạnh vào cho đầy ly, đem vô cho thầy uống. Lần nào thầy cũng lắc đầu, chê nước ngọt lạt thếch! Ở trường, thầy nào cũng la trời "Thằng con anh Ðức Phú! Răng mi hoang mà làm biếng học!"

Hội An còn có một ông cũng nổi tiếng. Ðó là ông chủ tiệm buôn Phi Anh. Tiệm buôn Phi Anh và tiệm buôn Phi Yến được coi là hai tiệm buôn lớn nhất Hội An. Ông chủ hiệu buôn Phi Anh còn có một tiệm buôn nữa là tiệm buôn Trần Thị Nết, cũng lớn và đông khách. Ông chủ tiệm Phi Anh rất đông con, đến mấy chục người, nhiều đến độ ông không nhớ hết tên các con. Ngày tết, các con quây quần chúc tết, ông lì xì mừng tuổi cho từng đứa, ông thường hỏi, nhất là các cô cậu bé "Con tên chi?". Nghe nói, những chiếc giường ngủ, đặt trên lầu cho các con của ông ta, sắp thành những dãy dài như trong bịnh viện. 

Thời bấy giờ, khoảng thập niên năm mươi, ai có chiếc xe đạp là đã sang trọng lắm rồi, coi như xa xí phẩm, vì thành phố rất nhỏ, đi bộ mươi phút là đâu cũng tới, vậy mà ông Phi Anh lại có một chiếc Mô-bi-lết (Mobilette) mới tinh, là xe gắn máy hai bánh. Loại xe nầy muốn đi đâu phải đạp như xe đạp một quãng ngắn, nó nổ máy, chạy rồi thì khỏi phải đạp nữa. Có một lần, vào buổi tối, trước tiệm buôn Trần Thị Nết, thấy ông đạp mãi mà chiếc mô bi lết nầy không nổ máy, tôi giúp ông bằng cách phụ đẩy phía sau xe, tuy ông không yêu cầu. Tôi đẩy, ông đạp. Cả hai toát mồ hôi xe mới chịu nổ máy thì cũng vừa đến nhà (tiệm Phi Anh). Chiếc mô bi lết nầy mới nhưng khó tính, khi ông cỡi nó ra khỏi nhà, nó chạy ngon lành, nhưng nếu từ tiệm buôn Trần thị Nết trở về, nó thường hay "làm thinh" không chịu nổ máy!
 
Tiệm buôn Trần Thị Nết có gắn nút chuông điện ở cửa. Hơi chếch về bên kia đường là nhà của thầy Tống Khuyến cũng có gắn chuông điện. Mỗi buổi tối, mấy đứa mất dạy tụi tôi thường lang thang trên các đường phố cho đến khi các nhà đều đóng cửa mới kéo nhau đến trước hai căn nhà đó, dùng cục nhựa đường (hắc ín) gắn lên nút chuông điện, đè mạnh cho chuông trong nhà kêu mãi rồi chạy núp ở một nơi xa, chờ người trong nhà ra mở cửa, dòm quanh, không thấy ai cả! Một lần, có cô bé giúp việc nhà thầy Tống Khuyến, ra mở cửa, không thấy ai bấm mà chuông lại kêu? Cô la thất thanh "Ma! Ma!", bỏ chạy vô nhà. Có lẽ cô mới đến nên không biết.

Ðối với các gia đình danh giá ở Hội An, chúng tôi không đủ tư cách để đánh bạn với con cái của họ. Vả lại những thú vui của chúng tôi, chẳng cô cậu nào dám tham dự đểâ bị mang tiếng là con nhà vô giáo dục. Thành thử, những chuyện tôi kể về các gia đình danh giá đó đều do tôi nghe từ người khác.

Nói đến Hội An là người ta nghĩ đến Chùa Cầu. Ðó là biểu hiệu của Hội An cũng như chợ Bến Thành là biểu hiệu của Sài Gòn vậy. Lịch sử Chùa Cầu, sách vở có nói nhiều, nhưng những người không đọc sách và bọn nhỏ tụi tôi thì có một lịch sử khác. Rằng bên Nhật thường bị động đất, nhà sụp, người chết, năm nào cũng xảy ra. Thầy địa lý Nhật bảo rằng, động đất là tại vì con cù (rồng đất) thường quẫy đuôi. Muốn cho nó khỏi quẫy đuôi, phải ếm cái đầu, không cho cục cựa. Mà cái đầu nó lại nằm tại Hội An trong khi cái đuôi lại nằm bên Nhật! Mấy ông phù thủy Nhật đến Việt Nam xây cái chùa trên đầu con rồng, còn ếm thêm một cây gươm dưới đất cho con rồng hết đường cục cựa. Vậy là bên Nhật không còn động đất nữa. Chúng tôi tin lắm. (Sự thật, ngôi chùa nhỏ bên cạnh cầu là do người Tàu xây năm 1653, thờ Bắc Ðế Chân Võ) Thế nên, thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau xuống lạch nước, dưới Chùa Cầu lấy cây thọt khắp nơi, hi vọng thấy được lưỡi gươm. Nhưng thọt mãi, chỉ thấy rác rến hôi thối, gớm ghiếc!

Lớn lên, tôi hết tin chuyện con cù, nhưng Chùa Cầu giúp tôi một dịp được một đứa con gái ôm. Số là một buổi tối, tôi đi lang thang gần đến Chùa Cầu thì thấy một cô bé cứ đứng thập thò chỗ trụ điện mà không dám qua cầu. Khi tôi đi đến thì cô ta đi theo sau lưng. Trong cầu tối lù mù như động ma lại thêm mấy cây nhang khi mờ khi tỏ trước tượng mấy con khỉ, con chó, càng thêm rùng rợn. Khi đến giữa cầu, tôi dừng lại và kêu lên "Ma kìa!" Vậy là cô ta nhảy tới ôm tôi cứng ngắt. Tôi cũng ôm lại cô để dìu cô qua cầu. Khi ra khỏi cầu cô bỏ chạy mất. Lần đầu trong đời, được một đứa con gái ôm, tôi về khoe tùm lum với tụi bạn, đứa nào cũng suýt soa rằng tôi gặp hên. Tôi không biết mặt mũi cô bé đó ra sao, nhưng vẫn còn nhớ đến bây giờ.  

Bạn nào, thời thơ ấu cũng có rất nhiều kỷ niệm về ngày tết. Thức canh nồi bánh chưng chờ đón giao thừa, đốt pháo, áo quần mới, tiền lì xì mừng tuổi, rồi cả gia đình quây quần đánh bài, cắn hạt dưa, ăn ngon, thịt mỡ, dưa hành...đủ thứ. Tôi thì chẳng bao giờ có những thứ đó. Nhà tôi nghèo, ngày tết chỉ được ăn đồ cúng mỗi ngày từ trên bàn thờ dọn xuống. Chẳng ai lì xì mừng tuổi tôi cả, vì nhà giàu họ mới lì xì cho nhau, coi như cho qua cho lại, huề vốn, hay ít ra đó là cách gây cảm tình để nhờ vả sau nầy. Áo quần thì tôi được một bộ đồ mới, may để mặc đi học. Mỗi năm chỉ một bộ duy nhất. Tứ thời bát tiết chỉ một bộ đồ mới đó với vài bộ cũ từ năm ngoái, năm kia. Quần ka-ki xanh, áo vải trắng. Tôi có thằng bạn hàng xóm, mới may được cái quần Dacron (vải dệt bằng sợi hóa chất). Nó mặc vô rồi đi khoe với tụi tôi. Nó vò ống quần rồi vuốt một cái, ống thẳng lại như cũ. Tụi tôi lé mắt, trằm trồ nhưng không ước ao. Thời đó quần Dacron, áo popeline là thời trang sang trọng. Con trai không bao giờ để ý đến áo quần, chưng diện như con gái. Tôi chạy nhảy, chơi đùa rách áo quần thì lấy cơm với miếng giấy dán bên trong. Tôi thường phải tự giặt áo quần nên má tôi không biết. Có biết má tôi cũng không la tôi bao giờ. Con không cha như nhà không nóc.

Gốc gác giòng họ tôi trước đây không đến nỗi tệ.

Ông ngoại tôi là ông Xã Trang (xã trưởng Hội An). Thời Pháp thuộc, Hội An chỉ là một xã, sau lên thị xã (tỉnh lỵ Quảng Nam), hiện nay là thành phố. 

Ông nội tôi là ông Quản Ðồ (quan quản tên Phạm Ðồ), thời Pháp là xếp thương chánh (quan thuế?) của tỉnh Quảng Nam. Ông chú tôi (em ông nội tôi) làm lãnh binh, xếp xòng lính khố xanh (?) tỉnh Quảng Nam.

Năm 1945-1946, ba tôi đi kháng chiến rồi mất tích, tôi thành mồ côi, con nhà nghèo.

Tuổi trung học tôi lớn rất nhanh. Tôi còn nhớ, năm đệ ngũ, lúc sắp hàng vô lớp, tôi nhỏ nhất, được xếp đứng đầu hàng, nghỉ hè vô, tôi bị đuổi xuống cuối hàng vì cao nhất lớp (nhỏ đứng trước, lớn đứng sau). Má tôi biết tôi lớn nhanh nên dặn bác thợ may phải lên hai ba lớp gấu, nghĩa là cuối ống quần phải gấp lên vài ba lần, để ít lâu, (chỉ vài ba tháng thôi), là phải xuống gấu quần mới che được mắt cá chân tôi. Vậy mà, đến giữa năm, sau khi xuống hết gấu quần, tôi mặc vẫn cụt ngũn, giống quần Phi Thoàng! Tuy có áo quần mới nhưng tôi vẫn mặc đồ cũ để đi chơi với các bạn. Chúng nó nhà còn nghèo hơn tôi, ngày tết không có đồ mới. Bạn có về Việt Nam trong mấy ngày tết, nhất là các tỉnh lẻ, bạn sẽ thấy ngoài đường có mấy đứa trẻ, trên dưới mười tuổi, mặc quần đùi, áo đứt nút, hở rốn, có đứa ở trần, kéo nhau năm bảy đứa đi lang thang trên các đường phố nhìn thiên hạ ăn tết. Ngày xưa, tôi là một đứa trong bọn nhỏ đó. Ðó là những đứa trẻ nhà nghèo, những đứa trẻ mồ côi. Không phải nhà nghèo mà không có thú vui. Vui nhiều hơn mấy cậu con nhà gia giáo vì rất tự do, muốn làm gì thì làm, chẳng có ai la rầy. Lớn lên, khi đã có vẻ thanh niên, chúng tôi không mặc quần đùi, nhưng vẫn thả rểu với nhau ngoài đường, chứ không hề đến nhà ai. Không bao giờ tôi mặc đồ mới trong mấy ngày tết. 

Ngày tết, ở Hội An thường có các thú vui cờ bạc. Ðánh bài chòi, lắc bầu cua, đánh tài xỉu. Trong nhà thì đổ xâm hường, đánh xì lác, cách tê, tứ sắc...Tôi nhớ, lúc đó tôi còn tiểu học, trên mười tuổi, một buổi sáng, tôi lên chỗ ngã tư đường Phan Chu Trinh và Lê Lợi, xem người ta đánh bạc. Tôi thấy có một bàn tài xỉu, trước ga-ra sửa xe, quãng đường lên chùa Phật Học, người ta đứng đầy chung quanh đặt tiền, tôi cũng chen vào sát bàn tài xỉu đó để xem. Ðây là loại bàn thường thấy ở các gia đình bình dân, dùng làm bàn học, bàn ăn cơm hoặc bàn tiếp khách. Bàn thường có một cái hộc nhỏ, để vật dụng. Tôi đứng trước bàn, đối diện với người làm cái, là ông chủ ga-ra xe. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, vai tôi vừa tầm với mặt bàn, hai tay tôi khuất dưới bàn. Tôi chỉ việc hơi nghiêng người là thò tay xuống dưới bàn, lách mấy ngón tay vào kẽ hở của hộc bàn, nhón lấy tờ bạc mà chủ cái bỏ vào đấy mỗi khi "vùa tiền". Khèo được tờ nào, tôi đặt bạc tờ nấy. Ăn thì tôi đặt dồn vào, thua, tôi móc tờ bạc khác dưới bàn lên đặt tiếp. Tôi cứ thua hoài! Ông chủ cái thấy vẻ bất thường của tôi (Tiền đâu mà đặt mãi?), cứ nhìn tôi nghi ngờ. Tôi thấy không ổn, rút lui. Ông chủ cái nầy là chủ ga-ra sửa xe. Ga-ra Nam. Ông ta trên bốn mươi tuổi, người cao lớn, giọng nói ồ ề, hay  chửi thề, ai cũng ngán. 

Một lần khác cũng vào ngày tết, ông chủ ga-ra Nam không làm chủ cái mà làm nhà con, đến các bàn tài xỉu, đặt tiền. Sáng bữa đó, ông ta say rượu, cứ móc túi đặt đồng nào thua đồng nấy. Ông ta là chủ ga-ra xe nên có rất nhiều tiền. Ðặt riết, thua sạch, móc túi nào cũng trống trơn! Mọi người thấy thế, cười ồ lên. Nhà cái cũng cười khoái chí vì đã lột được ông ta. Ông ta nổi xùng, mặt đỏ gay, mắt trợn ngược, vẹt mọi người chung quanh, sấn đến, lôi ông chủ cái vất mạnh ra xa, khiến ông ta ngã lăn xuống đất. Rồi ông ta kéo hộc bàn, vơ hết tiền vào bàn tay hộ pháp, giơ lên và nói "Từ sáng đến giờ tao thua nhiều rồi" Ai nấy chưng hửng! Ông chủ cái ngồi dưới đất cũng im re. Ông ta đang say rượu, chọc ông ta nổi giận, dộng cho một phát, chắc chết! Thấy ai cũng yên lặng đứng nhìn, ông ta nói tiếp "Tao thua, tao lấy tiền lại". Cũng chẳng ai nói gì! Ông ta coi bộ bị "quê" nên nói tiếp "Tao lấy. Tao đi!" Vậy là ông ta nhét tiền vô túi, bỏ đi. Mọi người tò mò, theo sau ông ta một bầy. Ông ta quay lại trợn mắt, hét lên "Ði chỗ khác!" Ai cũng thất kinh, chạy tứ tán.

Tỉnh lẻ, rất ít phương tiện giải trí. Khoảng thập niên năm mươi (thế kỷ trước), Hội An có gánh hát bội sau chùa Ngũ Bang. Những người lớn tuổi, nhất là các bà, là khán giả thường xuyên, đêm nào cũng đi xem. Cả thành phố vài chục nghìn người mà gánh hát cứ ăn dầm nằm dề, năm nầy qua tháng khác. Tuồng hát diễn đi, diễn lại vẫn là những tuồng Tàu. Mạnh Lệ Quân, Ðơn Hùng Tín, Tam Hạ Nam Ðường, Phàn Lê Huê,Tiết Nhơn Quí Chinh Ðông, Tiết Ðinh Sơn Chinh Tây... mà khán giả đêm nào cũng đông nghẹt. Xem riết, họ thuộc lòng từng màn, từng cảnh, giống như bây giờ ta xem đi, xem lại mấy băng (DVD) ca nhạc Paris By Ninght, Asia, Vân Sơn vậy. Buổi tối thỉnh thoảng tôi đi coi hát bội với chúng bạn. Không đứa nào có tiền nên chỉ  đi "coi ké" Thông thường, khán giả có thể dẫn theo con, cháu cùng đi mà khỏi mua vé. Tụi tôi đứng hơi xa chỗ xét vé (cho người xét vé không thấy), chờ khách đi xem thì đến năn nỉ "Ông cho con đi theo "coi ké". Nghe ông!" Nếu ông ta gật đầu thì cứ níu tay ông ta khi qua cửa xét vé. Lọt qua cửa là tôi buông tay ông ta, chạy quanh tìm bạn, cũng là những đứa "coi ké", hỏi thăm "Thằng A, thằng B vô được chưa?", gặp được bạn thì mừng lắm. Chúng tôi như những con chuột nhắt, chạy lung tung, chui chỗ nầy, chỗ kia chứ ít khi chịu ngồi một chỗ (dưới đất) để xem, ngoại trừ những màn "xáp chiến" và yêu đạo hóa phép. 

Trong tuồng hát, khi yêu đạo hóa phép thì niệm thần chú "Khẩu mật niệm chân ngôn...Hô biến!" Tức thì đèn đóm tắt hết, tối thui, trên sân khấu hiện ra con rồng, lưỡi kiếm, hoặc cây búa...(là những lồng đèn nhỏ, có thắp đèn bên trong). Ðối phương cũng niệm thần chú và một con vật hay vũ khí nào đó bay lên nghinh chiến. Hai vật xà quần nhau một lúc, "phe ta" niệm thần chú "Hô thâu!", phép màu của yêu đạo biến mất, coi như bị phe ta tịch thu vào hồ lô. Ðèn sáng lên, yêu đạo đánh đỡ quờ quạng mấy đường rồi bỏ chạy. Chúng tôi vỗ tay, hoan hô rầm trời. Màn xáp chiến cũng hồi hộp lắm. Hai tướng giáp trụ oai phong, gươm giáo sáng ngời, đội mão có gắn hai cái lông chim trĩ, cao vòng ra sau, lưng có năm cây cờ lịnh năm màu. Trước khi giao chiến, hai bên khiêu khích nhau "Mau quì xuống lai hàng, kẻo đầu treo cổ ngựa" Ðối phương tức giận, "xừng mang trợn mắt" "Cẩu tặc chớ nhiều lời! Hãy xem ngọn đao (lưỡi kiếm) của ta đây" rồi nhào vô đánh liền. Nói rằng xáp chiến chứ vũ khí hai bên chỉ chạm nhau tượng trưng thôi. Bên đánh, bên đỡ, quay vòng, điệu bộ ăn khớp nhau rất đẹp. Quân sĩ hai phe thì chạy lòng vòng, có khi cũng đánh nhau loạn xạ, trong lúc đó trống trận nổi lên dồn dập, trống chầu cũng thúc vô, khiến chúng tôi hồi hộp, chỉ mong "kẻ địch" thua. Một lúc "bên thua" bị đối phương đạp cho một đạp, lăn mấy vòng rồi lăn tuốt vô trong màn, coi như bỏ chạy. Bên thắng trận vênh mặt lên "Chưa đổ mồ hôi ngựa, cẩu tặc đã chạy dài! Quân bây. Truyền tấn binh!". Tuồng nào cũng vậy. Hễ đánh nhau là cũng chừng đó động tác, chừng đó câu nói, đến độ chúng tôi thuộc lòng! Chúng tôi còn biết tới màn nào là các bà sẽ khóc nên chờ để nhìn các bà, các cô mếu máo chùi nước mắt. Nhất là các cô đi xem hát với các anh lính. Chúng tôi nhỏ, không ai để ý, không biết rằng chúng tôi đang rình xem anh chị làm gì. Xem hát có hai hạng, hạng vé ngồi và hạng vé đứng. Mấy anh chị nầy hay đứng chen nhau để dễ ôm nhau. Thường thì các chị hất tay anh ta ra, nhưng đến màn lâm ly, anh ta làm gì mặc kệ, chị ta chỉ chú ý xem rồi khóc ngon lành. 

Tôi còn nhớ tên mấy nghệ sĩ hát bội thời bấy giờ. Ông Ðiền, Ông Thành, Ông Tâm, bà Dần...Ban ngày, chúng tôi hay ra sau chùa Ngũ Bang, chỗ gánh hát cư ngụ để chiêm ngưỡng mấy ông, bà nghệ sĩ nầy. Trên sân khấu họ oai phong, lẫm liệt bao nhiêu thì ban ngày họ trông thật thảm não bấy nhiêu. Họ hút thuốc phiện nên ốm nhom, lờ đờ, tơi tả, vợ con nheo nhóc. Các nữ nghệ sĩ có khá hơn, ban ngày cũng còn đẹp. Bà Dần đóng vai nào cũng hay. Làm tướng (Phàn Lê Huê), mắt phượng mày ngài, múa kiếm, xáp trận rất đẹp mắt. Ðóng vai Ðiêu Thuyền, liếc mắt đưa tình, làm nũng với Lữ Bố y như thật. 
Coi ké, không phải lúc nào cũng thành công. Vì ông xét vé quen mặt, thấy là đẩy ra vì biết không phải con, cháu gì của khán giả cả. Chúng tôi có cách khác là leo tường. Một thằng to con đứng làm cái thang cho mấy đứa khác leo lên vai, trèo tường vô trong. Vô phước, vừa nhảy xuống đất lại gặp ngay ông trật tự đứng chờ sẵn. Ông ta phang cho mấy gậy vô đít, vô lưng, xách tai đau điếng, lôi ra cửa, tống cổ ra ngoài. Phải chạy vòng ra sau, báo động "Ðừng leo vô nữa. Có thằng già đứng chờ phía trong!"

Một cách coi hát bội không tiền nữa là đi "Rao bảng". Buổi chiều, vô rạp cho người ta "vẽ mặt" nhân vật chính sẽ diễn tối đó. Vài ba đứa, mặt mũi xanh đỏ, mang râu, đội mão ngồi trên một chiếc xích lô. Hai bên xích lô có hai tấm bảng giới thiệu "tuồng hát tối nay". Một thằng đánh trống, thằng kia  thì cho "chương trình", là tờ giấy ghi đêm nay sẽ hát tuồng gì. Ðứa nào "rao bảng", tối đó được vô coi hợp pháp, nghĩa là đường hoàng vô cửa. Nhiều lần tôi và vài đứa bạn bon chen, xin được rao bảng, nhưng không tranh được với mấy thằng lớn hơn, cô hồn hơn.

Ðêm diễn sắp đến màn cuối thì có "thả cửa" (trong Nam gọi là"thả giàn"), nghĩa là mở cửa, ai muốn vào coi cũng được, lúc đó, có người đứng ra giới thiệu đêm mai sẽ hát tuồng gì, sự tích ra sao.

Mấy ngày tết thường hát những tuồng có hậu, vui vẻ để khán giả gặp hên suốt năm. Nhiều người chờ "thả cửa" vào bói xem năm nay sẽ gặp được gì? Ðoàn tụ, làm giàu, thêm con cháu...? tùy theo phần kết của tuồng.

Ngoài hát bội, chúng tôi còn cách giải trí khác là mướn truyện Tàu, truyện trinh thám, truyện đường rừng, chuyện ma về đọc. Trong con hẻm Phan Chu Trinh có chỗ cho mướn truyện. Vợ chồng ông chủ nầy hút thuốc phiện, thơm ra đến ngoài đường. Một quyển sách ông ta chia ra làm nhiều tập mỏng dánh, độ năm mươi trang. Chúng tôi mướn vài tập rồi chia nhau đọc. Ðứa chi tiền thì đọc tập trước, không tiền đọc tập sau, mấy đứa kia ngồi dòm, đọc ké. Thằng Ðỗ Ðình Tân thường có tiền mướn truyện, tụi tôi chẳng có đồng nào. Bồng Hiệp Khách, Kim Hồ Ðiệp, Long Hình Quái Khách, Phi Thiên Thần Long, Người Nhạn Trắng Gặp Sáu Mạnh, Nửa Bồ Xương Khô, Nhất Chi Mai...Chúng tôi đọc hết mấy kệ sách của ông chủ hút thuốc phiện đó. Ðứa nào cũng đọc rất nhanh, chỉ nửa giờ là xong, lại chạy đi mướn về đọc tiếp, có khi ngồi ngay vệ đường, chúi đầu mà đọc, quên cả thế gian. Lúc đó không có kiếm hiệp Kim Dung, nhưng mấy chuyện "phi hành" (đi trên ngọn cây, nhảy lên mái nhà, phóng phi tiêu) cũng dư sức làm say mê bọn nhóc chúng tôi. Mỗi khi đọc hết tập truyện, chúng tôi cùng hô to "Phi hành!", vậy là đứa nào cũng cong cổ chạy theo kiểu "cà xơn" như ta đây là hiệp khách đang lướt trên ngọn cây đi "hành hiệp giang hồ". Ðôi khi lấy một khúc tre nhỏ, gài vô lưng quần đùi, lọt qua ống quần, giống như đeo kiếm, vừa chạy vừa giữ lưng quần, kẻo nó tuột xuống, lòi chim.

Một môn giải trí khác là đá banh. Thời tiểu học đá banh tơ nít (tennis), nhỏ bằng trái cam, lên trung học đá banh lớn. Lớp nầy thách đấu với lớp khác. Bọn ban C (văn chương) tụi tôi đá bết nhất, trận nào cũng thua,  nhưng cũng hăng lắm. Trước khi ra trận, mấy lớp khác chọc ghẹo "Có đem theo cái giỏ đựng trứng không?". Bọn ban B. đá dữ nhất, mỗi trận, chúng ăn ban C. chúng tôi hàng chục quả trở lên. Tôi được giao làm thủ môn. Banh xuống là tôi chắp tay năn nỉ "Ðá ra ngoài giùm tao!" Chúng thấy tội nghiệp, cười rồi hất banh ra ngoài khung thành. Vậy chứ ban C ra sân là khán giả rất đông, để xem chúng tôi đá banh thua bao nhiêu quả rồi cười vui, thích thú lắm.
Bấy giờ Hội An chúng tôi có một cầu thủ đá banh nổi tiếng "Giáo Huê Chơi Xấu". Khi tranh banh, ông ta làm bộ vung vẫy hai tay, rồi thình lình "vẫy" mạnh tay vào chim đối phương, khiến đối phương ngã lăn ra, ôm chim lăn lộn. Trọng tài không dám thổi phạt, có lẽ sợ ông ta cũng "vẫy" cho một phát thì nguy. Ðây chỉ là các trận đấu "giao hữu" giữa các đội banh của các quận, xã với nhau, nhưng giao hữu kiểu đó, mà nghe có Giáo Huê tham dự là ai cũng ngán. 

Thời trung học chúng tôi có một có một thú vui mà ít người được hưởng. Ðó là đi bắt gà trộm nấu cháo ăn. Cứ chạng vạng tối là chúng tôi đi rảo khắp các xóm, trong hẻm, dòm ngó xem mấy con gà nhà người ta ngủ chỗ nào. Thường là trên cây trong vườn hoặc sau hè. Ðến tối, thằng Trần Ngọc Lợi (đã có vợ, có con và còn đi học với chúng tôi, như đã kể ở trên) chở tôi đến bằng xe đạp, tôi leo rào vào, ôm gà ra và nó đạp như bay. Chúng tôi rất thú vị với trò nầy, vừa hồi hộp vừa sợ. Tôi bắt gà trộm rất tài. Cứ lòn tay dưới bụng con gà và nâng nhẹ lên, con gà chỉ kêu cúc cúc nho nhỏ chứ không vùng vẫy, kêu la gì cả. 

Gà lớn, gà bé, chúng tôi trộm tuốt. Tiện nhất là gà người ta mới mua về, còn nhốt trong lồng để trước cửa hoặc cột chân vào gốc cây cho gà quen chỗ. Thằng Lợi dừng xe đạp ngoài đường, tôi lẻn vào, ôm chạy ngon ơ. Bạn bè tụi tôi thời đó, hầu như đứa nào cũng được ăn cháo gà. Buổi tối, bạn nào đi ngang qua nhà thằng Công cũng được mời vào thưởng thức cháo gà.

Có bữa, đi rảo khắp nơi mà không tìm được gà để bắt trộm, tôi về trộm gà ở nhà, của má tôi nuôi, đem lại nhà thằng Công nấu cháo. Khi bị mất gà, má tôi chửi thôi, bể làng bể xóm. Chửi khơi khơi chứ có biết ai trộm gà đâu? Tối thứ bảy mất gà, sáng chủ nhật, khi cho gà ăn và điểm danh mấy con gà, thấy vắng mặt một con là má tôi chửi. Tôi đang ngủ phải vùng dậy bỏ đi.

Nhiều khi hẹn nhau đến nhà thằng Công ăn cháo gà mà tìm không ra gà thì thằng Mạc Phi Hoàng rủ tôi lên lầu nhà nó bắt bồ câu. Cứ rải ít gạo trên sân thượng trong cái thúng có cây chống, chim bước vào ăn gạo thì giật sợi giây, úp chim trong thúng. Thường chỉ bắt được bồ câu già, nấu hoài mà vẫn dai nhách, nuốt không vô! Nhưng có cháo để xì xụp với nhau là vui rồi. Thằng Công có mấy đứa em gái dễ thương, hiền lành, cứ bị nó sai xuống bếp nấu cháo gà (trộm), trong khi bọn tôi ngồi trên lầu tán phét chờ ăn. Ba thằng Công đi làm xa, chỉ có mẹ ở nhà. Bà mẹ rất hiền và thương con, tụi tôi đến làm gì mặc kệ. Nó có thằng em trai tên Bổn, sau thành nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. "Dạ Vũ" không phải là ca nhạc nhảy đầm như ở Mỹ mà có nghĩa là đêm mưa, (Ðêm Mưa Bến Tần Hoài). Thằng Công chỉ biết có một bài hát duy nhất, từ tiểu học đến trung học, là bài "Anh ơi, tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò. Trao nhau niềm vui cuối tuần..." Trong lớp, hễ giảng bài xong, còn dư mấy phút, thầy (cô) thường bảo "Ai biết hát, lên hát một bài" Vậy là tụi tôi đẩy nó lên "Công! Lên hát Anh ơi tôi lên đường phố cũ đi!" Như tôi đã kể ở một chuyện ngắn khác, thằng Công thường bị chúng tôi đem ra để chọc ghẹo những nữ giáo sư mới ra trường còn ngây thơ. Hễ cô gọi thằng Công lên trả bài là chúng tôi nhao nhao "Công ngủ rồi cô!". Có một thằng khác tên Vương Tử Hoàng, cũng chỉ một bài, hát hoài, từ tiểu học lên trung học "Ðêm dâng với ngọn triều. Dô hà dô kéo thuyền nhổ neo. Vi vu buồm lên cao. Dô hà dô sóng reo dạt dào..." Hai đứa nó hát mãi như thế khiến cả lớp đều thuộc lòng. Về sau, lớn lên, lang bạt khắp nơi, mỗi khi nghe lại những bài hát đó, đứa nào cũng nhớ Hội An, nhớ bạn bè, nhớ hai thằng ca sĩ "chỉ biết một bài duy nhất". 

Có một chuyện bắt gà trộm mà tôi vẫn nhớ mãi. Một thằng bạn khác, rủ tôi đi bắt gà trộm. Nó khoe cách của nó ngon hơn "Cứ nắm cổ gà cho thật chặt, rồi ôm chạy. Làm sao nó kêu được?" Thế rồi một lần, tôi theo nó vào một đường hẻm. Nhiệm vụ tôi là đứng ngoài rào canh chừng, nó leo rào vô sau nhà người ta. Một lúc nó đi ra, tôi không thấy nó ôm gà mà cầm vật gì trong tay, cứ đưa ra phía trước và đi hối hả ra đường, không nói tiếng nào. Tôi đi theo, ra đường chính, có ánh đèn điện. Trời đất quỉ thần ơi! Nó cầm trong tay đầu một con rắn. Mình con rắn quấn quanh cánh tay nó. Tôi hoảng kinh, đứng xa mà nhìn chứ không biết cách nào cứu nó. Thế rồi nó ngồi xuống lề đường, bắt đầu mài đầu con rắn xuống mặt đường nhựa. Thì ra có một loài rắn, là rắn rồng hay gì đấy, thường vô nhà bắt chuột hoặc ăn trộm trứng gà trong các ổ gà. Con rắn cứ nuốt nguyên cái trứng vào bụng, chỉ một lát sau, nó nhả ra cái vỏ trứng dẹp lép, tròng trắng, tròng đỏ đã tiêu hóa hết. Vì con rắn cũng đang rình, tìm cách ăn trộm trứng gà của con gà mái đang ấp, nó ngóc đầu chờ dịp thuận tiện bên cạnh con gà, vậy là thằng bạn tôi tưởng đầu rắn là đầu gà, chộp lấy. Khi biết là con rắn, nó không dám buông tay, cứ nắm chặt mà đi. Nó ngồi mài mãi, đến khi cái đầu rắn đã mòn, lậm đến thịt tay, nó vẫn mài. Tôi đến gần, thấy con rắn đã mất đầu, buông lỏng mình, mới bảo nó rằng con rắn chết rồi, nó mới ngừng tay. Bữa sau đi học, thấy tay nó bị băng vải, không viết bài được. 

Không chỉ bắt gà trộm, chúng tôi còn hái trộm trái cây trong vườn nhà người ta. Về khuya, chúng tôi đi lang thang ngoài đường, ngứa ngáy chân tay, thấy vườn nhà ai có trồng cây ăn trái, chúng tôi leo rào, vào bứt đại, vì ánh đèn đường, chỉ thấy lờ mờ, nên non già gì cũng vơ hết. Hái cho vui chứ chẳng ăn được gì. Ổi non chát ngắt, chanh chua lè...cứ vất ngay trước cổng nhà người ta, để chọc tức chơi. 

Khi chúng tôi lên đệ tam, đệ nhị (lớp mười, mười một), tâm hồn bắt đầu có vấn đề. Chúng tôi mơ mộng, vui buồn không có nguyên nhân. Ði chơi chung thì ít nói, ngang qua nhà người đẹp nào cũng dòm vào (chẳng biết để làm gì?). Thời đó, ngoài cô Kín và cô Mỵ, còn có các người đẹp khác như cô Hà thị Tuyết, cô Lê thị Thanh, cô Thục Anh, cô Liên Chuột Bạch...Ðứa yêu cô nầy, đứa yêu cô kia mà không nói ra. Chúng tôi, tuy đã lớn, đã "nhổ giò" (lớn nhanh), vỡ giọng (ồ ề) nhưng vẫn còn "gà tồ" (ngu ngơ). Bọn con gái cùng tuổi khôn hơn, tinh ý hơn. Thấy thằng con trai nhìn mình mà mặt cứ thộn ra, chân tay luống cuống là biết hắn ta đã bị hớp hồn, nên các cô (cũng là chỗ quen biết) thường tặng cho một nụ cười. Thế là anh chàng sướng mê. Từ đấy chàng ta trồng cây si cô nàng, gọi là yêu thầm hay yêu đơn phương cũng vậy. Yêu đơn phương bao giờ cũng nhiều mơ mộng nên thường làm thơ, gửi đăng báo, hi vọng người đẹp biết đến "thi sĩ", nhưng thơ dở quá, chẳng báo nào đăng, vậy là thưởng thức một mình chứ không dám cho ai biết, sợ quê. Có cậu còn viết thư tình gửi người đẹp. Ðây là màn phiêu lưu rất nhiều nguy hiểm. Lá thư sẽ được người đẹp chuyền cho người khác đọc và bình luận. Thành phố nhỏ, học trò đều biết nhau, vậy là anh chàng thành "nổi tiếng".

Tuổi đó, chúng tôi còn con nít nhưng lại muốn làm người lớn. Khoảng đầu thập niên 1960, có cô Thanh Thúy hát nhạc của Trúc Phương hay vô cùng. Bên hông ty bưu điện Hội An, trên con đường đâm ra bờ sông, có quán cà phê của cô Phượng, tụi tôi đi ngang qua, hễ nghe bản "Nửa Ðêm Ngoài Phố" là ngồi xuống lề đường phía đối diện quán cà phê, lắng nghe. Thành phố Hội An, buổi tối vắng người, đường hẹp như những con hẻm, đèn vàng hiu hắt, nghe bản "Nửa Ðêm Ngoài Phố", thấy như tâm sự của chính mình trong đó. 

Một lần, thấy ngồi lề đường nghe nhạc không đúng điệu, chúng tôi góp tiền, vào quán, gọi mỗi đứa một ly cà phê đen, ngồi lắng nghe, vẻ đăm chiêu, suy tư ghê lắm, (làm ra vẻ người lớn vậy thôi, chứ biết suy tư gì đâu!), nhưng tối đó, về nhà, đứa nào cũng thức "trợn trắng con mắt". Cà phê đắng ngắt, phải ráng uống, uống vô mất ngủ.

Tôi vì tham gia "ngồi quán uống cà phê nghe nhạc" mà tiêu mất tiền má tôi cho để hớt tóc. Thấy tóc tôi quá dài, má tôi lại cho tiền mà không la mắng. Từ đó, má tôi biết phải cho hai lần tiền tôi mới hớt tóc một lần, mà tôi lại thích để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ. Tóc tôi dài đến độ, có lần, trường tổ chức trại hè Mỹ Khê, Ðà Nẵng, tôi được đi, khi tập trung trước sân trường để lên xe, thầy hiệu trưởng Hoàng Trung gọi tôi đến, bắt giở mũ ra, thấy tóc quá dài, bèn móc túi cho tiền, bảo đi hớt tóc ngay, nếu không sẽ không cho đi.

Kể chuyện Phố Hội có thể chấm dứt sau khi tôi thi xong tú tài, rời thành phố. Nhưng khi tôi thi tú tài hai năm 1964, cũng có vài chuyện vui. Thời đó, thi tú tài một phải ra Ðà Nẵng, tú tài hai ra Huế. Thế nên bọn học trò đệ nhất chúng tôi kéo hết ra Huế, theo đúng truyền thống "Học trò trong Quảng ra thi..." Thằng Phùng Ngọc Nhựt, bạn cùng lớp, có người bà con ở Huế, rủ tôi và năm ba đứa nữa ra ở trọ. Nhà trọ nằm sau bến xe Nguyễn Hoàng, trên đường Trần Hưng Ðạo, chỉ cần đi bộ, xuống đò bến Thừa Phủ là qua bên đường Lê Lợi, đến hai trung tâm thi là trường Quốc Học và Trường Ðồng Khánh. Thông thường, một ngày thi hai môn, sáng một môn, chiều môn khác. Thi xong, chúng tôi về ăn uống, nghỉ ngơi hoặc ôn bài, hai giờ qua thi tiếp. Có một thằng, trưa đó nằm ngủ say. Khoảng một giờ, chúng tôi vặn đồng hồ lên ba giờ, rồi trốn hết, chỉ sai một con bé, con chủ nhà đến đánh thức hắn ta "Anh, dậy đi thi. Mấy anh kia đi hết rồi!" Hắn bừng mắt, thấy đồng hồ ba giờ, nhà vắng hoe, hoảng kinh, vùng dậy vơ đại áo quần, cầm trên tay, cứ chân không mà chạy như ma đuổi. Chúng tôi phải chạy theo kêu lại. Chúng tôi thì cười, hắn thì chưởi, mặt từ tái ngắt sang đỏ gay! Nhưng rồi sau đó hắn cũng cười, mừng là không bị trễ giờ đi thi.

Trong phòng thi, tôi ngồi cạnh ông Liêu Công (cùng vần C). Ông ta là giám thị trường Hàm Nghi, tuổi trên năm mươi tuổi. Ông ta bảo, thi tú tài hai gần mười năm rồi mà không đậu vì học hoài mà không nhớ gì cả. Ông cần cái bằng tú tài hai để lên ngạch, trật gì đó, khi về hưu, tiền hưu sẽ khá hơn. Ông ta ngỏ ý xin được cọp dê (copy) bài thi của tôi. Tôi đồng ý với điều kiện. "Bùa" (sách vở) tôi đem vào, ông ta lót dưới đít, không ai thấy. Khi nào tôi cần, ông ta chỉ nhỏm đít lên là tôi sẽ rút ra, tìm bài. Ông ta chịu ngay. Thực ra, tôi cũng thuộc bài, không cần "bùa", nhưng tôi là đứa ba trợn, chẳng sợ gì, hơn nữa ông ta giữ bùa, tôi không phải lo bị bắt. Trong lúc làm bài thi, tôi quên là phải cho ông ta cọp dê, mãi viết bài, khiến ông ta phải chồm qua để nhìn bài của tôi. Vô phước, giám thị thấy dưới mông ông ta một cọc bùa  (sách vở, tài liệu). Vậy là ông ta bị bắt quả tang đem tài liệu vào phòng thi. Tôi thấy ông ta kinh hoàng, khiếp đảm chứ không phải sợ. Mồ hôi ông toát ra như tắm, chân tay run lập cập. Ông ta cứ theo ông giám thị, thì thầm năn nỉ gần như khóc, và được "tha tào". Hú vía! Tôi bảo "Cùng lắm bác thi rớt, như mấy năm trước chứ có chi mà bác sợ dữ vậy?" Ông ta bảo "Thi đậu hay rớt không thành vấn đề. Tôi là giám thị trường Hàm Nghi mà lại gian lận trong phòng thi thì có nước chui xuống đất chứ mặt mũi nào mà đến trường làm giám thị nữa!" 

Nhờ cọp dê bài của tôi, ông ta thi đậu bài viết. Qua vấn đáp, vì giáo giới với nhau, ông ta dễ được giám khảo thông cảm, tệ lắm cũng cho đủ điểm để đậu. Năm đó tôi cũng gặp may. Vô vấn đáp, môn vạn vật, giám khảo nhìn thẻ học sinh của tôi và hỏi "Anh học vạn vật với thầy nào?" Tôi thưa với thầy "Ðồng Ðỏ" (Lúc đó trường Trần Quí Cáp có hai thầy Ðồng, một thầy da ngăm ngăm, học trò gọi là thầy Ðồng Ðen, thầy kia mặt lúc nào cũng hồng như con gái, gọi là thầy Ðồng Ðỏ) Thầy giám khảo hỏi vớ vẩn gì đó rồi bảo "Tôi cho anh bảy điểm. Gặp thầy Ðồng thì nói tôi gửi lời thăm thầy" Tôi cám ơn rối rít. Ði thi được năm điểm là đủ đậu rồi. Hai điểm còn dư, để cứu các môn khác.

Nhờ tôi cho cọp dê bài nên ông Liêu Công thi đậu tú tài hai. Ông ta không cho tôi về Hội An ngay mà giữ lại Huế mấy ngày. Ông ta có một chiếc xe hơi "con cóc", giống như xe ta xi ở Sài Gòn bấy giờ. Chiều nào ông ta cũng đem xe đến chở tôi đi lòng vòng thành phố Huế. Danh lam thắng cảnh, nơi nào cũng đến. Sau đó chở tôi về nhà ông ta. Cao lương mỹ vị dọn lên, chỉ ông ta với tôi ngồi đối ẩm, vợ con ăn dưới nhà. Sau bữa ăn, tráng miệng một mâm đầy nhãn lồng, hái từ cây trồng trong vườn. Nhãn lồng xứ Huế, dày cơm, giòn, ngọt và thơm. Sau bữa ăn, tôi tà tà xơi hết nửa mâm nhãn. Vài hôm sau, mắt tôi đổ ghèn! 

Sau nầy, tôi làm việc ở Huế nhưng tìm nhà ông ta không ra để thăm. Có lẽ "ông cụ" đã về hưu lâu rồi.

Nhân nói chuyện tình yêu, tôi xin kể một trong những mối tình đơn phương của tôi mà đến nay tôi vẫn còn nhớ. 

Năm đó tôi học đệ tam, Trường Trần Quí Cáp. Bấy giờ, vì thiếu phòng học nên một phòng giành cho hai lớp. Buổi sáng một lớp, chiều lớp khác. Tôi học buổi sáng. Là vua trốn học nên thỉnh thoảng tôi và vài đứa nữa, leo cửa sổ, chui rào (Lúc đó trường chưa xây tường) chạy đi chơi. Cứ tưởng tượng chui khỏi rào, đứng nhìn các lớp học lặng trơ, tụi bạn phải trả bài, làm bài, còn mình thì thảnh thơi, mới thấy cái thú trốn học. Chúng tôi thích nhất là đi tắm sông. Bơi lội, hò hét, đùa nghịch cho đến chán thì mặc áo quần, trở lại trường, lại chui rào, vào lớp học tiếp. Thân thể mát mẻ, tinh thần thoải mái, học thêm mấy giờ nữa là tan trường!

Một lần, tôi với thằng bạn trốn học, xuống phía chùa Sư Nữ tắm sông. Ðây là vùng ngoại ô, cách trường   hơn cây số. Khi chúng tôi chuẩn bị lên bờ thì có hai chị đàn bà ôm áo quần xuống bến giặt giũ. Không biết hai chị tâm sự gì mà cứ nói mãi, chúng tôi không thể lên bờ mặc áo quần được. Vì bến sông thuộc vùng quê, vắng vẻ, nên chúng tôi tuy đã học đến đệ tam, lớn rồi, mà vẫn cứ tắm theo kiểu ông Adam, nghĩa là cứ tuột hết đồ ra, nhảy ùm xuống sông, nô đùa đến chán thì lên bờ mặc áo quần vào. 

Vì không thể đưa chim ra trước các bà khi lên bờ, nên hai đứa tôi cứ lội lên, lội xuống mãi cho đến trưa, hai chị đàn bà ra về, mới lên mặc áo quần, vội vả đến trường, thì đã đến giờ của lớp buổi chiều. Sáng hôm sau đi học, thấy trong hộc bàn, sách vở vẫn còn nguyên, nhưng có thêm một mãnh giấy nhỏ, trên đó có mấy câu, chê rằng đi học mà "đút vở bụi tre" (trốn học) không biết xấu hổ. Thấy nét chữ chân phương, tôi đoán là chữ con gái nên để ý xem cô nào đã ngồi chỗ của tôi. Hoá ra đó là cô Lê thị Thanh học lớp đệ ngũ. Cô nầy có chiếc miệng rất xinh với đôi môi mọng, hồng tự nhiên, khi mím lại, dễ thương hết sức, cô được xem như có duyên nhất trường. Tóc cô nhiều, phủ đầy lưng, đôi mắt thông minh, sáng trưng.

Ðược một người đẹp như thế ngồi chỗ của mình, tôi dại gì mà không viết thư bỏ hộc bàn! chẳng phải thư mà chỉ là mãnh giấy nhỏ. Tôi viết bằng tiếng Anh, khi làm thơ tặng cô thì tôi viết tiếng Việt. Tôi học đệ tam, ban C (văn chương) mà tiếng Anh, tôi viết xong, về nhà giở tự điển ra mới thấy trật bậy, trong khi cô học đệ ngũ, trả lời, có những chữ tôi không hiểu! Tôi làm thơ tỏ tình thì cô nói sang chuyện học hành, đại ý muốn cô đọc thơ tôi thì phải chăm học, không được trốn học nữa.

Cứ cách vài bữa, tôi tặng cô một bài thơ, có khi chỉ vài câu, toàn thơ con cóc. Suốt một năm như thế, bầy cóc đó, nếu chép ra, chắc cũng được một tập thơ dày. 

Cô Thanh học rất giỏi, năm nào cũng lãnh phần thưởng nhất lớp, đôi khi còn thêm phần thưởng hạnh kiểm nữa. Năm nào, lễ phát phần thưởng, tôi cũng đến dự để được ngắm cô yểu điệu lên lãnh thưởng. Cô còn nhỏ nên đôi khi ôm phần thưởng lớn, che cả mắt, không thấy đường, tôi rất hồi hộp và thương cô vì sợ cô vấp ngã. 

Hết năm đệ tam thì tôi không còn ngồi chung chỗ với cô Thanh nữa. Nhưng buổi tối, tôi thường đi ngang nhà cô, trước chợ Hội An, để được thấy cô ngồi học ở một bàn nhỏ trong phòng khách. Từ năm đệ nhị, tôi phải gạo bài để thi tú tài, nên tối nào tôi cũng thức khuya. Ðang học bài mà mệt mỏi, tôi buông sách vở, lang thang ngoài đường phố một lúc cho thảnh thơi tâm trí, để về học tiếp. Dù đi đâu, tôi cũng vòng xuống phía chợ, ngang qua nhà cô Thanh một lần. Ðôi khi, đang ngồi học, nhìn ra, thấy tôi, cô đứng dậy, bước ra cửa để tôi được gặp. Chúng tôi chỉ nói vơ vẩn mấy câu, độ năm, mười phút, cô bảo "Về học bài đi! Sắp thi rồi" Nghe thế, tôi ngoan ngoãn đi về, lòng sung sướng lắm, học bài mau thuộc.

Từ năm tôi học đệ tam đến năm đệ nhất, thi xong tú tài hai, tôi và cô Thanh chỉ gặp nhau vào buổi tối, nói với nhau vài câu. Suốt mấy năm, cũng chỉ có mấy câu chào hỏi đó thôi. 

Tôi là thằng ba trợn. Ðánh lộn, trốn học, chọc gái  đủ thứ, vậy mà tôi sợ cô Thanh! Ði ngoài phố, thấy cô từ xa là tim tôi đập như trống trận, nếu ai đi bên cạnh ắt sẽ nghe được tiếng thình thịch. Tay chân tôi luống cuống, người run lên, thở không ra hơi, tâm thần bấn loạn. Khi đến gần, cô nhìn tôi và tặng tôi một nụ cười. Khỏi nói! Lúc đó tôi sướng đến mê người. 

Lúc đó tôi không biết cách nào tỏ tình, hơn nữa tôi xấu trai, mặt có sẹo, lại học dở, không biết ca nhạc, không biết viết văn, làm thơ nên chẳng đáng để cô quan tâm. Cô thì còn nhỏ, khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, chưa biết gì. Cô xem tôi như bạn hay người anh, nên hai đứa không tiến thêm một chút thân tình nào. Có duy nhất một lần. Một buổi tối, tôi đến để từ giả cô vào Sài Gòn học đại học. Cô ra cửa, đứng cạnh tôi. Vô tình, tay cô chạm vào tay tôi. Chạm nhẹ thôi, vậy mà tôi lại nghĩ, đó là cô ban cho tôi một chút cảm tình, ưu ái nên tôi nổi hứng, tối đó, tôi về, thức trắng đêm, sáng tác ngay một bức "tình thư", năm bảy trang. Chắc là ướt át, mê ly lắm! Tôi gửi cho cô. Cô đưa lá tình thư của tôi cho gia đình và bạn bè đọc. Sau khi mọi người nghiên cứu, bình luận chán chê, cô Thanh trả lại cho tôi bức tình thư. Thú thật tôi không còn nhớ mình viết những gì? Nếu nhớ, tôi kể ra đây để bạn cùng thưởng thức.

Ðọc đến đây, chắc bạn đã chán ba chuyện yêu đương lẩm cẩm của tôi rồi. Tôi xin kể qua chuyện tôi về lại Hội An, vào năm 2001, sau mấy chục năm xa thành phố cổ đó. 
            
Tôi từ Mỹ đi máy bay về Sài Gòn, rồi đón xe về Hội An.

Hội An vẫn thế, nhưng nó đã mất cái hồn, mất cái tình đối với tôi rồi. Tôi như người ngoại quốc đến một xứ lạ, cứ lơ ngơ, nghiêng ngó mà không gặp được một người quen. Trước giờ vẫn thế. Tuổi trẻ Hội An, lớn lên là như con chim xa tổ. Ðứa nào cũng nghĩ đến một phương trời khác, thế là chúng đi biệt. Sau năm bảy lăm, đổi đời, chúng bay còn xa hơn, đến cả phương trời tây. Ðứa bị kẹt lại cũng tìm cách ra khỏi Hội An. Vô Sài Gòn, ra Ðà Nẳng, chí ít cũng Tam Kỳ, Tiên Phước...

Buổi tối, ngay hôm về lại Hội An tôi lang thang qua các con phố cũ. Về khuya, mọi người đều rút vào nhà. Ðường phố hẹp, vắng tanh trong ánh đèn vàng vọt, khiến con đường thêm âm u, hun hút như đường hầm. Tôi vòng xuống ngã chợ, nơi nhà cô Thanh. Vẫn mái hiên nơi cô và tôi thường đứng chuyện trò, nhưng cô không còn ở đó nữa. Tôi ra ngồi trên bờ sông lộng gió, lắng nghe tiếng sóng vỗ tí tách và nhìn giòng sông tối đen. Giòng sông mà các ông thi sĩ gọi là "giòng sông tuổi thơ", đã hoàn toàn xa lạ. Cậu học trò năm xưa, tâm hồn trong trắng, tự tin nay đã thành một người lớn tuổi, chán ngán sự đời. Công danh sự nghiệp như phù vân. Ngẫm lại, chỉ thấy thời đi học là thần tiên hơn cả. 

Tôi về lại Sài Gòn, tìm thăm một người bạn, tên Châu Ðình Khôi, là anh rể của cô Lê thị Thanh. Anh ta  cho biết cô Thanh, nay đã là góa phụ (chồng chết), có hai con, học hành nên người. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm cô. Người bạn đưa tôi đến nhà cô, gần ngã tư Bảy Hiền.

Chúng tôi vào nhà cô. Cô đứng lên, bước tới, nhìn tôi và cười. Thật kỳ lạ! Ðã bao nhiêu năm mà cô vẫn không thay đổi. Môi cô vẫn hồng, mắt vẫn sáng, thông minh. 

Mục đích tôi đến thăm là để xin lỗi cô về những bài thơ, câu thơ và cả bức "tình thư", đã làm phiền cô. Vì lúc đó cô còn nhỏ quá, học đệ ngũ, khoảng mười bốn, mười lăm, đâu biết gì! Thế nên tôi mới nhắc chuyện cũ. "Thanh còn nhớ? Lúc Thanh học đệ ngũ, anh học đệ tam. Hai đứa ngồi cùng một chỗ, anh thường viết cho Thanh, để trong hộc bàn..." Cô cười "Anh để trong hộc bàn còn quí! Có khi lấy phấn vẽ mũi tên, chỉ lòng vòng, chỗ nầy, chỗ kia, nhét dưới chân ghế, chân bàn, làm Thanh phải đi tìm" "Anh còn làm thơ con cóc..." Cô nhìn tôi "Ðể đó mà con cóc! Thanh không quên đâu! Anh gửi cho Thanh những câu như thế nầy...Và những câu nầy nữa..." Cô đọc mãi, đọc mãi, những câu thơ ngô nghê của tôi.                             

Ðúng là thơ con cóc!                                                             

Ôi! Cả một bầy cóc, ngày xưa, tôi đã gửi cho cô!

PHẠM THÀNH CHÂU