Sunday, October 9, 2022

2620. Phạm Cao Hoàng CÂU CHUYỆN VỀ BẢN DI CẢO TRUYỆN NGẮN “LẠNH ĐÊM THÂU” CỦA NHÀ VĂN DOÃN DÂN



Nhà văn Doãn Dân sinh năm 1938 tại Nam Định. Lớn lên trong thời chiến, ông vào quân đội, được điều động qua nhiều đơn vị và đơn vị cuối cùng đóng ở Quảng Trị. Ngày 29 tháng 4 năm 1972, trên đường di chuyển từ Quảng Trị vào Huế, ông trúng đạn pháo kích và qua đời, để lại vợ và 5 người con gái, lớn nhất là Trần Doãn Thúy Khanh, lúc ấy mới 11 tuổi. Khi đã trưởng thành, năm người con gái cùng mẹ là bà Vũ Thúy Mão cố gắng tìm kiếm những tác phẩm của Doãn Dân. Nhờ duyên lành và nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhà văn Trần Hoài Thư, nhà văn Lê Văn Trạch, nhà thơ Như Thương và kiến trúc sư Nguyễn Đình Hiếu, gia đình nhà văn Doãn Dân đã tìm được gần đủ các tác phẩm của ông và in thành TUYỂN TẬP DOÃN DÂN vào cuối tháng 4 năm 2022. Trong lời bạt của tuyển tập, Trần Doãn Thúy Khanh viết:


Từ bé, tôi biết bố tôi là một người viết văn, bởi vì còn nhớ có lần bố tôi cầm tác phẩm mới xuất bản của ông là “Chỗ Của Huệ” và ông không hài lòng, vì nhà xuất bản đã sắp chữ sai, Chữ Huệ  lại để dấu nặng vào chữ U chứ không phãi chữ Ê là viết sai chính tả. nhưng hoàn toàn chưa bao giờ được đọc tác phẩm của bố. Gia đình ngày xưa có giai phẩm Văn lúc đó do Nguyễn Xuân Hoàng làm thư ký tòa soạn, xuất bản năm 1973 số Tưởng Niệm Doãn Dân, cuốn đó phát hành một năm sau khi cha tôi mất. Ở nước Mỹ, mẹ tôi và  5 chị em gái nhiều lần trò chuyện, suy nghĩ và tìm kiếm nhưng hoàn toàn không tìm thấy một manh mối nào về tác phẩm của cha mình. Một tình cờ chồng tôi  là một người Mỹ gốc Đức lại yêu mên một cách kỳ lạ văn chương Việt Nam, ông ta đã từ một cơ duyên nào đó đem về cho tôi cuốn Thư Quán Bản Thảo số tưởng niệm nhà văn Doãn Dân, mà hình ảnh chân dung là nét vẽ phác thảo của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Nhưng lúc đó tôi chưa liên lạc được với chú Trần Hoài Thư, dù tôi vẫn nhớ chú là bạn thân của cha tôi, đã đến chơi với gia đình tôi ngày xưa. Một lần khác, khi lên Youtube, có một kênh của Tám Tình Tang, tôi dược nghe một bài viết về cha tôi, tôi vui mừng liên lạc nhắn tin và xin gặp. ông Tám Tình Tang cho tôi số điện thoại liên lạc với tác giả là chú Lê văn Trạch, từ đó tôi mới biết bài viết đó chú Trạch viết và đăng trên báo KBC số tháng 8 năm 2020. Chú Trạch lại là người đã gặp cha tôi hai ngày trước khi ông từ trần. thời mùa hè đỏ lửa 1972, và biết khá rõ ràng cái chết của cha tôi. Từ kết nối đó, chúng tôi liên lạc được với anh Nguyễn Đình Hiếu là người trong ban Biên Tập KBC. Anh Nguyễn Đình Hiếu là người yêu văn chương chữ nghĩa và đã là đọc giả của Doãn Dân từ thời niên thiếu, cảm xúc nhiều trước sự nghiệp và hành trang của một người cầm bút tử trận nên chúng tôi dễ gần gũi trò chuyện. Khi biết được nguyện vọng của gia đình chúng tôi là muốn sưu tập lại các tác phẩm của cha tôi. Anh Hiếu đã chủ động liên lạc, nối kết với chú Trần Hoài Thư, chú Lê văn Trạch, nhà thơ Như Thương để sưu tập hầu hết các tác phẩm của cha tôi, ngoài hai tác phẩm đã in, còn có các truyện ngắn đang rải rác khác khắp nơi, cùng với bài viết của các Văn Nghệ Sĩ viết về cha tôi. Sau đó, anh phân công cho năm chị em chúng tôi chia nhau đánh máy lại, viết cảm xúc của mình về người cha quá cố để hình thành tuyển tập này nhân  50 ngày giỗ của cha tôi. Tôi tin rằng từ nơi xa xôi, cha tôi sẽ rất hài lòng về những điều chúng tôi đã làm cho người, và những tình cảm mà quý chú bác anh chị dành cho cha của chúng tôi".


Cũng vào cuối tháng 4 năm 2022, tại Studio Trương Vũ (Vienna, Virginia), nhóm thân hữu miền đông Hoa Kỳ cùng Trần Hoài Thư, Lê Văn Trạch, Nguyễn Đình Hiếu kết hợp với gia đình nhà văn Doãn Dân tổ chức buổi kỷ niệm 50 năm ngày mất Doãn Dân và ra mắt TUYỂN TẬP DOÃN DÂN. Chuyện năm người con gái cũng mẹ đi tìm tác phẩm của nhà văn Doãn Dân đã làm nhiều người xúc động và yêu mến gia đình tuyệt với này. Những người quen biết với nhà văn Doãn Dân đã liên lạc với gia đình ông, kể cho gia đình nghe những câu chuyện về ông, gửi cho gia đình những tư liệu về Doãn Dân, trong đó đặc biệt nhất là bản di cảo truyện ngắn LẠNH ĐÊM THÂU của Doãn Dân do nhà thơ Trần Huiền Ân lưu giữ trong hơn 50 năm qua, chờ ngày giao lại cho gia đình nhà văn. Và cái ngày mà nhà thơ Trần Huiền Ân chờ trong hơn 50 năm bây giờ đã đến.




Nhà thơ Trần Huiền Ân (Họa sĩ Đỗ Toàn vẽ năm 1971)

 

Tháng 6/2022, Nguyễn Minh Nữu đi Việt Nam và khi về lại Mỹ, anh mang theo bản di cảo.

 

Chiều ngày 8 tháng 10 năm 2022, tại tư gia của cô út Quỳnh Như ở thành phố Haymarket (VA), một buổi gặp gỡ đã được tổ chức để Nguyễn Minh Nữu chuyển giao bản di cảo cho gia đình nhà văn Doãn Dân. Gia đình nhà văn Doãn Dân có mặt đông đủ, chỉ thiếu Trần Doãn Thúy Khanh ở xa không về được. Nghe tin có buổi gặp gỡ này, mặc dù sức khỏe đang không được tốt, Trần Hoài Thư từ New Jersey bay sang tham dự. Khách mời tham dự còn có họa sĩ Trương Vũ, Phạm Cao Hoàng và nhân vật không thể thiếu: Nguyễn Minh Nữu, người mang di cảo từ Việt Nam về.


PCH   Trương Vũ   Trần H. Thư   Ng. M. Nữu   Kim Mai   Cúc Hoa
và bà Doãn Dân

Nhà văn Nguyễn Minh Nữu trao di cảo cho bà Doãn Dân
 

Đôi tay run run, bà Doãn Dân xúc động cầm bản di cảo, nhìn lại nét  chữ thân thương quen thuộc của chồng. Bốn người con gái cũng không ngăn được dòng nước mắt khi nhìn thấy những dòng chữ viết tay của bố.  


Trang đầu bản di cảo truyện ngắn LẠNH ĐÊM THÂU

Kèm theo bản di cảo là lá thư cùa nhà thơ Trần Huiền Ân cho biết cơ duyên nào giúp ông có được bản di cảo này.


Những năm ấy, phong trào văn nghệ tại Miền Trung khá mạnh. Nhiều tỉnh, anh em chung tay xuất bản tạp chí. Ở Tuy Hòa, tôi và Phan Việt Thủy, Mang Viên Long ra tờ Hiện Diện, được bạn bè trong nước ủng hộ. Số tháng 12/1969, có đăng thơ của Trần Hoài Thư, Thành Tôn, Phạm Cao Hoàng, truyện của Y Uyên, Lữ Quỳnh, truyện dịch của Nguyễn Kim Phượng, tản văn của Võ Hồng. Số tháng 1/1970, có đăng thơ Luân Hoán, Phạm Ngọc Lư, truyện của Doãn Dân, truyện dịch của Nguyễn Kim Phượng… và nhiều bạn khác. Tôi trực tiếp lo việc bài vở, liên lạc với các bạn và trông nom việc ấn loát tại nhà in Đồng Nhân. Khi “thu dọn” bản thảo, truyện LẠNH ĐÊM THÂU của Doãn Dân còn đủ trang, tuy bị lem luốt và nhàu nhè, tôi đem về. Lúc đó, chỉ giữ vì là bản thảo của bạn mình thôi. Khi Doãn Dân qua đời, tôi mới thấy đây là vật quí, vì Doãn Dân chỉ viết một bản, đưa cho tôi, tôi là người độc quyền lưu giữ, mới đem ra xếp lại, là cho thẳng, đặt vào phần “kỷ vật”. Hơn 50 năm trôi qua. Theo thời gian, di cảo này sống bên tôi luôn hoài niệm rằng một phần của Doãn Dân ở đó. Nay trong duyên lành, tôi trao lại cho gia đình Doãn Dân (chị Mão và các cháu). Tôi rất vui. Những người nhận chuyển tiếp là Huy Bảo và Minh Nữu đều là người tin cậy để tôi được yên tâm.


Đường dài, cách trở biển khơi.
Tin rằng di cảo đến nơi vẹn toàn.
 
Tuy Hòa, 15/5/2022


Trần Doãn Thúy Uyên đọc lá thư của nhà thơ Trần Huiền Ân
cho mọi người cùng nghe

Bản chụp lá thư của nhà thơ Trần Huiền Ân

 

Bà Doãn Dân gửi lời cám ơn đến nhà thơ Trần Huiền Ân, nhà văn Nguyễn Minh Nữu về việc lưu giữ và mang kỷ vật quí giá này giao lại cho gia đình bà. Trong lời phát biểu ngắn gọn, họa sĩ Trương Vũ bày tỏ sự cảm phục về tấm lòng của bà Doãn Dân và năm người con gái dành cho chồng, cho cha.

 

Câu chuyện nhà thơ Trần Huiền Ân giữ gìn bản thảo truyện ngắn LẠNH ĐÊM THÂU của nhà văn Doãn Dân trong hơn 50 năm, chờ ngày giao lại cho gia đình bạn mình là như vậy. Vượt qua nửa vòng trái đất, bản di cảo giờ đây đã đến Haymarket và được đặt trên bàn thờ của nhà văn Doãn Dân. Một câu chuyện thật đẹp chỉ có ở những người sống đẹp.


Bản di cảo được đặt trên bàn thờ nhà văn Doãn Dân

PHẠM CAO HOÀNG

Virginia, 9 tháng 10.2022